[Oneshot] Ông kẹ

Năm tôi lên tám, người lớn nói với tôi, đó là ông kẹ. Ông đen thui, đầu tóc quăn bù xù, cả người cao to, cơ bắp chắc nịch, rất khoẻ, đôi chân trần, quần áo nhuốm bùn, bụi, mồ hôi, mưa, quện vào mất hẳn nguyên bản màu vốn có, bết lên một lớp nâu nâu đặc trưng của miền đất đỏ Bazan. Lũ trẻ trong xóm, hễ thấy ông liền chạy tán loạn mà trốn. Có đứa khóc ré lên khi bị hù: "Không ngoan là gọi ông kẹ đến cho vào bao vác đi mất". Ông đứng tựa như bức tượng, chẳng động đậy, nghẹo qua một bên, nghiêng cái đầu, cứ trân trân dòm thẳng vào nhà tôi. Giữa trời nắng chang chang oi bức, chẳng nón, chẳng nhíu mày, cũng chẳng một giọt mồ hôi, ông đứng yên cả tiếng đồng hồ, lâu lâu lại nghẹo người qua phía ngược lại, thật kỳ lạ. Khi đó nhà tôi mở tiệm tạp hoá, mẹ sai tôi xuống lấy ba lon gạo cùng một trái bơ đưa cho ông. Lấy thì lẹ lắm, nhưng trẻ con mà, nhát, không dám đến gần ông kẹ, một tay tôi túm bọc gạo, cố nép người ở sau bóng lưng thân thuộc, níu lấy áo, đẩy kiểu gì cũng không đi. Mẹ tôi hết cách, ngừng bán, đưa thay tôi. Ấn tượng ngày đầu tiên thấy ông của tôi là: ông chẳng lịch sự gì cả, chẳng cảm ơn tiếng nào, thẳng tay giật lấy rồi đi luôn.

Năm tôi lên mười, bóng dáng ông mỗi trưa lại đứng giữa sân nhà tôi chờ gạo trở thành thói quen. Ông cứ đứng đó, hàng giờ liền, có khi còn quỳ xuống, đến lúc nhận được đồ mới rời đi. Nhà tôi chẳng khá giả, chỉ kiếm vài đồng lẻ từ việc buôn bán nhỏ mỗi ngày để mưu sinh. Lại thêm mẹ tôi vốn xưa nhà cực khổ đông anh em không được đi học, đôi khi tính nhẩm, lại hay quên, bị quỵt nợ, bán lỗ vốn rất nhiều lần. Cứ hễ ông đến, khách đều ái ngại mà rời đi cả. Tôi khi đó còn trẻ con, suy nghĩ đơn thuần, có lần giận mẹ sao lại nghĩ cách đuổi ông đi, không cho đồ nữa. Trông ông im lặng, tội tội, người ta nói ông bị điên, hành động kỳ quái, không nói được. Điên nó như thế nào, tôi không rõ, nên không sợ, chỉ thấy thương ông chẳng có đồ mới mặc, chẳng được ăn phải tới nhà tôi, chắc ông đói lắm. Đến một ngày, ông chân chính ngồi vào bàn nước. Tôi thấy lạ, núp sau cửa ngó ra sân nơi bày hàng quán, thấy ông rút từ trong túi áo cũ mèm ra tờ năm nghìn cùng tờ mười nghìn bằng giấy bị vo cục rồi đút lại, ngỏ ý ông có tiền rồi. Ông hay ôm mấy bao tải trên lưng, mẹ tôi nói, ông nhặt ve chai bán. Có lẽ ông vừa bán được đồ, nên vào ăn ở nhà tôi, không phải xin nữa. Ông ú ớ chỉ một ly nước mía, một ổ bánh mì kẹp thịt, một gói thuốc mèo. Mẹ tôi tôn trọng khách, ông đã ngồi vào bàn, ông là khách, liền làm những gì ông cần mua. Ông đút gói thuốc lá vào trong túi, hút chỉ hai ba hơi liền uống sạch cốc nước mía to bự. Đột nhiên, ông vơ lấy ổ bánh mỳ, rồi chạy vụt. Mẹ tôi chạy kéo theo, sức phụ nữ, làm sao đấu nổi với đàn ông, nhất là người lăn lộn bươn trải như ông kẹ. Khi đó ba tôi vào thành phố đi làm, cả tháng mới về một lần, chỉ có hai mẹ con tôi, lần đầu bị giật đồ như vậy, cũng bất lực. Sau lần đó, tôi rất ghét ông. Mẹ tôi cho ông nhiều như vậy, ông lại lấy đồ nhà tôi không trả tiền, tôi được dạy, điều đó gọi là ăn cướp. Tôi gọi ông là ông kẹ ăn cướp. Những bữa sau, mẹ tôi phải để sẵn một cây gậy, vì rất sợ. Lỡ ông lại lao vô lấy đồ chạy đi mất thì như thế nào? Một đứa bé như tôi lại càng sợ hơn. Đi học về trưa liền đứng mép đường đấy ngó nghiêng, thấy bóng ông từ xa là ù chạy vô ré lên, những hôm ba về, ba ra canh quán thay cho mẹ, còn những hôm ba tôi vắng, mẹ tôi cùng tôi phải ngồi giữa sân, tay lăm lăm cây gậy, toát mồ hôi lạnh, tim đập thình thịch, người run bắn. Nhưng là, ông đi ngang, biết điều, không ghé vào nữa.

Năm tôi lên mười bốn, bà ngoại tôi bệnh, mẹ tôi lên Sài Gòn để chăm sóc bà, hàng quán không ai lo, nên dẹp tiệm. Ba tôi vào vườn cả ngày, tối đến mới về, nên gần như tôi sống ở nhà một mình. Tựa như một vết sẹo khó quên, mỗi khi bắt gặp ông kẹ trên đường, tôi đều sợ. Sợ lỡ như ông nhận ra tôi, hồi trước cho ông gạo, sau lại cầm gậy để canh không cho ông đứng xin đồ nữa, ông sẽ đánh tôi, không ai giúp tôi được. Người lớn nói kẻ điên thì hành động bất thường, khùng khùng dại dại hay lên cơn, nên tôi càng sợ. Tôi bắt gặp ông ở gần xóm tôi sống rất nhiều lần, ông hay vác hai bao tải đi ngang qua, ít nhất cũng ba bốn lần trong một ngày. Hình như ông sống gần đây. Có một buổi chiều, ông đi qua, trên lưng vác hai bao nặng trịch, khoác trên người một bộ đồ sạch sẽ, tôi lấy làm lạ. Bác hàng xóm tôi thấy liền chậc chậc hai tiếng: "Lại lấy đồ của ai đó rồi. Bữa nay no rồi." Tâm trí non nớt của tôi hiểu rằng: Ông đi trộm, đi ăn cắp đồ của người khác, hai bao tải kia cũng chứa toàn đồ ăn cắp. Tôi dè bỉu, thân hình to lớn, sức khoẻ kinh người như ông, vì sao không kiếm nghề đàng hoàng mà làm, lại đi làm cái việc khiến người ta ghét bỏ như thế.

Năm tôi lên mười sáu, tôi thấy ông không còn loanh quanh trong xóm, đi xa hơn, có lần ra tới gần trường tôi học cách nhà tận tám cây số. Ông khoẻ thật, đi suốt, nắng hay mưa ông cũng vác bao đi. Nhưng tôi ít thấy ông hơn, thay vì mỗi ngày thấy ba bốn lần, hiện tại, có khi cả tuần vô tình đi trên đường mới thấy ông. Có lẽ là tôi học cả ngày, về liền đóng cửa, không thấy ông là chuyện bình thường. Một hôm, tôi học sáng, đạp xe cạch cạch lên dốc, sương phủ trắng xoá, gần dịp Noel rồi, lạnh cóng, tôi bắt gặp ông co rúc người nằm ngay mép đường khu bãi đất trống. Ông chẳng còn to con như xưa, gầy hẳn, nhưng cao ngòng. Tóc xoăn rối cục lại, dài thòng xuống vai. Bộ đồ ông mặc bê bết bùn, luộm thuộm rách rưới, ướt sương mà dính bẹp vào người. Khu tôi là vùng nông thôn, chẳng có lề nền gạch, hai bên mép đường nhựa bé tí là đất đỏ, đầy đá lẫn thuỷ tinh cùng bùn. Tự nhiên tôi hiểu là ông không có nhà, bao nhiêu năm như vậy màn trời chiếu đất lạnh cóng, không người thân, không gia đình. Tôi chẳng ghét ông nữa, tôi thấy tội cho ông, tội cho một kiếp người. Mẹ tôi nói, ông bị điên, nhưng có sức khoẻ, người ta thuê ông nhưng đều lợi dụng đầu óc ông không minh mẫn, trả cho ông vài đồng chẳng bõ bèn công sức, có khi quỵt luôn tiền. Còn những người đứng đắn, chẳng bao giờ họ thuê một kẻ điên vào làm. Đó là vì sao ông không có nghề, sống lay lắt qua ngày nhờ thứ lấy được đựng trong bao tải, có khi là sắt vụn, có khi là lá chè già hái vội ở vườn người ta.

Năm tôi lên mười bảy, cả xóm tôi đều ghét ông. Năm trước, ông hay vào vườn sau lấy trộm đồ, nhà nào có trồng cây ăn trái cũng bị vặt hết. Đến bây giờ, lũ trẻ con trong vùng hay lén lấy đá ném ông, chửi rủa ông. Hễ ông mệt nằm xuống đất nghỉ, trước sân nhà nào, người lớn ở sân đấy liền cầm gậy ra đuổi đánh ông đi. Lưng ông khoằm xuống hẳn, da sần sùi thô kệch, vẫn bộ dáng bẩn thỉu rách rưới không chịu nổi đó, vác trên lưng hai bao tải, cũng là đồ chôm. Người ta bắt gặp ông hay nằm ở nghĩa địa. Tôi bắt gặp ông trên đường đi học. Hai bao tải của ông không chứa đồ sắt thép nhôm đồng mà ngày trước ông hay bẻ trộm của người khác, thay vào đó là những bó đót tươi, thứ làm ra chổi quét nhà. Hái đót khó lắm, phải leo đồi núi, lủi vào rừng, tìm bụi đót, tước nó ra, không cẩn thận bị lá đót quẹt, sẽ toé máu, rách cả da. Nhưng đó là khó với tôi. Còn ông, da ông chai sạm, thô dày, lủi đi cực kỳ dễ dàng, mau lẹ. Mỗi lần ông vác cũng là cả hai ba chục ký đót tươi. Hình như ai bày ông hái đót, bán có tiền, nên ông mới đi hái.

Năm tôi lên mười tám, một lần thấy ông, tôi bật khóc. Mười năm khinh bỉ ông, thương hại ông, ghét bỏ ông, tôi cảm thấy áy náy day dứt. Bởi vì tôi biết được vì sao ông bị như thế. Trong một lần nói chuyện với ba, tôi kể ba thầy giáo tôi biết tận ba thứ tiếng. Ba tôi cười, nói rằng, khu mình có một người đồng bào, biết đọc, viết, nói tận tám thứ tiếng, hiện đang làm bên thị trấn. Trầm ngâm một lúc, ba tôi kể tiếp, người đồng bào ở đây giỏi lắm, còn một người biết năm thứ tiếng, nói chuyện rất giỏi, là ông tóc xoăn xoăn hồi xưa hay xin gạo nhà mình. Tôi giật mình, ông kẹ á? Chẳng phải ông bị điên sao? Nụ cười ba phảng phất nét buồn. Ba tôi nói, hồi xưa ông ấy cũng làm bên thị trấn, có vợ, có nhà cửa, nói chuyện cực hay, mà trông rất bảnh. Đùng một cái, vợ ông tai nạn chết mất, ông yêu vợ, chịu không nổi cú sốc, nên hoá điên, ngây ngây dại dại như bây giờ. Nhưng trong xóm lại ít ai biết, bởi vì đa số họ chuyển đến ở sau khi ông gặp chuyện chẳng lành đó. Chẳng rõ người thân ở đâu, bỏ rơi ông, để ông tự sinh tự diệt.

Năm tôi mười chín, đi học đại học trên thành phố về lại xóm nghỉ hè. Tôi dạy thêm cho mấy đứa trẻ trong vùng. Trong một buổi học, giờ giải lao, thằng bé lớp mười tôi đang dạy, đột nhiên nhắc về ông. Ông không bị gọi là ông kẹ nữa, thay vào đó, là cái tên "Ông khỉ đột". Cũng phải, dáng ông khom khom, lông tay chân rậm rạp, toàn đi chân đất, tóc quăn bết lại, giống nhất là ở gương mặt, mũi gãy khung miệng lồi ra, hốc mắt sâu hoắm, chân mày gồ cao, da đen sạm, trông như người tiền sử. Lũ trẻ nhao nhao kể cho tôi về ông ấy, nhưng tôi thấy trong ánh mắt tụi nhóc chứa đầy khinh bỉ. Tôi không muốn. Một con người nặng tình đến mức hoá rồ khi người mình yêu thương mất, có mấy ai như thế? Một con người đầy tài năng, vì một chữ tình, đánh đổi một tương lai tươi sáng trở thành bầu trời xám xịt đầy nước bọt dè bỉ, những cái gậy gộc đánh chửi, không ý nghĩa sống. Tôi kể cho đám học trò của tôi nghe điều tôi biết. Tiết học hôm ấy lặng thinh. Về nhà tôi hỏi ba tôi về ông, ba tôi nói vài tháng nay không thấy ông xuất hiện, chẳng biết ông còn sống hay không. Lần cuối ba tôi gặp ông ấy, trông yếu lắm rồi, gầy xọp, đầy thương tích, bước đi nặng nề. Tim tôi đánh thụp một cái, xót xa cho ông.

Năm tôi gần hai mươi tuổi, tôi đang gõ những dòng chữ này, nghĩ về ông, khóc vì ông, một con người xa lạ, một người dưng trong đời của tôi. Tôi và ông chẳng có bất cứ mối quan hệ nào cả. Tôi cần một câu chuyện, đột nhiên, hình ảnh của ông xuất hiện trong đầu tôi. Bóng dáng kham khổ, đôi mắt luôn ánh nét buồn mà trước giờ tôi quá ngốc, quá trẻ con để nhận thấy. Tôi kính nể ông, khâm phục ông. Nơi tôi lớn lên là vùng nông thôn, điều kiện học tập rất hiếm, đặc biệt là người đồng bào lại ít đi học hơn, nhưng ông lại có vốn từ ngoại ngữ siêu đẳng. Nhưng điều tôi băn khoăn nhất: Phải yêu thương đến tận cùng gan tuỷ như thế nào ông mới trở nên mất lý trí như vậy đây? Riêng điều đó, hình tượng của ông trong mắt tôi bỗng chốc quá lớn lao. Thế gian được mấy ai yêu người bầu bạn bên cạnh sâu nặng như ông? Không biết đêm nay ông ngủ ở đâu? Có lẽ vẫn là nền đất lạnh ướt át dơ bẩn. Chẳng rõ đã bao lâu rồi ông được ăn? Ông có đói không, lạnh không, mệt mỏi không? Ông đã mất, hay vẫn còn tồn tại trong trạng thái ngây dại lê lết qua những tháng ngày không nắng ấm? Cái chết mang đến bao nhiêu đau đớn, nhưng một góc nào đó, tôi lại nghĩ, biết đâu, đó là sự giải thoát cho ông? Hơn mười hai năm ông chịu đựng sự dày vò không lối thoát, sự tra tấn dã man của cuộc đời rồi, chẳng ai quan tâm, không ai thương xót, cũng không có nơi chốn để về. Ở thế giới bên kia, có vợ ông, người ông yêu thương nhất đang chờ.

Mỗi mảnh đời, mỗi số phận, chẳng ai có thể khinh bỉ ai. Đằng sau những con người luôn có những câu chuyện riêng của họ. Có hạnh phúc, có nỗi đau, có sự mất mát, thiệt thòi. Đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Người điên vẫn là con người. Họ từng sống có mục đích, họ từng yêu thương, trước khi trở thành vô hồn hứng chịu miệt thị của xã hội. Tôi nghĩ về ông, ông kẹ. Chúc ông sớm có một lối thoát riêng cho chính mình.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top