Một

Tôi muốn kể một câu chuyện về một cô gái lầu xanh thời Bắc Tống.

Đương nhiên, không phải ngay từ khi mới được sinh ra, nàng đã nhuốm phải son phấn hồng trần. Từ một tiểu thư chốn khuê phòng, chưa từng rời khỏi nơi tiểu viện, đạo lý, lễ nghĩa đều hiểu thông so với một kỹ nữ chốn lầu xanh quả là cách nhau đến nghìn năm, lại dường như chỉ là một giấc mơ, khi bừng tỉnh, nàng lại trở về tiểu viện của mình...

-------------------------------------------

Dưới bóng cây râm mát, nụ cười nở trong đôi mắt, gió nhẹ thoảng qua, trong không gian trầm bổng đó là một mối tình chớm nở.

Rất lâu, rất lâu sau đó, tất cả sẽ trở về rất lâu rất lâu trước đó, ai cũng không phải là của ai.

-------------------------------------------

Tôi phải uốn lưỡi vài cái cho thuận miệng, bởi vì câu chuyện quá khứ mà tôi muốn kể rất dài và rất xa....

Phụ thân nàng là một hào lý có tiếng trong vùng, trông ông lúc nào cũng nghiêm nghị, ít khi nói cười, mẫu thân nàng là một phụ nhân hiền thục, dịu dàng. Mỗi lần thấy nàng rơi lệ vì đau khi bó chân thì mẫu thân lại ôm nàng vào lòng rồi khóc.

( Hào lý: tương tự phú hộ ấy, ý chỉ nhà giàu có )

Đương nhiên việc mẫu thân nàng có thể làm được chỉ là khóc mà thôi.

Nàng vẫn không hiểu tại sao, nữ nhân lại phải bó chân, mà đôi chân dị dạng sau khi bó càng dị dạng càng được coi là đẹp. Nàng cơ hồ bất mãn nhưng chưa từng nghĩ tới việc chống đối, mà dù muốn thì nàng cũng không có sức lực để chống đối.

( Tục bó chân xuất hiện vào thời nhà Tống nhưng phổ biến nhất vào thời nhà Thanh. Có nhiều giả thuyết về xuất xứ của tục bó chân. Một trong những giả thuyết được nhắc đến nhiều là câu chuyện về một cung phi của Hán Thành Đế tên là Triệu Phi Yến,. Nàng đã quấn những dải lụa quanh bàn chân và nhảy múa. Hán Thành Đế vì rất ấn tượng với dáng điệu của Triệu Phi Yến khi nhảy múa trên đôi chân bó gọn nên gọi nó là "Kim Liên Tam Thốn" (Gót Sen Ba Tấc) và ra lệnh cho những cung phi khác cũng bắt chước theo. Một câu chuyện tương tự cũng được nhắc đến trong các tài liệu không chính thức, nhân vật chính lại là nàng Giáng Phi sống ở thời Nam Bắc Triều. Tuy rất khác nhau về tên nhân vật nhưng các câu chuyện trên cho thấy một điểm chung, tục bó chân bắt nguồn trong giới thượng lưu. Việc bó chân sau đó đã trở nên thịnh hành trong giới nữ thuộc mọi tầng lớp của xã hội Trung Quốc và dần trở thành một tập tục. )

Phụ thân nàng hơi mập nhưng lại rất cao lớn. Ông là người nam nhân duy nhất mà nàng được thường xuyên nhìn thấy. Đệ đệ nàng còn quá nhỏ, vì vậy, nàng không coi y như một nam nhân. Từ trước tới giờ, phụ thân thường rất ít trò chuyện với nàng, còn nàng, cũng vì sợ hãi nên chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt ông.

Trong trí nhớ nàng, phụ thân chưa bao giờ mỉm cười, ít nhất là cũng chưa bao giờ cười với nàng.

Từ nhỏ, nàng đã được nuôi dạy để trở thành một tiểu thư thế gia vọng tộc, hiền thục, ngoan ngoãn và biết phục tùng. Cho tới tận khi nàng đến mười lăm xuân xanh, nàng cũng chưa từng bước ra khỏi phủ.

( Thế gia vọng tộc: nhà thuộc dòng dõi danh giá, quyền quý )

Tất nhiên, trước khi hiểu được thế nào là hạnh phúc, nàng vẫn rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại; khi chưa biết đến tình yêu, nàng vẫn không hiểu thế nào là nhớ nhung da diết; trước khi thật sự gặp nam nhân khác, nàng vẫn cho rằng, tất cả nam nhân trên thế gian này đều đáng sợ như phụ thân nàng, vì thế nàng không nghĩ nhiều đến chuyện đó, chỉ dám kính nhi viễn chi.

( Kính nhi viễn chi: Thành ngữ này có nguồn gốc từ một câu nói của Khổng Tử trong "Luận ngữ - Ung dã" (論語·雍也):

Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị tri hĩ"(務民之義,敬鬼神而遠之,可謂知矣。).

Tạm dịch như sau:

Làm việc nghĩa, có ích cho dân, tuy phải kính trọng quỷ thần (ý nói bề trên) nhưng không cầu cạnh quỷ thần, mà nên tránh xa quỷ thần, đó là trí.

Có thể nói rằng, "Kính nhi viễn chi" chính là cách nói rút gọn từ câu "Kính quỷ thần nhi viễn chi"(敬鬼神而遠之).

Ngày nay, trong thành ngữ "kính nhi viễn chi" thường được dùng trong các trường hợp: Bề ngoài tỏ ra kính nể, tôn trọng một đối tượng nào đó, nhưng trên thực tế không muốn tiếp cận, gần gũi với đối tượng đó; hoặc thường dùng trong các trường hợp mỉa mai, châm biếm khi mình không muốn tiếp cận với một đối tượng nào đó. Ví dụ:

Họ là những người có quyền uy thế lực, hô mưa hoán gió, giao du với họ là họa phúc vô lường, tôi chỉ dám "kính nhi viễn chi" thôi. )

Nàng cũng đã từng nghe một tiểu nha hoàn, mặt đỏ lựng, ấp a ấp úng kể về câu chuyện tình yêu chưa có mở đầu mà đã đến hồi kết thúc của nó. Sau khi nghe xong, nàng chỉ biết cười giễu cợt, đến nỗi tiểu nha hoàn kia xấu hổ đến mức che mặt bỏ chạy. Về sau, nha hoàn ấy cũng không kể lại việc đó với nàng nữa.

Nàng cũng có những thú vui riêng của mình: thích thả diều giấy cho bay thật cao, cao đến nỗi tựa như có thể chạm vào trời xanh bất cứ lúc nào. Sáng sớm, nàng thường dạo chơi trong hoa viên, để y phục thấm đẫm mùi hương của hoa nhài. Nàng còn dùng chiếc vợt tự đan để bắt những con hồ điệp cánh tím, nhưng bắt xong, thấy thương xót, nàng lại mở lòng từ bi, thả chúng bay đi. Thả chúng bay đi rồi, nàng còn vẩy vẩy khăn, tỏ vẻ không màng đến sự biết ơn của chúng. Những lúc ấy, nàng cảm thấy vô cùng hài lòng, giống như vừa làm một việc thiện vậy. Sau bữa cơm tối, nàng thường ngồi trên căn gác lửng, khe khẽ gãy khúc Tứ Trương Cơ... Cuộc sống dường như không biết tới u sầu, lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ. Ngày tháng trôi đi một cách êm đêm tựa như mặt hồ phẳng lặng, thong dong tự tại.

( Hồ điệp: bướm. Tứ trương cơ: nằm trong "Cửu trương cơ" toàn tập, là một điệu từ đời Tống, bắt nguồn từ bài nhạc phủ "Tuý lưu khách" 醉留客. Mỗi điệu gồm 9 bài, tất cả đều mượn khung cửi để tỏ nỗi lòng khuê phụ.

Sau đây là tất thảy 9 bài:

Nhất trương cơ, lưu hà khuynh tận nhiễu xuân đê. U lan giáng thảo phương trạch lý. Băng cơ ngọc cốt, yên chi thúy đại, tương đối dục hồng y.

Nhị trương cơ, mấn hương khinh tản mộc tiên tư. Tu trì tịch tí yểu dung lệ. Hồi mấu tiếu ngũ, nhân ôn nghi vụ, thiển họa tự y y.

Tam trương cơ, mộ hàn do xuyết liễu phương chi. Tinh nông nguyệt thiểm hoa nghi lệ. Hàm tình tuyển vĩnh, uyên ương minh triết, tối thị lưỡng tâm tri.

Tứ trương cơ, hoa khai hoa tạ ảnh song phi. Xuân phong bất giải sầu tư vị. Thanh tôn tố tửu, triện hương nhược tự, vĩnh dạ luyến si mê.

Ngũ trương cơ, triều triều mộ mộ vũ phi phi. Đào hoa kết tử thừa an dật. Sơn lâm mộng viễn, quỳnh hồ xao tận, cầm tự trữ toàn cơ.

Lục trương cơ, ngân hà hoạch đoạn lưỡng tình si. Minh loan tâm tại thường tương ức. Phồn hoa đãi tiễn, sơ chung thôi hiểu, cơ độ ký tương tư.

Thất trương cơ, sầu trường thí tửu vãn lai trì. Thiều thiều tiêu hán chung vô kế. Họa lầu vân vũ. Lương tiếu kim cô, nhất mộng đoạn trần ni.

Bát trương cơ, mộng lam tương kiến phán xuân quy. Tân tranh điều trụ thanh như lập. Cung thương nan lý, huyền âm như mộng, hà xứ mịch linh tê?

Cửu trương cơ, tiểu thư cầm tự triện thanh trì. Hiên song u ám hoa chi bích. Lưu vân túy hoán, quỳnh khôi ám tín, vô nại lưỡng bồi hồi. )

Phía sau tiểu viện của nàng là một đào uyển khá rộng. Những cây hoa đào đứng sừng sững, bao bọc bởi hồ nước và những giả sơn. Ánh nắng ban mai đầu mùa hạ còn vương vấn những giọt sương đêm, mây mù khi tỏ khi mờ, cảnh sắc như chốn bồng lai luôn khiến lòng người say đắm.

( uyển: vườn )

Hôm đó, nàng vô tự dạo bước trong đào uyển, chốc chốc lại dừng bước ngắm những tia nắng len lỏi xuyên qua kẻ lá.

Khi đó nàng đã nhìn thấy y, nhìn thấy người nam nhân mà nàng đã vương vấn suốt cả cuộc đời.

Năm đo,́ nàng vừa tròn mười lăm, lần đầu tiên nhìn thấy nam nhân trạc tuổi hai mươi. Nàng chăm chăm nhìn y một cách hiếu kỳ, y cũng quan sát nàng không khách khí. Nàng nghi ngờ, phải chăng hỷ tước đang đậu trên nhánh cây kia đã thay nàng chuyển đi thông điệp? Bởi vì, y đang bất ngờ tiến về phía nàng.

Nàng vội vã cúi đầu xuống, nhưng sâu thẩm trong tận đáy lòng, nàng đã yêu mất ánh mắt chuyên chú của y mất rồi! Suy nghĩ đó khiến nàng cảm thấy vô cùng hổ thẹn.

Dù là bạch y mà y đang vận, hay là những bước chân mạnh mẽ dứt khoát, dù là ánh mắt tự nhiên phóng khoáng hay đôi môi đang khẽ cong lên kia, trong mắt nàng đều là sự tuấn mỹ, phong trần, thần thái tràn đầy sự lịch thiệp!

Nàng đứng im dưới tán cây hoa đào, cành cây như những sợi dây ái tình vấn vương, lá cây tựa như những đôi mắt đẹp. Diện mạo nàng được những cánh hoa vẽ nên một tầng lớp yêu kiều. Trước khi cụp mắt xuống, nàng còn kịp nhìn thấy y đưa tay lên.

Y hái một cánh hoa đào, cài lên phát huyền của nàng, tay áo khẽ lướt qua, nàng ngửi thấy một mùi hương mạnh mẽ, hấp dẫn. Chàng là người đầu tiên khiến nàng cảm nhận được cảm giác ấm áp khi tiếp xúc với nam nhân.

( Phát huyền: tóc đen )

Khi tay y khẽ chạm vào khuôn mặt nàng, tim nàng đập liên hồi, nàng bất an, nàng ngượng ngùng, nàng hoảng loạn, nàng không biết mình nên làm gì... Nhưng cảm giác mơ hồ đó, khiến nàng lưu luyến và chờ đợi.

Chờ đợi? Nàng không biết rằng nàng đang chờ đợi điều gì. Nàng chỉ cảm thấy mặt nóng ran lên, những phiến hồng nổi lên vì những ý nghĩ táo bạo.

Cuối cùng, nàng cũng ngẩng đầu lên, khoảng cách gần gũi giữa y và nàng khiến nàng cảm thấy vô cùng ngột ngạt.

Y đang mỉm cười, nụ cười của chàng thật đẹp, ánh mắt chàng tràn ngập sự phóng khoán, hiền hậu.

Thế là, nàng lại cúi đầu.

Đứng đối diện nhau một hồi lâu mà không nói lời nào, nàng bỗng dưng muốn trốn chạy, muốn xua tan cảm giác bất an mà y mang đến. Nhưng nàng lại không hề nhúc nhích, chân tay như đang bị một sợi dây vô hình trói chặt lại. Đó là cảm giác mà nàng không thể nào chế ngự nổi.

"Tiểu thư..."

Vừa hay, tiểu nha hoàn chạy đến. Nàng quay người lại trả lời, hồn phách nàng lúc này mới trở về thân xác.

Nàng nhìn lại nam nhân xa lạ kia rồi cúi đầu, vội vàng rời khỏi.

Nàng thề rằng, ánh nhìn lần cuối đó, là ánh nhìn dạt dào ý xuân về một tình yêu mới chớm nở.

Nàng thấy mình rất không tự trọng, giống như tiểu nha hoàn ấp ủ xuân tình ngày đó, nhưng lại không thể tự dằn lòng mình lại.

-----------------------------------

Về Tứ trương cơ, bạn nào có bản dịch thì comment để mình bổ sung nhé, Thanks <3

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top