aaaa

CHAP 20: VẾT RẠN HOÀN HẢO

  Đúng như tôi dự đoán từ trước, thằng Hải đứng lên là liên quan đến vụ việc từ chức của tôi. Nãy tới giờ nó không hề đả động đến vụ đánh nhau của chúng tôi với Thầy chủ nhiệm, hẳn trong lòng nó cũng biết “ gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Với chúng tôi dù có ghét đến thế nào thì cũng là bạn bè chung lớp, với đám Mào Gà là ngoại tộc, nên nó coi như bỏ qua vụ đó. Nhưng tội chết có thể tha, tội sống khó có thể miễn, vụ việc tôi đứng trước lớp trả chức vụ có phần đả động đến tự ái của nó. Con trai đa số có lòng tự trọng cao, và nhất là với một người con trai có chức vụ thường xuyên thích thể hiện quyền uy.

-Thưa thầy, cán bộ lớp vi phạm thế nên em nghĩ nên chọn Uỷ viên khác.

 Lời nói nó đanh thép vô tình khơi lên làn sóng ồn ào dưới lớp. Một bên vẫn ủng hộ tôi tiếp tục chức vụ, một bên thì kêu nên cách chức vụ. Trong tình thế này tôi chỉ cười mỉm. Nụ cười không biết nên giải thích theo ý nghĩa nào? Chua xót có, thờ ơ có, và một chút buồn bã. Vô tình tôi trở thành nhân vật để bạn bè bàn tán.

-Thưa Thầy, em có ý kiến!

 Giọng một cô gái cắt ngang buổi thảo luận bất phân thắng bại. Cô gái ấy bình thường rất kiệm lời trong những lúc sinh hoạt lớp thế này, nên tiếng nói vừa vang lên, không khí lớp bắt đầu chùng xuống rồi im bặt.

 Nguyệt đứng đó, tay hơi run nhưng gương mặt điềm tĩnh lắm. Thằng Vũ có lẽ là thằng há hốc mồm nhiều nhất. Còn tôi thoáng chút bất ngờ và thầm cảm ơn cô bạn. Dù cho Nguyệt nói gì, tôi cũng thoát được màn đánh giá tư cách không khác gì tra tấn.

-Em nghĩ việc bên Đoàn nên để bên Đoàn xem xét, chứ không phải là lớp trưởng.

 Cả lớp tôi vẫn im bặt. Lời của Nguyệt quá chí lý, ngay cả Thầy giáo vốn trầm tính lớp tôi cũng phải gật đầu. Nguyệt ngồi xuống, thở phào nhẹ nhõm và nháy mắt với tôi. Tôi hiểu cái nháy mắt ấy là gì? Nguyệt đẩy quyền quyết định sang Dung, vì dựa vào mối quan hệ giữa tôi và Dung, tôi cũng sẽ được Nàng đỡ lời vài phần.

-Dung, em có ý kiến gì không?-Thầy chủ nhiệm cho phép lớp trưởng ngồi trong bực tức, quay sang hỏi Dung.

 Thoáng chút vẻ chần chừ, Dung đứng dậy như việc sắp tới chỉ là một việc bình thường với Nàng. Cả lớp nín lặng xem kịch hay tiếp tục, từ tư thù cá nhân chuyển qua màn đại nghĩa diệt thân hoặc là bao che .

-Theo em, đánh nhau là vi phạm nặng, vì vậy bạn Tín xin từ chức là đúng!

 Phải rồi, người lạnh lùng luôn là như thế. Cứng rắn quyết đoán, không bao giờ nương tay với bất kì ai, kể cả đó là người con trai mà Nàng đã dành tình cảm bao năm qua. Tôi dự đoán được tình hình nên không hụt hẫng lắm, nhưng tại sao lòng cứ buồn nặng trĩu, dù cho bên ngoài miệng vẫn có một nụ cười.

-Ồ, lầm không vậy?

-Cái gì, tao nghe nhầm à!-Kiên cận vỗ vai Hưởng Đù vì tưởng rằng mình ngủ mê nghe nhầm..

  Bao nhiêu ánh mắt cảm phục đổ dồn về Dung, người vừa ra tay diệt tình thân vì nội quy, còn bao nhiêu ánh mắt thương hại dồn về tôi, người vừa bị phản đối bởi chính người mà mình yêu. Lòng tôi hơi thắt lại.

-Thưa thầy!- Lần này đến lượt Trang đứng dậy.

-Sao vậy lớp phó?-Thầy tôi lại lắng nghe ý kiến.

-Theo em nên biểu quyết, cán sự lớp không phải vì một người phản đối mà có thể cách chức, mà phải là do tập thể cử lên.

 Kiên cận xoa cằm, hài lòng với lý luận sắc bén của Trang, nhìn tôi ra dấu yên tâm. Yên tâm làm sao được khi so với nó và Thằng Vũ tôi có phần thua thiệt. Nguyệt và Trang lần lượt ra mặt bảo vệ chúng tôi, còn Dung thì quyết đoán một cách quá cứng nhắc. Cả ba người ai cũng hợp tình hợp lý, với Nguyệt và Trang thì chữ tình có phần lấn át, còn với Dung nó chỉ là thứ xếp sau.

-Uống đi mày!-Thằng Phong mập vỗ vai tôi.

-Dô, chúc mừng anh em tai qua nạn khỏi, cảm ơn Bố yêu quý!-Thằng Kiên cận gọi Thầy chủ nhiệm thân mật.

-Tao công nhận Bố tâm lý ghê-Hưởng Đù phụ hoạ.

-Cụng li đi, nâng ly lên chúc mừng thằng Tín còn nguyên chức vụ.

 Tôi cười khổ nâng li nước mía cụng ly cái keeng với mấy thằng bạn. Tiệc hôm nay mừng vì tai qua nạn khỏi, vậy mà tôi vẫn buồn buồn trong lòng. Cuộc sống này chắc đâu phải cái gì cũng vẹn toàn phải không?

-Tín, ra Dung gặp xíu!-Dung xuống tận bàn tôi.

-Chờ Tín xíu, chỉ bài Hoá cho thằng Mập đã!

 Nói xong tôi quay sang thằng Mập quát tháo nó vài câu, nào là học hành gì cái bài dễ ẹc mà cũng làm sai, rồi thì chỉ là kiến thức sách giáo khoa, chứ thực chất cái bài đó tôi cũng sai sót vài lần. Đuổi khéo thằng bạn về chỗ, tôi bước ra ngoài cái ghế đá điểm hẹn.

-Tín còn giận Dung không?-Dung mở lời ngay lập tức.

-Không, có gì đâu mà giận?-Tôi dối lòng, không muốn nhắc tới chuyện cũ.

-Có không đó?

-Ờ thì có chút ít!

 Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá. Im lặng, chờ đợi Dung nói một điều gì đó. Động viên cũng được, nhắc nhở đừng vi phạm cũng được. Hoặc tệ hơn là ăn một cú nhéo ngang hông cũng được. Những điều mong đợi đó không xảy ra.

-Giận Dung vì Dung đồng ý cách chức Tín?-Dung nhìn tôi thẳng thắn.

 Tôi cúi xuống đất nhìn. Đôi mắt cụp xuống, thở dài. Bao nhiêu não nề càng tăng nặng. Hoá ra, điều mà Dung canh cánh trong lòng lại là điều này, chẳng lẽ Nàng chỉ nghĩ đến tôi là một thằng quan trọng điều đó lắm ư. Dung nhầm rồi, một hiểu nhầm gây cho tôi nỗi buồn ghê gớm.

-Tín….!

-……!-Dung im lặng chờ đợi.

-Tín hỏi lại, Dung nghĩ đánh nhau là sai hay đúng?

-………!

-……..!

-Tại sao không phải là cách giải quyết khác?

 Một câu trả lời tránh né, Dung không muốn lặp lại câu trả lời hôm trước. Tôi thở dài, muốn trở về lớp ngay lập tức. Tại sao Dung cứng nhắc đến vậy? Tại sao khi chúng tôi đến mức đường cùng rồi Dung vẫn cứ phải bảo chúng tôi nhịn. Đây là tích cách của Dung tôi chưa khám phá ra, hay nhất thời vì chuyện này liên quan đến tôi, nên khiến Nàng phản ứng một cách tiêu cực đến vậy.

-Thôi, chuyện qua rồi, quên đi nhé!

-Ừ, bỏ qua đi!-Tôi biết dù có tranh cãi đến thế nào thì việc này cũng không ngã ngũ, bởi vì chúng tôi có cách đánh giá hoàn toàn khác nhau.

 Nếu ở một vị thế khác, bạn hẵn sẽ nghĩ đấy là sự làm lành hoàn hảo. Không, nó chỉ như một viên đá quý bị trầy xước, người ta vội vàng phủ lên nó một lớp áo khác. Bề ngoài nó vẫn hào nhoáng long lanh, nhưng bản chất nó đã không được như trước. Đó là một sự rạn nứt trong lòng, một sự rạn nứt hoàn hảo. Chỉ có tôi và Dung biết vết rạn đó, vì bản thân tôi và Nàng là những người thợ đã đánh bóng lại nó, để che mờ đi mâu thuẫn bên trong.

 Vừa về tới nhà, tôi chán nản để chiếc ba-lo lên bàn, thả người úp mặt vào gối, thở dài. Đã vậy cái điện thoại chết tiệt chẳng chịu tha cho tôi.

-Dạ, alo!-Tôi lấy lại giọng bình thường.

-Alo cái đầu mày, lại đánh nhau à?-Giọng ông anh tôi tức tốc vang lên đáp lại.

-Ấy, hét nho nhỏ thôi?-Tôi ngó xuống dưới nhà, đề phòng Mẹ tôi đi lên bất ngờ rồi cầm máy.

-Mày, ăn học rồi đi đánh nhau, hết việc làm à?

-Dạ, không, em…em.!

-Em cái đầu mày, thích đánh nhau thì để tao về đánh với mày!-Giọng ông anh tôi vẫn chưa hạ hoả.

 Nói về đánh nhau, có lẽ tôi vẫn sợ nhất là ông anh tôi. Hơn kém nhau hai tuổi nên lúc nhỏ vẫn đánh nhau như cơm bữa. Đa phần kẻ thua cuộc xin hàng trong cơn mưa nước mắt vẫn là tôi. Thế nên nghe đến câu này gai ốc tôi nổi lên hết. Dám mà lão anh tôi nghe được thêm lần nữa tôi đánh nhau, lão làm thiệt chứ chẳng chơi.

-Dạ, không, tại lần này tụi nó gây sự tới cùng!

-Gây sự thế nào?

 Tôi chẳng dám nói dối trước cơn giận dữ của ông anh trai, một mạch khai sạch sẽ. Những chi tiết phụ liên quan thì cũng như lần kể cho Yên nghe, tôi giấu bặt. Kể một hơi xong, tôi im lặng, đến cả thở cũng chẳng dám, hồi hộp chờ ông anh tôi đánh giá.

-Thế bên mày thắng?

-Dạ!-Tôi nhớ lại mức độ thê thảm giữa thằng học trò tôi và tình địch của nó, khẳng định chắc cú.

-Được, đáng mặt em tao!

-Ơ…đánh thắng…!

-Thắng cái đầu mày, tao bợp tai bây giờ, tao có bảo mày đánh nhau là em tao.

-Thế sao?

-Mày không bỏ rơi bạn bè mới là em tao!

-Dạ-Tôi cười toét miệng đến tận mang tai.

 Sau đó, ông anh trai quý hoá của tôi dặn dò một loạt điều: cấm tái phạm lần sau, năm cuối cấp rồi lo mà học hành. Lần sau nhớ báo nhà trường giải quyết… Khép lại một buổi sáng nửa vui nửa buồn của tôi.

 Buổi chiều tiếp nối làm cho ngày đầu tuần của tôi trở nên thê thảm hơn. Phần vì lo lắng, phần vì tâm trạng không tốt, tôi ngủ một mạch tới bốn rưỡi chiều. Mà năm giờ tôi phải ra mắt lớp học hoá mới rồi. Nguyệt và Nhân có lẽ nhìn thấy cánh cổng khép nhà tôi nên đã đi trước, báo hại tôi hộc tốc đạp xe một mình.

-Tín, chờ Yên với!

 Tôi nhấn pê-đan chậm chạp chờ người bạn đồng hành quen thuộc cùng cảnh ngộ. Đường tới nhà cô còn xa, có Ngữ Yên đi chung ít nhất tôi cũng đỡ cô đơn phần nào.

-Yên sao đi muộn vậy?

-Hì hì, ngồi học một lúc quên luôn giờ giấc.

 Ngữ Yên đưa tay, khẽ vuốt lại những lọn tóc bết vào trán vì mồ hôi. Trông cô nàng càng duyên dáng hơn. Chẳng hiểu sao tâm trạng của tôi lại bình yên khi ngắm nhìn Yên như vậy. Nếu cô gái ấy là cây liễu rũ đầy nét đẹp thì tôi là mặt hồ phẳng lặng để ghi lại hình bóng duyên dáng ấy.

-Nhìn gì vậy?

-Ơ…..ơ, có nhìn gì đâu?-Tôi giật mình chống chế, khẽ lắc đầu xua tan ý nghĩ nên thơ vừa nãy.

 Hai đứa tôi vừa đạp xe sánh đôi, vừa chuyện trò rôm rả. Ngữ Yên khẽ cười mãn nguyện khi nghe tôi thông báo kết quả thoát nạn của nhóm tôi sáng nay.

-Biết mà!

-Sao Yên biết?-Tôi phản xạ, hỏi lại không cần suy nghĩ.

-Ơ….!

-……?

-Thì ở hiền gặp lành thôi!

 Tôi cười hì hì trước cách trả lời chống chế của Ngữ Yên. Vì trước giờ bạn bè toàn chửi tôi nghịch như quỷ, sao mày nghịch ác thế, chứ chưa ai khen tôi hiền lành bao giờ. Chỉ thế thôi mà làm tôi cười suốt cho đến khi gạt chân chống xe trong sân nhà cô giáo dạy Hoá.

Đúng là ôn thi có khác. Không khí khác hẳn với lớp học trước. Học sinh dường như dồn hết lên những bàn đầu. Không ồn ào, không vui vẻ so với lớp cũ. Chỉ cần đứng ngoài sân tôi cũng rùng mình trước khí thế của lớp mới.

-Vào đi chứ cái cặp này!-Cô giáo dạy Hoá lại chọc hai đứa tôi.

 Bao nhiêu cặp mắt dòm ra phía cửa ra vào. Tôi nhìn thấy đám bạn lớp tôi ngồi đầu tiên dãy bên phải. Vẫy vẫy tay tôi chỉ vô cái bàn đã chật ních. Còn bên lớp hàng xóm cũng chào đón Ngữ Yên bằng những nụ cười rạng rỡ. Chỉ có Dung và thằng Minh An là thoáng chút không hài lòng.

-Hai đứa ngồi đi chứ, chờ Cô mời nữa sao?

 Hai đứa tôi không hẹn mà cùng đi về chiếc bàn cuối, bỏ qua những lời mời mọc. Hai đứa nhìn nhau khẽ cười. Đám bạn tôi giơ nắm đấm hù doạ. Tôi cười hềnh hệch. Còn đám lớp hàng xóm thì có cơ hội bàn ra tán vào.

-Sao nghe nói nó quen Dung?

-Giờ lại tán cả Ngữ Yên lớp mình à!

 Nhầm hết các bạn trẻ ơi. Việc này có hai lí do. Thứ nhất, mấy bàn phía trên đã đông nghẹt, nhét nhau vào đó lỡ thiếu ô-xy lên não lại học hành không vào. Bàn cuối bị bỏ quên nên rộng rãi, thoáng đãng hơn nhiều. Xa một chút cũng không sao, quan trọng là học hiệu quả chứ không phải nhồi nhét vào là giỏi. Thứ hai, ngồi bàn cuối đã trở thành một thứ đặc sản của tôi. Từ trên trường hay bất cứ buổi học thêm nào, nó đã trở thành thói quen không bao giờ sửa được. Ngoài ra, vì lí do tôi cũng ngồi bàn cuối với Ngữ Yên ở lớp học cũ hay không thì bản thân tôi cũng không thể tự trả lời được. Chỉ biết một điều, ngồi cạnh Ngữ Yên tôi cảm thấy mình nhận được sự ủng hộ hay đồng tình. Sự thoải mái trong cách trò chuyện. Chắc rằng, Ngữ Yên cũng như tôi, thế nên chiếc bàn cuối hôm ấy cũng chỉ có hai người tới muộn cùng ngồi.

CHAP 21: VÌ ĐANG Ở NHÀ NÊN 2 NGÀY MỚI CÓ CHAP..TỐI MAI BẮT XE VÀO LẠI SG ỒN ÀO NÁO NHIỆT RỒI ĐÂY bởi Học sinh chuyển lớp-Ôn thần vào 2 tháng 1 2013 lúc 3:07 ·

CHAP 21: NGHỊCH CẢNH

 Từ lúc tôi và Ngữ Yên cùng ngồi xuống chiếc bàn cuối lớp, bao nhiêu ánh mắt chăm chú xem từng cử chỉ của chúng tôi. Hơi ngại ngùng khi phải đối diện với bao ánh mắt tò mò, ghen tức, chú ý lẫn theo dõi như vậy.

 Đám bạn là những người đầu tiên tôi ngước lên đáp trả. Hẳn chúng nó đang tò mò xem thằng bạn trong xóm nhà lá có phải vì việc lúc sáng mà quyết định dứt tình đi tìm bóng hồng khác hay không. Tôi nhìn chúng nó, kiên định đáp trả. Kiểu như việc thể hiện nội tâm:

-“Chưa có chuyện đó nhé!”

 Ánh mắt tiếp theo tất nhiên là của Dung và thằng Minh An. Tôi không lấy gì lạ khi Minh An nhìn tôi như vậy, nếu đứng trên phương diện bản thân nó, hai lần những mục tiêu của nó toàn bị tôi nẫng tay trên. Đích xác ra, tôi chẳng khác gì một kỳ đà cản mũi, một cái gai trong mắt cần nhổ bỏ ra ngay lập tức. Với Dung, chắc Nàng cũng đang băn khoăn với vị trí ngồi quen thuộc của tôi. Không hiểu rằng, chuyện lúc sáng có đánh động vào tâm lý vẫn lòng tự trọng của một thằng con trai hay không. Với loại ánh mắt này, tôi chỉ cười phớt lờ qua. Coi như nó không quan trọng với mình lắm.

Cuối cùng là những người không quen biết với cá nhân tôi. Ánh mắt này được chia theo hai dạng. Dạng một dành cho những bạn lớp hàng xóm, liên tục thắc mắc về mối quan hệ của tôi với Ngữ Yên:

-Nó tán Ngữ Yên lớp mình à?

-Sao nghe nói nó quen Dung,còn ý đồ với Yên lớp mình nữa?

 Những câu nói xì xào bên tai, tôi cảm thấy khó chịu. Mặc dù không quen biết nhưng khi bị đánh giá là một tên có mới nới cũ, chán là bỏ như thế thì tôi căm lắm. Mặt tôi đanh lại, ra vẻ khó chịu.

 Dạng hai dành cho các học sinh lạ hoắc lạ hơ, thường chú ý tới cô bạn xinh xắn dễ thương, dịu dàng đang ngồi cạnh tôi hơn. Chắc là đang thắc mắc xem năng lực của học sinh mới là như thế nào đây mà.

 Tôi và Ngữ Yên nhìn nhau, lắc đầu cười khổ. Bởi vì thế, hai chúng tôi không thể nào thoải mái như bên lớp cũ được. Thỉnh thoảng hai đứa tôi nói với nhau được vài câu, thì bao nhiêu ánh mắt lại dòm xuống, kiếm cớ suy xét nên chúng tôi im bặt. Tôi cảm thấy mình như đeo gông vào cổ, ức chế lên đến tận não.

-Tín, lên giải bài này xem sao?-Cô giáo gọi, tôi đứng dậy ngay lập tức.

-Yên, bài bên cạnh!

 Hai bài này, suy cho cùng thì độ khó là tương đương nhau. Thế nên đây là cơ hội cho hai đứa bàn cuối chứng tỏ năng lực không hề kém cạnh bao con người ngồi đây, nhưng cũng là cơ hội cho bao con người xì xào bàn tán mạnh mẽ hơn.

 Tôi nhìn rõ áp lực mà Ngữ Yên phải chịu khi nghe những lời xì xào bên dưới. Tay Yên khẽ run run, tôi cảm nhận rõ điều đó qua từng chữ hay những số Ngữ Yên viết không đẹp như lúc bình thường. Đôi tay ấy, nhỏ nhắn quá.

-Làm đi Tín, lo cho nhau dữ vậy?

 Lần này, cô giáo tôi chính thức tham chiến, khiến cho bao nghi ngờ lúc nãy của mọi người được khẳng định:

-Hoá ra đây là một đôi!

 Tôi đành chăm chú cắm đầu vào bài của mình, chứ Cô giáo đã lên tiếng, tôi nào dám đứng đó mà chết đứng hoài như vậy. Tôi cầm phấn, tay vẫn viết, mắt vẫn hướng lên bài giải cất lời nói nhỏ, tránh cho mấy kẻ tọc mạch nghe thấy:

-Làm nhanh rồi về Yên!

 Ngữ Yên cũng không quay sang tôi, chỉ đáp một tiếng:

-Ừ!

 Nhưng trong tiếng đáp đơn giản ấy, tôi nhận thấy rõ gánh nặng được cất qua một bên, giọng nói có vẻ vui lắm. Kết thúc vòng thử thách, hai đứa tôi hầu như về chỗ cùng một lúc.

-Tốt lắm, hai đứa!

 Cô giáo nhìn bài làm hài lòng, xua tan đi một phần ý nghi ngờ khả năng của hai học sinh mới. Tôi nhìn qua Ngữ Yên, cô nàng đặt tay lên ngực, thở phào nhẹ nhõm. Chẳng hiểu là Yên đang lo lắng kết quả bài làm hay vì được thoát ra khỏi các ánh mắt soi mói không biết nữa.

 Tây Nguyên hai mùa mưa nắng, và tối nay cũng đã chứng minh vì sao như vậy. Mới chiều còn nắng rực rỡ, thế mà tối đến đã ầm ầm sấm chớp. Gió bắt đầu thổi lên ù ù. Mưa bắt đầu rơi xuống. Lúc đầu nhẹ nhàng, rả rích, sau đó là bắt đầu xối xả. Không khí lạnh trong cơn mưa tràn vào lớp. Khẽ rùng mình:

-Chết rồi!-Tôi buột miệng.

-Sao vậy Tín?-Giọng Ngữ Yên nhỏ nhẹ, tránh tai vách mạch rừng.

 Tôi chỉ lên trần nhà thầm cười đau đớn. Tính tôi vốn chủ quan, phớt lờ cả lời Mẹ tôi dặn:

-Vào mùa rồi, đi học nhớ cầm theo áo mưa!

 Chẳng hiểu mang theo cái áo mưa có nặng nhọc gì không? Mà tôi chỉ Dạ, vâng cho có lệ chứ tuyệt nhiên chẳng hề ngó ngàng gì tới nó. Không biết mưa có dứt ngay không nữa, chứ tình hình ngoài trời thế kia thì không khả quan cho lắm.

-Về thôi mày!-Thằng Kiên cận vỗ vai tôi khi tan học.

 Nó khẽ nghiêng đầu qua chào Ngữ Yên, chứ chẳng đoái hoài gì đến bộ mặt bí xị của tôi lúc đó. Mưa gió thế này mà về được đến nhà thì chỉ có thánh thần thôi.

-Sao thế, về lẹ, tao đói quá trời-Phong Mập háu đói giục đằng sau.

-Về Tín, nhà xa mày còn nấn ná gì nữa?-Nhân đen cũng hối thúc.

 Tôi vẫn giữ nguyên nét mặt, làm ra vẻ tội nghiệp lắm:

-Tao quên áo mưa rồi!

-Có cái đó mà cũng quên, bó tay mày!-Nhân đen bực tức.

-Thế tao ở lại với mày!-Thằng Vũ nhân dịp trả ơn nghĩa cho tôi, dù không nói ra.

 Cuối cùng, trong tiếc nuối lẫn ngậm ngùi, Tôi, Nhân đen, thằng Hoàng, Vũ và Nguyệt chia tay đám bạn. Chúng nó thằng nào cũng cẩn thận phòng hờ chứ chẳng thằng nào chủ quan như tôi.

-Chưa về nữa hả?-Giọng Dung vang lên sau lưng!

-Chưa, ở lại chơi xíu rồi về sau, chờ tạnh mưa luôn!-Thằng Hoàng nhanh nhảu đỡ đạn cho tôi.

-Ờ, vậy Dung về trước nhé!

 Dung khẽ lướt qua tôi, nở một nụ cười nhẹ. Nhưng chẳng hiểu sao, nụ cười ấy không còn đẹp như lúc bình thường nữa. Nó cũng không phải là ngọn lửa có thể sưởi ấm tôi trong đêm mưa gió này. Phải chăng nó không còn đủ ấm? Hay tình cảm đã nhạt phai dần. Tôi nhìn theo Dung, cho đến bóng dáng Nàng khuất sau cánh cổng nhà cô.

-Yên chưa về nữa hả?-Nhân đen cắt ngang sự tập trung của tôi.

 Ngữ Yên là người cuối cùng đi ra khỏi lớp học, là người thu hút tất cả sự chú ý của đám chúng tôi. Cô nàng khẽ đưa hai tay choàng vào nhau, xoa xoa cánh tay. Có lẽ không khí lạnh đang ôm choàng lấy người con gái dịu dàng này.

-Yên cũng quên áo mưa rồi!

 Cũng, là giống tôi chứ chẳng phải ai khác. Chỉ có điều tôi bất ngờ là Ngữ Yên trước giờ tính cẩn thận, nên chuyện quên cái gì đó là một điều hơi lạ.

-“Con người cũng có lúc này lúc nọ chứ”!

 Tạm chấp nhận với lý do chính mình đưa ra, tôi nhập cuộc với những câu chuyện phiếm trong lúc chờ mưa tạnh. Cơn mưa đáng ghét tới thật nhanh mà đi cũng thật nhanh. Mười phút sau, chỉ còn vài giọt mưa rơi rớt sót lại. Đám chúng tôi tiến ra phía để xe.

-Đi ăn chuối chiên đi!-Thằng Hoàng đột nhiên nãy ra ý tưởng.

 Thằng bạn tôi ít khi nãy ra ý tưởng, nhưng một khí nãy ra là không thể chê vào đâu được. Cả nhóm tôi nhất trí với ý kiến của nó. Gạt chân chống và nhấn pê-đan đến điểm hẹn.

-Yên, chờ đã!

-Gì vậy Tín?

 Tôi cởi chiếc áo khoác của mình, khoác lên vai Ngữ Yên. Đó chỉ là một hành động bình thường với tất cả cậu con trai khi nhìn một cô gái đang phải xuýt xoa vì cái lạnh sau cơn mưa. Cái áo khoác đó không chỉ là thể hiện tính ga-lăng, đặc biệt hơn, nó là sự rằng buộc cho Ngữ Yên tham gia cùng chúng tôi. Ngữ Yên nhìn tôi nở nụ cười, kéo khoá áo lên trông dễ thương vô cùng. Nếu cột tóc đuôi gà lên nữa, thì Ngữ Yên cũng sẽ rạng ngời lắm đây.

-Cô ơi, cho con mười chiếc nhé!-Nguyệt đặt hàng trước.

-Mười lăm đi cô ơi?-Vũ sửa lại.

-Nhiều vậy, có hết không?

-Toàn máy nghiền thức ăn ở đây, không hết thì hơi lạ nhỉ-Thằng Hoàng xen vào giữa hai người.

 Đám học sinh sau giờ tan học, ngồi túm lại trông ấm áp vô cùng. Những chiếc bánh giòn tan nghi ngút khói, những câu chuyện vui xua tan đi những mệt nhọc thường ngày, xua tan đi cái lạnh sau cơn mưa. Đó là những kỉ niệm đời học sinh mà có lẽ tôi không bao giờ quên được.

-Tín ăn nữa đi!-Ngữ Yên đưa bánh cho tôi.

 Anh hùng khó qua ải mỹ nhân, huống gì tôi không phải là anh hùng, và Ngữ Yên cũng đâu bắt tôi uống thuốc độc. Tôi đón chiếc bánh và mở hết công suất ăn đua cùng ba thằng còn lại. Hai cô bạn chỉ biết lắc đầu và cười trước vẻ háu đói của đám con trai.

-Áo Tín nè!

-Ngữ Yên mặc đi!-Tôi đáp chắc lừ.

-Thôi, Tín nhà xa, mặc đi không cảm lạnh.

-Không sao đâu, Tín con trai mà.

 Ngữ Yên vẫn lắc đầu liên tục, ép tôi phải nhận lại chiếc áo khoác cho bằng được. Hoá ra cô nàng cũng “lì lợm” lắm chứ chẳng kém ai chút nào. Khoác tận vai cho tôi mới chịu. Tôi cúi người xuống, còn Ngữ Yên khẽ nhón chân lên. Ma lực của người con gái luôn là như thế, nó bắt con trai nhiều lúc phải nghe theo mà không có chút phản kháng.

-Ngữ Yên!

-….!

-Lần sau mặc áo mưa vào nhé, có mà nói không!

-Hì hì, Yên biết rồi, Yên thích ngắm mưa mà!

 Tôi biết mà, Ngữ Yên cẩn thận như thế thì làm gì có vụ để quên như thằng hậu đậu được chứ. Ngữ Yên thích mưa, và tôi cũng cảm ơn sở thích ấy. Tối nay có lẽ là một cuộc vui, một kỉ niệm đẹp để kết thúc một ngày dài. Trong giây phút ấy, vết rạn sáng nay bỗng biến mất khỏi tâm trí tôi.

-Đưa Yên về nha Vũ!

-Dạ, biết rồi thầy!

 Thằng Vũ không còn là thằng Vũ ngày nào bị Yên tránh mặt nữa. Giờ đây nó đã nhận ra tình cảm nó giành cho ai. Còn tôi, không hiểu rằng sau đêm nay, tôi có được cái nhìn rõ ràng như nó hay không?

-Thôi, nhìn hoài, thằng Vũ nó hứa rồi, đi về không muộn!-Nhân đen nhắc nhở tôi.

 Ba chiếc xe đạp nhấn Pê-Đan lăn trong con đường ướt nước.Ánh đèn đường vàng chiếu sáng một con đường dài. Gió khẽ rít qua người, lạnh lắm, nhưng có gì đó ấm áp trong lòng. Bốn nụ cười tươi sáng loà đêm tối lạnh căm.

-Mày tính sao Tín?

-Sao là sao?

-Thằng Hoàng nó hỏi giữa Dung với Yên đó!

 Tôi nghĩ ngợi một lúc, rồi phá lên cười. Nụ cười ấy hào sảng lắm. Cảm ơn Hoàng, bạn thân của tôi vì đã hỏi một câu hỏi trúng ngay tâm tư của chính bản thân tôi.

-Vẫn là Dung thôi!-Tôi thản nhiên trả lời.

-Chắc không?-thằng Hoàng hỏi lại.

-Không chắc lắm!

 Lần này đám bạn trố mắt, không lẽ bao nhiêu lời dị nghị trong lớp học là đúng hay sao?

-Thế rốt cuộc là mày loạn quá chứ gì?

-Ơ cái thằng đen nhẻm kia, tao có phải như mày đâu!

-Thế là sao?

-Thì giờ vẫn là Dung, nhưng hình như không còn như trước nữa!

 Tiếng thở dài não lòng ,ánh đèn đường buồn hiu hắt lại chụp xuống bốn đứa. Cảm giác lạnh lẽo lại vang lên. Đó là những gì thật lòng mà tôi nghĩ, là những gì tôi cảm nhận. Chỉ khi nào đứng trước những người bạn tri kỉ, bạn mới chính là bạn, nói lên những điều bạn suy nghĩ. Dù đúng hay sai, chẳng sao cả, vì bạn sẽ nhận được những lời khuyên theo mọi hình thức. Dù cho thằng Nhân đen vẫn mắng tôi gay gắt, hay thằng Hoàng xỉa xói mọi điều, Nguyệt vẫn trầm ngâm thì tôi biết rằng bao nhiêu sự quan tâm lẫn ý tốt vẫn dành cho tôi cả. Bởi thế, tôi mới nói những gì mình nghĩ trong lòng ra, vì tôi lúc này mới chính là tôi.

-Thôi, não lòng, đạp nhanh còn về!-Nhân đen chán cảnh suy tư.

-Nhanh làm gì, tối nay mới có lần vui như thế này.

-Ừ, tối nay vui thật.

 Thằng Hoàng thể hiện niềm vui của nó bằng những cái đảo xe hình zíc zắc, tôi đảo sau nó. Nhân đen không giữ nổi sự bình tĩnh trước sự khiêu khích, đảo theo, mặc cho Nguyệt la nó vì sợ. Cả bốn đứa lại cười tươi như chưa hề nhắc tới chuyện gì. Tuổi học sinh, đẹp và hồn nhiên làm sao.

CHAP 25: KẺ LẬP DỊ TRONG LỚP.

  Chiều hôm đó, giờ học thêm Hoá, tôi lững thửng đi vào lớp. Vẫn chọn cái bàn cuối cùng trong lớp học thêm như một thói quen được lập trình sẵn. Không khí trong lớp mới cũng dần trở nên quen thuộc hơn. Chí ít thì tôi cũng đâu còn mới mẻ gì đâu nữa mà dòm ngó bởi thiên hạ. Hơn nữa, xung quanh tôi, đám bạn tôi cũng lần lượt kéo lại tập hợp xóm nhà lá. Chỉ có Nguyệt và Dung là ngồi bàn trên nghe giảng. Dung nhìn tôi với ánh mắt có gì đó khó chịu.

Tôi ngó sang nhìn Ngữ Yên, và dường như ánh mắt của Dung cũng bị Ngữ Yên nhìn thấy, cô nàng quay qua dành cho tôi đôi mắt tội nghiệp. Tôi lắc đầu cười. Nụ cười ra vẻ không sao đâu dành cho người dịu dàng.

 Vừa kết thúc buổi học, Dung chờ cho lớp ra về gần hết, đi thẳng đến chỗ tôi ngồi:

-Tín, ra đây Dung nhờ cái này!

 Tôi nhìn đám bạn cầu cứu, còn chúng nó thì cứ nhe răng mà cười, chẳng thằng nào vô duyên vô cớ dính đến chuyện của cả hai người cả. Tôi lết thết đi sau lưng Nàng, chắc là Nàng lại nổi trận lôi đình vì sao không lên bàn đầu ngồi học mà phải ngồi bàn cuối ồn ào. Lý do thì chắc ai cũng biết là tại sao rồi?

-Á…á..!-Tiếng hét của tôi mở đầu câu chuyện.

-….!-Dung mặt vẫn sắc lẹm.

 Mấy đứa bạn tò mò thò đầu ra xem có chuyện gì mà ồn ào như vậy, Dung mới chịu buông hai ngón tay ra khỏi vùng eo đã đỏ chót của tôi.

-Sao không choàng khăn?

-Ơ, ơ..Tín quên mà.!

-Biết hôm nay trời lạnh lắm không, gió quá trời kìa!

 Cơn gió khẽ lùa qua, hất tung mái tóc ngang vai để phụ hoạ cho câu Dung nói. Chẳng khác nào đổ dầu vào lửa, vô tình thiêu rụi cả tôi.

-Ơ, ờ, biết rồi mà, lần sau nhớ rồi!

-Nhớ thì lần sau lạnh nhớ đeo đó!

-Dạ, em nhớ rồi chị Hai.

 Câu nói tôi vừa thốt ra, Ngữ Yên cũng đi lướt qua. Không có ánh mắt nào dành cho Dung và Tôi. Có lẽ Ngữ Yên cố tình phớt lờ cảnh trước mặt. Dung đứng quay lưng lại nên không thấy, nhưng tôi thấy rõ khuôn mặt Ngữ Yên không được vui cho lắm thì phải?

-Vậy dễ thương không? Nhớ đi về đừng la cà nhé!-Dung vẫn tiếp tục nhắc nhở, làm như tôi là con nít lên ba không bằng.

-Dạ, em hứa sẽ bảo vệ thằng Tín đi thẳng về nhà!

-Vợ chồng chúng nó dạy nhau, mày xen vào làm gì?

 Đám bạn tôi cũng vừa đi ra khỏi lớp, xen vào câu chuyện. Dung chỉ cười và chạm vào tay tôi một cách cố ý, nhoẻn miệng cười rồi lấy xe đi về. Để lại tôi ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sao tự nhiên hôm nay cái trò “ Thiên thần-Ác quỷ” vừa đánh vừa xoa lại diễn ra liên tục như thế này nhỉ?

 Chín rưỡi tối, tôi dựng xe cái cách xuống sân nhà, không la cà như Dung dặn. Ôm ba-lo lao thẳng vào nhà. Hình như nhà tôi hôm nay có điều gì đó là lạ? Khuôn mặt nghiêm khắc của Ba tôi dãn ra đôi chút, và Mẹ tôi thì cười vui vẻ lắm.

-Vào rửa tay ăn cơm Con!-Ba tôi lên tiếng trước.

-Dạ!-Tôi ngơ ngác.

-Nhanh lên, rồi vào ăn trái cây nữa?

-Dạ!

 Tôi đi xuống rửa mặt tay chân ngơ ngác chẳng hiểu hôm nay nhà tôi trúng độc đắc hay sao mà cả nhà có vẻ phấn chấn lạ thường như thế này. Xoay nắm tay cửa, mở cửa phòng để thay đồ xuống ăn cơm, tôi nhận ngay vật thể lạ vào mặt.

-Bộp!-Cái gối bay thẳng mặt tôi, rơi xuống nền nhà.

-Mới học về à thằng em!

 Ông anh tôi nằm dài trên giường, cuốn truyện đọc dở đang nằm bên cạnh. Thảo nào Ba, Mẹ tôi lại vui như vậy. Lão nhe răng nhìn thằng em mồm đang há hốc:

-Ơ, anh về làm gì thế?

-Tao đánh mày bây giờ nhé, mày làm như tao là cục nợ vậy!

-Không nợ là gì, hết tiền à?

 Lão anh tôi vùng ra khỏi đống chăn mền, lao vào kẹp cổ tôi kí liên tục. Tôi bị kẹp, ôm đầu la oai oái.

-Á, đau…đau, thả ra.

 Ngay lúc mà tôi vùng ra khỏi ông anh tôi, lão anh tôi vẫn cười nhe răng như chưa có gì xảy ra. Trên cái cổ lão, chiếc khăn len của Dung đang được quấn một cách long trọng. Tôi điên tiết, lao vào bóp cổ lão, cố giật cái khăn ra cho bằng được:

-Trả cho em, cởi ra lẹ!

-Không, tao mượn, lạnh lắm!-Lão ôm chặt lấy, quyết tâm không trả tín vật cho tôi.

 Hai anh em tôi người giằng, người kéo, ồn ào bất phân thắng bại. Chỉ đến khi Ba tôi lên cho thằng anh hai chổi, thằng em một cái cốc đầu thì cả hai mới dừng lại. Lão anh tôi lừ mắt đe doạ, còn tôi hả hê lắm vì giành lại được vật quan trọng.

 Sáng hôm sau, tôi lò mò dậy trước, lão anh tôi đang quấn chăn ngáy khò khò. Tranh thủ cơ hội, tôi đấm lão một cái rồi chạy tót vào nhà vệ sinh, để mặc lão hét như bò rống đằng sau. Mặc quần áo đàng hoàng, với tay lấy chiếc khăn len Dung đan, quàng lên cổ. Chẳng khác nào tài tử Cinema cả. Khoác thêm cái áo len cho tông xuyệt tông, tôi kiêu hãnh bước ra khỏi nhà.

 Vừa bước ra khỏi ngõ, cảnh tượng buổi sáng thật đẹp. Sương che mờ mờ, làm những tia nắng trông như bị gãy khúc, lệch từng đoạn. Những đứa bé tiểu học được Ba, Mẹ thân chính đưa đi học trông sung sướng lắm. Ấy vậy mà nhìn tôi, chúng nó quay lại vòi:

-Mua cho con khăn giống anh kia đi!

-Mẹ ơi, mua cho khăn đó đi!

-Khăn giống kia tí nữa Mẹ mua cho nhé..!-Bà Mẹ khéo dụ dỗ thằng nhóc.

 Tôi lườm lườm, mặt vênh vênh. Thưa Cô, khăn này là độc quyền, cô có lục tung cả chợ lẫn bao nhiêu tiệm cũng không có đâu nhé. Chiếc khăn hoàn hảo này chỉ có một cái thôi, của một người con gái đặc biệt đan đấy. Tiếc là cô ta giải nghệ, hoặc chỉ nhận đơn đặt hàng từ Cháu thôi.

 Đi đến trạm xe bus, bao nhiêu đứa nhìn tôi thể như là người đặc biệt, người nổi tiếng được công chúng yêu mến. Thời tiết này lạnh thì có lạnh, nhưng cũng đâu đến mức một thằng con trai phải khoác lên cổ chiếc khăn len như vậy? Bao nhiêu đứa cứ nhìn tôi chỉ trỏ, xôn xao bàn tán. Mặc kệ, tôi không cần quan tâm lắm, cứ coi như đó là những lời khen cũng được.

 Chuyện chưa dừng ở đó. Tôi tiếp tục trở thành tâm điểm của sự chú ý khi bước vào lớp. Cả lớp đang trò chuyện rôm rả, bỗng nhiên im bặt, nhìn tôi từ đầu xuống chân. Kìm nén cơn ngại, tôi bước xuống dãy bàn cuối lớp, rồi ngồi xuống đó. Một tràng cười rộ lên, nhìn tôi chỉ chỉ:

-Lạnh lắm hả mày?

-Con trai hay con gái đấy!

-Khăn ở đâu xấu hoắc vậy mày?-Thằng Phong mập hét to lên.

 Câu nói của nó chẳng khác nào dùng dao đâm bạn cả. Dung mặt đỏ tía tai, nhìn xuống tôi ái ngại, tôi thì máu nóng dồn lên tới não, bay tới thằng bạn nó túm cổ đá đít. Được dịp tụi nó còn làm ầm lên, giữ chặt tay chân tôi, cướp khăn rồi từng thằng ướm thử, đi qua đi lại như siêu mẫu:

-Rất hợp với dáng tao nhé!

-Tao đeo đẹp hơn mày..!

-Mai tao cũng đeo khăn như thằng Tín cho nó mốt!

-Gớm, nhìn như thằng lập dị ấy!-Hằng bán chanh tranh thủ cơ hội, lên tiếng.

-Con trai mà yếu đuối thế à?-Một loạt các bạn nữ lên tiếng.

 Tôi bị bọn nó bẻ tay, trói chân thì làm gì còn sức phản kháng. Hai đứa tôi đành ngậm ngùi bị cả lớp chọc quê. Dĩ nhiên tụi bạn nào biết Dung là người tạo ra chiếc khăn len ấy nên thốt ra những câu nói vô tình. Mặt Nàng đỏ gay đi nhanh ra khỏi lớp.

 Bọn bạn giỡn chán chê rồi mới trả lại khăn len cho tôi. Nhanh như chớp, tôi cầm chiếc khăn len phóng ra ngoài chỗ ghế đá quen thuộc. Chắc giờ Dung buồn lắm.

-Trả khăn len cho Dung!

-Ơ, sao lại trả, tặng rồi mà!

-Nhưng mà…..!

-Nhưng nhị cái gì, cái khăn này giờ là của Tín, đâu phải của Dung…!

-Nhưng mà….nó..xấu..!-Mắt Dung ướt nhoè.

 Hình như Dung tâm huyết với nó lắm, vì đó là món quà Nàng tặng tôi. Công tâm mà nói, chiếc khăn này cũng đẹp, chẳng qua là bị mấy thằng bạn tôi chọc dữ dội quá nên Nàng tưởng nó xấu thật. Nước mắt ngắn dài, ướt đôi mắt long lanh, lần đầu tiên thì phải, tôi thấy Dung khóc.

Chẳng để tôi an ủi, Dung quệt nước mắt rồi đi vào lớp. Tôi lại lững thững đi đằng sau. Cả lớp tôi ngơ ngác, chẳng hiểu tôi làm gì mà Dung lại khóc thế kia. Ai khóc thì không biết chứ Dung nổi tiếng là băng phong thì đào đâu ra nước mắt cơ chứ?

-Sao thế mày?

-Mày làm gì Dung à?

 Tụi bạn chụm đầu lại bàn tôi hỏi han, mà đâu biết chúng nó vừa gây ra tội và mà tôi phải mang tiếng gánh chịu. Vài bạn nữ gần Dung an ủi, còn lườm tôi với ánh mắt hơn cả hận thù. Tôi gắt gỏng:

-Vâng, nhờ ơn bọn mày đấy!

 Đám nhà lá thấy tôi gay gắt như vậy cũng giãn ra, một thằng đi về một góc.

-Đại ca, em mời đại ca đi uống nước nhé!

-Dẹp, tao còn học bài!

-Thôi mà, ra chơi ai còn học, nghỉ ngơi đi đại ca!

 Thằng Hoàng còn ra đằng sau bóp vai cho tôi, tôi hất tay nó ra, thể hiện lập trường cứng rắn.

-Thôi mà, đại ca, em biết lỗi rồi, em xin mời đại ca chầu nước này.

-Dẹp…à quên, đi mày!

 Nói thật là lần đầu tiên Dung khóc nên cả lớp chúng tôi hơi ngỡ ngàng. Bình thường trong mắt mọi người Dung có sức ảnh hưởng to lớn nên việc Nàng khóc là một việc ghê gớm lắm. Thế nên hễ tôi có rục rịch gì là bao nhiêu ánh mắt lại chĩa hết về tôi:

-“Mày làm gì mà Dung phải khóc?”.

 Thế nên, dù còn giận mấy thằng bạn nhưng tôi cũng nén lòng mà đi ra khỏi lớp, tránh sự soi mói và các kiểu giận dữ ném vào người.

-Ơ, thế là của Dung đan à?

-Mày chê xấu cho đã, Dung khóc cho tao lãnh đòn!-Tôi gằn thằng Mập.

-Sao mày không nói sớm?

-Bọn mày đè tao, chưa hỏi đã chê mà còn trách tao à?

-Thế giờ tính sao!

-Biết tính sao thì tao đâu có phải than-Tôi đưa ly nước chùa lên hút một hơi cái roạt, thở dài.

Tôi từ trước tới giờ có thể là thằng học sinh có lắm trò quậy phá nhất, nhiều khi chẳng sợ trò gì, thế nhưng đối diện với những giọt nước mắt của con gái , bao nhiêu chiêu trò đều tan biến đi đâu sạch. Đầu óc cứ mụ mị rối như bòng bong. Nước mắt của con gái thật là lợi hại.

 Nỗi đau chưa dừng lại ở đó. Hai tiết cuối còn bi thảm hơn. Thầy chủ nhiệm nhìn thấy sự khác biệt và nổi bật của tôi ngay, lên tiếng hỏi han trước:

-Gì mà kín mít vậy Tín, trời đâu có lạnh lắm đâu?

-Ơ……dạ.

-Nó bị mệt đó Thầy ơi!-Thằng Kiên cận cứu tôi.

-Học hành cũng giữ gìn sức khoẻ nha mấy đứa.

 Thầy quay qua Dung, cô học trò bàn đầu luôn nghiêm túc, giờ khuôn mặt nhợt nhạt đi.

-Dung sao vậy, mệt hả em?

-Dạ..không thầy?

-Hai đứa mệt cùng lúc à?-Thầy tôi pha trò cho không khí lớp thêm vui.

  Một số đứa khẽ cười nhìn hai đứa tôi, còn đám nhà lá thì im ru. Thầy chủ nhiệm nào biết rằng, Thầy vừa vô tình khơi lại nỗi đau hồi sáng của Dung cơ chứ. Chắc Dung đang tự trách mình vô tình biến tôi thành một kẻ lập dị trong lớp học, bị bạn bè trêu chọc vì khoác lên mình cái khăn lên xấu xí. Thỉnh thoảng Dung quay xuống nhìn tôi, “ thẩm định” giá trị hình thức bên ngoài, rồi rất nhanh quay lên, tránh đối mặt với tôi.

CHAP 26:  BẠN BÈ.

 Chuyện cái khăn len cũng tạm thời giải quyết ổn thoả vào hôm sau. Hôm ấy chẳng hiểu thằng nào bày trò, cả hội xóm nhà lá chúng tôi, người người quấn khăn len, nhà nhà quấn khăn len. Đến cả thằng Kiên cận nó còn mua một cặp khăn cho nó và Trang. Kín đáo hơn, Vũ và Nguyệt không mua trùng màu, nhưng về kiểu dáng thì giống nhau như đúc.

 Trong đám đó, dĩ nhiên vẫn có tôi, một phần vì thấy chiếc khăn len Dung đan rất đẹp, hợp với mình thì mình mang. Với lại, đây cũng là một cách minh chứng cho Dung thấy, dù thế nào thì tôi chẳng bao giờ để ý đến những ý kiến trái chiều này nọ. Xung quanh tôi, bọn bạn mang khăn len hết như để hưởng ứng phong trào lập dị, coi như một lời chính thức xin lỗi Dung vụ hôm qua.

-Ơ thằng Phong mày..?

-Thằng Hà nữa?

-Còn mày nữa hả Vũ…?

 Sáng sớm ra tôi đã bất ngờ khi Nguyệt và Nhân đen cũng cùng mốt thời trang như tôi đã đành, thế mà giờ đây, đám bạn tôi thằng nào thằng nấy cũng như bản sao của nhau. Trông ấm ấp đầy tình anh em chiến hữu vô cùng. Mặc dù phong trào chê bai của lớp tôi vẫn còn, nhưng chí ít nó cũng bớt phần gay gắt và không còn soi mói liên tục như trước.

 Dung nhìn thấy cảnh tượng đấy thì cũng vui vẻ ra mặt lắm. Nàng giở cuốn sách mà tủm tỉm cười một mình. Tôi đi ngang qua Dung:

-Thấy chưa? Chưa gì đã nước mắt ngắn dài!

 Dung quay đi tránh ánh mắt của tôi, đôi vai thon khẽ rung lên. Chắc là lại cười xấu hổ rồi chứ gì? Tôi không truy bức nữa, đi ngang qua vỗ vai thằng Hoàng:

-Mày để tao lau bảng cho, múc nước đi!

-Ơ, tao nghe nhầm à…!

-Nhầm cái đầu mày, đá đít giờ, nhanh lên.

 Thằng bạn tôi tất nhiên là nhanh rồi, có người làm phụ nó mừng rơn, xách thau ra múc nước. Lau xong cái bảng, tôi đến chỗ thằng Bình Boong:

-Cái bàn này tao nhấc lên, mày quét cho sạch nhé!

 Nó ngơ ngác nhìn tôi như sinh vật lạ. Chẳng hiểu sao bình thường khi bạn bè có “nạn lâm đầu” như thế này, tôi thường ngồi cuối lớp mà bình phẩm. Chẳng hiểu sao hôm nay lại trở trời tốt tính một cách đột xuất như vậy.

 Cái lí do thì không cần nói ai cũng hiểu. Làm cho Dung trở lại như bình thường là công lao to lớn của lũ bạn. Coi như có ơn thì trả, chứ tôi nào có tốt bụng như vậy bao giờ.

 Coi như công đoạn vận động hành lang đã xong, giờ tới phiên điều trần của tôi với Dung trong giờ ra chơi, tất nhiên vẫn là chiếc ghế đá cũ. Chẳng hiểu sao chiếc ghế đá ấy nó lại bị mấy học sinh khác bỏ rơi như vậy, nên trở thành nơi riêng của tôi và Nàng.

-Thấy chưa, đã bảo tụi nó giỡn thôi mà!

-Biết rồi mà, tại Dung….!

-Tại Dung khóc nên trong lớp bao nhiêu đứa thù Tín đấy nhé!

-Xin lỗi mà, biết lỗi rồi đó.

-Vâng, lần này tôi tha, lần sau thì biết….

-Biết gì…?-Dung nheo mắt đầy hăm doạ.

-Biết tôi dỗ như thế nào chứ sao?

 Dung nhìn tôi và cười. Đôi khi đứng trước những cô gái, bạn phải giả bộ hiền lành và sợ sệt một chút. Đó không phải là nhụt chí khí nam nhi, mà là để đổi lấy những nụ cười trong trẻo, dù đối phương biết bạn chỉ là đùa giỡn.

-Tín..?-Dung lại đổi tông đột ngột.

-Hử.?

 Tôi lo sốt vó, lâu dần thành quen. Cứ hôm nào mà Dung đổi giọng đột ngột, từ “Thiên thần” sang “Ác quỷ” thì đúng như là có chuyện hệ trọng dành cho tôi.

-Trả lời thật nhé?-Cái giọng kiên định kiêm mùi đe doạ.

-Vâng, em hứa với chị, em luôn thật thà..!

-Không giỡn, hỏi thật, chiếc khăn…xấu lắm phải không?

 Hoá ra là Dung vẫn còn chút mặc cảm do vụ hôm qua thằng Phong Mập lỡ miệng chê khăn xấu. Thế nên việc tôi vẫn quấn chiếc khăn này thì Dung cho là sự động viên cho Nàng thôi.

-Ờ, thì công bằng mà nói…!

-Sao, nói nhanh lên.!

-Xấu…!-Tôi thản nhiên, tỉnh rụi phát ngôn.

-Á, á…!

 Tiếng la thảm thiết vang thấu trời xanh. Chẳng hiểu yêu cầu nói thật lòng mà Dung véo tôi tới tấp, véo như chưa bao giờ được véo vậy. Tôi ôm tay mà xuýt xoa. Qua một lớp áo sơ mi và thêm một lớp áo khác nữa mà vẫn đau thấu xương.

-Xấu sao còn đeo?

-Chưa nói hết mà..!

 Dung khoanh hai tay trước ngực, nhìn tôi chờ câu tiếp theo.

-Chiếc khăn thì đẹp, chỉ có người đan khăn là…

-Là xấu chứ gì?-Dung lại sấn tới, vẻ hùng hổ lắm.

-Không, không…trên cả đẹp ấy chứ

-Thế có phải đỡ đáng ghét hay không.

 Tôi thở phào, nhẹ nhõm. Đúng là sắc đẹp của một người phụ nữ là báu vật của chính họ. Vì thế bạn có thể phóng đại cho nó trở nên hoàn hảo, dù biết là nịnh thì người ta vẫn vui vẻ dù không thể hiện ra mặt. Còn nếu mà đụng chạm vào nó một cách chân thực thì hãy coi chừng.

 -Tín, Tín, nhanh, nhanh!

-Gì vậy mày?

 Tôi và Dung nhìn thằng Bình Boong thở dốc, vuốt ngực lia lịa, thảy chiếc áo khoác nó cho tôi cầm.

-Cầm dùm tao xíu, tí tao vô lớp lấy lại.

 Nó đến cũng bất ngờ mà đi cũng không dấu vết. Chẳng hiểu thằng này làm cái gì mà nó chui tọt ra sau lớp tôi. Chẳng lẽ là đi dạo ngắm cảnh à.

 Tôi khoác chiếc áo của nó vào người, trời lạnh mà có hai áo khoác ấm cúng thì còn gì bằng. Rồi quay sang Dung, hai đứa nói chuyện phiếm. Chưa được hai phút thì có ai vỗ vai tôi. Tôi hất cái tay, rồi vẫn say sưa nói chuyện với Dung. Còn Nàng thì chăm chú nhìn ra phía sau tôi. Nghi có điềm chẳng lành, tôi quay mặt lại.

 Trước mặt tôi là một cô bé, chắc là lớp mười, vì khuôn mặt lẫn ngoại hình cho tôi khả năng đánh giá độ tuổi. Nhưng lạ một cái là, tôi và cô bé ấy không quen không biết mà nó nhìn tôi như ăn tươi nuốt sống vậy.

-Chuyện gì vậy em?-Tôi hơi xị mặt vì vị khách hơi khiếm nhã này.

-Anh gây chuyện với tôi còn giả bộ hỏi?

 Tôi ngơ ngác, chẳng hiểu tôi gây với cô bé ấy lúc nào. Dung còn nhìn tôi với ánh mắt không thể tha thứ. Chẳng hiểu sáng nay lạnh quá, con bé này có hoang tưởng hay nhìn lầm tôi với ai không.

-Anh gây lúc nào?

-Anh vừa đi qua lớp tôi chọc tôi còn chối hả?

-Ơ, lúc nào?-Tôi vẫn ngơ ngác.

-Anh giả bộ khéo nhỉ, cái áo khoác màu xanh này thì lẫn đi đâu.

-Cái áo này là của bạn anh mà!-Tôi ngờ ngợ hiểu cái hối hả của thằng bạn.

-Có chuyện gì vậy em?-Dung ngọt ngào lên tiếng.

 Theo lời miêu tả của con bé đó, thì thằng Bình lớp tôi đi ngang qua lớp nó, vô tình chiêm ngưỡng được dung nhan sắc đẹp của cô bé này thì thốt ra một câu liều hơn cả chữ liều:

-Xấu hoắc!

 Thêm nữa, nó chê nhan sắc đã là một cái tội, tội nó còn chọc đúng “chằn tinh”. Cô bé này không vừa, rượt theo nó định la một trận. Thằng bạn tôi chạy bán sống bán chết, mưu trí quẳng cái áo khoác, thứ dễ bị nhận diện cho tôi. Nó quá mưu trí hoặc do trùng hợp, khi mà chiều cao tôi và nó gần như xêm xêm nhau.

-Cái áo khoác đó của anh chứ của ai, tôi không nhìn nhầm!-Con bé quả quyết như nhìn thấy mặt thằng chủ nhân khốn nạn vậy.

-Không có nhé, anh ngồi ở đây với chị này suốt từ đầu tới giờ, em không tin hỏi chị đi.

 Tôi hơi ớn cái sự đanh đá của học sinh khoá dưới nên đẩy qua cho Dung. Gì chứ nhân chứng sờ sờ ở đây thì con bé này sẽ sớm vòng tay xin lỗi bậc đàn anh đàng hoàng nhân cách này cho xem.

-Anh ấy mới chạy đâu về rồi ngồi nói chuyện với chị!

 Phũ phàng quá mức, tôi ngoạc miệng ra mà há hốc nhìn Dung. Dung phớt lờ coi như không thấy, thản nhiên đến mức thật thà đáng tin. Con bé khoá dưới bắt đầu cũng ngoác miệng ra chửi tôi:

-Bỉ ổi, con trai dám làm không dám chịu.

-Anh là gì mà có quyền chê người khác.

-Anh xem lại tư cách của anh, xem có xứng đáng học sinh 12 hay không?

 Con bé ấy cứ một mực khẳng định tôi là thủ phạm. Chửi tôi xối xả, nào là bại hoại, vớ vẩn, ăn không rảnh chuyện. Tôi cứ khoanh tay lên che mặt. Một là tránh những ngôn từ được phun châu nhả ngọc từ cô bé khoá dưới, hai là đề phòng phụ nữ lên cơn, đưa tay tát bạt tai tôi chứ chẳng giỡn.

-Tôi tha cho anh đấy, còn lần sau thì liệu hồn!

 Con bé ấy chốt một câu chắc nịch đầy màu khủng bố, nhìn tôi như một kẻ rộng lượng vừa bao dung cho một tên bại hoại học đường. Tôi mặt mày te tua, nhìn Dung cười ngặt nghẽo.

-Gì mà…..?

-Trả thù vụ lúc nãy!

 Dung tiếp tục ôm bụng cười, còn tôi tức khí đi thẳng vào lớp. Mặt hầm hầm, hứa bao nhiêu nhục nhã sẽ trả cho thằng bạn gấp chục lần.

-Ê, Tín, trả tao cái áo!-Bình boong nhanh nhảu đón đường.

-Bụp, bộp bộp.

 Tôi đám thằng bạn vào vai, rồi gập lưng nó xuống mà tha hồ nện xuống. Miệng thì kêu gào hơn cả loa phóng thanh:

-Đi chọc gái rồi giá hoạ cho tao nè!

-Bại hoại, mất tư cách này!

 Thằng bạn như hiểu chuyện gì xảy ra, đưa hai tay ôm đầu, miệng thảm thiết:

-Dạ…em sai rồi, đừng đánh nữa?

 Thằng bạn càng van xin, thì bao nhiêu nỗi sỉ nhục lại trào dâng lên trong tôi. Tôi mời thêm viện binh:

-Lại đánh thằng Bình dùm tao!

 Bọn bạn tất nhiên thừa nước đục thả câu, thằng thì vứt cả dép, thằng thì bay qua bàn, sách vở bay tứ tung, lao vào mà giã, véo, giật tóc thằng bạn. Cảnh tượng thảm sát kinh hoàng dừng lại khi đầu tóc nó xù như tổ quạ, quần áo xộc xệch, vạt áo cái thì trong thùng, cái văng ra ngoài.

-Đây, áo của mày!

-Đánh đau thí mồ luôn!-Nó xoa xoa cái lưng.

-Không đau sao mày nhớ!

-Nhớ cái gì, tao chọc có một câu.

-Mày dốt lắm, sắc đẹp phụ nữ không nên đụng chạm, trên đầu chữ Sắc có chữ dao nghe chưa?

 Tôi truyền đạt lại kinh nghiệm cho thằng bạn. Rồi ôm vai bá cổ nó dặn dò:

-Mày nhớ, lần sau nhìn đứa nào mặt hiền hiền mà chọc, chọc ngay ổ kiến lửa.

-Tao biết sao được!

-Mà nhớ, lần sau kiếm thằng nào mà chơi khăm, chơi tao lần nữa tao đá nát đít mày.

 Chưa nói xong với thằng bạn, Dung đi lướt qua tôi. Vẫn còn chút ít sự vui sướng khi chơi cho tôi một vố đau điếng. Xét về công về tội, Dung đổi trắng thay đen còn đánh đánh hơn thằng Bình gấp trăm lần. Nhưng tội tình chỉ một mình tôi tính sổ, chứ không thể nào bảo cả lũ bạn xông vào mà giã gạo như lúc nãy được.

 Không nên đánh phụ nữ bởi một nhành hoa mà!

 Tôi đi ngang qua hừ mắt Nàng vẻ tức tối, giơ nắm đấm lên dứ dứ Nàng. Dung vẫn thản nhiên cười, còn mấy đứa con gái trong lớp thì nhìn tôi:

-Con trai mà bất lịch sự!

CHAP 27: THÁNG MƯỜI.

   Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Đó là câu dành cho những con người có duyên với nhau, thì sớm hay muộn sẽ có lúc được gặp nhau. Nhưng trong trường hợp của tôi thì cái duyên này có lẽ xin nhường cho người khác.

 Sáng thứ hai đầu tuần sau, như thường lệ là sinh hoạt đầu giờ rồi sau đó mới ra ngoài chào cờ. Bình thường giờ này tôi vốn ồn ào lắm, thế mà bây giờ im bặt. Cái “duyên” thằng Bình Boong mang tới đứng ngay ở cửa sổ với cái băng tay “cờ đỏ” đỏ loét đỏ lè, nhìn tôi thù hằn.

 -Anh kia, đeo bảng tên vào, tôi nhắc một lần thôi nhé!

 Tôi nhìn xuống, cái bảng tên trường quên chưa đeo vì lúc sáng đi vội vã cho kịp xe bus. Chỉ có cái là có vẻ thù oán quá dai dẳng nên con bé ấy hết sức nghiêm khắc với cá nhân tôi. Cả lớp đang im ắng, trừ xóm nhà lá của thôi, thế mà nó cũng to giọng nhắc nhở được.

 Thằng Bình Boong thấy oan gia kiếm nợ thì rụt đầu như rùa, ngồi im thin thít không dám gây sự chú ý. Chỉ cần nó mà nhúc nhích, hình bóng của nó sẽ được lưu vào bộ nhớ, rồi đối chiếu với dữ liệu “ hình bóng thằng đi chọc gái” hôm qua, thể nào nó cũng tan tành xác pháo cho mà coi.

-Anh kia, lần sau may bảng tên vào nha, không có chuyện dùng băng keo hai mặt dán thế kia đâu!

 Cô bé nhắc nhở lần cuối trước khi ngoe nguẩy đi về. Phải nói là con bé này mắt quá thể là tinh tường, tôi đã khéo léo đến thế mà nó liếc qua cái cũng biết.

-Mày làm gì con bé đó mà nó thù mày ghê thế!

-Tán gái giờ gái đòi nợ!

-Này thì hái hoa, này thì vùi ngọc này!

 Đám bạn cũng nhận thấy ra mối quan hệ bất thường giữa tôi và cô bé cờ đỏ. Còn tôi liếc nhìn thằng Bình tính đánh cho nó trận nữa, thì chẳng hiểu từ lúc nào nó đã tót ra ngoài mất tiêu, tránh mặt.

 Đời học sinh, mà đặc biệt là là học sinh hơi nghịch thì giờ sinh hoạt lớp luôn luôn là giờ “sống trong sợ hãi”. Bởi thế mặt thằng nào thằng đấy có vẻ hồi hộp như đón tết. Thằng Hải thì vẻ mặt tỉnh bơ, nhìn đám bọn tôi ra chiều đe doạ lắm.

-Tuần vừa qua có gì không Hải!

-Dạ thưa Thầy, không có gì ạ? Chỉ có Bạn Hoàng là không học bài môn Văn thôi ạ!

-Hoàng học hành sao vậy em?

-Dạ, thưa Thầy, em…quên học bài!

 Chúng tôi ngồi dưới ôm bụng cười ngặt nghẽo. Cái thằng bạn tôi thì mặt cứ đần ra mà tức tối.

-Các em chú ý, năm nay mười hai rồi, học hành cho đàng hoàng tử tế. Các em thi khối nào Thầy không biết, nhưng nên nhớ để thi được đại học thì phải qua kỳ thi tốt nghiệp đã.

 Thầy tôi vốn trầm tính, nhưng nói câu nào thì câu nó chí lí đến tận tâm can. Chúng tôi nào dám ngoác miệng ra cười nữa, còn thằng Hoàng thì án phạt của nó là điều không tránh khỏi, hai ngày trực nhật lớp.

-Tao xui quá, xui như chưa bao giờ được xui!-Thằng bạn chống lưng vào ban công, làu bàu.

-Học hành cho đàng hoàng, không phải lúc nào tao cũng dặn dò mày được đâu nhé!-Tôi hắng giọng, giả vờ làm bậc tiền bối của nó.

-Vâng, tôi sợ anh, anh thì yêu đương cho lắm, coi chừng cắm đầu đứng bét lớp thì tan xác với hai Bác ở nhà!

-Ơ, cái…..!

 Thằng Hoàng cười hềnh hệch vì nó vừa đâm vào tim đen của tôi. Nó thừa biết rằng, mặc dù tình cảm học trò tôi “phong phú” theo nhận xét của Nguyệt, tôi chưa bao giờ bỏ bê việc học. Dù luôn tỏ vẻ ham chơi, thích lông bông, nhưng ít nhất cái gì cần thiết là tôi lại nhào đầu vào mài dùi kinh sử.

-Mà mày tính sao với Dung với Yên đấy?

-Tính sao là tính sao?

-Ơ, cái thằng, lúc mày ngả bên này, lúc mày nghiêng bên kia!

-Cái đó là nghiêng nước nghiêng thành đó!

-Mày cứ tỉnh rụi thế, con trai kiên quyết lên chứ, cứ như thằng luỵ tình ấy!

 Tôi trầm ngâm một chút, chẳng nói gì cả. Thằng Hoàng chơi với tôi từ bé, thế nên tích cách và suy nghĩ của tôi nhiều khi nó rõ mồn một. Trước giờ, tôi là kẻ coi trọng tình cảm, ai tốt với mình thì mình tốt lại. Thế nên cái vòng luẩn quẩn Ngữ Yên-Dung, Dung- Ngữ Yên là như thế. Hai cô Nàng đều tốt với tôi, thì tôi cũng chẳng thể dứt khoát được. Sợ rằng một trong hai sẽ bị tổn thương. Hiện giờ Dung và Ngữ Yên tôi đều gặp thường xuyên. Học thêm cả Toán lẫn Hoá, cả tuần có lẽ trừ ngày chủ nhật là được nghĩ, thế nên việc phân xử càng ngày càng khó. Hiển nhiên tôi biết, với tôi Dung vẫn là người quan trọng nhất, nhưng nếu nói là toàn bộ thì có lẽ đó là lời nói dối không hơn không kém.

-Hay nhường tao một cô?-Thằng Hoàng ra giọng bông đùa!

-Mày bản lĩnh thì tao không cản, còn nhường thì không!

 Hai thằng đang tán chuyện phiếm vui vẻ, cái duyên của thằng Bình Boong gây hấn đi qua:

-Xem lại tác phong, đóng thùng cho đàng hoàng anh kia!

 Cái giọng nghiêm khắc kiêm lẫn mùi “dấm” khiến tôi và thằng Hoàng mất cả nhã hứng. Hai thằng nhìn cô bé cờ đỏ khoá dưới đi ngang qua với tất cả sự thành kính. Bất chợt tôi nảy ra ý định:

-E hèm, bé gì ơi?

-Tôi có tên, không phải tên gì!-Cô bé ấy đáp lại.

-Anh chưa biết tên nên gọi thế, cho anh hỏi tí được không?

 Thằng Hoàng ngơ ngác nhìn tôi, tôi đấm lưng nó ra hiệu im lặng. Cô bé cờ đỏ khoá dưới tiến lại nhìn hai bậc đàn anh khoá trên không chút kiêng dè. Phải nói là lần đầu tiên tôi được nhìn cô bé ấy gần đến thế. Hôm trước có lẽ không tính vì lúc đó tôi mải miết dùng tay che mặt, đồng thời cũng chẳng dám nhìn thẳng vào mặt cô bé này. Phảng phất chút gì đó về ngoại hình giống Nguyệt. Chiếc cằm chẻ dễ thương, đôi mắt to được giấu sau lớp kính, tóc đuôi gà cột cao trông có vẻ hợp với sự phá cách ngang tàng. Có hình bóng chị Xuyến phảng phát sau “cái duyên” của thằng Bình Boong.

-Em tên gì?

-Anh nói tên trước đi!-Trả treo đến thế là cùng!

-Anh tên Tín, còn đây là anh Hoàng!-Tôi ra dáng đàn anh, dùng thái độ điềm đạm nói chuyện.

 Cô bé khẽ gật đầu thay cho lời chào, rồi ngúng ngẩy cái tóc đuôi gà đằng sau:

-Em tên Thuỳ, anh gọi em có chuyện gì?

-À, chuyện hôm trước….!

-Anh tính xin lỗi thì em không cần nhé!

 Cái tính đối đáp này thì có lẽ ngoài chị Xuyến, không có người thứ hai nữa. Nếu mà bà nữ tặc không vào Sài Gòn học đại học, thì có lẽ phải kết bái chị em với cô bé này mất.

-Không, hôm bữa em dựa vào đâu mà kêu anh chọc em!

-Cái áo khoác xanh đó!-Thuỳ quả quyết.

-Thế cái áo khoác đó không phải của anh thì sao?

-Bữa đó anh mặc còn chối nữa sao?-Có vẻ không chịu thay đổi định kiến về tôi đây mà.

 Tôi chỉ tay vào lớp, đúng vào thằng Bình boong đang chăm chỉ học bài trong giờ ra chơi:

-Thế có phải cái áo đó không?

-……..!-Cô bé có vẻ phân vân, bán tín bán nghi.

-Bữa đó nó quẳng cho anh đấy, giờ em tin anh vô tội chưa.

-Thế lỡ anh khoác áo bạn rồi đi làm bậy, rồi giá hoạ cho bạn thì sao!

 Thằng Hoàng ngao ngán lắc đầu,” làm bậy”? Tôi kiên nhẫn hơn, bởi vì trước mặt không phải là một học sinh nữ, mà bởi vì đã lâu lắm rồi, tôi chưa gặp lại cách nói chuyện ngang tàng khí phách này.

-Trời lạnh bạn anh có cho mượn áo không? Không tin em chờ anh xíu, phiền dời gót ngọc ra đứng đây.

 Tôi kéo cô bé khuất vào bức tường, để thằng Bình boong không nhìn thấy nạn nhân của nó. Yên chí bày bố xong xuôi, tôi cất giọng gọi hung thủ ra đối chất:

-Bình, ra đây tao với Thằng Hoàng nói cái này!

 Thằng bạn nhăn mặt, gấp cuốn sách đứng dậy và đi ra ngoài. Bất chợt nó trông thấy Thuỳ, nạn nhân của nó tuần trước thì mặt cứ tái mét đi. Còn tôi và thằng Hoàng thì cười ngặt nghẽo:

-Đấy, cái gì mày gây ra thì tự tìm cách mà giải quyết nhé!

 Tôi và thằng Hoàng đi vào lớp, ngang qua Thuỳ, cô bé nhìn tôi, hình như nhận ra ai đúng ai sai, ánh mắt có vẻ bối rối.

-Thuỳ có gì giải quyết với bạn anh nhé, nó tên Bình, em gọi nó là Bình Boong cũng được.

 Hai thằng tôi vào lớp, ngó đầu ra cửa sổ xem kịch hay. Thuỳ với Bình Boong đang đối chất, và tất nhiên thằng Bình đang đuối lí hoàn toàn. Cái mặt nó thảm hại, ra vẻ hối lỗi lắm. Kết thúc cuộc nói chuyện, thằng bạn tôi chán nản trở về chỗ, nằm vật ra cái bàn học.

-Vui không?-Tôi vỗ vai nó.

-Thằng bán…..!

-Ế, thằng nào bán trước đấy!

 Nó đuối lí lại nằm vật ra bàn, vẻ thê thảm như vừa trải qua một biến cố lớn vậy.

-Con bé Thuỳ nói gì mà mày thảm hại thế?

-Thì chửi tao té tát, lớn rồi không biết đàng hoàng!

-Gì nữa?

-Rồi một tràng điếu văn, thêm vào một điều kiện.-Nó não nề.

-Thế điều kiện gì?

-Nó bảo phải làm cho nó một chuyện!

-Không thì sao?

-Thì nó sẽ chấm lớp mình thật gắt, với lại tao chọc nó, nó coi như đền bù.

 Tôi trố mắt nhìn thằng bạn nói. Quả thật rất giống, nó giống như bà chị nữ tặc vậy. Từ ngôn từ, cách giao kèo, khẩu khí.. thay vào đó thằng Bình là người bị cướp chứ không phải tôi.

 Bất chợt tôi nhớ đến chị Xuyến. Có lẽ giờ này cũng như chúng tôi, đang hối hả lên giảng đường, giữa xung quanh bao bạn bè mới. Có lẽ sẽ có nhiều vệ tinh theo đuôi lắm đây.

-Thằng bán bạn, về chỗ đi, vào học rồi!

-À…ờ, tiễn vong thằng bạn!-Tôi vỗ vai nó lần cuối.

 Tôi trở về chỗ trong nét mặt trầm ngâm. Tôi lại nhớ thêm một người nữa. Đã lâu lắm rồi, việc học hành, vui chơi, rồi bao nhiêu chuyện xung quanh Dung và Ngữ Yên làm tôi có phần lãng quên đi bà chị này. Người mà tôi có thể chia sẻ, người mà khi tôi đối diện, không bao giờ cho tôi cái cảm giác ngại ngùng. Người mà mỗi khi tôi u uất tâm sự đều có thể giãi bày. Mừng vì giờ đây, chị đạt được ước mơ theo học đại học mình yêu thích. Còn cá nhân tôi, có chút ích kỷ, khi mất đi một người vừa là bạn, vừa là chị, mất đi một người tâm giao.

 Thời gian trôi đi nhanh thật. Từ ngày tôi gặp chị,tôi còn là một học sinh khoá dưới, còn lông bông, vô tư nhiều khi đến không có ý tứ. Thấm thoắt đến giờ tôi đã thế vai chị Xuyến trở thành học sinh đàn anh trong trường, và cũng sắp nối bước theo chị đối mặt với những kì thi. Thời gian trôi qua nhanh thật, đôi khi nghĩ lại, nó quá ngắn ngủi.

 Có vẻ như việc thằng Bình cam bái hạ phong, cộng thêm chút trách nhầm người có nhân cách là tôi, nên thái độ của bé Thuỳ cũng khác đi rất nhiều. Vẻ dịu dàng trở lại lên khuôn mặt. Và có chút bối rối đối với tôi. Thằng Bình cả tuần đấy, giờ sinh hoạt lớp có lẽ là chẳng bao giờ dám nhìn ra cửa sổ. Giữ đúng lời hứa, bé Thuỳ chấm điểm công tâm. Tuần đó lớp chúng tôi xuất sắc cán đích ở vị trí thứ nhất. Lần đầu tiên cho năm cuối cấp.

 Thấm thoát, tháng Chín khai trường cũng ồn ào với bao niềm vui đi qua nhanh chóng. Cái tháng hồn nhiên và đẹp đẽ ấy nhanh chóng sắp kết thúc, chuẩn bị nhường chỗ cho tháng mười. Tháng cao điểm của những đợt thi giữa kì, của những bài kiểm tra. Và tất nhiên, là tháng của Phụ nữ Việt Nam 20-10. Chính bởi điều đó, thằng Hà mới lôi tôi ra một góc bàn chuyện:

-Gì mày, nói nhanh tao còn làm bài Lý nữa?

-Chuyện gấp, giải đề thi thì lúc khác cũng được.

 Tôi cầm cái bánh mì nhai ngồm ngoàm, nhìn thằng bạn chờ nó nói cao kiến.

-Mày tính 20-10 làm gì?

-Còn lâu mà, mày lo gì sớm!

-Sớm gì nữa, tính giờ là vừa!

-Thì cứ như năm ngoái đi!

-Chán lắm!

-…..?-Tôi chưa thực sự quan tâm, cố ăn hết ổ mì.

-Thế mày muốn tao với mày là thằng ăn không ngồi rồi mà núp sau Dung à?

 Thằng bạn đúng là biết chọc đúng chỗ” ngứa”. Bệnh tự ái, tinh thần tự trọng, chí khí nam nhi tôi đồng thời bùng phát, cao ngất trời.

-Thế mày tính sao?

-Thì tao mới bàn với mày nè!

-Ờ, tao nghĩ không nên cho Dung đụng tay vào-Tôi quả quyết.

-Cái đó tuỳ mày…còn nội dung thì sao?

 Hai thằng bàn qua tán lại một hồi, thì thào to nhỏ với nhau, rồi cùng nhoẻn miệng cười nắc nẻ. Kế hoạch đã được thông qua, giờ là lúc bước tới vận động hành lang. Tháng mười là tháng Phụ Nữ thì cũng là tháng cho chúng tôi thể hiện chí khi nam nhi.

CHAP 28: CÂU CHUYỆN CỦA THẦY I

 Kế hoạch tôi và thằng Hà hí hứng vạch ra, phần nhiều đều là vì tình cảm dành cho các bạn nữ trong lớp. Riêng cá nhân tôi, còn không biết thằng Hà nghĩ sao, tôi cảm thấy đây là cơ hội cho tôi chứng minh năng lực, chứ không phải chỉ là một Uỷ viên được anh em vận động hành lang cử lên, với một mục đích cài tay trong vào nội bộ ban cán sự.

 Hai thằng xì xào một hồi lâu, đi đến quyết định nhanh chóng bắt tay vào kế hoạch. 20-10 thì chỉ còn đúng hơn hai tuần, bao nhiêu việc phải lo, bao nhiêu bài vở phải ôn thi, bởi thế thời gian đấy là thích hợp, đồng thời chuẩn bị kĩ càng công phu.

 Dung bị gạt ra ngoài vòng chiến cùng với hai lớp phó, bốn tổ trưởng. Chẳng hiểu lớp tôi con trai làm sao mà ngoài tôi thằng Hà, thằng Hải thì hầu như chẳng có đứa nào ngoi lên được nắm quyền hành cả. Một phần vì nữ lớp tôi” đàn áp” quá tốt, một phần vì :

-Thôi, mày đi làm một mình đi!

-Thôi, gương mẫu tao không hợp!

 Bởi thế dù muốn dù không, tôi và thằng Hà cũng phải gặp thằng Hải vào lúc lớp tan học.

-Thế kế hoạch mấy bạn ra sao?

 Hiển nhiên thằng Hải là lớp trưởng, là cánh chim đầu đàn của lớp. Bởi thế dù muốn dù không, cũng phải bỏ qua tư thù cá nhân mà bắt tay hợp tác. Thù oán có cơ hội phải trả, nhưng để chị em phụ nữ cười vào đám con trai thì quả thật là nhục nhã lắm.

-Sao không làm như năm ngoái, cũng hay mà?

-Thôi, năm ngoái làm rồi, năm nay làm theo như vậy, nhàm lắm!

-Ờ, cũng được, vậy bây giờ chuyện giữ kín và truyền miệng cho từng người đúng không!-Nó tỏ ra là người cũng biết hợp tác đấy chứ.

 Ba thằng tôi vạch ra danh sách đen, nghiêm cấm tiết lộ nội dung chương trình. Sau đó tiếp tục vạch ra phương án thực thi:

-Giờ chuẩn bị món quà!

-Rồi, cái này ổn thôi!

-Sau đó hình thức tặng như năm ngoái!

-Ơ, thế vừa nãy bảo….!-thằng Hải phản ứng ngay.

- Không, các món quà này là giống nhau, đồng thời, không ai tặng riêng, mà sẽ xếp món quà ngay giữa. Đến tên ai thì nhận. Chỉ có thiệp là chuẩn bị riêng thôi.

 Thằng Hải dần hiểu ra vấn đề của tôi và thằng Hà muốn thực hiện. Hai chúng tôi muốn có một món quà chỉ có riêng con gái lớp tôi mới có, và khi nó đã thành đặc trưng, một nét riêng biệt thì đi đâu, chỉ cần con trai lớp khác có ý định nhìn vào là biết bạn gái mà chúng nó đang tăm tia học lớp nào ngay thôi.

-Rồi, còn gì nữa không?

-Năm ngoái chỉ có tặng và chúc, thì năm nay đã có thiệp, vì thế thay câu chúc bằng một cái gì đặc sắc hơn đi, cái này tạm thời chưa nghĩ ra!

 Tôi vẽ dấu hỏi, rồi dùng bút bi tô vòng tròn xung quanh, thể hiện sự bí ý tưởng của mình. Thằng Hà trầm ngâm rồi vỗ tay cái đét:

-Chẳng phải thằng Bình đàn hay sao?

-Chẳng lẽ chỉ kêu nó đàn?-Thằng Hải đối đáp lại.

-Không, nó đàn và anh em mình phụ hoạ!

-Hát đúng không, trời ơi, cái thằng này mà thông minh dữ ta! Tôi cầm bút điền vào cạnh dấu hỏi chữ Hát.

 Nhưng Hát cũng có năm ba loại hát, đơn ca, song ca, tam ca, rồi tăng theo cấp số cộng sẽ có đồng ca, hoặc thảm hại là loạn ca. Tránh mất thời gian, chú trọng ngắn gọn xúc tích, ba thằng tôi quyết định:

-Cho các bạn nam nào muốn Hát thì đăng kí trước!

 Hiển nhiên, với việc được đứng trên công chúng mà hát là một điều không mấy ai dũng cảm làm được, bởi thế tôi tin là số lượng này rất ít. Ngoài ra, một bài do con trai lớp thực hiện, và một ca khúc do cả lớp cùng đồng thanh. Sẽ dành tặng “mắt cười” cho các chị em đáng yêu trong lớp, và “sát cánh bên nhau” sẽ là ca khúc bế mạc.

 -Xong nhé, vậy chia công việc ra, Hải thông báo từng anh em, kín tiếng!

-Ok!

-Hà in lời ca khúc đưa cho mọi người!-Thằng Hà gật đầu nhận nhiệm vụ.

-Còn mày thì nhớ nhắc thằng Bình mang đàn và tập dợt, khảo sát rồi thu thập xem món quà nào hợp lý.

-Rồi, vậy là xong, còn hơn nửa tháng cho chúng ta chạy chương trình!

-Khoan đã!-Thằng Hải cắt ngang lời tôi.

-……..?

-Thế còn Cô!

-Thì bữa đó có hai môn là Cô Giáo dạy, đã nói là trích tiền mua hoa rồi còn gì?

-Không ý nói là Vợ của Thầy ấy!

 Tôi và thằng Hà ngơ ngác nhìn nhau. Cả hai đứa cũng quên đi mất người không nên quên này. Có vẻ về tính chu đáo và cầu toàn, hai chúng tôi không bằng thằng Hải. Và tôi cũng cảm phục Thầy tôi về việc chọn mặt gửi vàng trong thời gian qua.

-Vậy thì thêm một món quà cho Cô nữa!

-Món quà là gì?

……..!

 Ba thằng con trai bí nước, xét về kinh nghiệm tặng quà cho bạn bè xấp xỉ tuổi thì phong phú lắm. Nhưng thế hệ của Thầy khác xa thế hệ chúng tôi, muốn mua một món quà ưng ý có lẽ là khó. Bởi thế, chuyện này được gác lại, khi nào có ý tưởng sẽ được thông báo thực thi.

 Chiều hôm đó, ngày lẻ, theo lịch học bình thường, tôi đến lớp học thêm Toán. Khi vừa đạp cái chân chống xe thì đã cảm thấy khó xử. Ngữ Yên ngồi một mình lặng lẽ cắm cúi vào bài tập như thường lệ. Dung ngồi trong lớp với mấy bạn nữ đang tán chuyện gì rôm rả lắm. Biết nói chuyện với ai trước đây.

-Đi vào lớp thôi Tín!-Nguyệt nhỏ nhẹ kéo tay áo tôi, tôi ngậm ngùi nhìn Ngữ Yên rồi cất bước vào lớp.

-Gì mà đăm chiêu lắm vậy, già đấy!-Nguyệt đi cạnh tôi khúc khích cười.

-Ờ, không có gì đâu, chỉ là..?

-Đừng nói đang suy nghĩ mua quà gì tặng hai người đó nhé!

 Tôi và Nguyệt đã thân nhau từ bé, nên hầu như hai người nói chuyện rất thoải mái vui vẻ. Chẳng bao giờ có chuyện giấu diếm hay ngại ngùng cả.

-Làm gì có, thì……!

-Thôi, đi vào lớp cất cặp rồi ra ngồi với Yên đi!-Nguyệt lại cười!

-Ơ, sao lại…..!

-Thì Dung có bạn rồi, Tín có dám lại đó không?

 Tôi đưa mắt về phía Dung, quả thật xung quanh toàn là những người ở lớp mà tôi hơi ngán. Hằng bán chanh, Quỳnh tưng tửng, rồi thêm một số cơ man các bà tám chuyện nữa. Theo lời Nguyệt, tôi cất balo rồi đi ra ghế đá trước nhà thầy.

-Làm gì mà chăm chú vậy?-Tôi ngồi xuống cái ghế đá đối diện.

-Đâu có, tại cái bài này khó quá!

-Đâu Tín xem!

 Tôi theo một cách tự nhiên nhất, đi vòng qua chiếc bàn đá tròn, rồi ngồi xuống cạnh Ngữ Yên và đón cái đề ôn thi. Hai đứa ngồi sát nhau, cùng bắt tay giải bài.

-Cái bài cuối cùng ấy!

 Cái bài này là chứng minh theo cách triển khai nhị thức Newton. Toán chứng minh đẳng thức hay bất đằng thức thường khó, lại đi kèm với dạng này  thì càng hóc búa hơn. Hai đứa tôi trầm ngâm suy nghĩ. Thỉnh thoảng tôi viết viết ra hướng làm trên tờ nháp Ngữ Yên vừa đưa, viết lấy viết để, cuối cùng cũng đi vào hướng cụt.

-Dạng này khó quá vậy?-Tôi gãi đầu gãi tai và quên mất luôn mình đang ở đâu.

-Đưa dùm Tín cái máy tính đi Yên!

 Tôi cầm cái máy tính rồi ấn ấn thử xem kết quả ráp ngược, một cách làm liều lĩnh trong toán chứng minh, mong tìm ra con đường hi vọng trong giao lộ tuyệt vọng. Cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy, đáp số vẫn là cái đích quá xa vời.

 Nản chí, tôi thả người dựa vào sau cái ghế đá, quay sang nhìn Ngữ Yên xem cô nàng có hướng giải quyết nào chưa. Nhưng mà cũng tuyệt vọng nốt, từ nãy tới giờ cái tờ nháp của Ngữ Yên chỉ được thêm một hai dòng. Cô bạn ấy đang chống cằm nhìn tôi.

-Gì mà nhìn Tín dữ vậy?-Tôi có chút bối rối.

-Tại Tín say mê quá, cái bộ dạng này Yên chưa thấy bao giờ.

-Say mê mà chưa giải ra nè!

-Thì sẽ giải ra thôi mà.

Anh hùng khó qua ải mỹ nhân, câu nói của Yên như tiếp thêm “do-ping” cho tôi lao vào cắm cúi giải bài tiếp. Nhưng với Toán học, cái quan trọng là bạn phải tìm ra hướng giải quyết, còn cách làm vô bờ bến trong tuyệt vọng của tôi thì chỉ là phí công vô sức.

 Ngữ Yên chống cắm, lần này không nhìn tôi nữa, mà nhìn vào tờ nháp tôi đang giải. Hình như đôi vai tôi chạm vào vai Ngữ Yên, vài cọng tóc đang bị gió đùa giỡn khẽ đậu trên vai tôi mơ màng.

-Cái tính chất của phép cộng đặc trưng nhất là gì hả Tín?

 Hai đứa tôi giật mình quay lại, Thầy chủ nhiệm chẳng biết đã đứng từ sau lúc nào, thầy nhìn hai đứa có vẻ hài lòng lắm.

-Dạ, là phép giao hoán!

-Thế còn Nhân!

 Lần này tôi chẳng kịp trả lời thầy nữa, cắm cúi cầm bút ghi ghi chép chép.

-(X+1) 2n  sẽ bằng  (X+1)n (1+X)n…-Tôi lẩm nhẩm trong miệng.

-Rồi triển khai ra và nhân lại, lấy theo cấp biến thì ta sẽ có kết quả!

 Tôi quay lại nhìn Ngữ Yên mặt hớn hở, cái đáp số trọn vẹn, và điều phải chứng minh là đây rồi. Thầy tôi chẳng hiểu đã đi vào nhà lại từ lúc nào.

-Tín giỏi quá đi!

-Không, do Thầy gợi ý đó, nếu không Tín giải không ra đâu!

  Tính cách tôi vốn ngựa non háu đá, thích nếm trải cảm giác chiến thắng một cách thuyết phục, vì thế Mẹ tôi thường bảo tôi cứng đầu. Nhưng dù có cứng đầu đến đâu, cũng đến tuổi trưởng thành, tôi không mù quáng nhận những gì mình không làm được. Điều đó sẽ sớm con người u mê trên chiến thắng. Dù cho Ngữ Yên khen tôi, thì tôi coi như đó là một lời cảm ơn hoặc động viên thôi.

-Toán học mênh mông mà Tín!

-Ừ, Tín biết rồi..!-giọng tôi buồn vì mình thất bại.

-Dù gì Yên vẫn thấy Tín giỏi mà!

-Tín giải không ra đó Yên-Tôi ngạc nhiên.

-Không giải ra thì có sao, cái Yên thấy Tín giỏi là không bỏ cuộc đó, chứ Yên thì nãy giờ đã đầu hàng lâu rồi.

 Ngữ Yên lại động viên tôi, tôi cũng chẳng có lí do gì để buồn. Coi như mình đã cố gắng hết sức rồi, không được thì rèn luyện thêm, còn đỡ hơn mất thời gian trách trời đất vì sao mình kém cỏi.

 Hai đứa tôi bước vào lớp thì lớp học nhỏ cũng đã bắt đầu những bài tập đầu tiên. Ngữ Yên không muốn ngồi bàn đầu, vì ở đó, hầu như ít ai ngồi. Không phải vì sợ lên bảng mà bởi vì ranh giới rạch ròi giữa hai lớp ganh đua. Tôi ngồi bàn cuối, Ngữ Yên ngồi trên tôi, hai đứa cứ như thế mà im lặng làm bài. Dung ngồi ở bàn trên dãy bên kia, thỉnh thoảng quay xuống nhìn tôi, cười rồi lại quay lên. Và lúc đó, tôi biết, Ngữ Yên cũng sẽ thấy nụ cười đó của Dung là giành cho ai.

-Các em về nhà cố gắng ôn kĩ càng lại dạng này, không khó nhưng nó quan trọng!

-Dạ!

 Ngữ Yên im lặng ngồi trên, thu dọn sách vở. Bỗng nhiên quay xuống, chìa cái tập đề cho tôi:

-Cho Tín mượn này!

-Ơ!-Tôi nhận trong sợ ngơ ngác!

-………!

-Thế Ngữ Yên ôn bằng cái gì?

-Yên còn nè, ôn không hết nên cho Tín mượn đó!-Vừa nói Ngữ Yên giơ xấp đề thi được in vào những trang A4 để cho tôi khỏi phải lo.

-Hì hì, vậy bữa nào Tín giải xong Yên cho mượn tiếp nhé!

-Thì Tín cứ thong thả đi, Yên không đòi đâu.

 Nói rồi Yên nhẹ nhàng xách cặp lướt qua thôi. Nhẹ nhàng, khẽ khàng như một làn gió. Vài sợi tóc tinh nghịch vương qua vai tôi. Một mùi hương dịu nhẹ phảng phất.

-Gì mà mặt Tín trông mê muội vậy!-Giọng Dung vang lên ngay sau đó ít lâu.

-Nào có, có gì đâu?-Mặt tôi đỏ bừng chống chế.

 May cho tôi là Dung mải chăm chú vào ba cái tờ đề Toán, Lý, Hoá ở trên bàn chứ nếu không thể nào Nàng cũng nhận thấy sự khác thường trên khuôn mặt.

-Ý, đề thi kìa, cho Dung mượn đi!

-Không, ………cái này Tín..!

-Keo kiệt với cả Dung à?

-Không, Tín….. in dùm mà.!

-…..In dùm cho ai, mà không in dùm Dung?

-Thì Tín in dùm thôi, của người ta, để hỏi rồi photo cho Dung được chưa?

-Xí, keo kiệt bủn xỉn nhé!

 Dung giả bộ hờn dỗi, rồi nhìn tôi cười nhí nhảnh vẫy tay tôi ra về trước. Tôi cũng cố cười, đồng thời thở phào nhẹ nhõm tiễn Nàng ra về.

 Cầm xấp đề trên tay, tôi chỉ biết cười. Cất nó vào Ba-lo gọn gàng, cố tránh cho nó bị gập gãy, tôi đi ra khỏi lớp trong tiếng chửi vì cái tội lề mề của thằng Hoàng.

-“Học thì không bao giờ thừa cả?”

 Đó là cái lý do nguỵ biện cho hành động không thể chối từ tập đề thi Yên cho tôi mượn. Bao nhiêu đề thi, bao nhiêu sách vở được sưu tầm từ thời chị Thanh thôi cho đến ông anh trời đánh đổ dồn về tôi. Cái tôi cần là thời gian để ôn luyện cho hết, chứ chưa bao giờ sợ thiếu đề để ôn luyện. Thậm chí trong nhà tôi, những đề thi của những năm 93,94 cũng đầy ắp. Tôi, phận em út, được kế thừa tinh hoa bao cuốn sách hay của anh chị, kế thừa luôn điều gửi gắm của những người đi trước là học để thành tài.

-“Xin lỗi anh chị, tối nay em giải bộ đề này”.

Tôi vừa đạp xe vừa nhìn ra sau, cái bô lô đeo bên hông, vẫn leng keng cái móc khoá hình đồng xu Dung tặng, và bộ đề Ngữ Yên cho mượn ở bên trong.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #†¾†