Những phương sách thành lập triệu chứng
Đối với những người thường thì triệu chứng của bệnh thần kinh chính là những điều căn bản trong chứng bệnh và khi những triệu chứng này biến mất chính là lúc khỏi bệnh. Bác sĩ trái lại phân biệt triệu chứng và bệnh hoạn và cho rằng sự biến mất của các triệu chứng không chứng tỏ là bệnh đã khỏi. Nhưng điều còn sót lại trong căn bệnh sau khi triệu chứng biến mất chính là khả năng xuất hiện của những triệu chứng mới. Vì thế nên tạm thời chúng ta hãy chấp nhận quan điểm của người thường cho rằng phân tích các triệu chứng chính là để tìm hiểu bệnh tình.
Những triệu chứng - tất nhiên chúng ta chỉ nói đến triệu chứng có tính cách tinh thần, đến những bệnh tinh thần thôi - đối với toàn thể đời sống, được coi như những hành vi có hại hay ít nhất cũng chẳng có lợi gì, những hành vi mà người ta sợ hãi kinh tởm mà làm, thường kèm theo sự đau lòng, khổ sở. Điều tai hại nhất là người ta phải có nhiều cố gắng tinh thần mới hành động và chống lại nó được. Hai sự cố gắng này thường làm giảm nhiều nghị lực khiến cho người bị bệnh không còn đủ nghị lực để làm những việc thường trong đời. Vì thế chỉ nên nói đến bệnh thần kinh là người ta nghĩ ngay đến khía cạnh thực tế của nó. Tuy nhiên, nếu đứng về phương diện lý thuyết các bạn đừng chú trọng đến nghị lực bị tiêu phí đi này, các bạn sẽ không nói ngoa khi cho rằng mọi người chúng ta đều mắc bệnh thần kinh hết vì những điều kiện khiến cho các triệu chứng xuất hiện cũng có ở những người bình thường.
Về triệu chứng bệnh thần kinh, chúng ta đều biết chúng là kết quả của sự xung đột do lối thỏa mãn mới của tình dục gây nên. Hai động lực trước kia cách xa nhau, bây giờ tụ họp nhau lại để họp thành triệu chứng. Chính điều này cắt nghĩa tại sao triệu chứng lại có sức chống đối mạnh như thế; bởi vì nó bị giằng co ở hai phía. Chúng ta cũng biết rằng một trong hai phe trong sự xung đột đó đại diện cho khát dục không được thỏa mãn, bị gạt ra ngoài đời thực và phải đi tìm những phương sách thỏa mãn mới. Nếu sự thực tỏ ra không thương hại dù là khát dục có tỏ vẻ sẵn sàng chấp nhận một đối tượng khác với đối tượng bị từ chối chăng nữa, thì khát dục sẽ bị bắt buộc phải đi vào con đường thụt lùi, tìm cách thỏa mãn hoặc trong những tổ chức đã lỗi thời hoặc trong những đối tượng đã bị bỏ rơi từ trước. Cái gì đã lôi cuốn khát dục trên con đường thụt lùi, đó chính là những sự định cư mà nó đã để lại trong quá trình phát triển của nó.
Vậy mà con đường thụt lùi lại khác hẳn con đường bệnh thần kinh. Khi những sự thụt lùi không gặp sự chống đối của cái tôi thì mọi việc đều tiếp diễn như thường không xảy ra bệnh tình gì và tình dục được thỏa mãn thực sự tuy không bình thường. Nhưng khi cái tôi có nhiệm vụ kiểm soát không những ý thức mà còn cả những sự xúc động tinh thần, nghĩa là sự thực hiện những khuynh hướng tinh thần, khi cái tôi không chịu chấp nhận sự thụt lùi đó thì sự xung đột bùng nổ. Khát dục bị bít lối, phải tìm cách thoát ra bằng một chiều hướng nào giúp cho nó tiêu được những nghị lực tích lũy do sự đòi hỏi của nguyên lý khoái lạc. Khát dục phải tách rời khỏi cái tôi. Điều giúp cho tình dục dễ dàng hơn là những sự định cư mà nó phải tìm trong quá trình phát triển, những sự định cư mà cái tôi phải tìm cách chống lại bằng sự dồn ép. Bằng cách chiếm lại những vị trí bị dồn ép, khát dục thoát khỏi cái tôi mà những quy luật của cái tôi và bỏ rơi hết những sự giáo dục mà nó đã thụ hưởng dưới ảnh hưởng của cái tôi. Một khi còn hy vọng được thỏa mãn khát dục chịu để cho cái tôi dẫn dắt, nhưng khi bị áp lực của sự thiếu thốn cả bên trong lẫn bên ngoài, khát dục trở nên khó bảo và tiếc rẻ nghĩ đến những ngày hạnh phúc đã qua. Đó chính là đặc tính của khát dục, đặc tính này không thay đổi. Nghị lực của khát dục bây giờ áp dụng vào những sự phát hiện gắn liền vào vô thức, chịu sự kiểm soát của sự hoạt động của hệ thống này, trước hết là sự cô đọng và sự di chuyển. Chúng ta biết là giấc mơ được thành lập như một sự thực hiện ham muốn tưởng tượng trong vô thức, cũng vấp phải một hoạt động nào đó có tính cách tiềm ý thức. Ý thức kiểm duyệt giấc mơ và kết quả của sự kiểm duyệt đó là sự dung hòa gây ra giấc mơ rõ ràng. Đối với tình dục cũng vậy, tuy ở trong vô thức, nó cũng phải tìm cách dung hòa với cái tôi trong tiền ý thức. Sự chống đối đối tượng của tình dục ngay trung tâm cái tôi giống như một trận phản công vào vị trí mới của tình dục và bắt buộc nó phải tìm một hình thức phát hiện mới nào cho hợp với hình thức phát hiện của cái tôi. Triệu chứng phát sinh như thế đó, sản phẩm bị biến dạng rất nhiều của sự thỏa mãn vô thức của một sự ham muốn tình dục, một sản phẩm mập mờ, rất khéo chọn có hai cách nghĩ trái ngược hẳn. Giữa giấc mơ và triệu chứng có một sự khác biệt, trong giấc mơ ý muốn tiềm thức có mục đích bảo vệ giấc ngủ không cho một cái gì có thể quấy rối vào trong ý thức. Trái lại, khi có việc giao thiệp với giấc mơ, ý muốn tiền ý thức phải tỏ ra dễ dãi hơn vì tình trạng của người ngủ ít bị đe dọa hơn, giấc ngủ là một hàng rào ngăn cách không cho giao thiệp gì với bên ngoài cả.
Các bạn thấy là nếu khát dục thoát khỏi được các điều kiện do sự xung đột tạo nên thì là nhờ các sự định cư. Quay trở về với sự định cư, tình dục hủy bỏ hậu quả của sự dồn ép, được hưởng một lối rẽ cho sự thỏa mãn với điều kiện là tôn trọng thỏa hiệp với cái tôi. Bằng cách len lỏi trong vô thức, nhờ các sự định cư cũ, khát dục được tìm một sự thỏa mãn thật sự, dù rất giới hạn và khó nhận ra. Về kết quả cuối cùng này tôi có hai nhận xét: trước hết, tôi yêu cầu các bạn chú ý đến những dây liên lạc chặt chẽ giữa khát dục và vô thức một đằng, giữa ý thức và thực tế đằng khác, dù rằng trong lúc đầu giữa hai cặp này chẳng có dây liên lạc nào cả; thứ hai tôi muốn báo trước cho các bạn biết để các bạn đừng quên là tất cả những điều tôi vừa nói và sắp nói chỉ liên quan đến sự thành lập các triệu chứng trong bệnh náo loạn thần kinh thôi.
Khát dục tìm thấy những sự định cư ở đâu để tìm được một con đường qua các sự dồn ép? Thì ở trong những hoạt động và biến cố của tình dục trẻ con, trong những khuynh hướng lẻ tẻ và những đối tượng bị bỏ rơi từ hồi nhỏ chứ còn ở đâu nữa. Tình dục trở về với những thứ đó. Tầm quan trọng của thời thơ ấu có hai khía cạnh: một phần, trẻ con lần đầu tiên phát hiện những bản năng và khuynh hướng mà nó mang đến cho thế giới như những hoạt động của những cái gì bẩm sinh, phần khác, nó chịu ảnh hưởng bên ngoài của những biến cố xảy ra trong đời làm thức dậy hoạt động của những bản năng khác. Tôi cho rằng chúng ta có quyền chấp nhận một sự phân chia như thế. Sự phát biểu của những cái gì bẩm sinh không gây nên những một sự bài bác nào cả, nhưng kinh nghiệm phân tâm học bắt buộc phải chấp nhận rằng những biến cố tình cờ của thời thơ ấu có đủ khả năng tự tạo những điểm tựa dành cho sự định cư trong khát dục. Tôi chẳng thấy điểm đó có gì khó khăn về lý thuyết cả. Những yếu tố cấu thành chính là những dấu vết do tiền nhân để lại trong chúng ta; nhưng chính những yếu tố đó là những đặc tính thu lượm được về sau này vì nếu không thu lượm được thì làm sao có di truyền được. Chúng ta làm sao chấp nhận được quan niệm cho rằng khả năng thu lượm được những đặc tính mới có tính cách di truyền lại không có ở trong thế hệ của chúng ta. Giá trị của những biến cố trong đời sống tiền nhân hay trong tuổi thành niên của từng cá nhân, những sự kiện trong đời sống trẻ con trái lại phải được chú trọng đặc biệt. Chúng đưa đến những hậu quả càng nghiêm trọng hơn khi chúng xảy ra vào một thời kì mà sự phát triển của trẻ con chưa hoàn tất, và điều này làm cho chúng dễ bị xúc động do bên ngoài hơn. Công trình khảo cứu của Roux và nhiều người khác cho thấy rằng, chỉ cần trích một mũi kim nhỏ vào phôi thai trong lúc tế bào đang phân chia cũng đủ gây nên những sự rối loạn nghiêm trọng trong sự phát triển. Một mũi kim như thế trích vào một con vật đã hoàn tất sự phát triển rồi, không có ảnh hưởng gì hết.
Sự định cư của khát dục, được coi như đại diện của yếu tố cấu thành, có thể chia làm hai yếu tố mới: yếu tố di truyền và yếu tố thu được trong thời thơ ấu đầu tiên. Tôi biết là mọi người đều thích sự việc được tóm tắt trong một bản vẽ phác.
Căn bệnh = Tính tình do sự định cư + Biến cố tình cờ
Thần kinh của khát dục gây nên bên ngoài
Cấu tạo khát dục Biến cố trong đời sống trẻ con
(Biến cố của đời sống thời tiền sử)
Sự cấu tạo khát dục di truyền gồm có nhiều tính tình, tùy theo tính tình này hướng về một khuynh hướng lẻ tẻ này hay khuynh hướng khác, với một khuynh hướng thôi hay với nhiều khuynh hướng khác kết hợp lại. Kết hợp với những biến cố trong đời sống trẻ con, sự cấu tạo hợp thành một loại "phụ thuộc" giống hệt như sự kết hợp giữa tình hình và những biến cố tình cờ xảy ra trong đời sống người lớn. Ở nơi nào chúng ta cũng thấy có những trường hợp cực điểm và những liên can thay thế như nhau. Người ta tự hỏi không biết có phải sự thụt lùi đáng chú ý nhất của khát dục, sự thụt lùi về một giai đoạn trước trong tổ chức tình dục cũng bị các điều kiện cấu tạo di truyền qui định không? Nhưng chúng ta nên gác câu trả lời câu hỏi này lại cho đến khi có được nhiều hình thức bệnh thần kinh hơn nữa.
Tầm quan trọng và vai trò này quả là lớn lao khi người ta chỉ chú trọng đến việc trị bệnh. Nhưng khi không để ý đến việc bệnh nữa, người ta thấy ngay rằng mình có thể là nạn nhân của một sự hiểu lầm và có một quan niệm một chiều về cuộc đời, đặt căn bản quá quan trọng trên tình trạng bị bệnh. Sự quan trọng của những biến cố thời thơ ấu bị sụt giảm nhiều, khi khát dục trong tình trạng thụt lùi đã chỉ định cư trên các biến cố đó một khi bị đuổi khỏi những vị trí tiền tiến hơn. Kết luận tự nhiên của sự kiện này là những biến cố trong thời thơ ấu không có quan trọng trong thời đó mà chỉ trở thành quan trọng khi có sự thụt lùi xảy ra thôi. Các bạn chắc chắn cũng còn nhớ rằng chúng ta cũng có một thái độ tương tự khi thảo luận về mặc cảm của Oedipe.
Chúng ta sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tỏ thái độ trong trường hợp đặc biệt này. Sự biến dạng của tình dục, nghĩa là vai trò gây bệnh của những biến cố trong đời sống trẻ con được tăng cường trong một vài giới hạn nào đó bởi sự thụt lùi của khát dục, đó là một điều đã được chứng minh nhưng có thể đưa chúng ta đến chỗ sai lầm nếu chúng ta chấp nhận không dè dặt nguyên tắc đó. Còn có nhiều điều khác phải được chú trọng đến. Điểm thứ nhất: quan sát cho thấy rằng những biến cố trong thời thơ ấu có một tầm quan trọng riêng biệt phát hiện ra ngay từ thời đó. Có những bệnh thần kinh trẻ con trong đó sự thụt lùi chỉ giữ một vai trò vô nghĩa lý hay không phát hiện ra nữa, vì bệnh phát khởi ngay khi bị một vết thương trong cơ thể. Sự nghiên cứu các bệnh trẻ con này giúp cho chúng bớt được những sự hiểu lầm về chứng bệnh thần kinh của người lớn cũng như sự nghiên cứu các giấc mơ trẻ con đã giúp chúng ta hiểu rõ về những giấc mơ của người lớn. Bệnh thần kinh trẻ con xảy ra luôn luôn, nhiều hơn mình tưởng. Những bệnh này thường không được biết tới, chỉ được coi như những sự độc ác hay giáo dục tồi, thường bị đàn áp ngay từ khi còn nhỏ nhưng rất dễ nhận ra khi được nghiên cứu. Chúng thường phát hiện dưới hình thức của một sự náo loạn lo sợ sẽ được nói đến sau. Khi một chứng bệnh phát ra trong một giai đoạn nào đó, sự nghiên cứu cho thấy là nó chỉ tiếp tục một bệnh thần kinh trẻ con, chỉ xuất hiện dưới hình thức lờ mờ, như báo trước thôi trong thời kỳ thơ ấu. Nhưng cũng có những trường hợp bệnh thần kinh trẻ con kéo dài mãi, không ngừng có khi suốt cả đời. Chúng ta đã quan sát được một vài trường hợp bệnh thần kinh trẻ con ngay trên những đứa bé; nhưng phần nhiều chúng ta chỉ dựa vào bệnh thần kinh của người lớn mà kết luận rằng đứa bé trong thời thơ ấu có bệnh, vì thế nên quan điểm của chúng ta cần có một vài thay đổi và một vài cẩn trọng.
Điều thứ hai, chúng ta phải công nhận rằng sự thụt lùi đều đều của khát dục về thời thơ ấu, sẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên nếu trong thời thơ ấu đó không có một cái gì có vẻ lôi cuốn đặc biệt đối với khát dục. Sự định cư xuất hiện trong một vài điểm trong quá trình phát triển của các khát dục sẽ không có nội dung gì nếu chúng ta không quan niệm nó là sự cô đọng của một số lượng nghị lực nào đó. Tôi cần nhắc các bạn rằng về phương diện cường độ cũng như vai trò gây bệnh giữa các biến cố trong thời thơ ấu và trong khoảng đời sau đó có những liên quan giống như những liên quan đã được nhận thấy trong những điều đã học ở trên. Có những trường hợp trong đó yếu tố gây bệnh độc nhất là những biến cố tình dục trong thời thơ ấu, chắc chắn bắt nguồn ở những vết thương bên ngoài phát hiện theo những điều kiện của sự cấu tạo tình dục trung bình với tính cách chưa chín mùi của nó. Nhưng trái lại cũng có những trường hợp mà căn bệnh phải tìm trong những sự xung đột bên trong, trong đó vai trò của các cảm giác trẻ con phát hiện như những hậu quả của sự thụt lùi. Vì thế chúng ta có những cực điểm ở hai đầu của sự "ngừng phát triển" và sự thụt lùi giữa hai cực điểm đó là sự liên hợp của hai yếu tố này.
Tất cả những sự kiện này đáng được các nhà sư phạm quan tâm khi họ muốn ngăn cản bệnh thần kinh bằng cách kiểm soát tình dục trẻ con ngay trong những ngày đầu của đời sống. Một khi người ta còn tập trung mọi sự chú ý đến những biến cố tình dục trong thời thơ ấu, người ta có thể tin rằng đã làm hết mọi việc để ngăn chặn bệnh thần kinh khi làm chậm lại sự phát triển tình dục và tránh cho trẻ con khỏi có những cảm giác tình dục. Nhưng chúng ta lại biết rằng những điều kiện phát sinh ra bệnh thần kinh lại phức tạp hơn nhiều và không phải chỉ chịu ảnh hưởng của một yếu tố thôi. Người ta coi sóc trẻ con kỹ đến đâu chăng nữa cũng chẳng lợi ích gì vì người ta không thể làm gì được đối với yếu tố cấu thành. Sự coi sóc này rất khó thực hành và có hai điều nguy hiểm mới không nên coi thường: điều thứ nhất người ta sẽ đi quá xa mục tiêu bằng cách tạo điều kiện cho một sự dồn ép thái quá có thể đưa đến những hậu quả tai hại; điều thứ hai người ta ru trẻ con vào đời mà không cho nó những phương tiện chống lại sự tràn ngập của các khuynh hướng tình dục trong tuổi dậy thì. Những lợi ích của sự dự phòng tình dục của trẻ con như thế không chắc đã đưa đến kết quả như ý, người ta sẽ phải tự không biết có nên tìm ra một thái độ mới trong việc dự phòng bệnh thần kinh hay không?
Nhưng ta hãy quay trở lại những triệu chứng. Những triệu chứng này đã tạo ra một sự thay thế ham muốn không được thỏa mãn, bằng cách cho tình dục thụt lùi về giai đoạn trước đó nghĩa là về với những đối tượng và tổ chức biểu thị đặc tính của những giai đoạn này. Chúng ta biết người bị thần kinh thường hay bám vào một khoảng thời gian nào đó trong dĩ vãng, đó là khoảng thời gian mà anh ta cảm thấy sung sướng. Anh ta quay trở lại dĩ vãng, tìm tòi cho đến khi tìm thấy lại sự sung sướng đó, dù phải quay trở lại thời thơ ấu đầu tiên đúng như những điều anh nhớ lại theo những dấu hiệu xảy ra trong những thời kì gần hơn. Triệu chứng lặp lại bằng cách này hay cách khác sự thỏa mãn của thời thơ ấu đầu tiên đó, một sự thỏa mãn đã bị kiểm duyệt làm cho phải biến dạng đi, phát sinh từ sự xung đột, luôn luôn kèm theo một vài cảm giác đau đớn liên kết với các yếu tố như có sẵn mầm bệnh trong người. Sự thỏa mãn đó như một niềm đau và thường phàn nàn về điểm đó: sự thay đổi này chỉ là hậu quả của sự xung đột gây áp lực làm cho triệu chứng phải xuất hiện. Điều ngày xưa đối với đương sự là một sự thỏa mãn thì ngày nay trở thành một thứ gì chống đối lại sự thỏa mãn đó hay ghê sợ nó. Chúng ta biết một thí dụ rất hay về sự biến đổi đó. Đứa bé ngày xưa bú sữa mẹ một cách say sưa thì chỉ một vài năm sau đó đã không chịu được sữa mẹ rồi, một sự kinh tởm mà giáo dục rất khó khăn không thể chế ngự được. Sự ghê sợ này trở thành kinh tởm khi sữa mẹ hay đồ uống có pha sữa mẹ nó có một cái váng. Chính cái váng này đã làm cho thằng bé nhớ lại đôi vú mẹ nó lúc còn say mê bú sữa. Chính trong khoảng thời gian giữa sự say mê sữa mẹ và sự kinh tởm, người ta bắt trẻ phải cai sữa và làm cho nó như bị một vết thương từ bên ngoài vào.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top