Phân tích bài thơ "Chiều tối" - Hồ Chí Minh

“Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh, được đào tạo trong lò hun đúc của Lê-nin mà vẫn mang cái tinh anh của Nguyễn Trãi, Văn Thiên Tường,…”

                                                                                               (Xuân Diệu)

     Đó là những lời chân thành nhất mà nhà thơ Xuân Diệu đã dành cho một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Hồ Chí Minh – tập thơ “Nhật kí trong tù”. Hồ Chí Minh, ngoài vai trò của một người chiến sĩ cộng sản, một người lãnh đạo quân sự, chính trị tài ba, Người còn là một nhà văn, nhà thơ xuất sắc. Sự đặc sắc, tiêu biểu của thơ văn Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc phơi bày và tố cáo tội ác của thực dân – đế quốc, bộc bạch tấm lòng với Tổ quốc và dân tộc mà còn thể hiện qua việc bày tỏ một khí phách, một con người mang cái trữ tình của nhà thơ nhưng cũng mạnh mẽ như người chiến sĩ. “Chiều tối” chính là bài thơ đã thể hiện thành công hai khía cạnh con người Hồ Chí Minh vĩ đại, góp phần làm nên thành công cho cả tập thơ.

       Hồ Chí Minh (1890 – 1969), tên thật là Nguyễn Sinh Cung, là nhà cách mạng và danh nhân văn hóa thế giới, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho nước Việt Nam. Hồ Chí Minh vốn không lựa chọn nghiệp văn chương nhưng vì tài năng thiên phú và nhận thấy văn chương là thứ vũ khí sắc bén phục vụ cho sự nghiệp cứu nước nên Người đã sáng tác nên những tác phẩm bất hủ như: “Tuyên ngôn Độc lập”, “Đường kách mệnh”… “Nhật kí trong tù” là tập thơ được sáng tác trong năm 1942-1943 – khi người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại Trung Quốc. “Chiều tối” là bài thơ thứ 31 trong tổng số 134 bài, được khởi hứng ở cuối chặng đường chuyển lao từ Tĩnh Tây sang Thiên Bảo. Bài thơ với thể thất ngôn tứ tuyệt cổ điển đã mang những ý nghĩa vô cùng sâu sắc, hàm súc về thiên nhiên và con người, kết hợp với sự hài hòa giữa nghệ thuật cổ điển và hiện đại vốn tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của bài.

       Chúng ta có thể nhận thấy bài thơ được chia thành hai phần rõ rệt. Bút pháp cổ điển đã được thể hiện ngay từ chủ đề của hai câu thơ đầu – cảnh vật thiên nhiên. Chiều tối là khoảng thời gian mà ánh nắng dần tắt đi, chuẩn bị để lại màn đêm bao trùm lấy cảnh vật. Dường như vì thế mà nhà thơ phải ngước nhìn lên trời để có thể nhìn ngắm sự vật giữa cảnh rừng tăm tối:

                                                         “Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

                                                         Cô vân mạn mạn độ thiên không”

       Vì những quy luật nghiêm khắc của thơ Đường cổ điển nên những bản dịch hầu như không lột tả được hết dụng ý của nhà thơ. “Cô vân” ý chỉ một đám mây lẻ loi, cô độc – điều mà bản dịch của Nam Trân đã không diễn tả được qua từ “chòm mây”. Bên cạnh đó, từ “trôi nhẹ” cũng không thể hiện hoàn toàn chính xác trạng thái di chuyển uể oải của đám mây lẻ loi trong  “mạn mạn độ thiên không”. Với một vị trí quan sát từ cao xuống thấp, từ xa trở lại gần, bức tranh cảnh chiều tàn trên đường chuyển lao được Hồ Chí Minh khắc họa qua hai nét vẽ chấm phá nhưng đã thâu tóm được linh hồn của tạo vật. Nét thứ nhất là đôi cánh chim đơn độc trên trời đang tìm chốn nghỉ. Bằng nghệ thuật ước lệ của thơ cổ, nhà thơ đã sáng tạo nên một tín hiệu thời gian qua hình ảnh cánh chim: việc đi tìm nơi trú ngụ của con chim ấy chính là dấu hiệu cho biết trời đã về chiếu, nắng đã nhạt dần đi. Có thể nói rằng, nhà thơ đã lấy ý từ câu ca dao xưa của dân gian:

                                                         “Chim bay về núi tối rồi”

                                                                                               (Ca dao)

       Hay từ vầng thơ nổi tiếng trong những trang “Truyện Kiều”:

                                                         “Chim hôm thoi thót về rừng”

                                                                                               (“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)

       Nhà thơ cảm nhận đc sự di chuyển của cánh chim lẻ loi, phải chăng tác giả đã sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh để cho ta thấy cảnh vật xung quanh rất im ắng, đủ để chủ thể trữ tình cảm nhận âm thanh của con chim vỗ cánh trên trời. Đến nét vẽ thứ hai, Hồ Chí Minh khắc họa một đám mây cô lẻ trên nền trời. Đám mây ấy trôi chậm thật chậm, đến mức nhà thơ tưởng chừng nó đang đứng lửng lơ giữa trời, không buồn di chuyển. Qua đó, nhà thơ đã dùng nghệ thuật lấy điểm vẽ diện, nhấn mạnh đến sự bao la, ngút ngàn của bầu trời nơi ấy: có lẽ chòm mây kia vẫn đang trôi, nhưng vì khung trời quá rộng khiến nó như bị lạc lõng, trơ trọi một mình.  Không chỉ thế, Hồ Chí Minh với dụng ý nghệ thuật sâu sắc đã lấy cái chậm rãi, mệt mỏi của ngoại cảnh để tô đậm tâm cảnh bên trong lòng – một thủ pháp tài hoa nữa của thơ ca cổ điển. Tất cả cho phép ta nghĩ đến tâm trạng của chủ thể trữ tình. Nhà thơ nhận ra sự mệt mỏi của cánh chim hay chính là trạng thái mỏi mệt của bản thân trên quãng đường khổ ải dài dòng? Nhà thơ nhìn thấy sự lẻ loi, cô độc của đám mây hay đó chính là cảnh bơ vơ, lạc lõng giữa chốn khách xa lạ của bản thân? Bằng nghệ thuật đồng nhất, tác giả đã gửi gắm những cảm xúc, trạng thái của mình vào cảnh vật thiên nhiên, Người đang rất mệt mỏi và mong muốn được dừng lại nghỉ chân. Bên cạnh đó, với thời gian chiều tối, chắc hẳn Người còn khao khát được đoàn tụ với gia đình, đồng chí, bè bạn, với dân tộc Việt Nam thân yêu. Tình cảm của Hồ Chí Minh luôn hướng về con người Việt Nam, nhà thơ còn viết bài thơ “Tiễn bạn” như một lời tự nhắc nhở bản thân về trách nhiệm của mình:

                                                         “Ngày đi bạn tiễn đến bên sông

                                                         Hẹn bạn về khi lúa đỏ hồng

                                                         Nay cày đã xong, bừa đã khắp

                                                         Quê người tôi vẫn chốn lao lung”

                                                                                               (Hồ Chí Minh)

       Chỉ với hai nét vẽ đơn giản mà tài hoa, Hồ Chí Minh đã khắc họa nên một bức tranh thiên nhiên thật tĩnh lặng và man mác nỗi buồn. Cảnh vật bàng bạc một vẻ đẹp cổ điển và ẩn chưa bao tâm trạng của chủ thể trữ tình.

       Nếu như hai câu đầu, Hồ Chí Minh viết riêng dành cho cảnh vật thiên nhiên xứ lạ thì đến hai câu cuối, nhà thơ tập trung vào hình ảnh của con người lao động:

                                                         “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

                                                         Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.”

       Cảnh vật trong tứ thơ đã có sự chuyển động, thay đổi. Thời gian dường như đã bước thêm vài bước nữa. Cảnh sắc thiên nhiên giờ đây chuyển sang cảnh sinh hoạt của con người. Góc nhìn của thi nhân không còn bao quát mà như thu hẹp lại tại một thôn xóm nào đó. Và ở bức tranh này, nhà thơ đã sử dụng kết hợp cả bút pháp cổ điển lẫn bút pháp hiện đại – cho thấy sự phá cách trong thơ văn của Người. Qua nghệ thuật gián tiếp của thơ cổ, nhà thơ đã dùng ánh sáng để tả bóng tối. Chữ “hồng” tuy nằm ở cuối bài nhưng chính là nhãn tự của cả bài thơ. Cái “hồng” của lò than nóng đỏ chính là dụng ý nghệ thuật rất đặc sắc của nhà thơ mà Bản dịch của Nam Trân đã không thể hiện được điều này khi đã dịch thừa chữ “tối”. Không một chữ nhắc đến sự tối tăm, chính ánh sáng nhỏ bé của lò than đã làm nhấn mạnh đến cái bóng đêm đang bao trùm xung quanh. Thế nhưng, chỉ cần nhiêu đó ánh sáng thôi đã đủ xua tan đi cái lạnh lẽo, tăm tối của nơi đất khách quê người này. Thông thường giữa một khu rừng hoang vắng vào ban đêm, được nhìn thấy một ngôi nhà dân, được nhìn thấy một người đang sinh hoạt, làm việc, người đi rừng tự dưng có cảm giác bình yên, ấm áp lạ thường. Ở đây, Hồ Chí Minh cũng cảm thấy điều tương tự, có lẽ vì thế mà người thiếu nữ vùng sơn cước kia đã trở thành tâm điểm trong bức tranh của nhà thơ, cũng là điểm mới mẻ so với thơ ca cổ điển vốn chỉ tập trung miêu tả thiên nhiên. Điệp ngữ liên hoàn “ma bao túc”, “bao túc ma” khiến người đọc nghĩ đến chuyển động xoay tròn của chiếc cối xay ngô kia. Những vòng quay ấy được thực hiện bởi một người thiếu nữ, từ đó cho thấy động tác của cô gái thật khỏe khoắn, đúng chất của con người lao động bình dị. Nhìn thấy cảnh vật đó mà khiến cho nhà thơ như ấm lòng, phải chăng Hồ Chí Minh đang đồng cảm và chia sẻ cái niềm vui rất đỗi bình dị của người lao động? Có khi nào nhà thơ đang nhớ lại quê hương Việt Nam cũng có những con người lao động giản dị như vậy? Chắc hẳn niềm khát khao được trở về đoàn tụ bên trong chủ thể trữ tình đang rạo rực hơn bao giờ hết. Cùng với sự vận động của mạch thơ, những suy tư, cảm xúc trong tâm hồn Hồ Chí Minh cũng có thay đổi, biến chuyển. Từ tình yêu bao la cho thiên nhiên, nhà thơ chuyển hướng sang tình yêu dành cho con người lao động bình dị. Qua sự chuyển biến từ tối hướng đến ánh sáng, Hồ Chí Minh như đang khẳng định ý chí và nghị lực của mình: Người luôn hướng đến ánh sáng, có nghĩa rằng Người luôn hướng về cách mạng, hướng về Tổ quốc bằng ý chí, nghị lực vượt khó và tinh thần lạc quan – những phẩm chất tiêu biểu của người lính. Bài thơ mở đầu trong bóng tối và kết thúc bằng ánh sáng, đây thực sự là một kết cấu mới mẻ mà rất đặc sắc, diễn tả được ý chí của nhà thơ – chiến sĩ Hồ Chí Minh.

       Qua bài thơ “Chiều tối”, chúng ta nhận thấy được những điểm đặc sắc trong tài hoa nghệ thuật của thi nhân Hồ Chí Minh. Nổi bật trong toàn bài là sự kết hợp hài hòa giữa hai bút pháp cổ điển và hiện đại, cảnh vật được mô tả chấm phá nhưng vẫn thâu tóm được linh hồn của tạo vật. Tâm điểm của bức tranh không phải thiên nhiên mà là hình ảnh con người lao động bình dị, chất phác. Kết hợp với các biện pháp nghệ thuật cổ điển như lấy động tả tĩnh, dùng điểm vẻ diện,… bài thơ được viết bằng những ngôn từ được chắt lọc và hàm súc, “ý tại ngôn ngoại”. Từ đó, chúng ta nhận thấy được những vẻ đẹp trong tâm hồn của Hồ Chí Minh: một tình yêu thiên nhiên và con người sâu sắc, một tinh thần rất lạc quan và ý chí, nghị lực vượt qua gian khó, thách thức.

       Nói tóm lại, “Chiều tối” không chỉ đơn thuần là một bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp cổ điển mà còn là một bức chân dung khắc họa những vẻ đẹp về phẩm chất của nhà thơ – chiến sĩ Hồ Chí Minh. Bài thơ vừa tiêu biểu cho tài năng của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật, vừa phản ánh được con người của chủ thể trữ tình trong sự hài hòa của cái trữ tình của thi nhân và chất thép mạnh mẽ của người lính. Người cô đơn mà không bi quan, mệt mỏi mà không chán chường bởi vì Người luôn hướng về Việt Nam thân yêu, luôn nhớ về trách nhiệm lớn lao là phải giải phóng đất nước, dân tộc thoát khỏi những đêm trường nô lệ. Xin được đúc kết con người của Hồ Chí Minh trong bài “Chiều tối” qua những dòng thơ đầy cảm xúc của Tố Hữu:

                                                         “Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

                                                         Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh

                                                         Vần thơ của Bác vần thơ thép

                                                         Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #kaytran