[NLXH] Ảnh hưởng của định kiến
Một triết nhân đã chiêm nghiệm rằng: "Định kiến là thứ kính râm khiến chúng ta nhìn mọi thứ bị bóp méo. Nó khiến chúng ta không thể nhìn thấy vẻ đẹp của sự khác biệt." Định kiến là một thứ thuộc về tiềm thức, là chiếc khuôn của giới hạn chúng ta rập lên người khác. Những thành kiến cứng nhắc, những giới hạn giăng mắc khắp nơi trở thành rào cản cho bao nhiêu ước vọng con người. Nó che mờ đôi mắt của chúng ta trước cái đẹp khác biệt, và hơn nữa, nó che mờ con đường đến với thành công và hạnh phúc của bao người.
Một trong những kẻ thù lớn nhất của xã hội là "định kiến". Đó là những suy nghĩ, góc nhìn, ý kiến, quan điểm, đánh giá một cách cảm tính về cuộc sống và con người đã hằn thành "nếp" một cách mặc định bên trong não bộ trước khi ta tiếp nhận thông tin liên quan đến sự vật, sự việc ấy. Một người có định kiến luôn nhìn đời dưới góc độ hạ thấp, tiêu cực, chủ quan, khô cứng, như đóng đinh chắc nịch chẳng thể đổi thay. Dưới con mắt của định kiến, tất cả những quan điểm mới mẻ là không thể chấp nhận được. Người mang định kiến mang trong mình suy nghĩ đã trở thành khuôn mẫu – thứ thuộc về tiềm thức, họ áp đặt khuôn mẫu vào bất kì ai họ tiếp xúc. Chỉ cần ai đó khác khuôn mẫu ấy, họ đã không thể chấp nhận nổi. Họ xa lánh, bàn tán và gạt bỏ "sự khác biệt" ấy. Họ đóng khung lên tất cả, đồng thời cũng tự đống chính mình trong thế giới chật hẹp mang một màu của định kiến.
Đã bao giờ bạn cảm thấy rụt rè trước đám đông vì những cái nhìn không thân thuộc?
Đã bao giờ bạn thu mình vào góc tối vì những câu nói vu vơ của người ngoài cuộc?
Định kiến luôn luôn tồn tại song song với cuộc sống thường ngày của chúng ta. Nó tồn tại trên nhiều dạng thức. Nó có thể là định kiến về xu hướng tính dục (kì thị LGBT...); giới tính (một suy nghĩ cổ hủ: đàn ông là trụ cột gia đình...); nghề nghiệp (nghề quét rác không được trọng vọng...); tuổi tác (người già được trọng hơn người trẻ...); màu da (cuộc chiến mang tên công bằng cho người da đen kéo dài hàng thế
kỉ...); quốc tịch (người Trung Quốc luôn tham và ác...); quốc tịch; địa vị; cuộc đời... Định kiến xuất hiện ở bất kì đâu, xuất phát từ nỗi sợ nguyên thủy – nỗi sợ sự khác biệt của con người. Nỗi sợ sự khác biệt chính là sự bảo thủ về những điều mà chúng ta biết – dù điều đó là chân lý. Chính điều đó đã kéo cả xã hội trì trệ và tụt dốc.
Định kiến cố hữu đâu chỉ làm tổn thương người khác, nó còn làm nhức nhối cả bản thân mình. Nó có tác động không nhỏ lên cuộc sống của chúng ta. Định kiến giới hạn sáng tạo và hạn chế ước mơ, khát vọng của con người. Chắc chắn một đứa trẻ với ước mơ về thám hiểm Trái Đất sẽ bị người ta xem là "phù phiếm" và chẳng có gì là "thực tế". Đứa trẻ đó, mang trong mình vết sẹo của "định kiến", bị tổn thương tâm lí và bủa vây bởi những cảm xúc tiêu cực, bi quan. Xa hơn, đó là xuất hiện những hành vi phản cảm như trả thù, trở thành người xấu. Định kiến cũng làm chúng ta rạn nứt nhiều mối quan hệ xã hội. Xã hội nhiều định kiến, nghĩa là xã hội kém văn minh, không thể phát triển.
Miệng lưỡi người đời thực sự đã làm vòng quay số phận của một người thay đổi. Trong văn chương, ắt hẳn ai cũng nhớ đến tiếng chửi bới của anh Chí trong câu truyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Anh Chí – nạn nhân của định kiến – từ một người lương thiện trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Cách tư duy một chiều, những tâm hồn định kiến xơ cứng kia đâu có chịu đón nhận màu sắc hồi sinh của Chí. Họ dè bỉu, xa lánh, tàn nhẫn đẩy Chí ra khỏi cõi người. Định kiến của làng Vũ Đại là xem anh Chí như quỷ dữ, họ ích kỉ muốn khư khư giữ cái xã hội của mình êm đềm mà làm cho tâm hồn kia rỉ máu. Chí Phèo không chỉ đơn thuần là truyện, không chỉ đơn giản là sản phẩm hư cấu của Nam Cao, nó là sự phản ánh cho một thứ định kiến ích kỉ làm con người đẩy con người trở thành quỷ dữ.
Nelson Mandela, vị tổng thống Nam Phi cả một đời đấu tranh cho quyền của người da đen – chống lại phân biệt sắc tộc, lại lo lắng khi bước lên một chuyến bay có phi cơ trưởng là người da đen, ông đau đớn nhận ra tự bao giờ, định kiến của xã hội cũng đã thâm nhập vào ông, làm ông đã có khoảnh khắc đi ngược lại với lí tưởng cả đời mình.
"Hãy nhìn xem những định kiến của chúng ta mềm dẻo đến thế nào một khi yêu thương đến để bẻ cong chúng" (HermanMelville). Trong một bài phỏng vấn về định kiến ở đất nước của bạn, ba công dân ba nước Nigeria, Mỹ, Trung Quốc đại diện cho ba định kiến lớn nhất về các quốc gia đã nói về vấn đề này làm chúng ta thực sự phải
suy ngẫm. Thứ nhất, khi anh bạn Nigeria được hỏi rằng: "Có phải ở Châu Phi luôn thiếu nước và lương thực không?". Khi chúng ta nghe và nhìn thấy từ "Châu Phi", chắc hẳn thứ đầu tiên hiện lên trong đầu chúng ta là Châu Phi rất đói và nghèo... Anh bạn Nigeria đã nói rằng: "Châu Phi có rất nhiều người, có những người giàu, và có những người nghèo. Đó là cuộc sống, ở đất nước nào cũng có người giàu và nghèo." Tiếp đến, khi cô gái người Mỹ được hỏi rằng: "Mỹ có phải nơi đáng sống không?". Cô đã trả lời rằng: "Điều này là không đúng, bởi Mỹ cũng có mặt tốt và không tốt... Quan trọng là bạn phải cố gắng ở nơi mình sinh ra và lớn lên. Cuối cùng, cô gái người Hoa được hỏi rằng: "Bạn nghĩ gì về những định kiến đối với quốc gia của mình?" và cô ấy đã trả lời rằng: "Tôi nghĩ những điều này là không đúng. Bạn không thể đánh giá một quốc gia chỉ thông qua lời truyền miệng được. Nếu được, các bạn nên đi Trung Quốc một lần để trải nghiệm thực sự về Trung Quốc."
Quyền được yêu thương, quyền sống thật với chính mình là quyền bất khả xâm phạm của mỗi con người. Vậy mà bao nhiêu trái tim khát yêu của con người lại bị xã hội vùi dập, chỉ bởi họ cảm thấy tình yêu đồng giới là 'trái với tự nhiên'. Họ ngăn cấm, xúc phạm, kì thị những người đồng tính, đòi loại trừ tình yêu theo họ là 'không bình thường' ấy ra khỏi cuộc đời này – chỉ vì định kiến. Định kiến ấy cũng lại làm chính những con người vốn chỉ muốn yêu thương ấy cảm thấy tự ti, xấu hổ với chính mình. Họ hoặc giấu mình đi, hoặc chìm vào sa đọa, hoặc tự sát. Không ít những người con đã để lại mảnh giấy "Xin lỗi mẹ vì con là người đồng tính" rồi ra đi. Đau đớn lắm, khi phải xin lỗi vì đã là chính mình!
Từ đó, thấy được những tác hại khôn lường của việc áp đặt định kiến lên người khác. Chúng ta cần phê phán và ra tay loại bỏ những định kiến và xây dựng xã hội hòa bình, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Để làm được việc đó, chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục về tác hại của định kiến; loại bỏ định kiến trong suy nghĩ của bản thân, không để nó ăn mòn bản chất tốt đẹp; không tiếp tay cho những hành vi áp đặt định kiến, chúng ta phải phản đối chúng.
Cuộc chiến chống lại định kiến bên trong mình là một cuộc chiến khốc liệt đòi hòi sự liên tục và nỗ lực không ngừng. Và con đường chống lại định kiến ấy duy chỉ có một, ấy là giữ vững bản tâm, sẵn sàng mở rộng lòng ra mà 'đón nhận lấy mọi vang động của đời'. Phải "tìm mà hiểu" nhau, cũng như Elizabeth và Darcy trong tiểu thuyết 'Kiêu hãnh và định kiến', chỉ có thể giành thời gian để tâm thấu hiểu người khác, học cách tư duy phản biện, thì mới có thể dẹp bỏ định kiến trong mình.
Đặc biệt là thế hệ trẻ - những người mang trong mình vận mệnh của cả dân tộc, phải biết rèn luyện bản thân từ trí tuệ đến nhân cách, có bản lĩnh và có cái nhìn bao dung, vị tha để có thể xóa bỏ định kiến trước hết là trong tâm và sau này là xóa bỏ định kiến cho cả xã hội. Cuộc đời sinh ra con người là một vòng tròn với định kiến hiện hữu như thứ axit ăn mòn dần sự hoàn mỹ. Vượt thoát khỏi những định kiến, ta khỏa lấp mảnh khuyết, hoàn thiện đời mình. Muốn thay đổi người, trước hết hãy tự thay đổi chính mình. Hôm nay, ta bắt đầu hành động để mở rộng tầm mắt, nhìn thấy vẻ đẹp của sự khác biệt.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top