#1

(Summary)

Mỗi mùa hè là cả một thời tuổi thơ. Mùa hè ấy, là cái bồng bột của tuổi trẻ, là khi tiếng chim tu hú vẫy gọi những tâm hồn trẻ trung, bừng lên sức sống và khao khát từng bước chân sáo, miệng líu lo không bao giờ hết và rồi lãng du qua những miền đất nụ cười.

Mùa hè tràn đầy nhựa sống, rực rỡ sắc màu. Tiết trời gay gắt lạ thường. Nắng chói chang trải dài như nhảy múa, đùa nghịch trên từng ngọn cỏ. Lá xanh rung rinh như níu lấy những màu nhạt nắng cùng với những nụ hoa phượng mới chớm đỏ rực cả một vùng trời xanh. Gió nhẹ nhàng thả nhẹ theo chiều mây, là những đám mây cuồn cuộn bồng bềnh nhưng lại vô cùng tự do và hiếu kì, tâm tư như chàng lãng tử trẻ, một thân một nước phiêu du, nhẹ bẫng đi qua bao nhiêu miền đất dồi dào là những đồng lúa chín, chiêm vàng, là vụ trái cây ngọt ngào hương vị, là những dòng chảy lấp lánh màu nắng và cả tiếng ve ngân râm ran giữa buổi trưa hè đầy vắng lặng.

Tràn trề sức sống, lung linh rực rỡ những sắc màu, những âm thanh hoà quyện với những kỉ niệm nô đùa cùng chúng bạn chính là giấc mơ mùa hè đối với từng đứa trẻ. Để khi mùa hè đến, chúng lại được tung tăng bay nhảy dưới những cánh diều, băng qua đồng lúa chín, những con sông màu nắng, leo trèo như những chú khỉ nhỏ mà trộm những trái ổi chín ngọt.

Mùa hè trên nhiều miền đất có một nét đặc trưng khác nhau. Nhưng tại làng Đa Đa kia, đối với những đứa trẻ thì thả máy bay giấy là một truyền thống ăn vào máu chúng từ đời này qua đời khác, nhưng ít ai biết rằng truyền thống này lại bắt nguồn từ hai đứa bé có ước mơ được ở cạnh nhau mãi mãi.

Mùa hè năm ấy...

---------------------

-Vân ơi, cẩn thận coi chừng té gãy cổ đấy!

Phía dưới, có cô bé trông nhỏ con, mặt mộc mạc với hai lúm đồng tiền hết sức duyên dáng, đôi mắt to tròn long lanh không ngừng dõi theo từng hành động của một thằng con trai mà nó cho là hành động của anh hùng mà thật ra chỉ là trò nghịch ngợm của một tiểu quỷ.

Thằng bé tên Vân, hai chân vẫn thoăn thoắt như chú khỉ nhỏ, một tay bám chặt lấy thân cây, tay còn lại với lấy trái ổi gần nó nhất. Mặt nó rõ tái mét, hai cẳng chân run như cầy sấy nhưng vì cô bạn gái thanh mai trúc mã, nó sẵn sàng liều mình trộm ổi nhà lão Xuyên - ông chủ cái cơ ngơi to lớn này, nơi có khoảng sân toàn những cây ăn quả chín dần từng múi và cả hòn non bộ có cá vàng lội tung tăng nữa.

Nhà lão Xuyên được bao bọc với hàng tường vững chắc màu đỏ gạch, cao chừng gần hai thước. Phía trước có cổng làm bằng sắt, nó lợi dụng mấy cây thanh chấn song mà bám rồi vắt qua, cái Di kia thì để lại phía ngoài. Một mình nó lẻn vào vườn nhà lão Xuyên, có gan hùm tới mấy, giống như mọi đứa trẻ sợ ông ba bị thì thằng Vân muốn té lắm rồi.

Thân cây sần sùi, nham nhám. Vỏ già có thể bị tróc ra ở mảng dưới, lượt vỏ mới thì nhẵn, màu xám hơi xanh. Cành khẳng khiu nhưng lại xum xuê những trái. Lá cây bây giờ màu vẫn còn tươi dịu, là lá đơn đối xứng, có cuống ngắn. Hoa ổi trắng muốt, mọc ở nách lá, có nhị vàng, hương hoa hoà quyện cùng gió, khẽ xào xạc những tán lá xanh mơn mởn và chùm ổi con. Trái ổi hơi tròn, nói đúng hơn là dài thuôn, giống trái lê nhưng to hơn, màu xanh nhạt. Màu ổi hoà vào màu lá, xanh mướt và dịu nhẹ đi cái chói chang của buổi trưa hè.

Gió thoảng qua, khẽ đung đưa những trái ổi con như vòng tay người mẹ ấp ủ lấy những đứa con vào giấc ngủ. Lợi dụng chiều gió, thằng Vân nó với lấy một trái. Cái Di đứng dưới nhìn nó chộp được chiến lợi phẩm, mặt mày hớn hở, vỗ tay rôm rốp. Nhưng cũng không ngờ rằng, lão Xuyên vô tình nhìn ra ngoài, và bắt gặp cây ổi yêu quý của lão đang bị lũ trẻ vặt trái.

-Thằng kia, mày... mày...

Lão Xuyên nhìn nó ngạc nhiên, hai mắt trợn tròn nhìn nó, miệng lắp bắp như gà mắc tóc. Vân biết nó không thể ở trên cây được nữa. Vội tụt xuống, nó nhanh nhẹn vắt mình qua cổng. Cái Di đứng phía ngoài cũng vội đỡ lấy chân nó.

-Thằng kia, đứng lại! - Lão Xuyên mặt đỏ bừng đến hai mang tai, chỉ kịp vớ lấy cây roi rồi bước nhanh ra. Thằng Vân cũng vừa nhảy xuống bên kia cổng, rồi nó túm cái Di chạy biến.

-------------------------------------

Thấm thoắt, trời đã trở chiều, nắng nhạt dần và có gió nhẹ thoảng qua. Thằng Vân dắt cái Di cứ chạy ráo riết, chẳng thèm ngó lại xem lão ta có đuổi theo chúng không. Chúng nó băng băng chạy ngang qua dải lúa mới, rồi cứ thế mà men theo con đường làng cho đến khi đặt chân tại bờ đê.

Mồ hôi chảy dài trên trán hai cô cậu, ướt đẫm cả một tấm lưng. Di chống tay thở phì phào rồi lại đưa tay vén mấy lọn tóc thưa qua một bên. Thằng Vân đứng bên cạnh nhìn con bé mà thấy thương thương, cu cậu lại vỗ vai nó an ủi.

- Trời ơi là trời! Vân ơi, cậu liều quá.

-Liều cái gì mà liều! Tao lấy ổi cho mày còn không biết ơn, lại chê trách gì đây. - Vân xịu mặt cãi lại, quát lớn khiến cái Di chỉ biết nín thinh. Nhìn cái Di như vậy lại thấy tội, bạn Vân lại muốn làm sao để con bé cười. Chợt nhớ đến chiến lợi phẩm vừa lấy được, nó hí hửng thọt tay vào cái áo thun đang đóng thùng của mình và lôi ra một trái ổi nhỏ. Cái Di hai mắt sáng rỡ, miệng khen xuýt xoa:

-Vân giỏi quá! Vân giỏi quá!

Bạn Vân lại đắc ý cười khoái chí:

- Hí hí, chuyện nhỏ. Đây, mày thích ổi, tao lấy cho mày.

Vừa nói, Vân đưa ổi trước mặt cô bé, háo hức chờ vẻ mặt thèm thuồng một cách vô tư của Di. Quả như dự đoán, Di không kiềm được cơn thèm ổi, hai tay cứ vớ lấy trái ổi trước mắt. Mà cậu Vân này lại thích trêu đùa con bé nữa cơ. Cái Di cứ mãi đòi cầm thử quả ổi bé kia, trong khi Vân hết giơ lên giơ xuống mòng mòng làm cho nó mất kiên nhẫn mà vồ lấy.

- Được rồi, được rồi.

Vân cười đắc ý, tỏ vẻ thoả mãn với trò đùa của mình. Định bụng trêu con bé tí, sau đó lại làm hoà rồi bổ trái ra ăn chung. Ai ngờ, cái Di không để ý mấy đến lời của Vân, vẫn mải mê với lấy. Trái ổi nhỏ nằm thóp trong tay Vân căng tròn và bóng loáng dưới nắng chiều, tiếp xúc với cái đụng tay của Di mà thản nhiên rớt qua đê.

Vân sững sờ ngoái đầu lại nhìn. Trái ổi nằm lăn lóc men bờ, tròn căng như cái ỉn con, khiêu khích sự gan dạ của thằng bé. Vân nhìn ổi tiếc nuối mà tặc lưỡi.

"Anh ở đầu sông, em cuối sông"

-Tao đã bảo là được rồi mà không chịu nghe.

Định bụng quay lại mắng cho nó mấy tiếng, bắt gặp Di bứt rứt cúi đầu bặm môi, mặt buồn thiu, Vân lại thôi. Cũng tại nó khơi mào trước, giờ trách ai được? Tiếc nuối gì nữa?

"Kẹo kéo, càng kéo càng dài, càng nhai càng ngọt, ngọt như đường cát, mát như đường phèn. Ai mua kẹo kéo không?"

Gần đó đầu ngõ, có tiếng rao hàng vang lên, giòn tan giữa buổi chiều nhạt nắng. Chuông xe reo leng keng vui tai mỗi lúc mỗi nhộn nhịp khi chiếc xe đẩy lăn nhẹ trên con đường sỏi đất. Hai mắt Vân sáng rực, nó quay lại nắm lấy bàn tay be bé của Di, rồi lại nhe răng cười:

- Ăn kẹo kéo nhé!

------------------------------------

Kẹo kéo là một loại kẹo đậu phộng bình dân của làng quê Việt Nam, được bọc đường hoặc mật mía bên ngoài. Kẹo kéo vừa ngọt vừa dẻo, bao giờ cũng luôn ngập tràn hương vị quê hương, ngọt bùi, hấp dẫn mấy đứa trẻ con trong cái xóm nhỏ, cũng là món ăn vặt dân dã được nhiều người dân xóm lao động nghèo ưa thích.

Vân nắm lấy tay Di mà chạy ráo riết, vừa chạy vừa gọi oai oái, đồng thời đưa tay vẫy vẫy ra hiệu.

- Ông kẹo kéo ơi! Đợi chúng cháu!

Kẹo kéo được làm từ mật mía hoặc đường,đậu phộng rang và mỡ hoặc dầu ăn để kẹo có độ bóng . Đầu tiên, người ta rang đậu vàng đều, sau đó tách vỏ lấy nhân. Nước đường đem thắng ở lửa vừa,  để đường tan chảy từ từ được tới thì đánh đều kẹo bằng các que tre đóng bên bàn. Kẹo được đập thẳng vào đinh rồi kéo dài ra, cứ lặp đi lặp lại như thế cho đến khi kẹo chuyển sang màu trắng và dẻo. Khi bán, người ta dùng vải lót tay rồi kéo kẹo dài ra cho đến khi được một thanh kẹo khoảng bằng một đốt, thì dùng ngón trỏ chặt một cái mạnh và dứt khoát lên kẹo khiến nó đứt lìa ra kèm theo một tiếng "rắc".

Di và Vân mân mê nhìn kẹo kéo được chặt gãy "rắc" vui tai, miệng tủm tỉm cười. Đậu phộng rang vàng giòn mùi thơm ngào ngạt như xộc vào mũi tụi nó, bùi bùi ngây ngây.

Vân móc trong túi tớ năm trăm đồng một cách tiu nghỉu, song lại đưa mắt nhìn cái Di. Con bé lắc đầu không đáp, hai mắt tròn xoe vô tội.

Nhìn bọn trẻ, ông bán kẹo rong thấy thương thương, thế là bèn ngắt thêm đoạn nữa "khuyến mãi", coi như cảm ơn đã ủng hộ lão giữa buổi chiều nhàn hạ này.

Lão cười nắc nẻ:

-Lão hồi bé cũng nhỏ xíu, cũng thèm ăn ngọt giống tụi bây vậy đấy.

Di và Vân nhìn nhau cười cười.

-------------------------------------

Cái cảm giác đậu phộng giòn rụm rôm rốp trong miệng và kẹo dinh dính ở kẽ răng mỗi khi cắn khiến cho Di và Vân cảm thấy khoai khoái. Vị ngọt của kẹo, có bùi thơm, có beo béo, dẻo dẻo làm tụi nhỏ mân mê chỉ biết nhai đi nhai lại để thấm mãi cái hương vị ngây ngất chết ngất ấy.

- Kẹo kéo ngon ha! - Vân ăn xong phần của mình, sau đó quay sang nhìn cái Di đang gặm từng chút một mà tiếc nuối ứ đọng đong đầy trong ánh mắt cún con của nó.

Tụi nhỏ đang ngồi chơi trên một thảm cỏ xanh mơn mởn trên ngọn đồi gần làng. Nhìn từ xa, có đồng lúa vàng ươm yên bình, có mấy mái nhà nhấp nhô giữa màu xanh, có con sông vắt ngang bầu trời, là một bầu xanh rộng bao la ôm lấy trọn cả vùng đất nụ cười, xanh mướt dưới ánh nắng lấp lánh. Cỏ cây vui đùa thích thú, tinh nghịch cùng gió dịu dàng thoảng qua, rồi lại từ từ để nó rời đi một cách luyến tiếc về nơi tận cùng chân trời.

- Di có còn giận Vân nữa không? - Vừa thích thú ngắm trời, thằng bé vừa chuyển ánh mắt sang cái Di, hồi hộp hỏi. Con bé ngạc nhiên nhìn cu cậu, sau đó thản nhiên trả lời:

-Di đâu có giận gì Vân đâu! Hồi nãy là do Di thấy có lỗi thôi mà.

Vân tự gãi đầu, nhe răng cười hì hì, khều nhẹ cái Di mà nói:

-Vậy, tụi mình xí xóa hen. Tao nói lớn cũng là lỗi của tao.

Cái Di lại cười đáp lại. Nó hếch vai thằng bé, phụng phịu hai cái má hồng hào, bĩu môi:

- Xí xoá hoài không biết có sửa được không. Hứ!

Hai đứa trẻ nhìn nhau rồi bỗng nhiên cười nắc nẻ. Tiếng cười trong vắt mà vui tươi, giòn tan cả một bầu không khí thiên nhiên vắng vẻ, nhàn nhã. Chiều nhạt nhưng sẽ luôn ghi ấn mãi tiếng cười hồn nhiên trẻ thơ giữa hai cô cậu bé nơi làng quê trong lành, nơi nghèo khổ mà bao giờ cũng luôn khoe đôi mắt híp cười, chúm chím hoa nở trên môi.

----------------------------------

-Vân nè, mai mốt cậu định làm gì? - cô bé Di nằm dài trên bãi cỏ, ngước đầu lên trời mà buột miệng hỏi. Ánh mắt Di sâu thẳm như hướng về nơi xa xăm, như chan chứa một sức sống, một khát vọng mãnh liệt, một ước mơ tò mò về thế giới.

- Tao không biết. Mai mốt là mai mốt, bao giờ đến mai mốt thì biết! - Trái lại, bạn Vân thì vẫn cứ bình thản trả lời, thẳng như ruột ngựa.

-Hehe..- Di cười. Thằng bé bắt gặp mắt cười của con bé, thế là tự khắc bản thân ngậm miệng lại. Biết sao không?
Cậu Vân nhà mình xấu hổ đấy. Anh chàng thấy người ta cười mình, như kiểu "cu cậu còn trẻ con quá", nhăn nhó, phụng phịu nín thinh.

-Mày muốn làm gì à?

Đúng lúc ấy, Di bật người dậy và nhanh chóng chạy ngược lên phía xa. Thằng Vân lồm cồm bò dậy, chỉ kịp thốt ra vài tiếng ngạc nhiên: "ê... ê..." thì trên kia có tiếng vọng lại, vang lên giữa không gian:

- Di muốn được bay!

Chàng Vân tròn mắt nhìn cô bạn gái của mình đang thỏa mãn với nguyện vọng, với ước mơ của mình, lắp bắp hỏi lại:

- Mày... mày nói cái gì?

-Vân ngốc lắm sẽ không hiểu đâu! - con bé tủm tỉm cười, sau đó chạy xuống đỡ lấy thằng bạn đứng trơ trơ, nắm lấy nó, chạy băng băng xuống đồi khoái chí.

-Đã quá Vân ơi! - con bé ngoác mồm cười đón gió, mái tóc đen dài tung bay trong gió, phảng phất mùi hoa nhài, thơm ngát.

- Trời ơi Di, mày điên rồi!

-----------------------------------------

Mùa hè này, sẽ là mùa hè cuối cùng mà Vân, Di và những đứa trẻ đồng lứa khác trải qua trên quê hương mình, làng Đa Đa. Tụi nhỏ đã luôn gắn bó với vùng đất nơi đây, từ những dòng sông, đến những quả đồi, hay men theo đường làng, và cả vườn trái xum xuê nhà lão Xuyên nữa. Mười năm sống tại nơi đây, là cả một thời thơ ấu đong đầy yêu thương, ngập tràn tiếng cười giòn giã, những lần dại dột, những trò đùa trẻ con, tất cả đều khó phai đến kì lạ.

Sáng sớm tinh mơ, tiếng gà gáy dội vang cả một bầu không khí trong lành sau một buổi đêm êm đềm. Trời trong vắt, cao và thoáng, gió nhẹ.

Nhà Vân ở kế bên nhà Di nên từ nhỏ, Di thường hay qua gọi cu cậu dậy đi học. Chúng nó là thanh mai trúc mã, từ nhỏ các bạn luôn như hình với bóng, lúc nào cũng quấn quýt bên nhau vậy đấy.

Trở về với buổi sáng cuối cùng trên làng Đa Đa, hôm nay có một chuyện lạ xảy ra. Người người loan tin truyền miệng, kể rằng chàng Phong Vân, con nhà chú Khởi, hôm nay tự nhiên dậy sớm mà không cần ai nhắc, đã thế anh chàng còn ra oai gọi bé Di nhà bên dậy. Chuyện lạ thường ngàn năm có một, bà cô các bác cùng cười nắc nẻ.

Bạn Vân hí hửng lon ton chạy sang nhà bên cạnh, định bụng sẽ hù cho con bé một cái. Hừ, ai bảo nó lúc nào cũng dậy sớm, khiến ba mẹ cậu lúc nào cũng lấy ra làm gương, chưa kể họ còn khích đểu thằng bé nữa.

Giàn hoa thiên lí leo xen kẽ nhau, không hề nhún nhường , xoắn xuýt bám theo hai thanh sào, vươn lên cao để đón lấy nắng ấm. Giàn hoa thiên lí năm ấy còn lan bò dưới đất, bây giờ mấy ngọn búp nho nhỏ, nõn mềm đã đan thành mái lợp nhung xanh biếc, rợp bóng.

Qua những đợt mưa mùa hạ, từ nách lá, từng chùm hoa chúm chím bắt đầu nhú lên, nở hoa như những chiếc chuông tí hon xinh xắn. Nhìn từ giàn, thấy có mấy bông thiên lí nhỏ màu xanh lơ, nhàn nhạt, thoảng qua hương hoa ngọt ngào miên man, đơn sơ hương quê. Sau những ngày gom đầy nắng mai, tắm mát trong sự ấm áp của mặt trời, từng nụ hoa xao xuyến bắt đâu chớm nở, một màu vàng mơ mộng, êm dịu. Sắc vàng rực rỡ tỏa khắp bầu trời, miên man cái hương bùi ngọt, thanh đạm đơn sơ cùng rơm rạ.

Tiếc là, đây là sẽ là mùa hè cuối cùng trong tuổi thơ của nó được ngắm giàn hoa thiên lí này.

Vân khẽ thở dài, thu lấy sự tiếc nuối lại và bắt đầu tỏ ra mạnh dạn khi hùng hổ bước vào nhà cái Di. Đáng tiếc, cu cậu chưa kịp tỏ ra hùng dũng thì mặt phải bắt đầu méo xệch lại vì trong bếp, con bé đang bấc lửa nấu canh.

Có lẽ nào, hồi còn đi học, nó cũng thế? Nấu canh, giặt giũ, phơi đồ, sau đó mới đánh thức cậu dậy.

Cái Di rốt cuộc là dậy sớm đến cỡ nào?

-Ô, Vân hôm nay tiến bộ hen. Biết tự dậy sớm luôn nè. - Di tắt lửa, múc canh vào bát rồi đặt trong mâm.

-Hứ, bổn nam tử ta đây, không cần nữ nhi mày đánh thức. - Biết là vừa bị chọc quê, bạn Vân cố gông lên đối đáp lại.

Di nhoẻn miệng cười. - Ừ, ừ, đây cũng sẽ là lần cuối Di gọi cậu dậy. Tại thị trấn, chúng ta phải tự lo cho mình rồi.

Thông thường thì những đứa trẻ sau khi tốt nghiệp tiểu học sẽ được lên thành phố học lên cao. Di và Vân sau mùa hè này sẽ phải tạm biệt quê hương nơi chôn rau cắt rốn này, vì tương lai, vì ước mơ, khát vọng của bản thân chúng và đất nước.

Di cười buồn, bồi hồi, xao xuyến nhìn căn nhà nhỏ một cách thân thương. Cả đời này, nó cũng chưa từng nghĩ mình phải rời xa mái ấm này nhanh như thế.

Vân lặng lẽ nhìn.

-Phải rồi, Vân qua đây làm gì vậy? - Di quay lại nhìn bạn Vân ngạc nhiên.- Không phải để đánh thức Di chứ?

Di cười tủm tỉm, hai má hồng hào làm cho cu cậu méo mó, tức tối phụng phịu nói:

- Thì định là thế, nhưng mà giờ lại thôi. - Vân tự nhiên nhớ đến chuyện khác, thế là cậu tươi tỉnh hỏi:

-Phải rồi, hôm nay chị Quyên nói sẽ đưa tao với mày xuống chợ sắm đồ mới. Mày đi không?

Đôi mắt Di sáng rực, nó gật đầu nhanh, cười đồng ý. Vân cũng cười, nó xoa đầu con bé. Hương nhài hòa quyện trong không khí, cùng với cảm giác tóc xơ cựa vào tay nó cũng khiến Vân vui vui hẳn lên.

- Ừ, ngoan. Mốt tao mua kẹo cho.
----------------------------------------------------

Chợ làng cũng chỉ là một khu buôn bán nhỏ trong xóm lao động. Tuy bình dị, đơn sơ nhưng cũng không kém phần náo nhiệt, nhộn nhịp. Hình ảnh chợ làng rất đỗi thân thương với những đứa trẻ như Di và Vân, ồ ã, xôn xao và đậm chất tình làng, nghĩa xóm, buôn chuyện con trâu, cái cày, nhà cửa, ruộng vườn, là một trong những điểm đến đáng nhớ nhất trong kí ức bọn trẻ.

Chợ nằm đầu làng, phiên bán chủ yếu thường ngồi quanh gốc đa già cho râm mát. Trên khoảnh đất rộng, gò cao, có mấy lán dựng túp lều tranh tạm để tránh nắng, tránh mưa, thêm tường quét vôi xám, rất đỗi mộc mạc dưới khoảng trời xanh ngát. Cả mười năm, những lúc đi chợ sắm Tết, đón giỗ, bao giờ cũng là kỉ niệm đối với lũ trẻ.

Có tiếng rao giòn giã giữa chốn miền quê, từ xa, chợ làng đã hiện rõ mồn một, thật thà giản dị. Vẫn hai gian mái ngói rêu phong, vẫn nụ cười mộc mạc các cô các bác , vẫn bầu không khí ồn ào, tíu tít mua bán, thăm hỏi. Các bác ngồi trên chiếu ngói, có người ngồi xổm, có người ngồi ghế, trước mặt bày vải bán vóc. Nồi đồng, nồi đất, niêu cơm, chén bát đồ gốm thủ công bằng tay, sạm màu nâu đất hoặc đen nhưng đậm chất đồ nhà làm.

Chị Quyên sắm hai chiếc áo trắng cho Di và Vân, tay ngắn, túi áo oai nghiêm trên ngực. Sau đó, chị cho mỗi đứa năm hào rồi để chúng tự do ăn vặt. Thằng Vân tíu tít, nắm tay Di dẫn nó băng băng đi xem mấy gian hàng.

Có gian bán thịt gà, lại có hàng bán giò heo. Gian kia thì có thúng thóc thúng gạo, thơm thơm bùi bùi, có bún trắng ngần gói trong lá chuối, thoảng hương thơm của bột gạo. Bên này, có gian mắm tôm mắm tép, cá ao cá sông nuôi, giãy bành bạch vui tai. Giỏ kia có hến, có ốc vặn, nhiều ơi là nhiều, đựng đầy rổ. Tưởng tượng rằng trên tay là một bát bún riêu nóng hổi, gạch cua đỏ chan trong nước canh chua, thêm chút gia vị, hành phi thơm mà húp sột soạt, nhâm nhi thêm chút ốc vặn thì còn gì bằng!

-Trưa nay, mẹ tao nấu canh bún riêu cua, mày qua ăn nhé! - vừa đi, Vân vừa hỏi.

Di gật đầu nhẹ, không đáp. Hai má con bé ửng đỏ, có vẻ ngài ngại.

Đến rồi, nơi góc chợ là một gian hàng nhỏ của một cụ bà đẹp lão, tóc bạc phơ, răng khểnh răng đen nhai trầu, phả thơm ngát. Bà cũng già rồi nhưng niềm vui của bà là bày bán đồ ăn vặt cho lũ trẻ vui. Ở đây có kẹo dừa, có kẹo chuối, kẹo gừng, có bánh gạo, bánh giò, bánh da heo,.. chủ yếu là đồ nhà làm. Kẹo bà đựng đầy hộp, bánh bà để ngay ngắn trong rổ. Mà đồ cũng rẻ, bà bán cho con nít mà, vui làng vui xóm thôi.

Dưới mái ngói, bà ngồi chiếu, tay quạt vu vơ, miệng nhai trầu cười cười với Di và Vân. Tụi nó đắn đo mãi, không biết nên chọn cái gì. Bà cười cười, lộ mấy cái răng thô đen, nhìn bọn trẻ âu yếm.

Cuối cùng, tụi nó cũng lấy kẹo chuối và bánh gạo, mười hào hai túi đầy. Vân tươi tỉnh chạy ra trước, Di đứng lại chào bà rồi lại chạy theo sau. Lại một lần nữa, chúng nó đến đây, để cho bà một cảm giác như còn thời thơ ấu, đơn giản, bình dị mà tươi vui.

---------------------------------

Vân hẹn cái Di ăn trưa nhà nó. Nghỉ trưa chút, chiều về, chúng nó hẹn thêm mấy đứa bạn nữa, đi thăm một nơi cũng rất đỗi quen thuộc, lần cuối trước khi lên thành phố.

Chiều nhạt. Nắng lên cao, trải dài trên nền đất dát vàng. Nhà nhà khép cửa, yên lặng vô cùng. Đôi khi, lại là tiếng một đứa bé khóc lớn, hay tiếng hát ru của người mẹ giữa buổi trưa hè.

Men theo con đường làng, Vân, Di và một vài đứa trẻ khác dắt tay nhau, bước đi thong thả đến cuối làng. Sâu trong bạt ngàn rừng cọ, hiện ra một mái ngói đỏ, bình dị mà oai nghiêm.

Bức tường đá vôi màu vàng đã sờn màu nhưng dưới cái nắng trưa, "ngôi nhà" ấy lộng lẫy, lung linh đến dường nào. Vẫn cứ như thuở ấy, lần đầu tiên, đi học.

"Hôm qua em tới trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp."

Buổi mai hôm ấy se lạnh, lá trên cành vẫn còn đẫm lại chút sương song lại nhẹ nhàng rung rinh khi gió đến thăm.
Trời cao và xanh, trên không có những đám mây bàng bạc và chim chóc không ngừng ríu rít. Mùa thu về, chính là mùa tựu trường.

Di và Vân, cũng như mọi đứa trẻ khác, chưa bao giờ biết đến hai chữ "tựu trường". Thuở còn cởi truồng tắm mưa, quậy làng phá xóm, đối với Vân, đi học thì sẽ không được chơi, thế thì có gì mà vui chứ?

Ngược lại, Di là một bé gái bình thường, nôn nao, háo hức vô cùng về ngày "tựu trường" đầu tiên. Sáng hôm ấy, em dậy thật sớm và chuẩn bị chu đáo. Trong tấm áo học sinh trắng mới, em cài thêm bông hoa trên đầu, vai đeo cặp, tự nhiên lại cảm thấy mình đứng đắn, chín chắn hơn.

Ngôi trường nằm ở cuối làng, sâu trong rừng cọ, sừng sững hiện ra oai nghiêm. Sân trường dày đặc cả người, ai ai cũng áo trắng sạch sẽ, nao nức xôn xao, cười nói vui vẻ.

Cũng như mọi đứa trẻ khác, Di và Vân bỗng cảm thấy lúng túng vụng về trước sự cao to, uy nghiêm của ngôi trường, dưới cái nắng vàng thuở ấy. Chúng chỉ biết nép sau lưng mẹ, rụt rè giương con mắt tò mò quan sát xung quanh nhưng ngập ngừng e sợ.

Bọn trẻ được đưa vào hàng của lớp một. Ban đầu, chúng nó cũng lo sợ, cũng hồi hộp lắm, đi đứng khép nép, mình cứng đờ ra, chỉ biết dao dát đưa mắt ngoái lại tìm mẹ. "Đại ca Vân", mặc dù lúc ấy cu cậu mặt nghệch ra, lo sợ vẩn vơ, nhưng nhìn cái Di bên cạnh, tự nhiên cậu lại thấy tội nghiệp, muốn an ủi, che chở nó. Thế là đại ca nắm lấy tay bé gái, bạo dạn dắt đi vào hàng.

Sau khi hồi trống vang lên, ông đốc đứng lên đọc tên các bạn học sinh nhỏ tuổi. Nghe gọi đến tên, Di và Vân giật mình, tim đập thình thịch như muốn rớt ra ngoài. Chúng nó vẫn nắm tay nhau bước đi từng bước đều cho đến khi bước vào hàng ngay ngắn.

Ông đốc cười hiền từ và phát biểu đôi lời. Giọng thầy trầm và âm như tiếng chuông ngân, biểu thị rõ khuôn mặt nhân hậu, với cái trán dồ, một nét mộc mạc của người thầy tại làng Đa Đa.

Buổi tựu trường hôm ấy, tụi trẻ sẽ luôn nhớ mãi.

"Trường của em be bé
Nằm lặng giữa rừng cây
Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát thật hay."

Giờ đây, Di và Vân bước vào trường, không phải để làm quen mà là để tạm biệt. Hai chữ "tạm biệt" ấy, làm sao có thể dễ dàng thốt ra đối với mái nhà thứ hai này. Vẫn cảm xúc ấy, bồi hồi xao xuyến mỗi khi đặt chân lên sân trường, tưởng như buổi học đầu tiên. Còn đó những miếng gạch đặt lung tung bên lớp học, còn đó những bình hoa giấy gấp, khẽ rung rinh trước gió. Còn đó tấm bảng đen, bụi phấn và cả những nét chữ nguệch ngoạc in trên mặt bàn mộc mạc, đầy nhớ nhung. Tất cả đều nằm yên bình nơi góc học tập, vẫn còn mãi những kỉ niệm thời đi học, dưới màu đỏ rực của hoa phượng, cũ kĩ mà yêu thương đến dường nào.

"Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Cọ xoè ô che nắng
Râm mát đường em đi."

Lặng lẽ, Di chỉ biết đứng nhìn mà ghi lại những hình ảnh bình dị này lần cuối. Góc ngồi đầu bàn, ngay sát cửa sổ, hộc bàn luôn đầy viết chì và bánh kẹo. Nó khẽ thở dài, chạm nhẹ lên bàn. Mặt bàn không láng mịn, chi chít chữ nhưng lại vô cùng thân quen. Những khi trời lạnh, những lúc Di buồn, bàn học như người bạn an ủi, che chở nó. Áp tai lên mặt bàn, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng rù rù, thế là con bé lại toét miệng cười. Chỉ cần đơn giản, bình yên những kỉ niệm nhỏ bé, thì mỗi ngày đi học đối với nó là một niềm vui.

"Mỗi lần em tới lớp
Là một lần lớn thêm..."

---------------------------

Di và Vân lặng lẽ rời trường. Gió nhẹ thoảng qua khẽ xào xạc lay động những chiếc lá chuẩn bị lìa cành. Trên đường về, không ai nói lấy một tiếng, cả Di và Vân đều im lặng mà mang một mẩu tâm trạng, một tâm tư của riêng mình.

Thấm thoắt, chúng nó đã tốt nghiệp tiểu học, đã phải chuẩn bị lên thành phố. Không ngờ rằng, thời gian trôi qua nhanh chóng đến nỗi khi ngoái nhìn lại, chúng nó phải kinh ngạc, phải tiếc nuối và quyến luyến những gì mình đã bỏ qua và những gì mình trán trọng.

Tách!
Một giọt nước đậu trên chiếc mũi nhỏ của Di. Nó ngước mắt trông lên trời.

Trời âm u, mây dày đặc cả một vùng trời xám xịt. Những giọt mưa bắt đầu rơi xuống nền đất xi măng lộp độp vui tai. Vân nắm lấy tay cái Di, chạy đi tìm cái mái nào đó tạm trú mưa.

Nhà nhà bắt đầu rộn ràng, chưng đèn sáng chập chờn. Có mấy cô, mấy chị chạy ra lấy quần áo phơi vào. Trẻ em thì vội chạy về nhà, hàng quán bắt đầu dọn dẹp. Hai hàng cây ven đường ngả nghiêng theo gió. Những chiếc lá bắt đầu buông cành, từng chiếc từng chiếc nhẹ nhàng tung bay trong không trung rồi cũng tự nhiên mất hút.

Mưa bắt đầu rơi rào rào nặng hạt. Gió thổi mạnh. Trên bầu trời, tiếng sấm đột ngột vang ầm, những vệt sét ngoằn ngoèo chói lóa như muốn xé toạc bầu trời khiến con bé giật mình. Nó vội nép vào trong, vô tình đụng trúng thằng Vân. Cu cậu nhìn con bé nghĩ ngợi đôi chút, sau đó bèn cất tiếng nói:

-Hay là mày vào đứng sau lưng tao nhé?

Cái Di lưỡng lự rồi gật đầu nhẹ. Nó bắt đầu di chuyển ra đằng sau, nép mình sau tấm lưng thô của Vân. Mồ hôi và nước mưa lăn dài trên trán cậu, ướt đẫm cả một tấm lưng, để lộ những đường nét mảnh khảnh, in dài trên áo. Hình như cái Di có chút rung động nhẹ. Nó bắt đầu thở nhanh, hơi thở phả ra từ phía sau khiến cho Vân cũng thoáng ngại ngùng.

Mưa rơi ào ào xối xả, mưa như lao xuống, giọt ngã giọt bay. Có hai đứa trẻ trú mưa dưới một mái nhà nhỏ, lặng lẽ đợi. Bầu không khí bắt đầu trở nóng dần vì sự ngại ngùng đáng yêu của hai cô cậu bé. Ngoài kia, mưa vẫn rơi, lạnh toát, chỉ còn là một màu trắng xóa.

- Di... Di à! - Vân cố tình phá vỡ bầu không khí bằng một câu nói buột miệng hết sức củ chuối.

Người phía sau cụng đầu vào lưng thằng bé, ngại ngùng không đáp.

- Hôm qua ấy, mày... nói muốn bay là có ý gì hả? - cậu Vân lí nhí hỏi, hai mang tai đỏ ửng. Anh chàng anh hùng rơm này, đã biết xấu hổ rồi đây.

- Di đã bảo rồi. Vân ngốc lắm, không hiểu đâu. - Đằng kia cũng lí nhí, cúi đầu đáp, hai tay không ngừng vò lấy mảnh áo đẫm ướt của thằng bé.

-Thì... thì mày cứ nói đi. Tao sẽ cố hiểu. - Vân lắp bắp hỏi.

Người đằng kia lẳng lặng không đáp. Lại một khoảng thời gian yên tĩnh kì lạ, lâu đến mức Vân chỉ biết nín thở để cái Di không phát hiện rằng cu cậu thật ra "anh hùng rơm" vô cùng.

Những hạt mưa bỗng dưng nhẹ đi rồi ngừng dần. Cây cối lại tươi tốt sau khi được gột rửa, Bầu trời trong xanh, quang đãng ánh lên những tia nắng ấm rực rỡ, khẽ đùa giỡn trên những chiếc lá còn đọng lại những giọt nước sau cơn mưa. Có lẽ cây cỏ hoa lá luôn là người hạnh phúc nhất, hớn hở nhất vì được tươi đẹp hơn cả. Những chú chim sau khi trốn đi tránh mưa nay lại trở về đậu trên cành, rụt cổ véo von khiến cho cảnh vật càng trở nên sinh động...

Vân bồi hồi chiêm ngưỡng quang cảnh "sau cơn mưa, trời lại sáng", long lanh lộng lẫy vô cùng. Sự tươi tắn, trong vắt của thiên nhiên dường như làm thằng bé quên sạch mọi chuyện nó đang bận tâm, thế là vô tình, Vân quay lại, nhoẻn miệng cười, tay chỉ lên trời mà vui vẻ nói:

- Di, Di nhìn kìa. Đẹp quá phải không?

Thình lình, cái bóng nhỏ bé ấy vút qua ánh mắt của Vân khiến nó sững sờ đứng hình một lúc lâu. Cái Di chạy nhanh ra ngoài, nhảy phắt lên một vũng nước khiến cho nó bắn tung toé lên vạt áo của Vân.

Thằng bé mặt méo xệch nhìn Di một cách quái dị, nhưng bắt gặp ánh mắt cười của con bé, nó ngạc nhiên dừng lại. Cái Di dịu dàng cất tiếng, hai con mắt vẫn long lanh, lấp lánh như những ngôi sao, chứa đầy biết bao ước mơ, khát vọng.

- Di ấy nhé, hồi bé lúc đi thường hay ngẩng mặt lên trời mà tự hỏi rằng " Rốt cuộc ngoài kia còn có bao nhiêu thế giới tươi đẹp và mới mẻ như thế này nữa?" Cái cảm giác ấy ban đầu chỉ là trẻ con thôi nhưng mà kể từ thuở ấy, Di luôn mong muốn được cất cánh bay cao, bay thật xa, như những chú chim nhỏ, như những đám mây trắng kia mà thoả sức khám phá nó.

Nói rồi, cái Di ngoảnh mặt lại, đôi mắt trong sáng ngước lên trời, nhoẻn miệng cười tươi:

- Ước mơ của Di là được bay đến mọi nơi trên khắp thế giới. Bay thật cao, trên những đám mây ung dung tự tại kia, theo gió mà đặt chân đến những vùng đất kì lạ khác, mà chứng kiến những điều thú vị mà mình chưa bao giờ được biết đến.

Con bé dừng lại một lúc. Hai chân dạng ra, nó đưa hai tay lên miệng, nghiêng nghiêng bành ra như một cái loa rồi hét lớn:

-MÂY ƠI, CHỜ DI LỚN ĐÓ! MAI MỐT LỚN LÊN, DI SẼ BAY!

Thằng Vân đứng phía trong lặng người lắng nghe. Nhìn con bé chắc chắn với ước mơ của mình, cùng đôi mắt trong sáng ấy, tuy mơ hồ và đúng là trẻ con thật nhưng qua giọng nói thật thà của cái Di, ước mơ ấy trở nên vĩ đại biết bao. Ruột gan thằng bé bỗng nhiên sôi lên. Nó cảm thấy hừng hực ý chí từ con bé, chạy ra vỗ vào vai nó, toét miệng cười:

-Tao sẽ đợi mày lớn, đừng lo! (*)

Cu cậu tủm tỉm nhìn nó rồi lại chạy hút đi mất. Cái Di đứng lặng trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu mới "à" lên một tiếng như hiểu ra cách nói dí dỏm của cậu Vân. Nó vội chạy theo, cười lớn:

- Vân chơi gian! Vân chơi gian quá nha!

------------------------------------------------
Đêm hôm ấy, cả Di và Vân đều không ngủ được. Sau khi cái Di nói ra ước mơ của mình, quả nhiên tâm trạng mỗi đứa lại nao nức, xôn xao.

Cũng đêm hôm ấy, giữa lúc vắng vẻ tĩnh lặng, có hai đứa trẻ nhổm dậy, vội lấy giấy thừa xé gấp tạo thành một "tuyệt tác" nhỏ, sau đó tự hào đặt chúng ở đầu giường của mình. Hồi hộp, náo nức, hai đứa trẻ vò chăn mà nghĩ về kế hoạch cho ngày mai.

Buổi sớm hôm sau, khi trời còn chưa sáng, Di và Vân đều dậy sớm, vội chạy nhanh khỏi nhà. Dĩ nhiên là Di dậy sớm hơn, vì vậy con bé đến sớm hơn, tại quả đồi mà nó và Vân thường hay vui đùa này.

Trời vẫn còn se se lạnh. Mặt trời còn chưa lên hẳn nên chân trời vẫn còn mập mờ, đầy sương mai của buổi sớm.

Từ xa nhìn thấy bóng dáng của Di như chờ đợi mình, Vân cố gắng dốc hết sức bước nhanh, tay vẫn nâng niu món đồ chơi mà nó đã làm. Cái Di đứng trên nhìn xuống cũng thấy thằng bé, vội chạy xuống nắm lấy một tay nó dắt lên.

Vân thả người nằm trên cỏ thở nhanh, còn tiểu Di đưa tay lên trán vén nhẹ những sợi tóc thưa. Bất chợt, hai cặp mắt trẻ con ấy gặp nhau, chúng nó lại cười lớn.

-Tụi mình đúng là tâm đầu ý hợp hen.

Cùng một lúc, hai đứa trẻ tự hào khoe ra thành phẩm của mình. Thì ra chỉ là một cặp máy bay đơn giản nhưng nguệch ngoạc mấy nét vẽ trẻ con rất dễ thương. Vân tủm tỉm cười đáp lại, hai má phúng phính:

- Quả nhiên là thanh mai trúc mã có khác luôn.

Từ đỉnh đồi, hai đứa trẻ lặng lẽ quan sát làng mình lần cuối. Quang cảnh làng Đa Đa vào buổi sáng nên thơ, huyền ảo và bình dị lạ lùng. Giữa bạt ngàn xanh, có mấy mái nhà tranh nhấp nhổm bên màu rạ vàng giòn tan, có con sống vắt ngang bầu trời, thay áo mượt như lụa, dưới nắng vàng ấm áp.
Những miền đất mà chúng nó đã đặt làm lãnh thổ, đã bao lần quậy phá, giờ đây lại đượm chút tiếc nuối và nhớ nhung.

Thật hoài niệm làm sao!

Di và Vân nhìn nhau gật nhẹ. Sau đó thằng Vân giương tay nắm lấy tay cái Di, đỡ lấy cánh chiếc máy bay giấy.

Máy bay giấy của Vân có hình một ngọn gió, trông như quả ốc. Máy bay của Di thì đặt trên, hai bên cánh trang trí bởi hình đám mây ngộ nghĩnh. Hai chiếc máy bay giấy nhỏ chồng lên nhau, giúp đỡ tương trợ nhau, hệt nhú lời hứa của hai đứa trẻ sắp phải rời xa quê hương.

Vút!

Cặp máy bay giấy tung bau trong không trung rồi theo chiều gió mà cuốn theo mất hút. Di hét lớn:

-TÔI SẼ LÀM MÂY.

-CÒN TÔI SẼ LÀM GIÓ. - cậu Vân đưa tay lên gần miệng, tiếp lời mà hét theo.

-CHÚNG TA SẼ CÙNG BAY.

Tại đó, có tiếng cười giòn giã của hai đứa trẻ, phá tan bầu không khí tĩnh lặng của buổi sớm.

Mặt trời bắt đầu lên cao, rực rỡ những tia nắng khẽ rọi xuống ngôi làng Đa Đa.

Gà trống cũng vừa cất tiếng gáy.

---------------------------------------

Thành phố không đậm chất nét chợ búa giản dị như ở làng Đa Đa. Tất cả đều mới mẻ và thu hút con mắt tò mò của hai đứa trẻ.
Sau một thời gian thích nghi, cả Di và Vân đều có thể tự sắp xếp việc học của mình.

Ba năm sau, Di và Vân quay lại làng, nhưng không phải dưới hình dáng của hai đứa trẻ ngày hôm ấy nữa. Vân đã trở thành một chàng thiếu niên đúng nghĩa, khỏe khoắn chững chạc. Còn cô bé Di ngày ấy tóc hương nhài, bây giờ đã trở thành một thiếu nữ duyên dáng, thùy mị.

Hết thảy mọi người trong làng đều hồ hởi, vui mừng chào mừng hai tiểu quỷ của chốn Đa Đa.

Định bụng sau khi về thăm làng, họ sẽ quay lại thành phố tiếp tục việc học của mình. Nhưng chuyến trở về lần này, Di sẽ không tiếp tục được nữa.

Ba nó mất từ nửa tháng trước. Mẹ nó có đau buồn thế nào cũng nhất quyết không cho nó về, sợ rằng ảnh hưởng đến kết quả học tập của con bé. Lần này, mặc cho sự phản đối của người mẹ, Di quyết trở về thăm gia đình nhưng ai ngờ lần trở về này, chỉ còn hai người đứng trước giàn hoa lí đón nó.

Ba nó mất...

Cái Di nhận được hung tin, sụp người xuống đất. Hồn phiêu lạc phách, nó cứ mãi lặng người như thế mãi cho tới ngày hôm sau, con bé xin phép ra mộ thăm ba.
Hàng xóm ai cũng thăm hỏi, an ủi, không biết làm sao khi đi thì thân vẫn còn không đứng vững, đôi mắt vô hồn thiếu sức sống, khi về lại đỏ hoe ngấn nước.

Dĩ nhiên, là phận con gái đầu trong nhà, Di sẽ không học tiếp mà ở nhà đỡ mẹ và nuôi em trai nó. Lần này, nó cương quyết với quyết định của mình, mặc cho mẹ nó có phản đối bao nhiêu đi chăng nữa.

Di đã đủ lớn để tự quyết định cho bản thân mình.

Vì vậy, chỉ có Vân là trở về thành phố.

Trước khi đi, Di ngậm ngùi nói trong nước mắt:

- Vân cố gắng bay hộ tôi.

-------------------------------------

Mười năm sau.

"Một tác giả trẻ tuổi xuất thân từ một xóm lao động nghèo, hiện đang gây sốt với giới trẻ bởi những câu chuyện thú vị trên chuyến hành trình của mình qua nhiều vùng đất mơ mộng tươi đẹp, có náo nhiệt ồn ào nhưng cũng vẫn rất chân thực, bình dị tự nhiên."

...

Vân trở lại làng. Lần này, anh trở về dưới hình dạng của một chàng thanh niên trai tráng trưởng thành và rất đỗi thành công trong sự nghiệp của mình.
Mọi người trong làng ai ai cũng vui mừng. Họ mở tiệc ăn uống linh đình, vui vẻ hát hò.

Vân cười thầm. Làng Đa Đa vẫn là làng Đa Đa.

Cô gái ngày ấy nay hiện là một giáo viên trẻ của làng. Sau khi cậu rời đi, Di bắt đầu vừa chăm sóc mẹ vừa nuôi em trai bằng tiền làm thêm trên thành phố. Những lúc tắt đèn, tối điện thì vẫn có một căn nhà, đèn chập chờn giữa trời khuya. Nghe nói cô bé vẫn thường hay thức khuya học bài.

Vậy là cô ấy đã không bỏ cuộc.

Vân đeo trên vai chiếc ba lô xám, thản nhiên bước đi đến trường tiểu học ở cuối làng.

Vẫn mái ngói đỏ, vẫn bức tường vôi, mọi thứ vẫn mộc mạc giản dị từ thuở ấy.

Chỉ có điều, nơi đây dường như đông vui, nhộn nhịp hơn thôi.

Tùng! Tùng! Tùng!

Ba hồi trống vang lên, báo hiệu giờ học đã kết thúc. Học sinh ùa ra như ong vỡ tổ, ồn ào náo nhiệt.

Giữa những cánh áo trắng ấy, anh vẫn nhận ra người con gái của ngày xưa.

Trong tấm áo dài màu tím xoan, em trông rất đỗi dịu dàng, đằm thắm. Dáng em mảnh mai bước đi, mái tóc em mượt mà tung bay trong gió, có lẽ vẫn còn phảng phất hương nhài thơm ngát.

Cô gái ấy vẫn giản dị, trong sáng, chưa bao giờ thay đổi.

Anh và cô chạm mắt, nhận ra nhau từ ánh nhìn quen thuộc. Cô cúi đầu nhẹ chào, tiệm hỏi thăm vài câu:

-Có vẻ cậu đã rất thành công. Tớ xin cảm ơn và chúc mừng cậu.

-Ừ.

-Cậu sống ở thành phố có tốt không? Đừng cố quá nhé, phải biết giữ gìn sức khỏe.

-Ừ.

-Cậu cũng phải nhớ chăm lo cho bản thân nhé, Vân à. Hai mươi ba tuổi rồi, phải biết ra ngoài mà yêu đi chứ.

-....

Di cảm thấy hơi lỡ miệng, cô vội ngừng lại. Bầu không khí bỗng trở nên yên lặng kì lạ.

Mùa hè năm ấy vẫn luôn chan hòa ánh nắng.
Mùa hè năm nay cũng thế.

Nắmg vẫn ở đó. Mây và Gió cũng thế. Tất cả, đều in đậm trong tim mỗi con người.

-Này Di, em vẫn còn muốn tôi bay cùng chứ?

-Hết-

24:00-2/9-2016
Thành phố Hồ Chí Minh

Tác giả: YunnieBKat a.k.a Alice Sophanie.

(*): Vân là từ Hán Việt, dịch trong thuần việt nghĩa là mây. Ở đây, tiểu Vân cố ý trêu bé Di về câu nói dí dỏm vừa rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: