Những điều kiện và kỹ thuật của sự giải thích
Như vậy, muốn cho công cuộc khảo sát về giấc mơ tiến triển, chúng ta phải có một con đường mới, một phương pháp mới. Tôi muốn đề nghị với các bạn một điều thực giản dị: chúng ta hãy coi những giấc mơ như những hiện tượng không có tính chất cơ thể mà chỉ có tính chất tinh thần. Bạn biết điều đó có nghĩa gì, nhưng cái gì đã cho phép chúng ta làm điều đó? Không có gì hết nhưng cũng chẳng có gì cấm chúng ta. Sự việc như thế này: nếu giấc mơ là hiện tượng cơ thể thì chúng ta chẳng cần để ý đến nữa, chúng ta chỉ để ý đến những giấc mơ vì đó là những hiện tượng tinh thần. Vì vậy chúng ta phải gán cho nó những tính chất tinh thần để xem công việc khảo cứu của chúng ta sẽ đi đến đâu trong điều kiện đó. Theo kết quả thu lượm chúng ta sẽ biết là có nên giữ giả thuyết của chúng ta không? Bởi vì chúng ta định đi tới đâu, mục đích của chúng ta là gì? Mục đích đó là mục đích của mọi khoa học nói chung: chúng ta muốn tìm hiểu các hiện tượng, ràng buộc chúng vào với nhau để rồi mở rộng phạm vi quyền hạn của chúng ta đối với chúng.
Vậy chúng ta tiếp tục công trình khảo cứu bằng cách coi giấc mơ như một hiện tượng tinh thần. Nhưng trong giả thuyết các giấc mơ đó như là một cách phát biểu của người nằm mơ, một cách phát biểu không cho chúng ta biết gì hết, mà chúng ta không hiểu. Ở trường hợp các bạn thì có thể làm việc gì khi bạn không hiểu gì về tôi cả. Bạn sẽ hỏi tôi phải vậy không? Vậy tại sao chúng ta không hỏi luôn người nằm mơ? Tại sao chúng ta không hỏi ngay chính người đó xem giấc mơ của anh ta có nghĩa gì?
Các bạn hãy nhớ rằng, có một lần chúng ta đã ở trong tình trạng tương tự. Đó là trường hợp một hành vi sai lạc, một trường hợp lỡ lời. Có một người nói: "Có những việc đã xảy ra ( Vorschwein gekommen)". Chúng ta hỏi anh ta xem anh ta định nói gì trong câu nói vô nghĩa đó. Anh ta trả lời là ý anh ta muốn nói: "Đó là những trò con heo (Das warenSchweinrein)" nhưng ý kiến này bị một ý kiến ôn hòa hơn chèn ép: "Có những sự việc xảy ra (Vorschein)". Nhưng ý tưởng thứ nhất bị dồn épl àm cho anh ta thay chữ Vorchein bằng chữ Vorschwein, một chữ khôngcó nghĩa gì nhưng diễn tả được ý chê bai của anh ta. Lúc đó tôi đã giảng cho các bạn nghe rằng, sự phân tích này là điển hình cho công cuộc khảo cứu về phân tâm học. Và bây giờ thì bạn hiểu tại sao môn phân tâm học lại áp dụng kỹ thuật giải quyết các điều bí ẩn bằng cách hỏi ngay đương sự. Vì thế, cho nên đến lượt người nằm mơ phải nói cho chúng ta biết giấc mơ của anh ta có nghĩa gì.
Tuy nhiên trong giấc mơ không phải là mọi sự đều giản đơn như thế. Trong các hành vi sai lạc chúng ta đứng trước những trường hợp đơn giản; rồi sau đó chúng ta phải gặp những trường hợp bớt đơn giản, khi mà đương sự không muốn nói cho chúng ta nghe gì cả, trái lại còn giận dữ trước những lời đề nghị của chúng ta. Về các giấc mơ bao giờ anh ta cũng trả lời không biết gì hết. Anh ta cũng không có ý kiến gì về cách giải thích của chúng ta vì thực sự chúng ta chẳng có gì đề nghị với anh ta hết. Có phải vì thế mà chúng ta đành phải bỏ rơi lối giải thích của chúng ta không? Người nằm mơ không biết gì hết, chẳng có người thứ ba nào cho chúng ta biết thêm được điều gì, chính chúng ta cũng không có một nguồn tin tức nào để biết thêm, chúng ta chẳng còn hy vọng được biết điều gì cả. Đúng vậy, các bạn cứ việc đầu hàng đi theo tôi. Tôi cho rằng có thể người nằm mơ biết giấc mơ của anh ta có nghĩa gì nhưng vì không biết rằng mình biết nên cho rằng mình không biết.
Các bạn sẽ cho rằng đây là lần thứ hai tôi lại dùng lại sự giả dụ và làm như thế tôi giảm giá trị của phương pháp đi nhiều. Điều giả dụ thứ hai: Trong con người có những hoạt động tinh thần mà anh ta biết là có nhưng không biết đó là gì... Các bạn sẽ cho rằng những giả dụ này không thể nào thành sự thực được nên những kết luận của tôi sẽ không có giá trị gì.
Đúng thế, nhưng tôi không mời các bạn đến đây để giấu giếm hay phơi bày cái gì hết. Tôi đã báo thức trước rằng đây chỉ là bài học nhập môn, điều đó không có nghĩa rằng tôi phải hiến cho các bạn các bài học tường trình thực đẹp che giấu những cái khó khăn, lấp các hố thiếu sót để làm cho các bạn có cảm tưởng rằng đã học được một chút gì rồi. Không, chính vì các bạn là những người mới bắt đầu nên tôi phải trình bày khoa học của chúng ta với nguyên hình của nó, với những cái gì không điều hòa, cao vọng của nó cũng như những khó khăn. Tôi biết khoa học nào cũng thế nhất là những khoa học mới bắt đầu. Tôi cũng biết là giáo dục thường có thói quen che giấu không cho sinh viên biết những khó khăn và những điều thiếu sót của môn học. Vì vậy, tôi đã đưa ra hai điều giả dụ có liên quan chặt chẽ đến nhau, nếu các bạn thấy sự việc đó khó nhọc quá, không vững chắc và nếu các bạn quen với những sự xác thực cao hơn, những sự diễn dịch đẹp đẽ thì các bạn chẳng nên đi xa hơn nữa. Tôi còn cho rằng các bạn nên gạt ra một bên những vấn đề tâm lý thì hơn. Bởi vì các bạn sẽ không thấy con đường chúng ta đang theo đuổi là con đường chắc chắn đáng theo. Vả lại một khoa học có thể cho nhân loại điều gì đó mà không cần tìm những kẻ ủng hộ mình. Chính những kết quả sẽ nói nhiều về giá trị của nó, nó có thể chờ cho những kết quả đó làm cho mọi người chú ý.
Nhưng tôi cần báo trước cho những người muốn theo con đường tôi đi là hai điều giả dụ của tôi không có giá trị bằng nhau. Đối với điều thứ nhất, chúng ta sẽ dùng công cuộc khảo cứu để chúng ta chứng minh rằng giấc mơ là một hiện tượng tinh thần. Còn về điều thứ hai, chúng ta đã dùng nó trong một công việc khác rồi, chúng ta chỉ còn dùng nó để giải những bài toán trong vấn đề này
Ở đâu và trong phạm vi nào người ta chứng minh rằng có một tri thức mà chúng ta không biết gì hết, đúng như trường hợp của anh chàng nằm mơ của chúng ta. Đó là một điều rất đáng chú ý, đáng ngạc nhiên, có thể thay đổi hẳn quan niệm của chúng ta về đời sống tinh thần, không cần phải lánh mặt làm gì. Đó là một sự kiện diễn tả một cái gì có thực. Vậy mà sự kiện này không hề lánh mặt. Nếu người ta không biết đến nó đâu có phải lỗi tại nó; chúng ta cũng không có lỗi gì nếu tất cả những người xa lạ đối với những sự quan sát và thí nghiệm về vấn đề này đưa ra.
Việc chứng minh sự có mặt của sự kiện này đã được thực hiện trong phạm vi thôi miên. Tôi được chứng kiến thí nghiệm sau đây của Liebaultvà Bernheim năm 1889 ở Nancy: Người ta ru ngủ một người trong một giấc ngủ mộng du, trong đó người bị ru ngủ được gây cho có một thứ ảogiác: lúc tỉnh dậy anh chàng có vẻ như không hay biết những sự việc xảy ra trong giấc ngủ. Khi Bernheim hỏi anh về những sự việc xảy ra, anh trả lời là anh không nhớ gì hết. Nhưng Bernheim hỏi đi hỏi lại và quả quyết là anh ta phải biết và chắc chắn có biết: thế là anh chàng ngập ngừng, bắt đầu tập trung ý tưởng rồi lại nhớ lại như trong giấc mơ một điều, rồi hai điều rồi càng ngày càng nhiều hơn, càng rõ hơn lên cho tới khi nhớ lại được hết từ đầu đến cuối không còn sót một điều nào. Vì đương sự không hề được ai cho biết những điều đó, chúng ta phải kết luận rằng ngay trước khi bị thúc đẩy, bắt phải nhớ lại, anh ta đã biết có những sự việc xảy ra trong lúc ngủ. Chỉ có điều là những biến cố đó như không biết rằng mình biết, tưởng rằng mình không biết. Trường hợp đó hoàn toàn giống như trường hợp người nằm mơ của chúng ta.
Chắc hẳn các bạn ngạc nhiên khi nghe kể lại sự kiện đó và bạn sẽ hỏi: tại sao ông lại không áp dụng phương pháp đó cho những hành vi sai lạc trong khi chúng ta gán cho người nói lỡ lời những ý muốn mà anh ta cho là không có và nhất định phủ nhận. Ngay khi một người cho rằng mình không hay biết gì về những biến cố, thực ra có trong trí nhớ của mình thì việc anh ta không biết gì về những biến cố khác trong sự hoạt động về tinh thần chả làm ai ngạc nhiên cả. Lý luận đó sẽ làm cho chúng ta hiểu các hành vi sai lạc. Đáng lẽ trong lúc đó tôi phải dùng cách đó thực nếu tôi không muốn để dành dùng trong một trường hợp khác mà tôi cho là cần dùng hơn. Một phần trong các hành vi sai lạc đã khiến cho các bạn có những giải thích, còn phần kia đã đưa các bạn đến chỗ chấp nhận sự có mặt của các sự hoạt động tinh thần chưa được biết đến. Đối với những giấc mơ chúng ta buộc phải tìm cách giải thích nơi khác và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể coi đó như một trường hợp thôi miên. Tình trạng một người khi làm hành vi sai lạc là một tình trạng thôi miên. Trái lại giữa tình trạng thôi miên và tình trạng ngủ có sự giống nhau rất rõ ràng. Thực tế người ta thường nói rằng thôi miên tức là giấc ngủ nhân tạo. Chúng ta bảo người đang bị thôi miên: ngủ đi. Và những lời chúng ta gợi cho người đó giống như một giấc mơ trong giấc ngủ bình thường. Trạng thái tinh thần trong cả hai trường hợp giống nhau hoàn toàn. Trong giấc ngủ tự nhiên chúng ta gạt bỏ hết những dây liên lạc với đời sống bên ngoài; trong giấc ngủ thôi miên cũng thế chỉ khác một điều là chúng ta vẫn tiếp tục để ý đến người đang thôi miên ta - và chỉ người đó thôi - và đang liên lạc với ta. Vả lại cái mà người ta gọi là giấc ngủ của người vú trong đó người vú tuy ngủ nhưng vẫn liên lạc với đứa trẻ chẳng khác gì giấc ngủ thôi miên. Vì vậy sẽ chẳng có điều gì quá táo bạo nếu chúng ta gán cho giấc ngủ tự nhiên một điểm đặc biệt của giấc ngủ thôi miên. Do đó, khi chúng ta cho rằng người nằm ngủ biết rõ giấc mơ của mình nhưng không biết rằng mình không biết không phải là không có căn bản. Đến đây chúng ta thấy mở ra một con đường thứ ba trong việc khảo sát các giấc mơ: sau những giấc mơ đó, những kích thích bên ngoài gây nên sau những giấc mơ trong khi thức, chúng ta có những giấc mơ do sự thôi miên gây nên.
Và bây giờ chúng ta lại có thể tiếp tục công việc khảo sát với một lòng tin tưởng to lớn. Vậy tức là người nằm mơ biết rõ về giấc mơ của mình, chúng ta chỉ còn làm sao cho họ biết và nói cho ta nghe. Chúng ta sẽ không yêu cầu người đó nói ngay cho ta biết giấc mơ đó có ý nghĩa gì, chúng ta chỉ muốn làm sao cho anh ta nhớ lại nguyên nhân giấc mơ, gợi lại những ý kiến và lợi ích của giấc mơ đó. Trong trường hợp hành vi sai lạc (chắc chắn các bạn còn nhớ) đặc biệt là trong câu chuyện lỡ lời về chữ Vorchwein, chúng ta đã hỏi đương sự tại sao y lại lỡ lời như thế, thì ý tưởng đầu tiên đến trong đầu anh ta đủ cho chúng ta biết rõ sự việc rồi. Chúng ta sẽ đưa vào thí dụ này, áp dụng một kỹ thuật đơn giản. Chúng ta sẽ hỏi người nằm mơ là tại sao ông ta lại nằm mơ như thế và coi câu trả lời đầu tiên là một lời giải thích. Chúng ta sẽ không để ý đến những sự khác biệt trong trường hợp người nằm mơ tưởng rằng mình biết với trường hợp cho rằng mình không biết, và chúng ta sẽ giải quyết vấn đề bằng cách coi những tài liệu đó như thuộc cùng một loại.
Kỹ thuật này quả thực rất giản dị nhưng tôi sợ các bạn lại phản đối. Và các bạn sẽ bảo: "Đó là một điều giả dụ mới". Điều giả dụ thứ ba và điều này còn không đáng tin hơn hai điều kia nữa. Thế nào? Ông bảo người nằm mơ nói cho ông những điều anh ta nhớ lại về giấc mơ rồi ông ta coi luôn câu trả lời đầu tiên của anh ta như là một lời giải thích sao? Nhưng thực sự thì có thể là anh ta không nhớ lại hết và chỉ có trời mới biết anh ta nhớ lại điều gì. Chúng tôi không hiểu ông định chờ gì ở chúng tôi. Đáng lẽ phải vận dụng trí óc phê bình thì ở đây ông lại đòi hỏi chúng tôi tin tưởng ông quá đáng. Vả lại một giấc mơ không thể so sánh với sự lỡ lời vì trong giấc mơ có nhiều thứ lắm, mình phải chú ý đến những điều nào trong những điều người ta nhớ lại.
Các bạn nói đúng. Một giấc mơ khác một sự lỡ lời ở chỗ có nhiều yếu tố và chúng ta phải coi sự khác biệt này là quan trọng khi khảo sát. Vì thế tôi đề nghị chia giấc mơ ra thành nhiều yếu tố và xét từng yếu tố riêng biệt một, như thế chúng ta sẽ có một sự giống nhau với sự lỡ lời. Bạn cũng có lý khi cho rằng khi hỏi về từng yếu tố một trong giấc mơ cũng có thể là người nằm mơ sẽ trả lời anh ta không nhớ gì hết. Sau này bạn sẽ thấy làc ó những trường hợp một câu trả lời như thế chúng ta cũng dùng được, và điều kỳ lạ là đó lại chính là những trường hợp giúp cho chúng ta có được những ý tưởng vững chắc. Nhưng thường thường khi người ta nằm mơ trả lời là không nhớ gì cả, chúng ta sẽ vặn vẹo anh ta, hỏi đi hỏi lại, bảo cho anh ta biết là anh ta phải có một ý gì và sau cùng chúng ta sẽ thành công. Anh ta sẽ cho chúng ta một ý kiến bất cứ ý kiến nào cũng được, không quan hệ gì, anh ta sẽ cho chúng ta rất dễ dàng những ý kiến mà anh ta gọi là ý kiến lịch sử. Anh ta sẽ nói: "Sự việc xảy ra chiều hôm qua" hay "Điều này làm tôi nhớ lại việc mới xảy ra gần đây". Làm như thế dần dần chúng ta sẽ thấy là những giấc mơ thường gắn liền với những cảm tưởng nhận được trong ngày gần đó và sự việc này xảy ra luôn luôn hơn là chúng ta tưởng lúc đầu. Sau cùng, đi từ giấc mơ anh chàng đó sẽ bắt đầu nhớ lại những điều rất xa xôi, nhiều khi xa xôi lắm.
Tuy nhiên nếu về những ý kiến phụ bạn có lý thì về điểm cần thiết bạn lại không có lý. Bạn tưởng rằng tôi đã hành động võ đoán khi coi câu trả lời đầu tiên của người nằm mơ là một lời giải thích, một điều đem lại cho tôi điều tôi muốn tìm hay chỉ vẽ cho tôi con đường phải theo; bạn không có lý khi cho rằng câu trả lời của người nằm mơ sẽ không liên quan gì đến những điều tôi đang tìm và nếu tôi đang chờ đợi có một điểm gì tức là tôi đang tin tưởng quá đáng. Có lần tôi đã trách các bạn về điểm quá tin tưởng vào sự tự do và tính cách tự nhiên về phương diện tâm lý, tôi đã có dịp nói rằng một sự tin tưởng như thế là phản khoa học, không thể đứng vững được trước sự đòi hỏi của thuyết định mệnh tinh thần. Khi người ta được hỏi đưa ra một ý kiến, chúng ta đứng trước một sự kiện mà chúng ta phải chấp nhận. Nói như thế chúng tôi không muốn đưa ra một ý kiến này để phản đối một ý khác. Người ta có thể chứng tỏ được rằng ý kiến đó người được hỏi đưa ra không phải là không liên quan gì đến điều chúng ta tìm. Tôi vừa được tin là môn tâm lý học thực nghiệm cũng vừa cho chúng ta những bằng chứng như thế tuy tôi cũng không tin tưởng quá đáng vào sự việc đó.
Vì là vấn đề quan trọng, tôi yêu cầu các bạn chú ý đặc biệt. Khi đòi hỏi một người nào đó cho tôi biết ý nghĩ gì đã đến trong đầu óc anh ta về một điểm nhất định nào đó trong giấc mơ tôi yêu cầu, người đó cứ để cho ý kiến tự nhiên liên tưởng với nhau khi đi từ một ý kiến nguyên thủy. Điều này cần một sự chú ý đặc biệt, một chiều hướng khác hẳn chiều hướng của sự suy nghĩ. Có nhiều người tìm thấy chiều hướng đó dễ dàng, nhiều người khác lại gặp phải khó khăn trong vấn đề này. Vậy mà sự tự do liên tưởng có một giá trị rất cao: ví dụ khi tôi bỏ rơi sự hình dung nguyên thủy mà chỉ để ý đến tính chất của ý kiến đó thôi, ví dụ như yêu cầu đương sự tự do nghĩ đến một tên riêng hay một con số nào đó. Một ý tưởng như thế còn võ đoán không lường được hơn là ý kiến dùng trong kỹ thuật của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể chứng tỏ rằng, trong trường hợp nào ý kiến này cũng được quy định bằng những sự việc nội thể. Những sự việc nội thể này khi có tác dụng, chúng ta không biết gì hơn là những khuynh hướng gây rối trong những hành vi sai lạc hay những khuynh hướng gây ra những hành vi bất chợt.
Tôi đã làm nhiều cuộc thí nghiệm như thế về những tên riêng và những con số đến tự nhiên trong óc. Nhiều người khác cũng làm như tôi, và nhiều công trình khảo cứu đã được in lên thành sách. Người ta dựa vào tên riêng vừa nghĩ đến để đề nghị những liên tưởng có tính cách liên tục, không phải là hoàn toàn tự do nhưng gắn liền ý nọ vào ý kia như những ý tưởng được gợi ra cho từng yếu tố một trong giấc mơ. Người ta cứ thế tiếp tục cho tới khi không còn gợi được thêm một ý nào nữa. Khi thí nghiệm chấm dứt người ta đứng trước một sự giải thích cho biết những lý do tại sao ý đó lại được hiện ra trong óc người được hỏi tên riêng đó gây nên, và cho chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của cái tên đó đối với người được hỏi. Những thí nghiệm bao giờ cũng đưa đến những kết quả như nhau, được làm với nhiều trường hợp khác nhau và cần phát triển thêm nhiều trường hợp khác nữa. Những sự liên tưởng do những con số gây nên còn có giá trị hơn nữa: những liên tưởng này tuôn ra nhanh và hướng về một mục đích còn được che giấu dưới một sự chắc chắn khó hiểu đến nỗi chúng ta đâm ra hoang mang khi nhìn chúng diễu qua. Tôi kể cho các bạn nghe một thí dụ thôi, một thí dụ đặc biệt có lợi vì có thể được trình bày mà không cần dài dòng lắm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top