nói thật mới là bé ngoan, phải không nào?
Gerne: Oneshot! Fluff, Daily life/ School life, HE.
Word count: 4125
;
Chwe Hansol tự thấy mình là một người rất thẳng thắn, nhưng lại chẳng hiểu vì sao đức tính vốn được coi là vàng thau trong cuộc sống bùn đất lẫn lộn này lại mang đến cho mình nhiều rắc rối đến thế.
Hồi còn bé, dù vẫn được dạy "làm người nên trung thực", nhưng lại không được chỉ bảo đến nơi đến chốn cách áp dụng, Hansol hay lỡ miệng nói những câu làm mất lòng người xung quanh. Có một lần khi em gái lén mẹ mang một chú mèo về nuôi, Sofia đã nhìn cậu bằng ánh mắt ướt sũng tội nghiệp biết bao:
"Anh Hansol, đừng nói cho mẹ biết nhé, xin anh đấy!"
Tất nhiên Hansol thương em gái nhất trên đời, nhưng cậu cũng biết chuyện này là trái lời mẹ dặn. Còn nữa, căn nhà hiện tại vốn không quá rộng rãi, tiếng mèo kêu và hành động lén lút của Sofia sẽ nhanh chóng bị phát hiện, khi đó chẳng những em bị phạt mà cậu cũng liên lụy theo, dù cậu vốn không có chủ đích bao che cho em ngay từ đầu. Nhưng Sofia là một cô bé, nói đáng yêu thì rất đáng yêu, mà cứng đầu thì chắc không ai bằng. Nhìn em gái hết tỏ vẻ tội nghiệp rồi bày ra bộ dạng "anh ghét em đúng không", Hansol nghĩ, hay là nốt một lần này.
Nhưng bạn biết đấy, muốn uốn cong một cái cây thẳng tắp cần thời gian dài hơi và sự tỉ mỉ của người thợ làm vườn – những thứ mà một cô bé như Sofia không có.
Ngay bữa cơm hôm ấy, ngay khi Hansol thốt lên ba chữ "mèo của Sofia" trong bữa cơm, cậu điếng người và phải chịu cùng một lúc ba ánh mắt: sự đau lòng của em gái, cơn thịnh nộ của bố và sự khiển trách nhẹ nhàng của mẹ. Cho đến tận bây giờ, con mèo hoang được nuôi giấu trong tủ sách đã trở thành một "điển tích" kinh điển gắn với Hansol trong những câu chuyện của Sofia, mẹ và bố với những người đến chơi nhà.
Cho đến lúc ấy, đối với "tai nạn" của mình, dù cảm thấy có lỗi vô cùng với em gái, Hansol vẫn không cảm thấy việc mình nói thế là sai. Nửa đêm, Hansol nhỏ nghĩ mãi không hiểu, nên đã đứng gõ cửa phòng bố mẹ. Mẹ cậu – dù đã rất buồn ngủ - vẫn kiên nhẫn giải thích cho đứa con:
"Ừm... Hansol này, mẹ biết là con thấy có lỗi với em, nhưng mẹ nghĩ con làm như thế là không có gì đáng trách cả. Con đã làm đúng lời bố mẹ dạy là phải nói lên sự thật trong mọi tình huống. Con đã thẳng thắn – dù là con có chủ ý làm vậy hay chỉ là lỡ miệng nói ra. Tất nhiên, khi con lớn lên, mọi thứ sẽ không như những gì con được dạy, nhưng bố mẹ vẫn muốn con là một cậu bé ngoan, biết dũng cảm nói lên suy nghĩ ngay cả khi điều đó làm mất lòng người khác. Rồi đến một lúc nào đó con sẽ hiểu được thôi, được chứ?"
Hansol vẫn chưa, nhưng giọng nói mềm xốp như bông của mẹ làm cậu cảm thấy dễ chịu hẳn, và cậu đáp một cách rụt rè, "Vâng ạ."
Khi ấy Hansol mới chỉ là một cậu bé tám tuổi được thụ hưởng nền giáo dục home-schooling, nên những gì bố mẹ nói trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời sau này của cậu. Hai năm sau, vào đêm trước ngày nhập học cấp hai, mẹ hôn trán cậu và nói, "Ngày mai con đến trường, sẽ có thầy cô và bạn bè cùng tuổi, thậm chí lớn hơn con nữa. Nhưng con đừng sợ mà hãy cố gắng cư xử thật tốt với mọi người nhé. Mẹ tin là con sẽ làm được thôi, Hansol nhà chúng ta rất hiểu chuyện, phải không nào?"
Hansol năm mười tuổi đọc được đâu đó trong ánh mắt mẹ sự lo lắng không nỡ buông tay cậu, nhưng thoáng qua sự kiên định và niềm tin tưởng vào bản thân cậu. Cậu biết ngày hôm sau mình sẽ phải dần học cách tự lập trên con đường đời dài của mình – một ý nghĩ xa lạ đối với những đứa trẻ tầm tuổi này. Cậu cảm thấy mình giống như một con chim non khát khao rời tổ đi đến miền đất mới, nhưng có lẽ đi được nửa đường lại khao khát chốn dừng chân. Chỉ ngày mai thôi, một cánh cửa mới sẽ mở ra, nơi vòng tay gia đình không còn là duy nhất.
Chỉ ngày mai thôi,... Hansol tự nhủ thế và chìm vào giấc ngủ.
Lần nói thật đầu tiên của Hansol là lúc cậu làm bài văn của mình, đề bài là: Hãy miêu tả thành phố mà em đang sinh sống. Thành phố N không được tính là đẹp lắm nếu xét theo thang tiêu chuẩn, nhưng Hansol nghĩ nó cũng không quá tệ. Thế nên, thay vì ca ngợi cảnh đẹp thành phố, Hansol đã viết như sau:
"Thành phố N có một dáng của một thiếu nữ vừa trải qua một cuộc đại phẫu thẩm mĩ. Chỉ cần bước chân ra khỏi nhà, ta có thể thấy hàng loạt những con đường đang trong quá trình thi công với những rãnh đào ngang dọc ngoằn ngoèo đã trở thành thử thách đối với những phương tiện có vấn đề về giảm xóc. Vào những ngày đẹp trời, chúng lộ ra như những đường chỉ tạm thời trên gương mặt mà ngày tháo chỉ vẫn còn rất xa. Vào những ngày mưa tầm tã của mùa hạ, nước lấp đầy những khe hở, khiến cho mặt đường như một hồ nước phẳng lặng sẵn sàng đánh úp những người lơ đễnh lại còn phóng nhanh, vượt ẩu. Phóng tầm mắt ra xa hơn, ta sẽ thấy xen kẽ giữa những tòa tháp cao chọc trời hay những trụ sở bề thế là những biển quảng cáo lộn xộn chiếm hơn nửa diện tích mặt tiền của những căn nhà lụp xụp dẫn đường vào khu dân cư đông đúc và lộn xộn. Nhưng không sao, chỉ cần nhìn xuống từ trên cao, cảnh đẹp của thành phố sẽ làm ta choáng ngợp ngay, bởi nó có triển vọng trở nên xinh đẹp sau thẩm mĩ. Hẳn những nhà quy hoạch đô thị cũng nhìn từ góc này mà cho ra những bản vẽ, và họ cũng nghĩ rằng, thành phố hẳn sẽ lột xác sau một đêm chăng?"
Hansol đã nghĩ đây hẳn là một tuyệt tác. So sánh thú vị, bố cục logic, hành văn trôi chảy, quan trọng nhất là vẫn tạo nên một "vẻ đẹp" mới mẻ của thành phố mà không phải là "nên thơ" hay "cổ kính".
Thế nên khi bị gọi vào văn phòng giáo viên, Hansol vẫn cứ nghĩ mình được khen.
Nhưng cậu nào phải Sartre.
"Em đang nghĩ gì khi viết bài văn này, Hansol?" Cô giáo đẩy đẩy gọng kính, chăm chú lật đi lật lại bài kiểm tra của cậu như thật sự muốn tìm hiểu về cô gái phẫu thuật thẩm mĩ.
Hansol đáp, chắc nịch, "Em nghĩ đây là một ý tưởng thú vị, thưa cô."
"Chà chà..." cô giáo lẩm bẩm, "... thú vị hẳn là một từ thích hợp, nhỉ? Nhưng cô rất tiếc phải nói cho em biết rằng trước khi em đủ tầm làm một nhà văn, bằng không bài viết này của em sẽ phải sửa lại theo hướng phổ thông thôi. Ý cô là... chắc em hiểu cô đang nói gì chứ nhỉ?"
"Không, thưa cô. Phổ thông..." Hansol đánh vần từng chữ, "nghĩa là gì ạ?"
Cô giáo uống một ngụm nước lớn để không làm khô lớp da đang xô lệch vì cơ mặt nhăn nhó, "Tức là em hãy viết thành phố này đẹp lắm, vì những hồ nước trong xanh cá bơi lội tung tăng này, những buổi sáng sương bảng lảng rơi trên vỉa hè lát gạch đỏ cổ kính này, cả những hàng cây xanh mướt đẫm nước sau cơn mưa và những người dân đáng yêu, dễ mến nữa."
"Và đừng nhắc đến phẫu thuật thẩm mỹ gì hết, lạy Chúa tôi. Nhớ nhé, Hansol."
Khi ngồi vào bàn và bắt đầu bản viết thứ hai, Hansol đã tự nhủ với bản thân mình phải hơn mười lần, "Được rồi, vì đây là văn học, nên buộc phải hư cấu ra những điều đẹp đẽ hay sao? Hay là tại vì sự sáng tạo đã trở nên vô nghĩa trong môi trường học đường phổ thông vậy? Vì sao ta lại phải nói dối và viết lên giấy những tư duy trái ngược với bản thân ta? Phải chăng đó là mục đích của văn chương, làm hư nhuyễn đời sống tinh thần của con người?"
Sau lần đó, Hansol học được cách viết sao cho giáo viên hài lòng, dù đó có thể không phải là những gì mà cậu thực sự nghĩ. Cậu không thích cách tác giả A miêu tả khung cảnh vì cho rằng nó quá rườm rà, nhưng khi cậu đặt bút xuống lại là một câu khen ngợi rằng đây quả là bút pháp tả cảnh tuyệt vời. Tương tự như thế, dù Hansol có thích nhân vật B, cậu vẫn phải viết rằng chị của B mới là người đáng thương hơn cả.
Điều đó làm cậu phiền lòng hết sức, nhưng cậu lại chẳng biết tại sao.
Lần nói thật thứ hai của Hansol đến cách đó ba năm – khi cậu đang ở trong phòng thi của cuộc thi vào trung học, một cuộc sát hạch năng lực toàn quốc với tỉ lệ chọi ngang ngửa thi đại học.
Cậu đã chuẩn bị cho cuộc thi này suốt bốn năm, bốn năm dài đẵng đẵng được đánh giá bằng một bài kiểm tra hai trang giấy chỉ cho cậu hai lựa chọn: đỗ hoặc trượt. Phải, Hansol đăng kí thi vào một trường cấp ba năng khiếu có danh tiếng, có thể cho cậu vào một tương lai rộng mở. Cậu thực sự nghiêm túc với lựa chọn của mình và cũng biết phải cố gắng sao cho xứng đáng với lựa chọn ấy.
Khi cậu đang miệt mài giải đề Toán, có một cái chạm nhẹ lên vai trái của cậu. Hansol quay người sang bên cạnh và thấy giám thị số 2 hình như đang cố gắng làm ám hiệu gì đó với mình. Cậu không ngẩng lên nên không thấy được khẩu hình của ông ta, nhưng rõ ràng giữa hai ngón tay của giám thị đang kẹp một tờ giấy. Theo cử động tay, cậu nghĩ mẩu giấy này là để truyền cho người đang ngồi ở góc trong, ngay bên cạnh mình.
Lí trí của Hansol hò hét khiến cậu quên mất phương pháp giải câu số 5, và không thể tập trung vào các câu còn lại nữa. Cậu chắc rằng nếu tờ giấy được đưa trót lọt, cậu sẽ có cơ hội hỏi bài của người bạn kia và chắc một suất vào ngôi trường mơ ước. Giám thị 2 sẽ tạo điều kiện cho cậu làm điều đó. Mấy năm đi học, cậu thấy cảnh này cũng quen mắt rồi. Nhưng có cái gì đó đã ngăn cậu lại. Đôi tay cầm bút của cậu như được đóng ghim trên bàn. Cậu loáng thoáng nghe thấy tiếng mẹ bên tai, xen lẫn với tiếng của cô giáo dạy Văn hôm nào.
"Tất nhiên, khi con lớn lên, mọi thứ sẽ không như những gì con được dạy, nhưng bố mẹ vẫn muốn con là một cậu bé ngoan, biết dũng cảm nói lên suy nghĩ ngay cả khi điều đó làm mất lòng người khác..."
"Hãy thật biết điều, được chứ? Và phổ thông thôi..."
Không, Hansol nghĩ. Cậu không thể cầm lấy tờ giấy đó. Cậu biết, nếu không bị bắt, cậu sẽ gián tiếp tiếp tay cho gian lận trong thi cử. Nhưng nếu bị bắt được, không chỉ là một biên bản vi phạm, tương lai của cậu như thế là đi đời.
Vì vậy, Hansol quyết định im lặng. Cậu cố gắng tập trung vào câu số 5 và các câu khác. Chưa bao giờ cậu thấy thời gian trôi qua chậm thế. Người kia vẫn cố gắng thử với vài cái vỗ vai khác, nhưng Hansol ngồi im như một hòn đá. Ánh mắt của người bạn bên cạnh thiêu đốt cậu, nhưng cậu cố gắng làm ngơ.
Buổi tối hôm đó, Hansol mới chợt nghĩ ra, biết đâu người bạn đó cũng muốn vào được ngôi trường mơ ước và làm như vậy có khi nào sẽ giết chết giấc mơ của người ta hay sao?
Chưa một lần nào trong cuộc đời trung thực này, Hansol thấy mình khó xử đến mức đó. Dù cậu vẫn tin mình làm vậy là đúng, nhưng dù sao, cậu vẫn cảm thấy bối rối một cách khổ sở.
Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng cũng đến lúc Hansol bắt đầu chương trình học tại ngôi trường mà cậu luôn ao ước. Bạn cùng bàn cấp ba của Hansol tên là Boo Seungkwan – một cậu bé có đôi má hồng đáng yêu như những chú thỏ giã gạo nếp trên mặt trăng.
Seungkwan hay quên đồ đạc nên thường hỏi mượn của Hansol, nhưng sau đó chẳng may đã làm mất vài món đồ. Đối với Hansol, những thứ đó cũng không quá quan trọng, như cục tẩy hay cái bút chì, nhưng Seungkwan mấy ngày sau liền mua đền cho cậu làm cậu rất ngạc nhiên. Vừa nói, Seungkwan vừa đỏ hết mặt lên, trông vừa đáng thương vừa buồn cười, "Tớ không nên làm mất đồ của cậu, bạn học Chwe. Tha thứ cho tớ nhé?"
Hansol cười mà đáp, "Gọi tớ là Hansol thôi. Tớ không để bụng đâu, nhưng này Seungkwan, sao cậu lại hay thiếu đồ dùng thế?"
Seungkwan hình như không lường trước được câu hỏi này, vầng dương trên má càng thêm chói lọi, "Tại... tại... tính tớ hay quên ấy, để đâu là chẳng nhớ được luôn."
"Vậy thì thế này, hộp bút của tớ vẫn còn rộng lắm, tớ sẽ giữ hộ cậu đồ dùng học tập cho."
"Được... được chứ?" Seungkwan rụt rè đáp.
Vẫn giữ nụ cười trên môi, Hansol kéo cậu ta vào ghế ngồi, "Được! Ngồi đi, giáo viên vào lớp rồi kìa."
Thật ra ngoài lúc ấp úng ban đầu, Seungkwan là một cậu bé hoạt ngôn, thậm chí còn nói hơi nhiều. Sau sự kiện hộp bút đó, gần như tất cả các loại bút của Seungkwan đều được đánh dấu tên và để trong hộp bút của Hansol. Mỗi ngày lên lớp đều có đủ đồ, không phải đi mượn tứ tung của bạn làm cậu vui vẻ hết sức. Thế là hai người trở thành bạn thân – hoặc là do hoàn cảnh bắt buộc phải thế. Seungkwan bám theo Hansol gần như là cả ngày, đi đâu cũng đòi đi theo, cả ngày quẩn quanh huyên thuyên đủ thứ chuyện như một cái đuôi nghịch ngợm nhưng lại chẳng chút phiền phức.
Hôm đó, cả lớp được giao viết một bài luận về "Lòng trung thực". Hansol, thú thực mà nói, sau quá nhiều lần viết không đúng ý giáo viên, giờ như chim sợ cành cong, không dám viết "thật" thêm một lần nào nữa. Seungkwan vẫn đang vật lộn với những suy nghĩ – ngoại trừ hoạt ngôn ra, người này còn quá sức hiếu động, không thể ngồi yên lúc nào.
"Cậu đang nghĩ gì vậy Hansol?"
Hansol đáp, "Một số chuyện trong quá khứ."
"Cậu biết không, Hansol." Seungkwan dừng việc lăn lộn trong mớ suy nghĩ lại, hắng giọng nói, "Tớ nghe bạn kể về một người, trong một cuộc thi quan trọng, đã dũng cảm không tiếp tay cho hành vi gian lận thi cử, dù rõ ràng cậu ta có thể làm thế vì lợi ích cá nhân. Lúc đó, dù không biết người kia là ai, nhưng tớ vẫn cảm thấy điều đó là đúng đắn. Nếu là tớ, tớ cũng sẽ làm như vậy, nhưng sẽ làm sao đây khi người giám thị kia vì không đạt được mục đích mà trút giận lên tớ chứ? Nhưng người đó không quan tâm đến những chuyện như vậy, tớ cảm thấy được điều đó, cách mà cậu ấy không phản hồi lại giống như là đánh vào bông. Tưởng là mềm, hóa ra lại cứng rắn hơn bất cứ biện pháp nào khác."
Cây bút trên tay Hansol khựng lại, rồi lăn dọc theo bàn và rơi xuống sàn, phát ra tiếng "cạch" nhỏ.
Phút chốc, không ai nói gì. Seungkwan lại mải mê với bài văn, tưởng rằng Hansol không hứng thú, nhưng thực ra Hansol cũng đang lăn lộn trong mớ bông gòn mềm oặt của bản thân mình.
Theo Jean-Paul Sartre, cha đẻ của thuyết Hiện Sinh, "Con người không chỉ như anh ta tự quan niệm, mà còn như anh ta muốn, như anh ta tự quan niệm sau khi đã sống, và như anh ta muốn sau khi ước ao được sống; con người không là gì khác ngoài cái mà bản thân anh ta tự làm nên. Đó là nguyên tắc đầu tiên của thuyết Hiện sinh. (...) Khi nói rằng con người tự lựa chọn, chúng tôi muốn nói rằng mỗi người trong chúng ta tự lựa chọn bản thân mình, nhưng đồng thời có nghĩa là trong khi tự lựa chọn, mỗi cá nhân tự lựa chọn toàn thể loài người. Thật vậy, mỗi hành động vừa làm nên người mà ta muốn trở thành, vừa tạo nên một hình ảnh của con người mà ta cho là lý tưởng. Lựa chọn cũng có nghĩa là khẳng định giá trị của cái mà ta lựa chọn, bởi ta không bao giờ có thể chọn điều ác; điều mà chúng ta chọn bao giờ cũng là điều thiện, và không có điều nào tốt cho chúng ta mà lại không tốt cho tất cả loài người."
Giáo viên hắng giọng đọc một đoạn trong bài văn.
"Bởi vậy, tuy trung thực là đức tính nên có của một con người, sự biến đổi của thế giới không cho phép một thứ gì thẳng thắn tồn tại quá lâu. Con người buộc phải đứng giữa hai lựa chọn: một là nhất quyết giữ lí tưởng, hai là buộc phải thay đổi để thích nghi. Sự trung thực và thành thật trong cuộc sống hiện nay tuy đáng quý, nhưng cũng phải hòa hợp với các quy tắc xã hội và chuẩn mực cư xử khác. Đó mới đúng là sự dũng cảm chân chính – kiên quyết bảo vệ bản sắc của mình trong khi ứng biến nhanh nhạy với thời đại."
Vừa đọc dứt câu, cả lớp liền vỗ tay ào ào.
Hansol ngồi gần cuối lớp, hứng trọn ánh nhìn của thầy và các bạn, cùng một câu ngợi khen mà cậu sẽ nhớ mãi suốt đời, "Tốt lắm, trò Chwe. Bài viết có sự dung hòa của các quan điểm, thể hiện lập luận sắc bén và tư duy đổi mới. Các em biết đấy, trong cuộc sống này không có điều gì là tuyệt đối, và suy cho cùng, sống ở đời là phải tìm cách dung hoà các nguyên tắc cá nhân và các nguyên tắc xã hội, từ đó mới đảm bảo sự tự do tuyệt đối của bản thân."
Cuối giờ học, Seungkwan và cậu sóng bước đi về trên dãy hành lang lác đác người. Cậu ấy nói, giọng phấn khích cứ như thể người đạt điểm gần như là tuyệt đối là chính mình chứ không phải Hansol, "Tuyệt quá Hansol! Lát làm hai cây kem chứ hả, trời ơi, thích chết đi được, chưa ai được thầy khen như thế đâu nhé."
Hansol nhéo cái má của bạn, "Biết rồi, đừng ồn ào nữa Seungkwan! Chỉ là một lần may mắn thôi."
Hai người vô thức đi lại gần nhau, hai cái bóng mờ hắt trên đường có lúc song song, rồi lại càng gần, nhập nhòe như muốn lồng vào nhau. Dạo gần đây, Hansol có thể cảm nhận được rằng hình như đang có một số thay đổi ngầm diễn ra trong mối quan hệ của hai người. Seungkwan không còn nằng nặc đòi đi theo cậu khắp nơi nữa – cậu bé có đôi má quả đào hay nói hay cười giờ đứng trước Hansol là tắt cả tiếng, chỉ có đôi mắt vẫn láo liên đảo khắp xung quanh. Hansol năm mười tuổi đọc được ánh mắt của mẹ, nhưng Hansol mười bảy tuổi lại không biết lí giải ánh mắt của người bạn thân ngay bên cạnh mình. Liệu đó là gì nhỉ, sự ngượng ngùng này, nét bối rối mỗi khi chạm mắt, những lời ngập ngừng ẩn ý ấy. Hansol lần đầu tiên không dám thẳng thắn, không dám thừa nhận nhịp tim đập bất thường trong lồng ngực mình, và cả nỗi thao thức khó hiểu, nôn nao bồn chồn mỗi khi không được gặp Seungkwan. Khác với cảm giác tội lỗi trào dâng với Sofia hay cảm giác kìm nén bức bối khi viết bài văn tả thành phố, hay lúc vui sướng khi được khen trước mặt cả lớp. Đây là hỗn hợp phức tạp và đa đoan hơn nhiều, hòa trộn của những cảm xúc tươi sáng và u tối đó.
Seungkwan bẻ cây kem làm đôi và đưa cho Hansol một nửa. Vị dưa lưới bạc hà đem cậu trở lại thực tại, song đó cũng là lúc Hansol để ý đến đôi môi căng mọng của người bạn thân.
Gì đây nhỉ, cảm giác lạ lẫm này?
Đường phố đã lên đèn từ lâu. Hai người chậm rãi ăn kem, mỗi người theo đuổi một dòng suy nghĩ riêng.
Cho đến khi có ai đó đánh tiếng. Ai đó là Seungkwan.
"Hansol này, tớ thực sự rất thích bài văn của cậu ấy. Nhưng tớ cũng nghĩ là, trong một số trường hợp, dù là nhạy cảm lắm và cần một cách xử lí tinh tế và khéo léo, chúng ta cứ nên thành thật thì sẽ tốt hơn."
Nhíu mày, Hansol nói, "Ý cậu là gì?"
"Ví dụ như là..." Seungkwan cắn một miếng kem, "Nếu tớ thích người này, mà người đó lại chẳng có vẻ gì như là thích tớ, thay vì phá hỏng mối quan hệ thân thiết thì tớ nên im lặng, đúng không? Nhưng tớ lại không muốn làm điều đó."
Một khoảng lặng dài. Hình như Hansol bắt đầu hiểu. Tim cậu tan ra như cây kem dưa lưới vị bạc hà.
"Tớ không muốn tự tay phá hủy mối quan hệ giữa chúng mình bằng tình cảm của riêng tớ, nhưng mà hình như con tim tớ không nghe lời bộ não nữa rồi."
"Mỗi ngày tớ đều thấy mình rất phiền phức, cả ngày phá vỡ tự do của cậu, khiến cậu phải quản tớ như một đứa trẻ con. Tớ nghĩ, nếu lớn lên mà phải nhìn thấy cậu thân thiết cùng những người khác thì tớ cũng chẳng muốn lớn làm gì hết."
"Hansol, tớ thực lòng, vô cùng,... thích cậu."
Khoan đã.
Nếu điều này là thật, vì sao Hansol lại cảm thấy mình như đang bay trên những ngọn mây?
Cậu tung que kem lên trời, nó đáp vào đúng chính giữa thùng rác bên cạnh. Điều này làm Hansol nghĩ đến thần Cupid với mũi tên tình yêu đã ngắm bắn cậu và Seungkwan một cách không thể chuẩn chỉnh hơn được nữa.
"Seungkwan, tớ hiểu tình cảm của cậu. Nhưng..."
... vì bây giờ không thể sửa lại bài văn được nữa, nên tớ chỉ có thể đền cậu bằng cách này thôi. Cái này Hansol không nói. Một mình Seungkwan nói nhiều là đủ rồi. Hansol nghĩ mình chỉ cần hành động thôi. Thẳng thắn có nhiều cách mà, đúng không?
Và cậu hôn lên môi Seungkwan, thay cho câu trả lời.
Vị dưa lưới bạc hà phảng phất, như cách mà trái tim cậu tan ra vậy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top