[ KHU VƯỜN VĂN HỌC ]
<3 Đề bài: Cảm nhận của em về vẻ đẹp của anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa”
-------------------------
Puskin từng viết: "Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút". Và trong tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa", Nguyễn Thành Long đã để tiếng lòng của mình cất lên, để linh hồn tác phẩm bay lên qua hình tượng nhân vật anh thanh niên. Tác phẩm có cốt truyện khá đơn giản. Tất cả xoay quanh cuộc gặp gỡ tình cờ giữa các nhân vật: ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi chỉ có 30' nhưng đã để lại những dư vị ngọt ngào.
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi Lào Cai trong mùa hè 1970 của tác giả. Truyện rút từ tập “Giữa rừng xanh” in năm 1972. Truyện ca ngợi những con người sống đẹp. Trước hết đây là câu chuyện về anh thanh niên sống một mình trên đỉnh núi cao “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, anh vẫn chủ động gắn mình với cuộc sống chung.
Chất trữ tình trong tác phẩm trước hết là ở bức tranh thiên nhiên thẫm đẫm chất thơ, mơ mộng và đầy lãng mạn. Mỗi khi nhắc đến Sa Pa có lẽ người ta chỉ nghĩ đến những khung cảnh lạnh lẽo, với mưa phùn rả rích, cái lạnh thấm vào da thịt và cảnh vật. Nhưng SaPa dưới ngòi bút Nguyễn Thành Long lại hiện lên rất khác, rất mộng mơ, trữ tình.
Đó là những rặng đào, với những chú bò cổ đeo chuông đang thủng thẳng gặm cỏ ở thung lũng hai bên đường. Và cả một thiên đường đã vẽ ra trước mặt tác giả, bằng con mắt tinh tế và vô cùng tài hoa, người nghệ sĩ già đã vẽ ra trước mắt người đọc thật tuyệt mĩ: “Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc, dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng.
Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luôn cả vào gầm xe”. Bằng điểm nhìn từ trên cao hạ thấp dần xuống dưới người họa sĩ đã nắm bắt trọn vẹn cái thần, cái hồn của cảnh vật. Bức tranh thiên nhiên Sa Pa tươi sáng, rực rỡ với ánh nắng ngập đầy đã khiến cả không gian trở nên ấm áp, và dường như ánh nắng vàng óng ả kia như những cái mật ong, rót xuống triền thung lũng, cỏ cây khiến chúng ngọt ngào hơn bao giờ hết. Hòa trong khung cảnh ấy là cái bồng bềnh, lãng đãng trôi của những đám mây. Chính trong khung cảnh đó đã tạo nên cuộc gặp đầy chất trữ tình ở phía sau.
Nhân vật chính của truyện là anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Anh không xuất hiện ngay từ đầu truyện mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ chốc lát giữa anh với bác lái xe, cô kĩ sư, ông hoạ sĩ khi xe của họ dừng lại nghỉ. Mặc dù anh chỉ hiện ra trong chốc lát nhưng cũng kịp để các nhân vật khác kịp ghi nhận một cách ấn tượng, một kí hoạ chân dung thật đẹp về anh. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nhân vật anh thanh niên hiện ra đủ để cho mọi người cảm nhận được rằng “Trong cái lặng im của SaPa ... Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Hoàn cảnh sống và công việc gian khổ giúp ta nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp của anh. Phẩm chất của anh thanh niên hiện ra qua góc nhìn, đánh giá của các nhân vật: Bác lái xe, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư. Qua cách nhìn nhận và cảm xúc của mỗi người, hình ảnh anh thanh
niên hiện ra rõ nét hơn và đáng mến hơn bao giờ hết.
Trước tiên ta thấy, hoàn cảnh sống và làm việc của anh đặc biệt gian khổ.
Anh sống và làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m so với mặt biển, xung quanh không hề có một bóng người “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc của anh không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Một ngày anh phải vào ốp bốn lần, nửa đêm đúng giờ ốp thì dù có mưa gió cũng phải trở dậy xách đèn ra ngoài trời làm công việc đã qui định. Những lúc ấy, anh cảm thấy “gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”. Nhưng cái gian khổ nhất mà anh phải vượt qua chính là sự cô đơn buồn tẻ, quanh năm suốt tháng sống cô độc một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người.
Anh coi công việc chính là người bạn đồng hành với mình trong cuộc
sống.Thậm chí anh hiểu sự cống hiến của mình và nó sợ dây để gắn kết anh với mọi người xung quanh anh. Đối với anh, hạnh phúc là khi được cống hiến, tận tụy với công việc. Khi biết một lần tình cờ phát hiện ra một đám mây khô mà không quân ta hạ được bao nhiêu là phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”.
Hạnh phúc đối với anh thật ý nghĩa biết bao khi anh cảm thấy mình đã góp phần vào thắng lợi của đất nước trong kháng chiến chống Mĩ. Có lẽ, chính những suy nghĩ với thái độ sống tích cực ấy đã khiến anh vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh sống và công việc của mình mà hướng tới cuộc sống đẹp và ý nghĩa hơn.
Mặc dù sống có một mình trên núi cao, nhưng trong cuộc sống thường ngày, anh luôn sống có kỉ luật cao, luôn sống gọn gàng, ngăn nắp, đúng giờ giấc. Còn trong công việc anh luôn tôn trọng nghề nghiệp của chính mình. Ngày nào cũng thế, nửa đêm đúng giờ “ốp”, dù mưa tuyết lạnh giá thế nào anh cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc.
Anh làm việc đều đặn, chính xác đủ bốn lần trong ngày vào lúc bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối và một giờ sáng. Để bớt đi cô đơn và tự thưởng thú vui tinh thần của chính mình, anh tự trồng hoa, nuôi gà, cấy rau... Nét đáng quý nhất của anh thanh niên là đức tính khiêm tốn giản dị. Cuộc sống riêng của anh thu gọn trong gian trái của căn nhà với một chiếc giường con, cái bàn học và chiếc giá sách. Những đóng góp của anh tuy thầm lặng nhưng rất lớn. Vậy mà anh luôn coi những đóng góp của mình là nhỏ bé, không có gì là đáng kể. Thấy ông hoạ sĩ vẽ phác họa chân dung của mình, anh tìm cách từ chối và nhiệt tình giới thiệu với ông hoạ sĩ những người mà theo anh là đáng khâm phục hơn. Trong giao tiếp với mọi người, ở anh toát lên một phong cách đẹp, một nét đẹp trong cử chỉ,
hành động, lời nói khiêm tốn, vui vẻ, chân tình, chu đáo và lịch sự: anh tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe bị ốm, tặng hoa và tặng trứng cho cô kĩ sư nông nghiệp và ông họa sĩ già. Và khi chia tay thì anh cảm thấy thật lưu luyến và không quên hẹn gặp lại mọi người...
Có thể nói, ở anh thanh niên hình ảnh tiêu biểu đại diện cho những con người ở Sa Pa, là chân dung của người lao động mới mang trong mình sự hiểu biết về tri thức, sống tận tụy với công việc, luôn lạc quan, tin tưởng mạnh mẽ trong cuộc sống với một lí tưởng sống có ích cho cuộc đời. Chính điều đó đã giúp anh hoàn thành công việc xuất sắc, tỏa nắng và sưởi ấm cho mọi người xung quanh, ngay từ giây phút gặp gỡ ban đầu.
Với tình huống truyện nhẹ nhàng, đơn giản, ngôn ngữ giàu chất thơ, chất họa, truyện ngắn “lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên với những phẩm chất, cách sống đẹp điển hình cho thế hệ trẻ trong thời kỳ mới. Anh thanh niên cùng với các nhân vật khác như cô kĩ sư, ông hoạ sĩ , ông kĩ sư vườn rau ... đã tạo nên một tập thể những con người lao động khoa học lặng lẽ mà khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của mọi người. Với những thành công như thế, truyện được xem là một trong những truyện ngắn hay nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam. Hình ảnh anh thanh niên đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ bạn đọc. Để mỗi lần lần giở trang văn của Nguyễn Thành Long chúng ta cảm thấy rung lên cảm xúc yêu mến, cảm phục, tự hào để sống có ích hơn.
-------------------------
Bài viết thuộc #team #chuyên #môn #HVCH
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn <3
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top