văn

THƯƠNG VỢ
                                                                                                         -Trần Tế Xương-

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả
- Trần Tế Xương (1870-1907), thường gọi là Tú Xương.
- Quê ở làng Vị Xuyên, tỉnh Nam Định.
- Cuộc đời mang nhiều nỗi đau: nổi tiếng thông minh, học giỏi nhưng lại lận đận đường khoa cử; nghèo túng sa sút; đông con; suốt đời sống nhờ vợ; day dứt trước sự suy vi của đất nước.
- Cá tính sắc sảo, phóng khoáng, ngông nghênh.
- Sự nghiệp sáng tác gồm 2 mảng: trào phúng và trữ tình=>Khẳng định sự bất tử của Tú Xương.

2. Tác phẩm
- Thể loại: thất ngôn bát cú Đường luật, chữ Nôm
- Trong sáng tác của TX có cả một mảng đề tài về bà Tú gồm thơ, văn tế. TX viết nhiều, viết hay và thấm thía về vợ mình ngay khi bà còn sống=>đề tài hiếm hoi của văn học trung đại.
- Thương vợ là một trong những bài thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú.
- Bà Tú tên thật là Phạm Thị Mẫn, xuất thân gia đình khoa bảng. Tính tình khoan hòa, chân thực, tần tảo, thương chồng, thương con, trọng tài năng và cá tính của chồng.

II. Đọc – hiểu văn bản

1. Hình ảnh bà Tú qua nỗi lòng thương vợ của ông Tú

a. Bà Tú với vai trò trụ cột trong gia đình
Câu thơ vào đề như lời giới thiệu, lại như bối cảnh làm hiện lên hình ảnh bà Tú tần tảo ngược xuôi:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông”
- Thời gian “quanh năm”: suốt cả năm, ròng rã từ năm này sang năm khác bất kể mưa hay nắng=>nhấn mạnh nỗi vất vả triền miên không vơi ngày nào.
- Địa điểm “mom sông”: doi đất nhô ra ở bờ sông, ba bề là nước, dễ sạt lở=>địa thế chật chội, cheo leo, chênh vênh, nguy hiểm, gập ghềnh, không vững vàng, gợi tả một cuộc đời nhiều nắng mưa, một cảnh đời cơ cực.
- Công việc “buôn thúng bán mẹt”: vốn liếng chẳng có là bao, lấy công làm lãi, lặn lội nơi đầu sông, cuối chợ.
=>Biện pháp tăng cấp ý: từ thời gian (quanh năm), nghề nghiệp (buôn thúng bán mẹt), đến không gian, địa điểm làm ăn (mom sông) nhằm nhấn mạnh cái gian nan, chênh vênh, chơi vơi của công việc và của số phận bà Tú.
Bà Tú phải vất vả buôn bán vì cả một gánh nặng sinh kế đang đè lên vai:
“Nuôi đủ năm con với một chồng”
- “nuôi”: động từ chỉ trách nhiệm, công lao của bà Tú=>“nuôi con thờ chồng”
+ “nuôi đủ”: vừa nói số lượng, vừa nói chất lượng, nhấn mạnh cái gánh nặng dồn lên vai người vợ.
+ đủ ăn đủ mặc, không thiếu cũng không dư
+ phải lo chu toàn cho chồng cho con và cả những sở thích của chồng.
=>người phụ nữ đảm đang, tháo vát, khéo lo toan.
- “năm con với một chồng”: cách tính đếm cụ thể công ơn to lớn của vợ=>Bà Tú phải nuôi 6 miệng ăn chưa tính bản thân.
+ Đông đúc
+ Nhịp thơ 4/3 tách thành 2 vế “năm con – một chồng”
+ Liên từ “với” (thêm): thanh trắc, gợi sự nặng nề, khó nhọc
+ Năm con = một chồng=>Số lượng giảm nhưng chất lượng lại tăng, tăng gánh nặng của bà Tú=>chồng là một thứ con phải nuôi, nuôi ông Tú khổ hơn nuôi 5 đứa con=>Cách nói đặc biệt với giọng điệu bông đùa, hóm hỉnh.
+ Ông Tú tự đặt mình ngang hàng với năm con, ông xếp cuối sau năm con=>Cảm giác ăn theo, ăn bám, là gánh nặng của vợ. Ông tự coi mình như một thứ con đặc biệt=>Ý vị tự trào ẩn chứa nỗi niềm chua chát: Tác giả cười chính mình, cười một kẻ “ăn không ngồi rồi”, một kẻ vô tích sự đã làm cho gánh nặng trên vai người vợ nặng thêm..
=>Trong quan hệ vợ chồng, ông đã đặt bà Tú lên trên cao (hàng trụ cột của gia đình) còn khiêm tốn hạ mình xuống rất thấp, ngang hàng với con. Cách nói ấy hàm ý vừa biết ơn, tự hào, tôn vinh công lao người vợ vừa có chút gì đó hối hận, ăn năn, mỉa mai mình một cách thâm trầm hóm hỉnh.
=>Giới thiệu hình ảnh bà Tú với vai trò trụ cột, từ đó cho thấy Tú Xương thấu hiểu và biết đánh giá một cách xứng đáng công lao của vợ. Từ đây, lòng vị tha cao quý của bà Tú càng thêm sáng tỏ.

b. Cảnh kiếm sống lam lũ, vất vả của bà Tú
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
- Đảo ngữ, từ láy “lặn lội”: nhấn mạnh sự lam lũ, vất vả, bươn chải.
- “thân cò”: ẩn dụ=>sáng tạo từ hình ảnh quen thuộc của ca dao, dân ca để nhấn mạnh nỗi đau thân phận: sự nhỏ bé, yếu đuối, tủi cực, đơn độc của người vợ trên bước đường mưu sinh nhọc nhằn=>khái quát cả kiếp người, phận đời người phụ nữ bơ vơ, truân chuyên trong xã hội phong kiến.
- “khi quãng vắng”: gợi hai chiều không gian, thời gian heo hút, rợn ngợp=>tình cảnh đơn chiếc, thiếu người đỡ đần, chứa đầy lo âu, hiểm nguy, bất trắc.
Eo seo mặt nước buổi đò đông
- “eo sèo mặt nước”: từ láy gợi âm thanh huyên náo, gợi tả cảnh tranh mua tranh bán, cãi vã để tranh hàng, giành khách=>vì miếng cơm manh áo của chồng con mà đành phải rơi vào cảnh liều lĩnh, cau có=>Gợi cảnh buôn bán bon chen, xô bồ, đầy những khó nhọc, vất vả.
- “buổi đò đông”:
+ Con đò đông người
+ Nhiều đò trên sông
=>gợi cảnh lên đò xuống bến xô bồ, chen chúc, nguy hiểm
- Một bà Tú con gái nhà dòng mà cũng đến phong trần, lấm láp như ai, không quản ngại nguy hiểm để lo cho chồng con. Càng thương hơn bởi cái âm hưởng nức nở dội về từ ca dao xưa: Con ơi nhớ lấy câu này. Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua.
-Thế đối lập “khi quãng vắng”><“buổi đò đông” nhưng bổ sung ý nghĩa cho nhau, cùng lột tả cái khó nhọc và gian nan, nguy hiểm trong cảnh kiếm ăn của bà Tú.
=>Sử dụng nghệ thuật đảo, đối, hình ảnh ẩn dụ để làm nổi bật hình ảnh bà Tú trong cảnh làm ăn vất vả, cực nhọc, đơn chiếc. Bát cơm, manh áo mà bà Tú kiếm được phải “lặn lội” trong mưa nắng, phải giành giật “eo sèo”, phải trả giá bao mồ hôi, nước mắt giữa chợ đời đông đúc. Ẩn sau câu chữ vẫn là tấm lòng nhà thơ với cái nhìn thương cảm, biết ơn, trân trọng dành cho người vợ tảo tần.

c. Đức hi sinh thầm lặng, cao thượng của bà Tú
- Vận dụng thành ngữ và thủ pháp đối:
+ “Duyên” là duyên số, duyên phận, “nợ” là cái nợ đời mà bà Tú phải cam phận chịu đựng.
+ Đối “một duyên >< hai nợ”: nợ nhiều hơn duyên=>Hạnh phúc thì ít ỏi mà vất vả vì chồng vì con thì đong đầy.
=>Tú Xương tự xem mình là cái nợ đời của bà Tú=>trách bản thân, tự hạ thấp vị trí của mình vì quá yêu thương, quý trọng vợ.
+ “Năm nắng mười mưa”: vừa chỉ sự vất vả, cực nhọc vừa thể hiện đức tính chịu thương chịu khó của bà Tú.
=>nhấn mạnh nỗi vất vả cả về đường tình duyên lẫn sinh kế.
+ Cách nói “âu đành phận”><“dám quản công”=>thái độ cam chịu chấp nhận, không nề hà, không một lời than trách, kể lể. Đó cũng là truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Miếng nạc thì để phần chồng
Miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con.

Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn
+ Các số từ tăng tiến dần: “một... hai... năm... mười...” đong đếm, nhân lên sự nhọc nhằn bội phần của bà Tú=>làm nỗi rõ đức hi sinh thầm lặng cao quý, nỗi vất vả đè nặng lên vai bà Tú.
=>Tú Xương đã nhập vai bà Tú mà nói lên tấm lòng, công lao của bà một cách giản dị, chân chất.
=>Bà Tú là một người phụ nữ vị tha, giàu đức hi sinh, nhân hậu vô cùng. Đây cũng chính là những đức tính tốt đẹp mang tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam=>Ông Tú thấu hiểu tâm sự của vợ nên càng thương vợ sâu sắc.

2. Nỗi niềm của nhà thơ
- “Cha mẹ”=>Tiếng chửi
- Tú Xương đã nhập vào vai của bà Tú để chửi:
- Chửi đời:
+ “thói đời”: xã hội, đạo lí suy đồi sinh ra những người ăn bám, dựa dẫm vào người khác=>phê phán, tố cáo xã hội phong kiến rất sâu sắc=>Nguyên nhân sâu xa khiến bà Tú (người phụ nữ) phải khổ cực.
+ “ăn ở bạc”: mỏng=>tự trách mình, thói đời đen bạc, bất công, ít chú ý đến nhau mà có chú ý cũng rất ít ỏi=>bạc tình bạc nghĩa
- Tự rủa mình:
+ “Hờ hững”: không giúp ích được gì cho vợ=>một biểu hiện của thói đời bạc bẽo
+ Kết cấu “có - cũng như không”: thái độ phủ nhận tư cách người chồng của mình=>chẳng đỗ đạt lại trở thành một anh học trò “dài lưng tốn vải” vô tích sự với vợ con. 
=>Tự phán xét, lên án, nhận lỗi, vừa cay đắng, vừa phẫn nộ.
=>Đằng sau tiếng chửi là cả một tình yêu, lòng thương vợ chân thành, sâu nặng của nhà thơ và có cả những ngậm ngùi, chua xót đến đắng lòng. Đó cũng chính là nhân cách cao đẹp của Tú Xương=>Thương vợ cũng là thương chính mình.
=>Giọng thơ hóm hình đùa vui mà cũng chứa đựng tình ý sâu sắc.

III. Tổng kết

1. Giá trị nội dung
Tình cảm thương yêu, quý trọng của Trần Tế Xương thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân và những đức tính cao đẹp của bà Tú. Qua những lời tự trào, thấy được vẻ đẹp, nhân cách và tâm sự của nhà thơ.

2. Giá trị nghệ thuật
- Vận dụng sáng tạo ngôn ngữ thuần Việt và thi liệu văn hóa dân gian.
- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa trữ tình và trào phúng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tailieu