DÒNG TRĂNG

Lại là một đêm trằn trọc.

Buồng im thin thít, chỉ có tiếng cánh quạt máy cũ chém vào cái oi nồng đặc quánh nghe buồn thiu thỉu. Lâu lâu một gợn sóng xô mạnh cột nhà, tưởng như sắp chồm lên vồ lấy mấy tấm ván lót sàn rung rinh. Tiếng quạt ro ro yếm mất tiếng ra-đi-ô trước nhà, chừa lại mấy tiếng ca nheo nhéo, hơi dài thiệt là dài. Tân ráng dỏng tai nghe, chừng mười lăm phút mới biết đài đang ca "Hàn Mặc Tử". Nghĩ một hồi Tân với tay tới đầu giường bấm "tạch", tắt quạt máy. Lúc này, giọng Kim Ngọc vừa hay ca lên. "Anh Trí ơi từ nay anh không còn sợ cô đơn. Bên anh, em trọn đời, săn sóc đau thương. Buồn vui năm tháng, anh sẽ tìm thấy ở bên em. Em sẽ đưa anh về lại quê hương mà làm thơ ca tụng trăng vàng..." [1]

Đêm hiu hắt, trăng lửng lơ vằng vặc mà không thấy anh Hàn nào làm thơ ca tụng. Chỉ có Lân bồn chồn không ngủ được, nửa muốn bật dậy đi ra khỏi nhà, nửa không. Chưa tới giờ, Lân lại gác tay lên trán. Tiếng cải lương rầu rầu bắt đầu thấm vô người như rượu thấm, trong bụng nóng ran mà thịt da lạnh ngắt. Nỗi bồn chồn từ từ lắng xuống thành sự chán chường, vô định khi người ta mới ngủ dậy. Mấy rày, cái cảm giác này lui tới với Lân riết, cả những sáng tinh mơ nghe gà gáy rồi bàng hoàng bật dậy vì trễ chợ, lẫn những đêm ngủ hoài không vô giấc, thức lâu đến mức không biết mình ngủ rồi hay chưa.

Ra-đi-ô ca hết vở cải lương mà Lân còn đương nằm miên man. Một giờ đúng, đồng hồ con gà bắt đầu reo. Lân trở mình, tự hỏi không biết nửa tiếng, một tiếng sau sau mình đang nghĩ gì. Có rảnh rang đâu mà nghĩ ngợi! Lân phải phụ má đẩy đu đủ ra huyện giao sỉ cho mấy cô, mấy chế ở chợ. Lân phải lên bờ ăn tô cháo gà cho lại sức sau một đêm trắng. Lân phải đi một vòng chợ thu tiền đu đủ trước bốn giờ sáng, để còn kịp về coi sạp trái cây ở nhà.

Công chuyện còn đầy, không hiểu sao Lân lại không tập trung làm cho rồi được. Bữa ấy trời còn mưa lớn, đường lầy lội, xe đu đủ lật ngã giữa đường. Một mình Lân lượm từng trái lên lau khô, bỏ vô cần xé, lại đẩy xe đi tiếp. Rồi bất thần gặp sình, bánh xe lún hơn phân nửa. Phải gồng mình xoay trở dữ lắm Lân mới giữ được đống đu đủ không lăn ra ngoài cần xé lần thứ hai. Nhưng cuộc "giải cứu" chiếc xe lần này không chỉ mình ên Lân tham gia. Một bóng người trùm áo mưa bọc kín mít, đội nón lá rách nhàu hớt hải chạy tới, kêu với trong mưa:

- Lân. Bị gì đó?

Thấy là Tuyền, Lân ngớ người mấy giây mới trả lời:

- Xe mắc sình.

- Giỡn hả cha? - Tuyền vừa ngó nghiêng vừa tính - Không ấy tôi phụ Lân rinh hết cần xé xuống rồi mình kéo xe lên.

Lân liếc qua bụng Tuyền rồi lảng mắt vào bụi rậm ngang người ven đường. Mưa rào rào, cỏ lao xao, ếch nhái huỳnh quang ồm ộp inh ỏi khiến lòng Lân càng ngổn ngang dữ dội. Không phải Lân đắn đo có nên nhờ đàn bà con gái chân yếu tay mềm phụ giúp hay không. Huống hồ mùa mưa năm nào, cứ ba bữa nửa tháng xe đu đủ mắc sình một lần, một mình Lân xoay sở riết quen. Chuyện Lân còn tính tới tính lui là chuyện khác. Chuyện này cả xóm biết, mà Tuyền cũng biết. Đó là cái bụng của Tuyền và những lần Tuyền quan tâm Lân, làm người ta hiểu lầm hai bên đi lại thân quen lắm.

Thấy Lân im re, Tuyền tặc lưỡi:

- Chú lẹ lẹ, chứ không là trễ giờ lên chợ.

- Chị đang bụng mang dạ chửa, xích lên chỗ ráo ráo coi chừng trượt, tôi làm mình ên được rồi. Chứ lỡ có bề gì anh Cường quở tôi chết.

Mặt Tuyền sượng ngắt, trắng nhợt như tờ giấy khi nghe Lân nhắc chuyện mình có thai, dù Tuyền biết Lân không có ý gì, còn cố gắng xởi lởi hết mức cho Tuyền nhẹ lòng. Cường trong lời Lân là người yêu của Tuyền và là anh họ của Lân. Hai đứa biết nhau từ những đêm ngồi quán cà phê coi phim bộ Hong Kong, thương nhau hồi tham quan vườn táo, rồi Tuyền có thai từ... lúc nào không ai biết. Chuyện vỡ lở, người ta đồn rùm beng. Dòng họ nhà Cường, nhất là cánh đàn bà con gái, hết sức coi khinh con nhỏ người Thượng [2] có chửa lúc chưa chồng. Trong vòng năm ngày kể từ bữa Cường dẫn Tuyền về ra mắt ba má, nhà trai lục đục không yên, từ cửa cái trước tới sàn nước sau văng vẳng tiếng chửi thề tục tĩu. Rồi liên tục, nhà Cường mở những cuộc họp mặt gia đình, dòng họ, thường đông keng chòm xóm tới coi nhưng im phăng phắc như hồi mấy ông chính quyền phát biểu ở hợp tác xã. Lân thường ngồi gục gặc trong những buổi họp long trọng đó, tự hỏi cả thảy hơn chục con người này có từng qua lại hay nói câu nào ngọt nhạt với một đứa con gái mới lớn, ôm trong lòng bao hi vọng tình yêu như Lương Sơn Bá yêu Chúc Anh Đài như Tuyền, mà đòi nói chuyện phải quấy với người ta? Hơn chục con người này có sinh, có nuôi người ta ngày nào mà cho mình cái quyền nặng lời, ác ôn như vậy? Hơn chục con người này lấy căn cớ ở đâu để ghép tội Tuyền quyến rũ Cường, rằng Tuyền hư thân mất nết, chứ không phải thằng quý tử nhà họ dối trên gạt dưới, dụ dỗ người ta?

Cường không đóng vai trò gì trong những cuộc kết tội Tuyền. Hồi còn nhỏ, đám con nít trong xóm hay tụ lại chơi đóng vai với nhau. Cường hay giành những vai như Lục Vân Tiên hay Trần Minh, Đinh Bộ Lĩnh, làm như cái tiếng anh hùng ăn sâu vô máu. Bây giờ máu còn đỏ, mà những Lục Vân Tiên, những Trần Minh, Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa của Cường lần lượt chết hết. Cường im thin thít như đứa con nít làm sai nhận tội, nơm nớp chờ xem ba má phán cho mình bao nhiêu roi. Rồi tình yêu của Cường ở đâu? Chắc Cường nghĩ, lý lẽ của mình có "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" cao siêu gì mà lên tiếng. Tình yêu cũng không làm thay đổi gốc gác của Tuyền hay ý miệt thị đã thâm căn cố đế trong dòng họ Cường. Và Lân, không liên quan tới những điều làm dân xứ này khúc mắc, kể cả Tuyền, càng không làm gì được ngoài yêu.

Lúc người ta còn trẻ, tình yêu là tất cả lý do để người ta hành động. Tình yêu có thể biến một thằng du đãng lêu lổng thành anh thợ mộc, anh lái đò hay anh thợ gặt cần mẫn nào đó, cũng có thể xui một anh con nhà đàng hoàng thành thứ bê tha, phá cho tan hoang nhà cửa. Tình yêu, bởi vậy, là tất cả, đồng thời không có nghĩa lý gì. Đứng trước một dòng họ mấy chục người, mà số tuổi đời tự phong cộng lại cũng ra mấy trăm năm, tình yêu một hai năm của Cường và Tuyền sao mà nhỏ bé, sao mà liêu xiêu. Nhưng chí ít Cường còn đứng giữa cái đống liêu xiêu chực đổ đó, còn Lân, Lân biết phận mình chỉ đứng bên hè nhìn người ta thương nhau, bỏ nhau, làm nhau đau đớn. Mình vui làm sao đặng, mình buồn thì bị hỏi cắc cớ, ủa, con nhỏ đó là bồ anh họ mày, mắc giống gì buồn. Mình, là người dưng đúng nghĩa người dưng.

Bởi là người dưng, nên lúc nghe ba má Cường kêu Cường lượm được con nhỏ người Thượng ở đâu thì, giùm ơn, bỏ nó về xứ đó, Lân chỉ im thin thít. Cường lí nhí trong họng, kêu má, lỡ cái bầu là con trai rồi sao. Má Cường gắt, lỡ nó ăn nằm với thằng nào ngoài lộ ngoài đường rồi đổ cho mày, mày tính tới chưa. Tới đây thì Cường không phản bác nữa. Chắc đúng là Cường chưa tính tới, hoặc tính tới rồi nhưng chưa dám huỵch toẹt ra. Cường cần ba má nói khích một câu để chuyện ngã ngũ. Dẫu gì cũng năm ngày rồi, họp mau cho chòm xóm người ta còn nghỉ ngơi.

Ngày thứ sáu, lần đầu tiên trong đời Lân không muốn giành làm Lục Vân Tiên hay Đinh Bộ Lĩnh với Cường nữa. Có anh hùng nào câm như hến, thây kệ người mình thương bị người ta bêu riếu. Cường với Lân thật ra là một, vì nói cho cùng cũng một giuộc mà ra. Cái xứ này, kể mà nói chắc chỉ có mình Tuyền can đảm. Tuyền chưa từng vì lời đồn ác ôn về người Thượng ở xứ này mà tự chối bỏ cái quyền yêu và được yêu. Tuyền chưa từng vì dòng họ Cường mà thôi nguôi hi vọng ở Cường. Thậm chí Tuyền còn gom hết vốn liếng đặt cược ở tình yêu non nớt của Cường, ngày qua ngày mong tình yêu có thể là tất cả. Thôi thì Tuyền khờ dại, nhưng biết kiếm đâu ra một đứa khờ dại thấy thương như vầy.

Ký ức tua nhanh trong đầu Lân như phim bộ chiếu ở quán cà phê đêm nào. Trời tối đen, màn hình chiếu bóng cũng đen trắng. Rồi thình lình băng nhão, phim rè rè. Trời giáng một đợt sét, gọi hồn Lân về với xe đu đủ mắc lầy và Tuyền đương dầm mưa. Tuyền cũng mới ngẩn ngơ trở về từ bộ phim đời mình. Bây giờ Cường không còn là người yêu Tuyền, Tuyền bớt ngại ngần với Lân nhiều lắm. Còn cái bụng... Tuyền tặc lưỡi tạm cho qua, xắn áo mưa phụ Lân một tay. Bàn tay Tuyền mảnh dẻ, mềm mềm, ngấm nước mưa lạnh ngắt. Đã mấy lần Lân vô tình chạm trúng đôi tay đó, những mơ mộng xa xăm kéo về, nhiểu thành giọt trong lòng. Cái hồ trong lòng Lân xao động, lan thành sóng lăn tăn mà chao còn hơn những đêm sóng sông xô ập vô cột nhà. Lân rùng mình, thấy giận bản thân ghê gớm, quên để ý đôi mắt Tuyền buồn bã và môi Tuyền mím lại dè dặt. Hay là chú Lân cũng gớm mình?

Cả tuần sau đó bóng dáng Tuyền Lân còn không thấy, nói chi môi sầu hay mắt lệ. Chờ tới lần gặp tiếp theo bụng Tuyền đã nhô cao, như vút nhọn thành cái gai đâm sâu vô ruột gan họ hàng nhà Cường. Cường bị cấm tiệt không cho gặp lại "vợ con", thành ra Tuyền bắt đầu chuỗi tháng ngày đi biển một mình đúng nghĩa. Bận ngồi đò lên trạm y tế xã khám thai, gặp Lân, Tuyền cúi mặt, giả đò như không, giọng ráo hoảnh mà mắt rưng rưng nước:

- Ba má tôi còn chưa hay, bên bển hăm không cho tôi khai ra ba cái bầu.

Đó là lần đầu tiên Lân thấy Tuyền khóc, vậy mà Lân không tài nào an ủi. Đêm qua thậm chí Lân nghĩ, phải chi Tuyền "gan" hơn mà bỏ cái thai đi, hoặc là có cơ sự gì khiến Tuyền mất con. Vậy mà hay. Vậy mà hay... Rồi Lân sẽ xin cưới Tuyền nếu trên người Tuyền không còn vết dấu gì để ba má Lân bắt bẻ! Nhưng thuở đời có ai tàn ác như thế? Lân còn không nỡ, huống hồ Tuyền là má người ta.

Thêm mấy tuần nữa trôi qua, tin đồn trong xóm lan càng lúc càng rộng. Hồi sáng lên chợ giao đu đủ Lân nghe tin ấy bén rễ ở đây rồi. Người ta, một mặt đoán xem người cha là ai, một mặt gièm pha nết na nhà gái. Và thêm một mặt nữa, người ta xúi Tuyền tự vẫn đi. Lân quẳng tay đẩy xe đu đủ, kêu trời, lao vào hét lên một hơi với gã đàn ông lạ vừa gieo tiếng ác:

- Anh không phải ba má người ta thì đừng có dạy bậy! Trời đang coi anh đó nghe!

- Chứ mày là thằng nào? Hay mày là chồng con nhỏ đó? - người đàn ông bĩu môi khinh khỉnh - Trời ơi tao coi hạng như mày, đẩy đu đủ đi bán tối ngày, người ngợm mình mẩy thấy ghê vậy thì ai dám ưng? Nói đổ vỏ thì còn có người tin nghe!

Cũng may Lân còn một chút lý trí. Sợ việc càng đi càng xa và cũng vì sợ chúng nó bôi danh dự Tuyền thành ra lọ nồi, Lân quắc mắt, hậm hực bỏ đi. Kết quả là một đêm gác tay lên trán như bây giờ. Muốn tránh miệng đời, một là Tuyền bỏ đi xứ khác sinh con, hai là về một nhà với người anh họ. Nhưng cửa nhà anh họ giờ đây đã cấm, mấy ngày nay Lân còn không thấy anh ta ló đầu khỏi cửa sổ, nói gì đến ló đầu ra với thiên hạ bàn dân. Anh ta đã bỏ má con Tuyền để thành toàn cho chữ hiếu và danh thơm con chủ vựa trái cây của mình rồi, vầy thì còn gì lưu luyến nữa. Tuyền phải mong chờ gì ở một người đàn ông vô nghĩa vô nhân, vô ơn với lòng cậy tin của người con gái đã trao hết thân mình cho anh ta? Còn Lân phải tin gì? Lân tìm gì và tin gì khi chỉ là người ngoài lề của dòng đời đau khổ nọ.

Tháng bảy, nước dâng. Nhà Lân cặp mé sông, nửa phần nhà trước mở sạp trái cây và quán nước trên bờ, nửa phần nhà sau nằm cheo leo trên những thân tràm thân gỗ còi cọc. Nước đầu tháng chưa cao lắm nhưng ngồi ở nhà sau, thòng chân đung đưa cũng chạm được những đầu sóng bất thần xô vào bờ. Lân ngồi ở đó như mọi ngày, phóng mắt nhìn những đụn mây ở bờ bên kia. Những chiếc ghe dọc ngang, những sà lan ồm ồm nặng nề di chuyển. Một cụm lục bình đánh đu với sóng, sắp ngã chúi dụi nhưng bất ngờ sững lại trên cái đà đang tới. Những mẩu rác từ đâu trôi tới, tha hương. Tất cả chỉ còn lại những chấm mờ nhỏ xíu, lâu lâu mới xạ lại nắng chiều trắng xóa. Còn sông kia, lững thững vàng.

Lân chợt nghĩ đến Tuyền với hình dung Tuyền là dòng sông. Nếu anh yêu sông này anh phải yêu cả đôi bờ, dù nhiều khi anh không bao giờ sang được bờ bên kia. Nếu yêu sông anh phải yêu từ cụm lục bình khi xanh hoặc héo đến những thứ vớ vẩn như mẩu rác. Nếu yêu sông anh phải yêu chiếc ghe nhỏ băng băng rẽ sóng lẫn sà lan nặng trịch già nua. Thiếu một thứ, sông hôm nay không còn là sông anh quen biết. Vì sao nói yêu sông mà anh chỉ yêu con nước chứ không yêu những thứ nương con nước mà sinh, mà nên?

Nếu Lân yêu Tuyền chỉ vì gương mặt hay giọng nói của Tuyền, Lân yêu mà ngại điều tiếng, Lân yêu mà chần chừ nhìn người yêu bị người đời xô xuống vực, thì Lân có khác gì anh họ mình đâu.

Lân biết mình phải giúp Tuyền nhưng không biết nên giúp từ đâu. Thì tất nhiên, những việc giúp được Lân đã giúp hết rồi. Có khi mua giùm món này món nọ, có khi bê giúp thau áo để Tuyền ra bến sông giặt đồ. Có khi an ủi Tuyền mỗi lần Tuyền nhắc tới anh họ Lân, có khi hứa hẹn với Tuyền sẽ nói giùm Tuyền và đứa con trước mặt cô bác nhà ấy. Ấy mà ngẫm lại Lân thấy mình làm toàn việc vô nghĩa. Tuyền có cần những thứ này đâu. Thứ Tuyền cần nhất bây giờ hẳn là một tương lai sáng sủa cho cả mình và đứa con kìa.

Mang thai tháng thứ năm, Tuyền càng lúc càng ít ra khỏi nhà. Mấy bận Lân qua thăm Tuyền cũng lánh mặt, chỉ để cô chị họ ra từ báo vắng hay báo bận thay. Cho đến hôm mười bốn tháng tám, khi đem trái cây sang gửi lúc nhá nhem Lân mới được gặp lại Tuyền. Người con gái ngày nào giờ thoắt biến thành thiếu phụ, gương mặt bầu bĩnh hồng hào, tay chân lại da lại thịt bừng bừng sức sống. Chỉ có đôi mắt của Tuyền là còn hoài rười rượi, tới nỗi nhìn vào Lân thấy như gió nửa đêm thoảng qua. Trong lặng im, ngọn gió lên tiếng hết sức nửa vời, nghe hù hù, vù vù đó mà ngoảnh lại không thấy gì hết. Gió đêm cứ rờn rợn cả người và tâm trí Lân, ngặt nỗi Lân không muốn bỏ gió đi. Lân ở lại nhà Tuyền, góp vui vào cuộc đàn ca chờ trăng tới.

Đêm đó, ba của Tuyền cầm cây ghi-ta phím lõm mới mượn hôm qua, gảy phím cho con gái và người chòm xóm hằng thương trộm con mình. Hai người ca "Tâm sự Mai Đình". Chất giọng trong trẻo của Tuyền ngồn ngộn xót xa và tủi hận hệt như nàng Mai Đình trong cuộc hội ngộ đau thương với anh Trí mà nàng yêu. Giá như anh không tha phương, giá như nàng không vùi chân ở quê nhà Quy Nhơn mà dũng cảm hơn chút nữa. Nhưng tiếc hận không bù đắp được sự lỡ làng, mà chỉ kéo thêm lỡ làng nếu người ta vùi đầu hoài trong quá khứ.

Lân nhìn Tuyền, nhìn âu yếm, bỗng thấy mình giống người con gái trong vở cải lương hơn bất cứ ai khác. Lân sẵn sàng nhận Tuyền về làm bảo vật sau tuổi xuân thời Tuyền đánh mất vào tay người khác, [3] cho dù Tuyền không cần, không cam. Lân quyết rồi. Sau đêm nay Lân đã biết mình phải làm gì. Lân có thể chờ đợi Tuyền, đợi lâu hơn cả người con gái chờ anh chàng thi sĩ nọ, chỉ để được hát câu cuối trong một vai khác. "Ngày xưa em đợi em chờ, thật sự bây giờ anh nói tiếng yêu em". [4]

Sợ người thương khước từ, Lân đánh tiếng với chị họ của Tuyền trước. Một chiều, Lân hẹn chị bên bờ sông, ngỏ ý sẽ nhận làm cha của đứa con trong bụng Tuyền. Việc này Lân chưa nói với một ai, mong chị giữ kín, phải lúc thì khuyên nhủ Tuyền giúp. Và nhớ nhắn nhủ, Lân không cần điều kiện gì hết, Lân làm vì Lân thương, vậy thôi.

Quả như Lân dự đoán, biết được việc Tuyền đã tìm Lân từ chối ngay. Tuyền phân bua, "làm như vầy lỡ dở đời chú chết! Tôi coi chú như em, ơn nghĩa mấy tháng rày chú phụ giúp tôi còn chưa báo, nói gì đến lấy nhau". Rồi Tuyền van, "thôi chú ơi, đừng". Lân chưa bao giờ thấy Tuyền thống thiết nhường này kể cả khi bị người đàn ông mình yêu thương bỏ mặc. Lòng Lân xoắn xuýt lắm. Rõ ràng việc đổ vỏ cũng chẳng nở mày nở mặt gì, thậm chí ba má sẽ đuổi Lân đi nếu biết Lân làm điều dại. Còn Tuyền, có lẽ cũng không hơn Lân. Miệng đời mà, ai đoán hết được! Biết đâu người ta vẽ ra một Tuyền xấu xa hám lợi thì sao? Nhưng Tuyền đã chọn giữ đứa con thì nên cho nó một gia đình hoàn chỉnh. Mỗi người hi sinh một chút cho sinh mạng nọ, kể có đáng bao nhiêu. Cùng lắm Tuyền cứ xem như Lân là cánh tay giúp mình khi hoạn nạn, chỉ có ơn nghĩa suông chứ nào cần thương yêu gì.

Lân giải thích mọi cách mà Tuyền vẫn không đồng ý, chỉ nhỏ nhẻ như vầy:

- Chú Lân nghĩ coi, nếu một ngày người chú thương như em gái trở thành vợ chú. Trời ơi. Thôi, nhục nhã lắm. Đó là chưa nói chú rước người ta về để làm khổ người ta.

- Chị cứ coi tôi như người thân cũng được mà. - Lân trầm ngâm - Tôi chỉ thương vậy chứ không đòi đáp lại. Mà thương ai thì thương cho hết nẻo. Làm gì thì làm, miễn sao con chị đủ đầy ba mẹ là được rồi. Hai bác thương chị, nuôi cháu, để cháu mình có dòng có họ, vậy là mừng. Nhưng cái tiếng con hoang theo nó suốt đời. Không lẽ chị không muốn nó có một tờ khai sinh đàng hoàng, có ba có má?

- Còn chú?

- Thì giấu, nói tôi là ba ruột nó luôn. Rủi người ta cười thì kệ người ta.

Lúc Tuyền xoay gót ra về, Lân nhấp nhử chân trên bàn đạp xe đạp, nghĩ gì rồi vòng xe lại, đạp chầm chậm theo sau. Hết quãng bờ sông, quẹo vô ngõ, tới nhà Tuyền Lân mới thôi di chân. Lân thầm thì, lời nói vụt bay theo gió. "Chị Tuyền nè, tôi có cần ai dòm ngó, để ý ngoài chị đâu."

...

Lân không thường nằm mơ, nhưng cái ngày Tuyền đồng ý chuyện cưới gả Lân đã mơ suốt từ lúc đặt lưng xuống chiếu. Vẫn là căn buồng con với cây quạt máy cũ sì kêu ro ro, với tiếng sóng sông ì ạch vỗ bờ, thỉnh thoảng có tiếng ra-đi-ô vẳng từ nhà trước vô nhưng không còn một mình Lân đơn độc. Nơi đó Lân có vợ, có một đứa con mới chập chững biết đi và thường níu áo Lân kêu "ba". Mở mắt, căn buồng càng trải rộng khôn cùng. Gió nửa đêm. Bao nhiêu luồng gió lùa vào trong khiến buồng càng thoải mái, thênh thang và thiếu hơi người, càng cháy lên ngọn lửa không tên trong lòng người trai trẻ.

"Mai này đây buồng sẽ ấm cúng hơn", Lân nghĩ. Lân cũng đã tính sẵn hết: nếu ba má không ưng thì Lân cuốn gói chạy theo tình yêu! Lân sẽ về miền cao với Tuyền, hoặc là ở rể, hoặc là lên tỉnh sống đời vội vã. Tình yêu khiến Lân thấy mình dạn dĩ và can trường hơn bao giờ hết. Rõ ràng Lân đã mến Tuyền cùng thuở với người anh họ nhưng "thật sự bây giờ" mới được nói tiếng yêu ra. Một tiếng nói như một hơi thở mà khi phóng thích khỏi gông xiềng, định kiến lại khiến Lân nhẹ nhõm. Có lẽ đây mới là tình yêu mà Lân ao ước, cũng có khi là một Lân biết yêu mà Lân thèm muốn tự bao giờ.

Không chờ lâu thêm được, Lân bàn với Tuyền ngày nào sang xin cưới. Đêm trước ngày hỏi Lân ủi sẵn chiếc sơ mi kẻ ca rô xanh lam, cái áo còn mới nhất trong mớ áo xống cũ mèm vì mủ đu đủ của Lân. Má Lân thấy con trai cặm cụi thì ghẹo mấy câu:

- Hỏi vợ hay gì mà chăm chút dữ vậy ông thần?

- Má cứ giỡn hoài...

Lân ngập ngừng không nói, thế nhưng bà biết quá nửa rồi. Bà không tưởng được cái cảnh con trai mình rước một đứa chửa hoang về, càng không tưởng được ông chồng mình trước cảnh ấy sẽ ra sao? Chỉ cầu cho ông không đau tim trúng gió bất thần, nếu không thằng Lân trốn đi đâu? Hay là về miền cực lạc?

Hình như với bà, cái mác chửa hoang không là gì hết. Bà có một người chị không chồng nuôi hai đứa con trai, sau này mở sạp vé số ngoài chợ tỉnh. Bà có một ông anh gà trống nuôi con để chị dâu yên tâm mà đi "Bình Dương", tức nghĩa là đi trốn nợ. Vậy mà, gia đình bà vẫn vui vầy hạnh phúc đó. Đâu cần "đúng cha mẹ ruột" mới gió lặng, cây liền. Đâu cần đủ đầy mới gọi là hạnh phúc. Nhưng ngoài bà ra có ai chấp nhận được hay không, bà thực lòng không biết.

Phần Lân, Lân không nghĩ được nhiều vậy. Lân hết ủi áo rồi đánh giày, thậm chí còn tính mua thêm quần mới vì quần cũ nhăn nhúm quá rồi, chỉ chùng vải giãn. Ngặt nỗi nửa đêm Lân mới nhớ mình chưa soạn được cái quần tử tế, thành ra chỉ biết ủi kỹ lưỡng hết sức, rồi phó lại cho trời.

Cuộc hẹn diễn ra vào buổi chiều thì từ sáng Lân đã nôn nao, phấp phỏng. Tầm trưa, Lân nghĩ ra mình một cách trình bày với ông nhạc tương lai cho trơn tru. Đó là viết văn hỏi vợ ra giấy, rồi vừa học vừa coi chuyện buôn bán. Học tới năm giờ chiều, mắt thấy sắp tới lúc, Lân ra nhà sau chải lại tóc, ngắm nghía mình trong cái kiếng nhỏ bằng lồng bàn con thêm mười lăm phút nữa.

Canh từng giây từng phút, lúc chiếc xe đạp cọc cạch dừng lại trước sân nhà Tuyền đồng hồ vừa điểm năm giờ bốn lăm.

Chiều nay Tuyền mặc chiếc áo màu tím đậm hơi rộng và quần bà ba đen. Tuyền vẫn buộc tóc sau gáy như mọi ngày, để tóc ôm vừa gương mặt tròn của mình. Nói chung, diện mạo Tuyền không khác, có khác là đôi mắt. Nếu cái nhìn của Tuyền là gió thật thì bây giờ nó là gió ngày sa mạc chứ không phải gió đêm. Ở đó có cả mát mẻ thoáng chốc và khô nóng thường trực, có niềm hi vọng nhất thời và sự tuyệt vọng vĩnh viễn đang chực chờ. Cái nhìn của Tuyền khiến Lân có những dự cảm lạ. Và Lân đã không tin điều đó cho đến khi cuộc đàn hát tận, lời hỏi cưới được thốt ra.

- Sao mày muốn cưới nó? - ba của Tuyền miết tay trên dây thép, gằn giọng - Hay mày là ba của con nó?

Lần thứ hai được hỏi về danh phận Lân đã không còn ý lấp lửng. Lân nhận luôn:

- Dạ.

Tuyền ngó sang ba rồi ngó về Lân, bàng hoàng hít một hơi thật sâu. Cứ tưởng hứa vậy thôi, Tuyền có ngờ đâu Lân giữ lời thật. Một tia hi vọng dần le lói trong cái nhìn nồng gió sa mạc. Lời phân giải của một người bà con vọng lại trong đầu Tuyền, hết sức tình cờ, rằng "mặt mày đã dơ, người ta bưng thau nước cho mày rửa, sao mày từ chối làm chi". Không nói đến đứa con, chính Tuyền cũng muốn cho mình một bến bờ yên ấm. Có thể không có tình yêu nhưng hai người vẫn là người nhà. Có thể không quá gắn bó nhưng đủ để nương tựa lẫn nhau. Tuyền đã làm sai một lần, lẽ nào con người chỉ được làm sai mà không được sửa đổi!

Nhưng rồi ba Tuyền dập tắt ước mơ đó ngay tức khắc. Ông nhìn cô cháu họ đứng kế bên đang lấm lét nhìn mình, lại nhìn Lân, rồi thình lình nện cây ghi-ta mượn vào phản gỗ. Phản lung lay nhẹ, thùng ghi-ta kêu những tiếng ồm ồm, đùng đục đớn đau. Lân giật mình chạy khỏi phản trước khi cây ghi-ta bị ném mạnh tới, va vào bờ tường, vỡ tan tành.

- Thằng mất dạy! Sao bây giờ mày mới nhận?

- Ba!

Hai cha con Tuyền đồng thời hét lên rồi im bặt. Chim chóc trên đọt cây bị hoảng, bay tứ tán. Lân đứng trơ ra đó như trời trồng, ngỡ mình là người đi ca cầm nhầm kịch bản của một ai. Đáng lẽ mọi việc phải êm xuôi mới phải? Vì sao lại thành ra như vầy?

Trong lúc Lân thất thần, ba của Tuyền xăm xăm bước tới, lấy cần đàn huơ trước mặt Lân, dọa nạt:

- Đi đi, thằng khốn nạn, thằng Sở Khanh! Cút khỏi nhà tao! Cút khỏi cuộc đời con gái tao!

Tiếng quát cuối cùng dừng lại, cần đàn giáng xuống. Lân không tránh, để lại một mảng vỡ trên đầu. Máu đỏ chối mắt tuôn tuôn, cay xè mắt mũi Lân. Lân vẫn còn ngỡ ngàng đứng đó.

...

Lân nằm quay vô vách, nhìn những đường nước thấm vằn vện trên tường, cố dời suy nghĩ của mình khỏi việc vừa nãy. Lân nghĩ về trạm y tế chống thấm kém, hễ mùa mưa tới là ngập mùi ẩm mốc. Lân nghĩ về cái bánh trung thu mới bẻ nửa chưa kịp ăn. Lân nghĩ về chiếc áo sơ mi mình đang mặc, nhủ: "chà, phải chờ bao lâu mới may được cái áo đẹp như vầy". Lân nhớ về mình lúc chăm chú chải chuốt trước gương, nhớ về dòng sông sau nhà, nhớ về tình yêu Tuyền mà mình ví như tình yêu con nước.

Vì sao Lân quên mất nước vô ý chảy, những vật nương nhờ bên con nước cũng vô tình theo?

- Nè anh, quay lại cho tôi may. Bễ đầu mà nhởn nhơ quá.

- Chứ hồi mới vô tôi nằm nghiêng, bác sĩ biểu tôi không động đậy, tôi có dám động đậy đâu.

Thấy Lân hơi gắt gỏng, ông bác sĩ thở dài, lại chuyên chú với thuốc khử trùng và bông băng thuốc đỏ để sẵn. Trạm xá về đêm vì vậy càng im ắng, thỉnh thoảng mới có tiếng leng keng của dụng cụ y tế va nhau. Bác sĩ cho Lân một uống một liều thuốc tê, vừa chuẩn bị may mũi đầu tiên vừa nói:

- Ráng chịu đau chút xíu! Bạn gái anh tới thăm anh kìa.

- Ông đừng có gạt tôi, tôi có yêu đương gì đâu mà có bạn gái.

Rồi bác sĩ không nói gì nữa, tập trung khâu vết thương thật cẩn thận. Khâu xong Lân nghỉ lại mười lăm phút rồi ra về ngay, mặc kệ đầu óc nửa lâng lâng nửa đau nhói. Không có vết thương thì đầu Lân chắc cũng y hệt vậy. Rõ ràng việc đang suông sẻ, có ai ngờ lại đổ vỡ như vầy.

- Lân. Anh Lân.

Lân quay đầu, nheo nheo mắt. Dưới ánh đèn tù mù của trạm xá, một người con gái ôm nón lá đi tới gần. Không phải Tuyền, mà ấy là cô chị họ.

- Dạ. Chị kêu tôi.

Cô gái tiếc rẻ, giọng điệu ân cần:

- Anh đừng để bụng nghe. Tuyền đang ở nhà dỗ ba nó rồi. Tôi thấy nó cũng không xuôi chuyện cưới gả này lắm. Anh có lòng thì thư thư ít bữa cho nhà nó êm ấm đã.

- Cám ơn chị nhắc nhở. - Lân khách khí, toan quay đi thì sực nhớ nên chào - Thôi, tôi về.

...

Có lẽ vì ái ngại việc khiến Lân bị thương, cũng có lẽ vì tháng thai đã lớn, Tuyền hiếm khi gặp lại Lân ngoài phố chợ. Còn Lân, Lân vẫn lầm lũi với chiếc xe chở đầy cần xé đu đủ, băng qua ngõ sình lầy, lên chợ rồi quay về căn nhà nửa gác bờ nửa ở trên sông. Có đêm thao thức, Lân nghe đâu đây sóng sông vỗ đều. Sông chê bai Lân như những gì người ở chợ cười chê, rằng Lân là thằng hèn dám làm không dám nhận. Sau này người ta mò mẫm đoán ra, lại quy kết cho Lân "tiếng thơm" đổ vỏ.

Rồi thì có làm sao, Lân vẫn là Lân thôi. Chuyện ăn thêm vài roi của ba và nghe thêm vài tiếng thút thít của má Lân còn không đủ thì giờ bỏ vô mắt. Lân tự nhận mình bất hiếu, vì sau khi nghe hết những lời hoặc răn dạy hoặc van nài Lân vẫn muốn lấy Tuyền làm vợ. Bằng không, Lân ở vậy cả đời.

Ba má Lân hết cách, đành bỏ mặc. Nhà xào xáo, ra-đi-ô thường hát được nửa bài, đọc nửa bản tin rồi bị tắt đi. Chỉ vài lần khi trên đó ca "Hàn Mặc Tử" Lân mới nói, "ba khoan tắt, để đó cho con nghe". Rồi Lân ngủ thiếp trước lúc Kim Ngọc và Hùng Cường hát tới đoạn "Tâm sự Mai Đình".

Ngày Tuyền trở dạ, Lân là người vừa hay ghé thăm, đưa Tuyền ngồi ghe qua trạm xá. Tuyền sinh được một đứa con gái, nằm trên bàn sinh thất thần nhìn nó, không biết phải đặt tên là gì. Cho dẫu biết không nên Lân vẫn thủ thỉ với Tuyền, "Tuyền để anh chăm sóc má con em, nghe em?".

Lẽ hiển nhiên, Tuyền không đáp.

Con gái Tuyền tên Khê, một cái tên nhắc nhớ quê hương trên Thượng xa xăm năm nào. Tuyền rời gốc gác một lần, có ngờ được năm Khê một tuổi lại phải xa con, rời quê nhà thứ hai. Nhà túng quẫn, ba bệnh nặng, Tuyền phải để con nhỏ ở nhà nhờ má ẵm bồng, phần mình lên thành phố làm công nhân may. Dưới ánh điện xí nghiệp đêm ngày, lâu lâu Tuyền mới thôi miệt mài công việc, quay về với một niềm vui. Đó là đọc thư Lân.

Lân thay má Tuyền viết thư gửi lên, thi thoảng chụp được vài tấm hình của Khê Lân cũng cho vô bao thư. Tuyền một mặt an lòng, một mặt áy náy. Tuyền vẫn còn nhớ trước lúc đi mình cho Lân cái hẹn năm năm.

Tối ấy là một buổi tối rộn rã, rạp hát chiếu "Áo vũ cơ hàn", đối diện là đình thần thuê gánh Sơn Đông mãi võ về cho chòm xóm giải khuây. Hai trò hẹn cùng một ngày, Lân không biết làm sao coi cho đặng, bèn leo lên mái đình lót dép nằm coi. Chốc trước Lân coi cải lương, chốc sau lại coi người ta để đá tảng trên bụng mà đập, rồi nuốt kiếm, phun lửa. Tám chín giờ hai bên cùng vãng hát, Lân trèo xuống đã thấy Tuyền đợi sẵn tự bao giờ. Tuyền đánh tiếng, "hay là Lân cho tôi năm năm nghe. Tôi lên thành phố, năm năm sau quay về, con lớn rồi, Lân đỡ cực".

Một lời hứa của Tuyền với Lân còn quý hơn vàng. Ở quê nhà, Lân một mình diễn trọn cả hai vai Trọng Trí và Mai Đình. Khi viết thư cho Tuyền, Lân ca tụng dòng trăng sau nhà mình. Lân kể ngày xưa từng ví tình yêu của mình như tình yêu con sông, nhưng mới hôm rồi Lân đọc trên báo thấy ông triết gia Hi Lạp tên Hê-ra-clit viết: "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông". Chừng này Lân mới nghĩ ra sông hôm nay không phải sông hôm qua nữa. Lân tự hỏi tình yêu là gì? Là niềm say mê với nét đẹp bất biến của một người hay vốn do ta cố chấp mà ra.

Lần đầu tiên suốt chừng đó năm thầm thương, Lân hỏi Tuyền, "có khi nào tình tôi là lồng giam với em không, em không bay đi được, sống một đời chán chường bí bách?"

Tuyền không hay chữ, chỉ chờ đến cuối tháng thuê người đánh máy biên thư về. "Tôi và Lân có cái hẹn năm năm. Yêu hay không cũng rất cần chữ tín."

Với Tuyền, thứ sót lại sau năm năm xa quê có lẽ là sự cảm động và tình thân vốn có với Lân. Còn với Lân, tất thảy nhiều lắm chỉ là mơ ước viển vông, bởi khi về Tuyền đi trước, một người đàn ông khác cất bước theo sau. Ôi Tuyền ơi, chữ tín của em! Em không làm được thì hứa có ích gì? Vì sao em để tôi dại khờ trong thứ tình yêu bị người ta chê bai, ba má nhiếc móc? Dòng sông đầy ắp trăng sau nhà tôi thường kể với em đâu có còn giống hôm trước. Tôi giống như cô Mai Đình si tâm vọng tưởng, đâu biết Hàn tuy nói vậy nhưng chưa bao giờ tha thiết tới tôi.

Đốt đèn, Lân soi những lá thư Tuyền gửi mấy năm nay, rồi soi lại bàn tay đầy mủ đu đủ của mình, soi lại chiếc áo thâm thẩm hương thứ quả quê mùa. Mấy năm nay Lân thường phụ giúp má Tuyền lo cho Khê, phần nhiều tiền để lại cho ba má mình, chưa may được chiếc áo mới nào. Áo cũ đã sờn rồi. Vết máu trên chiếc áo ca rô ngày hỏi cưới đã mờ như chưa từng xuất hiện. Chiếc quần không tử tế giờ đã bị cắt ngắn đến đầu gối vì lai quần mòn chỉ, mỏng te. Ai nói Lân chưa từng khác đi? Lân đã ngày càng tàn tạ.

Tuyền thì sao? Tuyền khác chứ. Lân đinh ninh là Tuyền khác. Làm gì có một ai tiếp xúc với xa hoa nơi phố thị mà không bị mê hoặc. Ôi "ánh sáng kinh đô", ôi "ly bia qua tiếng nhạc mơ hồ, cùng ngàn nụ cười ánh mắt giai nhân" [5], có thứ gì của Tuyền trong suốt năm năm qua có bóng dáng của Lân đâu. Có chăng, là dáng dấp bảnh bao của người công nhân đó.

Lần này vì yêu, Lân cuốn gói thật. Lân lên thành phố học nghề, để lại tất cả thư từ, nhờ chị họ gửi lại cho Tuyền. Mà Lân cũng có biết đâu bên bờ sông, một chiều mơ màng, mớ thư ấy bị xé vụn, bay lả tả như rừng bướm trắng. Còn người con gái xé hết thư ấy, cô mặc áo trắng quần đen như đưa tang.

Ngày nào đó khi Lân quyết định dần quên Tuyền đi, tự dưng bên tai thoảng qua vài câu đồn thổi. Nghe nói ba Tuyền mất rồi. Nghe nói Tuyền sắp đám cưới, mà chỉ làm lễ hợp hôn nhỏ. Nghe nói Khê lên lớp một, còn chưa được nhận mặt ba ruột. Nghe nói như vầy, nghe nói như kia...

Điều nghe nói cuối cùng là nhà Lân phải dời đi để người ta làm bờ kè. Rồi dự án bờ kè chưa tới đâu, thấy sông cạn quá nên người ta đổi sang lấp sông, riết cũng thành một con lạch nhỏ. Ngồi trước đèn nê-ông, tự nhiên Lân nhớ tới bài "Sông quê". "Có một dòng sông chảy tràn trong trí nhớ. Làng em bến lở, làng anh ở bến bồi..." [6]

Sông quê Lân không chia cuộc tình ra đôi bờ, chỉ cạn cùng, mòn khô. Mà hình như xưa kia khi Lân còn tha thiết yêu Tuyền, kỷ niệm dòng trăng trên sông ấy chỉ một mình Lân chứng thực. Bây giờ sông mất, Lân biết nhớ gì?

Một chiều tháng tư gió nhiều, Lân về quê. Hoàng hôn ngả đầu trên con lạch lặng lờ, như cháy, cũng như thiu thiu ngủ. Lân cứ đứng như vầy với bao nhiêu là tiếng hát. Câu này, câu khác, không câu nào thật đúng với những gì Lân đã mất. Có khi nào vì vậy nên Lân không có cách lấy lại cảm giác đòng đưa chân trên đầu sóng, ngắm sông và thương thầm người nào đó thuở xưa?

Bên bờ lạch, khuất đằng sau những bụi điên điển hứng bóng chiều tà, một bóng người nghiêng nón lá lướt qua. Người ta nhìn qua bờ bên này, mắt chạm mắt với Lân, khiến Lân chợt thấy mình nhỏ lại.

Bên tai Lân như còn nghe câu hát nào.

HẾT

Cần Thơ,

11.10.2021

Lê Bình Chi

__________________________

Chú thích:

[1] Trích từ Tâm sự Mai Đình, thuộc vở cải lương Hàn Mặc Tử.

[2] Người Thượng là danh từ gọi chung những nhóm sắc tộc bản địa sinh sống tại khu vực bao gồm miền Trung Việt Nam (bao gồm cả Vùng Đông Nam Bộ, khu vực Tây Nguyên và dãy Trường Sơn) và một phần lãnh thổ của Campuchia và Lào. Những dân tộc này gồm Ba Na, Jarai, Ê đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông..., nhóm các dân tộc Khmer Loeu gồm người Tampuan, người Kreung, người Kuy ở Campuchia và người Mro ở Miến Điện và người Katang ở Lào. (theo Wikipedia)

[3] Lấy ý từ câu "Tuổi xuân thời anh đem hết cho người ta, giờ tàn phế em xin nhận về làm bảo vật", trích từ Tâm sự Mai Đình, thuộc vở cải lương Hàn Mặc Tử.

[5] Trích bài hát Thành phố sau lưng, sáng tác: Hàn Châu.

[6] Trích bài hát Sông quê, sáng tác: Đinh Trầm Ca.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top