End


Thế giới này là một sai lầm. 

Áp bức từ những kẻ tư sản, sự tự cao của lũ sở hữu siêu năng lực, cơn giận dữ của những người bị thống trị.

Nỗi đau khổ của con người, lòng tự cao, ý thức tự huỷ.

Con người có tội: Tội uỷ mị, hèn mọn, dục vọng, tham lam, thống trị, sợ chết, sợ sống, sợ đau khổ. Xấu xa, bỉ ổi, thô bạo, vô lễ, nhạo báng, gàn dở, gán tội, lừa đảo, cướp của, giết người, tự sát, tuyệt vọng.

Cái đẹp cứu rỗi thế giới: Biết hổ thẹn, thứ tha, bao dung, bác ái, yêu thương, hi sinh, niềm tin.

Tội ác của con người đã lấp đầy thế gian này. Tội là suy nghĩ, tội là hô hấp, và dĩ nhiên cần phải có một ai đó đứng ra để thanh tẩy cái thế giới tội lỗi đó.

Mà ta, chính là Chúa Trời.

.

Chà, chà, chà...

"Hôm nay lạnh đấy." Fyodor Dostoyevsky nghiêng đầu lẩm bẩm, gã đưa tay lên miệng mình rồi cắn, trông gã có vẻ gầy gò và ốm yếu quá, khô quắt như một kẻ bị bỏ đói lâu năm. Vì gầy, hai con mắt của Fyodor hõm sâu lại. Hốc mắt gã đen kịt vì thiếu ngủ, những lọn tóc đen dài xơ cứng cọ vào hai bên má nứt toác, trông sao mà đáng thương. Fyodor mặc áo choàng đen với lông trắng, nhưng trông nó bẩn và nhàu nát, cả chiếc mũ ushanka mốc thếch đông cứng lại do lớp tuyết rơi dày đặc nữa. Nếu phải hình dung bộ dạng của gã lúc này, vậy thì chỉ có hai chữ: 'nghèo' và 'khổ'.

Đằng sau của gã thiếu niên này là một khu nhà có phần đổ nát. Đó là bệnh viện Maryinski, nằm ở chỗ tồi tệ nhất của thành phố, một khu vực bao gồm một nghĩa trang cho tội nhân, một trại thương điên và một cô nhi viện cho trẻ sơ sinh. (1) Gã đi rất chậm, những bước chân của gã in hằn trên nền tuyết, mỗi bước đi của gã không hiểu sao cứ đem lại cảm giác tối đen, không ai biết, cũng không ai hiểu được, vì rõ ràng cái bề ngoài vô hại kia làm cho người khác khó lòng mà cảnh giác, cũng chẳng cần thiết.

Bên tai Fyodor vang lên tiếng trẻ em than khóc, ôi những đứa trẻ đáng thương cùng cực nơi góc xó của xã hội đang sống lê lết và dần héo mòn, chúng không thể làm gì khác hơn ngoài cầu xin phước lành từ Chúa và mơ tưởng về một ngày mai tươi đẹp. Muốn khóc quá, gã muốn khóc để tỏ lòng bi ai cho những con chiên khốn khổ, nỗi đau mà chúng đang gánh chịu hàng ngày đến tận bây giờ cũng đâu có ai đứng ra xoa dịu. Thế đấy, như thế không được. Cái xã hội bất công này, cái xã hội bị chi phối bởi đồng tiền và những kẻ mạnh này, cái thế giới sai lầm bởi vết đen mà những kẻ mang siêu năng lực đem đến này lí ra nên được thanh tẩy và khoan thứ.

Fyodor Dostoyevsky dừng lại trước hẻm.

Trước mặt gã là hai đứa trẻ, trông nó yếu đuối lắm, chắc cái đói và cái lạnh đã khiến nó chết dần chết mòn. Gã có thể nghe thấy tiếng hít thở của nó nhẹ dần theo từng quãng gió rít gào đầu xó, tuyết phủ lên cơ thể của nó dẫu có cố trốn đến đâu, làn da nó tím tái và trở nên cứng đờ. Máu đang đông.

"Thật là đáng thương..."

Fyodor rũ mắt nhìn sinh mạng của đứa bé này trôi đi mất. Hay chăng, ông trời chỉ đang ưu ái những kẻ "đặc biệt" để rồi quên đi những đứa con đang bị đày đoạ đến cùng cực như thế?

Sai lầm, đây là sai lầm.

Bây giờ không chỉ là những đồng tiền chi phối con người, mà đến cả thứ siêu năng lực kia cũng quyết định con người. Những tổ chức khổng lồ, những kế hoạch hung ác cùng cực, những cuộc chiến vô nghĩa và cả những tiếng than khóc ỉ ôi của kẻ tuyệt vọng... Đau đớn thay, những lời lẽ đổi thay trong miệng của kẻ cầm quyền hay chăng cũng chỉ là lí luận suông?

Gã sâu sắc nhận thức được rằng, khi con người nhận được ân xá "lên chiến trường và sau đó cuộc sống sẽ được thay đổi", thứ thay đổi duy nhất trong cuộc đời của họ cũng chỉ là sống lâu thêm một vài ngày nữa. Chiến tranh xảy ra vì nỗi tham lam của quyền lực và tiền bạc. Những ai sở hữu siêu năng lực đều được mời chào vào mái nhà mà họ cho là cứu rỗi và hòng thay đổi mọi thứ với chúng. Fyodor Dostoyevsky đã từng chứng kiến một người đàn ông giết một người khác để được sống, thấy một đứa trẻ lao đầu vào tường để tự giải thoát, cũng thấy những kẻ tự cho mình vĩ đại như Napóleon lớn tiếng đòi thay đổi hiện trạng bằng sức mạnh và lòng nhân ái của chúng. Điều đó có thể không? Không, không thể đâu. *Con người luôn bị ảnh hưởng bởi những nỗi khổ đau. Mọi kế hoạch thay đổi thế giới đều có những lỗ hổng: chúng không xoá bỏ được nỗi đau khổ mà chỉ thay đổi được những thứ gây nên nỗi đau cho con người. Cuộc sống chỉ là một quá trình của những đau khổ khác nhau và không bao giờ có thể loại bỏ chúng. Sẽ luôn có thứ khiến cho chúng ta đau đớn. (2)

Thế thì phải làm gì bây giờ?

Fyodor luôn luôn tự hỏi. Gã đã trải qua những thứ cùng cực trên cõi đời: nỗi khổ của thiếu tiền bạc, nỗi khổ của cái đói, nỗi khổ của cái lạnh, nỗi khổ về sự thấu hiểu... Quá đỗi thông minh khiến Fyodor gần như không muốn nói chuyện với bất kì ai, vì chúng ngu si đần độn quá, chỉ có kẻ nào "ngang hàng" mới có đủ tư cách để cùng gã đàm phán.

À nhưng, dẫu cái ngu ngốc ấy của con người có trải dài trong xã hội, dẫu cái tham lam một cách ngu xuẩn đó có khiến thế giới này ngày một tệ hại hơn, thì cũng sẽ có những 'cái đẹp' khác cứu rỗi được. Thế rồi Chúa sẽ thứ tha cho những nỗi khổ đã đày đoạ con người rơi vào bước đường cùng. Chúa sẽ đem đến vận may cho thế giới, phúc lành cho những đứa trẻ, sau đó giúp con người được giải thoát bởi xiềng xích tội lỗi và cứu rỗi những linh hồn đang than khóc đó.

Để thay đổi thế giới này thì cần phải thay đổi cái căn bản, cái nguyên do khiến cho nỗi đau của con người đi đến tận cùng của bờ vực. Fyodor nhìn đứa trẻ, ánh mắt gã trìu mến và từ bi. Bàn tay gã vươn ra khỏi áo choàng và sờ vào gò má lạnh toát của nó. Cái vuốt ve mềm mại trên làn da xơ cứng và đầy da chết, cứng đờ, khô khốc và lem luốc lên thứ cảm giác bẩn thỉu từ xúc giác rồi len lỏi vào tâm trí. Trông thật buồn nôn làm sao. Trông thật đáng thương làm sao.

"Em của em đang rất đói..." Đứa còn lại co rúm trong góc, nó đưa mắt nhìn gã, cái ánh nhìn vừa hèn mọn vừa đáng thương đó khiến bờ môi Fyodor rủ xuống. Gã nhìn nó, không nhanh không chậm móc ra một cái bánh mì đen. Nó vội vã cướp lấy như thể sợ sẽ đánh mất, ôi, hãy nhìn đôi mắt của nó đi...

Đoạn, Fyodor đứng dậy. Thế mà mới đi được hai bước gã đã bị nó chặn đứng. Cái vẻ đáng thương quật cường ban nãy ở đâu? Gã cảm thán.

"Đưa hết chỗ đồ ăn còn lại đây, nếu không ta sẽ giết ngươi." Đứa trẻ vươn tay, băng tuyết hoá thành từng mũi nhọn chĩa vào gã, chực chờ đâm xuyên qua cơ thể gầy gò đó. Thế máu đỏ có vẽ ra trên nền tuyết trắng những nét hoa văn đẹp đẽ không? Có ai đó rủ lòng xót thương cho miền đất trắng hoang vắng này một thứ sắc màu khác không? Gã mờ mịt nhìn xung quanh, rồi không gượm được, lại vươn tay ra trong cái mong mỏi của đứa trẻ.

Bàn tay trống rỗng của gã chạm vào những ngón tay tí xíu của nó, máu đỏ nở rộ trên nền tuyết, đẹp thì đẹp thật, nhưng không phải cái mà gã đang kiếm tìm... Fyodor thở dài thườn thượt, gã bi ai nhìn đứa bé đã ngưng thở, tiếng nghẹn ngào của gã văng vẳng ở trong hẻm cũ, thanh âm gã sao mà bi thương não nề.

"Tội là suy nghĩ, tội là hô hấp..."

Để chấm dứt nỗi đau đớn của con người, đâu còn cách nào khác hơn là xoá bỏ căn nguyên của đau đớn? Chắc ông trời không có mắt khi cứ để mọi thứ tiếp diễn như thế, vậy thì để gã đi. Để gã trở thành Chúa và đem lại hoà bình cho thế gian này.

Fyodor Dostoyevsky tiếp tục cất bước. Chẳng ai biết dấu chân gã đã vươn xa tới đâu, cũng chẳng miền đất nào níu giữ được đôi chân gã. Hay chăng, chỉ khi gã hoàn thành được xứ mệnh của mình, gã mới thoả lòng ngừng lại và khép mắt nghỉ ngơi?

Sao lại có người như thế chứ?

Sao lại có người --- đi dùng trí thông minh của mình để tìm cách xoá bỏ tất cả những kẻ sở hữu siêu năng lực ra khỏi thế giới cơ chứ? Sự biến đổi đó, chẳng phải cũng khiến cho gã biến mất theo?

Chẳng ai hiểu được, chẳng ai thấu hiểu mục đích của gã, chẳng ai thấu hiểu lòng dạ gã thâm sâu nhường nào.

Người ta tụ tập đông đúc như vậy để làm gì kia? À, ra là thiêu chết kẻ phản loạn của phái giáo... Giữa đám đông, gã đứng lặng nhìn vào, nhìn nét đau đớn hằn lên trên gương mặt kẻ tội đồ, bên tai là những tiếng xì xào bàn tán của những thường dân. Xã hội này đến hiện tại vẫn còn như vậy nhỉ? Những đau thương không thể xoá nhoà, vậy nên dùng đau thương của người khác để an ủi chính mình. Hay những tâm hồn đẹp, sự tiếc thương cho sinh mệnh đang trôi đi của loài người; lòng xót thương từ bi, nỗi căm giận sự bất công hay cả những thứ khác... *Cái được duy nhất của văn minh chỉ là khả năng bao chứa sự đa tạp của cảm giác mà thôi... tuyệt đối không có gì hơn nữa (3). Vậy nên, thế giới ấy vẫn cần sự thanh tẩy.

Fyodor Dostoyevsky dõi mắt nhìn theo từng đốm đỏ bay vụt lên không trung, ánh lửa cứ thế bập bùng trong mắt gã, cháy bỏng, thiêu đốt cả từ thân thể cho tới tận linh hồn.

"Quân tà đạo không còn thoát được.

Giàn lửa thiêu ngùn ngụt căm hờn."(4)

Nhìn xem, Chúa đã ban cho ngươi sự im lặng mãi mãi.

Fyodor khép mắt cúi đầu, gã hồi tưởng về tin tức nghe được trong quán bar lần trước, khẽ khàng thì thầm. Trông đôi mắt tím của gã ánh lên chút ánh sáng, gã lại chăm chú nhìn vào tàn lửa, hay chính ra là phía sau tàn lửa kia, nhìn về một vùng đất xa xôi nào đó.

"Chúa đã bảo ta: sự chuộc lỗi không còn mờ mịt."

Ở mảnh đất đó, ở địa phương đó, ở nơi Kinh Thánh hoá thành những đốm sáng vàng bay lượn trên bầu trời.

Và khi ấy, trên trang giấy sẽ viết lên một thế giới rực rỡ mới, nơi nỗi đau của con người tan biến vào hư không.

Mà cho đến lúc đó, chắc gã phải tìm kiếm những quân cờ để có thể chiếu tướng với thế gian này, nhỉ?

Ngươi nói xem?

__

(1): Theo nguồn Wiki về nơi ở hồi nhỏ của Fyodor D.
(2): Giới thiệu tác giả Fyodor Dostoyevsky của hanoisocraticsociety.
(3): Hồi kí viết dưới hầm - Fyodor D.
(4): Anh em nhà Karamazov - Fyodor D.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top