[Tiết Hiểu] Nhân quả
Luật nhân quả có vay có trả, vay chỉ một có khi trả gấp ba. Những tình tiết nguyên nhân hậu quả của Ma đạo tổ sư luôn hiện hữu rõ ràng, dù đôi khi người đọc cũng không hề nghĩ đến. Thường Từ An gieo nghiệp chướng nhỏ nhoi, để nhiều năm sau năm mươi mạng vô tội trong gia đình hắn đền bồi, đó là báo ứng. Quả báo không có mắt nhìn, không là công lý, kẻ gieo gió không thể trông đợi một cơn bão lớn nhỏ tùy ý mình. Tiết Dương giết người là cái tội của hắn, đồng thời nạn diệt môn của Thường gia cũng là quả báo của Thường Từ An. Hai điều này tách bạch rạch ròi không cái nào có thể biện bạch cho cái nào cả.
Vậy nếu Thường Từ An đã trả phần nghiệp chướng của mình, thì quả báo dành cho Tiết Dương nằm ở đâu?
Nhìn một cách đơn giản, cái chết của hắn ở Nghĩa thành có thể xem như là một sự trả giá. Nhưng với tôi thì thật ra, Hiểu Tinh Trần mới là báo ứng dành cho hắn. Cái chết đối với Tiết Dương kỳ thực chẳng có chút hành hạ tra tấn nào, thiệt một cái mạng nghe chừng có vẻ to, nhưng một kẻ từng chịu bi thương đến vặn vẹo nhân tính lẫn lương tri có tham gì chút mạng. Hay vốn dĩ cái chết chính là cách giải thoát hắn khỏi kiếp người tội nghiệt không còn bước quay đầu? Nhìn qua nhìn lại, ngoại trừ sự tồn tại của Hiểu Tinh Trần, thì ra chẳng có gì đủ khiến Tiết Dương phải cảm thấy hắn đang thật sự trả giá.
Mặc Hương đã nói Tiết Dương không thể cảm hóa được, điều này quả không sai. Nếu hắn dễ dàng được cảm hóa thì đã không là một Tiết Dương 'nhai xế tất báo' mang sự chấp nhất đến si cuồng như vậy. Nhưng nếu là một kẻ không thể cảm hóa, vậy dù có giết hắn cả trăm lần đi nữa, hắn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy được đau đớn. Bởi chẳng có tòa án lương tâm nào trong hắn, cũng không có chuyện hắn nhìn nhận bản thân mình đã sai. Đối với việc xử lý cái ác, điều tệ nhất không phải là không tiêu diệt được ác nhân, mà là đến cuối cùng khi đã bại trận và bị kết liễu dưới tay chính nghĩa, ác nhân vẫn trọn vẹn tâm ma, không hề mang nửa tia hối hận hay thống khổ.
Ở đây lại phải nói, Mặc Hương khắc họa tâm lý nhân vật rất đặc sắc. Bước đầu tiên khi bánh xe nghiệp chướng dần lăn bánh, là khi Hiểu Tinh Trần bị bức đến đường phải tự sát. Thái độ của Tiết Dương khi đó chỉ là bất ngờ, nhưng không mảy may thể hiện chút buồn đau. Sau khi đi qua trạng thái sững sờ trong giây lát, hắn chỉ tùy tiện nói ra một câu: "Chết rồi mới tốt, chết rồi mới ngoan." - Và ở chính câu nói này cũng chứa đựng rất nhiều điều, góp phần khắc họa rõ nét tâm lý cùng tính cách của nhân vật. Nó chứng minh rất rõ ràng Tiết Dương không thể nào cảm hóa, tức là khi hắn chứng kiến người có ân với mình tự kết liễu sinh mệnh vẫn mặc nhiên thốt ra một câu nói lạnh lùng đến như vậy; Chứng minh hắn ngang ngược cố chấp không muốn buông xuống ác tâm dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đi nữa; Và cuối cùng, cũng chứng minh rằng, bức tường thành bao quanh tâm hồn hắn đã bắt đầu đổ vỡ. Tại sao lại như vậy, vì câu nói đó Tiết Dương chỉ nói với chính mình, với thi hài Hiểu Tinh Trần. Hắn muốn ai nghe thấy? Muốn bản thân nghe thấy. Có thứ gì đó đã yếu đi trong hắn, vì thế mới phải cần đến câu nói này để củng cố lại chắc chắn rằng - Hắn là ác nhân, tuyệt nhiên không thể chỉ vì một cái chết như vô vàn cái chết khác mà dao động.
Hắn điềm tĩnh, bình thản như không hề có chuyện gì xảy ra. Vẽ pháp trận, lau máu cho thi thể, dọn dẹp lại ngôi nhà, ngồi bên bàn chờ đợi. Xem qua có vẻ thật sự không vì cái chết của Hiểu Tinh Trần mà dao động, nhưng có một chi tiết đã tố cáo sự thất thần sụp đổ ở trong hắn: Vết thương ở bụng - Phải đến khi đã vẽ xong pháp trận lẫn lau máu cho Hiểu Tinh Trần, hắn mới nhớ ra mà băng lại. Cách Mặc Hương diễn giải sự đổ vỡ của Tiết Dương phải nói là xuất sắc. Không lập tức khuỵu xuống, không lập tức biểu hiện bất cứ một loại đau đớn nào. Mà chậm rãi, bình thản, chính là loại bình thản giả tạo nhất của hắn, hòng lừa dối cả chính bản thân mình rằng hắn - Không vì cái chết của kẻ thù mà mất đi lý trí.
Làm sao có thể trách kẻ khác không nhìn ra hắn đối với Hiểu Tinh Trần là loại tình cảm gì, trong khi đến chính bản thân Tiết Dương còn không đủ dũng khí để đối mặt? Mất đi thứ trân quý nhất, vỏ bọc gai góc lãnh tình rơi xuống, là khi nhận ra hắn thật sự không giữ được y nữa. Cái nỗi sợ chỉ e rằng nếu không vì có hai năm bên cạnh Hiểu Tinh Trần hắn sẽ không bao giờ nếm trải thêm lần nào nữa. Hiện tại cuối cùng cũng có một thứ đủ để hành hạ nửa đời sau của hắn, cho hắn biết sinh mệnh quý giá đến mức nào. Để tự hắn cảm nhận cái cảm giác của thân nhân những kẻ mà hắn từng tàn sát. Tiết Dương điên cuồng suốt bao nhiêu năm đó giam mình trong thành hoang, ngày ngày lầm lũi bên thi hài của Hiểu Tinh Trần, lưu giữ lại tất cả về y. Và có lẽ chính vì thế nên cái ngày đạo trưởng tự sát chưa bao giờ kết thúc trong hắn, giống một bóng ma liên tục tái diễn. Hắn không phải là không muốn rời khỏi Nghĩa thành, mà là Nghĩa thành lẫn cái chết của Hiểu Tinh Trần đã giam cầm hắn.
Không cảm hóa được, không thể quay đầu. Vậy thì hãy nếm thử thứ tư vị thống khổ do chính bàn tay mình gây ra. Đó là sự trừng phạt dành cho một tội nhân, và cái ngày mà Lam Vong Cơ và Ngụy Vô Tiện kết thúc cuộc đời hắn, đó cũng chính là sự giải thoát. Như Mặc Hương cũng đã nói Tiết Dương phải chết, cái chết đó không phải là vì chị ghét hắn (như mấy con mất não từng xuyên tạc) mà đơn giản là mang hắn ra khỏi cõi trần đầy tai ương đó mà thôi. Tội nghiệt của hắn, bi thương của hắn, cuối cùng cũng có một điểm dừng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top