chủ nghĩa anh hùng: lý tưởng hay cuồng tín?
người ta nhắc gì về my hero academia?
ồ, tôi nghe phong thanh về một chàng mọt sách ước mơ trở thành anh hùng hạng nhất, lại đâu đấy tiếng xì xào về một gã trai cộc tính nhưng vào khắc thời sinh tử lại trượng nghĩa hơn ai. rồi họ kháo nhau về cậu thiếu niên tóc hai màu, về cô gái đáng yêu uống máu người mình thích. lạy chúa, họ lật tung hết cả, sẵn lòng mến mộ cho đến những nhân vật quần chúng chỉ xuất hiện một lần và biến mất. ấy vậy mà chưa bao giờ tôi thấy bất kì dòng tweet nào lên tiếng ca ngợi cái bao trùm nhất, cái công trình kì vĩ nhất, chứa cội nguồn sâu thẳm cho tất cả sự phát triển nhân vật đáng kinh ngạc đã làm họ say đắm đến phát rồ lên. đó là xã hội siêu năng.
nhân loại vẫn ưa suy tôn những vai diễn mà chẳng đoái hoài đến phông nền. vậy nên tôi ở đây, tạm gác lại sự mê hoặc của những mảnh ghép nhân vật và gợi nhắc chúng ta chú tâm về một bức tranh toàn cảnh mà horikoshi-sensei đã tỉ mỉ đục đẽo đến từng nếp gấp. giữa thời đại suy tàn của dòng phim siêu anh hùng, chúng ta vinh hạnh được trông thấy những hình tượng tưởng chừng lỗi mốt nay gồng mình trở dậy oai nghiêm trong một bản thiết kế phân tầng đầy ngoạn mục, thoát thai từ trí tưởng tượng siêu phàm của vị magaka đáng kính. đúng vậy, tôi muốn luận về tài năng của horikoshi trong việc thiết lập thế giới giả tưởng và lý do tại sao my hero academia lại là một trong những bộ manga/anime có cấu trúc xã hội thực tế, đồng thời giàu tính lãng mạn nhất từng tồn tại.
đầu tiên, tôi có thể khẳng định với các bạn rằng tạo ra một thế giới giả tưởng nơi các nhân vật có đủ không gian để tự do hít thở và kích động sự kiện nảy sinh trong cái dạ con của những mối cơ duyên kỳ ngộ ấy là một sự sáng tạo cấp bậc thần thánh. tại sao tôi nói vậy? tôi là một kẻ vô thần, nhưng đứng trên quan điểm bất khả tri và sự đối sánh mơ hồ của nghệ thuật ẩn dụ, tôi cho rằng chúa đã đắp nặn trái đất ra sao thì những vị tác giả viết truyện hư cấu cũng bỏ chừng ấy công sức.
nếu bạn không tin thì chúng ta cùng quan sát nào, một thế giới có gì bên trong nó? luật pháp, đạo đức, giai cấp và định kiến. bạn phải chịu trách nhiệm tạo ra một hệ thống logic với những khái niệm ấy bện chặt vào nhau, đan cài từng sợi len nhỏ thành một tấm khăn choàng cỡ đại mà chỉ cần một lần lỡ tay lệch mũi cũng có thể hủy diệt cả quá trình.
và dù cho bạn có lấy bối cảnh truyện là thế giới thực của chúng ta thì những phần tử khác thường mà bạn cho vào tác phẩm của mình cũng sẽ làm nó đột biến, thay đổi bộ mặt thế giới ấy cho tới khi nó không còn lấy lại dáng vẻ ban đầu được nữa. đơn cử như MHA (tôi xin viết tắt), nếu bạn muốn sáng tác manga về siêu anh hùng, bạn phải tạo ra một xã hội có tồn tại siêu năng lực. cải cách này sẽ tác động tới toàn cục ra sao? nhân loại sẽ thích nghi với nó thế nào? chính bạn phải là người gánh vác và tô điểm thêm vào đấy những sắc màu chưa từng được phát kiến. giờ thì bạn đã thấu suốt cơn bĩ cực của những nông dân trên cánh đồng tư tưởng; họ đều sở hữu đôi bàn tay lành nghề và một bộ óc sắc sảo, không ngừng cày cuốc và nuôi trồng cái dáng hình xứ sở mà chính mình thai nghén bấy lâu nay.
trong trường hợp của horikoshi, tiên sinh thậm chí vạch ra hai giai cấp mới của xã hội: hero (anh hùng) và villain (ác nhân). nhưng đôi khi để tăng tính chân thực của một thế giới, điều bạn cần không chỉ là bổ sung, bạn còn phải tàn nhẫn hơn: loại trừ. dù không dễ dàng gì nhưng bạn buộc lòng phải từ bỏ những đặc điểm ở thế giới cũ có khả năng ngáng đường sự ra đời của thế giới mới. mà cụ thể ở đây, horikoshi đã thay thế việc tuần tra của cảnh sát bằng việc tuần tra của những anh hùng chuyên nghiệp. chuyện này khá dễ hiểu ở một thời đại bùng nổ siêu năng như vũ trụ MHA. cảnh sát từ lâu đã trở thành một trung gian, thậm chí là hậu phương trong việc truy bắt tội phạm. sự thiếu hụt spotlight của những đồng chí này là không thể tránh khỏi khi phương thức chiến đấu thuần vật lý thông thường đã chẳng còn mấy tác dụng. bên cạnh đó, sensei cũng xóa luôn chiếc còng số tám và xà lim truyền thống mà thay vào đó là kiểu nhà tù "đóng gói" cả người phạm nhân bởi hầu hết chúng đều mang trong mình năng lực đặc biệt gọi là quirk (hay kosei). điển hình như tartarus - đây là nhà tù với mẫu hình chuẩn mực nhất cho một thế hệ tội phạm cấp cao với những đặc tính tiến hóa dị thường, một khuôn viên hành pháp được tọa lạc và giám sát nghiêm ngặt dưới mặt nước biển.
tóm lại, thiết lập thế giới chính là làm nhiệm vụ của một hóa công tập sự, đòi hỏi con người ta phải chứa cả một vũ trụ khác trong đầu. bởi chỉ cần quên mất một chi tiết mình đã thêm vào hoặc loại bỏ thôi cũng đủ làm tổng thể trở nên thiếu tính thuyết phục.
thế giới giả tưởng càng được đào sâu đến vi mô, những nhân vật càng có sức lay động lòng người. như tôi đã nói ở trên: thế giới là phông nền, nhân vật là diễn viên. nếu thiếu đi cái phông nền tinh xảo ấy, thì nhân vật dù có được chăm chút đến từng đường tơ kẽ tóc rốt cuộc cũng chỉ là những gã bù nhìn với muôn vẻ khóc gượng cười vờ. khán giả không thể đồng cảm với họ bởi chúng ta không biết cái gì đã dẫn đến những ái ố yêu hận ấy, càng không nhận được những thông tin trọng yếu để tin rằng mọi hành động của nhân vật đều có động cơ xác đáng đằng sau. chính thế, tầm vóc của một ngòi bút nằm ở việc tạo ra một bối cảnh có thể hình dung rõ ràng, sau đó mới đến những nhân vật có thể hình dung rõ ràng. hãy thử tưởng tượng one piece thiếu đi những nét khắc họa tinh vi về hải tặc, hải quân, trái ác quỷ, chính phủ và bản đồ thế giới mà xem. có phải luffy cũng chỉ là một gã bù nhìn trống rỗng với tham vọng ngờ nghệch của tuổi nổi loạn?
nói thêm về vấn đề xây dựng thế giới, có những quyển fanfic bạn cho là văn phong rất cừ, viết rất chắc tay nhưng tại sao tới khi tác giả ấy viết một bộ truyện cho riêng mình, không vay mượn nhân vật từ anime/manga nữa thì lại khó khăn đến vậy? lý do là bởi, họ thiếu yếu tố cốt lõi, cái nền móng đầu tiên của một câu chuyện: thiết lập thế giới. những nhân vật ấy cũng không phải họ khai sinh mà là đã sống trước rồi - đã có một người cha, người mẹ mangaka nuôi dưỡng cái bào thai hư cấu ấy trong một thế giới được căn chỉnh chuẩn xác mọi bản lề sao cho họ có thể thỏa sức trưởng thành và đạt tới độ chín muồi của phát triển nhân vật; sau đó fanfic mới ra đời, mới đem những nhân vật ấy ra mổ xẻ và thêu gấm thêm hoa. tức là chúng ta không nên đánh đồng việc viết fanfic hay với việc viết một tác phẩm độc lập hay. tôi không bác bỏ hoàn toàn năng lực của những người viết fanfic vì chính tôi cũng viết fanfic. những tác giả fanfic có sáng tạo không? chắc chắn rồi. điều tôi muốn nói là trước khi chúng ta ca tụng một tác phẩm fanfic, ta nên trân trọng công sức của những vị mangaka trước đã. từ đó ta có một cái nhìn công tâm hơn về khả năng viết lách của chính mình cũng như của người khác.
vì vinh quang của horikoshi-sensei, tôi ở đây nghiêng mình thán phục. dù bộ truyện đã kết thúc chương cuối vào tháng 8 vừa qua và đã vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều, nhưng không ai có thể phủ nhận MHA là một hiện tượng toàn cầu trong lịch sử manga/anime mà chúng ta sẽ còn phải đợi rất lâu mới được chứng kiến một thế giới 2d được đầu tư kĩ càng nhường ấy lần nữa.
(p/s: ồ, bạn ghét thì cứ việc ghét nhưng nếu một bộ phim nổi tiếng khắp năm châu bốn biển thì tôi đoán là nó có gì đó hay ho hơn một kênh youtube chuyên đưa ra những lời phê bình phiến diện rồi trốn dưới dòng ý kiến cá nhân. vâng, tôi đang nói về cái kênh "tôi chê anime của bạn" đấy, nếu chủ kênh mà rep comment thì tôi đã chẳng phải viết trên wattpad thế này.)
như đã nhắc tới ở phần mào đầu, nếu hiện thực và lãng mạn có một đứa con thì đó là MHA. cái hiện thực nằm ở đâu và cái lãng mạn lại là chỗ nào? tất cả đều bắt nguồn ngay hai từ: lý tưởng.
cần biết, mọi anime/manga xuất sắc nào cũng đều mang trong mình một lý tưởng. đối với deathnote, lý tưởng là công lý. đối với bluelock, lý tưởng là vị kỷ. đối với haikyuu, lý tưởng là nhiệt huyết, là cố gắng hết mình. tương tự vậy, MHA cũng mang trong mình một lý tưởng: chủ nghĩa anh hùng - điều mà tôi thấy đã từ một dạng ý thức hệ trở thành một kiểu "tôn giáo" biến chất.
ở một thời đại khi mà anh hùng ngày càng gần với khái niệm idol, có hẳn công ty quản lý, fan và bảng xếp hạng hẳn hoi; như thế thì tôi có được gọi họ là một kiểu tôn giáo biến chất không? duy có điều tôi chắc chắn đó là những người anh hùng này đã bỏ rất xa hình ảnh một công dân bình thường. họ vượt lên trên mọi tầng lớp còn lại như một chuyên gia trị an còn cộm cáng hơn cả cảnh sát. đó là lý do hero ở thế giới MHA thậm chí đã trở thành một nghề nghiệp, một chuyên ngành đào tạo. ở đây, khái niệm anh hùng nằm ở đâu đó giữa một người làm công ăn lương và một đấng cứu thế. họ giúp đời như đi trên dây và chỉ cần lơi lỏng một chút khỏi hình tượng mà công chúng đặt ra thôi cũng có thể ngã một cú vạn kiếp bất phục. endeavor bị tẩy chai sau màn vạch tội của dabi là thế, hawks thay tên đổi họ vì sợ hãi quá khứ của mình bị truyền thông lật lại là thế.
nếu bạn để ý kĩ, tất cả những gì xảy ra trong MHA đều bắt nguồn từ một chủ nghĩa anh hùng đã nhuốm màu cuồng tín. tại sao midoriya luôn muốn trở thành người mang lại hòa bình thế giới? chủ nghĩa anh hùng mách bảo cậu. tại sao shigaraki căm ghét thế giới này? chủ nghĩa anh hùng bỏ rơi cậu. tại sao những trận chiến đổ máu diễn ra liên tiếp mà không thể hòa giải bằng phương thức nào khác? chủ nghĩa anh hùng phải đấu tranh cho sự tồn tại của nó trước một xã hội dần đọa lạc trong thuyết hư vô.
tôi muốn giải thích sâu hơn về lý do đằng sau nhưng có vẻ chúng ta sắp đi chệch hướng. quay trở lại với luận điểm chính, cái hiện thực và lãng mạn đã tề tựu tại một điểm đặc quánh mang dáng dấp của những người dị hình, của những kẻ vô năng, của những anh hùng và ác nhân xẻ da róc thịt nhau nhân danh lý tưởng.
có nhiều hơn một hiện thực trong MHA, và đây là lý do tôi yêu bộ truyện này đến vậy. hãy lấy một ví dụ cụ thể, dabi của liên minh tội phạm - hay toya của nhà todoroki.
cái hiện thực mà xã hội thấy là một tên sát nhân báng bổ chính gia đình mình. cái hiện thực mà shoto thấy là một người anh trai cô độc tới lầm đường lạc bước. cái hiện thực mà endeavor thấy là giọt máu đào mình đã tự tay hủy hoại tới rối bời nhân dạng, tâm hồn trẻ thơ cháy rụi trong ngọn lửa địa ngục xám ngoét tàn tro. cái gì đã giết chết toya và tạo nên một tên villain khét tiếng mang tên dabi vậy? chẳng phải căn nguyên cũng là vì danh xưng anh hùng hạng nhất mà endeavor một đời đeo đuổi hay sao? đi một vòng thật lớn, ta lại trở về chủ nghĩa anh hùng.
liên hệ sang shigaraki một chút, ta đừng quên tên phản diện khó nhằn nhất series đã được sinh ra bởi một người cha ghét cay ghét đắng công việc hero và cũng chính ông ta một mực ngăn cấm ước mơ của cậu nhóc tenko ngày nào muốn noi gương allmight cứu nhân độ thế. bởi lẽ ông ta căm hận mẹ mình khi bà đã chọn làm tròn bổn phận một người hùng hơn là làm tròn bổn phận một người mẹ. thế mới nói, xét đến tận cùng gốc rễ, chẳng phải ác nhân cũng là hệ quả của chủ nghĩa anh hùng hay sao? nếu người ta không áp đặt lên anh hùng một chuẩn mực hà khắt và cho phép họ sống với tư cách con người một chút, liệu mọi chuyện có tồi tệ đến mức này không? tự hỏi mình những điều ấy làm tôi nhận ra thế giới đầy mâu thuẫn của MHA được xây dựng bằng một chuỗi logic không thể chối cãi.
để xoáy sâu hơn vào tính hiện thực trong bối cảnh, ta phải nhìn vào sự bất công. bất công làm nên hiện thực, cũng làm nên bản chất một thế giới. nam chính midoriya izuku đã xuất hiện ngay trong tâm bão của sự bất công nực cười nhất giữa xã hội siêu năng: cậu là một người vô năng.
sinh ra và lớn lên trong một thời đại mà chủ nghĩa anh hùng đã bám vào thâm căn cố đế, cậu nhóc midoriya ngay từ khi còn nhỏ đã đem lòng thần tượng vị anh hùng vĩ đại nhất - all might. qua những thước phim tài liệu, cậu hiểu được tư tưởng của all might là gìn giữ hòa bình và cậu mơ ước được nối gót người mà trở thành một hero chuyên nghiệp. nhưng trớ trêu thay, cậu sinh ra không được ông trời ban cho bất kì quirk nào và đương nhiên nếu ở thế giới của chúng ta, sở hữu siêu năng là dị thường thì ở thế giới MHA sẽ ngược lại, vô năng mới chính là dị thường. thậm chí midoriya còn bị bắt nạt học đường chỉ vì muốn thi vào trường đào tạo anh hùng chuyên nghiệp. giờ thì bạn thấy gì? xã hội chia làm hai. sự phân hóa tập thể sâu sắc dựa trên chỉ một biến số: siêu năng.
nhưng điều làm tôi tâm đắc là dù bạn vô năng hay có sở hữu quirk đi nữa, bạn đều đau đớn như nhau. midoriya và toya chính là hai điển hình tương phản mà bổ trợ lẫn nhau, cho ta thấy hình thái của hiện thực trần trụi nhất. người chính kẻ tà, nhưng cả hai đều được tạo ra từ sự ruồng bỏ và miệt thị của một xã hội từ lâu đã biến thành giáo hội, mụ mị tôn sùng giai cấp siêu năng.
thế mới biết horikoshi đã cực kì am hiểu cách vận hành thế giới mà mình đã dày công phác thảo, thậm chí am tường từng ngã rẽ, khúc cua trong bức địa đồ mới toanh được vẽ ra từ những tái thiết của bộ gen nhân loại. yếu tố chính trị là một ví dụ. sẽ thật sai lầm nếu bạn chỉ xem MHA là một anime/manga dành cho trẻ con, vì chính trị ở vũ trụ này là một thứ cán cân quyền lực không kém những siêu năng mạnh mẽ nhất. lady nagant là một nạn nhân đã vô tình bị cuốn vào sự mâu thuẫn chính trị trong bộ máy nhà nước quá lệ thuộc vào chủ nghĩa anh hùng.
thoạt đầu chạm trán, tôi từng nghĩ rằng MHA là một thế giới tươi sáng nơi cái thiện tiêu trừ cái ác, đơn thuần như hết thảy những phim siêu anh hùng khác đã từng thể hiện. nhưng không. càng về sau, bóng tối càng lộ rõ và nó đen ngòm ngay trong chính cái thứ ánh sáng mà chúng ta tôn thờ.
những đoạn flashback quá khứ của lady nagant đã để lại trong tôi những ám ảnh nhất định. cô từng là một anh hùng chuyên nghiệp, nhưng đồng thời cô cũng là thành viên của một tổ chức ngầm dưới quyền chính phủ, chuyên thủ tiêu những tội phạm được cho là nguy hại trước cả khi cộng đồng ngoài kia biết chúng là ai. ngoài sáng, cô là anh hùng được yêu mến với fan nhí vây quanh. trong tối, cô là tay đao phủ giết người không chớp mắt, theo lệnh cấp trên mà ban án tử cho những kẻ đôi khi chỉ vừa lên kế hoạch chứ chưa hề phạm tội, và đương nhiên là không thông qua bất kì phán quyết nào của tòa án.
người đứng đầu tổ chức này nêu rõ lý do là vì họ muốn "thanh tẩy" lũ cặn bã để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, qua đó bồi đắp niềm tin của dân chúng vào những vị anh hùng nơi tiền tuyến, để cộng đồng ngoài kia yên tâm rằng mình đã được an toàn dưới sự bảo vệ tuyệt đối mà không mảy may làm những trò phiền toái như biểu tình hay bạo động. rõ là những lời gaslighting cố hữu của một phát ngôn viên quá rõ liệu pháp thao túng chốn quan trường. nhưng đằng sau những câu ngụy biện đầu môi chót lưỡi ấy còn điều gì cho chúng ta nhặt nhạnh? đó là những bầy cừu non bị nanh sói chọc mù trong thứ yên bình ruỗng mục; đó là một hiện thực chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa anh hùng cuồng tín và sẽ ngày càng dựa dẫm hơn vào giai cấp siêu năng; đó là câu chuyện của lý tưởng và đạo đức đối địch ở hai bờ chiến tuyến, tàn sát nhau vô tội vạ cho tới khi chính trị đứng ra hòa giải bằng một lời nói dối mà ai cũng muốn tin.
cách làm này của tổ chức đã khiến lady nagant hoài nghi liệu chủ nghĩa anh hùng có thực sự mang lại hòa bình không? hay những nụ cười trẻ thơ vô ưu vô lo kia chỉ là một tấm bình phong phù phiếm đã sớm sặc mùi giả tạo? cô không trả lời được. cô trốn chạy và trốn chạy, mặc cho tay mình tanh tưởi một thứ đoạn trường ô uế xộc lên từ tận cùng gốc rễ của xã hội siêu năng.
cách nhìn trên là một góc máy cực kì tinh tế của horikoshi-sensei khi vị tác giả tài ba không tự cho thế giới của mình là thập toàn thập vẹn. tiên sinh không nhìn một hướng phiến diện, mà quay xuôi đảo ngược để chỉ cho chúng ta thấy mặt trái của một lý tưởng đã méo mó thành đầm lầy chấp niệm. người ta ngụp lặn trong đấy: tẩy não nhau, huyễn hoặc nhau, gieo rắc vọng tưởng về những điều bất khả; gượng ép hiện thực phải đúc vào cái khuôn do mình soạn sẵn mà không ngại lỗi đạo luân thường.
vị mangaka đáng kính đem tất cả những gì hoen ố bên rìa ánh hào quang ra phơi trần trước mắt ta, trỏ vào chúng mà thốt lên đầy cương nghị,
"nhìn xem, thế giới của tôi tạo ra bất toàn thế này đây!"
chính vì bất toàn, nên mới sống động xiết bao. mấy ai tin vào những điều tuyệt bích?
nhưng nếu tất cả những gì vũ trụ MHA có là sự bất toàn, thì còn đâu nghệ thuật? không, horikoshi trộn vào cái lò luyện kim đã sẵn có sự thô ráp bạc đồng của mình một thứ bột vàng mềm mại, đem soi dưới nắng liền lấp lánh vị ban mai. ấy có thể là gì được? ngoài cái chất thơ nồng nàn của sự lãng mạn đan cài vào từng khung tranh nét họa.
lãng mạn ở đây không ám thị tình yêu, mà là tình người, là những gì cao thượng đủ sức bay lên và bỏ lại mọi mực thước tầm thường bên dưới lớp sần sùi hiện thực. lãng mạn, hiểu theo một nghĩa rộng nào đó chính là thuyết vị lai - hướng tới tương lai mà không ngừng tin tưởng, không ngừng mơ ước.
người ta phê phán những kẻ đầu óc trên mây, nhưng mơ có gì là sai khi tất cả những thiên tài tạo ra nền văn minh hôm nay đều từng chiêm bao những giấc hoang đường nhất?
lột bỏ lớp xương da chai sạn của cái thế sự đảo điên đã làm ta bẽ bàng vỡ mộng, MHA còn tấm phông nền nào tinh khôi hơn một trận mưa tanh máu tưởi kéo dài xuyên thập kỷ sa trường? còn, còn chứ. ấy là chiếc áo allmight mà người ta sẵn sàng nhường cho nhau giữa khắc thời tao loạn. ấy là tán ô của người hùng che đi mắt lệ ai rơi, thân mình rét lạnh chẳng màng nhưng lại không thể chịu đựng được khi đứng nhìn kẻ khác thiếu đi hơi ấm. con người nhân bản chính là con người cho đi. thú thực, vẻ đẹp ấy của vũ trụ MHA đã làm tôi khóc nấc lên đôi lần.
tôi còn nhớ mình đã tan vỡ ra sao lúc katsuki cúi đầu nói với izuku một câu "xin lỗi vì tất cả". dịu dàng biết mấy tình người nở hoa trong giông bão. để rồi sau cơn mưa, trời lại sáng và người ta vỗ về nhau như chưa hề có cuộc chia ly. khi ngay cả anh hùng cũng không thể tự mình chống đỡ, họ biết ngã vào đâu nữa ngoài một ngôi trường mà họ gọi là nhà. dù cho nỗi sợ đã quá choáng ngợp đến mức người ta xem nhẫn tâm là tự vệ, dân chúng trú ẩn tại U.A không ai muốn giữ deku lại. họ xua đuổi cậu, nguyền rủa cậu. nhưng ochako đã đứng lên và thuyết phục tất cả bằng những lời mang theo trọng lực đủ làm nghiêng lòng vị kỷ.
cô bé nhỏ nhắn ấy thốt lên một câu đầy vĩ đại.
"trên đời này chỉ có năng lực đặc biệt, không có con người đặc biệt. hãy nhìn kĩ cậu ấy đi! cậu ấy cũng chỉ là một học sinh trung học bình thường thôi mà"
đoạn thoại dài của ochako uraraka trên nóc trường U.A năm ấy làm tôi tỉnh ngộ. thì ra, chủ nghĩa anh hùng không đáng sợ. cái đáng sợ là người ta xem anh hùng là một loại nghĩa vụ.
phải, anh hùng mạnh mẽ thật đấy, nhưng rốt cuộc họ vẫn là người thôi. mình đồng da sắt chứ nào phải lòng lim dạ đá. kiên cường đến mấy cũng cần một chốn trở về.
xã hội siêu năng của horikoshi là thế đấy. tàn khốc đến nghiệt ngã, cũng ngọt ngào đến vô song. tuy thế giới ấy còn nhiều nỗi bất bình và lắm điều tăm tối, nhưng những đứa trẻ vẫn ngã vào lòng nhau trong mưa và người lớn vẫn truyền thừa cho thế hệ sau đốm lửa. cái lãng mạn ở đây không đẩy lùi hiện thực, mà nó nâng đỡ hiện thực hóa thành những vì sao.
để hiểu được điều ấy, hãy nghe qua đôi lời của mezo shoji - một người dị hình lớn lên trong sự ghẻ lạnh của cộng đồng xung quanh chỉ bởi vì cậu mang siêu năng làm đột biến cơ thể:
"tớ không muốn đếm những nỗi đau, chỉ muốn nhớ một lần duy nhất mình hạnh phúc vì mang hình dạng này"
một lần duy nhất mà cậu nói, là khi cậu dùng những cánh tay to rộng của người dị hình để bắt lấy một đứa trẻ trong cơn lũ cuốn.
mặc cho những trận đòn đau và miệng lưỡi cay độc của người đời từng tàn phá không thương tiếc một đứa trẻ trong tâm, mezo shoji vẫn chìa tay ra. cậu vẫn khát khao được làm người cứu giúp, thiết tha tương trợ mỗi khi tiếng kêu cứu vang lên trong cảnh nguy nan. ý chí bao dung và tình yêu thương đồng loại của shoji cứng rắn hơn bất cứ viên đá nào từng ném vào người cậu. cậu luôn tin tưởng vào lòng tốt và đức hy sinh. bởi nếu hiện thực không cho con người ta lối thoát, sự lãng mạn sẽ làm được điều ấy. nó dệt mắt ta biêng biếc một màu hy vọng, lấp đầy vết nứt của hiện thực cỗi cằn bằng những cánh cúc họa mi mọc lên từ cát sỏi, bất khuất đến quật cường.
hết thảy anh hùng của vũ trụ MHA, ai cũng có những viên đá từ quá khứ mà họ đã quen giấu nhẹm trong túi áo, nhưng cái nặng nề đó không phải là lý do níu họ đi chậm lại. họ vẫn bước, vững vàng và uy nghi, không thẹn với bộ đồng phục U.A và chiếc cà vạt đỏ rực mang trên cổ áo. nếu chừng ấy diễm lệ không là lãng mạn thì còn có thể là gì được? và tôi chợt nhận ra tự khi nào mái trường ấy đã có một phần tuổi trẻ của chính tôi, U.A giáo dưỡng tôi bằng những bài học khắc sâu đến ngàn ngày bất hoại.
my hero academia. my.
học viện anh hùng. của tôi, của chúng ta.
có lẽ đó là lý do những bức vẽ tập thể lớp 1A của horikoshi lúc nào cũng có một khoảng trống vừa vặn cho một người. sensei chừa chỗ cho chúng ta bước vào. luôn luôn.
nơi lãng mạn và hiện thực trung hòa lẫn nhau, tấu lên khúc giao hưởng của một bức phông nền hoàn mỹ nhất. ở đó, cái đẹp tồn tại. tính nhân văn bất vong bất diệt sẽ là thanh cột trụ chống trời giữ cho cấu trúc thế giới mà horikoshi tạo ra không thể bị thời gian xê chuyển. lấy tư cách một độc giả đã ba năm theo dõi MHA, tôi xin ở đây bỏ mũ cúi đầu, mến phục một thế giới 2d đã xé tan rào cản thời không mà hòa vào một phần máu thịt.
không, tôi chẳng nói thậm xưng làm gì. MHA đã thực sự trưởng thành cùng tôi, đồng hành với tôi từ cuối năm cấp hai cho tới đầu năm đại học. và chắc chắn dù có thêm bao nhiêu tuổi đời, mặc cho rong rêu bạc phếch hình hài sương gió thì tôi biết mình vẫn gìn lòng nơi góc tim thanh sạch nhất một sự cứu rỗi. sự cứu rỗi mang tên katsuki. nhưng thôi, tôi sẽ nói về cậu vào một dịp khác vậy.
chung quy lại, MHA là một bản thiết kế tất tay mà nếu ta chịu nhìn thật sát, ta sẽ nhận ra tòa tháp lung linh mà cũng lắm phần bí hiểm ấy có một kiến trúc sư lão luyện đến bậc nào. tôi không nói horikoshi chưa từng sai sót, nhưng những sai sót ấy sẽ hiếm khi nằm ở chỗ thiết lập thế giới mà thường gây tranh cãi ở khâu phát triển nhân vật.
nhân đây tôi xin lạm bàn sang một vấn đề khác khiến tôi bức xúc mà chỉ hôm nay mới có dịp nhắc đến. phần tiếp theo đây sẽ là một sự chia sẻ riêng tư, không thuộc luận điểm chính. tôi trân trọng những ai đã chịu khó đọc tới tận dòng này, nhưng cũng giống như việc xây dựng thế giới trước sau đó mới đến xây dựng nhân vật; tôi phải viết để thỏa mãn chính mình trước, rồi mới tính đến chuyện chiều lòng độc giả sau.
số là, tôi không hiểu cớ gì nhiều người cho rằng cái kết của MHA đã đạp đổ tất cả quá trình phấn đấu của deku. tôi thừa nhận chiếc ending này gây thất vọng, nhưng nó không vô nghĩa.
mở đầu manga, deku nói: "đây là câu chuyện tôi trở thành anh hùng số một". có lẽ chính thế mà nhiều người cảm thấy như bị phản bội khi deku lại trở về vô năng và thậm chí chỉ được bọn trẻ cuối truyện xem như một truyền thuyết đô thị chứ không phải một anh hùng đã có công lớn trong trận chiến cuối cùng. điều này có thể liên quan tới truyền thống đã bám sâu vào tiềm thức của người châu á, đó là uống nước nhớ nguồn, luôn tri ân những anh hùng liệt sĩ trong chiến trận. đến monoma còn có một bức tượng nhỏ khắc ghi tên tuổi mình tại U.A, vậy mà deku lại không có lấy một sự đoái hoài từ công chúng, thậm chí người ta còn không biết cái tên "deku" có thực sự tồn tại? chỉ tính riêng điều này thì dù là trời tây hay đất á, độc giả của MHA phẫn nộ cũng phải thôi. nhưng tôi buộc phải bênh vực tác giả ở một điểm: ai bảo có sự công nhận của đám đông thì mới là anh hùng số một? ai bảo phải được đời đời ghi công, đề tên khắc tượng thì mới là chuẩn mực của anh hùng? nếu thật vậy, chẳng phải cứu người chung quy cũng chỉ vì một tấm bằng khen thôi hay sao? tôi dám chắc hình tượng anh hùng của deku nhắm đến không đáng khinh đến vậy.
quả tình là tôi không hiểu được. cống hiến trong thầm lặng thì người ta cho là cao thượng, nhưng deku không được đăng quang thì người ta gạt bỏ tất cả công sức của tác giả mà bảo rằng MHA là rác? không, horikoshi không coi thường độc giả. chính độc giả đang coi thường horikoshi.
lại đến chuyện deku nhận bộ thiết bị của bạn bè chu cấp để quay trở lại con đường làm hero chuyên nghiệp, tôi thấy chi tiết này cũng không có gì là thảm hại. thế nên tôi rất sốc khi người ta chỉ trích deku bất tài nhu nhược, nói cậu từ đầu chí cuối chỉ biết dựa vào những người xung quanh. tôi nghĩ, nếu yếu tố tiên quyết của việc làm một anh hùng là phải tự mình giải quyết tất cả mà không cần mọi sự chi viện từ xung quanh thì cũng thật quá nực cười. tư tưởng của horikoshi chẳng phải đã quá rõ ràng ngay từ dark hero arc rồi sao? anh hùng không phải là người chỉ biết cứu giúp, anh hùng còn là người dám đưa tay ra nhận sự cứu giúp. yếu đuối cũng cần dũng khí. nếu bạn nghi ngờ chuyện này thì hãy thử khóc trước đám đông mà xem. thừa nhận mình cần giúp đỡ cũng là một loại mạnh mẽ. vậy nên deku trong mắt tôi đạt chuẩn anh hùng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top