Hồi Hương

Báo đài đưa tin rần rần.

Người ta toàn nói tiếng Anh, tôi lại không thạo thứ ngoại ngữ tạo kinh tế ấy nên nghe chẳng được nhiều. Chẳng hiểu sao ban đầu tôi gan thế, nói đi là đi, đầu rỗng tuếch chẳng mang theo thứ gì. Hoạch định tôi vẽ sẵn trở nên vô nghĩa vào cái thời khắc cánh cửa đóng lại, và lầm rầm là tiếng khóa, tiếng sắt va vào nhau.

Tôi tự trấn an như cái cách người ta hay làm khi biết mình chẳng còn lối thoát. Tôi nghĩ, đến nơi rồi luyện nói luyện nghe vẫn kịp. Tôi nghĩ, đến nơi rồi tranh thủ lo chuyện tiền nong, bữa đực bữa cái cho qua để đổi ngày cuối cùng no ấm. Tôi nghĩ, xứ sở ấy không có giá lạnh. Tôi nghĩ, miền đất hứa của đoàn di dân chắc cũng như vương quốc xa xôi trong đầu tôi lúc này, hoặc gần như thế. Tôi không dám nghĩ chuyện trở về, sợ linh hồn mình bỏng lạnh và tím bầm trước khi nó tan vào hư vô. Tôi nghĩ... Tôi đã nghĩ cho đến khi mình không nghĩ được nữa.

Lúc khởi hành, phải kềm chế lắm tôi mới không nhào đến đập uỳnh uỳnh vào container. Tôi để việc điên khùng, viển vông ấy chạy trong đầu như bộ phim kinh dị tua nhanh, rồi xoa hai tay áp vào má thô ráp, tiếp tục suy nghĩ. Lạnh đến tê cóng, mất cả cảm giác. Có khi nơi này còn lạnh hơn giá rét hai mươi mấy mùa đông cộng lại. Ba mươi tám người đi cùng tôi không ai dám mặc dày, mặc nhiều. Chỉ cần thân nhiệt cao, máy quét sẽ phát hiện. Có những người to con còn phải cởi trần. Chúng tôi ngồi cạnh nhau như ba mươi chín cái xác đông lạnh, trong tịch lặng và tối đen.

Cái gì trong này cũng trì trệ, kể cả hơi thở, kể cả sự sống. Chỉ suy nghĩ là không. Chuyện đã qua mấy ngày, trong nước rộ lên những đớn đau và tủi hổ. Tôi hay việc này khi nhóm phóng viên đồng hương ghé đến lấy tin. Tôi lượn lờ quanh họ, há miệng, giang tay. Tôi muốn kể với họ về cái lạnh trong đó, lạnh đến mức không biết thế nào là lạnh. Tôi muốn ôm siết lấy họ mà khóc, để nước mắt bới móc ra hết tất cả những gì dồn nén trong lòng. Tất cả những gì sót lại sau những đêm đêm ngày ngày đằng đẵng không phải cái lạnh, mà là nỗi kinh hoàng khi bị chết chóc bủa vây.

Không một tia sáng. Âm thanh nhỏ vụn, rơi rớt. Ba mươi chín người không nói với nhau bao nhiêu câu, để mặc bất an và hơi thở tử thần từ từ lèn chặt cái thùng tù túng. Ít ai dùng điện thoại dù pin và số dư tài khoản còn nhiều. Tôi thấy khó thở lạ, mấy lần lấy di động ra muốn gửi một cái tin đi, một cái tin không báo bình an như bao tin trước, nhưng rồi cất lại.

Sinh nhật tôi sắp đến, trong tháng mười. Ngồi trong container, tôi đếm từng ngày tới chừng đầu óc lạnh đông. Tôi nhớ, nhớ lắm. Tôi muốn tông cửa mà ra, muốn gào lên để người ta thả tôi khỏi cảnh như tù đày mà chính tôi lựa chọn. Sinh nhật, tôi chỉ thèm một que kem ngày xưa tôi vừa ăn vừa kêu buốt răng nứu. Tôi chỉ thèm cái lạnh mỗi khi thò chân khỏi chăn giữa đêm đông. Tôi thèm một bát cơm nóng mềm mềm phả hơi đầy mặt làm tôi cay mắt. Tôi thèm tay mẹ, tay ba, tay từng người đã dìu tôi qua bờ suốt hai mươi mấy năm qua, để tôi một lần dại dột đi tìm bến trong cái lạnh âm hai lăm độ.

Sinh nhật, tôi thèm từng tấc ấm lạnh quê nhà.

Rồi người đầu tiên chết.

Chúng tôi không thấy anh hồi sắp ra đi thế nào, chỉ biết sờ soạng, ôm rịt lấy thân người sắp thành thây cho đến khi bật đèn pin. Anh nói muốn nghe nhạc, và vắt kiệt điện thoại để bật bài "Lòng mẹ" anh nhớ thương bấy lâu. Người anh tím bầm, tóc tai đông cứng. Môi anh khô, nứt nẻ những máu, và xương hàm không mở rộng được để trăng trối trọn câu.

Một... hai... rồi ba... Tiếng thút thít khẽ dậy. Container chất chồng hơi thở chết chóc. Chúng tôi không đến gần nhau vì sợ ngộp, cứ ngồi xa xa mà khóc, để tiếng khóc ôm lấy nhau. Nước mắt rơi, như đông cứng ngay trên da mặt. Khủng hoảng và kiệt quệ túa ra, ăn mòn đầu óc. Tôi không nghĩ, không nhớ được gì nữa. Bài nhạc cứ phát đến lúc điện thoại tắt nguồn.

Người đầu tiên chết. Người thứ hai, thứ ba chết. Người thứ năm, thứ bảy, thứ mười một, thứ hai mươi... chết. Chết. Chết rồi chết. Trong vòng hai ngày, ba mươi chín người chết quá nửa vì ngộp, vì lạnh và vì sợ. Xung quanh những kẻ còn lại là thi thể, lặng tờ và chết chóc, là chút không khí ít ỏi đang đông đặc dần trong bóng tối, là hi vọng viển vông rằng sẽ cầm cự được đến khi xe dừng và cánh cửa mở toang, là những linh hồn cũng khắc khổ, đau đớn hệt như mình.

Người lớn nhất chết. Thiếu niên nhỏ nhất chết. Người hay cười nhất không còn. Người trầm lặng nhất ra đi. Người bi quan nhất ngủ vùi. Người lạc quan nhất chẳng còn thở để động viên, an ủi.

Tôi là người cuối cùng sống sót, cũng là người cuối cùng hi vọng trong tuyệt vọng đến lúc nhắm mắt.

Tôi thấy mẹ tôi, thấy ba tôi và những bạn bè từ lâu xa vắng, thấy đồng xanh, nương bãi và cánh chim uể oải những chiều. Tôi thấy cột khói đốt đồng, thấy mùi rơm rạ sực lên trong nắng cháy, thấy một sớm mai tờ mờ sương vây và những ngày mưa lầm mưa lũi. Tôi thấy bát cơm nóng hổi, mớ rau luộc xanh mướt, món mắm cá rạo rực hương quê nhà. Tôi thấy tiếng đàn kìm, đàn nhị, tiếng sáo, tiếng mõ. Tôi thấy một cánh diều vướng vào dây được người ta cẩn thận gỡ xuống, lại tung bay...

Ảo ảnh không chỉ có trong sa mạc, giữa thênh thang và bỏng rẫy mà ảo ảnh còn có trong lạnh căm, buốt giá, tù túng và tối tăm.

Điện thoại sáng đèn. Hai ba tháng mười. Sóng điện thoại yếu ớt bắt được một tin hỏi thăm bên kia của mẹ. Bạn bè gửi những nhãn dán chúc mừng sinh nhật, và tôi cũng chẳng biết những nhãn dán ấy trông như thế nào. Tôi run tay nhắn những dòng cuối rời rạc. Mẹ ơi, ra nước ngoài không thành. Con xin lỗi mẹ ơi. Con thương, con nhớ ba nhớ mẹ nhiều lắm. Con đang chết vì không thở được...

Tôi buông điện thoại, trong đầu là ba mươi tám cái xác và cơ thể mình cũng tím tái, bầm hết cả vì lạnh. Đường thở, cổ họng tôi tắc nghẽn, đau đớn lơi dần nhưng vẫn không có ánh sáng nào lọt vào.

Mẹ ơi, con không đi nữa. Con muốn về với mẹ, được không?

Chuỗi ngày tuyệt vọng cuối cùng cũng kết thúc. Miền đất hứa mở ra trước mắt khi chúng tôi đánh mất xác thân chính mình. Người ta phát hiện và đưa chúng tôi vào nhà xác bệnh viện. Ba mươi chín người họp về một chỗ nhìn người khác khóc thương, truy điệu cho những linh hồn xấu số và trót dại khờ. Đèn đuốc sáng giữa đêm giá lạnh. Cuối cùng chúng tôi cũng thoát khỏi tối tăm.

Người thiếu niên duy nhất đến gần tôi. Tôi nắm tay em, nối thành một vòng với ba mươi bảy người còn lại. Em trưởng thành rất sớm nhưng bây giờ lại nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh, cười toe háo hức tựa trẻ thơ:

- Chừng nào tụi mình mới được về quê?

Hộ chiếu đốt rồi, chừng nào hả em?

Báo đài vẫn đưa tin rần rần...

Cần Thơ,

27.10.2019

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top