ÔN THI NGỮ VĂN THPTQG


A- PHẦN ĐỌC HIỂU: (3 điểm)

Phần này cô mình gọi là phần cho điểm. Nếu không có gì thay đổi thì người ta sẽ cho 1 đoạn văn ngoài SGK và có 4 câu hỏi:

- Câu 1: thường là hỏi phương thức biểu đạt (tự sự, miêu tả,nghị luận... ), thể thơ (tự do, 5 chữ...), phong cách ngôn ngữ (chính luận, báo chí, nghệ thuật...). Phần này quá quen thuộc với mọi người rồi, đừng để mất điểm nó nha.

- Câu 2,3: thường rơi vào mấy kiểu phân tích biện pháp tu từ, cắt nghĩa một câu gì đó trong đoạn trích, hoặc trả lời thông tin gì đó có sẵn trong đoạn trích... Mọi người chú ý trả lời đủ và đừng để tốn thời gian cho phần này.

- Câu 4: bắt đầu nâng cao hơn xíu, đòi hỏi mình phải giải thích/lý luận một vấn đề được rút ra từ đoạn trích.

Đối với đọc hiểu, luyện đề nhiều sẽ quen, năm mình cô cho làm đề thi thử của các trường khác, vô phòng thi là auto viết thoăn thoắt. Mọi người đừng dành quá nhiều thời gian cho phần này vì câu Nghị luận văn học sẽ rất dài. Cô mình bảo thời gian lý tưởng để làm đọc hiểu và bài nghị luận xã hội là 30, 40 phút thôi, mặc dù mình toàn làm lố giờ vì quá sa đà vào phần này.



B- PHẦN LÀM VĂN:

1. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (2 điểm)

Đề ra sẽ theo dạng : Từ bài đọc hiểu phía trên > vấn đề gì đó.

Ví dụ như đề năm ngoái là : "Từ đoạn trích ở phần đọc hiểu,anh/chị hãy viết một đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước ở mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay."

Nhớ là ĐOẠN VĂN không xuống dòng nha mọi người, xuống dòng sẽ thành BÀI VĂN và sẽ bị trừ điểm. Cô mình bảo phần này viết 1 MẶT giấy thi là vừa.

Đây là nghị luận xã hội đó, có 2 dạng: Nghị luận về 1 hiện tượng đời sốngNghị luận về 1 tư tưởng đạo lý. Nó cũng có công thức viết mọi người có thể tham khảo.


Dàn bài gợi ý:

**Mở đoạn: Đi thẳng trực tiếp vào vấn đề.

**Thân đoạn:

a. Đối với nghị luận về sự việc hiện tượng:

+ Làm rõ sự việc hiện tượng: thực ra phần này đơn giản là diễn giải cụ thể hiện tượng ra.

+Thực trạng (Là tình hình của hiện tượng đó trong đời sống trong nhiều bối cảnh)

+ Nguyên nhân xảy ra hiện tượng (Khách quan-Chủ quan)

+ Mặt tiêu cực/tích cực của hiện tượng

+ Dẫn chứng cụ thể

+ Bàn luận về hiện tượng và hậu quả (nếu nó tiêu cực)

+ Giải pháp cho hiện tượng

+ Liên hệ thực tế: Với bản thân, với xã hội...

b. Đối với nghị luận về một tư tưởng đạo lý:

+ Giải thích nội dung của tư tưởng. Tư tưởng ở đây có thể cắt nghĩa theo từng từ khóa chính (nghĩa đen, nghĩa bóng) => rút ra nội dung tư tưởng đó.

+ Biểu hiện của tư tưởng: Cách viết mình thường dùng là: "Đầu tiên, chúng ta phải hiểu rõ..."

+ Bàn luận: Tư tưởng đó đúng hay sai? Vì sao đúng? Vì sao sai?

+ Dẫn chứng, lý lẽ chứng minh

+ Bàn luận mở rộng: như chúng ta biết thì không có gì là đúng/sai tuyệt đối, nên mn có thể mở rộng bằng cách lật ngược vấn đề, bổ sung cho tư tưởng.

Hoặc phản đề, dùng những dẫn chứng ngược lại với tư tưởng.

+ Liên hệ thực tế

**Kết đoạn: Khẳng định vấn đề, lời nhắn nhủ...

Tất nhiên khi vào phòng thi mình sẽ không nhớ được chính xác thứ tự cũng như dàn ý, không sao cả viết nhiều sẽ quen. Lời khuyên cho phần này là đọc thật nhiều bài văn tham khảo, nhớ một số dẫn chứng tiêu biểu mà bất cứ bài nào cũng áp dụng được. Ví dụ: Bác Hồ, Thomas Edison, Lady Gaga ... và một số tấm gương báo đài hay đăng.

(Về dẫn chứng, các bạn có thể tham khảo bài viết "Một số dẫn chứng cho bài văn Nghị luận Xã hội" của mình ngay trong tài khoản Wattpad này nhé).



2. NGHỊ LUẬN VĂN HỌC: (5 điểm)

***Những lưu ý:

a. VĂN CHỈ CẦN HỌC THUỘC LÀ ĐƯỢC???

SAI. Thực ra, ngày trước cô mình dạy, văn cũng có công thức như Toán. Đi thi người ra sẽ chấm theo ma trận đề, mỗi phần đều có thang điểm riêng. Một bài văn cơ bản được chia làm các phần.

Mở bài: ( có giới thiệu tác giả, tác phẩm, dẫn vào vấn đề cần nghị luận*)

Thân bài: Khái quát chung : chi tiết hơn về tác giả, tác phẩm (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, nội dung chính...). Nêu cảm nhận chung về vấn đề nghị luận.

***Ví dụ: Đề bài : Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ

Mở bài theo cách đơn giản nhất, mình chỉ viết ý để ví dụ thôi ạ. Thang điểm của mở bài khi chấm là 0,25 điểm. Đủ thông tin (vấn đề cần nghị luận) thì sẽ ăn trọn điểm dù ngắn hay dài, dù là trực tiếp hay gián tiếp.

**Mở bài: (trực tiếp)

- Tô Hoài là cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại.

- Một trong những truyện ngắn làm nên tên tuổi của ông phải chăng là "Vợ chồng A Phủ"

- Truyện đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Mị - cô gái xinh đẹp chốn núi rừng. -> đây là vấn đề nghị luận, nhất định phải có trong mở bài.

Vậy là có 0,25 điểm.

- Sau phần khái quát chung là đến phần chính của thân bài. Tụi mình sẽ chia theo luận điểm. Mỗi luận điểm sẽ có luận cứ và luận chứng để làm sáng tỏ luận điểm. Phần này hầu như lúc dạy thầy cô nào cũng nói ấy, như cô mình là cô cho ghi bài theo luận điểm chính.

Ví dụ : (Vì mình không nhớ chính xác nữa chỉ ghi ra cho dễ hiểu thôi ạ)

**Luận điểm 1: Xinh đẹp/hiếu thảo/...

- Câu luận điểm phải viết súc tích, ngắn gọn, nhưng vẫn làm nổi bật được ý chính. Có thể thêm các từ liên kết như:

Trước hết, ...

Bên cạnh đó

Không những... mà còn...

- Sau luận điểm là luận cứ (lý lẽ, bàn luận) để giải thích cho luận điểm và luận chứng (dẫn chứng cụ thể). Như là ở đây nếu nói đến đặc điểm hiếu thảo -> dẫn chứng là thương cha nên không nỡ ăn lá ngón tự tử ...

Thường thì mình hay khuyên mọi người học theo ý chính (tức luận điểm) và nắm chắc văn bản sách giáo khoa để lỡ quên kiến thức cô dạy cũng dễ... chém gió.

Theo thang điểm trong ma trận, người chấm thi cũng sẽ chấm theo luận điểm, tuỳ theo đề ra có nhiều luận điểm hay ít, mình nhớ là thường giao động từ 0,75->1,25/ luận điểm.

***Lưu ý: Mọi người cố gắng trình bày các phần rõ ràng, mở bài thân bài nhớ xuống dòng, mỗi luận điểm là một đoạn văn. Sau mỗi luận điểm nhớ kết luận (có thể có có thể không tuỳ thời gian).

- Khi các bạn đã phân tích xong các luận điểm, phải có một phần quan trọng, đó là tổng kết, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Cuối cùng là kết bài, cách nhanh nhất là từ vấn đề nghị luận khẳng định sức sống lâu bền của tác phẩm.


b. CÁC CÁCH LẤY ĐIỂM KHI VIẾT BÀI:

- Nếu bạn thực hiện đúng các phần thì tất nhiên sẽ rất dễ ăn điểm.

- Trong thang điểm còn có điểm sáng tạo/ điểm trình bày/lời văn... cho nên ở dưới mình sẽ gợi ý một vài tips có thể làm cho bài văn hay hơn.

- Các bạn có thể cách lề để ăn gian trang giấy, viết thưa ra để người chấm dễ đọc, bởi vì độ dài có thể ảnh hưởng đến ấn tượng của người chấm.

- Mọi người nhớ để ý thời gian, lúc luyện đề ở nhà hãy bấm giờ viết cho quen tay tránh để xảy ra trường hợp không kịp giờ

***Cách để làm bài văn hay hơn mà mình hay áp dụng:

- Trích dẫn: Đúng, cô mình dặn lúc làm bài văn nghị luận văn học phải nhớ trích dẫn dẫn chứng từ SGK để người ta biết là mình vẫn đang bám sát đề bài. Hơn nữa cũng là cách làm cho bài nhìn dài và thông thoáng hơn.

- Mở rộng: Mọi người có thể nâng cấp bài văn của mình bằng cách cho vào các nhận định của các nhà phê bình văn học (Cái này trên mạng khá nhiều)

Mình thì thường ghi một số câu nói về tác giả hoặc tác phẩm vào sổ để thỉnh thoảng chèn vô bài nhìn cho thông thái :3 (Đặt ở mở bài, thân bài hay kết bài đều hợp.)


***Dưới là về một số câu tâm đắc mình sưu tầm + tự viết, mọi người có thể tìm thêm ở trên Google nhiều lắm.

1. THẠCH LAM

- Xúc cảm của Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo. Thạch Lam là một nhà văn quý mến cuộc sống. Trang trọng trước sự sống của mọi người xung quanh. (Nguyễn Tuân)

- Nếu như Vũ Trọng Phụng xuất xắc ở mảng đề tài về cuộc sống thành thị ở một xã hội đểu cáng, nếu như Nam Cao tài năng trong những sáng tác về người nông dân trong bối cảnh đen tối đến "nghẹt thở" thì Thạch Lam lại hướng ngòi bút vào cuộc sống của những người dân nghèo nông thôn để khám phá thế giới nội tâm, đời sống khốn khổ lo toan "cơm áo gạo tiền". 

- Thạch Lam từng nói:"Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và bị che lấp của sự vật, cho người đọc một bài học trong nhìn và thưởng thức."
- Chất liệu tạo nên cuộc sống trong tác phẩm được Thạch Lam chắt chiu từ những gì hết sức nhỏ bé, thậm chí vạn vật mà nếu vô tình sẽ rất dễ bỏ qua.

- Thạch Lam đã lặng lẽ mang đến cho văn nhẹ như cánh bướm đậu trên hoa một thứ hương hoàng lan thanh tao được chưng cất từ những nỗi đời. (Chu Văn Sơn)

- "Hai đứa trẻ" có một hương vị thật man mác. Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng, cũng gióng lên một cái gì đó ở tương lai. (Nguyễn Tuân)


2. XUÂN QUỲNH

3. LƯU QUANG VŨ



+ Hai là có thể dẫn những đoạn văn, đoạn thơ có ý tương tự hoặc đặt trong thế so sánh:

Ví dụ đang nói về bài Tây Tiến nha, mình có thể nói. Vẻ đẹp của những anh lính nơi núi rừng Tây Tiến thật đẹp, sự khó khăn gian khổ của chiến tranh không làm trái tim họ khô cằn mà ngược lại, họ nương tựa lẫn nhau, làm điểm tựa tinh thần cho nhau. Đặc điểm này trong "Đồng chí" của Chính Hữu có chăng từng viết : "Súng bên súng đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ"

+ Thêm lý luận văn học cũng là cách để gây ấn tượng với người chấm bài

Ví dụ đề bài yêu cầu phân tích chi tiết Mị giải cứu A phủ chẳng hạn. Phần khái quát chung trong mở bài có thể là chi tiết, tiểu tiết nhỏ trong tác phẩm nhưng có sức chứa lớn về mặt nội dung và tư tưởng...

(Nguồn văn tham khảo mọi người có thể xem ở Facebook: "Phạm Minh Nhật". Mình thấy thầy tổng hợp khá ổn và nhiều dạng đề. Thầy cũng có livestream bài giảng cho ai chưa hiểu.)

Vì mình dành nhiều tâm huyết cho bài này nên thực sự mong là nó giúp được mọi người. Áp lực thì ai cũng có, nhưng kiến thức thì chỉ có bản thân mình mới tự cứu được mình thôi. Không được bỏ cuộc, 12 năm rồi, không phải thời gian để bỏ cuộc. Mình hay học theo thời gian biểu cụ thể,ngày nào việc gì là phải xong việc đó, không còn thời gian để trễ nải nữa.

12 năm trời ròng rã cho 1 kì thi. Cố lên!!!


(Source: Phi Linh)

Thank you!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top