[Tiết Hiểu] "Vì sao phải ship?"
Người rảnh đời thường hỏi: "Tại sao lại ship Tiết Hiểu" hay "Có gì để mà ship". Ừ thì câu trả lời gọn gàng đơn giản nhất là Mặc Hương đã thả hint tội gì mà không nhận. Nhưng đó chỉ là một trong những lý do để nhìn nhận hai người họ như một đôi có gian tình. Và dám chắc rằng mỗi người khi thích Tiết Hiểu (hoặc Hiểu Tiết) sẽ có một lý do riêng cho mình mà không cần phải biện hộ với bất kỳ ai. Kiểu như tôi không hỏi tại sao bạn thích xen ngang vào chuyện yêu ghét của thiên hạ, vậy thì bạn cũng đừng bẻ lái vào làn đường của tôi, có tai nạn rồi khóc thì tôi không thèm nghe đâu.
Còn ở đây là lý do của riêng tôi để yêu thích hai người họ. Yêu thích này là dành cho cả hai không phải nhất bên trọng nhất bên khinh. Không phải vì Tiết Dương mới thích Hiểu Tinh Trần hay vì Hiểu Tinh Trần mới thích Tiết Dương. Bởi có lẽ lý do để một CP được xem như OTP của mình đó là khi ta yêu thích cả đôi người ấy chứ chẳng phải riêng ai.
Tiết Dương và Hiểu Tinh Trần, khác nhau như hai mặt âm dương trái cực một đen một trắng. Giống như trời cao và đại dương sâu thẳm, đối diện nhau nhưng tách biệt không thể giao hòa. Ấn tượng của chúng ta về họ đều có nét chung là như thế. Nhưng riêng với tôi hai kẻ này lại như hai bản thể của cùng một con người, tâm hồn đối xứng có một sự tương đồng kỳ lạ và chỉ bắt đầu trở nên khác biệt khi tồn tại trong hai thế giới hoàn toàn trái ngược mà thôi.
Rất lâu trước khi trở thành một Tiết Dương và Hiểu Tinh Trần đối nghịch ở hai bờ chiến tuyến, thì họ là những sinh linh bị bỏ lại bên ngoài rìa xã hội và chẳng thuộc về bất cứ đâu. Hai đứa trẻ mồ côi nhưng con đường họ đi vì sao lại không cùng một lối? Bởi số phận này chỉ cần một bước ngoặc xảy đến thì cả cuộc đời một người cũng theo đó mà đổi thay. Hiểu Tinh Trần được Bão Sơn tán nhân thu nhận làm đệ tử, nuôi dạy trong chốn thâm sơn cùng cốc không nhiễm chút tạp niệm từ thế giới hỗn loạn ở bên ngoài. Quanh năm niệm kinh thư chịu sự giáo dục nặng tư tưởng đạo giáo, cũng là sự bảo bọc tuyệt đối từ sư phụ mới có thể hình thành một Minh Nguyệt Thanh Phong thuần khiết như ngọc mà chúng sinh đem lòng mến mộ.
Và giống như một phép thử cho hai đứa trẻ có cùng một xuất thân, người kia lại giống như đá thô được đặt giữa hồng trần cay nghiệt. Tự sinh tự diệt không có lấy một bàn tay chỉ dạy, thứ kinh thư nào giảng cho hắn biết về luật nhân quả tồn tại trên thế gian? Cũng từng là một tiểu hài nhi nhân chi sơ tính bổn thiện, bụng đói rồi lại ngồi bên bậc thềm ngơ ngác chứ có lừa lọc ăn cắp vặt của ai. Nhưng cũng đứa trẻ đó được miệng đời gán cho ba chữ "ác bẩm sinh". Bẩm sinh nào sẽ lên mầm cái ác nếu không ai đang tâm gieo hạt xấu? Nực cười thay khi ta mù quáng ghét bỏ một con người, đến nỗi quên mất cả những điều cơ bản nhất.
Cả hai người họ chỉ đơn giản là đi theo con đường mà định mệnh đã sẵn lối an bài, người ngự trên đài mây kẻ chơi vơi vực thẳm. Hiểu Tinh Trần và Tiết Dương năm bảy tuổi liệu có khác nhau là mấy? Hay với bất kỳ đứa trẻ mồ côi lạc lõng nào ngoài kia trong cái tuổi thơ đơn độc đó có khác nhau là mấy? Có chăng là khác ở số phận mỗi con người. Hiểu Tinh Trần sẽ không bao giờ biết được cảm giác phải nghĩ đến bữa ăn tiếp theo sẽ tìm ở nơi đâu, chuyện mà có khi một người trưởng thành tự thân kiếm sống mới bắt đầu nghĩ đến, nhưng Tiết Dương đã đối diện với vấn đề sinh tồn đó từ cái tuổi đáng lẽ được cưng chiều trong một gia đình êm ấm. Cũng như Tiết Dương sẽ không bao giờ có một tuổi thơ được dẫn dắt cẩn thận từ quá trình hình thành nhân cách cho đến rèn luyện huyền thuật chốn đạo gia. Có phải sẵn từng là đá thô, chỉ là một được giũa thành ngọc sáng một mãi mãi gai góc lăn lộn giữa thế gian.
Cũng chưa phải điểm giống nhau duy nhất. Tiết Dương và Hiểu Tinh Trần một được nhắc đến là kẻ có chấp niệm điên cuồng không cách nào lý giải, một cũng ngang bướng cứng đầu đến nỗi tu chân giới đâu đâu cũng biết ai là kẻ "tâm như đá tảng". Ngang bướng chứ mới phá thệ xuất sơn mà cãi lời sư phụ, ngang bướng mới rong ruổi qua khắp ba tòa thành để truy lùng hung thủ giúp đỡ một người ngoài mà y không quen biết, và chính vì ngang bướng mới mới dám tự tay móc mắt mình trả bạn mang một thân mù lòa tự mình vân du, cũng dám kết liễu chính mình khi bị dồn đến bước đường không còn gì để mất.
Thật ra so với Tiết Dương, sự cứng đầu của Hiểu Tinh Trần thậm chí còn đáng sợ hơn. Cách mà y giải quyết tất cả những bi kịch mình gặp phải đều theo hướng cực đoan tàn nhẫn nhất có thể. Có lẽ Tống Tử Sâm cũng phải phát hoảng khi nhận ra chỉ vì mình trút giận đoạn tuyệt mà người kia móc luôn cả mắt ra để trả. Cũng như Tiết Dương cũng hoảng không kém vì tưởng đã chiếu tướng được Hiểu Tinh Trần khi dồn y đến bước đường phải thừa nhận mình thua, người ta lại nhấc kiếm lên tự sát. Thật ra ấy mà, cả Tống Tử Sâm và Tiết Dương đều thua Hiểu Tinh Trần. Thua ở cái gì, đơn giản là kẻ nào đau hơn, kẻ nào phải nặng lòng vì đối phương hơn thì kẻ đó thất bại thôi. Hai nước cờ lập tức chiếu tướng cả hai người, bất cứ ai khiến Hiểu Tinh Trần lâm vào đau đớn cuối cùng phải gánh chịu nỗi đau gấp mấy lần như thế. Đạo trưởng có lẽ không hề cố ý đâu, nhưng thật ra y đã thắng tuyệt đối cả hai nam nhân như vậy đó. =]
Lại nói chuyện giống hay khác biệt, Hiểu Tinh Trần và Tiết Dương còn giống nhau ở chỗ có cách nhìn đời lạ kỳ chẳng giống ai. Đạo trưởng có thể tìm ra điểm hài hước trong những chuyện chẳng có chi đáng cười. Như cái ngày gặp Tiết Dương lần đầu tiên ấy, sau khi thiếu niên này choảng nhau một trận cùng bạn thân của mình còn trợn mắt điêu trá đổi trắng thay đen, Hiểu Tinh Trần không hiểu sao bỗng nhiên bật cười cho được. =]]
Trích phiên ngoại Ác Hữu, Mặc Hương Đồng Xú: [...] Hắn vừa nói vừa giơ bàn tay bị quất rướm máu lên quơ quơ. Rõ ràng là hắn đi đập phá quán làm việc xấu trước, bây giờ lại đổi trắng thay đen, lý lẽ hùng hồn, Kim Quang Dao vẻ mặt dở khóc dở cười, nói với hai vị đạo nhân: "Nhị vị đạo trưởng, cái này..."
Hiểu Tinh Trần không khỏi bật cười đáp: "Cũng thật là..."
Tiết Dương nheo mắt hỏi: "Thật là làm sao? Ngươi nói ra xem nào?"
Kim Quang Dao ôn hòa nói: "Thành Mỹ, ngươi tạm im miệng đi." [...]
Lại nói có ai chú ý đến trận cãi vã lần cuối ở Nghĩa thành, Hiểu Tinh Trần đã tranh cãi như thế nào hay không?
Trích chương 41, Ma Đạo Tổ Sư: [...] "Hiểu Tinh Trần không thể tin được nói: "Thường Từ An năm đó làm mất của ngươi một ngón tay, cứ coi như nếu ngươi muốn báo thù, thì cũng chặt đi một ngón tay của hắn là được rồi. Quả thật nếu có hận lắm thì ngươi cứ chặt của hắn hai ngón, mười ngón! Hoặc cứ chặt luôn một cánh tay của hắn cũng được! Tại sao phải giết chết cả nhà? Lẽ nào chỉ một ngón tay của ngươi phải tới năm mươi mạng người đền bù sao?"
Tiết Dương thế mà cũng nghiêm túc ngẫm nghĩ lại, dường như cảm thấy lời y chất vấn rất khó hiểu mà đáp: "Đương nhiên. Ngón tay là của mình, mạng là của kẻ khác, giết bao nhiêu mạng cũng đâu đủ đền bù. Có năm mươi mạng người thôi mà, làm sao đền lại được một ngón tay cho ta?" [...]
Cho những ai chưa nhận ra đoạn tranh cãi này vi diệu như thế nào: Với thân phận một đạo nhân tu đạo, việc tính toán sòng phẳng đến nỗi thay vì lặp lại câu thoại kinh điển "oan oan tương báo đến bao giờ mới dứt..." thì Hiểu Tinh Trần lại chọn cách nói rất có tính bao biện cho Tiết Dương lúc này: "...Cứ coi như nếu ngươi muốn báo thù, thì cũng chặt đi một ngón tay của hắn là được rồi. Quả thật nếu có hận lắm thì ngươi cứ chặt của hắn hai ngón, mười ngón! Hoặc cứ chặt luôn một cánh tay của hắn cũng được!" Thật ra đọc cái đoạn này nói hơi có lỗi nhưng cứ cười mãi. Buồn cười vì cách Hiểu Tinh Trần nhìn nhận chuyện ân oán như có vay có trả, mà quên mất đi luật nhân quả là dù có đòi cả lãi cũng không thể thay đổi được những gì đã xảy ra. Còn buồn cười hơn vì y ném đi luôn cả cái cơ bản trong đạo giáo là để mọi thứ thuận với tự nhiên mà xông xáo bảo với Tiết Dương thôi thì chặt một cánh tay cũng được mà. Như thể ừ chặt một cánh tay rồi em cũng chẳng trách anh đâu sao anh phải giết cả nhà người ta làm gì. Đáng lẽ với một đạo nhân chính hãng thì Hiểu Tinh Trần phải đặt luôn vấn đề dẹp thù dẹp hận rồi thông não thằng bé như Naruto đã làm với Sasuke ấy. Đằng này chất vấn mà hơn phân nửa là hàm ý bao biện thì chẳng trách chồng nó cãi tay đôi với mình như chém chả.
Như thế mới phải nói Tiết Hiểu khác thì khác chứ giống cũng rất giống. Y hệt hai đứa trẻ không được phát triển toàn diện nên vừa tài năng nổi bật ở điểm này nhưng lại khiếm khuyết một mảng thật lớn ở điểm kia. Tiết Dương là một tâm hồn bị xã hội bóp méo không thể nhìn thấy được ý nghĩa của lương tri hay niềm tin và sự công bằng, trong khi Hiểu Tinh Trần là một tâm hồn thanh sạch nhưng khiếm khuyết sự từng trải và cố chấp tin tưởng vào thứ công lý mà y được chứng kiến từ nhỏ đến lớn, trong cái bầu trời nhân sinh quan be bé của mình. Cả hai người họ chỉ thấy những thứ mà số phận đã hướng cho họ thấy, bướng bỉnh tin vào nó và cho rằng góc nhìn của đối phương là sai lệch. Nhưng kỳ thực cả hai người đều đúng, chỉ tiếc là những điều họ biết vẫn chưa đủ mà thôi. Chính vì thế tuy nói trận tranh cãi đó vừa ngược vừa máu chó chứ tôi thấy nó hơi giống cách trẻ con khư khư bảo vệ niềm tin của chính mình. =] Nếu nói ngây thơ, cả hai đều còn ngây thơ lắm. Nếu nói ngu ngốc, thì cũng chính là cả hai. Tổn thương lẫn nhau rồi bức nhau đến đường cùng.
Không phải Tiết Dương là kẻ duy nhất chơi bướng trong trận này, chính Hiểu Tinh Trần quả thực cũng cố chấp bức hắn đến mức chạm tự ái. Nếu muốn một trận sống mái đồng quy vu tận thì ngay từ đầu cứ chiến đến cùng đi, vì sao đâm rồi còn bỏ dở? Đừng mang Tử Sâm ra làm cái cớ để Hiểu Tinh Trần không dám ra tay, tội nghiệp anh. Bởi nếu dám ra tay với Tiết Dương thì Hiểu Tinh Trần có thừa cơ hội từ lúc hắn bước vào trong nhà rồi. Căn bản đâm cũng đâm xong, người kia trong tay không tấc sắt, chính miệng Hiểu Tinh Trần cũng cự tuyệt không muốn nghe hắn giãy bày chuyện xưa, vậy thì hà cớ gì còn nán lại lâu la như vậy? Tiết Dương đâu ép Hiểu Tinh Trần phải nghe, y cũng cự tuyệt rồi còn cứ nghe đấy thôi. Hai người này rõ ràng muốn vờn nhau đến mệt còn đổ thừa cho ai được nữa. Một kẻ bị thương không vũ khí tự vệ mà mở miệng là khiêu khích một người đang mất bình tĩnh còn cầm kiếm trong tay, lại bảo không giống đang thách thức nhau đi. Em dám giết anh không? Dám hay không dám? =] Ý đồ cũng kém gì một kẻ điên muốn tự sát đâu. Trong khi kẻ còn lại đã biết hắn đang được đà nói những lời công kích tổn thương mình còn cố gân cổ cãi lại từng chút một, dù thật ra đơn giản ấy mà, là sẵn tay cầm kiếm thì cứ đâm cho hắn một nhát trả thù gọn gàng hết việc luôn đi. Đấy, bướng bỉnh một đôi, cứng đầu một đôi, không ai chịu ai. Ngươi bức ta muốn ta thua? Được, vậy ta tự sát. Chiếu tướng, Tiết Dương thua toàn tập. =]
Cho nên mới nói, nếu mọi người ship họ vì sự đối lập ở bề nổi, với tôi là ship họ vì sự tương đồng trong bản chất của cả hai. Ngoài những dẫn chứng rất đau đầu trên, sự tương đồng còn nằm ở những chi tiết ngọt ngào như khi một người pha trò một người nhìn ra ý khôi hài mà bật cười theo vậy. Không phải ai cũng có thể cùng nhau đùa giỡn, điểm hài hước của mỗi người cũng rất khác nhau. Có người chỉ nói một câu cũng khiến ta cười được, nhưng có người bày đủ trò tiêu khiển ta vẫn thấy nhạt toẹt đấy thôi. Hiểu Tinh Trần dễ cười, nhưng có phải ai cũng biết được điều này đâu? A Thiến vì sao biết? Đơn giản vì sống cùng mái nhà có Tiết Dương ở đó. Nói A Thiến và Tiết Dương đều biết Hiểu Tinh Trần dễ cười, chẳng bằng nói Hiểu Tinh Trần thật ra rất dễ cười với Tiết Dương. Mà thật ra, đã cười với nhau ngay từ cái ngày gặp gỡ lần đầu ở Lan Lăng rồi. Lại nói vì sao mà một đạo trưởng tưởng nghiêm nghị thanh cao lại sẵn sàng chơi trò rút nhánh cây đi chợ của một thằng ất ơ dù biết thừa nó cố ý kiếm chuyện được chứ? Đương nhiên là vì Hiểu Tinh Trần thích thế, thích được hắn trêu đùa, thích những trò trẻ con không đầu không đuôi của hắn.
A Thiến nhìn vào đảm bảo nghĩ hai người có bị thần kinh không chứ cô nương đây chả thấy có cái gì vui cả. Nhưng đấy, chuyện hai người chỉ hai người là hiểu được với nhau, cũng như những nụ cười và những giọt nước mắt họ đã dành cho nhau đó. Yêu một người hẳn là thứ tư vị như vậy, có ngọt ngào tưởng chừng như bất tận và cũng có đắng cay của hiện thực phũ phàng. Tâm hồn tương đồng đến bao nhiêu, lại cự tuyệt chạm đến nhau vì khoảng cách của hai số phận xa xăm như bách chuyển thiên hồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top