[NLXH] Lý tưởng sống của thế hệ trẻ ngày nay

"Linh hồn của con người vẫn cần lý tưởng hơn thực tế. Chúng ta tồn tại nhờ thực tế; nhưng chúng ta sống vì lý tưởng." Victor Hugo đã từng nói như vậy. Trong cuộc sống - hay "thực tế" trong câu nói của Victor Hugo, ai cũng cần phấn đấu để đi lên. Vậy chúng ta phấn đấu vì điều gì? Vì cái gì? Đó là lý tưởng sống - một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta.

Lí tưởng là khát vọng sống cao đẹp, là mục tiêu phấn đấu cho những giá trị vĩnh hằng và nhân bản trong cuộc sống, như lòng vị tha, nhân hậu, tinh thần độc lập, tự do, bình đẳng, tôn trọng quyền cá nhân con người,... Nói cách khác, lí tưởng chính là mơ ước của con người về một cuộc sống tốt đẹp trên thế gian. Con người sống không có lí tưởng khác nào như đang chui vào hầm tối không lối thoát. Lí tưởng, như thế bao giờ cũng là nguồn sáng soi đường cho mọi hành động của con người.

Khi một kẻ sống hoài, sống phí nhận ra lý tưởng sống của đời mình, họ sẽ "sống" lại một lần nữa. Bởi có lý tưởng sống, chính là có mục đích rõ ràng trong cuộc đời của mình. Bởi có lý tưởng sống, ta sẽ trả lời cho câu hỏi muôn thuở của chúng ta: Tại sao ta phải sống? Nhà văn Nga L. Tôn-xtôi đã từng viết trong tác phẩm "Đời sống là một cuộc đấu tranh" như sau: "Lý tưởng là ngọn đèn soi đường, là động lực thúc đấy con người vươn lên trong cuộc sống. Người có lý tưởng sống chắc sẽ có bản lĩnh vững vàng." Thật vậy, có lý tưởng sống, có mục đích sống thì ta mới có bản lĩnh để vượt qua khó khăn, chông gai trong cuộc sống. Từ đó, con người trở nên mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn, có thể đối mặt với mọi trở ngại trong cuộc sống. Thêm nữa, có lý tưởng sống thì ta sẽ có cảm hứng để làm việc hăng say nhiệt tình, từ đó ta hoàn thiện bản thân chúng ta và đạt được những thành công mà ta mong muốn. Sau đó, ta lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người, và mọi người tiếp nhận cái năng lượng đó và tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn. Ngoài ra, sống không có lý tưởng thì sẽ sa ngã, sống mà không có mục đích, ý nghĩa, không có động lực vươn lên. Đó là "sống mòn" - được coi là "chết" khi "còn sống". Cuộc sống mòn là một cuộc sống vô nghĩa, đáng chán. Người sống mòn sẽ không thể phát huy hết tiềm năng của mình, không thể đóng góp gì cho xã hội. Họ sẽ chỉ là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Sống là một món quà quý giá mà mỗi người được nhận. Hãy sống một cuộc sống ý nghĩa, có mục đích, có giá trị.

Trong văn học, ta có nhân vật Điền trong tác phẩm Giăng sáng của nhà văn Nam Cao - một nhà tri thức tiểu tư sản nghèo với cái mộng văn chương bị đè bẹp bởi cuộc sống lầm than - đã thực sự "sống" lại khi nhận ra lý tưởng sống của mình: "nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối". Tuy cuộc sống nghèo khổ và bế tắc khiến Điền gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo đuổi ước mơ của mình, anh vẫn không ngừng nỗ lực, không ngừng viết, dù chỉ là những bài viết nhỏ, ít người biết đến. Có thể thấy, Điền là người nghị lực, kiên trì và không hề dễ dàng từ bỏ ước mơ của mình dù phải đối mặt với những khó khăn thử thách. Đây là biểu hiện của bản lĩnh trong Điền. Cuối tác phẩm là hình ảnh Điền tiếp tục viết những tác phẩm văn chương của mình nhưng không phải dưới ánh trăng lung linh mà là trong tiếng gắt gỏng của vợ và tiếng khóc của con. Đó là quyết định của người nghệ sĩ tìm ra lý tưởng sống – lựa chọn từ bỏ ánh trăng lừa dối để chắp bút viết nên trang văn từ chính những cảnh đời lầm than và phản ánh sự khốn khổ của kiếp người. Qua đó, ta thấy Điền là một người có lý tưởng sống cao đẹp và là tấm gương vượt lên số phận kiếp người bi kịch, đói nghèo, túng thiếu. Điều đó làm ta cảm thấy tầm quan trọng của lý tưởng sống ảnh hưởng đến số phận của cả một kiếp người.

Trong thực tế, Bác Hồ chính là một hình mẫu đại diện cho một lý tưởng sống cao đẹp. Lý tưởng sống của chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng này được Bác xác định ngay từ khi còn trẻ, khi Bác chứng kiến cảnh đất nước bị xâm lược, nhân dân lầm than. Vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, và cuối cùng cũng tìm thấy con đường cách mạng cho dân tộc ta: con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin. Lý tưởng sống của Bác Hồ là một tấm gương sáng ngời cho các thế hệ Việt Nam noi theo. Đó là lý tưởng cao đẹp, thể hiện tinh thần yêu nước và tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc. Lý tưởng sống của Bác Hồ là một di sản vô giá của dân tộc Việt Nam, ảnh hưởng đặc biệt đến lý tưởng sống của thanh niên Việt Nam. Đó là động lực, sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn giúp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, gian khó để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vậy nên, ta thấy lý tưởng sống rất quan trọng trong suốt cuộc đời chúng ta. Đó là mục đích, là cái đích của mỗi con người muốn hướng đến. Nó giúp chúng ta định hướng cho cuộc sống: xác định mục tiêu, định hướng cuộc đời. Để con ta phấn đấu, nỗ lực hơn và có đủ mạnh mẽ để vượt qua khó khăn thử thách trong cuộc sống. Lý tưởng sống giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Khi có lý tưởng sống, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống của mình có giá trị và đáng sống hơn. Và khi mỗi người đều có lý tưởng sống cao đẹp, nghĩa là mỗi người trở thành những công

dân có ích cho xã hội, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Lý tưởng sống của mỗi người tuy có thể khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng dù gì thì lý tưởng sống cũng cần phải cao đẹp, phù hợp với đạo đức, pháp luật và lợi ích chung của cộng đồng.

Ngược lại với những con người mang trong mình lý tưởng sống cao đẹp, có những con người sống mà chẳng có mục tiêu, chẳng có nỗ lực mà cũng chẳng có trách nhiệm với bản thân. Đó là những người sống hoài, sống phí, sống một cách hời hợt và vô nghĩa. Người sống hoài sống phí sẽ không có được thành công, họ sẽ cảm thấy tiếc nuối vì những ngày tháng đã "sống" mà như "đã chết": sống mòn. Họ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và khiến cho gia đình gặp khó khăn. Không chỉ thế, họ sẽ chẳng thể đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy", Pavel Korchagin đã từng nói: "Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ".

Lý tưởng sống và tham vọng là hai khái niệm liên quan mật thiết tới nhau. Cả hai đều là động lực thúc đẩy con người phấn đấu, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, con người có thể dễ dàng nhầm lẫn lý tưởng sống và tham vọng mù quáng. Nhầm lẫn lý tưởng sống và mù quáng là khi con người đặt tham vọng lên trên tất cả, bất chấp hậu quả. Những người mù quáng thường có biểu hiện như: mục đích, lý tưởng sống là những thứ cao xa, không thể đạt được; đặt tham vọng lên trên tất cả mà không màng đến hậu quả; sẵn sàng làm bất cứ điều gì kể cả các việc làm trái pháp luật để đạt được mục đích. Nhầm lẫn lý tưởng sống với tham vọng mù quáng là một lối sống đáng phê phán, mỗi người cần có nhận thức đúng đắn về lý tưởng sống và tham vọng, bằng không sẽ để lại hậu quả khó lường.

Thế hệ trẻ mang trong vận mệnh của cả một dân tộc. Để dân tộc đó đi lên, xã hội đi lên, việc thể hệ trẻ mang trong mình lý tưởng sống cao đẹp là điều không thể thiếu. Vậy làm gì để mang trong mình lý tưởng sống cao đẹp? Đó chính là học tập, rèn luyện nhằm nâng cao trình độ, kiến thức; tham gia các hoạt động xã hội nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn...; sống có trách nhiệm, sống tích cực, lành mạnh, sống đẹp. Khi đã trau dồi toàn bộ kỹ năng trên, thế hệ trẻ sẽ có sự hoàn thiện về nhân cách, bản lĩnh, trí tuệ... Mỗi người cần xây dựng cho mình một lý tưởng sống cao đẹp phù hợp với bản thân và xã hội.

"Không có lý tưởng như đi trong đêm đen vô vọng." (Đời thừa - Nam Cao)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top