Tinh thần bất an

Trong những bài trước chúng ta đã giải quyết những vấn đề thực khó khăn. Bây giờ tôi muốn nói thẳng với các bạn.

Tôi biết là các bạn bất bình, vì đã tự cho mình một quan niệm khác hẳn về phân tâm học nhập môn. Các bạn chờ đợi tôi đưa đến cho các bạn những thí dụ lấy trong cuộc sống chứ không trình bày một lý thuyết. Các bạn tự nhủ là khi tôi nói cho các bạn nghe câu chuyện: ở tầng dưới và tầng lầu một, các bạn cũng đã biết được một vài điều về căn bệnh thần kinh, nhưng tiếc rằng tôi đã đưa ra một chuyện tưởng tượng thay vì một chuyện lấy trong cuộc sống thực. Hay khi tôi nói cho các bạn nghe về hai triệu chứng, lần này có thực chứ không phải tưởng tượng cho các bạn xem chúng mất đi như thế nào bằng cách nói rõ liên quan của chúng với người bệnh, các bạn đã hé nhìn thấy ý nghĩa của triệu chứng và hy vọng tôi cứ tiếp tục đường lối đó mãi. Nhưng rồi tôi lại đưa ra trình bày những lý thuyết dài lê thê không bao giờ đủ cả, luôn luôn bị thêm thắt điều này điều nọ, làm việc với những khái niệm mà tôi chưa hề nói cho các bạn nghe bao giờ, đi từ lối trình bày có tính cách mô tả sang quan niệm di động, rồi quan niệm kinh tế. Chắc các bạn tự hỏi không biết có phải tôi dùng những chữ cùng một nghĩa và sở dĩ có thay đổi trong chữ dùng là vì muốn tránh nhắc đi nhắc lại mãi nguyên lý khoái lạc, nguyên lý thực tế, di sản di truyền dự phòng: và đáng lẽ phải đưa bạn đi sâu vào một chủ thuyết tôi lại chỉ đưa ra những điều càng ngày các bạn càng thấy đi xa dần khỏi tầm mắt các bạn.

Tại sao tôi lại không bắt đầu công việc nhập môn về lý thuyết về căn bệnh thần kinh bằng cách trình bày những điều mà chính các bạn đã biết về những bệnh đó, những điều mà các bạn đã quan tâm từ lâu. Tại sao tôi lại không bắt đầu bằng cách nói đến thực chất đặc biệt của những người tinh thần bất an, về phản ứng không thể nào hiểu được của họ trong sự giao thiệp với người khác và với những ảnh hưởng bên ngoài, về sự cáu kỉnh của họ và về việc họ không hề biết lo xa và thích ứng là gì? Tại sao tôi lại không đưa các bạn từ sự hiểu biết những hình thức giản dị được quan sát hàng ngày đến sự hiểu biết những vấn đề dính dáng đến sự phát triển cực đoan và bí ẩn trong tinh thần bất an.

Tôi không phủ nhận điều hợp lý của những lời đòi hỏi đó. Tôi không hề có ảo tưởng về nghệ thuật trình bày của tôi đến nỗi gán cho cả những lỗi lầm của mình một vẻ gì duyên dáng. Đặc biệt, tôi công nhận rằng trình bày theo lối khác lối tôi thường làm hẳn có lợi cho các bạn hơn, và quả thực tôi cũng có ý đó. Nhưng thực hiện được những điều mình muốn dù là những điều hợp lý đâu có phải dễ dàng. Trong các vấn đề đưa ra nghiên cứu có một cái gì làm cho mình không thể theo được con đường mình muốn lúc đầu. Ngay cả công việc vô nghĩa lý như việc xếp đặt vật liệu nhiều khi cũng không tuỳ thuộc ý muốn của tác giả: các vật liệu tự chúng xếp hạng lấy và chỉ mãi sau đó chúng ta mới tự hỏi tại sao những vật liệu đó lại xếp theo thứ tự này chứ không theo thứ tự khác?

Có thể là đầu đề của cuốn sách này: phân tâm học nhập môn, không phù hợp với phần nói về những bệnh thần kinh. Phân tâm học nhập môn chỉ giải quyết vấn đề những hành vi sai lạc và giấc mơ thôi, còn lý thuyết về bệnh thần kinh chính là phân tâm học rồi còn nhập môn gì nữa. Tôi không tin rằng trong một thời gian ngắn như thế và dưới một hình thức cô đọng như thế tôi đã hiến cho các bạn những điều hiểu biết đủ dùng về thuyết bệnh thần kinh. Tôi chỉ có ý cho các bạn biết một ý niệm toàn thể về ý nghĩa, và tầm quan trọng, sự hoạt động và sự thành lập các triệu chứng bệnh thần kinh thôi. Đó chính là điều mà phân tâm học có thể dạy chúng ta. Có rất nhiều điều cần nói về tình dục và sự phát triển của nó cũng như về sự phát triển của cái tôi. Còn về những điều cần biết trước tiên về kỹ thuật làm việc và những khái niệm về vô thức và dồn nén thì các bạn đã được biết ngay từ buổi đầu của những bài học này rồi. Trong một bài sau, các bạn sẽ thấy công việc nghiên cứu của phân tâm học tiến đến đâu rồi khi tôi trở lại với vấn đề. Tôi không giấu giếm các bạn rằng tất cả những diễn dịch của chúng ta đều tập trung vào một loại bệnh thần kinh; bệnh thần kinh hoán chuyển. Ngay cả khi nghiên cứu sự thành lập triệu chứng tôi chỉ nói đến bệnh náo loạn thần kinh. Cho rằng các bạn chưa tiếp thu được một điều hiểu biết gì vững chắc, không nhớ được những chi tiết chăng nữa thì ít nhất các bạn cũng có một khái niệm về phương tiện hoạt động của môn phân tâm học và những kết quả đã đạt được.

Tôi nghĩ rằng các bạn muốn tôi bắt đầu bằng việc trình bày về bệnh thần kinh bằng cách mô tả thái độ của những người tinh thần bất an về cách họ đau khổ vì bệnh thần kinh và chính họ cho là không bị và không thấy khó chịu. Đó chính là vấn đề thú vị giúp cho ta học hỏi được nhiều, không khó nghiên cứu nhưng nếu bắt đầu bằng vấn đề đó thì kể cũng hơi nguy hiểm. Bắt đầu bằng những bệnh thần kinh tầm thường, quen thuộc, chúng ta sẽ không tìm ra được những điều kiện không biết. Phủ nhận tầm quan trọng của tình dục, bị ảnh hưởng bởi đường lối mà những bệnh này đã dùng để trình diện trước cái tôi của người tinh thần bất an. Tất nhiên cái tôi này còn lâu mới trở thành một vị thẩm phán vô tư và chắc chắn. Trong khi cái tôi có quyền phủ nhận vô thức và dồn ép nó, làm sao chúng ta có thể chờ đợi cái tôi có thể phán đoán công bình về vô thức được? Trong các đối tượng bị dồn ép, chúng ta phải nói trước tiên đến những sự đòi hỏi không được tán thành của tình dục; điều này có nghĩa rằng nếu dựa theo lối cái tôi quan niệm về những sự đòi hỏi này chúng ta không bao giờ biết được độ lớn và tầm quan trọng của chúng. Kể từ khi chúng ta thấy xuất hiện quan điểm của sự dồn ép, chúng ta được báo trước là không thể dùng một trong hai đối thủ trong cuộc xung đột để làm quan toà, nhất là đối thủ xưa nay vẫn giữ phần thắng. Chúng ta biết rằng tất cả điều cái tôi nói cho chúng ta nghe đều chỉ có mục đích đưa chúng ta vào con đường sai lầm. Người ta có thể trông cậy vào cái tôi được nếu người ta biết nó tích cực trong cách phát biểu của nó, biết rằng chính nó đã phát sinh và muốn phát sinh ra các triệu chứng. Nhưng trong nhiều trường hợp cái tôi có vẻ tiêu cực và chính thái độ tiêu cực là điều mà nó tìm cách giấu giếm và trình bày dưới một hình thức không phải của nó. Vả lại cái tôi không dám làm cuộc thí nghiệm đó và bị bắt buộc phải công nhận rằng trong triệu chứng của bệnh bị ám ảnh, nó phải chống đối lại một cách rất khó nhọc đối với những sức mạnh ngoại lai.

Những người nào không chịu nghe lời cảnh báo cho những điều chỉ dẫn sai lầm của cái tôi là những điều có thực sẽ thích thú ghê lắm và tránh khỏi những chướng ngại vật chống lại sự giải thích của phân tâm học và vô thức, về tình dục và tính cách tiêu cực của cái tôi. Nhưng người đó có thể cùng với Alfred Adier khẳng định rằng chính "Tính cách tinh thần bất an" mới là nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh, chứ không phải là hậu quả của bênh này, nhưng họ sẽ không thể cắt nghĩa bất cứ một chi tiết nào trong việc thành lập triệu chứng và bất cứ một giấc mơ nào dù vô nghĩa lý nhất.

Các bạn sẽ hỏi: "Vậy chúng ta không thể nào quan tâm đến phần đóng góp của cái tôi trong bệnh thần kinh bất an và trong sự thành lập các triệu chứng mà không bỏ qua một cách quá lộ liễu những yếu tố mà do phân tâm học tìm ra sao?. Tôi trả lời: "Việc đó có thể làm được và chắc chắn sẽ làm một ngày nào đó nhưng theo chiều hướng của phân tâm học thì chúng ta có thể biết trước lúc nào làm việc đó được: Chúng ta có thể biết trước lúc nào phân tâm học sẽ phải nghiên cứu vấn đề đó. Có những bệnh thần kinh trong đó cái tôi phát biểu với một cường độ mạnh hơn trong những bệnh chúng ta đã tham gia khảo cứu từ trước tới nay: đó là bệnh "Narcissime" (chứng bệnh của những người mê chính mình). Sự phân tích chứng bệnh này sẽ giúp cho chúng ta hiểu được một cách vô tư và chắc chắn phần đóng góp của cái tôi trong các bệnh thần kinh.

Nhưng có một thái độ của cái tôi đối với bệnh thần kinh của chính mình đáng được chú trọng đến độ đáng lẽ phải được khảo sát ngay từ đầu. Thái độ này có vẻ như không vắng mặt trong bất cứ trường hợp nào, nhưng nổi lên đặc biệt trong một chứng bệnh mà chúng ta chưa biết: đó là bệnh thần kinh do vết thương. Các bạn nên biết rằng, trong sự hoạt động của tất cả các bệnh thần kinh bao giờ chúng ta cũng chỉ thấy sự xuất hiện có chừng ấy yếu tố với sự khác biệt là yếu tố này trở nên quan trọng hơn yếu tố khác trong bệnh này hay bệnh khác y như diễn viên trong một gánh hát: tài tử nào ngoài những vai vẫn đóng xưa nay – vai anh hùng, gian tặc, quân sự, v.v... còn đóng những vai trò khác nữa. Không ở đâu trí tưởng tượng ngông cuồng biến thành triệu chứng lại xuất hiện rõ ràng hơn trong bệnh náo loạn thần kinh; trái lại trong bệnh ám ảnh thì những sự chống đối hay phản ứng lại đứng hàng đầu; ngoài ra điều mà trong giấc mơ chúng ta gọi là công trình xây dựng phụ, lại giữ địa vị quan trọng hàng đầu trong bệnh vọng cuồng, với tính cách sai lầm.

Vì thế nên trong bệnh thần kinh vì vết thương, nhất là những vết thương do chiến tranh gây ra chúng ta thì thấy một lý do thúc đẩy có tính cách cá nhân, ích kỷ, vụ lợi, tự bảo vệ, tự nó không gây nổi bệnh, nhưng sẽ làm cho bệnh phát triển mạnh và tồn tại mãi một khi bệnh đã phát ra rồi. Chính lý do này che chở cho cái tôi chống lại những hiểm nguy mà những sự đe dọa phát hiện chính là nguyên nhân gây bệnh sẽ làm cho bệnh không thể khỏi được một khi người bệnh không được bảo đảm rằng những sự hiểm nguy đó không tái xuất hay khi người bệnh không được đền bù vì đã mắc bệnh.

Nhưng trong những trường hợp tương tự khác, cái tôi quan tâm như nhau đến lúc bắt đầu cũng như sự tồn tại của các bệnh thần kinh. Chúng ta đã biết là cái tôi cũng đóng góp phần mình vào việc thành lập triệu chứng, bởi vì chính triệu chứng này cũng biến cho khuynh hướng của cái tôi đang tìm cách dồn ép một sự thỏa mãn nào đó. Vả lại cách giải quyết cuộc xung đột bằng sự thành lập triệu chứng chính là cách giải quyết tiện lợi nhất và hợp với nguyên lý khoái lạc nhất; không ai phủ nhận được rằng cách đó đã khiến cho cái tôi khỏi phải làm bên trong một công việc khó khăn và nặng nhọc. Có những trường hợp chính ông bác sĩ cũng phải công nhận rằng bệnh thần kinh chính là cách giải quyết cuộc xung đột vô hại nhất, có lợi nhất về phương diện xã hội. Các bạn đừng ngạc nhiên khi thấy chính ông bác sĩ lại đứng về phe căn bệnh mà ông ta phải chữa chạy. Ông ta không muốn thu hẹp vai trò của mình như một kẻ cuồng tín trong việc bảo vệ sức khoẻ, ông ta biết rằng ở đời còn có những sự khổ sở khác ngoài những sự khổ sở do bệnh thần kinh gây nên, còn nhiều sự đau khổ thực sự và khó chữa hơn; rằng nhiều khi vì cần thiết một con người phải hi sinh sức khỏe của mình vì chỉ có sự hi sinh này mới tránh cho những người khác khỏi bị một sự đau khổ to lớn, ghê gớm. Bởi vậy người ta có thể nói rằng, một người bệnh muốn tránh cuộc xung đột không còn cách nào hơn là núp ngay trong căn bệnh của mình, thì người ta cũng phải công nhận rằng trong một vài trường hợp sự trốn tránh đó có thể tự bào chữa được và ông bác sĩ sau khi hiểu rõ tình thế chỉ còn cách rút lui có trật tự không nói năng gì với tất cả mọi điều gượng nhẹ có thể.

Nhưng chúng ta hãy bỏ ra một bên những trường hợp đặc biệt đó. Trong những trường hợp thường, việc trốn tránh trong căn bệnh của mình hiến cho cái tôi một điều lợi có tính cách nội tâm và bệnh hoạn, rồi trong một vài trạng thái lại có thêm một điều lợi bên ngoài mà giá trị thực sự thay đổi từ trường hợp này sang trường hợp khác. Chúng ta hãy lấy một ví dụ hay xảy ra nhất trong loạt này. Một người vợ bị chồng đối xử tàn tệ, khai thác không thương hại có thể trốn lánh vào trong căn bệnh của mình, khi được hướng về đó do chính tính tình của mình, khi vì quá hèn nhát hay quá lương thiện nên không dám ngao du bí mật với người đàn ông khác. Khi không đủ sức mạnh chống lại những quy – ước – xã - hội để có thể xa chồng, khi không có ý định gượng nhẹ đối với mình bằng cách tìm một người chồng khác và trên hết khi chính bản năng của mình vẫn du mình về phía người chồng độc ác đó. Bệnh của người đó trở thành một khí giới trong công việc chống đối lại người chồng mà sức mạnh đã làm bà ta ngã qụy, một khí giới mà bà ta có thể dùng để tự bảo vệ và báo thù. Người đó có thể phàn nàn về bệnh tật của mình khi không thể phàn nàn về hôn nhân của mình. Tìm được ở ông bác sĩ một người về phe mình, bà ta bắt buộc người chồng lúc thường không chịu nhường nhịn gì phải gượng nhẹ đối với mình, chi tiêu cho mình, cho phép mình vắng nhà thoát khỏi trong một vài giờ sự chèn ép của người chồng. Trong trường hợp sự lợi ích bên ngoài hay tình cờ mà bệnh hiến cho cái tôi trở nên to lớn đến nổi không thể được thay thế bằng một lợi ích gì có thực hơn thì sự chữa chạy có thể không đưa đến kết quả.

Các bạn sẽ cãi lại rằng điều tôi kể cho các bạn nghe về những điều lợi ích do bệnh tật cung cấp chỉ là một lý lẽ đưa ra để bênh vực quan niệm mà tôi đã gạt bỏ, và theo quan niệm đó, thì chính cái tôi muốn tạo ra bệnh thần kinh. Nhưng các bạn hãy yên tâm. Những sự kiện đó chứng tỏ rằng những cái tôi cũng thấy thoải mái trong căn bệnh và chính vì không thể ngăn cản bệnh phát sinh được nên cái tôi định lợi dụng căn bệnh triết để trong trường hợp căn bệnh muốn có sự lợi dụng nó. Khi căn bệnh có những lợi ích đó thì cái tôi cũng lợi dụng chúng dễ dàng nhưng có mấy khi lại có những lợi ích đó. Người ta nhận thấy rằng khi hòa mình vào với bệnh, cái tôi đã làm một công việc bất lợi. Nó phải trả một giá rất đắt cho sự giảm bớt cường độ của sự xung đột và những cảm giác đau đớn đi liền với các triệu chứng, nếu không thể tương đương với những sự day dứt của sự xung đột mà nó thay thế không phải vì thế mà không làm cho bệnh tăng lên. Cái tôi rất muốn gạt bỏ những cái gì khó chịu trong các triệu chứng mà không phải bỏ những điều lợi thu lượm được trong bệnh nhưng bất lực, cái tôi thực ra không tích cực như nó tưởng tượng.

Sau này khi trở thành bác sĩ chữa bệnh cho họ, các bạn sẽ nhận thấy rằng không phải những người bệnh phàn nàn nhiều nhất về bệnh của họ là những người muốn dược chữa chạy và ít chống đối nhất. Trái lại nữa. Nhưng các bạn sẽ hiểu rằng tất cả những điều lợi thu lượm được trong trạng thái bệnh hoạn sẽ làm tăng cường độ chống đối của sự dồn ép và làm khó khăn thêm nhiều cho việc chữa chạy. Ngoài điều lợi do trạng thái bệnh hoạn gây nên, một trạng thái xuất hiện cùng những triệu chứng, chúng ta cần thêm một điều lợi nữa chỉ xuất hiện sau đó thôi. Một khi một tổ chức tinh thần như bệnh thần kinh tồn tại được trong một thời gian thì chẳng bao lâu nó sẽ trở thành một thực thể độc lập, tự phát sinh ra một bản năng tự vệ, thỏa hiệp với các tổ chức tinh thần khác, ngay cả với những tổ chức đối nghịch với mình và rất ít khi lại không chứng tỏ là mình cũng giúp ích được và do đó được dành cho một nhiệm vụ mới phụ thuộc có mục đích làm cho cuộc sống của bệnh hoạn kéo dài và tồn tại mãi. Chúng ta lấy thí dụ trong bệnh lý, một trường hợp xảy ra thường ngày. Có một người thợ đang làm việc để sống, đột nhiên bị tật nguyền sau một tai nạn nghề nghiệp và không làm việc được nữa. Anh ta được cấp một món tiền cấp dưỡng hàng tháng, và cũng lợi dụng luôn tật nguyền của mình để đi ăn xin. Tình trạng hiện thời của anh ta trở nên nghiêm trọng hơn do sự kiện đầu tiên đã làm đời anh tan vỡ. Nếu có cách nào bỏ được tật nguyền của anh ta đi, các bạn sẽ cất luôn của anh ta một phương tiện kiếm ăn bởi vì chúng ta sẽ tự hỏi anh còn đủ sức làm việc lại hay không. Điều mà bệnh thần kinh coi như một điều lợi phụ thuộc thu lượm được do tình trạng bệnh hoạn có thể coi như một điều lợi thêm vào điều lợi đầu tiên.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tâmlý