Khổ 2 Đất Nước
(ĐOẠN THƠ TRONG ANH VÀ EM HÔM NAY ĐỀU CÓ MỘT PHẦN ĐẤT NƯỚC)
Nhìn vào chiều dài của lịch sử dân tộc, Chế Lan Viên đã từng tự hào mà thốt lên rằng : "Tổ quốc bao giờ cũng đẹp thế này chăng?" Lê Anh Xuân đã từng tạc vào thơ một bóng dáng Việt Nam bằng hình ảnh "tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân" hay Tố Hữu với một đất nước sáng ngời đi ra từ biển máu : "Ôi! Việt Nam từ trong biển máu/ Người vươn lên như những thiên thần." Đất nước anh hùng cũng vô cùng tươi đẹp khi những tà "áo trắng" đã xướng tên trong trường ca "Mặt đường khát vọng". Viết về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm nhắn nhủ tâm tình về sự gắn bó và trách nhiệm của mỗi con người đối với đất nước, điều đó được thể hiện rõ nhất trong đoạn thơ:
" Trong anh và em hôm nay,
Đều có một phần Đất Nước
....................................
Làm nên Đất Nước muôn đời
Trước đây, ta từng bắt gặp một hình tượng đất nước đau thương nhưng vẫn ngời lên ý chí đấu tranh trong trang thơ Nguyễn Đình Thi đồng thời cũng rất dịu dàng ý tứ trong thơ Hoàng Cầm. Nhưng với , ta bắt gặp một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều bình diện khác nhau về một đất nước của nhân dân . Tư tưởng ấy đã quy tụ mọi cách nhìn và cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về không gian, địa lý, lịch sử, phong tục văn hóa của đất nước. Sau tất cả những điều đó, nhà thơ dường như đã đi đến một khẳng định:
" Trong anh và em hôm nay,
Đều có một phần Đất Nước"
Đây là một điều mà mỗi người Việt Nam ai cũng đều nhìn thấy và có thể cảm thấy .Mỗi người Việt Nam đã và đang thừa hưởng những giá trị vật chất, tinh thần của đất nước thành máu thịt, tâm hồn, nếp cảm,nếp nghĩ và cách sống của mình. Thủ lĩnh Xi-at-ton đã viết trong bức thư của mình gửi đến vị tổng thống Mỹ, rằng: "Những dòng nhựa chảy trong cây cối mang trong đó kí ức của người da đỏ...tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông.." Rõ ràng không phải chỉ riêng dân tộc Việt Nam, mỗi người dân trên thế giới đều yêu đất nước của họ như yêu chính bản thân họ vậy. Đất nước dường như đã hóa thân vào mỗi nhành cây ngọn cỏ, hóa thân thành một thứ tình cảm chảy trong từng tế bào của mỗi con người. Nguyễn Khoa Điềm viết đất nước giờ đây kết tinh trong cuộc sống của mỗi người, hiện hữu trong mối quan hệ gắn bó sâu sắc bằng những dòng thơ giàu chất chính luận:
"Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn".
Câu thơ cũng là những lời khẳng định về một chân lý. đất nước là sự thống nhất hài hòa giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc, giữa cá nhân với cộng đồng. Khi hai người cầm tay nhau, nhất định sẽ nên một câu chuyện tình thật đẹp. Ý tưởng ấy đã được Nguyễn Đình Thi thể hiện trong một tứ thơ sâu và đằm về nỗi "nhớ":
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần...
Giống như tác giả Đường Bích Vân viết tặng người tình của mình chỉ với một câu nói: Khi bàn tay em đặt lên tay phải của tôi, cả thế giới của tôi chuyển sang màu hồng". Đất nước trong cảm nhận tình yêu đôi lứa hài hòa, thân thiết, thật lãng mạn và hạnh phúc biết bao nhiêu.
Thế nhưng, khi mở rộng ra, rằng "chúng ta cầm tay mọi người", Đất nước lúc này mới thật vẹn tròn đầy đủ. Hai chữ "cầm tay" trong câu thơ "Khi hai đứa cầm tay" có nghĩa là giao duyên, là yêu thương. Còn "cầm tay" trong "Khi hai chúng ta cầm tay mọi người" là đoàn kết, là yêu thương đồng bào,. Từ "hài hoà, nồng thắm" đến "vẹn tròn, to lớn" là cả một bước phát triển và đi lên của lịch sử dân tộc và đất nước. Đất nước được cảm nhận là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Chỉ khi nào "ba cây chụm lại nên hòn núi cao", và chỉ khi nào "lá lành đùm lá rách", "Người trong một nước phải thương nhau cùng" thì mới có hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng "Đất nước vẹn tròn, to lớn".
Bốn câu thơ trên đây cấu tạo theo phép đối xứng về ngôn từ: "Khi hai đứa cầm tay"... "Khi chúng ta cầm tay mọi người", "Đất nước hài hoà nồng thắm...", "Đất nước vẹn tròn, to lớn". Cách diễn đạt uyển chuyển, sinh động ấy có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc. Phép đối xứng làm cho thơ liền mạch, hài hoà, gắn bó, thể hiện rõ ý thơ: tình yêu lứa đôi, tổ ấm hạnh phúc, gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc là những tình cảm đẹp, làm nên truyền thống "yêu nước, yêu nhà, yêu người" và đó là sức mạnh Việt Nam.
Không chỉ khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa Đất nước và nhân dân, giữa tình yêu cá nhân với tình yêu lớn của đất nước; nhà thơ còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước :
"Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng".
Nguyễn Thi, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Sơn Nam... đã tạo nên giọng điệu Nam Bộ hấp dẫn trong thơ ca và truyện của mình. Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải,... cũng có một giọng điệu riêng "rất Huế", dễ thương dịu ngọt. Hai tiếng "mai này" là cách nói của người dân xứ Huế. Thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp bước cha ông "Gánh vác phần người đi trước để lại" xây dựng đất nước ta "Vạn cổ thử giang sơn" giống như Trần Quang Khải từng mong muốn, "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như chủ tịch Hồ Chí Minh mong chờ. Hai chữ "lớn lên" biểu lộ một niềm tin về trí tuệ và bản lĩnh nhân dân trên hành trình lịch sử đi tới ngày mai tươi sáng. "Mơ mộng" nghĩa là rất đẹp, ngoài trí tưởng tượng về một Việt Nam cường thịnh, một cường quốc văn minh. Điều mà "anh và em", mỗi người chúng ta mơ mộng hôm nay, sẽ biến thành hiện thực ngày sau.
Bên cạnh những câu thơ viết về sự thiêng liêng của Đất nước, nhà thơ còn muốn nhắn gửi với mọi người :
" Em ơi em Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời..."
"Em ơi em" – một tiếng gọi yêu thương, giãi bày và san sẻ bao niềm vui sướng đang dâng lên trong lòng khi nhà thơ cảm nhận và định nghĩa về đất nước: "Đất nước là máu xương của mình". Đất nước là huyết hệ, là thân thể ruột thịt thân yêu của mình, và mồ hôi xương máu của tổ tiên, ông cha của dân tộc ngàn đời. Vì "Đất nước là máu xương của mình" nên Trần Vàng Sao đã viết:
Nuôi lớn người từ ngày mở đất,
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng đẫy hồn Thánh Gióng
(Bài thơ của một người yêu nước mình, 19/12/1967)
Với Nguyễn Khoa Điềm thì "gắn bó", "san sẻ", "hoá thân" là những biểu hiện của tình yêu nước, là ý thức, là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng. "Phải biết gắn bó và san sẻ... phải biết hoá thân..." thì mới có thể "Làm nên đất nước muôn đời". Điệp ngữ "phải biết" như một mệnh lệnh phát ra từ con tim, làm cho giọng thơ mạnh mẽ, chấn động. Trường ca "Mặt đường khát vọng" ra đời tại một sự kiện nóng bỏng, ác liệt nhất của thời chiến tranh chống Mỹ thế nên mới cảm nhận được các từ ngữ: "gắn bó", "san sẻ", "hoá thân". Đó là tiếng nói tâm huyết "mang sức mạnh ý chí và khát vọng vượt ra ngoài giới hạn thông tin của ngôn từ. Lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm rất đẹp. Đất nước thân thương gắn bó với mọi người. Phải biết hiến dâng cho "Đất nước muôn đời". Mà như Chế Lan Viên đã từng viết:
Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi con sông.
Đoạn thơ đẹp còn vì sáng ngời niềm tin về tương lai đất nước và tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Giọng thơ tâm tình, dịu ngọt, tứ thơ dạt dào cảm xúc, sáng tạo về ngôn từ, hình ảnh, thể hiện một hồn thơ giàu chất suy tư, khẳng định một thi pháp độc đáo,có nhiều mới mẻ tìm tòi.
Đất Nước là một đoạn trích hay nhất trong trường ca "Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm. Thi phẩm ấy không chỉ khẳng định tài năng thơ phú của nhà thơ mà còn qua đó nói lên được tiếng nói của người công dân yêu nước với tình yêu sâu nặng, mãnh liệt "như máu xương của mình". Những năm tháng hào hùng của dân tộc gắn bó trong những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm đến vậy. Và tư tưởng của Nguyễn Khoa Điềm truyền tải đến người đọc dường như giống như Nguyễn Đình Thi đã từng ghi lại trong một thi phẩm của mình:
"Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top