ong tuong gay
Ông tướng gầy
Phạm Xuân Thông kể
Thuở xưa có một người thợ rừng lực lưỡng khoẻ mạnh. Cái rìu cái búa thông thường anh cầm lỏng tay, phải thuê thợ rèn đánh to bằng hai bàn tay xoè, dùng mới vừa sức. Cây gỗ to bằng thân người, anh chỉ đẵn bốn nhát là xong; còn những cây cổ thụ to bằng bánh xe trâu, bằng cái nong, cái nia, anh chặt một ngày cũng được vài mươi khúc. Tính ra số gỗ anh đẵn được, từ ngày mới biết vác rìu vào rừng đến giờ, cũng đủ dựng nhà cho ba làng, bảy xóm, chín mười ngôi đền, ngôi miếu. Nhưng ngôi nhà vợ chồng anh thì chỉ vừa lọt cái giường, chiếc chiếu. Ngôi nhà thấp đến nỗi anh ra vào thì đầu đụng nóc, vai chạm kèo. Vì nhà anh quá nghèo, vợ lại hay ốm đau, nên đẵn được bao nhiêu gỗ anh đều phải bán rẻ mới kịp mua thuốc cho vợ, mua gạo cho mình. Vì vậy người vợ thường phàn nàn:
- Mình có đốn hết gỗ trong rừng cũng chẳng "đủ" làm một cái nhà ba gian.
Người thợ rừng cũng biết đời mình không sao tránh khỏi điều vợ lo. Nhưng không có cách nào thoát được cảnh bữa sáng lo bữa chiều. Lúc vợ có chửa được bảy tháng, anh thợ rừng đi đốn gỗ về đóng cho vợ một cái giường. Cây gỗ không to, anh mới chặt ba nhát búa mà nó đã chuyển mình sắp ngã. Không may, một luồng gió thổi đến rất mạnh, cây gỗ ngã trái chiều. Anh thợ rừng tránh không kịp, bị gỗ đè gẫy cả hai tay. Thế là mọi việc đều đổ lên đầu người vợ ốm, đang có mang. Chị chạy khắp đầu làng cuối xóm vay mượn về nuôi chồng. Nhưng bạn nghèo thì không có, còn người có của thì chẳng thương người nghèo. Vợ người thờ rừng phải ra sông bắt hến nuôi chồng bữa cháo bữa rau. Nước sông khá sâu, chị phải ngâm mình dướin nước cả ngày mới bắt được một bữa hến.
Một hôm, trời mưa trên nguồn rất lớn, chị đang lăn ngụp giữa sông thị nước nguồn về cuốn chị đi. May sao, chị vớ được một cây chuối lở gốc trôi giữa dòng mới thoát chết, nhưng về đến nhà thì chị đẻ. Nhà anh thợ rừng càng khổ cực hơn, chồng không làm gì được, vợ ốm nặng, đức con trai đẻ thiếu tháng không lúc nào được bú no sữa mẹ. Thằng bé không chết nhưng càng lớn càng gầy còm; mãi đến năm mười bảy tuổi mà người khẳng khiu như cái gậy, xương bọc da, đầu gối to hơn bắp đùi. Khi ngồi đầu gối cao quá vai, tóc trên đầu thưa như lông chân, người lùng nhùng, khi đã ngồi xuống rồi thì không muốn đứng lên. Vợ chồng anh thợ rừng thương con, nên dù nhà nghèo nhưng không bắt con làm gì. Họ đặt tên cho con là Gầy.
Một hôm, Gầy cầm cần câu ra sân ngồi dưới một gốc cây sung câu cá. Gặp hôm cá cắn, mới ngồi chưa nóng chỗ mà em đã câu được mấy con cá to. Đói ăn đã lâu, thấy mấy con cá tươi ngon, em liền lấy củi nhóm lửa tại gốc sung nướng cá ăn. Lúc ấy mặt trời lên được nửa buổi, gió thổi mạnh hắt bóng ngọn lửa xuống dòng sông, một con cá con ở dưới nước vọt lên nhìn, bị con chim bói cá rình trên cây đớp được. Sẵn củi để bên, Gầy ném con chim; con chim bay vù đi thả con cá rơi lại xuống sông.
Sáng hôm sau, em lại cầm cần ra chỗ cũ ngồi câu cá, nhưng vừa đến đã thấy ai bày sẵn dưới gốc cây một con cá nướng to bằng bắp chân và một rá cơm trắng. Mùi cá tươi, cơm nóng thơm nức mũi, tuy chẳng biết là của ai, nhưng từ bé đến giờ chưa bữa nào được ăn ngon như thế, nên Gầy quên câu, ngồi sà xuống ăn một mạch hết con cá nướng và rá cơm. Ăn xong, em vốc nước lên uống thì nghe tiếng người giữa sông nói lên:
- Người đã ăn hết cơm hết cá, vậy là ta đã trả được ơn...
Gầy ngơ ngác nhìn ra thì thấy một việc kì lạ - một vật nửa trên là người, nửa dưới là cá nhô lên khỏi mặt nước giữa sông và nói:
- Ta là Thuỷ thần. Hôm qua con ta đi chơi trông thấy ngọn lửa chiếu xuống, nó nhảy lên xem thì bị loài chim dữ bắt được. Nhờ có ngươi đánh con chim dữ ấy, con ta mới thoát chết. Nay ta đền ơn... người cứ lên khỏi đây sẽ biết.
Em Gầy lóp ngóp chạy lên bờ, đầu chạm phải gốc sung, gốc sung vẹo sang một bên. Một sức mạnh kì lạ đã làm cho em Gầy khoẻ lên vạn lần. Em béo lên, thịt căng ra, mắt sáng, tay chân cứng bóp không lún, tóc dày và cứng như rễ tre. Em gầy chạy một mạch về nhà. Vui mừng qua, em nhảy múa reo hò, rồi vớ lấy cái rìu của cha chém đông, chém tây, chém tả, chém hữu. Chiếc rìu nặng thế mà em cầm nhẹ như chiếc đũa bếp. Cái rìu của cha đối với em bây giờ bé nhỏ quá rồi. Nên em phải rèn một cái lưỡi rìu to bằng bốn bàn tay xoè thì mới vừa tay. Thế rồi, hàng ngày Gầy vác rìu vào rừng đẵn gỗ để nuôi cha mẹ.
Năm ấy nhà vua xây dựng nhiều cung điện. Vua thuê rất nhiều thợ rừng đi đốn gỗ. Gầy xin nhập bọn thợ. Với sức khoẻ và lưỡi rìu to ấy, mỗi ngày em đẵn không biết là bao nhiêu gỗ lim, gỗ trác, gỗ mun, cây nào cũng to như cái nong, cái nia. Nhưng thấy Gầy ít tuổi, bọn thợ rừng bắt nạt, chúng ngồi chơi, hoặc chui vào bóng râm ngủ một ngày, rồi lấy gỗ của Gầy bán được đem chia nhau, chỉ cho Gầy một phần ít. Nên Gầy đẵn gỗ giỏi hơn cha gấp mười lần mà vẫn không đủ nuôi cha mẹ.
Thuê đẵn gỗ xong, vua dựng đền. Ngôi đền toàn gỗ quý, cột cái to bằng cái nong, cột con bằng cái nia, xà ngang xà dọc dài hàng chục sải tay, to đến vài người ôm không xuể. Dựng cột dựng kèo xong, còn cây đòn dông to hơn cái bánh xe trâu, được ghép lại bằng năm cây gỗ lim, dài đến hơn hai mươi sải tay, nên tất cả phường thợ, cả quân lính trong triều ra giúp sức vẫn không sao đặt nổi lên ngàm cái vì kèo. Phường thợ lại cho người đến cầu khẩn Gầy. Gầy đến xin vua cho ăn một bữa cơm. Vua ra lệnh nấu một thùng gạo tẻ, một vạc canh và một con dê luộc. Ăn xong, Gầy vác hẳn một đầu cây đòn dông đặt lên vì kéo. Đặt xong một bên, Gầy đến xốc bên kia lên vai, bước theo các bậc đá đặt nốt lên. Cây đòn dông to, dài hai mươi sải, cả phường lính hì hục cả tháng không đặt lên được, còn Gầy chỉ làm chưa nhai dập miếng trầu đã xong. Vua thưởng cho Gầy ba xe lúa, bảy vò mắm và chín con dê. Gầy đem tất cả những thứ ấy về nuôi cha mẹ.
Vua có một cô công chúa mặt đẹp như tranh, da trắng như ngà. Nhiều hoàng tử, vua chúa các nước đều đến hỏi làm vợ. Trước bao nhiêu người quyền cao chức trọng, giàu có như nhau, vua chưa biết nên gả cho ai, cô công chúa cũng chưa biết chọn ai. Nhưng các vua, các hoàng tử kia thì sợ mất phần, nên cũng đem quân đến đánh, cướp cô công chúa. Đất nước ngập khói ngập lửa, đâu đâu cũng có giặc. Giặc Đông, giặc Tây, giặc hô hét ở phía Nam, giặc tung hoành ở phía Bắc. Nhà vua cuống cuồng, quan văn quan võ đều run sợ, ai cũng mang vợ con đi trốn chứ chẳng ai dám ra chống giặc. Gầy liền vác rìu lên rừng đẵn một cây gỗ lim to bằng cái nia, dài chín sải, vác đi đánh giặc. Chân của Gầy bây giờ khoẻ mạnh như chân voi, đi đến đâu giặc chạy tan tác đến đó. Gầy đi từ Nam ra Bắc, vác gậy lao thẳng vào giữa quân giặc mà quật. Cây gỗ của Gầy quật xuống một nhát, quân giặc chết có đến nghìn người. Xác giặc chết như trâu, đứa chưa chết thì lạy lục xin tha, đứa ở xa thì đều cắm đầu cắm cổ chạy. Gầy đánh tan được giặc ở phía Nam, phía Bắc, thì lũ giặc phía Đông phía Tây đã rùng mình. Sợ sức khỏe kì lạ của Gầy, chúng dẫn nhau chạy hết về nước.
Gầy có công lớn, được vua rước về gả công chúa, phong cho làm tướng. Bọn vua và bọn công tử các nước nghe con anh thợ rừng cưới được công chúa thì tức đến vỡ mặt, nhưng sợ oai ông tướng Gầy, chẳng ai dám bén mảng đến nửa. Từ đó, nhà người thợ rừng mới hết khổ
Tui tuong co em yeu nu cua tui la om yeu com nhom nhat roi,ai ngo cung con nguoi om hon em yeu nu,po tay!haha
Gốc tích tiếng kêu của vạc, cộc, dủ dỉ, đa đa và chuột
Xưa Cò, Vạc, Cộc, Dủ dỉ và Đa đa ăn ở với nhau như anh em một nhà. Chúng nó sống một cuộc đời sung sướng và hòa thuận. Con nào con ấy đều có nhà cửa, ruộng đồng riêng, nhưng mỗi khi kiếm được món gì ngon như mớ cá, rổ tép... trong đồng của mình thì chúng thường chia nhau ăn rất vui vẻ, tử tế.
Không ngờ một ngày kia chúng nó rủ nhau đánh bạc. Trước còn đánh một đồng, hai đồng nhưng sau ăn thua lớn. Trong cuộc bạc hôm ấy, Cò vơ tất cả. Cuối cùng cả mấy con kia phải vay nợ của Cò để gỡ gạc, nhưng chúng chỉ "gỡ vào" mà thôi. Hơn nữa, Cò âm mưu với Chuột viết vào văn tự nhiều hơn số tiền bọn họ đã vay. Vì không biết chữ, không ngờ bị Chuột làm gian nên hầu hết tài sản của Vạc, Cộc, Dủ dỉ và Đa đa đều thuộc về tay Cò cả.
Thua cay hơn hết là Đa đa. Cờ bạc đến lúc "khát nước" nó bèn đánh những tiếng rất táo bạo. Vì thế, đến lúc phủi áo đứng dậy, Đa đa đã gán hết từ ruộng đồng cho đến nhà ở của mình cho Cò. Ngay buổi sáng hôm sau, Đa đa trần như nhộng, phải bán xới đi kiếm ăn ở miền núi cao. Dủ dỉ không thua quá nhiều như Đa đa. Nhưng Chuột đã chơi cho nó một vố khá đau. Trong văn tự, Chuột đã viết là Dủ dỉ sẽ gán tất cả phần đồng điền của nó nếu quá hạn không trả được nợ.
Vì thế đến hạn, Dủ dỉ mất hết cả ruộng đồng, chỉ còn lại cái nhà ở. Từ đó nó phải ngày ngày đi làm thuê làm mướn kiếm ăn rất cực khổ.
Còn Vạc chỉ thua có ba mươi quan. Nhưng khi nhờ Chuột làm giấy hộ, Chuột đã viết con số ba thành con số chín. Cho nên cuối cùng Vạc cũng mất gần hết phần ruộng đồng của mình cho Cò. Nhưng Vạc vốn không sợ Cò. Không dám kiếm ăn công khai thì Vạc ta lại kiếm ăn lẩn lút trên đồng đất của Cò. Đêm đến, chờ khi Cò về nhà nghỉ ngơi, Vạc mới mò ra đồng ăn trộm con tôm cái tép. Nhờ thế cũng đủ sống qua ngày.
Riêng Cộc cũng thua cháy túi như Đa đa. Cuối cùng vốn liếng còn lại chỉ mười quan định để dành đong gạo, nhưng máu mê cờ bạc xui nó đánh luôn một tiếng vào cửa lẻ. Khi mở bát ra thì bốn đồng tiền trắng xóa làm cho Cộc sững sờ, rồi ngất đi. Cho đến khi những con khác gào vào tai: "Thua rồi, ớ Cộc!" thì nó mới tỉnh dậy, và vì xấu hổ quá nên đâm đầu chạy miết, không ngoái cổ lại.
Còn Cò nhờ cuộc bạc hôm ấy lại nhờ khóe gian của Chuột, nên làm chủ đồng ruộng mênh mông. Hàng ngày nó bay hết đồng này sang đồng khác ăn uống thỏa thích. Từ đó, dòng dõi của Cò thong dong đi lại kiếm ăn ban ngày. Người ta bảo "ruộng cò bay thẳng cánh" là thế. Trên đầu nó có mấy cái lông "seo" người ta vẫn gọi là "cò văn tự", để chỉ những khế tự giấy tờ của nó mang theo luôn luôn bên người.
Dòng dõi Vạc thì chờ lúc tắt mặt trời mới rúc ra khỏi bụi tre và kêu luôn mồm: "Thua một vác! Thua một vác!". Trời chưa sáng, chúng nó đã lò mò về tổ, chỉ sợ dòng dõi nhà Cò bắt gặp.
Dòng dõi của Dủ dỉ thường kêu những tiếng ai oán: "Đông Tây tứ chi bán hết! Mần như ri cực cực! Mần như ri cực cực!".
Dòng dõi nhà Đa đa thì không dám trở về quê hương đồng ruộng nữa. Tuy thế, chúng nó vẫn kêu lên những lời tỏ ý tiếc nhớ đời sống sung sướng ở đồng ruộng của cha ông chúng ngày trước: "Tiếc rổ tép đa đa! Tiếc rổ tép đa đa!".
Dòng dõi Cộc thì thỉnh thoảng lại gào lên mấy tiếng: "Thua rồi, ớ Cộc!" rồi đâm đầu xuống nước, lặn một mạch thật xa mới trồi đầu lên tìm chỗ vắng mà đậu.
Còn chuột, người ta bảo trong việc làm gian lận nói trên, nó chả được lợi lộc gì cả. Dòng dõi của nó ngày nay sống trốn tránh lẩn lút chỉ sợ con cháu Vạc và Dủ dỉ báo thù. Miệng vẫn kêu mấy tiếng: "Chín chục! Chín chục!".
Tục ngữ có câu:
Con vạc bán ruộng cho cò,
Cho nên vạc phải ăn mò cả đêm.
Hay là:
Vạc sao vạc chẳng biết lo,
Bán ruộng cho cò, vạc phải ăn đêm.
Sự tích chim đa đa
Ngày xưa có một em bé mồ côi cha từ hồi còn nhỏ. Người mẹ sau một thời gian tang chế cũng đi lấy chồng. Vì bà con thân thích nội ngoại không còn ai nên nó phải theo mẹ về ở với bố ghẻ. Bố ghẻ tính rất vũ phu, coi cả hai mẹ con như kẻ ăn đứa ở. Nhất là thằng bé chưa biết làm gì cả, nên hắn lại càng ghét dữ. Nhiều lúc có việc trái ý, hắn đánh thằng bé thâm tím cả mình mẩy. Nhà hắn cũng không có gì. Hắn thường sinh nhai bằng cách lên rừng đốn củi. Người đàn bà vừa về với hắn được một ngày đã phải gánh củi của chồng đi bán ở chợ. Không may, năm đó trời làm mất mùa. Miếng ăn kiếm rất chật vật. Củi rẻ như bèo. Trước kia một gánh củi nuôi sống gia đình được mấy ngày thì bây giờ không đủ nuôi được một bữa. Thằng bé chưa làm được nghề ngỗng gì cả, trở nên một cái gai trước mắt bố ghẻ.
- Thằng bé này chỉ ăn hại đái nát. Chỉ làm cho ta khó khăn thêm.
Hắn bảo vợ thế và khuyên vợ đem con đi bán cho kẻ khác nuôi. Nhưng người đàn bà nhất quyết không chịu. Thà là cả hai mẹ con cùng chết chứ bà không đời nào chịu lìa con. Người bố ghẻ bèn có ý định muốn giết chết con riêng của vợ. Mạng người lúc này nhỏ bằng cái tơ cái tóc. Huống chi đối với hắn, hắn chẳng coi ra gì.
Nạn đói coi chừng đang kéo dài và ngày càng dữ dội. Một gánh củi lớn bây giờ không đổi nổi một bát gạo. Hôm đó, chờ lúc vợ đi chợ sớm, hắn đưa thằng bé lên rừng. Hắn rủ:
- Mày có muốn trèo ổi và bắt bướm không? Trên ấy thì tha hồ. Thằng bé nghe thế lấy làm thích, cố xin đi theo cho được. Cảnh rừng có nhiều cái lạ làm cho thằng bé lon ton chạy theo bố ghẻ không biết mệt. Người đàn ông đưa nó vào rừng sâu. Khi đến chỗ mấy cây ổi rừng, hắn bảo thằng bé:
- Ổi đấy. Và có bát cơm đây. Chốc nữa tao lại tìm.
Thế rồi hắn bỏ mặc thằng bé, lẳng lặng chui ra, đến một chỗ khác kiếm củi. Nhưng buổi chiều, khi bước chân vào nhà hắn lấy làm ngạc nhiên thấy thằng bé đã về trước hắn rồi. Số là thằng bé trong khi đang bơ vơ giữa rừng rậm thì may mắn gặp một bọn đi đào khoai mài về ngang. Thế là họ đưa nó về. Nhờ có bát cơm, nó vẫn đủ sức đi được đến nhà. Nghe đứa bé kể, hắn bực mình vô hạn. Hắn vờ mắng:
- Chỉ vì mày, làm tao tìm mãi không được!
Một lần khác hắn lại dỗ được đứa bé đi theo lên rừng. Lần này hắn cố tâm đưa nó vào thật sâu, đến những nơi chưa ai dám tìm vào hái củi bao giờ. Khi trốn khỏi thằng bé, hắn nghĩ bụng: "Không chết vì thú dữ thì cũng chết vì lạc, không chết vì lạc thì cũng chết đói mà thôi".
Mãi đến chiều tối vẫn không thấy bố ghẻ trở lại, thằng bé khóc lóc, kêu gào nhưng chỉ có tiếng vọng của núi rừng trả lời nó thôi. Nó cuống cuồng chạy tìm khắp mọi ngả nhưng không hề thấy một bóng người. Khi đã mệt lử và đói bụng, nó tìm đến chỗ bát cơm của bố ghẻ để lại thì không ngờ đấy là một bát cát trên có rắc một lớp cơm với một quả cà để đánh lừa. Thằng bé nhặt những hạt cơm phủi cát bỏ vào miệng. Cuối cùng đói quá, nó cầm lấy bát chạy khắp nơi và kêu lên: "Bố ghẻ ơi! Bát cát quả cà! Bát cát quả cà!" Nhưng tiếng kêu gào của nó chỉ làm cho một vài con chim rừng giật mình mà thôi. Rồi thằng bé chết, hóa thành chim đa đa, luôn luôn kêu những tiếng "Bát cát quả cà! Bát cát quả cà!"
Đợi mãi không thấy con về, người đàn bà khóc thương vô hạn. Đoán biết thằng chồng tàn bạo đã ám hại con mình, bà ta đứng lên xỉa xói vào mặt hắn. Cuối cùng bà ta bắt hắn phải đi kiếm con mình về ngay, nếu không sẽ lên quan tố cáo. Túng thế hắn phải vào rừng. Hắn tìm mãi. Đột nhiên trong khu rừng hẻo lánh nổi lên mấy tiếng "Bát cát quả cà". Hắn rụng rời. Đích thị là oan hồn thằng bé đã lên tiếng vạch tội ác của hắn. Nghe luôn mấy tiếng liên tiếp, hắn không còn hồn vía nào nữa, vội bỏ chạy. Nhưng mấy tiếng "Bát cát quả cà" đuổi theo hắn. Hắn chạy mãi, băng hết khu rừng nọ sang khu rừng kia. Tự nhiên hắn vấp phải đá ngã xuống bất tỉnh nhân sự. Mấy ngày sau, những người tiều phu thấy thi thể hắn nằm vật ở mé rừng.
Thang nhoc nay me an giong em yeu nu wa,chet roi con doi an nua,ham an hon em yeu nu moi ghe chu,so wa
Sự tích con khỉ
Ngày xưa có một người con gái đi ở với một nhà trưởng giả. Nàng phải làm việc quần quật suốt ngày, lại bị chủ đối đãi rất tệ. Cái ăn cái mặc đã chả có gì mà thỉnh thoảng còn bị đánh đập chửi mắng. Vì thế, cô gái tuổi mới đôi mươi mà người cứ quắt lại, trông xấu xí bệ rạc hết chỗ nói. Một hôm nhà trưởng giả có giỗ, cỗ bàn bày linh đình, họ hàng đến ăn uống đông đúc. Trong khi đó thì cô gái phải đi gánh nước luôn vai không nghỉ. Lần gánh nước thứ mười, cô gái mỏi mệt quá ngồi lại ở bờ giếng. Tự nhiên cô thấy tủi thân, ôm mặt khóc. Lúc đó đức Phật bỗng hiện ra với trạng mạo một ông cụ già. ạng cụ có vẻ đâu từ xa lại, dáng điệu mệt nhọc đến xin nước uống. Nàng vội quảy gánh xuống giếng vực nước lên cho ông già giải khát. Ông cụ uống xong lại đòi ăn. Cô gái nhớ tới phần cơm của mình chưa ăn, bèn bảo ông cụ ngồi chờ rồi quảy gánh nước về. Lần sau ra giếng, cô lấy cơm trong thùng đưa cho ông già và nói:
- Họ dành phần cho con toàn cơm cháy cả, cụ ăn một bát này cho đỡ đói.
Ăn xong, ông cụ bảo nàng:
- Hồi nãy làm sao con khóc?
Cô gái ngập ngừng, cúi mặt xuống không trả lời.
- Ta là đức Phật, - ông cụ nói tiếp, - ta thấy con có lòng tốt. Nếu con muốn gì, ta sẽ làm cho con vui lòng.
Cô gái ngạc nhiên mừng rỡ, kể nỗi lòng với đức Phật. Thấy điều ước muốn của người con gái chỉ là làm sao cho bớt xấu xí, ông cụ bảo nàng lội xuống giếng, hễ thấy bông hoa nào đẹp mút lấy thì sẽ được như nguyện. Khi xuống nước, cô gái chỉ mút mấy bông hoa trắng. Tự nhiên lúc lên bờ, nàng trở nên trắng trẻo xinh xắn, đồng thời quần áo cũng biến thành những thứ tốt đẹp.
Khi cô gái quảy gánh nước trở về, cả họ nhà trưởng giả vô cùng kinh ngạc. Nàng xinh đẹp đến nỗi họ không thể nào nhận ra. Nghe cô gái kể chuyện, ai nấy cũng muốn cầu may một tí. Họ lập tức đổ xô cả ra bờ giếng mong gặp lại đức Phật để được trẻ lại và đẹp ra. Thấy ông cụ già vẫn còn ngồi ở chỗ cũ, họ sung sướng như người được của. Họ đưa xôi thịt ra mời tới tấp:
- Này cụ xơi đi! Cụ xơi đi. Rồi cụ làm phúc giúp cho chúng tôi với!
Đức Phật cũng bảo họ lội xuống giếng và dặn họ y như dặn cô gái lần trước. Dưới giếng lúc đó đầy hoa đỏ và hoa trắng. Ai nấy đều cho màu đỏ là đẹp nên khi lội xuống giếng đều tìm hoa đỏ mút lấy mút để. Nhưng không ngờ lúc lên bờ, họ không phải trẻ lại mà già thêm ra: mặt mũi nhăn nheo, người trông quắt lại, lông lá mọc đầy người, đằng sau lưng là cả một cái đuôi.
Những người đi gánh nước thấy vậy hoảng hồn: "Kìa trông con quỷ, nó cắn bà con ôi!". Nhưng lại có những tiếng khác: "Đánh cho chết chúng nó đi! Sợ gì". Lập tức mọi người cầm đòn gánh xông lại. Cả họ nhà trưởng giả kinh hoàng bỏ chạy một mạch lên rừng.
Từ đó, cô gái cùng với số người nghèo hầu hạ trưởng giả được hưởng những của cải do chúng để lại. Lại nói chuyện trưởng giả và họ hàng đành phải nấp náu trong rừng sâu, ngày ngày kiếm quả cây nuôi thân. Chúng đi lom khom, áo quần rách nát trông rất thiểu não. Nhưng chúng vẫn tiếc của. Cho nên thỉnh thoảng ban đêm chúng lại mò về, hoặc gõ cửa, hoặc ngồi trước nhà kêu léo nhéo suốt đêm, gần sáng mới trở về rừng.
Thấy vậy cô gái và mọi người sợ quá, đêm đêm đóng cửa rất chặt. Họ bàn nhau tìm cách đuổi chúng. Họ bôi mắm tôm vào các cánh cửa, lại nung nóng rất nhiều lưỡi cày đặt rải rác ở cổng các nhà. Quả nhiên, một đêm nọ chúng lại mò về. Theo lệ thường, chúng đánh đu vào song cửa kêu rít lên. Nhưng lần này chúng vừa mó đến đã bị mắm tôm vấy đầy tay, rồi từ tay vấy khắp cả người, hôi hám không thể nói hết. Chúng kinh sợ dắt nhau ra ngồi trước cổng quen như thói cũ. Nhưng vừa đặt đít ngồi xuống các lưỡi cày thì chúng đã kêu oai oái, rồi ba chân bốn cẳng bỏ chạy lên rừng. Từ đó chúng kệch không dám về nữa.
Trong những khi lên rừng hái củi, người ta thỉnh thoảng vẫn gặp chúng. Thấy bóng người từ đàng xa, chúng liền chuyền theo nhánh cây, lủi nhanh thoăn thoắt. Người ta gọi chúng là những con khỉ. Ngày nay vẫn có nhiều người cho khỉ là thuộc nòi trưởng giả. Còn những con khỉ sở dĩ đỏ đít là vì chúng chịu di truyền dấu vết bỏng đít của tổ tiên.
Sự tích cái chổi
Ngày xưa ở trên cung điện nhà trời có một người đàn bà nấu ăn rất khéo tay. Bà chế những món bánh trái tuyệt phẩm, làm những thức ăn ngon đến nỗi chỉ nếm qua một miếng là không thể nào quên được. Cho nên Ngọc Hoàng thượng đế cho bà chuyên trông nom công việc nấu ăn cho mình ở thiên trù. Nhưng bà lại hay ăn vụng và tham lam.
Lệ nhà trời những người hầu hạ đều có thức ăn riêng, nhất thiết không được đụng chạm đến ngự thiện, dù là Ngọc Hoàng ăn thừa cũng vậy. Nhưng luật lệ đó không ngăn được những người đang sẵn thèm khát. Người đàn bà vẫn tìm đủ mọi cách để làm cho kho thức ăn của nhà Trời hao hụt.
Tuy đã quá tuổi xuân, bà ta lại yêu một lão vốn chăn ngựa cho thiên đình. Đời sống của những người chăn ngựa thì ở cõi trời cũng như cõi đất đều cực khổ không kém gì nhau. Ông ta thích rượu và từ khi gặp người đàn bà này lại thèm ăn ngon. Bà ta say mê ông tưởng trên đời không còn có gì hơn được. Mỗi lúc thấy người đàn ông đó thèm thức ăn, đồ uống của nhà Trời, bà ta không ngần ngại gì cả. Đã nhiều phen bà lấy cắp rượu thịt trong thiên trù giấu đưa ra cho ông. Và cũng nhiều phen bà dắt ông lẻn vào kho rượu, mặc sức cho ông bí tỉ.
Một hôm, Ngọc Hoàng thượng đế mở tiệc đãi quần thần. Bà và các bạn nấu bếp khác làm việc tíu tít. Chỉ vào chập tối, các món ăn đã phải làm đầy đủ. Rồi khi ánh nguyệt của đêm rằm sáng lòa là mọi người bắt đầu vào tiệc. Nhưng giữa lúc cỗ đang bày lên mâm thì từ đàng xa, bà đã nghe tiếng lão chăn ngựa hát. Bà biết ông tìm mình. Bà lật đật ra đón và đưa giấu ông ta vào phía góc chạn. Bà đưa cho ông mấy chén rượu, thứ rượu ngon nhất của thiên tào rồi trở ra làm nốt mẻ bánh hạnh nhân.
Người đàn ông đó mới đi tắm ngựa ở bến sông về. Bưng lấy bát cơm hẩm, ông sực nhớ đến rượu thịt bây giờ chắc đang ê hề ở thiên trù, nên vội lẻn đến đây. Trong bóng tối, ông nuốt ực mấy chén rượu lấy làm khoái. Chén rượu quả ngon tuyệt, hơi men bốc lên làm ông choáng váng. Ông bỗng thèm một thức gì để đưa cay. Trong bóng tối, trên giá mâm đặt ở gần đó có biết bao là mỹ vị mùi thơm phưng phức. Đang đói sẵn, ông giở lồng bàn sờ soạng bốc lấy bốc để...
Khi những người lính hầu vô tình bưng mâm ngự thiện ra thì bát nào bát ấy đều như đã có người nào nếm trước. Ngọc Hoàng thượng đế vừa trông thấy không ngăn được cơn thịnh nộ. Tiếng quát tháo của Ngọc Hoàng dữ dội làm cho mọi người sợ hãi. Bữa tiệc vì thế mất vui.
Người đàn bà nấu bếp cúi đầu nhận tội. Và sau đó thì cả hai người cùng bị đày xuống trần, làm chổi để phải làm việc luôn tay không nghỉ và tìm thức ăn trong những rác rưởi dơ bẩn của trần gian. Đó là tội nặng nhất ở thiên đình.
Lâu về sau, thấy phạm nhân bày tỏ nông nỗi là phải làm khổ sai ngày này qua tháng khác không lúc nào ngơi tay, Ngọc Hoàng thương tình ra lệnh cho họ được nghỉ ba ngày trong một năm. Ba ngày đó là ba ngày Tết nguyên đán.
Bởi vậy đời sau trong dịp Tết nguyên đán, người ta có tục lệ kiêng không quét nhà. Người Việt Nam chúng ta có câu đố về cái chổi "Trong nhà có một bà hay la liếm" mô tả thần tình động tác quét nhà nhưng trong đó chắc còn có ngụ ý nhắc lại sự tích của cái chổi.
Sự tích con sam
Ngày xưa có hai vợ chồng một người đánh cá nghèo. Một hôm người chồng ra khơi với bạn nghề. Không may có một trận bão rất lớn nổi lên giữa lúc họ đang thả lưới. Không một người nào thoát khỏi tai nạn. Tin dữ về đến làng, tất cả mọi gia đình đánh cá đều đau khổ. Tiếng khóc lan đi các nhà. Riêng người đàn bà lòng đau như cắt. Như điên như cuồng, bà bỏ nhà ra đi, hy vọng tìm thấy chồng. Bà cứ theo bờ biển đi, đi mãi. Trải qua hai ngày đến một hòn núi lớn. Bà trèo lên rồi vì mệt quá ngủ thiếp dưới một gốc cây. Đang ngủ bỗng có một tiếng nổ dữ dội. Bà choàng dậy thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ đứng trước mặt mình, hỏi:
- Người là ai mà dám đến nằm trước nhà ta?
Người đàn bà mếu máo đáp:
-Tôi đi tìm chồng. Cụ làm ơn chỉ giúp kẻo tôi nóng lòng nóng ruột quá!
Cụ già nói:
- Ta là thần Cây. Thấy nhà ngươi chung tình ta rất thương. Vậy ta báo cho biết là chồng ngươi còn sống, hiện ở ngoài hải đảo.
Nói rồi, ông cụ trao cho người đàn bà một viên ngọc và bảo:
- Ngươi hãy ngậm viên ngọc này vào miệng thì sẽ bay qua được biển để gặp chồng. Nhưng phải nhớ là nhắm mắt ngậm miệng kẻo rơi ngọc mà nguy đó.
Ông cụ nói xong biến mất. Bà ta lấy ngọc ngậm vào miệng và nhắm mắt lại. Thốt nhiên trời bỗng nổi gió ù ù. Bà thấy người như nhẹ bỗng, hai bên tai nghe tiếng vo vo. Được một lúc sau thấy chân chấm đất, bà mở mắt ra thì thấy mình đang đứng trên một bãi cát lạ mà gió bấy giờ đã lặng. Trông thấy chồng ngồi co ro trên bãi, bà mừng quá. Hai vợ chồng hàn huyên một hồi lâu rồi mới tính chuyện trở về làng cũ.
Người chồng ôm ngang lưng vợ để vợ đưa qua biển cả. Lòng người vợ sung sướng không thể nói hết. Vì thế, bà ta đã quên mất lời của thần Cây dặn. Miệng mắc ngậm ngọc nhưng bà vẫn cố hỏi chuyện chồng. Đột nhiên viên ngọc văng ra giữa không trung. Bà chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi cả hai vợ chồng đều sa xuống biển. Rồi đó họ hóa thành những con sam. Ngày nay, những con sam thường đi cặp đôi ở dưới nước, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái như khi chồng ôm vợ để bay qua biển. Có câu tục ngữ "Thương như sam", là do truyện này mà ra.
Chiếc cầu phúc đức
Ngày xưa có anh chàng chuyên sống về nghề ăn trộm. Trong nhà còn có mẹ già phải nuôi. Tuy có lúc được nhiều, có lúc được ít, nhưng trong nhà không bao giờ có của để dành. Hai mẹ con chàng thường phải chịu bữa ăn, bữa nhịn.
Một hôm, nhân ngày giỗ cha, mẹ chàng ôn lại cho chàng nghe cuộc đời của ông và cha chàng xưa kia.
Xưa kia ông nội của chàng cũng làm nghề ăn trộm, có đêm kiếm được những món đáng bạc chục, bạc trăm, vậy mà khi nhắm mắt xuôi tay cũng không để lại cho cha chàng được chút gì.
Rồi đến đời cha chàng. Lớn lên, không biết chọn nghề gì khác tốt hơn, cha chàng lại nối nghề ông cụ, đến đêm lại đi rình mò hết làng trên đến xóm dưới, mà cũng không bao giờ kiếm được nổi hai bữa cho hai vợ chồng và đứa con. Rồi cha chàng chết đi cũng không có gì để lại. Nay đến đời chàng, lao theo cái nghề này đã gần hai chục năm rồi mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đã vậy, chàng cũng không tìm được nổi một người vợ, mặc dầu đã gần bốn chục tuổi đầu.
Ôn lại đời cha ông xưa và nhìn cuộc đời mình chàng không khỏi thấy ngán ngẩm.
Một đêm, chàng đến rình nhà ông thầy đồ ở xóm bên, định ăn trộm cái thủ lợn mà một nhóm học trò mang đến biếu. Rình mãi tới khuya, ông thầy vẫn chưa đi ngủ, ông đọc hết trang sách này tới trang sách khác. Chợt ông thầy đọc tới câu: "Tích thiện chi gia tất hữu dư hương; tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương". Chàng bụng bảo dạ: "Phải chăng ông cha ta làm nghề thất đức nên để khổ nhục lại cho tả" Rồi tự đáp: "Phải, quả thật đúng như vậy". Đoạn chàng chạy một mạch về nhà, quyết từ nay bỏ nghề ăn trộm.
Sáng hôm sau, chàng vác búa vào rừng hái củi mang ra chợ bán. Công việc thật là vất vả, hái được một gánh củi chàng phải đổi một bát mồ hôi mới kiếm được một món tiền mua gạo, nhưng chàng thấy yên tâm hơn mọi ngày. Tuy vậy, đi đến đâu, chàng cũng nghe tiếng người xì xào: "Cẩn thận đấy! Cái thằng ba đời ăn trộm đã đến kia!". Cái tiếng "ba đời ăn trộm" làm cho chàng buồn bã. Chàng nghĩ: "Từ nay ta phải làm những việc gì phúc đức họa may mới xóa được mấy tiếng đó".
Một ngày mùa hạ, trời mưa to nước lũ tràn về. Chàng đem củi đi chợ bán, vì nước lũ tràn về nhanh quá, không thể lội qua sông như mọi hôm được. Hàng trăm người ùn lại vì chưa có đò, mặt trời đã khuất sau rặng núi, mà mọi người vẫn loay hoay ở bờ sông. Chàng bèn nghĩ tới việc bắc một cái cầu. Đêm ấy, ngủ lại bến sông cùng với nhiều người khác, chàng đem chuyện bắc cầu ra hỏi bà con, nhiều người nói:
- Đó là một điều phúc đức được muôn ngàn người nhớ ơn. Trước đây cũng đã có người làm nhưng rồi lại bỏ dở...
Sáng hôm sau, nước rút, chàng lội sông về nhà, tới nhà, chàng đem ý định bắc cầu ra hỏi ý kiến mẹ. Mẹ chàng rất vui và giục chàng dốc sức bắc cầu!
Từ đó, cứ sáng chàng lên rừng chặt cây; chiều ra sức chuyển gỗ; trưa cố hái thêm một gánh củi để về cho mẹ đi chợ.
Chàng làm việc quên ngày tháng. Buổi chặt cây, buổi chuyển gỗ, buổi bắc cầu, không bao lâu đã bắc được hơn chục sải cầu. Công việc còn nhiều nặng nhọc vì con sông rộng gần hai trăm sải. Vì ăn đói mà làm nhiều nên chàng bị kiệt sức. Một hôm đói quá chàng nằm lăn ra mê man ở đoạn cầu đang làm dở. Những người đi qua xúm lại cứu chữa, nhưng chàng vẫn chưa hồi tỉnh.
Giữa lúc ấy có một viên quan võ đi đến, thấy một đám đông đang xúm quanh một người nằm sõng soài, viên quan xuống ngựa đến gần hỏi chuyện. Mọi người cho biết đây là anh chàng bắc cầu làm phúc đang làm thì vì mệt quá mà lăn ra ngất đi... Viên quan liền mở túi lấy thuốc cho chàng uống. Được một lúc, chàng bắc cầu tỉnh lại, mọi người tản dần ra về, viên quan ngồi lại bên chàng ân cần hỏi chuyện. Chàng thật thà kể hết cho ông nghe cuộc đời của mình và nói rõ ý định cùng công việc đang làm. Viên quan võ nghe nói ra chiều cảm động, ông ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Xưa kia cha ông chàng làm nghề thất đức để cho chàng ngày nay phải đói nghèo. Nay, chàng muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa kia, quả là hay vô cùng! Về phần tôi, tôi xin nói thật: cha tôi, ông tôi, ông cụ ông kỵ tôi, đời đời làm quan ức hiếp dân lành, bóp hầu bóp cổ để nã tiền, nã của. Đấy cũng là điều thất đức, vì vậy đến tôi ngày nay trời quả báo: lấy vợ đã hơn hai mươi năm rồi mà không có một đứa con để vui cửa vui nhà, cho nên, tuổi đã ngoài bốn mươi, chúng tôi vẫn phải sống hiu quạnh. Nay tôi cũng muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa, chẳng hay chàng có cho tôi góp sức cùng nhau bắc cầu được không?
Chàng bắc cầu vui mừng nói:
- Nếu quan lớn có chí hướng như vậy thì cái cầu này sẽ chóng xong, dân chúng sẽ mau được qua lại, còn gì tốt hơn!
Hai người bèn kể cho nhau biết tên tuổi, quê quán rồi kết làm anh em, viên quan võ hơn chàng bắc cầu bốn tuổi, được nhận là anh. Chàng bắc cầu nói:
- Em còn có mẹ già ở nhà, vì nhà nghèo, phải bán củi lấy tiền mua gạo cho nên ngày nào em cũng phải đem củi về nhà để sáng hôm sau mẹ đem củi ra chợ bán lấy tiền.
Viên quan võ thân mật bảo chàng:
- Anh có nhiều tiền của, anh sẽ bỏ ra nuôi mẹ để em khỏi phải bận tâm, như vậy chúng ta sẽ chuyên chú vào việc bắc cầu, em nghĩ thế nào?
Chàng bắc cầu nói:
- Nếu vậy thì còn gì hay hơn!
Từ đấy, hàng ngày hai anh em cùng nhau lên núi đốn cây, chuyển gỗ. Chẳng bao lâu, hai người đã dựng xong chiếc cầu gỗ hơn hai trăm sải. Dân chúng ai cũng vui mừng, họ đặt tên là cầu Phúc Đức. Các cụ hai làng hoan hỉ cùng nhau bàn định góp tiền làm một bữa tiệc ăn mừng cầu.
Ngày ăn mừng chiếc cầu, các vị bô lão và tất cả dân chúng quanh vùng nô nức đến dự, ai cũng cầu xin Ngọc Hoàng ban phúc cho hai người bắc cầu, họ ăn uống linh đình suốt cả buổi sáng. Bỗng một cơn gió bất chợt kéo đến, gió thổi mạnh, làm cúi rạp ngọn cỏ nghiêng ngả cành cây. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, rồi bất thình lình cuốn anh chàng bắc cầu đi mất. Viên quan võ thất thanh kêu gọi, tất cả mọi người đều ngậm ngùi.
Thấy người em kết nghĩa của mình hết lòng hết sức hàng ba năm trời ra làm cầu mà lại không được hưởng phúc, viên quan xót xa lắm. Sau khi mọi người đã ra về, ông đón vợ sang ở chung với bà cụ để sớm hôm trông nom, phụng dưỡng bà thay người em kết nghĩa.
Lại nói đến chàng bắc cầu bị gió lốc cuốn tới một cái hang trên một ngọn núi cao. Chàng lảo đảo đứng chưa kịp vững. Cơn gió bỗng vụt hóa thành người tươi cười nói với chàng:
- Nhà ngươi chớ sợ, ta là thần Gió được Ngọc Hoàng sai đi đón nhà ngươi về đây để thưởng cho ngươi cái công thành tâm làm chuyện phúc đức. Bạc vàng đấy, nhà ngươi muốn lấy bao nhiêu thì lấy.
Chàng bắc cầu nhìn vào hang thấy đống vàng sáng chói. Chàng cởi áo gói lấy một số vàng, rồi buộc lại cẩn thận, chàng vác gói vàng lên vai, tiến ra cửa hang, thần Gió lại hóa thành cơn gió lốc cuốn chàng đi, trả về bản và đặt chàng nhẹ nhàng xuống giữa sân nhà.
Chàng bắc cầu sung sướng để gói vàng xuống rồi lên tiếng gọi cửa. Nghe tiếng gọi, mẹ chàng và hai vợ chồng viên quan võ tưởng là hồn chàng bắc cầu hiện về, liền dắt nhau lại ngồi quanh chiếc bàn thờ thắp hương khấn vái lầm rầm. Nhìn qua kẽ liếp thấy ba người vừa cúi lạy, vừa khấn, chàng bắc cầu bật cười lại một lần nữa chàng lên tiếng gọi:
- Mẹ ơi! Anh ơi! Em đây mà! Em hãy còn sống trở về nhà đây! Mau mau mở cửa!
Nghe rõ tiếng gọi của con, bà mẹ mừng quýnh, lật đật xuống giường. Vợ chồng viên quan võ cũng chạy ra mở cửa, đón người em kết nghĩa.
Chàng bắc cầu ngồi xuống kể lại ngọn ngành câu chuyện được thần Gió đưa đi lấy vàng cho cả nhà nghe, mọi người reo mừng sung sướng.
Từ đấy mẹ con chàng bắc cầu bắt đầu trở nên giàu có, chàng mời hai vợ chồng người anh kết nghĩa ở lại và cùng nhau làm ăn.
Ít lâu sau, vợ viên quan võ có mang, đến tháng đến ngày chị sinh hạ được một con trai. Hai vợ chồng mừng vô kể. Còn chàng bắc cầu ít lâu sau cũng lấy vợ có con và sống sung sướng đến già.
NHO EM YEU NU WA!
Sự Tích Núi Ngũ Hành
Truyện dân gian
Ngày xưa, có một ông cụ già sống một thân một mình trong một túp lều con trên bãi biển vắng. Những người dân gần đó không biết ông cụ đến đấy làm gì và đến từ lúc nào.
Một hôm, tự nhiên ngoài biển khơi có một vùng sóng gió nổi lên dữ dội làm bầu trời tối mịt. Hồi lâu có một con giao long rất lớn ngoi vào bờ, trườn lên đất liền. Giao long quằn quại trên bãi cát làm vẹt đất thành từng đường ngoằn ngoèo. Gió thổi ào ào, bụi cát mù mịt. Gian lều của ông già gần đó xem chừng muốn đổ. Cuối cùng một tiếng gào rống lên, rồi một cái trứng lớn trong bụng giao long xuất hiện bên cạnh nhà của ông già. Đẻ xong, giao long lại trườn xuống biển đi mất.
Một lát sau lại đến lượt một con rùa vàng to lớn cũng từ ngoài khơi tiến vào. Rùa vàng đào đất chôn trứng vào bãi cát. Đoạn, rùa bò đến trước mặt ông lão bảo rằng:
- Ta là thần Kim Quy. Ta muốn ngươi phải hết sức bảo hộ giọt máu này của Long Quân!
Ông già trả lời:
- Sức cùng tài tận như tôi thì làm sao mà bảo hộ được.
Rùa liền trao cho ông già một cái móng và nói:
- Ngươi hãy cầm lấy cái này, bao giờ có việc gì khó khăn nguy cấp thì đặt nó vào tai, ta sẽ giúp ngay, không lo gì cả.
- Được, tôi sẽ xin hết sức.
Một hôm từ đằng xa tiến đến một chiếc xe trâu, trên có mấy tên lính hung dữ. Ông già hoảng hốt lo sợ vì chiếc xe cứ nhằm đúng hướng trứng mà lao tới. Ông đứng dậy khoát tay làm dấu cho xe chạy đi ngả khác mà không được. Ông vội đặt móng rùa vào tai. Tự nhiên có một tiếng nói nhỏ đủ lọt vào tai ông: "Nằm xuống! Nằm xuống!". Ông vừa phủ phục thì hóa ngay một con hổ lớn. Bọn lính trên xe hoảng hốt đánh xe quay trở lại.
Sau đó, ông cụ tháo gian nhà của mình đưa tới dựng lên che cho trứng thần. Nhưng ông không ngờ rằng trứng thần cứ mỗi ngày một lớn mãi. Thoạt tiên nó làm nổi cát lên. Rồi ngày một, ngày hai nó rẽ dần cát ra và nhô lên khỏi mặt đất. Mỗi lần như thế thì cụ già lại hì hục xúc cát lấp lại. Nhưng vô ích vì chỉ ngày mai ngày kia nó đã nhô cao hơn, đến nỗi đội cả gian nhà của ông cụ lên trời.
Trứng càng ngày càng lớn làm cho ông cụ thấy sức của mình bé lại. Tuy nhiên, ông vẫn hết lòng vì trứng thần. Ông đi chặt cây, chặt lá về che cho kín trứng.
Nhưng cây lá cũng không che nổi nữa vì trứng ngày một phình to ra. Không những nó nhô cao lên trời mà còn nở cả bề rộng. Mầu vỏ trứng xanh đỏ tím vàng lóng lánh như một hòn ngọc khổng lồ.
Một hôm, gian lều của ông cụ bị những tên vô lại đốt cháy. Ông cụ cầu cứu với móng rùa. Tự nhiên trong lòng trứng hiện ra một cái hang đá có đủ giường chiếu sẵn sàng. Ông già vừa đặt mình xuống là ngủ thiếp ngay.
Giữa lúc đó thì một cô gái bé từ trong lòng trứng ra đời bên cạnh giường của ông già. Sữa ở mạch đá trong hang chảy ra nuôi cô gái bé lớn lên như thổi. Nhưng tuy ông già ngủ mà cô gái cũng không cô quạnh. Hàng ngày có những con khỉ hái hoa quả đến cho cô ăn, có những con chim cu tha bông đến dệt cho cô mặc.
Ông già ngủ một giấc tỉnh dậy lấy làm kinh ngạc khi thấy một thiếu nữ xinh đẹp ngồi bên cạnh mình. Cô gái reo lên: - "Mười lăm năm nay con ngày ngày lắng nghe hơi thở đều đặn của cha. Nay cha đã dậy, con vui mừng biết mấy".
Ông già ngơ ngác nhìn trứng thần bấy giờ đã thành một hòn núi đá to lớn, cỏ cây đã rậm rạp, chim chóc thú vật đã đến sinh hoạt nhộn nhịp. Móng rùa vẫn còn ở đầu giường. Ông vội cầm lấy để vào tai. Móng rùa mách đường cho ông già và cô gái ra khỏi hang và cho biết phải làm những việc gì.
Từ đây ông già lại có thêm chức trách dạy dỗ săn sóc cô gái của Long Quân. Trong khi đó, chim chóc và thú rừng đến quấn quýt bên cạnh hai người. Bọn mục đồng cũng không quên lui tới làm quen với bọn họ.
Một hôm có một đội quân không hiểu từ đâu lại, mặt mũi hung ác, gươm tuốt sáng lòe, đến bổ vây chiếm lấy hòn núi mới. Bọn chúng xô tới định bắt cả trẻ lẫn già đi, nhưng móng rùa đã làm cho chúng chết không kịp ngáp. Cả một vòng lửa rất dày ùn ùn bốc lên vây lấy chúng và chẳng cho một tên nào chạy thoát.
Thấy núi và người bỗng dưng xuất hiện ở địa phương mình, nhân dân quanh vùng cho là một sự lạ chưa từng có. Tin là tiên xuống trần cứu dân, họ đến gặp cô gái và ông già để xin thuốc và cầu khẩn mọi việc. Thấy họ cần dùng thuốc, cô gái lấy những mảnh đá có mầu xanh, đỏ sáng, buộc lại với nhau rồi ném ra chung quanh chỗ ngồi. Trên mặt đất bỗng mọc lên một loài cây có hoa năm cánh dùng để chữa bệnh sốt rét rất hiệu nghiệm. Người ta đua nhau đi hái hoa đó về chữa bệnh. Họ gọi là hoa Tứ quý. Tiếng đồn thổi mỗi ngày một rộng. Ai ai cũng nhắc đến nàng tiên bé nhỏ với một tấm lòng trìu mến.
Sau đó chẳng bao lâu, nhà vua nghe tin có nàng tiên xinh đẹp, bèn sai quan quân mang lễ vật đến cầu hôn cho hoàng tử. Khi sứ giả đến thì trông thấy một già một trẻ đang đánh cờ "gánh" trên tảng đá lớn. Sứ giả bước vào đệ trình lễ vật và quốc thư. Giữa khi ông cụ già lúng túng chưa biết nên xử trí thế nào thì rùa vàng đã từ dưới biển hiện lên báo tin cho ông biết là Long Quân đã bằng lòng gả. Từ đây núi vắng người tiên. Cô gái từ biệt cha nuôi lên kiệu đi theo sứ giả, có mấy trăm quân sĩ theo hầu. Còn ông già trả móng lại cho rùa thần rồi cưỡi lên lưng rùa đi biệt.
Ngày nay hòn núi đá ấy vẫn hãy còn. Nó là hòn núi đẹp nhất nổi lên ở bờ biển Quảng Nam. Người ta gọi nó là núi Ngũ Hành. ở phía tây núi có sông Vĩnh Điện chảy ra cửa Hàn. Người ta bảo sông đó cũng như sông Cẩm Lệ, sông Hàn đều do bà vợ Long Quân vô tình làm ra trong khi quằn quại ở cữ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top