văn
LƯU BIỆT KHI XUẤT DƯƠNG
(Xuất dương lưu biệt)
-Phan Bội Châu-
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
a. Thời đại
- Phan Bội Châu sinh ra và lớn lên trong thời kì đen tối của lịch sử nước nhà.
- Tư tưởng dân chủ tư sản từ nước ngoài tràn vào Việt Nam ngày càng mạnh->mở ra những con đường cứu nước mới.
b. Cuộc đời (1867 – 1940)
- Tên thuở nhỏ là Phan Văn San, hiệu Sào Nam.
- Quê: làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
- Gia đình: xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo.
- Cuộc đời hoạt động có thể chia thành 3 giai đoạn:
+ 1867 – 1905: thời kì ẩn nhẫn chờ thời
+ 1905 – 1925: thời kì hoạt động cách mạng sôi nổi
+ 1925 – 1940: thời kì làm ông già Bến Ngự
- Con người:
+ Từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng với tư duy sắc sảo, nhạy bén.
+ Có tư tưởng yêu nước từ rất sớm, là nhà Nho đầu tiên có tư tưởng tìm đường cứu nước mới, cũng là người lập ra tổ chức Cách mạng theo con đường dân chủ tư sản đầu tiên ở nước ta.
=>Phan Bội Châu là người khởi xướng, là ngọn cờ đầu của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam trong khoảng 25 năm đầu của thế kỉ XX.
- Sự nghiệp văn chương:
+ Là một nhà văn, nhà thơ lớn với sự nghiệp văn chương đồ sộ.
+ Các tác phẩm chính: Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, Trùng Quang tâm sử, Phan Bội Châu niên biểu, Phan Sào Nam văn tập,…
+ Quan niệm văn chương là vũ khí kích lệ tinh thần yêu nước và tuyên truyền, vận động Cách mạng"khơi dòng cho loại văn trữ tình chính trị – một trong những mũi tiến công kẻ thù trong công cuộc vận động Cách mạng.
=>Phan Bội Châu là cây bút xuất sắc nhất của thơ văn Cách mạng Việt Nam những năm đầu TK XX.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh ra đời
- Hoàn cảnh lịch sử:
+ Tình hình chính trị trong nước hết sức đen tối: đất nước đã mất chủ quyền, tiếng mõ Cần Vương đã tắt, sự bế tắc của con đường cứu nước theo tư tưởng phong kiến do các sĩ phu lãnh đạo.
+ Ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản từ nước ngoài tràn vào Việt Nam theo con đường Tân thư, nhen nhóm những phong trào cứu nước mới.
- Hoàn cảnh trực tiếp: Năm 1905, trước lúc lên đường sang Nhật Bản, Phan Bội Châu đã làm bài thơ này để từ giã bạn bè, đồng chí.
b. Thể thơ: thất ngôn bát cú Đường luật viết bằng chữ Hán.
c. Đề tài: Bài thơ mang đề tài “lưu biệt – ngôn chí” – một đề tài quen thuộc trong thơ cổ trung đại nhưng lại mang nét mới mẻ ở chỗ đây không phải là lời người ở lại tiễn người ra đi mà là lời người ra đi gửi người ở lại với giọng thơ rắn rỏi, mực thước.
d. Chủ đề: Khắc họa vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỉ XX với tư tưởng mới mẻ, táo bạo, bầu nhiệt huyết sôi trào và khát vọng cháy bỏng trong buổi ra đi tìm đường cứu nước.
e. Bố cục: đề – thực – luận – kết
II. Đọc – hiểu văn bản
1. Hai câu đề: Tuyên ngôn mới mẽ về chí làm trai
- Phá đề “Sinh vi nam tử yếu hi kì”
+ “Sinh vi nam tử” (sinh ra là kẻ nam nhi) – chí làm trai: là một lí tưởng nhân sinh trong chế độ phong kiến, thể hiện tư tưởng nhập thế tích cực của đạo Nho. Chí làm trai thường gắn với mộng công danh: Công danh nam tử còn vươngnợ (Phạm Ngũ Lão); Không công danh thời nát với cỏ cây (Nguyễn Công Trứ) hoặc để thoả cái chí tang bồng hồ thỉ (chí lớn bốn phương, tung hoành giữa trời đất, làm nên sự nghiệp lớn): Chí làm trai nam, bắc, tây, đông/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể (Nguyễn Công Trứ)->Lẽ sống tích cực của bậc trượng phu.
+ “yếu” (phải): bắt buộc->mang ý nghĩa tích cực, tốt đẹp.
+ “yếu hi kì” - “lạ”: phải làm, phải sống cho phi thường, hiển hách, dám mưu đồ những việc kinh thiên động địa chứ không thể sống tầm thường, tẻ nhạt, buông xuôi theo số phận, để mặc cho con tạo xoay vần.
->Đây là một lẽ sống đẹp, cao cả, gần gũi với lý tưởng nhân sinh của các nhà Nho truyền thống, nhưng mạnh mẽ và táo bạo hơn.
- Thừa đề: “Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”
+ Cụ thể điều “lạ ở trên đời”
+ “Khẳng hứa càn khôn” (chẳng lẽ để vũ trụ) + “tự chuyển di” tự sắp đặt, định mệnh->câu thơ vừa là câu hỏi nhưng cũng là lời đáp phủ định sự sắp đặt, an bài của tạo hóa đồng thời khẳng định trách nhiệm của kẻ làm trai là phải chủ động, xông xáo, dấn thân để làm chủ vận mệnh đất nước, không nên sống cuộc đời tẻ nhạt tầm thường, buông xuôi->khi nước nhà lâm nguy phải ra cứu nước: đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho nước nhà.
* Điểm mới mẻ trong quan niệm của Phan Bội Châu: vượt lên giấc mộng công danh thường gắn liền với hai chữ hiếu, trung để vươn tới những lý tưởng nhân quần, xã hội rộng lớn cao cả.
=>Giọng thơ rắn rỏi, dồn nén, ý tưởng táo táo bạo, thể hiện lẽ sống tích cực, chủ động trước thời thế, tin tưởng vào bản thân. Lí tưởng sống này tạo cho con người một tầm vóc, một tư thế mới: khỏe khoắn, ngang tàng, dám ngạo nghễ thách thức với càn khôn.
2. Hai câu thực: Ý thức về vai trò và trách nhiệm của tác giả
- Nghệ thuật đối và câu hỏi tu từ:
“Ư bách niên trung tu hữu ngã”
+ “Bách niên” (Trăm năm): một đời người, một cuộc nhân sinh.
+ “tu hữu ngã”->phải có ta->đề cao vai trò, trách nhiệm của cái tôi cá nhân->ý thức cá nhân mạnh mẽ.
+ Nguyên tác: “tu hữu ngã”- “phải có ta”, bản dịch “cần có tớ”->tuy mang đến sự trẻ trung, hóm hỉnh nhưng làm mất đi sự trịnh trọng, không thật phù hợp với nội dung của câu thơ: lời tuyên ngôn đầy ngạo nghễ, mãnh liệt về một lẽ sống, một tư thế vào đời của đấng tu mi nam tử.
->“Cái tôi” xuất hiện ở đây không phải là cái tôi riêng tư nhỏ bé mà là cái tôi công dân đầy tinh thần trách nhiệm với cuộc đời, luôn thao thức vì sự tồn vong của giống nòi. Cuộc thế “trăm năm” này cần phải có ta, không phải để hưởng lạc thú mà để cống hiến cho đời, sao cho đáng mặt nam nhi đại trượng phu tung hoành thiên hạ. Đây là lời khẳng định dứt khoát, chắc nịch, dựa trên một niềm tin sắt đá vào tài trí bản thân.
“Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”
+ “Thiên tải hậu” (ngàn năm sau): dòng chảy nối dài của lịch sử + “vô thùy” (không ai)->Câu hỏi tu từ “Sau này muôn thuở há không ai”: lẽ nào không có ai tiếp nối công việc của người trước.
->Tự hỏi mình, hỏi mọi người, hỏi thời đại nhưng cũng là lời giục giã cứu nước.
->Câu thơ mang ý phủ định mà thực chất là khẳng định cương quyết hơn khát vọng sống hiển hách, phi thường, phát huy hết tài năng để cống hiến cho đời->Con người để lại dấu ấn sâu đậm giữa dòng chảy thời gian, đó là dấu ấn đầy bản lĩnh về một cuộc sống hữu ích, có giá trị.
- Cụ Phan không hề khẳng định mình và phủ nhận mai sau mà muốn nói lịch sử là một dòng chảy liên tục, có sự góp mặt và tham gia gánh vác công việc của nhiều thế hệ"có niềm tin sắt đá vào bản thân và các thế hệ mai sau.
- Giọng thơ đĩnh đạc, rắn rỏi, ý thơ được tăng cấp lên, đồng thời thêm giọng khuyến khích, giục giã cùng hình tượng nghệ thuật kì vĩ, trường tồn thể hiện một cái “tôi” tích cực, một cái “tôi” trách nhiệm cao cả với khát vọng và quyết tâm cao trong buổi lên đường cứu nước.
3. Hai câu luận: Thái độ quyết liệt trước tình cảnh đất nước và những tín điều cũ
“Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế”
- “Giang sơn tử hĩ”: gợi lên hình ảnh Tổ quốc bị xâm lược, mất chủ quyền.
- “sinh đồ nhuế” (sống thêm nhục): ám chỉ lối sống thờ ơ, bàng quan, vô trách nhiệm là lối sống ích kỉ, nhục nhã.
- Phép đối “tử” – “sinh” + từ “nhuế”->Nỗi đau, nỗi nhục mất nước.
->Đất nước mất chủ quyền thì con người cũng không yên ổn. Danh dự của bản thân gắn liền với vận mệnh đất nước. Nỗi nhục lớn xuất phát từ chỗ con người trở thành nô lệ->lẽ nhục – vinh gắn bó chặt chẽ với ý thức về sự tồn vong của đất nước, dân tộc.
->Thể hiện ý chí mạnh mẽ của một con người không cam chịu thân phận nô lệ"Quan niệm tích cực của PBC nhằm thức tỉnh, cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân.
“Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”
- “Hiền thánh”: những bậc thánh nhân của Nho giáo; sách vở thánh hiền, lối học cũ trong chế độ phong kiến->buổi nước mất nhà tan, sách vở thánh hiền cũng chẳng có ích gì, có nấu sử sôi kinh cũng trở nên vô nghĩa, lạc hậu.
- Đối “hiền thánh” + “si” (ngu)->Kêu gọi xếp bút nghiên, từ bỏ lối học cũ cầm lấy gươm súng giành lại chủ quyền nước nhà.
* So sánh: so với nguyên tác, các cụm từ “đồ nhuế” (nhơ nhuốc)->“nhục”, “tụng diệc si” (học cũng chỉ ngu thôi)->“học cũng hoài” chỉ thể hiện được ý phủ nhận mà chưa thể hiện rõ cái tư thế, khí phách ngang tàng, dứt khoát của tác giả.
- Sắc thái mới của tư tưởng: Phan Bội Châu chưa đến mức phủ nhận hoàn toàn cả nền học vấn Nho giáo mà chính tác giả là đại diện xuất sắc. Nhưng ông đã dám đối mặt với cả nền học vấn cũ để nhận thức chân lí: sách vở Nho gia từng là rường cột tư tưởng đạo lý, văn hóa cho nhà nước phong kiến Việt Nam hàng ngàn năm lịch sử thì giờ đây chẳng giúp ích được gì trong buổi nước mất nhà tan, không có lợi ích gì cho cuộc chống Pháp “học cũng hoài”.
*Vấn đề mà Phan Bội Châu muốn đề cập: Thái độ đối với đất nước trong hiện tại – thức thời, hành động vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
=>Đây là tư tưởng hết sức mới mẻ, táo bạo, tiên phong của Phan Bội Châu. Có được dũng khí và nhận thức sáng suốt đó trước hết phải kể đến tấm lòng yêu nước cháy bỏng của ông, quyết đổi mới tư duy để tìm con đường đưa nước nhà thoát khỏi vòng nô lệ tối tăm.
4. Hai câu kết: Khát vọng hành động và tư thế buổi lên đường
- “Nguyện” (mong muốn): khát vọng mãnh liệt muốn vươn xa khỏi những cái tầm thường.
- Hình tượng thơ vừa kì vĩ, lớn lao, vừa lãng mạn, bay bổng:
+ “Đông hải” (biển Đông): không gian rộng lớn – chí lớn của nhà cách mạng.
+ “Trường phong” (ngọn gió dài)
+ “thiên trùng bạch lãng” (ngàn lớp sóng bạc)
->Không gian vẫy vùng của bậc nam nhi đại trượng phu.
- “Nhất tề phi” (đồng loạt bay lên): Hình ảnh thật lãng mạn, hào hùng, mang tính biểu tượng, tô đậm tư thế hiên ngang, mạnh mẽ, nhiệt huyết sôi trào của người chí sĩ cách mạng buổi lên đường. Con người dường như có được đôi cánh thiên thần, bay bổng ở bên trên thực tại tối tăm, khắc nghiệt, vươn ngang tầm vũ trụ bao la
->Hình tượng người chí sĩ ra đi tìm đường cứu nước thật đẹp, thật kiêu hãnh, giàu chất sử thi.
- Lối nói nhân hóa “thiên trùng bạch lãng nhất tề phi” được dịch là “muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” tuy chưa khắc họa được tư thế và khí thế hùng mạnh, bay bổng như nguyên tác nhưng cũng cho thấy nhân vật trữ tình trong niềm hứng khởi đã nhìn muôn trùng sóng bạc không phải như những trở ngại đáng sợ mà như một yếu tố kích thích, tiếp sức cho con người bay thẳng tới chân trời mơ ước. Chúng là bạn đồng hành trong một cuộc ra đi hùng tráng.
=>Hai câu thơ là sự hăm hở của người ra đi qua khát vọng muốn vượt theo cánh gió dài trên biển rộng để thực hiện lí tưởng cách mạng
- Âm điệu hai câu kết:
+ Câu 7: Âm điệu rắn rỏi, thể hiện lời nguyện thề dứt khoát, thiêng liêng với chính mình, trước bạn bè, đồng chí và đồng bào.
+ Câu 8: Âm điệu nhịp nhàng, bay bổng, cao dần, xa dần làm cho lời nguyện biến thành hành động, dạt dào niềm lạc quan, phơi phới niềm tin.
III. Tổng kết
1. Nội dung
- Bài thơ chứa đựng nội dung tư tưởng lớn lao: có ý chí làm trai, có khát vọng xoay chuyển thời thế, có ý thức cá nhân, có trách nhiệm cao cả.
- “Lưu biệt khi xuất dương” là một tác phẩm có giá trị giáo dục to lớn đối với thanh niên nhiều thế hệ: sống có lí tưởng, có hoài bão, ước mơ và dám đương đầu với mọi thử thách để thực hiện hoài bão, ước mơ đó.
->“Lưu biệt khi xuất dương” là bài thơ từ biệt cũng là bài thơ mời gọi lên đường.
2. Nghệ thuật
- Thể thơ thất ngôn bát cú luật bằng truyền đạt trọn vẹn hoài bão, khát vọng của con người có chí lớn Phan Bội Châu.
- Bài thơ mang một giọng điệu rất riêng: hăm hở, đầy nhiệt huyết.
- Ngôn ngữ thơ kì vĩ mang tầm vóc vũ trụ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top