Nghị luận
Tinh thần tự học.
"Không có giới hạn quy trình học, cách học. Khi con người có được húng thú để tìm những con đường mới để kết cấu nên tri thức, họ sẽ không sợ bị buồn chán"-Trích tự sách của diễn giả Robert Theobald. Không thể phủ nhận, tất cả chúng ta đều đang đi trên một con đường giáo dục, thu nhận kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm từ trong sách vở, nhà trường và bạn bè. Tuy nhiên, việc học không chỉ đơn giản là tiếp thu kiến thức một cách máy móc và đưa vào trong bộ nhớ của não mà nó còn gắn với ý thức của người học về kĩ năng, vốn sống để trở thành hành trang mà chúng ta sẽ đem theo trong suốt cuộc đời. Bởi thế chúng ta cần tinh thần tự học. Tự học để chủ động suy nghĩ, tìm tòi, khám phá và nghiên cứu sự thay đổi của vật chất xung quanh, hiểu rõ bản chất vấn đề để tiếp thu một cách hiệu quả nhất. Chúng ta hoàn toàn có thể ghi nhớ các bài giảng trên lớp theo khả năng, tiết kiệm thời gian hơn là việc cố gắng nhét hàng đống thứ vào đầu nhưng sau đó lại quên sạch.Nhờ tự học, chúng ta có thể biến lý thuyết thành thực hành, đưa sự thích thú khi khám phá điều mới trở thành một kĩ năng cơ bản. Thực tế cho thấy hiện nay các học sinh thường ghi chép bài giảng của thầy cô theo cách khá thụ động, lười suy nghĩ,thuộc lòng nội nội dung nhưng lại không nhớ được lâu, chỉ áp dụng được kiến thức trên bài thi mà hoàn toàn mù mờ với bên ngoài xã hội. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của việc tự học chính là vị tỷ phú nổi tiếng của Trung Quốc đại lục-Jack Ma, người đã dành toàn bộ thời gian rảnh của mình từ năm 13 tuổi để học tiếng anh bằng cách làm hướng dẫn viên miễn phí cho du khách nước ngoài bất kể nắng hay mưa, nóng bức hay giá lạnh.Theo ông, phải tự học mới khiến chúng ta trở nên thông minh hơn, biết cách phân tích vấn đề hơn. Vì vậy, để đạt kết quả tốt, để thành công, để vững vàng bước vào đời, mỗi chúng ta đều cần phải có tinh thần tự học. Bởi lẽ sẽ không có giáo viên nào ngồi cạnh khi chúng ta không giải được bài khó trong phòng thi, cũng không có vị thần hộ mệnh nào chỉ tay giúp đỡ khi chúng ta đi phỏng vấn. Học tập là công việc suốt đời, học không ngừng nghỉ, khám phá không giới hạn, có đủ ý chí và niềm tin vào bản thân sẽ đưa bạn chạm đích thành công.
Trách nhiệm của công dân trong đại dịch Covid-19
Corona virus hay còn có tên gọi tắt Sars-Cov-2 là một chủng virus mới gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Dịch bệnh nhanh chóng lan ra khắp Trung quốc đại lục và trở thành nỗi hoang mang lo sợ với toàn thể người dân trên khắp thế giới. Covid-19 là căn bệnh chưa có thuốc chữa ở thời điểm hiện tại và có khả năng lây lan với tốc độ chóng mặt khi người bệnh chỉ cần vô tình hắt hơi, chạm tay hay ho khi đứng cùng những người xung quanh. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã chặn đứng được dịch bệnh với chưa có ca lây nhiễm tử vong nào, thế nhưng chúng ta chưa từng chủ quan trước những diễn biến của dịch bệnh. Các nhân viên y tế, các cán bộ lãnh đạo nhà nước hàng ngày, hàng giờ vẫn luôn đưa ra các chỉ thị hướng dẫn nhân dân cùng chống dịch bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế đi tới nơi đông người, sử dụng nước sát khuẩn rửa tay..Thế nhưng công dân đã thật sự có trách nhiệm trong việc phòng chống dịch bệnh lây lan hay chưa? Sự vui mừng sau chiến thắng chưa bao lâu, chúng ta lại vô tình phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng không thành thật khai báo cho cơ quan y tế, khiến cho diễn biến của dịch bệnh trở nên vô cùng khó lường. Trong khi cả nước đồng lòng "chống dịch như chống giặc" thì một bộ phận người dân lại có thái độ không hợp tác, trốn cách ly, không khám bệnh. Những hành vi đó không chỉ thể hiện sự vô ý thức mà còn coi thường pháp luật, coi thường sinh mạng cộng đồng, đi ngược lại các giải pháp phòng chống dịch bệnh quái ác.Trách nhiệm của công dân trong mùa dịch là cần phải khai báo trung thực giúp phát hiện sớm, cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trách nhiệm đó trước hết là biết cách tự bảo vệ mình và gia đình, bảo vệ cộng đồng, là bình tĩnh, chủ động phòng tránh dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế chứ không phải trốn tránh, sợ hãi. Chúng ta đều đang cố gắng, vì cộng đồng, vì xã hội và vì cả tương lai của một đất nước.
Covid-19 và tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam
Nhìn về tinh thần dân tộc và ý thức cộng đồng của nhân dân Việt Nam, giá trị cao quý mà cha ông ta đã xây đắp xuyên suốt 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần dân tộc và ý thức cộng đồng chỉ phát huy được vai trò to lớn của nó khi chúng ta có ý thức tự giác trong hành động tiếp nối truyền thống, lấy đó làm cơ sở triển khai việc truyền bá, giáo dục thường xuyên cho các thế hệ kế tục. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng đến 158 quốc gia với khoảng 170.000 người nhiễm bệnh, trên 6.500 người đã tử vong và Việt Nam đã có ca nhiễm thứ 91 ở thời điểm hiện tại, chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân.Việc xác định rõ chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", không run sợ, không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, để "không để một ai bị bỏ lại phía sau" với các biện pháp phòng chống, kêu gọi, cách ly,phát hiện sớm và điều trị, nhất là nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Có thể thấy, trải qua những thăng trầm lịch sử, xuất hiện trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai và cả dịch bệnh, những phẩm chất đạo đức truyền thống cao quý của người Việt luôn được phát huy, bổ sung phù hợp với xu thế của thời đại đã không chỉ góp phần chiến thắng ngoại xâm, vượt qua thiên tai, dịch bệnh mà còn khẳng định và làm sâu sắc hơn bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam trong quá trình giao lưu, tiếp biến, làm giàu hơn cho văn hóa dân tộc. Trong hành trình đó, tinh thần yêu nước, tính khoan dung, lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm về giống nòi, về cộng đồng, về dân tộc của mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau không chỉ góp phần làm nên sức mạnh cố kết, đẩy lùi thiên tai, dịch bệnh, chiến thắng địch họa mà còn tạo ra những điều kiện để giáo dục, bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho con người, hướng tới xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.Long yêu thương, sự khoan dung, độ lượng và sống có nghĩa tình, vị tha... biểu hiện trong sự tương trợ, giúp đỡ nhau trong đời sống hằng ngày, cũng đồng thời thể hiện thành những quy chuẩn trong các quyết sách của Đảng, Nhà nước. Những hành động đẹp, những việc làm đầy ý nghĩa giữa đại dịch Covid-19 của những tập thể và cá nhân nói trên đã bổ sung và làm phong phú hơn, sinh động hơn các phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong xã hội như: "Gây quỹ vì người nghèo", "Hiến máu nhân đạo", "Vòng tay nhân ái", "Nối vòng tay lớn", cứu trợ đồng bào các vùng bị hạn. Có thể thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Việt Nam vẫn luôn nêu cao tinh thần dân tộc bằng tất cả tình cảm yêu thương, gắn kết. Chúng ta vì Đất nước đứng lên, vì Tổ quốc mà cố gắng, không chỉ cho chúng ta của hiện tại, mà còn vì thế hệ của sau này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top