ODA sat thu kinh te

ODA – “Sát thủ kinh tế” của Nhật Bản?

Thứ hai, 14 Tháng 6 2010 09:36

Các dự án cho vay ODA được điểm qua ở trên đều do JICA đảm nhiệm khâu đầu tiên: nghiên cứu, viết dự án, thuyết phục nước sở tại, vận động hành lang... nhằm đạt đến mục đích cho họ vay ODA.

Mấu chốt của binh pháp ODA nằm ở quá trình thuyết phục con mồi. Như phân tích của giáo sư Sumi Kazuo, họ tạo ra và duy trì một “nhu cầu viện trợ giả tạo” [10], hướng đến “lợi nhuận cho doanh nghiệp Nhật” [11] và “đưa ô nhiễm của Nhật ra nước ngoài” [12]

Thành tố thứ ba là chính phủ. Chính phủ đảm đượng công việc kết nối tất cả các đầu mối trong nước và quốc tế, đảm bảo sự vận hành thông suốt của guồng máy ODA.

Ta hãy thử hình dung cách vận hành của “thế trận” nói trên trong một “trận đánh” cụ thể của họ.

Sách “ODA vì cuộc sống của người Nhật Bản” đã trình bày diễn biến và kết quả của dự án ODA trồng rừng ở đông bắc Thái Lan từ 4/1992 đến 3/1997. Dự án này được đặt tên là “Hợp tác quốc tế vì màu xanh”, nhưng kết quả cuối cùng là biến vùng đông bắc Thái Lan thành vùng cung cấp... gỗ bạch đàn sản xuất giấy cho Nhật Bản.

Khảo sát diễn biến của “trận đánh” này, ta sẽ thấy rõ cách thức hoạt động của “thế trận” bộ ba “Chính phủ – JICA – Giới tư bản” trong quá trình vận hành của một dự án ODA.

Câu chuyện bắt đầu từ nhu cầu của Nhật Bản. Người Nhật tiêu thụ giấy thứ 4 thế giới (trung bình một người 245 kg/1 năm), ngành công nghiệp giấy của Nhật sản xuất 3000 vạn tấn giấy/ năm (số liệu năm 1996). Tuy vậy, từ những năm 80, khi chính sách bảo vệ môi trường được xiết chặt, các doanh nghiệp giấy Nhật bắt đầu tăng cường mua gỗ bạch đàn ở nước ngoài, đặc biệt là của Thái Lan.

Và vì thế, một dự án ODA được vạch ra để giới tư bản giấy Nhật có thể khai thác tài nguyên gỗ của Thái Lan với giá rẻ.

JICA lập tức xuất hiện. “Báo cáo nghiên cứu về kế hoạch trồng rừng vùng đông bắc Thái Lan” ra đời năm 1992. Báo cáo mở đầu bằng những lời tốt đẹp:

“Ở Thái Lan, 20 năm trở lại đây, dân số tăng nhanh, đất nông nghiệp được mở rộng, nhu cầu gỗ phát triển, cho nên vùng đông bắc Thái tỷ lệ che phủ rừng năm 1961 là 40% thì nay giảm còn 14%” [13]

Trên cơ sở đó, JICA đề xuất một kế hoạch trồng rừng cho vùng đông bắc Thái. Chính phủ Thái đồng ý về mặt chủ trương và yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện. JICA liền đề xuất một kế hoạch trồng rừng mà tên gọi thì hết sức tốt đẹp, “Hợp tác quốc tế vì màu xanh”, nhưng người Thái chỉ nhận ra cái bẫy của nó sau khi dự án được triển khai 7 năm, khi mà không còn có thể tưởng tượng rằng vùng đông bắc Thái từng là “vương quốc của rừng” nữa.

Kế hoạch JICA đề xuất với Thái Lan gồm 3 việc:

- Viện trợ không hoàn lại 3 tỷ Yên xây dựng 4 trung tâm trồng cây giống, cây non quy mô lớn, xây dựng các cơ sở huấn luyện, cung cấp xe cộ và các phương tiện cần thiết khác.

- Gửi đến Thái Lan các chuyên gia lâm nghiệp của Nhật để huấn luyện sản xuất cây giống và chỉ đạo việc trồng rừng.

- Phái đến “Đoàn thanh niên Hợp tác Quốc tế” của Nhật Bản để “khai sáng” cho nông dân Thái ý thức về tầm quan trọng của rừng và việc trồng rừng (“Khai sáng” là từ họ dùng trong nguyên văn)

Không rõ những thanh niên Nhật Bản kia đã “khai sáng” cho nông dân Thái Lan điều gì, nhưng nông dân Thái chỉ thích trồng bạch đàn vì đó là “loại cây biến thành tiền”, và không rõ 4 trung tâm sản xuất cây giống kia tạo ra loại cây gì, nhưng từ 1992 đến 1995, một trăm triệu cây giống được phát miễn phí cho nông dân Thái Lan để họ tự trồng rừng, và trong đó, hầu hết là cây bạch đàn để sản xuất giấy.

Khi cả một vùng đông bắc trồng bạch đàn, thì một mặt, giá bạch đàn ở đây sẽ vô cùng rẻ, và mặt khác, nguồn nước và nguồn dinh dưỡng của đất bị hủy hoại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc nông dân được phát miễn phí cây giống bạch đàn với số lượng khổng lồ, là loại cây có lợi ích kinh tế trước mắt, đã làm cho diện tích rừng bạch đàn tăng vọt và diện tích rừng tự nhiên trước đó bị hủy hoại. Cái gọi là “hợp tác quốc tế” và “trồng rừng để bảo vệ thiên nhiên” chỉ là trò đùa. Hầu hết số tài sản 3 tỷ Yên của dự án đều phục vụ ngược lại cho Nhật Bản. Kết cục, dự án bị nhân sĩ Bangkok phản đối kịch liệt.

Nếu ví dự án ODA này là một cái bẫy thì cái lẫy then chốt của bẫy này là việc phát không cây giống cho nông dân tự trồng “rừng”. Thuyết minh cho chủ trương này, JICA đưa ra những lập luận tốt đẹp. Nông dân Thái Lan cũng đã trồng rừng một cách tự phát, vừa để bảo vệ môi trường vừa phục vụ nhu cầu cuộc sống. Vậy, có thể tận dụng điều này để thực hiện 2 việc một lúc: bảo vệ thiên nhiên và xóa đói giảm nghèo cho vùng đông bắc Thái [14] Làm sao chính phủ Thái có thể từ chối một lời đề nghị như thế?

Mưu kế này của JICA làm người ta nhớ lại những câu chuyện đấu trí được kể trong “Chiến quốc sách” ở bên Tàu.

Ở “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” của John Perkins, người đọc không hiểu vì sao một cá nhân như ông lại có thể làm được một khối lượng công việc khổng lồ là lần lượt thuyết phục các chính phủ Châu Mỹ La tinh, Đông Nam Á, Trung Đông lao theo những dự án giả dối nhằm phục vụ lợi ích tư bản Mỹ. Nhưng, ở trường hợp Nhật Bản lại hết sức dễ hiểu: thực hiện điều này không phải là một cá nhân mà là cả một bộ máy trong đó có những tổ chức đóng vai trò xung kích.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: