Chương 64: Không khoan nhượng (1)

Đại Duật kinh thành, Nhữ Trữ.

Trời vừa tờ mờ sáng, sau một đêm mưa xuân vừa chấm dứt, trên mặt đường lát đá dù không có nước đọng cũng rất trơn ướt. Một con khoái mã ẩn nấp bên trong bóng tối dày đặc, trên đại đạo Chu Tước một mạch phi nước đại, chạy hướng về phía cửa chính của Cấm uyển. Hai luồng khí trắng thở ra từ hai lỗ mũi con ngựa không ngừng dung nhập vào bên trong màn sương mù, cửa chính Cấm uyển Vĩnh An môn tựa như một con mãnh thú ẩn nấp trong bóng tối, chỉ chớp mắt đã đem khoái mã kể cả tín sứ nuốt vào trong bụng.

Tín sứ cưỡi ngựa một đường từ phương bắc chạy về, trên khôi giáp giống như còn mang theo sự khắc nghiệt cùng huyết khí rét lạnh nơi phương bắc.

Chiếu theo luật pháp Đại Duật, ở trong phạm vi Cấm uyển giục ngựa phi nước đại chính là tử tội phải chém đầu, nhưng tín sứ cầm công văn của Hoàng thượng chạy một đường thông suốt không hề gặp trở ngại, cũng không có ai dám ngăn đón hắn. Một đường lao nhanh như tên bắn đến trước Thái Cực điện, khi tín sứ vừa xoay người xuống ngựa thì hai chân như nhũn ra, thân mình lảo đảo gắng gượng để không ngã xuống, một tay chống đất đồng thời dựng người chạy thật nhanh, đem thư khẩn giao cho Nội thị đang kính cẩn chờ đợi ở bên dưới bậc thềm, Nội thị tiếp nhận ống trúc chứa thư khẩn, dùng hai tay nâng lên chạy chầm chậm vào bên trong điện, trình lên cho Hoàng thượng.

Cửa điện mở toang, ánh sáng ấm áp từ những ngọn nến lập tức tràn ra, chiếu sáng lên thềm đá nhưng lại không thể xuyên thủng màn sương mù do cơn mưa lạnh đêm xuân mang tới.

Hoàng đế Lý Cử ngồi ở phía sau bàn dài, hai bên là Nội thị khêu đèn dâng trà, dưới ánh nến nhìn không thấy rõ ngũ quan của Lý Cử, chỉ có một đôi mắt cực kỳ giống Lý Duyên Ý cũng được di truyền từ Tiên đế tỏa sáng rạng rỡ giữa bóng mờ. Không giống với Lý Duyên Ý chính là, đôi mắt của Lý Cử thiếu đi chút sắc sảo tự tin, nhiều hơn vài phần ảm đạm.

Thấy người mang thư tiến vào, không đợi hắn hành lễ Lý Cử liền nói thẳng: "Không cần hành lễ, mau đem thư đến cho quả nhân."

"Dạ!" Nội thị lên tiếng, đem ống trúc vẫn còn lạnh tay trình lên trên bàn.

Lý Cử rút mảnh vải bên trong ống trúc ra, mặt trên chỉ có hai hàng chữ: Tháng giêng trồng, tháng năm thu hoạch. Thu hoạch xong, rễ cây phục sinh, tháng chín chín.

Hai câu này là nằm trong bài thơ 《 Quảng chí 》, nhìn qua tựa hồ đang miêu tả công việc trồng lúa, kỳ thực chính là ám hiệu giữa hắn và Tạ Phù Thần, ý tứ là Tạ Phù Thần đã tới Mạnh Lương trọng trấn ở tiền tuyến phương bắc rồi, việc chiêu binh mãi mã đã có thành quả bước đầu, tin tưởng không lâu sau nhiệm vụ hai mươi vạn xe ngựa mà Lý Cử giao phó sẽ có thể hoàn thành.

Trong đôi mắt ảm đạm của Lý Cử lập tức có thêm một chút ánh sáng, hắn đem mảnh vải đốt dưới ngọn lửa, Nội thị ở bên cạnh vội mang chậu đồng đưa tới, nhìn thấy mảnh vải ở bên trong chậu đồng cháy bùng thành một đống tro tàn, không hề lưu lại bất kỳ một chữ viết nào, Lý Cử mới yên lòng phất tay cho người mang nó lui xuống.

Tạ Phù Thần lần này bí mật bắc thượng chính là được hắn giao phó. Thân là Hoàng đế hắn không có khả năng đi đến một nơi thích hợp tàng binh mà không bứt dây động rừng, tai mắt của Thái hậu Canh thị cùng Lý Duyên Ý trải rộng khắp Nhữ Trữ thậm chí cả Đại Duật, một khi hắn có chút động tĩnh gì nhất định sẽ bị mật thám đang theo dõi hắn tố giác với Canh thị cùng Lý Duyên Ý.

Thật sự là hoang đường, tất cả mọi người đều nói thiên hạ này chính là vương thổ, thế nhưng ta là vua mà lại không có cách nào rời đi một tấc đất nơi này! Cấm uyển cũng giống như cái tên của nó, chính là một khu vườn giam cầm, vây nhốt ta thật chặt ở trong đó.

Tuy rằng nhất cử nhất động của hắn đều bị theo dõi, nhưng hắn cũng không phải chỉ có một mình, hắn còn có tay sai tâm phúc. Khi bổ nhiệm Tạ Phù Thần làm Ngự sử Trung thừa phụ trách giám sát vạch tội bá quan chính là hắn đã vươn một bàn tay ra khỏi Cấm uyển. Bàn tay này cực kỳ hữu lực mà lại biến hóa rất nhanh, có thể giúp hắn từng bước tiến hành phục thù tất cả.

Thế nhân đều biết đương kim Hoàng đế Đại Duật Lý Cử không phải là thân sinh cốt nhục của Thái hậu, thân mẫu của hắn chính là tỳ nữ lúc trước hầu hạ Thái hậu chải tóc, cho đến chết cũng chỉ là một Lương nhân phẩm cấp không cao.

Nhưng thế nhân chỉ biết dưới gối Tiên đế tử tự đơn bạc, lại không biết được nguyên nhân của chuyện này.

Năm xưa khi vẫn còn là Hoàng hậu, Canh thị mặc dù đã sinh hạ Công chúa Lý Duyên Ý, nhưng bởi vì năm đó trong lúc sinh nở thân thể bị tổn hại nên không thể mang thai lần nữa để sinh hạ Hoàng tử. Mà trong các phi tần hễ là người có thai thì đa số đều khó có thể sinh con, không phải sảy thai thì chính là khó sinh, nếu ngẫu nhiên có Hoàng tử được sinh ra đời, thì hoặc là chết yểu hoặc là có bệnh dai dẳng quanh năm phải nằm trên giường, người trưởng thành khỏe mạnh lại không có ai. Nguyên nhân ở trong đó e rằng chỉ có Canh thị biết.

Canh thị không có nhi tử vì để củng cố hậu vị, mới đem tỳ nữ thiếp thân tư sắc động lòng người Trương thị dâng cho Tiên đế. Trương thị ôn nhu mạo mỹ lại đi theo bên cạnh Canh thị hầu hạ nhiều năm, biết cách chiều lòng Hoàng thượng, sau vài lần được ân sủng thì có thai, sau khi sinh hạ Hoàng tử thì được sắc phong làm Lương nhân. Vị Hoàng tử đó chính là Lý Cử.

Sau khi Lý Cử sinh ra được một năm, Canh thị gần ba mươi tuổi đột nhiên có dấu hiệu mang thai, nhưng bào thai dường như không ổn định, có nguy cơ cao bị sảy thai. Thân mẫu của Lý Cử là Trương thị vì để bảo trụ tính mạng của Lý Cử, giống như trước đây lúc còn làm tỳ nữ mỗi ngày đều ở trước mặt Canh thị cẩn thận hầu hạ, bưng trà rót nước mọi việc ăn uống tẩm bổ đều do nàng tự tay hầu hạ, ban đêm cũng thường bồi ở bên cạnh. Bất luận Canh thị trong lúc mang thai có nóng nảy như thế nào nàng đều cắn răng chịu đựng, không có nửa câu oán hận.

Tháng tám năm sau, vào đêm trung thu Canh thị hạ sinh một nam hài khỏe mạnh, Trương Lương nhân cả đêm nhìn trời không ngủ, tựa hồ đánh hơi được tai họa sắp đến, cả người gầy mọp đến đáng sợ. Nàng hầu hạ Canh thị lâu như vậy chính là sợ Canh thị thật sự sinh hạ được Hoàng tử sẽ vì địa vị Thái tử mà hại chết Lý Cử.

May mà sự hầu hạ chu đáo đó đã đổi lấy sự tín nhiệm của Canh thị, bảo vệ cho Lý Cử một mạng.

Đích tử được sinh ra khiến Hoàng thượng mừng rỡ, đợi đến lúc tiểu Hoàng tử được trăm ngày liền hạ chiếu thư phong làm Thái tử, đại xá thiên hạ toàn quốc ăn mừng.

Đế hậu đối với đích tử khó khăn lắm mới có được này thập phần quý trọng, tất cả mọi thứ từ y phục ăn uống của Thái tử đều do Canh thị đích thân chuẩn bị, nhũ mẫu được sử dụng đã phải trải qua tầng tầng sàng lọc không hề có một chỗ sơ suất nào. Lúc Thái tử đến tuổi vỡ lòng Hoàng thượng còn thỉnh một vị đại nho đương thời đảm nhiệm chức vụ Tam sư cho Thái tử. Thái tử còn nhỏ thông minh lĩnh ngộ vượt trội, đế hậu dồn hết tâm huyết vào việc dưỡng dục hắn, vô cùng yêu thương lễ vật mà trời xanh đã ban cho bọn họ đây.

Thế nhưng ai cũng không ngờ được Thái tử vào năm mười tuổi lại nhiễm phải bệnh dịch, bệnh một trận không dậy nổi, không tới một tháng thì qua đời.

Thái hậu bi thương cùng cực, Hoàng thượng cũng bệnh nặng một trận, mấy tháng không thể thượng triều. Một tháng sau khi Thái tử bệnh qua đời Canh thị đem Lý Cử từ chỗ Trương Lương nhân đón vào trong cung của mình dưỡng dục.

Cùng với cái chết yểu của Thái tử, trong thành Nhữ Trữ bùng phát ôn dịch kéo dài đến nửa năm, sau khi trận dịch đó qua đi khắp nơi đói kém, mười hộ thì hết chín đều trắng tay.

Hoàng thượng sai người điều tra rõ nội tình Thái tử nhiễm dịch bệnh, mới biết chính là do thị nữ ở Đông cung tự tiện đi trao đổi thư tình cùng tình lang ở ngoài cung, mà tình lang kia lại là một trong những người bị nhiễm dịch bệnh sớm nhất.

Hoàng thượng tức giận đem tất cả tỳ nữ cùng hoàng môn nội thị ở Đông cung của Thái tử toàn bộ xử tử, cung nữ cùng tình lang lén lút gặp gỡ kia bị tru di tam tộc.

Việc này tra rõ không bao lâu sau thì Trương Lương nhân cũng bị bệnh qua đời, Lý Cử trở thành nhi tử duy nhất của Tiên đế. Năm ấy Canh thị đã gần ba mươi bảy tuổi, nếm qua bao nhiêu linh đan diệu dược đều không có dấu hiệu mang thai, mà thân thể của Hoàng thượng từ sau nỗi đau mất con cũng dần dần tiều tụy, việc lập trữ trở nên ngày càng cấp bách.

Không còn cách nào khác, năm tiếp theo Lý Cử được phong làm Thái tử.

Nếu không phải Thái tử trước chết sớm thì tuyệt đối cũng không tới phiên hắn một Hoàng tử xưa nay không hề chiếm được sự quan tâm của Hoàng thượng lên kế vị, chuyện này Trương Lương nhân biết, Lý Cử càng biết rõ.

Lúc Lý Cử đăng cơ chỉ mới mười bốn tuổi, Thái hậu Canh thị buông rèm chấp chính, tất cả quốc sự đều phải qua tay nàng mới được thực thi.

Hắn tuyệt đối sẽ không bao giờ quên được ánh mắt đâm thẳng vào lưng hắn của Canh thị ngồi ở phía sau bức rèm che mỗi khi thượng triều. Giai đoạn đầu hắn mới thượng vị từng bước đi đều rất gian nan, bị hạn chế trăm bề. Mỗi một câu đều phải trải qua cái gật đầu đồng ý của Thái hậu, trên triều đường lại càng không phải là nơi yên ổn, thuần túy chỉ là một vật bài trí. Nếu có chỗ nào làm không đúng thì sau khi bãi triều sẽ bị gọi vào bên trong tẩm cung của Thái hậu, để cho Lý Duyên Ý ở một bên ra sức phê bình hắn phải làm như thế nào như thế nào, còn Thái hậu thì sẽ càng không ngừng ai thán, nhớ đến hoàng nhi quá cố của nàng nếu còn tại thế thì hẳn là tốt biết bao nhiêu.

Lý Cử biết chính mình chẳng qua chỉ là một con rối, thứ mà Canh thị và Lý Duyên Ý muốn chính là một Hoàng đế bù nhìn biết nghe lời, tất cả quyền binh triều chính đều nằm trong tay hai mẹ con bọn họ, muốn thoát khỏi các nàng, bước đầu tiên cần làm chính là đoạt lại những gì vốn thuộc về hắn.

Thế nhưng Canh thị xảo quyệt, Lý Duyên Ý tâm ngoan thủ lạt, muốn từ trong tay các nàng rút ra dù chỉ một chút quyền hành cũng đều thập phần khó khăn.

Lý Cử đến năm hai mươi tuổi trên tóc đã có rất nhiều sợi bạc.

May mà hắn có một vị Hoàng hậu tốt, hiền lương thục đức hiểu được nỗi khổ của hắn, không oán không hận mà bồi ở bên người hắn khuyên giải an ủi hắn; lại có Quốc trượng Phiêu Kỵ Đại Tướng quân Phùng Khôn và Ngự sử Trung thừa Tạ Phù Thần cùng với các cựu thần đang âm thầm ủng hộ, mới có thể thừa dịp Thái hậu bệnh nặng đoạt lại một ít quyền hành.

Lý Cử hiện tại vô cùng hối hận, hối hận năm đó đã không nghe theo lời Tạ Phù Thần, thừa dịp Thái hậu bệnh nặng mà lấy mạng Thái hậu, bằng không cũng sẽ không vì chuyện tranh quyền mà khiến nàng tức giận, muốn phế truất Hoàng thượng lập Trưởng Công chúa làm nữ đế.

Nghĩ đến Lý Duyên Ý, trong lòng Lý Cử lại phẫn nộ.

Vị Trưởng Công chúa này hiện giờ càng ngày càng không kiêng nể gì, hôm qua trong mật thư đưa về có viết rằng, nàng ở Nam Nhai quận trưng thu lương thực của cải quy mô lớn từ các thế gia vọng tộc, lại công khai dùng danh nghĩa Hoàng thượng làm chuyện mưu nghịch! Nam Nhai có rất nhiều thế gia vọng tộc nhưng lại thật sự hướng nàng nịnh nọt lấy lòng, Vương gia lại đem năm vạn xe lương thực vốn muốn nộp lên triều đình toàn bộ đều dâng hiến cho Lý Duyên Ý.

Một đám người nịnh nọt không biết liêm sỉ! Lý Cử xem xong mật thư đó liền nổi cơn thịnh nộ, nện đỏ cả trán của một tiểu Hoàng môn.

Lý Cử hung hăng đem tiểu Hoàng môn kia kéo vào trong phòng vừa đánh vừa đạp, sau khi phát tiết xong một lần nữa sửa sang y quan, bình tĩnh lại.

Cũng may Tạ Trung thừa còn có hậu chiêu, cho dù năm vạn xe lương thực kia bị đoạt đi cũng chưa tới mức gây sợ hãi.

Lý Cử biết chỉ cần thời cơ chín muồi, Thái hậu cùng Lý Duyên Ý sẽ không để cho hắn sống sót, chỉ sợ hắn cũng sẽ giống như mẫu thân Trương thị bệnh chết trên giường, rồi để lại một thánh chỉ giả mạo truyền ngôi vua cho Lý Duyên Ý.

Hắn cần phải sớm có sự chuẩn bị, cho nên mới mật lệnh cho Tạ Phù Thần bí mật đóng quân ở Mạnh Lương. Mạnh Lương rất gần với mặt trận phương bắc, mục đích chính là dùng chiến loạn để che giấu, có thể thực hiện việc trưng binh mà không bị phát hiện. Một khi Lý Duyên Ý muốn tạo phản, cho dù có phải liều mạng cá chết lưới rách cũng tuyệt không thể để cho giang sơn rơi vào tay Thái hậu cùng Trưởng Công chúa đám ác phụ này.

Hiện giờ chuyện đóng quân của Tạ Phù Thần hết sức thuận lợi, chỉ cần chuyện hòa thân được ngã ngũ, Đại Duật cùng Trùng Tấn kết làm liên bang, thì tai họa chiến tranh có thể được hóa giải. Cho dù Lý Duyên Ý có nắm trong tay năm vạn xe lương thực kia cũng không có đất dụng võ. Đến lúc đó hai mươi vạn đại quân từ phương bắc áp chế tới nhất định là vượt ngoài dự kiến của Thái hậu cùng Lý Duyên Ý. Đến thời điểm xung đột vũ trang chính là lúc hai mẹ con yêu nghiệt đó phải chết!

Lý Cử đề bút viết xuống một câu trong《 Đoản ca hành 》: Sơn bất yếm cao, thủy bất yếm thâm. Chu Công thổ bộ, thiên hạ quy tâm*.

(*) 山不厌高, 海不厌深. 周公吐哺, 天下归心: Núi không ngại cao, sông không ngại sâu. Ta giống như Chu Công tiếp đãi hiền tài, thiên hạ sẽ quy thuận về ta.

Sau khi viết xong nhét vào bên trong ống trúc ném cho Nội thị nói: "Nhanh đi, không được chậm trễ."

"Dạ!"

Nội thị giao cho tín sứ đang chờ ở bên ngoài điện, thân ảnh của tín sứ một lần nữa dung nhập vào bên trong bóng tối, tiếng vó ngựa ở bên trong cung tường vang vọng thật lâu không dứt.

. . . . . .

Vết thương của Lạp Lệ Sa dưỡng được vài ngày, bắt đầu ngứa ngáy. Mặc dù vẫn còn chút đau đớn, nhưng cũng không ngăn cản được nàng xuống giường chạy nhảy. Phác Thái Anh thấy nàng đích xác không có gì đáng ngại nữa, liền bảo Linh Bích thu thập hành trang chuẩn bị đi hướng đến tây bắc.

Lạp Lệ Sa quang minh chính đại mà nhìn công văn thông quan của Phác Thái Anh, quả nhiên là muốn quay về Tuy Xuyên.

Năm vạn xe lương thực của Vương gia dòng chính đã được Lý Duyên Ý mang đi, năm vạn xe kiếm được từ chỗ Vương Tiến còn đang ở trong tay Lạp Lệ Sa, Phác Thái Anh tựa hồ không có nói với Lý Duyên Ý về nguồn gốc của số lương thực này, để cho Lạp Lệ Sa tận lực sắp xếp năm vạn xe lương thực này vào bên trong những chiếc xe ngựa lớn, càng ít xe thì đi đường sẽ càng thuận tiện. Lạp Lệ Sa sắp xếp nửa ngày xếp được hơn một ngàn chín trăm xe, Phác Thái Anh bảo nàng đem hơn một ngàn xe này chia làm ba đường khác nhau chạy hướng đến Tuy Xuyên.

"Lần này đường xá xa xôi, ắt không thể đem toàn bộ trứng gà đều đặt vào trong cùng một giỏ." Phác Thái Anh nói.

"Tỷ tỷ là sợ dọc trên đường đi còn có thể có người của Tạ gia gây loạn?"

"Đâu chỉ có Tạ gia, dọc theo lộ trình trèo đèo lội suối này, còn có lương dân đã bị thiên tai bức thành đạo tặc, nhìn thấy xe lương mà không cướp mới là không hợp lý."

Phác Thái Anh nói không sai, ở khắp nơi các nàng đi qua đều là thi cốt người chết đói, từ lão nhân tám mươi cho tới hài tử còn trong bọc tã, người ăn mày rất nhiều. Nam Nhai được xem như là vùng đất đông đúc và trù phú của Đại Duật, càng đi về hướng tây bắc lại càng rét lạnh hoang vu, nạn dân cũng càng nhiều.

Phác Thái Anh bảo Lạp Lệ Sa cùng Linh Bích chừa lại mười xe lương thực mang theo cùng, dọc theo đường đi bố thí lương thực.

"Mặc dù không thể cứu trợ toàn bộ dân chúng Đại Duật, nhưng cũng xem như đã dùng hết toàn lực ít ỏi của ta."

Lạp Lệ Sa cưỡi trên lưng Vân Trung Phi Tuyết, thấy Phác Thái Anh ngồi ở bên ngoài xe ngựa, đơn giản là vì nàng muốn nhìn xem cảnh khổ cực lầm than.

Trong phần lớn thời gian Lạp Lệ Sa nhìn không thấu được tâm tư của Phác Thái Anh, cho rằng những cảm xúc biểu lộ ra từ trong ánh mắt nàng đều mang theo ý tứ giả dối. Thế nhưng Phác Thái Anh lúc này lại chân thật đến như vậy, nàng đích thực là đang chăm chú tỉ mỉ mà cảm thụ nỗi thống khổ này của quốc gia cùng bách tính, cảm thụ nỗi thống khổ mà tai họa đã gây ra cho bọn họ. Nỗi chua xót này từ bên trong hai đồng tử của nàng phản chiếu ra, chân thành không chút giả dối.

Lạp Lệ Sa thả chậm tốc độ, lặng lẽ theo sát bên cạnh Phác Thái Anh, cùng nàng sóng vai mà đi.

Phác Thái Anh bảo mã phu đánh xe hướng đến chỗ nạn dân đông đúc, đám nạn dân đói khát cùng cực đó gặp được xe lương liền muốn nhào tới cướp đoạt, bị nhóm hộ vệ nhanh nhạy của Phác Thái Anh ngăn cản lại, sau khi giết chết mấy kẻ điên cuồng nhất không nghe quản giáo thì đám đông cuối cùng cũng trấn định lại.

"Nếu muốn ăn, thì ở chỗ này xếp hàng." Thanh âm của Phác Thái Anh không lớn, nhưng lại vừa nhanh vừa có uy lực đã lập tức phát huy tác dụng. Mấy trăm nạn dân đói khát đến không còn hình người lập tức xếp thành một hàng dài, Lạp Lệ Sa bảo bọn họ chuẩn bị sẵn túi vải, từng người một tiến đến đây nhận gạo. Tiểu Hoa cùng Linh Bích đem tấm vách ngăn phía dưới thùng gạo vặn mở, gạo ào ào chảy ra, nạn dân đã lâu không nhìn thấy gạo, hai hàng nước mắt chảy xuống, trên khuôn mặt bẩn thỉu quét ra hai vệt bùn đất, quỳ trên mặt đất tạ ơn Phác Thái Anh.

Một phụ nhân hơn bốn mươi tuổi áo quần rách rưới ôm tôn nhi của nàng ở trong lòng, tiến đến dập đầu với Phác Thái Anh, cảm tạ ân cứu mạng của nàng.

Phác Thái Anh thấy hài nhi đang khóc, liền bảo phụ nhân đưa hài nhi cho nàng dỗ dành.

Ai ngờ hài nhi vừa được ôm vào trong ngực nàng liền khóc càng dữ dội hơn, Phác Thái Anh cùng phụ nhân kia đều có chút lúng túng.

"Linh Bích, ngươi biết cách hống đứa nhỏ chứ?" Phác Thái Anh chống lại tiếng khóc của hài nhi mà hỏi Linh Bích đứng bên cạnh.

Linh Bích há hốc mồm: "Cái này, thực không biết."

Phác Thái Anh đảo ánh mắt qua một vòng, trực tiếp lướt qua Tiểu Hoa, hỏi Lạp Lệ Sa: "Muội muội, ngươi có biện pháp làm cho hắn nín khóc chứ?"

Lạp Lệ Sa tuổi thực chỉ mới mười lăm quả thật không thể tin được Phác Thái Anh lại hỏi một vấn đề ngây ngô như vậy: "Tỷ tỷ, chưa từng sinh nở, không có biện pháp."

"Có muốn thử không?"

Lạp Lệ Sa không có cách nào khác, đành tiếp nhận đứa nhỏ, học theo bộ dáng nhũ mẫu ở Tuy Xuyên Tạ gia ngày xưa ôm hài nhi trong cánh tay nhẹ nhàng đung đưa, không ngờ đứa nhỏ kia lại thật sự ngừng khóc, nhìn Lạp Lệ Sa mà mỉm cười.

"Hắn cười rồi." Lạp Lệ Sa hưng phấn nói với Phác Thái Anh.

Phác Thái Anh "Ân" một tiếng, lại còn nói: "Xem ra Lệ Sa muội muội của ta sau này sẽ là một mẫu thân tốt."

Lạp Lệ Sa nghe được lời này suýt chút nữa ngay tại chỗ ném đứa nhỏ ra ngoài.

Đem đứa nhỏ trả lại cho phụ nhân kia, nét tươi cười của Phác Thái Anh còn đọng ở trên mặt, bỗng nhiên vang lên một tràng tiếng chó sủa khiến nàng đột nhiên biến sắc.

Lúc đầu Lạp Lệ Sa còn không chú ý ở phụ cận có mấy con chó lang thang tụ lại một chỗ, ánh mắt lộ ra hung quang. Chúng nó đói đến mức chỉ còn da bọc xương, không ngừng tìm kiếm thức ăn, nhìn thấy động tĩnh của các nàng ở chỗ này phát gạo liền nhịn không được mà dừng chân nhìn thêm vài lần, tựa hồ đang mưu đồ cái gì đó.

Phác Thái Anh hoảng sợ nhìn về phía đàn chó, vẻ sợ hãi rõ rệt.

Mấy con chó kia thu được ánh mắt của nàng lại tiến bước rất nhanh đến đây, Phác Thái Anh bỗng nhiên kêu lên: "Lệ Sa!"

Lạp Lệ Sa không biết đã xảy ra chuyện gì, cho rằng có thích khách, muốn cưỡi ngựa đi tra xét, thì thấy Phác Thái Anh đang ngồi trên xe ngựa vội vàng giang mở hai cánh tay ra hướng về phía nàng. Lạp Lệ Sa cảm thấy nóng lên, nhanh chóng xuống ngựa, đem Phác Thái Anh ôm vào trong lòng.

Phác Thái Anh vẫn giống như những lần trước ôm vòng qua cổ nàng, nhưng lần này lại có chút bất đồng. Phác Thái Anh đem toàn bộ khuôn mặt mình vùi vào trong ngực nàng, hai cánh tay ôm vòng qua cổ nàng đặc biệt dùng sức thậm chí có chút run rẩy. Lạp Lệ Sa bị nàng siết chặt đến có chút khó thở, khàn giọng khẽ trấn an:

"Tỷ, tỷ tỷ đừng sợ, có ta ở đây."

Thế nhưng Lạp Lệ Sa không biết nàng đang sợ cái gì, chẳng lẽ là sợ mấy con chó hoang kia?

Hộ vệ nhanh chóng chạy tới giết sạch bầy chó hoang, rồi trở lại quỳ gối trước mặt Phác Thái Anh đồng thời hô lên: "Tiện nô đáng chết! Vậy mà lại bỏ sót mấy con chó này! Thỉnh nữ lang trách phạt!"

Quả nhiên là chó. Lạp Lệ Sa thật sự không nghĩ tới Phác Thái Anh lại sợ chó đến như vậy. Lúc này nàng mới chú ý nhận ra dọc theo đường đi đây là lần đầu tiên nhìn thấy chó, hay là trước đó đều đã bị nhóm hộ vệ thanh lý cả rồi? Nàng nhạy cảm mà nhớ tới vết thương do bị cắn ở trên lưng Phác Thái Anh, chẳng lẽ là có liên quan đến chó?

Nghe hộ vệ hồi báo, Phác Thái Anh mới chậm rãi dời khuôn mặt ra khỏi ngực Lạp Lệ Sa, trên gương mặt trắng bệch có vài phần sợ hãi không thể che giấu được, sau khi xác định bầy chó kia thực sự đã chết hết nàng mới nhẹ nhàng thở ra, bả vai hơi hạ xuống, vẫn là hết sức khó chịu mà nhắm mắt lại, tiếp tục lưu luyến ở trong sự ôm ấp của Lạp Lệ Sa, giọng nghèn nghẹn nói:

"Đem chúng nó chôn đi."

Nhóm hộ vệ đồng thanh nói: "Dạ!"

Hóa ra Phác Thái Anh cũng không phải hoàn toàn không có kẽ hở giống như nàng biểu hiện, nàng cũng có cảm xúc sợ hãi giống như người bình thường vốn có.

Lạp Lệ Sa thấy nàng mặc dù sợ hãi nhưng vẫn ngoan cường cực lực duy trì dáng vẻ trấn định thật sự chọc người thương tiếc, liền bế nàng đặt lên chỗ ngồi của mã phu, ôn nhu vuốt tóc nàng, đem mấy sợi tóc dính vào môi nàng vén lên, dán vào bên tai nàng nói: "Có Lệ Sa ở đây, cái gì cũng không làm tổn thương được tỷ tỷ. Ta mang tỷ tỷ lên xe nha."

Cái trán của Phác Thái Anh dán vào trong ngực nàng cọ cọ, giống như động tác gật đầu. Lạp Lệ Sa cẩn thận từng chút một ôm nàng lên xe.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #notag