[Tiết Hiểu] Quá nhiều kỳ vọng, quá nhiều thương đau

Quá nhiều kỳ vọng, quá nhiều thương đau

Ta vẫn thường nói về cái kết bi thảm của phần Thảo Mộc cùng những gì mà Tiết Dương và Hiểu Tinh Trần đã cùng nhau đánh mất, vẫn thường chỉ ra nguyên nhân trực tiếp cho mọi bi kịch là từ Tiết Dương. Nhưng đôi khi ta quên mất rằng nếu người chơi thua nặng trong một ván cược, thì ngoại trừ những yếu tố khách quan, đó còn là vì họ đã đặt vào cuộc chơi đó quá nhiều.

Trước khi nói vào luận điểm chính thì phải lan man đôi dòng thế này. Trên hành trình vấp hàng tá lỗi ngụy biện của những cô em antifan kỳ cựu thì kết luận ẩu là lỗi ngụy biện phổ biến nhất. Cụ thể như quy kết đối phương victim-blaming khi có lời bàn luận về nhân vật Hiểu Tinh Trần. Điều này cũng là một trong những lý do khiến tôi không mấy hứng thú với việc phân tích về nhân vật công khai như trước đây nữa, mặc dù Mặc Hương đã nói rõ rằng người đọc có thể lý giải theo cách họ muốn. Vậy ở đây vì sao phải rào trước về vấn đề này, vì việc đánh giá những hành vi có tác động trực tiếp đến kết cục của một nhân vật chịu cảnh bi thảm như Hiểu Tinh Trần là chủ đề nhạy cảm dễ bị cáo buộc là victim-blaming. Kẻ khác có thể sẽ cắt lời bẻ ý để hướng bài viết của tôi đi theo ý họ (điều mà mấy bé antifan hiện giờ đã quay về với ghế nhà trường rất chăm chỉ làm vào những dịp nghỉ hè), vì vậy phải khẳng định trước một câu đơn giản: Trên quan điểm bất di bất dịch của tôi, Tiết Dương thân phận chính là một tội phạm. Hung thủ của rất nhiều vụ thảm sát dù trực tiếp hay gián tiếp. Hiểu Tinh Trần thứ nhất chịu sự bạo hành về tinh thần dẫn đến tự sát, thứ hai cũng là một trong số những nạn nhân có cái kết bi thảm nhất của Tiết Dương.

Chính vì với tôi những điều này vô cùng rõ ràng, vậy nên tôi rạch ròi trong việc phân tích, cũng không bi lụy hóa hình tượng của Tiết Dương. Tôi xem đứa trẻ năm 7 tuổi là một nạn nhân đáng thương của xã hội; người thiếu niên 15 tuổi là một tội phạm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những gì nó làm; và những gì người đàn ông 27 tuổi sau này đơn độc ở Nghĩa thành gánh chịu, chính là hình phạt thích đáng dành cho anh ta. Với Tiết Dương chính là như vậy, với Hiểu Tinh Trần cũng thế. Dưới góc nhìn của tôi, anh ấy không phải 'thánh mẫu' hay 'hoàn thiện' và 'thuần khiết',không chỉ là một pho tượng thập toàn thập mỹ chân chính hướng đến công bằng và lương thiện. (Đây với tôi, nếu hình tượng anh ấy trong mắt bạn khác biệt với cách tôi nghĩ, bạn nên giữ lấy nó thay vì bối rối xem cái nào mới là đúng. Tôi không cho rằng phải có một khuôn mẫu nhất định trong việc phân tích một nhân vật hay tác phẩm văn học. Sự đa dạng trong cách nhìn của độc giả làm nên giá trị của thứ nghệ thuật dưới ngòi bút nhà văn.)

Anh ấy là một con người không hoàn hảo, và những khiếm khuyết lẫn sai lầm anh mắc phải trên con đường trải nghiệm đầy chông gai của mình làm nên phần nào vẻ đẹp rất riêng của Hiểu Tinh Trần. Nó khiến anh khác xa các vị đạo trưởng trang nghiêm ôm lấy những quy tắc để sống và rồi lại sa ngã vào chính những thứ bản thân luôn một mực né tránh. Giữa lối mòn và đường đá chông gai, anh sẽ chọn mạo hiểm. Giữa lề thói quy chuẩn và cơ hội chạm đến những tư tưởng mới, anh sẽ chọn được hiểu biết nhiều hơn. Điều này thể hiện nhiều qua những chi tiết đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Hiểu Tinh Trần như phá thệ xuất sơn, đối đầu với Kim gia, và sống cùng một người "không quen không biết." (Tất nhiên ngoài Tiết Dương ra, A Tinh cũng là một cô bé anh không quen không biết. Nhưng ở đây nói đến việc trước sau, thì A Tinh vẫn là nhân vật cùng anh lang bạt trên hành trình vân du trước khi Tiết Dương xuất hiện.)

Ở đây chúng ta chỉ nói đến những mặt tiêu cực đã đưa anh đi đến một thảm trạng không thể tệ hơn - Cái chết. Như ở trên đã nói, tôi ý thức rất rõ ai là người chủ động mang bi kịch đến với Hiểu Tinh Trần, nhưng tại đây cái bàn đến chính là điều gì ở Hiểu Tinh Trần đã dẫn dắt anh vào sự kiểm soát của Tiết Dương hay biến chính mình thành con mồi vừa miệng trong tay hắn. Điều này không phải để kết luận Hiểu Tinh Trần phải chịu trách nhiệm cho những gì Tiết Dương đã làm, nói thẳng để không vị nào bẻ lời của tôi. Mà là để hiểu hơn về con người anh, những góc nhỏ trong tâm hồn của vị đạo trưởng vốn rất "người" nhưng lại bị thần thánh hóa theo hướng mà fan nữ muốn tưởng tượng ra.

Điều đầu tiên hiển hiện rõ ràng trong những sai lầm của Hiểu Tinh Trần chính là sự cố chấp. Thật buồn cười khi ta chán ghét ai đó đến cùng cực nhưng đối phương lại mang những đặc điểm quen thuộc phản chiếu con người của chúng ta. Với Tiết Dương và Hiểu Tinh Trần, sự tương đồng trong bản tính cố chấp quả là một loại duyên phận trái ngang đến ngỡ ngàng. Nếu nói Tiết Dương đầu cứng như khối gỗ thì Hiểu Tinh Trần cũng thuộc hàng đá tảng chứ kém cạnh bao nhiêu. Chấp nhất với mục tiêu để đạt được điều mình muốn là một chuyện, nhưng cố chấp khư khư với quan điểm của mình để rồi khi quan điểm ấy đổ vỡ cũng theo nó sa ngã xuống đáy vực không lối về là một chuyện khác. Nếu không cùng Tiết Dương tranh cãi một cách ấu trĩ, nếu không cố gắng truy cầu một câu hỏi không thể có lời giải, có thể anh vẫn còn cơ hội để sống mà trốn chạy khỏi hắn. Đến thời điểm nào rồi nhưng "Bao nhiêu năm qua ngươi ở bên cạnh ta là muốn làm gì?" còn quan trọng hơn việc đưa đứa bé vô tội cùng mình chạy trốn. Hay đã tận mắt chứng kiến sự tàn độc vô nhân tính của Tiết Dương vẫn ngây ngô hỏi hắn vì sao phải giết năm mươi mạng người cho một ngón tay, thậm chí là đưa ra giải pháp giả dụ "...Cùng lắm chặt một bàn tay hay cả cánh tay của hắn là được rồi." Một kẻ không hiểu được bản chất của luật nhân quả lại cùng hiện thân của quả báo tranh cãi về phương pháp trả thù "hợp tình hợp lý" hơn, anh không cứng đầu, ai cứng đầu thay anh? Sự ấu trĩ ngang bướng của Hiểu Tinh Trần chính là đáng thương mà đáng yêu như thế.

Cố chấp không kém gì kẻ thù của mình, chỉ tiếc lại thua hắn vì lòng tin quá lớn. Nên nói rằng tôi không cho rằng người đặt cược thật nhiều niềm tin của mình vào ai đó, điều gì đó là ngây thơ. Vì vậy với tôi Hiểu Tinh Trần cũng không vì ngây thơ mà tin tưởng từ Tống Lam, Thường Bình, A Tinh hay Tiết Dương trong hai năm họ sống cùng nhau. Nhưng sự tin tưởng đó lại mang về những hậu quả quá sức chịu đựng của anh. Kỳ vọng vào tình tri kỷ, không đổi về cho anh cái gọi là hoạn nạn có nhau; kỳ vọng vào luật nhân quả, gieo mầm tốt cũng không mang lại cho anh lòng biết ơn của Thường Bình; kỳ vọng vào sự hướng thiện của trẻ thơ, cũng không cản được những lời nói dối của A Tinh; hay đơn giản là kỳ vọng vào chân tâm con người, cũng không cảm hóa được một Tiết Dương anh tự tay cứu sống.

Lòng tin và sự kỳ vọng đòi hỏi ở bản thân người cho đi một nguồn năng lượng rất lớn, đảm bảo anh có thể chịu được nỗi đau của việc thua cược, những mất mát tổn thất từ tinh thần đến thể xác. Những bài cũ đã nói qua Hiểu Tinh Trần hẳn phải can đảm lắm mới đặt hết lòng tin của mình vào con người như vậy, nhưng cũng phải nói điều này còn thể hiện rằng anh vẫn chưa hiểu được hậu quả nhận về còn có thể phát triển đến đâu.

Con người ta đau khổ vì muôn điều vạn chuyện va vấp phải trên đời, sự nghiệp, tình cảm, gia đình, bản thân... Ta nói lên được ti tỉ những lý do dẫn đến sự thất vọng mà mình phải đối mặt, nhưng lại không nghĩ đến bản chất của sự thất vọng, chính là vì đã kỳ vọng quá nhiều. Hiểu Tinh Trần đặt kỳ vọng quá lớn, hoặc với anh đó là cái giá vừa phải anh có thể cho đi, và với cái giá này ai cũng có thể dễ dàng đáp lại kỳ vọng của anh tương tự như thế. Có thể anh không nhận ra trong cái tu chân giới nhiễu nhương khó tìm lấy chân tình, thì cái giá anh đưa ra cho họ là quá đắt. Tống Lam trách anh liên lụy, anh dùng cả đôi mắt để đền lại; Tiết Dương hại anh giết bao mạng người, anh dùng đến mạng mình mà hoàn trả. Khi chứng kiến Hiểu Tinh Trần dùng những cách này để đối mặt với nợ nần trong đời, ta cho rằng anh thật quá thánh mẫu vì nghĩa vong thân mà lại không nhận ra, anh căn bản là sống vô cùng sòng phẳng giữa một thế giới mà con người chèn ép nhau từng chút một để có được cái giá hời nhất cho mình. Cuộc đời bi kịch này khi đứng ở địa vị của Hiểu Tinh Trần mà nói, chính là kỳ vọng quá nhiều, trả lại bấy nhiêu.

Nếu không quá đặt nặng vào một tình bạn mà bản thân anh kỳ vọng hoạn nạn có nhau, thì anh đã có thể chọn một giải pháp tích cực hơn là dùng mắt trả bạn. Nếu không kỳ vọng vào sự lương thiện của con trẻ, lời nói dối về đôi mắt mù của A Tinh cũng không là một nhát dao vào lòng tin của anh. Hay nặng nề nhất là nếu không kỳ vọng vào mối quan hệ nặng ân nghĩa và những kỷ niệm cùng chung sống dưới mái nhà tranh với người thiếu niên ấy, làm sao phải cố chấp với những câu hỏi "vì sao", để rồi đối phương chỉ dối giả để lại một lời "chắc là bởi vì chán".

Nỗi thất vọng này đưa anh đến sự cố chấp muốn truy vấn đến cùng một kẻ đã không còn lương tâm hay con đường cứu vãn. Hơn ai hết anh phải là người hiểu rõ nhất Tiết Dương thì không thể nào sửa sai, nếu có thì năm xưa Hiểu Tinh Trần đã không đưa hắn đến Kim Lân đài yêu cầu phải trừng phạt thích đáng. Nhưng cái ký ức về người thiếu niên vô tư của hai năm ấy đan cài vào hình ảnh kẻ sát nhân tàn độc trước mặt mình đã mang đến một loại thất vọng khó mà chấp nhận với Hiểu Tinh Trần. Chính vì không chấp nhận nổi nên mới phải truy cứu trong vô vọng, hỏi hắn những điều có thể từ sâu trong tiềm thức đã nhận ra câu trả lời. Kết cục anh nhận về không thiếu bàn tay nhuốm máu người của hắn. Nhưng có phải chính bản thân anh cũng hiểu rõ, khi hấp hối trong nỗi tuyệt vọng không còn lối thoát ấy, phải đối mặt với sự dằn vặt cho niềm tin và kỳ vọng mình mà đã hoang phí vào những mơ tưởng không tồn tại?

Những gì Hiểu Tinh Trần kỳ vọng, ban đầu đều chẳng hề tồn tại. Những gì xảy ra sau đó, khi mọi chuyện đã rồi, chính là những hạt mầm tốt đẹp muộn màng, là tính nhân văn mà Mặc Hương đã để lại tháo gỡ những bí bách tận cùng của câu chuyện. Vì thế bản chất của Thảo Mộc là bi kịch, nhưng kết cục thì êm đềm và thanh thản. Người cho rằng nó quá tăm tối hay không tồn tại lối thoát nào cho tất cả nhân vật, có lẽ vẫn chưa thấy được kỳ vọng mà Mặc Hương đã đặt vào tương lai của số phận. Một Tống Lam hối hận ôm ấp lời xin lỗi muộn màng, một mảnh tàn hồn được nâng niu cất giữ, hay cái chết của Tiết Dương - sự giải thoát cực điểm cho một cuộc đời tràn ngập bi thương cùng tội nghiệt. Và quan trọng nhất là hình ảnh viên kẹo gây tranh cãi mà người ta cố chấp bảo nó "vô lý" dù Mặc Hương đã nhấn mạnh mình cố ý đặt nó vào điểm kết. Nó là điểm sáng nhỏ nhoi để đáp trả lại kỳ vọng Hiểu Tinh Trần đã không đợi được thuở sinh thời - Chân tình của con người. Tôi không nói cá nhân là Tiết Dương, vì ở đây Mặc Hương chỉ dùng Tiết Dương, một kẻ mất nhân tính để thử thách kỳ vọng gần như không thể hồi đáp của Hiểu Tinh Trần.

Hắn vĩnh viễn cũng không được cảm hóa, nhưng từ lúc nào đã nhặt về được một mảnh chân tình. Hạt giống ấy Hiểu Tinh Trần từng một thời gieo xuống, vào thời khắc chung cuộc cuối cùng cũng nảy mầm.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top