2) Mưu sinh

Mười lăm năm trước
Làng An Bài, châu Đông Triều, lộ Tân Hưng (1).

Tiếng gà gáy vang vọng phía xa xa. Vầng thái dương vẫn còn khuất sau đường chân trời, nhưng sắc mây đã bắt đầu tảng sáng. Trên các nóc nhà tranh ngói san sát kề vai, khói bếp bay lên mỏng manh tựa như làn sương mờ ảo buổi ban mai. Ai ai cũng cố gắng dậy sớm hơn thường lệ để không bỏ lỡ một dịp đặc biệt: Chợ Cột họp phiên.

Càng ngày, chợ càng nhộn nhịp hơn, nườm nượp người mua kẻ bán, trên bến dưới thuyền đông vui, trù phú. Từ lim, gụ, sến, táu (2) ngược tận miền núi đến chim, thu, nụ, đé (3) xuôi xuống vùng biển, tất cả đều tụ tập lại tại đây. Mọi thành phần trong xã hội, thợ thuyền, lái buôn, trộm cắp, đủ cả. Những chàng trai hè nhau gắng sức vần từng khối gỗ to hơn cái cột đình, những cô gái đon đả mời chào bên cạnh thúng tép tươi nhảy tanh tách. Chú hàng thịt mài con dao bầu mới bóng, xẻ ra hàng tảng nạc đỏ tươi, mỡ trắng phau bày lên thớt. Đâu đó một ông mặt mũi đỏ phừng, ngực áo phanh ra, đập bát rượu xuống bàn gọi thêm chầu nữa. Mặc xác đời.

Đám phu gỗ ban nãy vừa mới lên bờ nghỉ ngơi, ai nấy mồ hôi đều ướt đẫm sau lưng áo. Mấy thằng nghịch ngợm thậm chí còn chòng ghẹo phụ nữ, nhưng tuyệt nhiên chưa từng xảy ra chuyện gì đao to búa lớn cả. Duy chỉ mỗi một người con trai lặng lẽ ngồi nhâm nhi tách trà quê, bỏ ngoài tai bao lời châm chọc của bọn bạn bè:
- Ê, Long! Chú mày định làm trai tân suốt đời hả?
- Ngần này tuổi đầu rồi mà còn chưa lấy vợ, bộ mày có vấn đề à?

Họ nói chuyện bằng tiếng Quảng Đông. Dân làng chung quanh vốn đã quen với họ từ lâu, nên cũng không lấy gì làm ngạc nhiên cho lắm.

- Kệ tao. Lũ chúng mày ồn ào quá, biến hết đi! - Long gắt lên.

Vì đã quá mệt mỏi, anh chỉ muốn được ở một mình. Tháo xâu tiền (4) đeo vòng quanh cổ, những đồng bạc chạm vào nhau kêu leng keng. Thanh toán xong, Long bèn đứng dậy, đi thẳng.

Đang mải suy nghĩ vẩn vơ, đột nhiên anh bị va trúng đầu chiếc đòn gánh dài. Bao nhiêu ốc nhồi, ốc đá đổ hết ra nền đất. Lập tức, anh liền cúi xuống, vơ lấy vơ để bốc trả lại vào nong (5). Bỗng, hai bàn tay vô tình chạm phải nhau, rụt lại. Ngước nhìn lên, bắt gặp ngay ánh mắt đen láy và đôi môi đỏ nhai trầu. Sững sờ mất vài giây, cuối cùng, anh cúi gằm mặt cặm cụi nhặt nốt không sót con nào.

- Cảm... cảm ơn! - tiếng cô thôn nữ lí nhí rồi vội vàng quay đầu chạy mất, mặc cho anh gọi với theo. Bóng áo nâu mềm mại mất hút sau dòng người chen chúc.

__________________________

...Và như có tiền duyên từ kiếp trước, họ cứ thế nên duyên vợ chồng giữa sự phản đối gay gắt của hàng xóm láng giềng. Mặn nồng chưa được bao lâu, những chuyến hàng lũ lượt kéo đến khiến ông phải liên tục xa nhà hàng tháng, lênh đênh giữa biển khơi. Lần cuối cùng trước giây phút định mệnh ấy, ông đã hứa nhất định sẽ quay trở về. Chẳng nói chẳng rằng, mãi mãi ra đi...

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mười lăm năm mà cứ ngỡ như vừa mới hôm qua. Đứa bé ngày đó giờ đã trở thành thằng nhóc nhanh nhẹn, mồ côi cha. Hè, mò cáy (6) mắm ăn. Đông, lội bùn bắt ốc ngoài bãi giữa, gió mùa rét thấu xương căm cật. Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm (7), hớt rươi ở bãi triều ven sông Cầm, đặt trong rá (8) phủ lá tre đem bán. Thỉnh thoảng, Nhan còn trốn mẹ lấy củi cùng đám trai làng, dành dụm mấy đồng bạc ít ỏi mua cho kì được chiếc lược sừng trâu đen. Tặng một người con gái...

__________________________

(1) tương đương với huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
(2) Lim, gụ, sến, táu: bốn loại gỗ quý theo quan niệm thời xưa.
(3) Chim, thu, nụ, đé: bốn loại cá biển ngon hàng đầu, thường dùng tiến vua.
(4) Xâu tiền: tiền cổ đúc bằng kim loại, hình tròn, giữa có lỗ để xỏ dây qua thành chuỗi.
(5) Nong: dụng cụ để đựng làm từ tre đan, vành cứng, kích thước lớn.
(6) Cáy: loài cua nhỏ.
(7) câu tục ngữ chỉ thời điểm xuất hiện vụ rươi trong năm (âm lịch).
(8) Rá: giống nong, nhưng nhỏ và đáy sâu hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top