Osho và bồ (suutam)

Osho và bồ

Nguyễn Ngọc Tư

“Osho nói, chữ viết làm người ta văn minh hơn nhưng cũng độc ác hơn.”

Bồ nói và nắm bàn tay Vĩnh đang lạnh đi. Khi đó hai đứa ngồi ở nhà chờ xe buýt, bồ vừa đọc xong một mẫu báo cũ dùng để gói bánh mì. Trên giấy úa có cái tựa lớn “Đến thơ cũng ăn cắp?” cùng ảnh một người đàn ông. Vĩnh nhớn nhác ngó sơ mà biết bài viết có năm trăm mười bảy chữ, ba chữ sai lỗi chính tả, và ảnh kia là ba nó. Báo cũ lạt mực, nhưng cũng đủ nhận ra một gương mặt xương xương đa cảm, hơi ngước lên.

Tấm hình này nằm trong tập thơ riêng đầu tiên và cũng là cuối cùng của ba Vĩnh, người ta sẵn đó chụp lại in báo. Họ không tới gặp ông. Những quyển thơ ba nó đem đi đốt lâu rồi, và cái nhìn thẳng cũng vắng bặt. Ở nhà chỉ còn ánh mắt khi rắn đanh, khi lầm lũi, khi u tối… Nhưng chân dung cũ vẫn tồn tại trong những tờ báo cũ, vẫn xộc tới bâng quơ, tình cờ như mảnh giấy gói bánh mì này.

Và tình cờ làm buổi hẹn hò của Vĩnh kết thúc. Nó ào lên chuyến xe buýt vừa trờ tới, bỏ lại mớ ngơ ngác cho con bồ. Năm phút trước Vĩnh nói, “tụi mình đi đâu đó chơi đi…”, và ngó bồ mừng rỡ nhoẻn cười, Vĩnh đã nghĩ, hay là chiều nay nó sẽ đưa cô gái này vượt qua một mê cung hẻm, tới căn ngôi nhà có cái cổng gỗ vẹo vọ đằng trước. Bồ sẽ bất ngờ lắm khi nó ghé vào tai nói nhỏ, “má anh lãng tai, Ái nhớ thưa lớn tiếng…”. Bồ mong đợi cuộc gặp gỡ này từ hồi Tết, khi hỏi Vĩnh, lần đầu, “sao anh không đưa em về nhà chào ba má?”. Câu này có nghĩa, “anh có nghiêm túc yêu em không?”.

Đôi khi bồ hoang mang, thấy Vĩnh ngồi một cục thù lù trước mặt vậy nhưng thật khó nắm bắt, như khói vậy. Đôi khi bồ không nhớ ra ông Osho có lời khuyên nào trúng vô trường hợp này.

- Osho nói, nghi ngại có nghĩa là đứng lại. Thằng Vĩnh nhại lại lời bồ.

Câu này Vĩnh nghe hồi nào nó không nhớ rõ, bởi bồ trích dẫn Osho như cơm bữa. Quen nhau ở lớp sinh ngữ tối ít lâu, một bữa cô nghiêng đầu nhìn Vĩnh, bảo, “Có ông Osho bên Ấn Độ nói, nếu buồn không tiêu hóa được, chỉ còn cách ói nó ra, bằng lời. Ái thấy anh buồn rượi, sao không nói cho Ái nghe, cho khỏe người…”. Vĩnh nghe tên ông đó lạ hoắc, nhưng qua cô nhân viên của nhà sách Văn Việt, thấy người này hơi kỳ lạ. 

“Osho nói, trong đời người ta sẽ bị ném đá một vài lần, đau chút nhưng chết vì mấy cục đá đó thì lãng quá”, Vĩnh nghe như ông Osho này từng học chung lớp, từng nghe đám bạn mỉa mai cười cợt, “bữa nay ba mầy lên báo nào?”… 

“Osho nói, chạy trốn là dở ẹt, nhất là chạy trốn tình yêu…”, như Osho biết tại sao Vĩnh hay lẻn ra bằng cổng phụ tránh về cùng cô gái, tại sao Vĩnh lại phủi người ta như phủi bụi, tôi chỉ là thợ cơ khí, nghèo lắm. Không ăn thua gì, cô gái cười, “Có sao đâu, Osho nói…”. 

Có thật Osho nói vậy? Vĩnh không biết, nó đâu có đọc sách, cứ cầm cuốn sách là trong cổ cuộn lên tiếng ngáy. Báo thì nhà Vĩnh đã không mua từ bảy năm trước, không một tờ nào. Nhưng cô gái bốn mươi hai kí lô kia là có thật, cô nói nhiều câu (được cho là của Osho) vá víu được nỗi đau âm thầm, biết Vĩnh bị thương chỗ nào và luôn chọn một miếng đắp thích hợp. Ngay cả khi Vĩnh thắc mắc, “tại sao tôi phải tin Osho?”

- Vì ổng không phải thánh, cũng không phải tầm thường như tụi mình, Vĩnh thử tin đi nếu thần thánh với con người đã làm Vĩnh thất vọng - Cô gái rụt cổ, nói thêm - Ái đọc thấy người ta viết vậy, chớ không phải Ái nghĩ ra đâu.

Vậy có câu nào mà Ái tự nghĩ ra? - Có lần Vĩnh hỏi vặn. Cô gái day qua ngó vào mắt Vĩnh và đôi môi nhảy múa khẽ khàng trên gương mặt nhỏ nhắn ấm áp, “em yêu anh!”. Môi Vĩnh quen mím chặt, thường bị răng cắn rát… không kìm được bèn áp vào đôi môi mát lành kia, đắp lên vừa khít một vết thương.  

Từ bữa đó đời gọi tên cô gái là bồ. 

Bồ Vĩnh dù đọc nhiều sách trong nhà sách mà cô đang làm việc, vẫn giản dị như đa số bồ (không đọc sách) khác, nghĩ yêu một lúc thì nên cưới nhau rồi yêu tiếp cho chắc ăn. Bồ trông Vĩnh đưa mình về nhà, cô sẽ sà vô bếp nấu nướng với má Vĩnh, nghe bà già kể hồi nhỏ thằng Vĩnh ở truồng. Sau đó ra uống trà với ba Vĩnh, chuyện trò về sách, hoặc theo người chị gái chưa chồng vào phòng, thủ thỉ bày cho chị cách yêu.

Thiên đường đó bảy năm trước Vĩnh đã có và đã mất. Bởi hai chữ “ăn cắp”, dù có dấu chấm hỏi đằng sau. Dấu thì mỏng mà hai chữ kia quá trần trụi, khiêu khích, bén ngót. Chúng róc chỗ này chỗ kia tí, nhà Vĩnh trống hoang. Đến buổi yêu ban chiều chúng còn xước mất. 

Phải không, hay chính mình đã hai tay dâng cho chúng? Vĩnh nghĩ vậy khi bước vào căn nhà vắng. Má Vĩnh đã ngủ từ chạng vạng. Ba nó đang coi ti vi, chương trình khuyến nông chống rầy nâu cho lúa, một chuyện không ăn nhập gì tới cuộc đời ông. Nhưng ông vẫn ngồi cú rủ trước ti vi cho đến khi mỏi mòn đi ngủ. Đó là lúc má Vĩnh thức, lẹp xẹp ra ngó ti vi. Không ti vi thì làm gì bây giờ, ngoài cỗng biết đâu người ta còn nhớ… 

Vĩnh ngồi ở cầu thang nghe ngôi nhà thiu thỉu nằm đau. Nhìn ba nó từ phía lưng, Vĩnh cảm giác ông già đang lún sâu trên ghế, và bóng tối sắp nuốt trộng cả phần đầu. Nó muốn cứu ông, chết cũng được, cũng phải cứu ông. 

Mà làm gì đến nỗi chết, dù bồ cũng ném đá vào Vĩnh bằng vẻ thất vọng sững sờ trước sự thật, “ba anh từng lên báo vì bị nghi ngờ ăn cắp một bài thơ…”, dù cuộc tình dừng lại. Nhưng bồ đọc nhiều sách, bồ chỉ phì cười, mặt mũi vừa rửa trôi mớ bụi đường, trong veo, “Có sao đâu…” 

- Đi với anh, có ông già bị thương quá trời, cần em lắm…”

***************

Hoàng hôn rộn rã

Nguyễn Ngọc Tư

Nhiều khi bạn thấy nhớ những buổi chiều…

Bạn kéo cái ngăn nhớ đó ra, tức thì nghe tiếng con gà mái mẹ la ó ré khi mình nhấc nó vào cái cà vung độn rơm, tụi gà con còn đứng bên ngoài kêu chíp chiu nháo nhác. Mấy con gà lớn hơn đập cánh lạch xạch bay chập chõa lên nóc nhà củi, bầy vịt quế về chuồng lạch bạch tới rúc mỏ vô cái máng đổ xem xép lúa lép . Chạng vạng ở nhà ngoại còn có tiếng con bìm bịp rười rượi kêu nước, tưởng tượng, tiếng con chim này làm tan chảy cả đá chớ không phải chơi.

Bạn có hơn ba ngàn chạng vạng trong đời ướt rượt những âm thanh quen thuộc đó, làm bao nhiêu chuyện đó. Hốt ổ gà, châm dầu đèn, gom củi, lấy mớ quần áo thơm bừng nắng trên sào vào nhà… Hôm nào bạn cũng cố làm cho sớm, để ba chân bốn cẳng chạy đi chơi với tụi bạn, nhưng trời còn nắng thì mẹ con gà còn lang thang đi chơi trong vườn. Đành chờ mặt trời khuất vậy, nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa, bên xóm có bầy con nít đang giỡn hớt om sòm.

Và khi tiếng kèn kẹt của những cái cửa sổ lá sách khép ngày, là cả nhà bạn sum vầy. Anh chị bạn tan trường đạp xe vẹo sườn rẽ vô lối nhỏ lót bằng đá chẻ. Má về khi cửa trước lúc cửa sau, tùy bữa đó má đi ruộng hay bơi xuồng tới nhà máy chà gạo làm bạn hàng xáo. Ba vào nhà chỉ một cửa sau, quần cộc ướt mèm vì tưới rau, cuốc đất. Ông đi tới đâu để lại trên nền đất cứng quèo những dấu chân sũng nước chèm nhẹp tới đó. Rồi mấy cái chén úp trên giàn xốn xang chạm vào nhau. Chỉ buổi cơm tối trễ tràng này là đông đủ tiếng đũa khua.

Có lẽ những chạng vạng năm xưa neo cặm vào lòng bạn bởi sự đầm ấm đó. Của cảnh, vật và người. Của một thời chưa biết khăn gói lang thang, đi tới những chân trời xa lạ. Chiều muộn giờ có khi bạn đang ở một miền đất xa xôi nào đó. Hoang mang. Chông chênh. Xớ rớ. Ăn ở quán đông người say, sợ. Ngủ trọ ở chỗ vách phên không kín, sợ. Gặp những ánh nhìn đăm đăm của người lạ, sợ. Và chạng vạng ngơ ngác mon men theo sau tiếng lục lạc lanh canh của những đàn bò vừa đủng đỉnh rời sườn núi, bạn thấy nhớ nhà. Nhớ như người xưa nhớ đến bật ra lời hát, “chiều chiều chim vịt kêu chiều/Ngó về quê mẹ chín chiều ruột đau”. Thời khắc này đã được bạn đổi tên là buổi nhớ nhà mất rồi, hành trình đến tên gọi mới mất mười lăm năm.

Bạn nghĩ có thể bạn tiến hóa từ chim hay gà, nên chạng vạng là bạn muốn về nhà, về tổ. Mấy triệu năm rồi, duy nhất và độc nhất vẫn còn sót lại bản năng này. Khao khát bầu trời nhưng đồng thời cũng nhớ thương tổ lá tổ rơm tổ cỏ.

Nhưng buổi nhớ nhà, buổi sum vầy đôi lúc không còn ý nghĩa như tên gọi, bởi những cuộc gặp gỡ, tiệc tùng, những mối quan hệ phức tạp. Chiều muộn giờ là cuộc gọi ngắn ngủi, “tôi đi nhậu cùng mấy đồng nghiệp, khỏi đợi cơm…”; là tin nhắn lạnh lùng trên điện thoại di động, “em ăn tối với khách ở xa”; hay một mẫu giấy phất phơ trên bàn, “con đi sinh nhật bạn, chắc về khuya, đừng chờ cửa…”.

Cái bản năng không bị mấy triệu năm tiến hóa làm mai một, đôi khi biến mất vì những cách giản dị đơn điệu không ngờ. Nhanh như trở bánh phồng. Chạng vạng đứng bên ngoài những ngôi nhà khép cửa và khóa trái, chạng vạng nghe như ai gọi nó bằng cái tên tan tác. Hai mươi năm, tính ra cũng không dài cho những cuộc đổi thay…

Và đôi khi bạn thấy nhớ những buổi chiều bạn biết là sẽ không bao giờ quay lại nữa

***************

Sư tử không ăn cỏ

Nguyễn Ngọc Tư

Thằng bạn nhỏ của tôi hồi năm tuổi thần tượng sư tử. Nó nói sư tử mạnh nhứt trong rừng, mà lại mềm mại dễ thương. Nó dẫn chứng ra sư tử Simba với cái bờm mượt mà, chúa tể thế giới hoang dã trong một bộ phim hoạt hình rất hay của Walt Disney. Một bữa thằng nhỏ coi chương trình thế giới động vật, thấy con sư tử (thiệt, không phải hoạt họa) ăn bữa sáng với thịt nai tươi sống, nó đau khổ hết phương. Với bạn, hình ảnh chú sư tử phè phởn nằm liếm láp bộ lông rậm bằng cái miệng tèm lem máu con mồi là không thể chấp nhận được. Đứa trẻ thất vọng nói, sư tử ác quá.

Tôi cảm thấy bối rối, thật khó để giải thích cho thằng bạn hiểu sư tử ăn thịt vì không thể ăn cỏ, vì sự sống còn của chính nó, như mẹ con mình bữa qua ăn cơm với cá. Sau bữa đó, tôi không dạy bạn về thiện - ác nữa. Cặp từ kia đã  được thay bằng tốt – xấu, hợp lý - không hợp lý, tử tế - không tử tế…

Con mèo Tom không ác, nó sinh ra là để bắt và ăn chuột. Trong bộ phim rượt đuổi bất tận đó, con chuột Jerry cũng không ác, nó phải đấu tranh để sống, dù đôi lúc nó hơi quá quắt khi trả đũa gấp đôi, trừng phạt gấp ba lỗi con mèo gây ra. Hai mẹ con tôi cùng đồng ý là những tập phim mà cả hai con mèo chuột hợp tác để chống kẻ thứ ba, hoặc cuối phim chúng bắt tay nhau cười toe vui vẻ, là hay nhất. Mặc dù không đúng với bản chất chuột, mèo cho lắm.

Đôi khi vô tình, người ta đòi hỏi ai đó (hay con gì đó) không được sống như chính họ (hay chính nó). Hồi nhỏ, mỗi lần thấy thầy giáo dắt con heo nọc đi bỏ giống là tôi thấy phiền lắm, tôi nghĩ thầy chỉ nên đọc sách, tỉa cây kiểng, nuôi chim sáo hoặc rung đùi ngồi đánh cờ chơi. Dù thầy nghèo xơ xác, dù vợ con thầy cực ăn ốm nhách, nhưng nếu cực chẳng đã phải kiếm tiền, thì thầy nên mở tiệm bán kẹo, xi rô đá bào hay bán sách báo…không lý nào xoắn quần áo xắt chuối nấu cho heo, còn dắt nó đi lang thang khắp xóm những khi tan buổi dạy. Tôi nghĩ vậy.

Hồi đó, thầy sống như thầy có, lương thiện mưu sinh cho qua hồi cơ cực, nhưng lòng kính trọng thầy của tôi bị sứt mẻ lãng òm. Như người ta không chịu anh bác sỹ ăn mặc cù lần, xét nét ông kia tướng tá nông dân mà làm lãnh đạo, thất vọng khi trên mắt nhà thơ viết thơ tình nổi tiếng lại dính… ghèn. Như thằng bạn nhỏ của tôi đòi sư tử hoang dã của rừng rậm Phi Châu phải ăn chay.

Đời cũng hay ca cẩm kiểu như: tụi trẻ bụi đời ngang ngược xấc xược ưa hong vô, cô giúp việc nói năng thiệt là thô lổ, mấy bà bán cá sao hung dữ quá, thím nông dân kia dòm nhếch nhác quá, áo dính mủ chuối móng chân đóng phèn… Và người nghèo, dân lao động nghèo vì những tiểu tiết đó mà bị ghét bỏ, đôi khi. Thử thả một đứa bé con nhà tử tế ra bãi rác, để mặc nó vật lộn kiếm miếng ăn, ngủ bờ ngủ bụi, bị những đứa mạnh hơn chà đạp… một vài tháng sau nó sẽ không khác gì đám trẻ bãi rác kia. Ta muốn một thằng nhỏ thất học, lang thang đói rách phải sử sự lịch lãm như một quý ông sang trọng mà không chìa tay ra giúp nó, dạy dỗ, cưu mang, thay đổi nó. Thành kiến đẩy nó dạt xa về phía tối.

Nói về thành kiến thì ai cũng có một kho. Xưa tôi ghét những người mua bán ve chai, do đã gặp vài người tiện tay ăn cắp vặt. Thằng bạn nhỏ ra đời, ông trời cho tôi nhiều hơn tôi tưởng. Những buổi trưa thấy mấy chị ve chai lầm lũi ngang qua, nắng mưa oằn cả hai cần xé, tôi bỗng nghĩ chẳng may tôi phải ra đường mưu sinh bằng cách đó, tôi cũng sẽ phạm lỗi, biết đâu chừng… Cực khổ cỡ nào tôi cũng chịu được, kể cả đói lạnh, nhưng con tôi thèm thịt đến nỗi đang sốt dầm dề mà được ăn cháo trắng với thịt nướng là tỉnh trân, thì tôi cũng sẵn sàng đánh cắp cái chảo, hay mớ sắt vụn, đoạn ống nước cũ… để đem về cho con một bữa ngon.

Nói vậy là tôi phủi sạch trơn cái câu ông bà dạy “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, nhưng nghèo hay rách thì không giày vò và réo gọi như… đói. Lúc cuộc sống khắc nghiệt buộc người đi chênh vênh lằn ranh tử tế và không tử tế, họ bước chệch choạc cũng là chuyện tự nhiên. Có ở dưới ao mới biết không cách nào không ướt áo.

Chấp nhận những gì khác mình đã quá khó, nói chi tới yêu thương. Tôi biết không hy vọng gì thằng bạn nhỏ tôi lại khoái con sư tử như trước. Có gì đó đổ vỡ rồi. Bạn day qua thích siêu nhân. Siêu nhân suốt ngày đi đánh nhau, tôi đương nhiên không thích, nhưng thằng nhỏ nói, “siêu nhân thì phải đánh nhau tụi quái vật chớ…”

Ờ, bản chất siêu nhân là đánh nhau, không thì năm anh em đó thành lập ban nhạc chớ làm siêu nhân chi? Mà kẻ xấu lộng hành vậy siêu nhân không đánh thì ai đánh???

*******************

Có còn người không?

Nguyễn Ngọc Tư

Câu hỏi đó thằng nhỏ hỏi mỗi ngày mỗi ngày mỗi ngày, khi đói khát, khi bị đánh đập cấu nhéo, khi phơi trần ra dưới nắng mưa. Khi nó nằm trên mặt đường và kêu khóc khản giọng. Nó hỏi vào đám đông lướt qua nó, hỏi ai đó dừng chân cho nó (chính xác là cho những kẻ chăn dắt nó) chút tiền lẻ. Nó hỏi những kẻ bắt nó nằm lăn lóc kêu khóc trên đường để kiếm tiền, để nhởn nhơ ăn mòn tấm thân bé nhỏ non nớt của nó.

Nhưng tôi tưởng tượng thôi, trong lúc ngồi uống một ly cà phê mặn chát. Dường như cả quán hôm đó cũng có cùng cảm giác, sau khi giở tờ báo sáng, và nhìn thấy hình ảnh của thằng bé ăn xin. Nó nhỏ đến mức chỉ biết khóc. Ở truồng và khóc. Ướt và khóc. Bị đánh đau và khóc. Chấp chới giữa dòng người ngược xuôi đông đúc như con vịt con ngơ ngác mà người ta dùng để câu nhắp cá lóc. Em bé – con mồi sống không nói gì hết, mà tôi tưởng như nó hỏi, người ơi, người ở đâu?

Tôi đã nhận được câu hỏi đó bao nhiêu lần trong đời? Không đếm được. Có đứa thậm chí còn không khóc. Nó ngủ mềm oặt, xanh rớt trên tay người đàn ông ngồi ở một góc đường. Một kiểu ngủ mụ mị vì tác dụng của thuốc. Buổi tối tôi đi qua chỗ đó và em lại hỏi bằng vẻ câm lặng im lìm. Như cái chết. Có còn người không?

Đám đông không lên tiếng. Không Lục Vân Tiên nào, đại diện công quyền nào đưa cả hai con người rách rưới về, gạn hỏi coi có thật là cha con như gã đàn ông phân trần, hay chỉ là kẻ chăn dắt với con mồi. Em bé ngủ vì thuốc ngủ hay vì sốt cao? Em cần một mái ấm hay một bệnh viện cho qua cơn đau? Bàn tay mỏng đó không quá khó để người đời nắm lấy. Nhưng dòng người lũ lượt không ai dừng lại. Chính xác là cũng có người bước tới cho vào cái ca nhựa bạc màu chút tiền lẻ, nghĩ sau đó mình sẽ nhẹ lòng. Tôi cũng vậy, tự lừa mình. Và cái góc đường trước Trung tâm văn hóa thông tin ám ảnh tôi dai dẳng dù em bé chỉ ở lại hai đêm rồi biến mất. Cuộc ra đi gây bất an hơn cả khi xuất hiện, bởi linh cảm em lại vạ vật ở một góc đường khác, bị nhấn chìm trong giấc ngủ khác. Ngủ là một cách hỏi, người đâu mất rồi?

Cũng như những em bé ăn xin mà bất cứ ai cũng có thể gặp một đôi lần trên đất nước này, chúng gọi con người bằng nhiều cách, bằng ánh mắt thất thần, bằng vẻ ngoài trần trụi và lem luốc, bằng tiếng khóc, tiếng hát, bằng bàn tay bẩn thỉu xòe ngửa, bằng những vết thương bầm tím trên da thịt… Ai đó nghe thấy tiếng gọi đó nhưng họ bận rộn, sợ hãi, bất lực, cũng có kẻ không nghe, không cảm nhận gì hết…

Và những đứa trẻ đường phố vẫn tồn tại, như một phép thử.

Thử coi người ta bất lực, rụt rè, ngại khó bao nhiêu? Bao nhiêu người đã từng đi qua, chứng kiến những thân phận nhỏ bé khốn khổ. Dù ngoái lại, dù áy náy, dù thấy thương và bất an… nhưng chậc, mình lại phải đi rồi… Họ không làm gì mà kêu mấy ông nhà nước làm gì đi chớ…

Thử coi người ta đã tha hóa, độc ác và  nhẫn tâm tới mức nào khi phơ phởn kiếm tiền bằng cách giày vò, đọa đày kẻ khác?

Thử coi nhà chức trách đã làm gì để bảo vệ luật pháp, quyền con người, quyền được sống được vui chơi? Trẻ con họ không che chở được, thì họ hô hào khẩu hiệu, tính làm chuyện lớn lao chi hả trời?

Một phép thử đau. Nhưng thử thách bao nhiêu lâu rồi, nhân tình thế thái đã bày ra đó rồi, chuyện muốn biết thì đã biết, đám trẻ vẫn chưa ngưng gọi con người. Vẫn chờ đợi ai đó  đáp lời, chìa ra một bàn tay, một vòng tay ấm. Có điều, khi đó không biết chúng còn đủ sức để nắm lấy không?

******************

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top