phan 2

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Ban đêm

Khi màn đêm buông xuống nàng Nấm sống trong thứ ánh sáng chói loà của những ước vọng. Từ khi chuyển khỏi nhà chị gái nàng Nấm đã biết rõ thân phận mình. Cũng từ đó chuyển những ước vọng của mình vào ban đêm. Khi ánh mắt ban ngày của nàng đen thẫm thì ban đêm nó ngời sáng lên. Bao nhiêu ước vọng về cuộc sống, về bản thân cháy bỏng trong đầu nàng Nấm. Những ước mơ thật là tuyệt vời. Nàng Nấm ước mơ mình là một người đàn bà tuyệt sắc giai nhân. Khi đã nhìn được chân diện bản thân nên nàng Nấm không dám phung phí những giấc mơ của mình. Nàng muốn mình tuyệt đẹp để có một tình yêu đẹp. Bởi chưa có sách nào viết rằng người đàn bà xấu xí có một tình yêu đẹp bao giờ. Nàng Nấm ước mơ mình thật giàu có. Người nghèo cũng khó có một tình yêu đẹp. Và nàng ước mơ mình giàu có vì nàng muốn làm những cử chỉ cao đẹp. Quê nàng Nấm nghèo lắm. Mẹ nàng cũng đang sống trong nghèo khó. Có hai chị em nàng sống ở thành thị. Người chị thật may mắn lấy được một người chồng tốt và biết làm ra tiền. Còn nàng đã thật may có việc làm ổn định nhưng thu nhập cũng chẳng là bao. Nàng tùng tiệm trong chi tiêu để thi thoảng gửi về cho mẹ. Bố nàng viết thư cho nàng kể rằng mỗi khi nhận được tiền nàng gửi về mẹ nàng thường khóc rất lâu rồi gói ghém cất kĩ không bao giờ tiêu. Bố nàng muốn nàng cứ giữ lại mà tiêu.

Nàng Nấm có một đầu óc sáng láng của một người bình thường mà thôi. Nàng chỉ có thể ước mơ theo những trang tiểu thuyết hoặc những điều nàng nhìn thấy. Khi người đàn bà xinh đẹp cùng phòng làm việc khoe món quà vừa được tặng nàng Nấm cũng ước mơ có được món quà như thế. Khi người đàn bà xấu ở trong phòng phàn nàn rằng chẳng khi nào được ai tặng quà - ngay cả người chồng đã sống với nhau hai mặt con cũng chẳng khi nào biết tặng quà. Lúc đó nàng Nấm rất thông cảm với người đàn bà xấu đó, nàng ước khi nào có nhiều tiền sẽ mua tặng người đàn bà đó một món quà đẹp.

Ngoài ra nàng Nấm ước mơ mình sẽ trở thành nhà báo. Cái phòng làm việc của nàng Nấm chính là một toà soạn báo. Bảy người đàn ông và ba người đàn bà trong công việc có tên gọi là phóng viên và biên tập viên. Nàng Nấm và một cô gái nữa làm việc có tên gọi là nhân viên vi tính.

Nấm đánh bài còn cô gái kia mi trang. Mỗi người trong phòng có một việc làm cụ thể và theo một dây chuyền. Tờ báo này là một tờ báo tuần nên không bị sức ép của tính thời sự lắm. Những phóng viên và biên tập viên thường có thói quen bình luận các sự kiện mà họ vừa thu thập về.

Ban đầu khi công việc chưa thật quen và cái chính là mặc cảm với thân phận Nấm chỉ cắm cúi làm việc không để ý mảy may đến xung quanh. Nhưng thực ra Nấm chỉ không nói thành lời mà thôi. Nấm đã nhận thấy rằng vì sao họ lại bình luận các sự kiện trước khi bắt tay vào viết. Đó là vì sự bình luận đó không bao giờ được lên trang báo. Tại sao thì Nấm không biết. Có một điều lạ là những bình luận đó bao giờ cũng đúng với thực tế. Ví như sự kiện rùa thiêng nổi lên mặt hồ Gươm chẳng hạn. Thực tế là nước của hồ Gươm còn chưa đến ba ngang tay mà cụ rùa lại to thế, cụ bò đi đâu mà chẳng nhìn thấy. Vậy đấy có phải điềm báo đất nước thịnh vượng hay không?

Nàng Nấm đã thực sự ngưỡng mộ họ, những nhà báo. Nhưng nàng Nấm cũng không hiểu nổi điều gì đã ngăn cản họ viết những điều họ đã bình luận lên báo.

Nhũng ước mơ trong bóng tối đã đắp lên một diện mạo người đàn ông của Nấm. Nó có một gương mặt sáng sủa của nam diễn viên Hàn Quốc. Bây giờ trên truyền hình ta rặt chiếu phim Hàn Quốc và Trung Quốc. Và một thân hình từa tựa anh rể, một cặp đùi săn chắc thò ra dưới quần đùi. Người đàn ông của nàng là một người lương thiện, có một nghề nghiệp trung bình và là một người đàn ông chưa có gia đình. Nàng đã tin chắc như thế.

Nàng đã viết cho người đàn ông của nàng: Em là một cô gái quê nhiều ước mơ. Ngày bé khi trời sầm sập đổ mưa rào em đã rất sợ. Em đã khóc cùng với mưa. Cơn mưa rào mau tạnh. Nắng rờ rỡ chiếu sáng trên các lá cây. Em đã đi trong cái nắng đó để xem các lá cây vươn mình lên đón nắng. Các tàu lá chuối thì cười, còn các lá cỏ thì múa. Nhà em có một hàng rào râm bụt. Em đã mắc một khung cửi bằng sợi tơ chuối để dệt áo cho những con búp bê đất của em, Reng... reng... Nghe tiếng chuông điện thoại đổ thì tim nàng Nấm cũng loạn nhịp. Nàng nhấc ống nói, giọng nhẹ như một hơi thở: A lô. Em. Chào anh. Em đã ngủ chưa? Em còn chờ anh mà. Chờ anh nhé, anh sắp về rồi. Hôm nay em mặc áo màu gì. Áo màu vàng. Da em trắng mặc áo màu vàng rất đẹp. Em muốn khóc. Sao thế, đừng khóc anh sẽ về mà. Bao giờ? Sắp rồi. Anh hôn em nhé, được không. Sao em im lặng. Được không em. Vâng. Rồi đừng khóc nhé, em bé. Tút... tút... Các con chữ chỉ có thế nhưng nó đã được phổ nhạc. Bên tai Nấm là một suối nhạc. Nấm bay lơ lửng trên không trung. Cơ thể Nấm không còn tồn tại.

Nấm nằm trên giường nhắm mắt lại và những lời nói của người đàn ông cùng những suối nhạc lại vang lên trong trí não của Nấm. Từ não theo các nơ ron thần kinh toả đi khắp cơ thể. Nấm muốn hát, muốn cười và muốn chia sẻ cùng ai đó. Nấm có thể chia sẻ cùng ai được bây giờ. Với chị, với mẹ, chắc họ sẽ là những người biết sau cùng. Khi câu chuyện kết thúc có hậu bằng một đám cưới hoặc với kết bi kịch, khổ đau và nước mắt. Nấm lại không có một người bạn thân nào có thể chia sẻ trong những lúc thế này.

Cảm xúc đầy tràn trong Nấm khiến nàng không thể nằm im. Nấm bật máy và lại viết thư cho người đàn ông của nàng.

Em không thể nào ngủ được dẫu biết rằng ngày mai có nhiều công việc. Em chỉ muốn khóc nhưng nước mắt lại không chảy ra. Em không biết tại sao lại thế. Em là một cô bé rất tò mò. Những điều cấm đoán là những điều khiến em rất muốn biết. Khi quê em mắc điện mẹ em dặn, hãy tránh xa ra kẻo điện giật chết. Khi mẹ chưa nói em không thấy cái ổ điện kia có gì hấp dẫn cả. Khi mẹ nói rồi thì ổ điện đó cứ hút tay em vào. Em cứ muốn biết chết là thế nào nhưng em lại rất sợ chết. Một hôm không thể đừng em đã thò tay vào ổ điện, điện đã giật em rất đau nhưng em không chết. Năm 16 tuổi em đã khao khát một tình yêu bằng một hình ảnh mà em thường bắt gặp. Nhưng đó lại là một tội lỗi. Cho đến bây giờ em vẫn chưa biết tình yêu là gì. Em không biết những cảm xúc em đang trải qua bây giờ có phải là tình yêu không . Em chưa biết nhiều về anh nhưng sao em lại tin anh đến thế. Em muốn thổ lộ với anh tất cả những điều bí mật của em. Bây giờ em muốn ngả đầu vào vai anh.

Những dòng chữ được viết ra đến đâu thì dường như lòng Nấm nhẹ vơi đi.

Với cảm giác thật nhẹ nhõm Nấm đi vào giấc ngủ thiên thần.

Reng reng... điện thoại kêu lanh lảnh kéo Nấm ra khỏi giấc ngủ sâu. Phải mất mấy chục giây Nấm mới định vị được thực tại. Điều đầu tiên Nấm nhận ra ngay là trời đã sáng rõ. Chưa khi nào Nấm lại ngủ trễ như vậy. Nấm nhìn đồng hồ, vẫn còn 30 phút nữa mới đến giờ đi làm. Nấm nhấc máy điện thoại. Alô, tôi nghe đây. Ừ chào em. Là anh ư, em không thể nghĩ anh lại gọi điện cho em giờ này. Thế giờ này là của người khác gọi ư? Vâng, là của các anh các chị trong cơ quan nhắn lại việc trước khi họ đi công tác. Ôi thế là từ hôm qua tới nay anh chưa nghỉ ư. Em ngủ có ngon không, có mơ thấy anh không? Em ngủ rất ngon và không mơ gì cả. Vậy sau giấc ngủ em còn muốn tựa đầu vào vai anh nữa không? Sao im lặng thế em. Em lại muốn khóc phải không, tựa đầu vào vai anh mà khóc này. Anh gọi điện cho em nhiều thế này sẽ tốn tiền lắm đấy. Nhưng anh biết em vui khi anh gọi cho em mà. Vâng. Hôn em nhé, được không. Vâng.

Nấm vào phòng tắm nhìn vào tấm gương. Ôi cô Nấm đây ư. Một gương mặt rạng rỡ với đôi mắt long lanh trong gương.

Buổi sáng hôm nay trong phòng làm việc đang bình luận về những người tật nguyền.

- Nếu không thực mắt nhìn thấy có kể lại mọi người sẽ cho là hư cấu. Mọi người có hình dung được ông ta xâu kim bằng chân rồi tự vá áo không?

- Thì tôi đã viết về một người đàn bà mù mà thổi cơm bằng rạ mới tài chứ.

- Những người đó bị từ lúc lọt lòng nên họ không biết được cuộc sống của người thường như thế nào vì thế họ cần mẫn sống. Mình mà chẳng may bị như họ chắc tự tử mất.

- Ối giời ôi, người nào cũng nói thế nhưng chẳng may có bị vẫn sống nhăn có ai dám chết đâu. Con người thích ứng hoàn cảnh nhanh nhất trong các loài vật đấy.

- Nói đúng lắm. Như em Nấm nhà mình kia. Hôm nay tôi ngắm em ấy xinh cực. Lắm lúc nghĩ dại mình mà như em ấy rồi không có tình yêu thì chết quách cho xong.

- Hay thật, sao Nấm chẳng bao giờ tự ái hả Nấm.

Nấm chờ tiếng chuông điện thoại reo đến nghẹn thở. Lí trí bảo với Nấm rằng tối nay người ấy sẽ không gọi điện thoại đâu. Dẫu người ta có tình cảm với Nấm thật thì không phải ngày nào người ta cũng gọi điện cho Nấm được. Vậy mà Nấm vẫn cứ mong chờ một sự diệu kì. Mười giờ rồi mười một giờ đêm chuông điện thoại vẫn im lặng. Sự mong đợi chuyển sang hờn dỗi. Được thôi mình sẽ không thèm viết thư cho nữa. Nấm biết người ấy rất thích đọc thư của Nấm. Nhưng nếu Nấm không viết thư cho người ta thì người ta cũng sẽ không gọi điện về cho nữa. Thế thì... lại như xưa ư. Nấm phải làm gì bây giờ. Trong đầu Nấm đang có một cái gì đó muốn vỡ oà ra. Bức bối không thể tả nổi. Nấm cố nhắm mắt và hình dung ra người đàn ông của nàng với một vòng tay ôm rất chặt. Một cái nhìn thật nồng ấm. Sự hình dung của Nấm trôi tuột vào hư không, chẳng để lại một cảm giác nào cả. Nấm cố định hình xem sự bức bối trong đầu óc là gì? Cảm giác bức bối này lần đầu tiên xuất hiện trong Nấm. Đầu óc căng như dây đàn rồi chuyển sang đau nhức. Không phải một cơn đau bình thường chỉ dùng thuốc là xong. Đây là một cơn đau của số phận. Trong ngần ấy năm sống ở đời Nấm đã trải qua hai cơn đau như vậy. Một lần là năm 16 tuổi, là lúc phải chuyển khỏi nhà của anh chị. Nấm đã trải qua một cơn đau khủng khiếp và một mực đòi về quê sống với mẹ. Lần thứ hai là khi có một người đàn ông gần nhà Nấm đã muốn cho cô bé tật nguyền biết sự sung sướng của nhân loại. Chỉ một lần thôi, không ai biết cả. Nhân loại đang hàng ngày, hàng giờ làm việc đó. Tại sao mình em lại không? Tôi biết em đã học xong đại học cô bé ạ. Đại học có dạy cháu điều đó không nhỉ. À, có chứ. Họ đã dạy rằng phải là tình yêu kia. Thực chất của vấn đề là có tình yêu thì dễ biện minh hơn. Em chờ tình yêu chứ gì, có hoạ là chuyện cổ tích. Hãy thử đi, tôi tuyệt đối tôn trọng cháu mà. À mà này em có biết, các nhà tiểu thuyết rất thích các cô gái sống bản năng không?

Cơn đau của Nấm khi đó là do sự đấu tranh căng thẳng giữa sự có và không? Nấm có một đôi chân ngắn nhưng ngực Nấm căng và tròn. Hàng tháng những giọt máu sinh nở của đàn bà ra đủ ba ngày và tươi rói. Nấm cũng khao khát những điều mà một người đàn bà bình thường khao khát. Một tình yêu. Một tình dục. Một chồng vợ. Một mái ấm gia đình và những đứa con. Nhưng Nấm đã nhận ra chân dung đích thực của mình. Vì thế Nấm biết những khao khát kia là một sự xa xỉ. Vậy chẳng nhẽ Nấm sẽ sống một cuộc đời đồng trinh cho đến chết ư. Không, trong những nhân vật của tiểu thuyết thì thần tượng của Nấm không bao giờ là những cô gái trinh trắng. Nấm thích một tình yêu mạnh mẽ. Còn nếu cứ thử một lần để biết ư? Ba ri e đã vượt qua rồi thì một lần hay nhiều lần có khác gì nhau đâu. Và cái chính là con lùn khôn ngoan trong Nấm đã mách bảo Nấm rằng người đàn ông đó chẳng phải là người tốt đâu.

Quá khứ hiện về như những thước phim sống động. Nó làm cho đầu óc Nấm quang quẻ đến kì lạ. Còn trái tim thì nhột nhạt, căng phồng. Một lượng máu lớn chứa đầy tim đòi hỏi cơ thể Nấm phải có sự sinh sôi. Cơ thể Nấm phải sinh sôi ư?

Sinh sôi hay là sáng tạo? Nấm chưa thể định hình nhưng Nấm khát khao một cách cuồng nhiệt. Nếu bây giờ người đàn ông đã từng đề nghị cho Nấm thử một lần mà có mặt Nấm sẽ không ngần ngừ để thử với ông ta một lần tới bờ bến. Nấm nhận thức rõ ràng cơ thể Nấm đang chuyển động. Hai má Nấm nóng bừng, ngực Nấm co tròn hơn trong lớp áo lót. Và hai đầu vú Nấm săn lại chọc thẳng vào lớp vải. Lớp áo nịt như làm cho Nấm nghẹt thở. Nấm cởi bỏ áo xống rồi nhìn xuống ngực mình xem nó đang thay đổi như thế nào. Hai núm vú săn cứng màu hồng nhô ra. Nấm lấy hai lòng bàn tay xoa nhè nhẹ vào hai núm vú ấy. Một cảm giác đê mê lan khắp cơ thể Nấm. Một cảm giác thật dễ chịu. Nấm xoa mạnh hơn. Cảm giác lan toả khắp cơ thể rồi dồn xuống chân Nấm. Nấm đắm chìm trong cảm giác mới mẻ. Một lát Nấm bỗng nhận ra rằng từ lúc nào Nấm đã trút bỏ hết áo quần và miệng đang hát những nốt nhạc của mèo cái. Nấm hoảng hốt vơ vội áo quần đậy lên người rồi nhìn quanh quất xem có ai nhòm ngó. Rồi Nấm khóc oà. Vừa khóc vừa gọi mẹ. Nấm khóc rất lâu. Lúc đầu là khóc thương mình rồi khóc thương mẹ. Nấm biết lúc này mẹ cũng đang không ngủ vì thương Nấm. Nhiều đêm khi trời chưa sáng tỏ đã có chuông điện thoại đổ. Thì ra là mẹ. Mẹ đã đi bộ hàng mấy cây số trong đêm để ra trung tâm xã gọi điện cho Nấm chỉ vì đêm mẹ nằm mơ thấy Nấm buồn.

Nấm cảm thấy rất rõ ràng sự đang chìm xuống của cơ thể. Chẳng lẽ lần này Nấm lại chịu sự đầu hàng số phận ư? Nếu Nấm cứ nằm và khóc lóc thế này? Không thể, dẫu đôi chấn Nấm có ngắn nhưng cuộc đời vẫn rất tốt đẹp với Nấm kia mà. Và người đàn ông của Nấm chắc sẽ rất buồn nếu không nhận được thư của Nấm.

Nấm ngồi dậy, chải tóc gọn ghẽ, vào nhà tắm vã nước lạnh lên mặt. Nấm bật máy. Thay vì vào mạng để viết thư như mọi bận thì Nấm lại vào mục đánh văn bản. Nấm tự nói với mình: Bức thư này sẽ dài lắm, nếu cứ đánh không dấu sẽ chẳng thể nào đọc được.

Em không thể ngủ được. Ban đầu vì cứ ngóng chờ anh, rồi thương thân, rồi thương mẹ. Em đã khóc một trận khủng khiếp, đến như cơ thể tan loãng và trôi theo nước mắt. Bây giờ thì em đã bình tĩnh rồi nhưng em vẫn nhớ mẹ và thương mẹ quá.

Anh biết không, mẹ em là một người đàn bà nông dân thuần khiết... Nấm viết bức thư như trong cơn ốp đồng. Khi đóng máy, Nấm gục xuống bàn ngủ luôn.

Sáng hôm ấy lần đầu tiên, kể từ khi đi làm tại toà báo này là ba năm, Nấm đi làm muộn. Nấm len lén đi vào chỗ ngồi rồi bật máy làm miết. Buổi trưa mọi người lại tản đi chỉ còn Nấm và một chú lớn tuổi nhất trong phòng. Nấm cho đĩa mềm mà buổi sáng trước khi đi làm đã kịp cóp bức thư viết đêm qua vào ổ rồi mở. Nấm đã cố nhớ lại xem đêm qua mình viết những gì mà không sao nhớ nổi. Những dòng chữ hiện lên.

Mẹ tôi là một người đàn bà nông dân thuần chất. Bà lấy con một ông đồ nho hàng xã sinh được chín anh chị em chúng tôi. Tám anh chị em đầu đều tròn vạnh như trăng rằm, còn một chú út trời không thương nốt nên chú cũng thành người nhưng không được trọn vẹn. Chú hiền lành như cục đất, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ, nghẹo cái đầu cười. Mẹ không đặt tên cho chú, chỉ gọi là thằng Ngoẹo, cả nhà gọi theo thành tên.

Lúc mẹ sinh đến tôi vào đúng ngày Cách mạng tháng tám thành công, là đứa con thứ tư. Rồi đến chú Ngoẹo là thứ chín, là những khi cha đi công tác ghé qua hoặc những lần cha về phép. Thỉnh thoảng cha cũng gửi về cho mẹ đồng quà tấm bánh gọi là, còn đâu là sức mẹ nhọc nhằn trên đồng ruộng. Chúng tôi như cây lúa trên cánh đồng của mẹ. Cha về bảo khổ mấy cũng cho chúng học hành. Mẹ gật đầu. Mẹ tần tảo hơn.

Chúng tôi như lũ cá mè một lứa. Ngày anh cả vào đại học thì Tám học lớp một rồi. Chỉ có chú Ngoẹo vẫn ngồi một chỗ cười và chẳng ai tính tuổi chú cả. Rồi đến ngày anh thứ hai đi đại học, sáu chị em còn lại thấy rằng cái sự học hành là cái đích để vươn lên và cũng không còn là điều không tưởng. Nhà nông nghèo, một buổi đi học, một buổi làm đồng còn buổi tối lao vào học. Thế là mọi việc trong nhà dốc hết lên đôi tay của mẹ.

Buổi sáng mẹ dậy từ bốn giờ thổi cơm cho cả nhà, rồi đun cám lợn, cám gà. Gà gáy tàn canh mẹ đánh thức cả nhà dậy. Chúng tôi ngồi vào mâm cả rồi thì mẹ lại bón cho Ngoẹo trước. Chú vừa ăn vừa ngả vào lòng mẹ ngặt nghẽo, rồi chú cười. Chú gọi u ơi. Lúc bình thường thì chú rất sạch sẽ. Mặt chú hiền lành và đôi mắt thì ngây thơ trong trẻo. Nhưng lúc chú cười chú ngoẹo vào lòng mẹ và gọi u ơi thì mặt chú méo mó và dớt dãi chảy dèo dèo. Tay chân chú cua cua rối rít. Mẹ vội ôm chặt chú vào lòng. U biết rồi, biết rồi, con thương u nhất. U cũng thương con nhất, thằng út khốn khổ của mẹ. Chỉ cần mẹ ôm chú vào lòng thì chú sẽ trở lại bình thường. Mặt chú lại thanh thản và hiền lành. Đôi mắt chú thì ngây thơ trong trẻo.

Chị em tôi cũng thương chú, nhưng thấy mẹ vất vả quá thành ra lắm lúc cũng ghét chú. Có lúc nào mẹ nhìn thấy chị em tôi không phải với chú, mẹ rầu rầu bảo: chớ có ghét bỏ em nó, nó gánh hán gánh hạn cho cả nhà để chúng mày được lành lặn, ăn học cho nên người tử tế đấy. Càng lớn chúng tôi càng ngấm dần lời mẹ nói nhưng cha thì không thể nào chấp nhận lí luận của mẹ. Cha ghét chú Ngoẹo ra mặt. Mỗi bận cha về có quà cho cả nhà thì riêng phần chú không có. Nhưng chú cũng chẳng lấy thế làm buồn. Chú chỉ nhìn cha bằng đôi mắt đầy vẻ ngây thơ và nét mặt hiền lành nhất. Chú cũng chẳng làm nũng mẹ như mọi khi. Chú ăn uống sạch sẽ rồi ngồi vào góc giường nhìn mọi người bằng cặp mắt không tuổi của chú.

Chị em tôi lần lượt thoát li cánh đồng của mẹ để ra tỉnh với những ngành nghề thành đạt nhưng phần đời không phải ai cũng được suôn sẻ cả. Trong đó có tôi là phận gái với đoạn tình lận đận. Tôi không có chỗ bấu víu ở nơi thị thành nên quay về cánh đồng mẹ. Về nhà gặp phần đời còn lại của mẹ càng chán hơn. Cha tôi đã nghỉ hưu, có một căn hộ trên thành phố muốn mẹ tôi lên đó để đỡ phần vất vả. Nhưng mẹ dứt khoát không chịu. Cha tôi thương mẹ nên về quê sống với mẹ. Phần kinh tế của cha mẹ và chú Ngoẹo ở quê bây giờ khá giả hơn vì mấy anh chị lớn tôi thành đạt gửi về. Nhưng mẹ vẫn tần tảo như xưa. Sáng mẹ vẫn dậy từ năm giờ sáng nấu cơm, nấu cám rồi đánh thức cha và chú Ngoẹo dậy. Mẹ dọn cho cha một mâm cơm, cút rượu rồi ngồi bón cho chú Ngoẹo ăn. Ngoẹo đã quen với cha ở nhà nên lại làm nũng mẹ. Chân tay chú co rúm lại, mắt chú trợn ngược lên, mồm chú méo xệch dớt dãi chảy dèo dèo. U ơi con thương u lắm. Trí óc chú cũng phát triển theo năm tháng. Cha dằn cút rượu xuống mâm rồi bỏ ra ngoài bờ ao ngồi. Của tội của nợ. Cha lẩm bẩm một hồi cho nguôi ngoai. Mẹ biết ý ngăn chú Ngoẹo mỗi lúc chú muốn tỏ tình cảm với mẹ. Mái tóc của mẹ mỗi ngày một bạc dần thì tình cảm của chú Ngoẹo ngày càng tăng. Mà mỗi lúc chú tình cảm với mẹ thì cha lại buồn bực nên mẹ chuyển chú vào trong buồng. Chú âm thầm ngồi trong buồng lủi thủi. Thỉnh thoảng thấy chú cười, nhìn vào thấy chú đang bắt nắng. Những bóng nắng tròn như quả quất chui qua mái rạ xuống chiếu.

Tôi không hiểu tình cảm của cha thế nào. Cha kín đáo ít thổ lộ. Tôi không hiểu vì sao cả nhà đều thương Ngoẹo mà cha thì không thương. Có lần tôi lân la hỏi cha, cha chỉ bảo. Nhân đạo là tự sát. Người không ra người, ngợm không ra ngợm. Biết gì mà thương với xót kia chứ. Để mà thương những đứa lành. Tôi nghĩ cha ích kỉ chỉ muốn mẹ dâng hết tình cảm cho cha. Chính vì những tình cảm trái ngược của cha và chú Ngoẹo như thế làm lưng mẹ còng thêm. Mẹ cứ âm thầm khóc. Mẹ muốn cha vui nên mẹ phải giấu tình cảm của mình với Ngoẹo. Mẹ chăm sóc bữa ăn của cha ngon lành đầy đủ. Phần mẹ, mẹ dấu vào tay nải để cho Ngoẹo nhỡ mai kia mẹ chết.

Tôi trở về nhà mang nỗi đau của phần đời con gái không san sẻ được cùng ai thì gặp lúc cha mẹ và Ngoẹo đang buồn khổ vì định mệnh. Tôi vào buồng ngủ với mẹ, ôm tấm thân gầy của mẹ mà lần lữa không dám thổ lộ cùng mẹ nỗi đau của mình. Ở trong buồng thấy mẹ chăm sóc Ngoẹo mà càng thương Ngoẹo. Nhân ngày cha đi vắng, tôi đưa Ngoẹo ra trái hè ngồi bắt chấy, bắt rận cho. Lúc đấy tôi mới biết trên đầu Ngoẹo đã có tóc bạc rồi. Ngoẹo không có tuổi nhưng thời gian vẫn tàn phá cơ thể tật nguyền của Ngoẹo nhiều hơn. Tôi thương thân, thương em nước mắt rơi lã chã trên đầu Ngoẹo. Ngoẹo quay lại nhìn tôi một hồi rồi Ngoẹo lên cơn yêu thương như với mẹ. Thảo ơi Ngoẹo thương chị lắm. Tôi ôm Ngoẹo kể lể nỗi đau. Tôi bảo Ngoẹo. Ngoẹo ơi chị chỉ muốn chết thôi. Ngoẹo bảo. Thảo đừng chết. Chó nó còn muốn sống nữa là. Về với u, u thương chị. Ngoẹo thương chị là được. Nghe Ngoẹo nói tôi bỏ ý định chết. Nếu tôi chết tôi sẽ giết luôn một sinh linh nữa đang sống trong tôi.

Tôi mang lời khuyên của Ngoẹo ra đi để sống. Tôi tiếp tục công việc thành đạt của mình để đè bẹp dư luận lên án tôi với cái tội không chồng mà lại có con. Sẽ dễ dàng hơn nếu tôi cứ ở nhà với u, với Ngoẹo nhưng cha tôi đã buồn khổ vì Ngoẹo quá rồi. Cha tôi mong cho Ngoẹo chết đi thì Ngoẹo cũng đỡ khổ hơn. Tôi cũng chẳng nói lại cho cha cái lời khuyên của Ngoẹo với tôi ngày nào. Nếu cha hiểu được thì cha đã hiểu rồi.

Tôi sinh con, một bé gái tròn trĩnh như trăng mười sáu. Tôi viết thư về cho mẹ nhưng bảo giấu đừng cho cha biết. Mẹ nhờ cô bé hàng xóm viết thư cho tôi. Mẹ không đến với con được vì còn thằng Ngoẹo.

Tôi càng hiểu mẹ hơn khi con gái tôi ngày một khôn lớn. Nó hiểu tình yêu của tôi với nó nên nó yêu tôi vô hạn. Tình yêu của hai mẹ con tôi lấp đầy vào khoảng trống của nhau.

Cha tôi mất trong nỗi buồn khổ mà chính người đã mang không trút bỏ được. Mẹ tôi khóc hờ chồng. Ông ơi đáng ra đời ông sướng mà ông lại không sướng. Có chín đận con thì tám đã thành người tử tế có hiếu có thảo. Còn nó sao ông ghét bỏ nó để mang sầu vào thân. Ông chẳng xem người thiên hạ đó. Đẻ ra người tử tế mà lại thành ma thành quỷ để người đời cười chê. Còn nó, nó lành như củ khoai, củ sắn. Mà nó lại biết thương cha thuơng mẹ lắm, ông sướng mà chẳng biết mình được sướng đó thôi. Nay ông chết đi rồi cầu cho ông được siêu thoát đừng mang thù mang ghét với con nữa ông ơi.

Cha mất rồi lưng mẹ gập lại. Chân tay mẹ chậm chạp run rẩy. Ai cũng ngỡ mẹ chẳng sống được bao lâu nữa. Nhưng mẹ vẫn sống như mặt trời cần mẫn chiếu rọi cho trái đất. Mẹ không cấy ruộng nuôi lợn nữa nhưng mẹ vẫn dậy sớm nấu cơm cho Ngoẹo ăn. Cha chết rồi nên chú Ngoẹo cứ lẽo đẽo theo mẹ. Mẹ đi đâu chú cũng tha thẩn theo đó với gương mặt hiền lành và đôi mắt không có tuổi. Chỉ có điều tóc chú cũng bạc trắng như tóc mẹ. Mẹ và chú Ngoẹo đều không chống lại được sức tàn phá của thời gian.

Rồi chú Ngoẹo chết. Chú chết rất thanh thản khi lên cơn yêu thương mẹ. Hôm ấy hai mẹ con xuống bếp nấu cơm ăn. Chú tha thẩn bên mẹ. Cơm chín rồi mà đầu gối mẹ cứng quá không đứng dậy dọn cơm lên nhà được. Mẹ bảo chú kéo ít rơm rải lại gần bếp rồi ngồi ăn luôn ở bếp cho ấm. Chú Ngoẹo cười rồi kéo rơm làm thành một cái ổ rất khéo. Chú ăn ngon lành. Ăn xong chú cười khoái chí rồi lên cơn yêu thương mẹ. Mắt chú trợn lên. Đôi tròng mắt bỗng nhiên tích tụ bao nhiêu khôn ngoan và nó đã có tuổi. Tuổi năm mươi của một đời người tật nguyền. U ơi con yêu u lắm. Mẹ lẩy bẩy không ôm chú vào lòng được như mọi khi mà chỉ vỗ về chú thôi. Chú nhắm mắt nằm yên trong cái ổ rơm bên cạnh lòng mẹ. Mẹ cũng thảnh thơi ngồi bên chú chờ đợi. Đến chiều mẹ đánh thức chú dậy thì mới biết chú chết rồi. Lúc đó mặt chú thanh thản bao nhiêu thì mặt mẹ cũng thanh thản bấy nhiêu. Mẹ vuốt mắt cho chú rồi lẩm bẩm. Cũng một kiếp người con ạ. Chẳng biết rằng các anh chị con sung sướng hơn hay con sung sướng hơn. Thôi con yên phận con rồi, giờ đến lượt mẹ đây. Mẹ mệt mỏi qúa rồi, muốn nghỉ ngơi nhưng phải sống vì con đó thôi.

Chú Ngoẹo mồ yên mả đẹp xong thì mẹ cũng mất. Mẹ thọ trên 90 tuổi. Thọ nhất trong vùng. Theo tục lệ quê tôi, những ai chết thọ trên 80 tuổi thì con cháu không ai được khóc cả. Chỉ có đàn sáo chầu văn, hát chèo đò để đưa người mẹ lên Tây Trúc. Con cháu vui vẻ cỗ bàn ba ngày để đưa tiễn mẹ. Ông trưởng họ luôn mồm nhắc chị em tôi không được khóc. Nhà phải vui như hội. Ngoài cổng trẻ con tụ tập đông lắm. Khách khứa đến viếng xong cũng chẳng muốn về ngồi lại góp vui. Tôi rơi vào trạng thái không kiểm soát được bản thân mình nữa rồi. Tôi cười nói, đi đi lại lại. Trong lòng tôi muốn khóc lắm như một cái thác ứ nước muốn vỡ oà ra cho thoả thê. Nhìn vẻ mặt các anh chị em khác của tôi cũng thế. Tôi chạy vào buồng của mẹ. Tôi úp mặt vào nơi mẹ vẫn nằm. Thay vì sự khóc thoả thê tôi bỗng thiếp đi. Trong cơn mơ chân tay tôi co rúm lại như Ngoẹo. Mồm tôi nhệch ra. Mắt tôi bỗng trợn ngược. Hai tay tôi cua cua trước mặt. U ơi con yêu u lắm. Mẹ bỗng ngồi dậy chạy nhào đến ôm chặt lấy tôi. U đây, u biết con yêu u lắm. Thôi nào đừng vậy nữa, tội lắm. Tôi thanh thản duỗi dài chân tay yên bình trong lòng mẹ. Chưa khi nào tôi cảm thấy mình được sung sướng như vậy. Ôi giờ thì tôi biết chú Ngoẹo của tôi đã sung sướng như thế nào. Mẹ ơi con sẽ không khóc. Con khóc mẹ sẽ không yên lòng được phải không mẹ.

Những dòng chữ cuốn hút Nấm như Nấm đang đọc một tác phẩm văn học. Nấm không thể tự hỏi rằng đây có phải là những dòng chữ mình đã viết ra tối qua hay không? Mà chỉ có những cảm xúc đang dâng đầy. Mẹ, sao giống mẹ mà lại không phải tất cả những chuyện này là của mẹ. Mẹ mới chỉ 60 tuổi thôi và Nấm chứ không phải là chú Ngoẹo. Nấm chỉ bị ngắn chân chứ có bị ngoẹo đầu đâu. Nhưng khi đọc đến đoạn chú Ngoẹo chết Nấm đã bật khóc nức nở. Khóc không thể kìm nén. Người đàn ông nhiều tuổi nhất phòng, là trưởng ban biên tập tên H đến bên cạnh vỗ vào vai Nấm.

- Sao thế, có trục trặc gì à. Nói nghe xem. Sáng nay thì đi làm muộn, giờ lại khóc nhè.

- Không, cháu không có chuyện gì đâu ạ. Cháu chỉ bỗng nhớ mẹ cháu.

- Úi giời cái cô này. À thôi chết lại tải truyện bậy xuống đọc rồi khóc chứ gì. Để xem nào.

Nấm cuống lên nắm lấy con chuột để tắt máy nhưng người đàn ông đã nhanh tay hơn.

- Cô ngồi tránh ra một bên. Giờ đến lượt cô cũng tải truyện vớ vẩn xuống xem thì tôi cũng phải xem xem thế nào.

Trong phòng làm việc này Nấm vốn vừa sợ vừa nể người đàn ông này vì tính tình điềm đạm và chuyên môn lại rất giỏi.

- Ái chà, một truyện ngắn hay quá. Cô lấy ở mạng nào vậy. Sao không thấy tên tác giả. Truyện viết thật xúc động. Trách nào cô khóc. Nước mắt tôi cũng chảy ra đây này.

Một niềm vui vô tả ngập tràn lòng Nấm. Trời ơi đó là một chuyện ngắn ư. Nó chỉ là một bức thư kia mà. Hai má Nấm nóng bừng và mắt Nấm long lanh.

- Chú ơi.

- Gì nào. Ơ cái cô này lạ chưa, vừa khóc xong mà mắt lại long lanh lên rồi. Sao có chuyện gì nói đi.

- Cháu nói với chú chuyện này chú đừng kể cho ai nhé. Kẻo các chị ấy lại trêu cháu. Đêm qua cháu đã viết chuyện này đấy. Ban đầu cháu định viết thư nhưng không hiểu sao giờ đọc lại lại thành ra thế.

- Cháu nói sao hả Nấm. Cháu đã viết ư?

- Vâng chính cháu đã viết đấy ạ.

- Thật tuyệt vời. Cháu có biết cháu đang ẩn giấu một tài năng không? Tuyệt thật đấy cháu ạ. Ối nhà văn đương đại đang cố gắng chỉ viết được một truyện như cháu vừa viết đấy. Trời đã thương cháu rồi. Hãy cố lên Nấm ơi.

- ... - Này chú sẽ biên tập thêm câu chữ cho rồi kiếm một tờ báo nào đấy ta gửi đăng. À chú nhớ ra rồi tờ Phụ Nữ đang có cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài mẹ. Truyện này rất hợp ta sẽ gửi đi dự thi Nấm ạ.

Nấm sống trong trạng thái thật khó tả. Người lúc nào cũng lâng lâng. Suy nghĩ đứt đoạn. Không có cảm giác đói và khát. Cứ khoảng nửa giờ Nấm lại bật máy lên để đọc lại bức thư mà bây giờ đã được đổi thành chuyện ngắn có tên là Chú Ngoẹo. Trưởng ban biên tập H đã gửi chuyện ngắn Chú Ngoẹo đi dự thi hộ Nấm rồi.

Buổi trưa H đã có một cuộc nói chuyện rất lâu với Nấm.

- Chú rất cảm phục nghị lực và trí tuệ của Nấm. Rồi cháu sẽ thấy, nếu người ta chấp nhận thì chỉ một truyện ngắn này thồi cháu đã có thể có tên trên văn đàn. Văn chương nó lạ lắm. Nó khác hẳn nghề báo. Cùng là những con chữ đó nhưng đề vào dưới tít hai chữ: truyện ngắn hoặc tuỳ bút, tản văn thôi là đã chuyển hẳn sang một kênh khác rồi. Nó có sang trọng hơn không? Chưa chắc. Vì nó còn phụ thuộc vào bài viết đó. Nhưng điều chú muốn nói ở đây là không phải ai cũng có bản lĩnh và tài năng để viết những điều mình muốn thể hiện. Báo chí là một nghề kiếm sống. Đã là nghề rồi thì chí ít trên mặt bản báo của anh phải thể hiện những bài viết kí tên anh. Những bài báo phải thể hiện khách quan nhấ những quan điểm. Trong một chừng mực nào đó thì thể hiện quan điểm của bản báo mà thôi. Cái tôi của anh trong một bài báo phải giấu đi. Còn cái tôi trong một truyện ngắn, tản văn hay tuỳ bút thì phải đậm đặc. Càng thể hiện được cái tôi khác lạ và bản lĩnh bao nhiêu thì càng thành công bấy nhiêu. Chú đang ghen tị với Nấm. Mấy chục năm làm báo chú cũng muốn viết được một cái gì đấy nhưng không đủ bản lĩnh. Cơm áo gạo tiền cho vợ con làm chí khí của người đàn ông nhụt đi rồi cô cháu ạ.

- Chú cũng cần phải bảo Nấm biết trước điều này. Nếu cháu đã chọn văn chương để mà tiến thân thì cháu phải cực kì bản lĩnh. Vinh quang đấy mà nhiều cay đắng lắm.

- Nhưng cháu... Chú ơi thân cháu thế này, cháu chỉ muốn sống như một người bình thường thôi.

- Ừ nhỉ, chú xin lỗi Nấm. Mà thôi cháu cứ sống hết mình đi. Cháu còn gì để mất ở cuộc đời này đâu. Hãy nghe chú một điều, cháu hãy khóc cho mình và cười cho người khác nhé. Và cháu hãy coi cuộc đời này là một cuộc chơi để cháu thể nghiệm thì cháu sẽ không phải đau khổ.

Nấm có coi cuộc đời này là một cuộc chơi không? Nấm sống thao thiết với nó lắm. Nấm đã khát khao những điều bình dị nhất. Nấm muốn có một gia đình bình thường. Một người đàn ông có một đôi chân ngắn như Nấm cũng được và một đứa con. Nấm sẽ tất bật sớm tối để chăm sóc cho cái gia đình đó. Mọi người sẽ quây quần yêu thương nhau để Nấm không còn phải chịu cảnh cô đơn. Nấm có dám mơ mộng điều gì cao xa đâu. Nếu Nấm có một gia đình như thế thì tối đến Nấm chỉ sẽ đọc sách cho mọi người nghe. Với đứa con Nấm sẽ đọc chuyện cổ tích, còn ông chồng Nấm sẽ đọc những câu chuyện tình lãng mạn. Đàn ông đang ngày càng ít đọc sách. Nấm biết điều đó bởi vì những ngươì đàn ông ở phòng làm việc của Nấm đều không đọc sách.

Reng... reng... chuông điện thoại réo lên gắt gao cắt đứt sự suy nghĩ miên man của Nấm. Ôi chắc là anh rồi. Đã mấy ngày rồi anh không gọi điện cho Nấm. Nấm nhấc điện thoại và tim đập mạnh.

- Nấm đã ngủ chưa? Không phải là người đàn ông của Nấm.

- Ai đấy ạ? Giọng nói của Nấm không thể hiện sự thất vọng nhưng nhịp tim đã hạ nhịp.

- Là tôi đây.

- À vâng, cháu chào chú. Chú có việc gì mà phải gọi điện đến cháu vậy. Mai chú đi công tác à?

- Không phải đi công tác. Chú muốn nói chuyện với Nấm không được à?

- Vâng. Buổi tối cháu chẳng bận việc gì đâu. Có việc gì chú cứ nói.

- Tối cháu thường làm gì?

- Cháu đọc sách.

- Chỉ có thế thôi ư?

- Vâng ạ.

- Vậy cháu không đi chơi à?

- Có thỉnh thoảng đến nhà chị gái chơi.

- Vậy cháu không có bạn ư?

- Có mấy cô bạn thân hồi đi học nhưng chúng có gia đình cả rồi. Năm thì mười hoạ mới gặp nhau.

- Vậy Nấm không có người yêu à?

- Chú cứ vui tính. Cháu thế này thì ai yêu kia chứ.

- Cháu thử tìm kiếm. Chú tin là cũng có người yêu Nấm chứ. Nấm cũng rất đáng yêu. À cháu có định viết cái gì nữa không đấy. Cháu có tài đấy, cố lên Nấm ạ. Thôi ngủ ngon nhé.

Cuộc nói chuyện này bắt đầu một sự kiện gì đây? Một người đàn ông thật tốt với Nấm chăng? Có thật sẽ có một người đàn ông thật tốt muốn chia sẻ và giúp đỡ tài năng của Nấm? Nấm biết người đàn ông này là một người điềm đạm và chín chắn. Trong các cuộc nói chuyện buổi sáng người đàn ông này thường đưa ra những câu kết luận sắc sảo. Nhưng trong các bài viết của người đàn ông này thì không được sắc sảo lắm. Cứ chung chung hoặc chỉ nêu ý kiến của người này, người khác. Phòng làm việc của Nấm gọi người đàn ông này là ông phát tiết. Có sự khôn ngoan sắc sảo nào thì phát tiết hết ra đằng mồm rồi. Rồi mọi người lại bảo: Ông ấy làm thế là vì muốn leo lên chức tổng biên tập. Vì sự thể như thế này. Phóng viên mà viết kém thì chuyển sang làm biên tập hoặc sang ban thư kí. Ở hai cái ban ấy thì cẩn thận một tí, khôn ngoan một tí, sắc sảo một tí thì ăn chắc là lên chức. Hiện tại người đàn ông đã ở chức trưởng ban biên tập rồi.

Người đàn ông này đã có vợ và hai con. Nhưng hình như cuộc sống chồng vợ không được suôn sẻ. Ờ mà sao Nấm lại nghĩ nhiều về người đàn ông này thế? Là bởi vì Nấm cứ liên tưởng đến người đàn ông gần nhà dạo trước đã rủ Nấm thử cái sự đời.

Nấm chỉ tin vào người đàn ông của Nấm. Người ấy không gọi điện thoại cho Nấm nhưng có thể sẽ viết thư chứ. Nấm vào mạng. Bạn có một thư mới. Chỉ có mấy chữ thôi mà Nấm đã thấy hồi hộp.

Em có nhớ anh không? Anh rất nhớ em. Mấy hôm rồi mắt anh bị đau mà vẫn phải đi công tác. Anh đi khoảng một tuần. Khi nào về anh sẽ gọi điện cho em. Chờ anh nhé. Anh viết cho em khi em đang ngủ. Ngủ ngon em bé nhé. Có một làn gió trong lành từ rất xa nhè nhẹ ru em. Hôn em.

Những dòng chữ nhoè dần rồi tới tấp những giọt nước mắt rất to nhỏ xuống bàn phím. Nấm thổn thức trong sự nhớ thương cồn cào. Cảm thấy thân thể rã rời, Nấm tắt máy tính rồi lên giường. Khi ngả lưng xuống tấm đệm Nấm tưởng tượng ra đang trong vòng tay của người ấy. Người ấy đang ôm chặt Nấm vào lòng rồi thì thầm vào tai Nấm: chờ anh nhé anh chỉ đi có mấy ngày thôi rồi anh sẽ về. Đừng khóc nào em bé. Ngủ ngoan đi. Thế. Ngủ ngoan nào... Cơ thể Nấm tan loãng trong sự tưởng tượng. Nấm dịu dàng đi vào giấc ngủ.

Nấm sống trong trạng thái phấp phỏng chờ đợi. Người đàn ông của Nấm đi công tác một tuần sẽ không gọi điện cho Nấm đâu. Vả lại nếu có gọi thì sẽ gọi về nhà. Nấm chờ đợi một cuộc điện thoại khác. Nấm đã nghe rất nhiều cú điện thoại thế này: Alô, tôi là biên tập viên ở báo X. Xin thông báo với anh, chị, cô, bác... bài viết mà quý vị gửi cho bản báo đã được sử dụng trên số báo ra ngày... Mời quý vị đến toà soạn để lấy báo biếu và nhuận bút. Nếu không đến được xin cho biết địa chỉ để chúng tôi gửi theo bưu điện. Sự chờ đợi nào cũng có cảm giác tức thở.

- Nấm, đánh gấp cho tôi bài này để thay bài.

Sự bận rộn sẽ làm quên đi sự chờ đợi. Gần đến trưa, đã có người xách túi đi ra khỏi phòng. Nấm mải mốt đánh nốt những dòng cuối cùng. Điện thoại réo từ lúc nào Nấm cũng không nghe thấy chỉ đến khi có người gọi:

- Nấm có điện thoại.

- Vâng, bảo chờ em một chút.

Bước chân ngắn ngủn của Nấm không thể nào vội vã được.

- Alô, tôi nghe đây.

- Chị có phải là Nấm không ạ?

- Vâng, là tôi.

- Tôi là biên tập của báo Phụ Nữ. Xin báo với chị rằng truyện ngắn Chú Ngoẹo của chị sẽ được đăng vào số tới. Chúng tôi muốn hỏi chị có gửi cho báo nào khác nữa không và tên tác giả vẫn để là Nàng Nấm hay chị muốn đổi tên khác?

- Cảm ơn chị đã gọi điện báo cho tôi. Đây là truyện ngắn đầu tay của tôi. Tôi viết xong là gửi cho báo chị luôn đấy ạ. Tôi không gửi cho báo nào khác đâu. Còn về cái tên ấy mà. Đấy là tên mẹ tôi đặt cho tôi. Tôi không muốn đổi nó đâu.

- Ý tôi không phải như chị hiểu đâu. Cái tên tôi muốn nói với chị là bút danh kia. Chị có muốn lấy một cái bút danh hay hơn tên Nàng Nấm không?

- Tôi đã hiểu rồi. Chị cứ để nguyên cái tên mẹ tôi đặt cho tôi.Tôi muốn để mẹ tôi tự hào về cái tên mẹ tôi đặt cho tôi dù nó xấu.

- Vâng, khi nào báo ra tôi sẽ gọi cho chị.

Nấm đặt điện thoại xuống rồi đi về phía bàn làm việc. Những bước đi của Nấm như không đặt xuống đất và cơ thể Nấm thì không có trọng lượng. Nấm nhìn trân trối vào màn hình đã đầy những chữ mà như nhìn vào khoảng không vô định. Nấm không còn tồn tại với thời gian nữa.

- Xong bài chưa cô cháu gái? Sao ngồi ngây ra thế? Tôi hỏi đã đánh xong bài chưa?

Những câu hỏi làm con tàu ý thức của Nấm từ từ trồi ra khỏi hố đen.

- Dạ, chú hỏi cháu gì ạ?

- Tôi hỏi cô đã đánh xong bài chưa?

- Vâng vâng sắp xong rồi đấy ạ, chỉ còn mấy dòng nữa thôi.

- Nấm có chuyện gì vậy hả Nấm. Có tin gì không vui à?

Nấm đã nhận ra người đang nói chuyện với Nấm là H, người đã gửi cái truyện đi cho Nấm. Nấm xoay người nắm chặt lấy tay H:

- Chú ơi người ta vừa gọi điện đến báo tin cho cháu là số báo tới họ sẽ đăng cái truyện của cháu.

- Thật hả Nấm. Thế là cháu thành công rồi. Thôi đánh nhanh bài đi trưa nay chú khao cháu.

Sự ồn ào của ban ngày tới tấp bủa vây Nấm. Bắt đầu từ phòng làm việc của Nấm. Đầu tiên mọi người ra sức ca tụng Nấm. Sự linh cảm của con lùn khôn ngoan Nấm biết đó là những lời chúc tụng thực lòng. Sau đó là sự ghen tị. Không phải là tất cả nhưng có đến một nửa chĩa ánh mắt đó về phía Nấm trong cái nhìn vội vàng.

Một sự ồn ào nữa là những bạn đọc cảm nhận được những con chữ của Nấm.

Và sự ồn ào này là ồn ào nhất. Một con bé tật nguyền có tài năng văn chương. Cái truyện ngắn ra lò chỉ vài ngày đã có phóng viên muốn đến phỏng vấn Nấm. Họ cứ xoáy vào cái chân ngắn ngủn của Nấm để đặt các câu hỏi rằng, ngoài việc nó ngắn thì nó có đau không? Nghe Nấm trả lời không họ có vẻ thất vọng. Giá như Nấm kể rằng đêm đêm cái chân ngắn ấy nó tàn phá giấc ngủ của Nấm vì cái sự ngắn ngủn đó là do từ một căn bệnh hiểm nghèo. Trong thời gian tới nó có thể đe doạ đến tính mạng của Nấm. Thôi nếu không tìm được sự li kì trong câu chuyện kể thì trong bức ảnh chụp vậy. Họ cứ một mực đòi chụp Nấm trong tư thế đang đứng. Điều này thì họ không thể mãn nguyện vì chẳng bao giờ Nấm đồng ý chụp ảnh. Đó là lời thề của Nấm. Sau rốt Nấm yêu cầu họ hãy đừng viết về đôi chân ngắn ngủn của Nấm. Họ bảo thế còn gì để mà viết nữa. Bây giờ có hàng trăm cô gái trẻ viết văn kia. Vả lại một truyện ngắn thì đã là cái gì, gọi là có chút ăn may. Cái ấn tượng là ở đôi chân ngắn kia kìa.

Nấm đã đón nhận những điều đó một cách hồn nhiên vì chưa biết cách suy diễn. Người đàn bà xinh đẹp cùng phòng đã nói với Nấm:

- Chị đã dạy em sự cao ngạo chưa nhỉ. Chị không biết rằng em có thể viết được tác phẩm nào nữa hay không nhưng với thân phận của em bây giờ em có muốn sống hồn nhiên, giản dị với cuộc đời cũng không được nữa rồi. Văn chương là một sự cao sang không phải dành cho một con lùn. Em có hiểu điều chị muốn nói với em không? Một con lùn phải biết thân phận mình, ngu si, nghèo khó đi một chút để người ta thương hại. Còn một khi mày muốn vượt chúng anh, chúng chị ư? Mày sẽ phải trả giá đấy nghe chưa. Nếu em cứ hồn nhiên thế người ta sẽ nhảy lên đầu em đấy. Mà em thì không thể nhún mình được nữa. Em hãy ngẩng cao đầu mà sống. Em sống thế này, tôi không động đến ai thì đừng ai động đến tôi cả, các người có đôi chân dài thì tôi có đôi chân ngắn. Các người đi mười bước thì tôi đi hai mươi bước. Nhưng con đường không chỉ đếm bằng bước đi mà bằng ý nghĩ. Ý nghĩ của tôi bay xa hơn của các người.

- Em cảm ơn chị rất nhiều. Chính chị là người đầu tiên khuyến khích em phải sống khác đi.

- Chuyện vặt, Nấm xúc động làm gì. Nói chung chị chẳng tốt đẹp gì lắm đâu. Hôm nay ngứa mồm thì khuyên Nấm vậy, chứ ngày mai lại đi dè bỉu Nấm đấy.

- Em chẳng tin chị lại đối xử với em như thế.

- Thôi đi cô. Hôm nay cô khác hôm qua rồi. Hôm qua cô chỉ là một con Nấm tật nguyền làm cái nghề đánh máy để kiếm cơm. Còn hôm nay cô là một nhà văn trẻ đầy triển vọng. Ai còn nghi ngờ cô chứ tôi biết cô còn đi xa được đấy.

- Chị ơi sao chị lại khóc?

- Tôi khóc đâu.

- Nước mắt trôi hết cả phấn rồi.

- Thôi tôi đi đây. Cứ ngồi nói chuyện với cô lại mủi lòng. Dường như tôi nhìn thấy sự tật nguyền của tôi.

Nấm không hiểu hết ý tứ những lời người đàn bà đẹp nói với Nấm. Nhưng Nấm đã chứng kiến từng ngày các cuộc bình luận cá nhân. Họ lôi những chuyện từ thượng cổ lai hi của nhau, từ việc cô này hôi nách đến anh kia chuyên để tuột khoá quần. Có mặt người này họ nói người kia. Khi chính một người trong nhóm lúc đang say sưa nói mà bỗng phải có chuyện đi ra ngoài thì lập tức sẽ được mang ra nhắm ngay. Nấm đã nhiều phen tức tưởi vì những câu chuyện rất khả ố. Người đàn bà đẹp chính là người hay bị mang ra làm đồ nhắm nhất nhưng khi chị ta nhập cuộc thì miệng lưỡi chị ta cũng ghê gớm nhất.

Ôi sự đời mới có thế mà sao đã phức tạp quá.

Reng... reng... Alô, tôi nghe đây. Là anh đây. Vâng, em chào anh. Em có chuyện gì không mà sao không viết thư cho anh? Anh đi công tác về cứ tưởng sẽ được đọc thư của em mà không có. Anh buồn quá. Mấy hôm rồi em bận quá nên em quên mất. Em quên cả anh rồi sao? Không đâu, em rất nhớ anh. Mắt anh đã khỏi đau chưa? Vẫn chưa khỏi. Anh đang cười với em vậy thôi chứ mắt anh đang đau đây này. Em nói câu gì để anh khỏi đau bây giờ? Em nói em yêu anh đi. Em yêu anh. Tí nữa em phải viết thư cho anh đấy. Anh. Sao em nói đi. Em nhớ anh à. Em sẽ viết thư cho anh dài đấy. Em có biết những lá thư của em làm anh rất vui không. Em biết và em muốn viết cho anh một sự bất ngờ. Sự bất ngờ gì thế, nói đi anh không thể chờ. Em là nhà văn đấy. Nhà văn ư, trời ơi sao bây giờ em mới nói với anh. Vì bây giờ em mới là nhà văn mà, trước khi quen anh em mới chỉ là một nhân viên đánh máy ở toà soạn báo thôi. Em sẽ gửi tác phẩm của em cho anh đọc nhé. Gửi ngay cho anh đấy. Thế cô bé của tôi là nhà văn. Anh rất mê nhà văn. Thôi em đi ngủ đi, khi ngủ nhớ mơ về anh nhé. Hôn em được không. Vâng.

Nấm rất vui. Một niềm vui có tên gọi. Lần đầu tiên Nấm gọi mình là nhà văn mà không ngại ngùng. Cái tên nhà văn cứ âm vang trong đầu Nấm nhưng Nấm không biết thổ lộ cùng ai vì còn ngượng ngùng xấu hổ thế mà Nấm đã nói ra được với người ấy rồi.

Nấm đã thực sự gia nhập làng văn khi truyện ngắn Chú Ngoẹo đoạt giải nhất trong cuộc thi. Một sự nhập cuộc cực kì may mắn. Lần này thì là những bài báo thật chứ không phải như lần trước khi họ chỉ muốn khai thác cái chân ngắn của Nấm. Giải nhất chứ có phải chuyện thường đâu. Nấm được mời đi dự hội nghị viết văn trẻ. Nấm đã dành hẳn một ngày để lựa chọn áo quần. Nấm đứng trước gương thử đi thử lại các bộ quần áo. Càng thử càng thất vọng. Cái màu hồng, màu vàng thì tôn phần người phía trên thật óng ả nhưng lại làm cho đôi chân ngắn có vẻ nổi bật. Màu đen thì trông già đi rất nhiều. Thôi thì hãy chọn màu dung hoà là màu xanh vậy.

Tên chính thức của hội nghị là : Hội nghị của những người viết văn trẻ. Hội nghị này đã được câu chuyện buổi sáng bình luận như sau. Trẻ ở đây gồm hai khái niệm. Một là mới vào nghề viết văn thì gọi là trẻ. Vậy có người đến 70 tuổi mới vào nghề viết thì có gọi là nhà văn trẻ hay không. Khó nhỉ? Bảy mươi tuổi phải kính lão đắc thọ chứ. Gọi là trẻ thì các cụ chửi chết. Vả lại chỉ cần các cụ in được một cái gì gì đó là các cụ đã có quyền tuyên ngôn dạy dỗ con cháu rồi. Vậy thì phải khống chế cái tuổi gọi là trẻ. Bởi vì cái hội nghị này có nhiều phần cần phải dạy dỗ định hướng cho những người mới vào nghề kẻo mai kia cứng nghề khó bảo. Ở tuổi nào thì còn dạy bảo được? Ba mươi nhăm hay bốn mươi? Ba mươi nhăm thì còn dễ nói chứ bốn mươi đã là cứng cổ. Ba mươi nhăm vậy nhưng danh sách ba mươi nhăm thì lèo tèo quá. Thôi bốn mươi. Chốt nhé. Nấm ở tuổi hai mươi tám thật trẻ.

Người đàn bà xinh đẹp đã dạy Nấm phải sống cao ngạo. Sống cao ngạo là thế nào Nấm chưa hình dung được. Chỉ biết tình trạng của Nấm bây giờ là đang rất khó xử. Nấm rất muốn đến dự hội nghị. Nấm muốn hoà nhập cuộc sống của những người bình thường. Nhưng Nấm lại rất sợ những ánh mắt nhìn. Sống ở đời đã hai tám năm Nấm đã chứng kiến bao ánh mắt nhìn của cuộc đời. Có gì khác nhau đâu. Thế mà tại sao bây giờ Nấm lại sợ. Có lẽ trước đây Nấm chỉ là một cô gái có đôi chân ngắn còn giờ đây Nấm đã là nhà văn. Nhà văn thì khác gì một người bình thường? Nhà văn thì phải cao siêu. Vậy Nấm có cao siêu không? Nấm không biết. Nấm mơ mộng. Nấm sẽ mai danh ẩn tích rồi viết những tác phẩm thật hay để người đời đi tìm. Tìm rồi đặt ra những huyền thoại. Cuối cùng thì Nấm sẽ xuất hiện. À thì ra cũng phải xuất hiện cơ mà. Vẫn phải xuất hiện với đôi chân ngắn này. Mà cũng không thể mơ mộng thế được nữa. Nấm đã tự xuất hiện rồi.

Nấm đến hội nghị thật sớm rồi ngồi tít xuống hàng ghế cuối cùng. Nấm đã nhìn thấy phía ngoài sân những cô gái thật ăn diện đi đi lại lại. Có cô nhà thơ mặc một chiếc váy đầm tây quăng hở hết cả một cái lưng bị sẹo. Chắc cô ấy định tố cáo điều gì. Có cô thì mặc một chiếc váy ngắn hở hết cả một chiếc đùi rế, trông thật phản cảm. Còn đàn ông thì chẳng ăn diện mấy. Vẻ mặt của những người đàn ông như trĩu nặng ưu tư thành ra sự ăn vận đẹp của các cô nhà thơ như là ném gió vào không khí. Chết nỗi Nấm nghĩ gì thế nhỉ. Chao ôi thì ra tất cả các câu chuyện buổi sáng và cách bình luận cá nhân đã ngấm vào Nấm tự bao giờ.

Nhưng có điều lạ. Khi vào trong hội trường thì dường như có một sự sắp đặt trước. Có rất nhiều đôi đàn bà và đàn ông ngồi cạnh nhau như trong rạp xi nê. Ngồi trước Nấm là một đôi còn trẻ. Họ ước chỉ bằng tưổi Nấm. Sau cùng cũng có một người vào ngồi cạnh Nấm. Một người phụ nữ trung niên. Chị ấy đến muộn.

Sau phút chào cờ cả hội trường im lặng thì sau đó người ta nói chuyện rào rào, mặc ai nói ai nghe. Như đôi trẻ ngồi trước Nấm đang làm quen nhau. Họ xuýt xoa bảo rằng đã đọc tác phẩm của nhau và đó là những tác phẩm hết ý. Nấm muốn nghe trên kia người ta đang nói cái gì mà thật khó. Biết thế này thì ngồi lên trên cho rồi. Nấm ngọ nguậy khó chịu. Nấm không rõ có thốt ra lời nào phàn nàn hay không mà bỗng nhiên người phụ nữ trung niên quay sang nói với Nấm:

- Em ơi, hội hè nước ta là thế cả thôi, em đừng bực mình làm gì kẻo có người độc mồm lại nói, ả gà mái hết trứng rồi nên cứ cục tác đạo đức.

Nấm co rúm người lại. Một hồi người phụ nữ trung niên quay sang Nấm cười rất tươi:

- Em động lòng hả cô bé. Bộ mặt đẹp như thiên thần thế kia nếu không phải bị đôi chân hơi ngắn thì ngồi quanh em bây giờ ít nhất là bốn đàn ông. Một bên phải, một bên trái, một trước, một sau. Thôi chị đùa đấy. Em viết văn hay làm thơ?

- Em mới viết được có một cái truyện ngắn thôi chị ạ.

- Bây giờ em làm ở đâu?

- Em làm nhân viên vi tính ở toà báo X.

- Chị làm thơ, hiện làm ở nhà xuất bản. Chị em mình làm quen với nhau nhé.

- Em biết không chị đã đi dự ba lần hội nghị này đấy. Năm năm tổ chức một lần. Chị làm thơ từ bé nhưng đến hơn hai mươi tuổi mới in thành tập. Vậy là hai mươi nhăm tuổi chị được mời đi dự lần đầu. Bây giờ chị bốn mươi. Thể nào chị cũng được đi dự lần nữa vì cuộc sống hiện đại năm mươi tuổi vẫn là trẻ.

- Chị ơi thế hội nghị nào cũng như thế này ư?

- Ừ, rưa rứa.

- Vậy thì chán lắm.

- Chán là chán thế nào. Sẽ có các cuộc làm quen gặp gỡ bất ngờ thú vị lắm. Rồi có khi dẫn đến tình yêu hay phết.

- Chị đã có gia đình chưa hả chị?

- Con trai chị đã vào đại học còn chồng chị thì bỏ lâu rồi.

- Này sắp đến giờ ăn trưa đấy chị em mình lỉnh ra ngoài kiếm chỗ ngồi đi.

- Thôi em ngại lắm. Em không ăn đâu. Em đi về đây.

- Ừ cũng phải. Rồi những ánh mắt cú vọ làm em chẳng ăn được gì đâu. Chiều em có đến nữa không chị chờ.

- Chị chờ em nhé.

Buổi chiều Nấm đến sớm nửa tiếng mà ngoài sân đã đông người. Nấm đi thẳng vào trong hội trường và biết rằng có nhiều ánh mắt đang nhìn theo. Chị nhà thơ chưa đến. Nấm giở tờ báo mang theo từ nhà ra đọc để giết thời gian. Có hai người vào ngồi cạnh Nấm. Họ muốn làm quen với Nấm. Hai chàng thi sĩ ở tỉnh lẻ. Nấm không tự tin lắm nên câu chuyện tẻ nhạt. Một người đàn ông già đi về phia Nấm ồn ào:

- Người ta chỉ cho tôi có cô Nấm ở đây. Cô Nấm đâu nhẩy?

- Dạ cháu đây.

- Bác là nhà văn K. Bác đọc chuyện của cháu rồi. Hay lắm. Cháu có tài đấy. Sao không ra kia giao lưu với các bạn.

- Cháu ngại đám đông ạ.

- Này đứng lên bác xem cháu nào. Người ta bảo chân cháu bị tật nguyền.

- Cháu không bị tật nguyền đâu bác ạ. Nó chẳng đau gì, nó chị ngắn thôi.

- Được rồi, vậy thì không sao cả. Cháu biết không có một nhà văn nước ngoài nói rằng: Nhà văn phải trải qua tất cả những khổ đau, vui sướng, kể cả mất mát ở đời để có cái để mà kể lại. Cháu cứ ra trước đám đông kia để xem ánh mắt nhìn của thiên hạ thế nào để mà kể lại trong tác phẩm của mình. Cố lên con gái.

- Vâng cháu sẽ cố nhưng phải dần dần đã bác ạ.

- Nào mấy chàng thi sĩ. Cô gái này không phải là đối tượng săn đuổi của mấy chàng đâu.

- Bác đừng nói thế. Chúng cháu dân nhà quê cũng tự ti lắm.

- Thế hả vậy thì hãy kết bạn với nhau đi. Con gái, đây là card của bác. Khi nào chán đời thì gọi điện cho bác nhé. Chào các bạn trẻ.

Một lúc sau nữ nhà thơ mới đến. Chị đuổi thẳng cổ hai thi sĩ tỉnh lẻ ngồi cạnh Nấm đã chiếm chỗ của chị. Dẫu thế hai nhà thơ trẻ rất vui vì được làm quen với nữ nhà thơ. Họ nói họ đọc nhiều thơ của chị và rất ngưỡng mộ. Nữ nhà thơ nói chuyện với họ rôm rả quên cả Nấm. Tuy nhiên Nấm đang trong tâm trạng rất vui. Nấm như vừa tìm được một vệt sáng trong đường hầm đen tối. Nấm sẽ đối diện với cuộc đời để viết nên tác phẩm.

Hội nghị diễn ra hai ngày. Ngày hôm sau đi thăm quan một số toà báo Nấm không đi. Buổi chiều chia tay tại hội trường Nấm đã có hơn mười địa chỉ của những người muốn làm bạn với Nấm.

Quả nhiên, một ngày dự hội nghị với ba bài phát biểu của quan chức và mười bản tham luận mà chẳng lọt vào tai Nấm từ nào cả. Chắc đa số người dự hội nghị đều như Nấm cả. Nhưng Nấm cảm thấy mình đã được rất nhiều.

Đầu tiên là nữ thi sĩ. Chị nói nhà của chị rộng gấp mười lần nhà của Nấm, vì thế mà nó trống trải quá. Đứa con chị đã lớn, nó cần bạn bè hơn là mẹ. Vả lại cái chính là chị rất yêu và tin Nấm, chị bảo thế. Nấm không hiểu sao vừa gặp Nấm mà chị đã tin yêu Nấm. Nấm là một kẻ cô đơn nên cũng chấp nhận chị. Chị đã kể cho Nấm nghe rất nhiều chuyện của chị và chuyện của đời. Rằng thời chị mười tám tuổi, tình yêu đầu đời của chị đã dành cho một người đàn ông có vợ. Một ngưòi đàn ông có tài. Tài đến mức luôn luôn để chị và người vợ đó gặp nhau mà không một chút nghi ngờ. Rồi người đàn ông đó cũng cưới chị. Khi chị sinh con được nửa năm mà không thấy chồng về thăm chị liền bế con về Hà Nội để tìm chồng. Lần theo địa chỉ chồng để lại mà vào thì chẳng ai biết người có tên là thế. Một ngày trời đói khát không người quen. Chập tối chị bế con đi lang thang vào công viên để tìm một ghế đá qua đêm. Xa xa kia, dưới một gốc cây đu đưa một chiếc võng. Một người đàn ông ngồi dạng chân ôm trong lòng một người đàn bà bế một đứa bé. Chị cứ nhìn, nhìn mãi thì thấy họ quen quen. Chị liền bồng con lại gần. Thì ra chồng chị và người đàn bà mà chồng chị vẫn gọi là em gái. Chị gọi chồng:

- Anh ơi con đã được sáu tháng rồi anh ạ.

Chồng chị lấy tay che mặt, người đàn bà đang ngồi trong lòng chồng chị đứng dậy:

- Em ơi, em nói gì vậy?

- Em nói với chồng em chị ạ.

- Chồng nào?

- Chồng em đang nằm với chị.

- Nhưng đây cũng là chồng chị mà em. Con chị đây một thằng bé cũng được sáu tháng. Còn con chị nó được ba tuổi em ạ.

- Vậy thì em bế con em về nhà đây chị ạ. Thấy mãi anh ấy không về em bế con đi tìm. Thôi thì cứ như em chưa tìm thấy chồng.

Người đàn bà ôm lấy chị mà khóc:

- Em cứ về trước đi. Chị nói chuyện phải trái xong với anh ấy thì chị sẽ trả chồng lại cho em. Khổ thân em còn trẻ quá.

- Thế rồi sao hả chị? Sao chị không kể tiếp đi, em hồi hộp quá.

- Thế rồi sao ư? Chị thì làm thơ còn người đàn bà đó cho đứa con đỏ hỏn rồi bỏ đi đâu không biết.

- Thế còn người đàn ông kia?

- Rồi thì lằng nhằng mãi cho đến khi đứa con chị được bảy tuổi chi mới dứt được ông ấy.

- Thế sao chị không đi lấy chồng khác?

- Ừ thì dăm bảy mối tình chứ chẳng ít đâu nhưng chẳng đọng lại ai lâu. Nỗi cô đơn như một định mệnh của nhà thơ mà em.

Người đàn bà làm thơ này như hút hồn Nấm làm Nấm không còn mong chờ những cú điện thoại của người đàn ông của Nấm. Những câu chuyện của chị cứ như những trang tiểu thuyết vậy. Nghe xong mỗi câu chuyện Nấm có cảm giác là đêm về khi chỉ còn một mình với chiếc màn hình Nấm chỉ cần in nó từ trong óc ra. Nấm đến nhà chị chơi rồi ăn ngủ cùng chị. Khi chỉ có hai chị em thì chị yêu chiều Nấm như con gái. Rồi chị kể những dự định làm ăn của chị. Quả thật chị làm ăn rất giỏi. Thường thì các nhà thơ có mấy ai giàu nhưng chị thì giàu có thật sự. Cơ ngơi nhà cửa chị khang trang. Chị còn mấy mảnh đất làm vốn.

Nhưng thực chất ở ngoài đời chị rất đỗi nổi tiếng. Nổi tiếng về thơ hay. Nổi tiếng về sự sống. Những câu chuyện người ta nói về chị khác hẳn những câu chuyện mà chị đã kể cho Nấm nghe. Có những chuyện thực thực hư hư. Có những chuyện như giai thoại. Kể ra cũng hay một người còn sống hẳn hoi mà người đời đã đặt thành giai thoại.

Chị rủ Nấm đi chơi chùa trên một con đò xuôi dọc sông. Chị kể cho Nấm nghe vì sao chị làm thơ. Không phải là từ khi chồng lừa dối chị đâu mà từ khi hơn mười tuổi, vào chiều 30 Tết chị phải đưa đứa em ra đồng chôn cất. Câu chuyện của chị đều đều và mặt chị thì không một cảm xúc. Lúc xuống đò trời tạnh ráo. Khi chị kể câu chuyện xa xưa ấy thì trời bỗng lất phất mưa. Hạt mưa cứ mỗi lúc một mau thành ra mặt sông cứ như sương khói. Một con đò bé nhỏ xuyên qua làn sương khói ấy mà đi. Nước mắt của Nấm hoà với làn sương khói ấy. Còn mặt chị thì vẫn khô ráo. Lên chùa Nấm khấn phật phù hộ để không bao giờ phải chứng kiến cái cảnh như chị.

Buổi tối về nhà Nấm tắm rửa sạch sẽ sau khi đã ăn uống đầy đủ. Mùa xuân muỗi nhiều. Nấm xịt thuốc muỗi rồi mà vẫn đi tất chân và đội mũ. Nấm chuẩn bị chu đáo để bắt tay vào viết. Những xúc cảm ứ đầy tim Nấm. Nấm đã đặt được tên cho tác phẩm đó là Nàng Thơ. Nấm chọn một kiểu chữ rất đẹp để viết tên truyện ngắn. Ở dưới tít truyện Nấm viết: Truyện ngắn của Nàng Nấm. Rồi nàng nhấn enter. Xong rồi Nấm ngẩn người. Câu đầu tiên sẽ viết thế nào đây? Tôi làm thơ từ năm mười tuổi khi em tôi chết vào chiều 30 Tết. Ôi trời, đấy đâu phải là câu văn. Nấm nhấn vào nút xoá. Trên con thuyền nan trôi dọc bờ sông trong một buổi sáng sương khói mịt mùng, người đàn bà đã kể cho tôi nghe về chị. Chị đã làm thơ... sao mà giống một bài báo thế. Đầu Nấm nặng trĩu và một nỗi thất vọng tràn đầy trong lòng. Nấm ngồi trân trối nhìn vào màn hình nửa giờ đồng hồ mà vẫn không biết bắt đầu từ con chữ nào. Nấm tắt màn hình rồi lên giường nằm lấy chăn trùm kín đầu. Nấm tự nhủ mình hãy cố ngủ đi. Phải ngủ đi nếu không muốn bị một cơn đau đầu khủng khiếp và một cơn khóc nhấn chìm cơ thể. Triệu chứng đã bắt đầu rồi Nấm ơi. Không thể để mình rơi vào trạng thái như vậy. Đau đớn không thể tả, rồi không biết có vượt qua được như các bận trước không? Nếu không vượt qua được mà đầu hàng cơn đau thì Nấm lại về với số 0 tròn trịa. Nấm hãy vượt qua đi. À phải rồi người đàn ông của Nấm. Anh bảo với Nấm rằng lúc nào rỗi là anh sẽ gọi điện cho Nấm. Gần một tuần nay anh không gọi điện cho Nấm rồi, chắc anh bận lắm. Giá mà lúc nào anh ở thành phố này nhỉ. Nấm sẽ đến với anh. Nấm sẽ sà vào lòng anh và anh sẽ ôm Nấm thật chặt. Hôm trước anh bảo, bao giờ anh được hôn em thật. Còn em chỉ cần anh nói anh hôn em là người em đã tan loãng ra rồi. Sao mãi anh không về. Anh bảo đến mùa hè. Bây giờ là mùa xuân rồi chỉ còn mấy tháng nữa thôi. Em sẽ chờ anh về để được yêu anh dù chỉ một lần thôi. Rồi sau đó em sẽ sống với những hoài niệm đó là đủ. Em sẽ yêu anh hết mình. Em sẽ dâng cho anh tất cả những điều em đang gìn giữ. Anh đã hiểu lòng em. Anh cảm động về tình yêu em đã dành cho anh. Em xứng đáng được nhận sự ngọt ngào và hạnh phúc. Anh sẽ mang đến cho em sự lắng đọng dịu dàng. Và em sẽ sinh cho anh một cô con gái. Không, một cậu con trai cơ. Thế thì hai đứa vậy. Không bốn đứa cơ. Sao anh tham thế. Vì anh muốn yêu em. Con mình sẽ cao giống anh và trắng như em. Em sẽ sinh cho anh nhiều con nhưng em sợ nhất là khi chúng ốm. Anh cũng rất sợ điều đó. Bố anh ốm anh đã không có mặt ở nhà. Rồi khi ông qua đời anh cũng không thể về. Đó là nỗi ân hận lớn nhất của đời anh. Anh đã khóc rất nhiều mà không thể nguôi ngoai nỗi ân hận. May mắn của đời em là đến giờ em vẫn chưa phải chứng kiến cái chết của người thân. Anh cũng cho đó là một may mắn. Nhưng người già chết thì sự nhớ thương ít hơn khi người trẻ chết phải không anh? Không phải đâu em ạ. Sự nhớ thương là do tình cảm và những kỉ niệm. Có thể anh không biết nữa. Trẻ con là vì mình đang yêu thương chúng mà. Như một đứa con của chúng mình. Anh hãy yêu em đi. Anh yêu em mà. Ừ thế. Anh... Trong tư thế cuộn tròn Nấm như đang nằm trong vòng tay của người đàn ông của Nấm. Người đàn ông của Nấm đang cởi những khuy áo của Nấm. Rồi bàn tay ấm áp diệu kì đang xoa trên ngực Nấm. Nấm nép chặt vào ngực anh. Một cảm giác ngất ngây ngự trị cơ thể Nấm. Và ý nghĩ cứ thế miên man. Nấm rất yêu quý trẻ con. Mỗi lần nhìn thấy một đứa bé là Nấm ngắm mê mải rồi ước ao được bế bồng hôn hít nó. Một đứa con. Bao lần Nấm đã thầm ước ao Nấm có một đứa con.

Chiều 30 Tết trong cái nghèo thì Nấm biết. Thì quê Nấm cũng nghèo lắm mà. Sự tất bật vào sáng 30 Tết quanh nồi bánh chưng thì Nấm cũng biết. Lũ trẻ con háo hức trong bộ quần áo mới thì Nấm cũng biết. Và cái răng mới nhú nho nhe như thằng cún nhà chị gái thì Nấm cũng biết rồi. Còn đứa bé kia. Đứa bé kia nếu nó là con của Nấm thì sao? Nó là con tôi. Không thể như thế. Nhưng nó là đứa như thế đấy. Chiều 30 Tết trong cái lạnh đìu hiu của vùng sơn cước... Anh yêu em đi. Trời ơi anh yêu em đi. Em rất muốn và em khao khát. Ngất ngây và không còn tồn tại... Anh của em. Anh... Anh... Nấm chìm sâu xuống trong một cảm giác đê mê. Phải một lúc lâu sau nhận thức mới quay trở lại. Nấm nhận thấy mình đang trần trụi giữa đám chăn gối nhàu nát. Và khoảng giữa hai đùi Nấm ẩm ướt. Nấm vơ lấy chăn trùm lên người. Chỉ một mình Nấm đã tự thoả mãn tình yêu cho mình.

Nấm nức nở. Tim đau như ai bóp chặt. Hai tay Nấm ôm chặt lấy ngực để nén cơn đau. Cơn khóc không thể nào kìm nén. Nấm khóc nức lên. Khóc nghẹn ngào, tức tưởi. Nước mắt chảy ướt đầm cả gối. Cơn khóc làm Nấm co quắp người lại. Nấm đã cảm thấy cơ thể đang chìm dần như một cơn buồn ngủ. Không thể chìm xuống thế này. Nấm cựa quậy người để cố vượt ra khỏi trạng thái đông cứng. Chân tay bải hoải. Đầu óc mất phương hướng quay cuồng. Không thể thế này. Nấm cố duỗi tay ra. Khớp cổ tay cứng ngắc và đau không thể duỗi được. Mình đang làm sao thế này? Nấm nằm im và tự hỏi. Mình đang sắp chìm xuống. Chìm xuống đâu? Chìm xuống số phận. Vậy phải làm sao bây giờ? Hãy ngồi dậy, đừng nằm như thế sẽ chìm xuống đấy. Chìm xuống có phải là chết không? Chết còn tốt hơn là đầu hàng số phận. Vậy nàng thơ nằm đấy là nàng thơ đã đầu hàng số phận rồi à? Không. Nàng nắm đó khi nàng đã làm xong bổn phận. Còn Nấm, nàng mới chỉ bắt đầu thôi. Phải ngồi dậy ư? Phải ngồi dậy.

Nấm thu hết sức lực rồi bật dậy. Rồi nàng lẩy bẩy đi vào nhà tắm vã nước lạnh lên mặt. Nàng nhìn mặt mình trong gương. Đôi mắt sưng húp và mặt thì trắng bệch. Nấm lấy tay xoa xoa lên hai mắt rồi xoa đều xuống hai gò má. Một lúc máu đã dồn về. Đúng rồi, nàng đã làm xong bổn phận rồi thì nàng nằm đó mặc kệ cho sự đàm tiếu và những giai thoại. Phải rồi nàng nằm đó... Nấm vội vàng bật máy. Cái tít truyện rất điệu đàng và hàng chữ phía dưới vẫn còn được lưu lại. Nấm nhấn enter rồi shift. Nàng nằm đó... Nàng nằm đó, đẹp như một bức tranh mẹ đồng trinh. Làn da trắng mịn màng, đôi môi cắn chỉ mím chặt. Vầng trán thanh thoát. Một lọn tóc rơi một cách ý tứ trên trán nàng.

Đó là một sự thanh thản. Chưa bao giờ nàng thanh thản đến vậy. Trái tim cô đơn của nàng sẽ thôi không phải gào thét: Em muốn ôm cả đất. Em muốn ôm cả trời. Mà sao anh ơi không ôm nổi trái tim một con người.

Và trái tim đàn bà của nàng sẽ thôi không phải giễu cợt. Nàng vẫn mang một chiếc vòng trong mình khi đã mãn kinh.

Sẽ còn lại gi: Thơ và chiếc bóng của nàng đã bị người thêu dệt và cắn cho rách nát.

Một lần có hai người đàn ông đi qua nhà nàng. Hai kẻ say. Con chó nhà nàng xồ ra cắn. Hai kẻ say vào bắt vạ. Nàng bảo: Hãy chỉ cho tôi xem vết chó cắn tôi sẽ đền bù cho. Hai kẻ say lè nhè:

- Này cô em, chó nhà cô em không cắn vào thân thể chúng anh nhưng nó cắn vào bóng chúng anh đây. Cái bóng chúng anh đã bị một vết thương lớn. Cái bóng chúng anh mà không khoẻ thì thân thể chúng anh làm sao mà khoẻ được. Thể nào chúng anh cũng bị ốm. Vậy cô em phải nôn tiền ra cho chúng anh đi chữa cái bóng của chúng anh bị chó nhà cô em cắn đây này.

Nàng rất tức giận nhưng cũng phải chi ra một khoản tiền.

Sau chuyện đó nàng nghĩ ngợi về cái bóng: Cái bóng, tất nhiên là người ai cũng có cái bóng. Ngày xưa bà nàng bảo: người phân biệt với ma là người có bóng, còn ma thì không có bóng.

Thưở bé, có một trò chơi mà nàng rất thích. Đó là vào những đêm trăng tỏ nàng đứng giữa sân cho bóng đổ dài trên nền đất. Sau đó nàng chạy để dẫm chân lên bóng. Điều đó là không thể. Nàng rất tức giơ tay đánh vào chiếc bóng. Nàng nhìn thấy rất rõ ràng là chiếc bóng rất run sợ.

Lớn lên nữa cha nàng dạy nàng: con hãy sống tự thân, đừng bao giờ trở thành chiếc bóng của ai cả.

Khi đi học thầy giáo dạy nàng: kiến thức là bể mênh mông. Kiến thức nhập vào ai thì như chiếc bóng của người ấy. Sáng tạo tức là vượt qua cái bóng của chính mình.

Nhưng khi nàng đến với thơ đâu nàng đã ý thức được là vượt qua cái bóng của mình đâu. Vả lại, khi đó nàng đã có kiến thức gì trong mình ngoài một nỗi đau khổ tột cùng.

Sáng 30 Tết lũ trẻ đã được mẹ cho mặc áo mới. Cô chị cả đểnh đoảng chạy đi khoe với bạn hàng xóm. Còn nàng lặng lẽ đến bên giường cu Tũn. Thằng bé mới được mười một tháng tuổi tròn trịa như củ khoai. Thường ngày cha mẹ đi làm nàng nhận nhiệm vụ trông em. Nàng mới mười tuổi nhưng bế em khéo lắm. Ai nhìn thấy nàng bế em cũng khen:

- Con bé này thật đảm đang.

Cu Tũn cũng quý nàng nhất nhà. Mỗi khi bú no nó kéo phựt cái tí mẹ ra rồi quay sang nàng cười toe toét. Nó giơ hai tay nhoài sang nàng túm chặt lấy áo chị. Nàng bế em chạy vù ra ngõ.

Cu Tũn bị ốm mấy hôm nay. Nó sốt cao và thở khò khè. Nàng bế xốc em lên vai nựng nựng:

- Cún con khỏi ốm đi để còn ăn Tết chứ. Cún chưa biết Tết vui đến thế nào đâu. Áo mới đây chị mặc cho cún nhé.

Cu Tũn cố cười với chị, hai chiếc răng cửa nho nhe trông thật ngộ nghĩnh.

Mẹ nàng ngừng tay gói bánh chưng, lẩm bẩm:

- Khổ quá đến tết mới có cái ăn uống ngon lành tử tế thì thằng em lại ốm mãi thế này.

Cha mẹ nàng quê dưới xuôi, đất chật người đông luôn khốn khó với miếng ăn. Năm nàng lên hai tuổi thì nhà nước có cuộc vận động đi xây dựng vùng kinh tế mới. Cha mẹ nàng rời quê hương đi lên vùng sơn cước, đất rộng người thưa. Đất đai rộng thật nhưng cũng chỉ biết trồng lúa, trồng mía. Cứ làm theo cái cách ở quê vậy. Nhưng trồng lúa thì ra cỏ, trồng mía thì ra lau. Lại khốn khó vì cái ăn. Hai đứa em nữa lần lượt ra đời. Nhìn bọn trẻ nheo nhóc cha nàng không chịu được bảo với mẹ nàng:

- Thôi thì bà ở nhà trông con, ăn quanh ăn quéo rau cháo nhì nhằng tôi đi xa kiếm việc ra tiền. Chứ cứ thế này thì khốn nạn quá.

Cha nàng đi một mạch nửa năm với về nhà, mang về cho con cái mỗi đứa một chiếc áo mới, lại được ăn cơm trắng với thịt mấy ngày. Rồi lại đi.

Tết này người về với gương mặt rạng rỡ. Mẹ nàng đi chợ những ba lần. Có những thứ mua về mà nàng lần đầu tiên mới nhìn thấy. Cha mẹ nàng bảo nhau:

- Cho bọn trẻ một cái tết xôm trò.

Bọn trẻ được ăn ngon từ 29 Tết. Nhưng đã thành lệ sáng 30 tết cả nhà nàng mới gói bánh chưng. Gói xong vào khoảng 12h trưa thì bắc nồi lên luộc. Bánh chín cững là lúc giao thừa, vớt bánh nóng hổi lên cúng ông bà tổ tiên.

Cu Tũn khóc, nàng bế ngửa em rồi lên võng đưa tít để dỗ em. Cu Tũn càng khóc to hơn, mặt mày tím tái. Mẹ nàng không gói bánh nữa, lau tay đón cu Tũn. Vạch vú cho cu Tũn bú mẹ nàng kêu lên: Khổ thằng bé sốt cao quá!

Cha nàng bảo:

- Để tôi đi mời ông y sĩ đến tiêm cho thằng bé một mũi để nó chóng khỏi.

- Ừ sẵn có tiền thì mới dám tiêm chứ không có tiền thì để nhì nhằng rồi thằng bé cũng khỏi.

Nửa tiếng sau cha nàng về với một ông gọi là y sĩ. Một ông mặt trắng nhờ nhờ với đôi mắt vô cảm. Nàng nhớ nhất cái mặt đó, cả đời nàng không thể quên nổi. Ông ấy nhìn cu Tũn một lát rồi lấy trong túi đồ nghề ra một cái bơm tiêm cùng vài ống thuốc. Ông ấy pha pha lắc lắc rồi hút đầy vào bơm tiêm. Nàng đứng bên cạnh ông ta nhìn đăm đăm vào từng cử chỉ của ông ta với cơn đau thắt ruột. Một sự sợ hãi ập đến khiến nàng ngồi thụp xuống chân mẹ đang ngồi bế em trên ghế. Ông y sĩ bảo mẹ nàng:

- Bà giữ chặt lấy thằng bé, đừng để nó giãy. Tôi tiêm đây này.

Nàng hét lên: đừng tiêm em.

Ông y sĩ bảo với cha nàng:

- Đưa cái con bé này ra ngoài.

Cha nàng ôm lấy nàng:

- Đừng sợ con, để ông ấy tiêm cho em, em chóng khỏi rồi con cõng em đi chơi.

Nàng nghe thấy tiếng cu Tũn khóc ré lên ằn ặt, rồi tiếng khóc lịm dần. Khi nàng nghe tiếng ông y sĩ bảo: xong rồi, thì cùng lúc nàng nghe thấy tiếng mẹ gào lên: ối trời ơi con tôi làm sao thế này. Cha nàng bỏ nàng ra chạy đến bên mẹ nàng. Nàng cũng chạy đến bên mẹ thì thấy cu Tũn mặt tím ngắt, mắt nhắm lại người giật lên liên hồi. Nàng quay sang ông y sĩ kéo áo ông ta gào lên:

- Ông ơi cứu em cháu với. Mặt ông y sĩ tái xám, đôi mặt dại lạc. Ông ta cũng lên cơn co giật. Nàng quay sang em. Cu Tũn không co giật nữa mà mềm nhũn. Nàng vồ lấy em, cố dựng nó dậy: em ơi, em mở ra đi, em cười đi.

Chiều 30 Tết trong cái lạnh đìu hiu của vùng núi. Nhìn xa lắm mới có một nếp nhà. Cái làn khói bốc lên mái rạ trắng hơn sương núi. Lần đầu tiên trong đời nàng phát hiện ra điều đó khi nàng bước chầm chậm theo chiếc quan tài bé nhỏ được hai người đàn ông khiêng trên vai. Ba chị em nàng, chị cả mười hai tuổi, nàng lên mười, cu Dũng lên bảy cùng hai người đàn ông tốt bụng trong xóm đưa cu Tũn về lòng đất mẹ. Chị cả với cu Dũng khóc như mưa. Nàng không khóc. Trong đầu nàng hiện lên rất nhiều những câu hát nàng đã hát ru em:

"Cái cò đi đón cơn mưa Tối tăm mù mịt ai đưa cò về Cò về thăm quán cùng quê Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh" "Cái cò là cái cò quăm Mày hay đánh vợ đêm nằm với ai" "Cái cò mà đi ăn đêm Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao Ông ơi ông vớt tôi nao Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng Có xáo thì xáo nước trong Đừng xáo nước đục đau lòng cò con" "Cái cò cái vạc cái nông Ba con cùng béo vặt lông con nào Vặt lông tất cả cho tao Tao nấu tao nướng tao xào tao ăn" Đêm nàng tỉnh giấc. Theo phản xạ nàng quờ tay để tìm em. Thường cu Tũn ngủ với nàng. Không thấy em đâu nàng tỉnh ngủ. Giờ thì nàng khóc, khóc đau đớn. Khóc sự yêu thương bị mất mát đầu tiên. Tim nàng đau thắt. Tiếng khóc nàng chết ngẹn. Cha nàng đến bên nàng dỗ dành:

- Đừng khóc nữa con ơi, để cho linh hồn em con được siêu thoát. Thôi số kiếp nó ngắn ngủi. Nó chỉ sống với chúng ta được ngắn ngủi vậy thôi.

Trong lòng cha nàng thiếp vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, nụ cười cu Tũn với hai chiếc răng cửa sáng bừng lên trong đầu óc nàng. Cùng với nụ cười của cu Tũn là câu chữ hiện ra:

Em cười răng mới nho nhe... Cùng với cái chết của em, đêm ấy giời bắt nàng làm thơ.

Những con chữ nối nhau ra hối hả nên Nấm không còn cảm thấy hai bả vai đau nhức. Khi Nấm đóng máy nhìn lên đồng hồ đã là gần sáu giờ sáng. Nấm vội vàng lên giường cố ngủ một chút để còn đi làm. Nấm nhắm mắt. Đầu óc trống rỗng đến toang tuếch, có cảm giác trong hộp sọ chỉ còn không khí nên không thể ngủ. Nấm cứ nằm trơ ra hai mắt ráo hoảnh. Rồi Nấm thiếp vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #phần