Full

     Sau hai ngày ngồi xe, tôi cũng bình an trở về nhà của mình. Buổi tối xứ Quảng đến khá sớm, khoảng độ sáu giờ trời đã tối đen như mực, chỉ còn lại tiếng dế dưới đồng cùng vài ba chốm sáng từ các căn nhà thưa thớt.

     Lúc tôi về đến nhà, cửa vẫn còn mở, đèn chớp tắt. Tôi đậu xe ngoài cửa rồi bước vào, và người tôi thấy đầu tiên, chính là ngoại tôi. Ngoại tôi năm nay đã ngoài chín mươi, tại một góc nhà, tôi xót xa nhìn ngoại cô đơn nằm đấy. Tôi bước đến, ngắm nhìn đôi mắt đang khép hờ, lòng càng thêm rầu khi trên trán và đuôi mắt của ngoại có nhiều vết chân chim hơn.

     Bàn tay ngoại nhăn nheo theo từng cái xuân xanh qua đi không trở lại, tôi nắm lấy đôi bàn tay thân quen ấy, xoa xoa mui bàn tay rồi áp lên má của mình, thật ấm áp!

_ Thằng Thắng đã về rồi ư.

Giọng ngoại yếu ớt vang lên.

     Tôi quay mặt, có lẽ ngoại chỉ vừa mới thức. Tôi cười, rồi đáp.

_ Dạ, con về với ngoại rồi.

     Tôi chăm chú ngắm nhìn gương mặt ấy, bất chợt nhận ra nụ cười hé nhẹ trên môi ngoại.

     Đã mười năm từ khi tôi bỏ quê lên Sài Gòn lập nghiệp, hết đi học rồi lại đi làm, ngày ngày cảm nhận thời gian trôi qua vội vã, tất bật. Nhiều lúc tôi muốn bỏ hết tất cả để về thăm ngoại, nhưng cái khắt nghiệt mang tên "mưu sinh" như loại xiềng xích cầm chân tôi rối quên hẳn những cái nhớ cái mong của ngoại. Cứ thế tôi chỉ biết làm việc, để tối dành dụm một ít tiền gửi về quê, nhiều lúc sợ ngoại lo nên nguệch ngoạc vài chữ "con ở trên đây tốt lắm, ngoại nhớ giữ gìn sức khỏe nha" chỉ để ngoại yên tâm.

_ Ngoại à, trời cũng tối, ngoại ngủ tiếp cho khỏe người.

     Người càng lớn, ăn ngủ càng khó. Tôi lại quên mà đánh thức ngoại giữa giấc, như vậy chẳng tốt cho sức khỏe của ngoại chút nào.

_ Cháu cưng bả về, sao bả ngủ được, thôi mi xuống dưới rửa mặt, thay đồ, để tao ru bả ngủ.

     Tôi nhìn dì Ba đang đứng trước cạnh giường, tôi gật đầu rồi xuống bếp rửa mặt.

*

     Khi thay đồ xong tôi lên nhà đã thấy trên bàn có tô cơm cùng dĩa rau muống. Dì tôi nằm trên võng, tay cầm quạt, mắt dán lên trần nhà. Bữa cơm dưới quê là thế, chỉ đơn giản với vài món thanh đạm như rau muống, cá chiên vậy mà nuôi tôi suốt mấy chục năm trường. Tôi căm cụi ăn, vừa liếc nhìn ngoại đang ngủ trên giường, lòng có chút an tâm.

_ Sao mi về tối vậy, còn vợ mi đâu?

_ Vợ con bận việc nên không về được.

     Tôi vẫn cúi đầu vào bát cơm. Tôi biết thế nào dì Ba cũng thắc mắc chuyện đó. Nhưng biết làm sao được, bây giờ tôi không có tinh thần để nói về việc này. Từ nhỏ, tôi đã mồ côi mẹ, đến khi vừa chân ướt chân ráo vào cấp ba thì ba tôi bị bạo bệnh nên qua đời. Người thay thế mẹ nuôi lớn tôi, người ôm tôi trong đám tang ba là dì Ba. Nghĩ lại lúc nhỏ tôi quậy phá, lúc nào cũng bị dì đánh rồi cột chân vào đầu giường, bây giờ lớn rồi, nghĩ lại mới thấm thía mọi chuyện là vì dì thương tôi nên mới đánh, mới la mắng. Bây giờ tôi lập gia đình, tôi cũng không muốn dì quá lo lắng cho tôi nữa.

     Tiếng cót két của chiếc võng vang lên đều đặn, không nhanh cũng không chậm. Không gian gian nhà bổng nhiên trống rỗng khiến lòng tôi thêm nặng trĩu nghĩ về em. Không biết ở trên đấy, em có vui vẻ hay đang lo lắng như tôi lo lắng cho em lúc này.

_ Kể ra mi cũng khá, vợ đẹp, nhà cửa đầy đủ. Mà sao mi tệ quá, từ lúc cưới đến giờ chẳng dắt vợ về quê, làm ngoại mi cứ nói nhớ rồi ngóng mắt ra cửa chờ mi về, nhìn bả mà tao xót ruột.

     Chén cơm vừa hết, tôi nhìn vào lòng chén thấy dày đặt những vết nứt chẳng ra hình thù. Có nỗi buồn nếu không nói thì chỉ mình tôi hiểu, trong khi mọi người nhìn vào, cứ nghĩ giàu có là sung sướng mà quên rằng, ông trời chẳng ai cho không ai cái gì.

*

     Sáng sớm, tôi nằm trên chiếc võng vắt ngoài cửa, tay gác trán chăm chú nhìn thằng cu Tèo, con cậu Bảy. Mấy ngày qua, thấy tôi cứ ru rú trong nhà nên dì ba giao tôi nhiệm vụ chăm sóc ngoại để dì ra đồng. Tôi ngoan ngoãn gật đầu, ở nhà chán chết, cũng may có thằng cu này, lâu lâu dằn tôi mấy trò dánh lộn, đá gà, nhờ nó mà vui nhà vui cửa.

     Thằng nhóc chỉ mới năm tuổi, mặt mày sáng sủa, da trắng như tôi hồi nhỏ mà nhìn cũng khá Sài Gòn. Có lần tôi hỏi dì Ba sao thằng nhóc này ở đây, dì nhìn nó rồi nói.

"Dạo này cậu mi bận vào rừng hái đười ươi, bỏ nó với tao, tao thấy nó tội nên tiện chăm sóc nó. Mà thằng nhóc tội lắm, lúc trước cậu mi tái hôn, vợ hắn sinh cu Teo xong thì cứ đi ra ngoài suốt nhốt nó ở nhà, riết như vậy nó đâm ra sợ, không dám lên thành phố nữa."

     Tôi nhìn cu Tèo mải mê cầm nhánh cây trứng cá vẽ trên cát, nhìn mà thấy nó cô độc, lạnh lẽo. Tôi tự hỏi, những lần nó bị nhốt một mình trong nhà sẽ như thế nào. Hay lại tự bày trò đấu kiếm, vật lộn, tự bày tự chơi rồi lại tự khen mình. Nó là con nít, khả năng nhận biết thế giới còn ít, vậy mà tuổi thơ chỉ dán vào bốn bức tường như song sắt thì thật tàn nhẫn quá.

_ Mẹ ơi mẹ phủ như gà. Con không bỏ mẹ, mà mẹ bỏ con.

     Vừa dọc cát, thằng cu vừa ngâm câu hát xa lạ.

     Tôi chợt nhớ đến con gái mình. Con bé chỉ mới ba tuổi, nó thương tôi, cũng thương vợ tôi, từ lúc cãi nhau đến giờ, tôi bỏ đi mà quên bẵng con bé, không biết con bé có buồn và nhớ tôi không? Nhiều lúc, tôi ước em đừng xuất thân trong một gia đình giàu có, nhiều lúc tôi ước mình có ý chí vươn lên sự nghèo khó này. Vậy mà ước mơ chỉ hoài mơ ước, trong mắt ba mẹ em, tôi mãi chỉ là kẻ vô dụng, bất tài.

     Lúc tôi mới quen em, tôi ngốc nghếch nên mới nghĩ tình yêu là tất cả. Ngày ngày, tôi chở em trên chiếc xe đạp tàn rồi tình cảm của cả hai theo đó dần dà phát triển. Rồi đến một ngày, tôi thấy em bước xuống từ một chiếc xe hơi bóng loáng, mắt tôi hoa, tôi nghi ngờ hỏi em, lúc đó em mới nói.

"Xe đó của nhà em, em sợ anh buồn, anh tủi thân nên em mới dấu."

     Dù tôi có tủi thân thật, tôi vẫn cố bỏ qua định kiến giàu nghèo, sánh vai cùng em qua những tháng ngày ngồi trên giảng đường. Sau tốt nghiệp, em nói muốn kết hôn với tôi. Em là người quyết đoán, lại thuộc cung sư tử, nói là làm, tôi theo em về nhà ra mắt gia đình.

     Ngày đầu bước vào nhà em, tôi lại một lần nữa bất ngờ trước căn biệt thư sang trọng ấy, thế giới của tôi nhỏ bé dần, tôi mất hẳn tự tin vốn có. Suốt ba tháng, ba mẹ em luôn tìm cách ngăn cản, thậm chí những lúc họ nói chuyện với em, tôi thoáng nghe họ chê bài tôi là đứa mồ côi, nghèo nàn nên không môn dăng hộ đối. Tôi chỉ biết cười nhạt, con người lúc nào cũng tham lam như thế sao, đã giàu có vẫn muốn có rể phải giàu có hơn. Họ quên rằng hôn nhân phải được gầy dựng từ tình yêu chứ không phải thứ vàng hoe vô tri vô giác.

     Đến một ngày, em đứng trước phòng trọ tồi tàn của tôi, miệng toe toét cười, em nói gia đình em đã chấp nhận cho hai dứa kết hôn. Lúc đó, hạnh phúc vỡ òa trong lòng ngực, tôi cười toét miệng sung sướng, tôi không nhớ mình đã cảm ơn em bao nhiêu lần, chỉ nhớ rằng tôi đã kết thúc bằng câu "anh yêu em nhiều lắm".

     Cứ ngỡ kết hôn là hồi kết, tôi không ngờ, đó mới chính là dạo đầu đầy nước mắt dành cho chúng tôi. Nhiều lần tôi có nhã ý vay vốn gia đình vợ để làm ăn, dù khó khăn bước đầu, em là cầu nói giúp tôi và ba mẹ em hiểu nhau và đồng ý cho tôi mượn vốn. Công việc làm ăn lúc đầu có vẻ tốt đẹp, nhưng về sau kinh tế khó khăn, tôi lại không ngờ bạn mình lại là dán điệp bán thông tin mật cho đối thủ. Cứ thế nhiều cuộc thương lượng đổ vỡ, công ty của tôi phá sản.

     Tôi khổ sở giữ tinh thần mình không suy sụp, nhưng phải làm sao khi đặt niềm tin quá nhiều vào những người thân cận mà không biết chính họ đã phản bội mình. Cũng kể từ đó, vợ tôi cứ trách tôi chủ quan, tin bạn, giúp bạn mà không biết mình nuôi ong tay áo, gia đình vợ lại một lần nữa xem thường và nghĩ xấu cho tôi. Trớ trêu hơn, cũng độ đó tình cảm vợ chồng không được mặn nồng, cô ấy viện cớ bận việc, bận gặp gỡ bạn bè nên hay về trễ, nhiều lúc đến khuya mới thấy trở về. Mãi đến khi tôi vô tình bắt gặp em vui vẻ cười nói với gả đàn ông xa lạ trong nhà hàng sang trọng, tôi mới vỡ lẽ, cô ấy thực ra bận gặp con của bạn ba mẹ vợ, vì họ muốn vợ tôi và anh ta làm quen và hiểu nhau hơn.

     Tôi và vợ cãi nhau, đôi lúc nóng giận tôi bỏ đi làm bạn với rượu, rồi một mình bỏ nhà về Quảng Nam thăm ngoại. Nói là thăm chứ lý do chính là muốn trốn tránh cái sự thật khó chấp nhận này. Chẳng lẽ cuộc sống này không còn định nghĩa về tình yêu sao? Chẳng lẽ hôn nhân phải đến từ tiền tài mới hạnh phúc sao? Vậy thì cay đắng quá, vì tôi chỉ là một đứa mồ côi, hèn mọn, nghèo nàn.

     Có những nỗi buồn tôi chỉ giấu cho riêng mình biết, đôi khi muốn khóc cho qua chuyện mà lại không khóc được, vì kể từ khi ba mất, tôi không cho mình quyền được khóc. Tôi cố biến mình trở thành người chồng hoàn hảo, người cha tốt, vậy mà thứ tôi nhận được là gì, chẳng phải chỉ toàn giả dối sao.

     Đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện ly hôn, mà càng nghĩ nhiều, tôi chỉ biết cười cay đắng. Yêu nhau bao nhiêu, kết hôn để làm gì, buồn vui cay đắng chỉ mong cùng nhau trãi qua, để rồi kết thúc vẫn vọn vẹn một thờ giấy chi chít chữ, "đơn ly hôn". Đôi lúc, tôi trêu mình nghĩ rằng, người em đang tìm hiểu là một chàng trai tốt, giàu có lại có học vị cao, chắc những người học cao sẽ biết cách không làm em buồn và khó xử như tôi. Nhưng điều làm tôi xót xa nhất là những khi nghĩ về Giang Thanh, đứa con bé bỏng của mình. Chẳng phải nó là kết tình tình yêu của tôi và em, làm sao tôi ly hôn khi biết mình còn yêu em nhiều lắm.

_ Một chờ, hai đợi, ba trông... bốn thương, năm nhớ... bảy tám chín mong, mười tìm.

     Tiếng xe tải chạy nhanh trên lòng đường, tôi vẫn nghe rõ những từ cu Tèo nói, một chờ, hai đợi, ba trông...bốn thương, năm nhớ, bảy tám chín mong, mười tìm!

*

    Buổi tối, khi tôi cùng dì Ba và cu Tèo xum vầy bên bàn cơm, tôi nghe có tiếng bước chân ngoài cửa, vừa ngước mặt, lòng tôi thắt lại, tim tôi chật đi một nhịp khi nhìn thấy vợ và con tôi đang đứng trước cửa.

_ Vợ cu Thắng, là mi đó à.

     Dì ba ngạc nhiên nói to, vợ tôi bật đầu cười rồi lễ phép thưa.

_ Dạ, con mới lên.

_ Ba ơi!

     Tôi rời khỏi ghế, đón Giang Thanh ngã vào vòng tay rộng lớn của mình. Mới có mấy ngày không gặp, tôi ngỡ mình xa con đã vài năm, hạnh phúc, nhớ thương cùng ào ra một nhịp.

_ Con gái, con trên đó có ngoan không?

     Tôi vừa hỏi vừa xoa lưng con bé.

_ Trên đó buồn lắm, ông bà ngoại nói xấu ba, ông bà ngoại là người xấu.

_ Giang Thanh, không được nói như vậy, con qua chào bà Ba và bà cố đi.

     Giọng em không hài lòng, nhắc nhở Giang Thanh. Con bé ú ớ chào dì tôi, tôi thấy còn bé còn cười tươi với cu Tèo, nhưng đến khi nhìn thấy ngoại tôi nằm trên giường, đôi mắt mờ mờ luôn hướng về con bé, nước mắt rơi thành hàng, con bé sợ sệt, núp sau lưng tôi.

_ Giang Thanh ngoan, qua bên bà cố chào bà đi con, bà cố nhớ con lắm.

     Con bé mắt long lanh nhìn tôi, nó từ từ bước lên phía trước, mắt nó phân vân, tuy vẫn còn sợ lắm, nhưng tôi biết nó cũng không muốn tôi buồn.

_ Cháu...cháu chào bà cố.

     Môi ngoại tôi mấp mé, run run, lại một giọt nước mắt rơi khiến tôi càng thương ngoại vô cùng.

_ Giang Thanh, con ở đây với bà ba, anh cu Tèo một chút, ba và mẹ có chút chuyện cần nói.

     Em nhìn tôi, đưa mắt làm hiệu rồi nấm tay tôi xuống bếp.

*

     Một tuần trôi qua, chúng tôi không gặp nhau, cũng không liên lạc, tôi xót xa nhìn bọng mắt thâm quầng của em. Mấy ngày nay em sống như thế nào, có phải chính đôi mắt ấy là minh chứng cho những lo lắng em dành cho tôi, tôi vừa mừng, vừa thương, vừa lo lắng, vừa rầu.

_ Sao lại bỏ em về quê, sao không liên lạc, sao bỏ giấy ly hôn trong ngăn bàn, sao... - Tiếng nấc luồn vào lới nói, làm câu nói đứt đoạn, thắt lại – bỏ em, lại một mình?

     Nước mắt em rơi thật rồi, kiềm nén đã đến giới hạn rồi, tôi ôm cả thân người run run, yếu ớt của em. Suốt khoảng thời gian yêu nhau, điều tôi trân trọng nhất là mỗi khi em cười, nên có bao giờ làm em khóc đâu, vậy mà giờ đây, em ngon lành khóc trong vòng tay tôi, nước mắt rát cả da thịt, chua xót bội phần.

_ Là anh không tốt, anh yêu em nhưng anh nghĩ chỉ tình yêu là chưa đủ. Anh sợ em khó xử với cha mẹ, anh sợ trọng trách làm em hạnh phúc là quá lớn nên mới hèn nhát nhường em cho người học cao, hiểu rộng và tốt lành hơn mình.

*rầm*

     Bất ngờ có tiếng sấm vang lên, tôi thật nực cười, đến ông trời còn muốn cười nhạo, quở trách tôi kìa. Tôi ôm chặt em, ôm cho thỏa nổi thiếu vắng hơi ấm, ôm để thỏa lắp những khi phải ngủ một mình, hít thật sâu để biết rằng em là thật, là trong vòng tay tôi, là bé nhỏ, mong manh thôi để tôi ôm vào lòng, nâng niu, bảo bọc.

_ Phải, anh ta tốt, anh ta giàu, anh ta học cao hiểu rộng, nhưng tình yêu của anh ta là giả, tình cảm em dành cho anh ấy gượng ép, vì chẳng giây phút nào em thấy mình yêu anh ấy cả. Còn anh, chúng ta sống với nhau năm năm, kết hôn năm năm là để đợi ký vào tờ giấy ly hôn sao, tại sao lại nhẫn tâm với em như thế.

     Phải rồi, tôi là đồ ngốc, thương em thật nhiều, yêu em thật nhiều mà lại muốn ly hôn. Nếu kết hôn là quá dễ, nêu ly hôn là cách con người giải thoát nhau để tìm tự do, hạnh phúc mới thì thử hỏi cuộc sống này liệu còn tồn tại tình yêu. Tôi cứ ngỡ mình là người cao thượng, tôi cữ nghĩ ly hôn là để em tìm được một người tốt hơn, biết chăm sóc em hơn, để rồi lúc này mới biết, thực chất tôi là người hèn nhát nhất. Yêu mà không có trách nhiệm với em, yêu mà bỏ em lại một mình, để em ngày đêm lo lắng, thì còn đáng gì là chồng em, là bạn đời tri kỷ của em.

_ Anh xin lỗi, tha lỗi cho anh nhé. Anh hứa sẽ làm những điều tốt đẹp nhất cho em, chăm sóc em, yêu em càng ngày càng nhiều hơn, và sẽ không bao giờ nghĩ đến ly hôn nữa.

     Trong tình yêu, có những lúc tôi cảm thấy mỏng manh và chơi vơi, tôi tự khép mình, rồi suy nghĩ những điều tốt cho em. Nhưng tôi quên tình yêu em giành cho tôi có khi còn nhiều hơn tình yêu của tôi, và sự hy sinh của tôi vô tình là nhát dao làm tổn thương trái tim nhỏ bé của em. Hôn nhân không đơn giản là một tờ giấy để nó kết thúc bằng một tờ giấy khác. Hôn nhân là một nấc thang cao hơn của tình yêu và nhắc nhở cho ta rằng, hãy có trách nhiệm với người mà ta sẽ nắm tay cùng đi suốt quảng đường còn lại của cuộc đời.


Tác giả: Subin Trương

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top