Chiếc áo ngắn [Khúc 7] - Phần 1

(*) Nhan đề:

- Chiếc áo ngắn: là chương 1 trong Trường ca "Những người đi tới biển" (1977) của tác giả Thanh Thảo. Chiếc áo ngắn ở đây là chiếc áo lính mà những người lính đã mặc vào những năm tháng trẻ đẹp nhất của đời người, là biểu tượng cho tình yêu tổ quốc. 
- Khúc 7: là khúc số 7 của chương 1.

=> Nhan đề bật lên chủ đề: những người nhân dân mặc áo lính thời chiến tranh.

(*) Khúc 1 (giới thiệu qua):

- Nhân vật tôi chuẩn bị lên đường, khi đó xuất hiện hình ảnh chiếc áo:
"Ngày mai con đi
Chiếc áo lính thức tròn đêm có mẹ
Chiếc áo bọc hình hài mẹ cho
Bọc trái tim dòng máu mẹ cho
Không bao giờ đổi khác"

Đặc biệt lưu ý:

"Rồi tới lúc chúng con thay áo khác
Nhưng khi cởi áo ra
Con không còn gì thay được!"

=> Chiếc áo gắn liền với thanh xuân tuổi trẻ, gắn liền với năm tháng mười tám đôi mươi. Mà đời người chỉ được 1 lần tận hưởng thanh xuân. Những người lính trẻ đã hy sinh những năm tháng tươi đẹp ấy mà lên đường giành lại độc lập cho đất nước. Vì vậy, không gì có thể thay được chiếc áo của kỷ niệm, của thanh xuân tuổi trẻ.

(*) Khúc 7:

- Khổ 1: 

"Chúng tôi không mệt đâu
Nhưng cỏ sắc mà ấm quá!"

Ta có thể thấy đây là một cách nói nhẹ nhàng của tác giả khi nói về sự hy sinh. "Chúng tôi" gọi chung những người bộ đội, những người đồng đội của tác giả. "cỏ sắc" là hình ảnh ẩn dụ cho những khó khăn, gian khổ mà người chiến sĩ phải trải qua trên nơi chiến trường khốc liệt. Còn "ấm" thì lại đem cho ta cảm giác người chiến sĩ đang tìm thấy niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Từ đó thấy được tinh thần và sức sống cháy bỏng của người lính. Hai câu thơ cũng sử dụng biện pháp nói giảm, nói tránh để tránh sự u buồn cho sự hy sinh tựa như lông hồng của những người chiến sĩ. Trong bài Tây Tiến, Quang Dũng cũng có hai câu thơ nói về sự hy sinh của những người lính: 

"Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời."

Từ đó thấy được sự hy sinh của những người chiến sĩ cho quê hương, cho lí tưởng cao đẹp; một sức mạnh khiến người lính phải đứng dậy mặc cho sức mạnh thể chất còn thoi thóp.

- Khổ 2:

"Tuổi hai mươi thằng em tôi sững sờ một cánh chim mảnh như nét vẽ"

Cụm từ "Tuổi hai mươi" chỉ khoảng thời gian những người chiến sĩ đi lính - họ còn trẻ, còn sung sức, khát khao được cống hiến cho Tổ quốc. Còn "thằng em tôi" phải chăng là để chỉ người đồng đội mà nhân vật tôi đã coi như người anh em ruột thịt? Nhân vật tôi đã "sững sờ", bất ngờ, bàng hoàng và có chút đau buồn cho sự ra đi mà chiến tranh đem lại. Cuộc đời của người đồng đội được mô tả rằng "một cánh chim mảnh như nét vẽ" - tuổi đôi mươi hồn nhiên với mong muốn bay nhảy, cống hiến cho đất nước nhưng trước sự tàn khốc của chiến tranh, sự sống thật mỏng manh biết nhường nào. Những gian khó của chiến tranh đã làm thay đổi những người chiến sĩ một cách bất ngờ, nhanh chóng, từ những thanh niên sống vô tư, tự do như những cánh chim trở thành con người chấp nhận thử thách, phong ba để được cống hiến cho đất nước, thậm chí là hi sinh mạng sống.

"Nhiều đổi thay như một thoáng mây"

Mọi thứ chỉ là thoáng qua. Nhân vật tôi bỡ ngỡ trước những "đổi thay": sống chết chỉ là một khoảng khắc. Cuộc đời vô thường, mọi thứ có thể thay đổi như thoáng mây.

"Khi chúng tôi nằm nó vẫn ngồi nguyên đó
Ngậm im lìm một cọng cỏ may..."

Hai câu thơ trầm mặc, mở đầu dòng cảm xúc, dẫn dắt người đọc đi sâu vào tác phẩm. Đó là hình ảnh đau thương về sự hy sinh của những người lính.

- Khổ 3:

"Những dấu chân lùi lại phía sau"

Hồi ức về quá khứ của nhân vật tôi: những dấu chân hành quân, bảo vệ Tổ Quốc đầy anh dũng của những người lính "lùi lại phía sau" - sự hy sinh của những người đồng đội.

"Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ"

Mặc dù những bước chân của người lính đã dừng lại nhưng họ đã xuất hiện vào những năm tháng đẹp nhất, trẻ nhất và để lại dấu ấn trên cuộc đời này. Đời người chỉ được một lần sống trọn với hai chữ thanh xuân, đây là những năm tháng không bao giờ quên được. Ấy vậy mà những người lính mười tám đôi mươi đã phải hy sinh thân mình trên chiến trường, để rồi những người đồng đội của họ - những thanh niên trẻ khác mỗi khi nhớ lại nó trở thành một sự ám ảnh, một sự đau đớn tột cùng, chua xót mà chiến tranh mang lại.

Tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh và điệp cấu trúc "như cỏ" nhằm nhấn mạnh, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của lớp trẻ trong thời kháng chiến. Cụm từ "sắc nhay cỏ" và "dày như cỏ" thể hiện sức sống kiên cường, mạnh mẽ và đoàn kết của những người chiến sĩ trẻ tuổi. Tuy tuổi trẻ đầy nhiệt huyết nhưng đâu đó vẫn còn dư vị của sự "yếu mềm" của những tâm hồn non nớt. Từ "yếu mềm" trong thơ không có nghĩa là "yếu mềm" trước quân thù, mà có lẽ là nỗi nhớ của người lính khi phải rời xa gia đình, quê hương hoặc có lẽ là "yếu mềm" trước sự hy sinh, ra đi của người đồng đội. Nhưng những người chiến sĩ vẫn có sức sống "mãnh liệt", tràn trề, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, quyết tâm của người chiến sĩ. Đó là chất người lính trong trường ca Thanh Thảo. Qua đó, tác giả thể hiện thái độ ngợi ca, trân trọng và tình yêu của mình với những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời, năm tháng khi ông cùng đồng đội hành quân, chiến đấu cùng nhau bảo vệ tổ quốc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top