Chương I - BA NGUYÊN DO LỚN
Khắp các dân tộc ở trong thiên hạ thế giới xưa nay, không ai hề thấy dân tộc nào có cái lịch sử tấn hóa tự cường một cách vẻ vang, một cách lạ lùng, một cách mau chóng cho bằng dân tộc Nhựt-bổn.
Mạnh bạo vẻ vang ?
Phải.
Bao nhiêu quốc gia dân tộc lớn nhỏ ở Đông-phương mình, đến giữa thế-kỷ 19, là lúc bàn cờ thiên hạ đã xoay ra cái thế "mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết" rõ ràng lắm rồi, thế mà vẫn còn mơ màng không tỉnh, một mực giữ riết những cái dấu hủ bại hèn yếu như xưa, thành ra lần lượt trước sau bị các cường-quốc Thái-tây qua chinh phục lợi dụng hết thảy. Nhựt-bổn ở Đông-phương cũng đang là một nước trong các nước hủ bại hèn yếu đó, bỗng chốc nổ vang như tiếng sét đánh, họ nổi lên duy-tân hùng-cường một cách thật là oanh liệt. Trải 30 năm ra sức sửa mình, mau chưn lẹ bước, Nhựt đuổi theo kịp Âu-châu trên đường văn minh, rồi cùng một nước rất mạnh của Âu-châu thử sức đánh nhau mà Nhựt đại thắng, làm cho tai mắt tâm hồn cả thế giới đều phải rúng động kinh hoàng. Cho đến hiện nay, về binh lực, về cơ khí, về học thuật, về công nghệ v.v. mặt nào Nhựt cũng dư sức cùng các cường quốc Âu-Mỹ thích cánh chen chưn mà đứng vào hàng thứ nhì trong thiên hạ.
Nói cho phải, thiệt nhờ có Nhựt-bổn tự cường và tranh dành với Âu-Mỹ được như thế, thành ra giống da trắng cũng bớt lên mặt coi rẻ giống da vàng ; trái lại, còn lo sợ nay mai có cái họa da vàng (péril jaune) nữa là khác.
Mau chóng lạ lùng ?
Phải.
Y như câu chuyện nghề võ đánh trả thầy. Con đường văn minh khoa học của người Thái-tây hao tốn biết bao tâm lực công phu, trải ba bốn thế- kỷ xây đắp mới nên, và đi lần hồi từng bước, trải ba bốn thế-kỷ bạt thiệp mới tới. Ai không nghĩ rằng những kẻ khác có giỏi học mót theo sau, cũng chẳng khi nào mau chóng tới mức kịp thầy cho được. Thế mà Nhựt-bổn phăng phăng sấn bước, chỉ trong vòng 30 năm là họ đủ theo kịp Âu-Mỹ và dựng lên được cái lâu đài văn minh khoa học cũng đẹp lộng lẫy như của Âu- Mỹ vậy. Rồi thì "quơ lấy gậy ông, đập lưng ông, lấy ngay giáo giặc để đâm giặc", bây giờ họ đem ngay những cái đã học của Âu-Mỹ ra đua chọi tranh giành với Âu-Mỹ. Thử coi lâu nay Nhựt-bổn có binh lực khiến cho Âu Mỹ phải kính nể, kiêng dè ; còn các đồ công nghệ chế tạo họ đem qua bày đầy ở giữa thị-trường Âu-Mỹ mà bán cạnh tranh giá rẻ, làm cho Âu-Mỹ phải rên.
Một dân tộc, một quốc gia đang ở trong vòng yếu hèn cũ kỹ mà thay đổi thành ra một nước giàu mạnh mới khôn, người ta gọi đó là cuộc tấn hóa. Lẽ thường, cuộc tấn hóa phải đi lần hồi từng chặng, từng bước. Nhưng cuộc tấn hóa của Nhựt-bổn đã thiệt hành và thành công một cách mau lẹ quá thế, ta phải bảo là họ chạy, họ nhảy, họ bay ; cũng có thể nói là họ xẹt một cái như chớp nháng mà tới cõi văn-minh phú-cường, chớ có phải họ đi từng chặng từng bước gì đâu !
Thiệt vậy, thử mở hết lịch-sử nhơn-loại ra mà coi, đông tây kim cổ, có dân tộc nào chỉ dong duỗi trong 30 năm mà theo kịp người ta trên con đường văn minh người ta đã đi ba bốn thế kỷ không ? Có quốc-gia nào chỉ sửa sang thay đổi trong 30 năm mà được mới hẳn mặt mày, trở nên tốt đẹp, như là Nhựt-bổn vậy không ?
Ai cũng phải nói rằng không. Ai cũng phải chịu rằng xưa nay chỉ thấy có một mình Nhựt-bổn được vậy mà thôi.
*
* *
VIỆC GÌ CŨNG CÓ NHƠN QUẢ. - Bởi vậy, tất ai cũng phải lấy làm lạ lùng nóng nảy, không biết Nhựt-bổn có những lực lượng gì và căn-nguyên vì đâu mà cuộc duy-tân hùng cường mau lẹ quá chừng như thế ?
Cố nhiên là họ nhờ có vua quan tài giỏi khôn ngoan, có dân-tâm sốt sắng hăng hái, mới hiểu biết những chỗ bắt buộc cần dùng của phong trào, của thời thế mà mạnh bạo tự tân tự cường cho mau. Đó là một lẽ căn-bổn. Song ở trên cái căn bổn hiện tại nầy còn có những cái căn bổn dĩ vãng xa xuôi khác. Ấy là tinh-thần dân-tộc, là lịch sử quốc gia, Nhựt-bổn vẫn khác lạ hơn người ta ; như là họ có sẵn mầm giống tốt đẹp chất chứa từ lâu rồi, đến nay gặp được công phu vun trồng, thời tiết thúc giục, làm cho mầm giống đó dễ đâm chồi nảy nhánh ra và rồi mau trổ bông tươi kết trái tốt vậy.
Trên đời, có vật gì không thai mà nên hình, có việc nào không nhơn mà có quả cho được. Bởi thế, ngày nay nếu ta muốn biết vì sao Nhựt-bổn duy tân được mau lẹ vẻ vang thế kia, thế nào cũng nên xét qua về lịch sử quốc-gia và tinh thần dân-tộc của họ trước hết. Họ có cái kết quả rực rỡ như hôm nay vốn là nhờ có nhiều cái nguyên nhơn đã ương từ đời trước.
Theo ông Bá-tước Đại-ôi Trọng-tín thì nguyên nhơn ấy có ba.
Tôi xin giới-thiệu liền để độc giả biết rằng Đại-ôi Trọng-tín (大隈 重信 Okuma Shigenobu) là một người có dự phần công lao rất lớn trong cuộc Minh-trị Duy-tân và đã chứng kiến tất cả thời đại vẻ vang ấy từ đầu tới cuối. Ban đầu, ông kêu gào duy tân cải cách rất là hăng hái ; sau bước vào trong chánh giới hoạt động, trở nên một bực yếu-nhơn, khi làm tham-nghị trào đình, khi làm nội các tổng-lý. Lúc ở đàn chánh trị bước xuống thì ông lo việc giáo dục, tự mở ra một trường đại-học có chủ-nghĩa cao, qui-mô lớn (1) cốt để rèn tập nhân tài cho nhà nuớc dùng. Chính ông soạn ra bộ sách "Khai quốc ngũ thập niên sử 日本開国五十年史 ", 1.500 trương, biên chép công việc duy-tân từ trước đến sau, đầy đủ, rõ ràng. Nay tôi viết ra cuốn sách tầm thường để hiến độc giả đang coi đây, ngoài ra những tài liệu góp nhặt ở nhiều nơi khác một phần lớn là nhờ nơi tài liệu trong sách của họ Đại-ôi vậy.
Đại-ôi nói rằng Nhựt-bổn được biến hóa cường thạnh như ngày nay tuy có nhiều nguyên nhơn, song bao nhiêu nguyên nhơn gì cũng đều qui tụ cả vào ba điều cốt yếu sau đây :
1. - Nối dõi Thần quốc, bền vững nguyên lành.
2. - Dân tộc nhờ địa-lý thiên nhiên mà sanh ra có nhiều tánh chất đặc biệt.
3. - Chế độ phong kiến gây nên những cuộc chia đất tranh hùng, chống chỏi ganh đua nhau luôn luôn, thành ra dồi mài un đúc được chí bền sức mạnh và nảy ra lắm tài khéo tánh khôn.
Đó là ba cái điều-kiện thiết yếu, theo họ Đại-ôi, làm nền móng sâu xa cho cuộc duy-tân Nhựt-bổn ngày nay. Trong bài tổng luận cuốn "Khai quốc ngũ thập niên sử" tác giả đem những tài liệu chứng cứ ra giải bày ba việc trên đây thấu suốt và lý thú lắm. Tôi dựa theo đó và phụ thêm nhiều kiến-văn góp nhặt ở ngoài, lược thuật ra mấy đoạn sau nầy, để cho độc giả trước hết nên biết cuộc phát triển tự cường của Nhựt-bổn vốn có nguồn gốc sẵn sàng từ xưa ra thế nào ?
(1) Tức là trường Tảo-đạo-điền đại học 早稲田大学 - Waseda daigaku ở Đông-kinh ngày nay.
1. - NỐI DÕI THẦN QUỐC
Sự tin tưởng của người ta, tuy cùng một tên, nhưng mà khác thể : có sự tin tưởng chỉ là mê hoặc, sanh ra có hại ; có sự tin tưởng chính là dấu hiệu của lý-tánh, của tinh thần, của cái gốc sanh-tồn hoạt-động ở đời ; sự tin tưởng ấy thành ra cần dùng và có lợi.
Phàm người có ôm giữ trong óc một điều tin tưởng gì đúng đắn vững vàng, ta thường thấy họ đi trên đường đời ít khi vương nhằm những nỗi trắc trở sai lầm, mà công việc họ làm cũng dễ thành công kết quả. Một dân-tộc cũng thế. Ta xem dân-tộc Nhựt-bổn tin tưởng họ là Thần-quốc mà có những ảnh hưởng lợi-ích cho quốc gia dân-tộc họ ra sao thì biết.
GỐC-TÍCH THẦN-QUỐC. - Thiệt vậy, người Nhựt tin rằng nước họ là Thần-quốc 神 国 , nghĩa là một nước do thần dựng lên.
Tuy là một chuyện viễn vông mù mịt, nào có gì làm bằng, nhưng vậy mà trong tâm não người Nhựt xưa nay lớn bé trẻ già, ai cũng đều tin tưởng như thế ; tin tưởng một cách chắc chắn, vững vàng, lại còn có vẻ tự-cao nữa là khác.
Theo quốc sử Nhựt-bổn, nguyên là 3000 năm về trước, trên trời có ba vị thần hiển-linh :
1. - Thiên ngự trung chủ tôn 天 御 中 主 尊 - Ama nomi naka Nushi nomikoto
2. - Cao hoàng sản linh tôn 高 皇 産 霊 尊 - Taka mimu suhi no mi koto
3. - Thần hoàng sản linh tôn 神 皇 産 霊 尊 - Kamu mimu suhi no mi koto
Ba vị thần xuống phàm kinh doanh thống trị ở trên 8 cù lao Nhựt-bổn. Thần "Thiên ngự trung chủ" làm chúa tể, ở ngôi chánh thống, là đức nguyên tổ của các Thiên-hoàng (Mikado 天 皇), nước Nhựt về sau. Còn hai vị thần "Cao hoàng sản linh" và Thần hoàng sản linh" thì là ngoại tổ của Thiên-hoàng. Thuở đó ba vị thần kết hôn với nhau, sanh nở ra thần con thần cháu, dòng dõi phồn thạnh. Duy có dòng dõi thần "Thiên ngự trung chủ" là dòng dõi chánh-thống chơn truyền đời đời nắm quyền thống trị nước Nhựt ; còn dòng dõi hai thần kia thì làm các chức lớn, phò trợ nhà vua, như là tể-tướng, chư-hầu, tướng quân v.v... Thành ra vua Nhựt là con cháu chánh-tông của thần đã đành, mà đến các quý tộc danh-gia trong nước cũng là con cháu của thần nữa.
Cách sau mười mấy đời truyền nối dòng dõi của ba vị thần nói trên đây, tới "Thiên chiếu đại thần 天 照 大 神 - Amaterasu Ookami, Déesse Amaterasu Omikami, tục gọi là Nữ-thần Mặt- trời, hay là thần Quốc-tổ 神 組, vì chính thần tạo lập ra ngôi vua nước Nhựt xưa nay.
"Thiên chiếu đại thần" sai vị thần cháu ngài hóa sanh hình người, lên ngôi vua thống trị nước Nhựt ; khi đó ngài ban cho hoàng-tôn 3 món thần-khí, là một cái gương, một thanh kiếm, một hòn ngọc, và có lời dạy rằng : "Ngôi báu nầy, con cháu của thần chánh-tông đời đời truyền nối nhau, cùng trời đất trường sanh vô tận". Từ đó Nhựt-bổn dựng thành quốc-gia và có vua cầm quyền trị dân một cách chánh thức. Ba món thần khí là cái dấu tỏ thiêng liêng quý báu của nhà vua, từ xưa đến nay, mỗi đời Thiên-hoàng lên nối ngôi trị vì, trước hết có cuộc tế lễ rất tôn nghiêm, để bái lĩnh ba món thần khí nầy, tức là vật truyền quốc chí bửu vậy. Mỗi món thần khí chỉ tỏ ra một đức tánh :
Ngọc Bát bản quỳnh-khúc 八 阪 ? 曲 玉 tỏ ra đức nhơn ái từ bi ;
Gương Bát chỉ 八 咫 鏡 - Yatanokagami tỏ ra đức trong sạch sáng suốt ;
Kiếm cỏ trĩ 薙草剣 tỏ ra sức mạnh bạo cả quyết.
Vị hoàng tôn vâng mạng "Thiên chiếu đại thần" lên ngôi trị vì, khai sáng nền quân chủ Nhựt-bổn là Thần-võ Thiên-hoàng (神武天皇 - Jimmu Tennou). So sánh với Tây lịch, thì ngài tức vị vào khoảng trước Thiên-chúa giáng sanh 660 năm ; so sánh với Hoa-lịch, thì ngang vào năm thứ 17 của Châu-Huệ-vương ; còn so sánh với nước Nam ta, thì phỏng chừng vào lúc cuối đời Hùng-vương 16 hay là Hùng-vương 17, lối đó.
Vậy là Thần võ thiên-hoàng chính là thủy tổ của Chiêu-Hòa thiên hoàng, đức vua đang tại vị của Nhựt-bổn ngày nay. Tính cộng trào vua từ Thần Võ tới Chiêu Hòa, 124 đời, tính năm thì tới nay (1936) được 2.596 năm. Thế là từ khi Nhựt-bổn dựng nước có vua đến giờ, chỉ có một dòng họ truyền nối làm vua, chớ không có sự thay trào đổi họ như các nước khác.
Trên kia đã nói Nhựt là nước của Thần tạo lập ra, và vua Nhựt là dòng dõi chánh-truyền của Thần, cho nên phàm là người Nhựt, ai cũng tin tưởng, kính thờ, tôn trọng, không được xâm phạm hay là nghi hoặc bao giờ. Sự tin đó chôn chặc vào trong tim óc người Nhựt cứng như đinh đóng vậy.
Ai có ý bất kính hay là hoài nghi, kẻ ấy phạm tội rất lớn. Còn nhớ cách nay 30 năm, một nhà bác học đại-danh là ông Koumé, giáo-sư ở trường Đế-quốc đại-học tại Đông-kinh ngỏ ý nghi hoặc về gốc tích Thần-võ khi xưa không phải là Thần, tức thời ông bị cách chức. Lại năm 1926 (?), cũng vì câu chuyện đó, mà ông bác-sĩ Tetsu onjiro (?) bị cất chức nghị-viên trong viện Quý-tộc. Một vài chứng cớ như thế đủ chỉ tỏ cho ta thấy người Nhựt tin tưởng về cội rễ quốc gia quân chủ của họ một cách thành kính vững vàng ra sao vậy.
Giờ ta thử xét sơ coi sự tin tưởng đó có những ảnh hưởng hay cho lịch-sử quốc-gia Nhựt thế nào ?
KHÔNG CÓ CÁCH MẠNG. - Thuở xưa, kẻ làm quân-chủ hay lấy thần-quyền làm khí-cụ, nghĩa là bày đặt nương dựa vào sức quyền thiêng liêng của thần thánh để cho dễ cai trị sai khiến muôn dân. Ta coi không mấy nước ban đầu mới có quốc-gia lịch-sử mà không ỷ thị thần quyền làm gốc. Song về sau ngôi vua nước nào cũng có những sự tranh dành mà thay trào đổi họ luôn luôn, chớ không hề thấy nước nào có một dòng họ giữ lấy ngôi vua mãi được.
Chỉ duy có Nhựt-bổn, từ khi lập quốc đến nay, gần hai ngàn sáu trăm năm, và trải 124 trào vua, đều là con cháu của Thần-Võ Thiên-Hoàng một dòng truyền nối mà thôi. Vì lòng dân xưa nay tin chắc rằng nước họ là Thần-quốc, vua họ là Thần-tôn (con cháu của thần), vậy cái ngôi chí-tôn chỉ có dòng dõi của thần mới là xứng đáng và muôn đời không thể đổi thay, cũng không ai được xâm phạm tới ; trái lại, ai cũng phải kính thờ ủng hộ.
Bởi vậy, thuở nay Nhựt-bổn không có cách-mạng bao giờ ; thiệt là một sự lạ lùng đặc biệt của họ.
Cách-mạng nói đây, nghĩa là một cuộc mưu toan đánh cướp hay đổi thay ngôi quyền thống-trị. Ấy là việc thay trào đổi họ làm vua ; nước nào trong thiên hạ cũng có trải qua cảnh đó năm lượt bảy phen ; chỉ có nước Nhựt là không.
Tuy là xưa kia Nhựt-bổn cũng có một vài kẻ gian thần giết vua, và chính trong hoàng-tộc cũng từng xảy ra cái nạn tranh ngôi hại lẫn nhau chớ chẳng phải không, nhưng vậy mà trong nước không hề vì đó mà đến đỗi có những cuộc rối loạn nổi lên. Có lúc dòng vua hầu tuyệt rồi cũng trở lại phồn vinh như cũ. Có lúc họ Đằng-nguyên - cũng là một dòng dõi của thần - lập ấu chúa, cầm đại quyền, nếu như ở nước khác thì dễ sinh ra việc đoạt quyền xoán vị như chơi, song họ Đằng-nguyên thì vẫn thờ vua một cách cung kính. Cho tới về sau, luôn mấy trăm năm, Thiên-hoàng ở ngôi chỉ như phỗng đá, làm vua hư danh vậy thôi, bao nhiêu đại quyền trong nước đều về tay tướng-quân nọ tướng-quân kia kế tiếp nhau nắm giữ, gọi là Mạc-phủ tướng-quân (幕府将軍 - Bakufu Shogun) giống như kiểu "vua Lê chúa Trịnh" ở lịch-sử nước Nam ta. Song đời họ nào làm tướng-quân cũng vẫn dốc lòng tôn kính hộ vệ thiên-hoàng, chớ không một ông nào dám có ý dòm ngó ngôi báu. Những lúc như thế, ở nước khác có thể đổ bể ra bao phen cách mạng rồi, nhưng ở nước Nhựt thì yên ổn như thường.
Đến lúc ban đầu Minh-Trị duy tân, nhà nước sửa sang thay đổi mọi việc, tuy có một vài hào-kiệt chí-sĩ nóng nảy dấy binh làm dữ, có người cho đó là việc cách mạng, nhưng kỳ thiệt chỉ là việc hối thúc nhà nước cải cách cho mau, và đối phó với ngoại bang cho cứng cát mà thôi, chớ kẻ dấy binh đó bổn tâm không có chỗ nào phản nghịch Thiên hoàng hay làm hại quốc gia. Bởi vậy đời Minh-trị sửa mới luật pháp, không cần để khoản trị tội phản nghịch vô, mà những tội trái lịnh vua hay quốc-sự phạm cũng coi như tội cách mạng ở các nước khác.
KHÔNG BỊ NGOẠI XÂM. - Dân Nhựt do nơi sự tin tưởng mình là Thần-quốc mà sanh ra lòng tự tôn ; do nơi lòng tự tôn mà sinh ra sức tự vệ rất mạnh, không chịu để cho ai xâm phạm tới Thiên-hoàng và không chịu ai ở ngoài tới lấn hiếp đất nước non sông của họ được.
Lịch sử quốc gia của họ trải hai ngàn mấy trăm năm, bị giặc ngoài tới đánh trước sau 4 lần :
1. - Đời vua Khoan-nhơn (Tây lịch năm 1019) bị giặc Khiết đơn.
2. - Đời Văn-vĩnh (1274) bị giặc Nguyên.
3. - Đời Hoằng-an (1284) cũng bị giặc Nguyên nữa.
4. - Đời Ứng-vĩnh (1418) thì bị Mông-cổ kéo binh qua đánh.
Thế mà lần nào họ cũng đánh giặc phải lui.
Thuở đó có dân nào hùng cường cho bằng Mông-cổ, dòng dõi của Thành-cát Tư-hãn 成 吉 思 汗 là người anh hùng oanh-liệt, đã quét sạch Á-châu, lại đem binh qua đánh tới Âu-châu, khiến cho Âu-châu bây giờ nhắc tới vẫn đang lo sợ cái vạ "da vàng". Dòng đó đã chinh phục Trung-quốc, làm vua Trung-quốc rồi (tức là nhà Nguyên 元), bèn thừa thế đem chiến thuyền qua đánh Nhựt-bổn, nhưng bị thủy-quân Nhựt nhơn được sức gió mà đánh lại binh Nguyên thua chạy không kịp. (2)
Thế là xưa nay không có người khác nước nào tới xâm lăng đất nước Nhựt-bổn đặng, vì họ cho đất nước họ là Thần-quốc, dòng giống họ là Thần-tôn, nên họ ra sức tự vệ, không chịu ai ăn hiếp được họ. Nói gì 70 năm nay, duy tân hùng cường rồi, họ chỉ đánh người ăn người thì có, chớ không biết chữ "thua" là nghĩa thế nào ?!
ẢNH HƯỞNG VỀ TÂM TÁNH. - Dân Nhựt là một giống dân chuộng sự sạch sẽ nhứt trong thiên hạ, không ai không biết.
Sở-dĩ họ có cái đặc tánh đó, hoặc do địa-lý phú tánh tự nhiên cho họ, song xét đến cội rễ cũng bởi nơi dân tâm rất mực tin thần kỉnh thần mà ra. Họ nói thần rất ghét sự dơ dáy, tránh sự ồn ào, bởi vậy mình kính thần tất phải giữ sao cho tấm thân mình tinh khiết thanh tịnh luôn luôn mới được. Đó là một cái gốc giáo hóa của thần-quốc ngay từ thuở xưa, rồi sau thành ra phong tục của xã hội, thiên tánh của quốc dân, coi sự tinh khiết thanh tịnh, như một nền đạo thiêng liêng, ai nấy phải tu phải giữ vậy.
Ta nên biết thần ở trong tâm não người Nhựt tin tưởng, khác hẳn ý nghĩa với thần của nhà tôn giáo ; mà cách họ kỉnh thần cũng không giống cách dân Tàu hay dân Nam mình kính thờ vậy đâu. Người Nhựt đối với Thần, thờ kỉnh thần, nhưng không hề có ý khấn vái lạy lục để thần làm cho mình thoả sự dục-vọng gì, hay là cầu lấy sự phước lợi riêng cho mình ; nghĩa là họ không thờ thần hầu trông có những sự lợi thân ích kỷ ; trái lại họ chỉ sợ mình không được thanh khiết, đến đỗi bị thần ghét bỏ mà thôi. Tóm lại cái thâm ý của họ kỉnh thần là lo tu thân, chớ không phải cầu lợi.
Đạo kỉnh thần của họ cần nhứt là mỗi người lo giữ 6 căn cho được trong sạch 六 根 清 浄. Sáu căn là : tai, mắt, mũi, miệng, thân và tâm. Họ nói rằng nếu như giữ được sáu căn trong sạch, không có một điểm nhơ bợn nào dính vào, và 6 căn bao giờ cũng sáng suốt như thủy tinh, vậy thì mình có thể ở yên giữa trời đất thanh tịnh, rồi tự nhiên được thần ban phước cho, chớ tự mình không phải khấn vái cầu cạnh chi hết.
Coi một chút vậy đủ biết Nhựt-bổn từ xưa đã có một nền văn-minh tinh thần khá lắm rồi. Vả lại họ sẵn có tục kỉnh thần, cho nên trải mấy ngàn năm trong lịch sử, dễ hấp thọ lấy những văn-hóa ngoại bang đưa tới. Đạo-giáo, Nho-giáo và Phật-giáo của Trung-quốc và Ấn-độ truyền sang, người Nhựt đều đón rước dung hòa, lựa chọn lấy những cái sở trường của người ta để làm ra cái đặc sắc của họ. Cho tới lúc họ gặp văn minh Thái-tây truyền qua cũng thế.
Ông Đại-ôi Trọng-tín (大隈 重信 - Okuma Shigenobu) phán đoán cuộc duy-tân tấn-hóa của đồng bào ổng bằng câu sau nầy, tôi tưởng đúng lắm :
"Phàm vật gì trắng tinh sạch sẽ thì chất của nó dễ cảm hóa chịu đựng. Người "Nhựt nhờ có tinh thần thanh tịnh sẵn sàng, cho nên đến lúc tiếp rước đặng văn-minh "ngoại bang đem lại, là có thể xem thấy chỗ tốt đẹp mà lựa chọn bắt chước liền, chớ "không nghi nan dụ dự chút nào. Tâm não người Nhựt không chứa cái tánh cố chấp của "nhà tôn giáo, thành ra như nước trong suốt, đựng trong cái bình bằng pha lê cũng trong "suốt, nay lấy màu sắc mà rót vào, tự nhiên thấy vẻ hồng hào tốt đẹp lộ ra được ngay. "Sở dĩ người Nhựt dễ tấn tới về vật chất và tinh thần là tại vậy đó."
(2) Quân Nguyên thời ấy hùng cường vậy đó mà xâm Nhựt bị Nhựt đánh thua, kéo qua đánh nước Nam ta cũng bị ta đuổi chạy. Hai phen vị anh hùng Trần-Hưng-Đạo ta đại thắng binh Nguyên, ấy là một việc võ-công vẽ vang nhứt cho lịch sử và nòi giống ta, chắc đồng bào đều ghi nhớ, mà cũng nên có chỗ cảm-thán vô cùng.
2. ĐỊA-LÝ GIÚP NGƯỜI
Ngoài ra, quan niệm cao xa của người Nhựt kỉnh thần, tin thần, như đoạn trên đã nói, tới địa-lý cũng là một sức mạnh tự nhiên, nó giúp công góp lợi vào cuộc phát-triển tấn-hóa của họ một cách lạ lùng, ta không nên không xét.
*
ĐỊA LỢI VÀ THIÊN THỜI. - Mạnh-tử cho thiên-thời, địa-lợi, nhơn-hòa là ba việc cần dùng lợi-ích cho một dân-tộc có thể hưng-vượng, thì ra Nhựt-bổn có đủ cả ba.
Nhựt-bổn hiệp liền nhiều cù-lao lớn nhỏ liền khít nhau mà thành ra một nước ở riêng hẳn ngoài biển, cách biệt đại-lục (大陸, continent) vừa chừng, không xa quá mà cũng không gần quá. Nước Nhựt chiếm được địa-lợi đó rất hay.
Nhứt là cù-lao chánh, chỗ đóng quốc-đô, khí hậu bình thường mà ở cách đại-lục khá xa ; còn nơi ở gần đại lục hơn hết, chỉ là mấy cù-lao bé nhỏ Nhứt-kỳ (壹期 - ??) và Đối-mã (對馬 - Tsushima) ngó ngay qua đồi đất Cao-ly. Tuy gọi là gần, nhưng cũng không đến đỗi quá gần, như là Hồng-mao đảo-quốc gần với đại-lục Âu-châu : Hai bên phân cách nhau do một khu biển nhỏ hẹp, thành ra hôm nào trời quang mây tạnh, bờ bên này có thể ngó thấy rõ bờ bên kia.
Bởi địa-thế Hồng-mao ở gần khít đại-lục, cho nên thuở xưa thường bị các dân-tộc ở đại-lục tràn qua chinh phục. Còn Nhựt-bổn thì ở xa cách đại-lục, không ngó thấy nhau được, mà chính khoảng phân cách lại là biển rộng sóng to, không phải hẹp hòi êm lặng như biển Manche kia, cho nên thuở xưa người Nhựt mới đầu lập-quốc, dân ở đại-lục kéo qua thực-dân, rồi đồng-hóa với Nhựt thì có, chớ đem binh qua chinh phục thì không.
Xưa kia Nhựt-bổn có thể khóa "cửa" đất nước họ lại mà tự trị tự tồn, cũng có chỗ quan hệ bởi gió thổi mà ra. Ven biển xứ họ, hằng năm tới kỳ xuân hạ có gió mùa thổi mạnh, làm cho biển dậy sóng lớn, ghe thuyền không lui tới đặng. Qua mùa đông mới êm ; lúc ấy mới có ghe thuyền của người Âu-châu và người Tàu ra vào buôn bán. Đời nay, nghề hàng hải có tàu bè máy móc vừa mạnh vừa mau, chẳng kể gì sóng gió, chứ đời xưa, sóng gió đối với cuộc sanh-tồn của Nhựt-bổn có quan hệ lớn lắm. Bởi nhờ có sóng gió ngoài biển mà làm bức thành ngăn cản ngoại-địch, nên chi mỗi năm họ chỉ phải lo giữ gìn đất nước trong 6 tháng mà thôi. Còn sáu tháng kia đã có sóng gió giữ dùm, họ được yên tâm lo việc sanh-tồn giáo-hóa trong nước vậy.
*
NHIỀU THỨ MÁU TRỘN CHUNG MÀ THÀNH GIỐNG NGƯỜI NHỰT, - Thế giới có hai đảo quốc đều hùng cường là Hồng-mao và Nhựt-bổn ; cả hai có gốc phát tích về chủng tộc thật là giống nhau : Hai đàng cũng do những dân-tộc ở đại-lục tràn qua cù lao mà sanh nhai đồng hóa rồi sanh ra một giống người riêng.
Chỉ có chỗ khác nhau là một đàng trộn ít máu, còn một đàng trộn rất nhiều máu. Hồng-mao chỉ có mấy giống dân Normands, Saxons và Celtes ở đại-lục qua xâm-lược, lâu ngày mấy giống đó dung hiệp rồi đồng hóa với nhau thành ra dân tộc Hồng-mao gọi là "Ăng-lô Sắc-xông" (Anglo-Saxons) hùng cường ở thế giới ngày nay ; còn dân tộc Nhựt-bổn thì phát-nguyên bởi cả chục giống người kết hiệp lại mà hóa ra.
Đời Thượng-cổ, chính giống người Ái-nô (アイヌ), Ainos) là thổ-dân ở rải rác khắp các cù-lao Nhựt-bổn. Sau có các dân-tộc ở ngoài tới xâm chiếm đất đai, đánh giết người Ái-nô bị tiêu diệt lần mòn, còn sót lại bao nhiêu thì phải thụt lùi mãi về mấy cù lao ở phía Bắc Bắc-hải-đảo (北海道- Hokkaido). Bây giờ ở đó còn sót lại chừng vài muôn người giống Ái-nô mà thôi.
Thuở xưa có nhiều giống dân từ đại-lục và đất xa tới sanh tụ khai thác đất Nhựt-bổn, nhưng kể mấy giống trọng yếu thì là người Hàn, người Mã-lai, người Ấn-độ, người Mãn-châu, người Mông-cổ. Xưa kia việc giao-thông hàng-hải, biết bao nguy-hiểm, gian-nan, thế mà mấy giống người đó dám vượt biển, qua thực-dân ở cù-lao Nhựt-bổn, ấy đều là hạng người giàu lòng mạo hiểm, có tài kinh-doanh, chớ không phải là bọn tầm thường xiêu dạt đâu. Chắc họ đã biết quần-đảo Nhựt-bổn có địa-lợi thiên-thời rất thuận tiện, rừng biển đất đai có vật sản rất phong phú, nên chi họ mới kéo nhau qua khai-khẩn sanh-nhai. Ban đầu mỗi giống dân còn chia ra từng bộ-lạc riêng, rồi lần hồi về sau họ hỗn hiệp lại, họ đồng hóa với nhau. Giống người gọi là Nhựt-bổn dân tộc chính do cuộc hỗn hợp đồng hóa lâu đời của các giống kia mà đẻ ra. Nói rằng nhiều thứ máu trộn chung lại mà đúc ra giống dân Nhựt là vậy đó.
Người Nhựt vẫn cho sự hỗn hiệp mà thành ra dân-tộc họ, có cái cớ quan hệ bởi địa-lý là nhiều hơn hết. Chính địa-lý đã lựa lọc lấy những tánh chất và tinh thần tốt của các giống người kia mà rèn đúc ra tánh chất và tinh thần tốt của dân-tộc Nhựt-bổn trải 26 thế kỷ nay.
Họ Đại-ôi nói cái dõng khí của người Nhựt là tự giống Mông-cổ di truyền. Người Nhựt có máu dõng cảm của Thành-cát Tư-hãn (成吉思汗, Gensis Khau), nhưng lại khéo hóa mất thói tàn nhẫn, nham hiểm của Mông-cổ đi, chỉ có tinh thần thượng võ và mạnh bạo hăng hái với giống nòi quốc-gia thì vẫn giữ y. Như hồi đánhnhau với Nga là một nước cường đại gấp mấy Nhựt, thế mà người Nhựt có tinh thần dõng cảm để thắng trận được, ấy là tánh khí can cường thượng-võ của giống Mông-cổ đời xưa truyền cho vậy. Người Nhựt lại có tánh khí mạo hiểm của giống Mã-lai, nhưng biến hóa được cái gốc dữ dằn độc ác. Xem lúc sửa soạn duy-tân, không biết bao nhiêu là chí-sĩ thanh niên Nhựt nô-nức mạo hiểm đi qua các nước Thái-tây để học lấy những cái hay của người ta rồi về đóng góp vào công cuộc duy-tân cho được mau thành ; nếu không phải là giống người vốn sẵn có tánh mạo hiểm thì đâu có thành công rực rỡ tự cường hăng hái được như thế !
TINH THẦN DUNG HÓA. - Người Nhựt thấy kẻ khác có tài gì hay, làm sự gì phải, họ liền học theo bắt chước cũng làm được như vậy ấy là nhờ nơi giống họ có tinh-thần dung-hóa mau lắm.
Tinh-thần ấy, vốn họ có sẵn từ xưa.
Thuở họ lập quốc được ít lâu rồi, phải giao-thông với Chi-na đại-lục, tự nhiên cũng chịu ảnh hưởng của văn-hóa Trung-quốc như nước Nam mình. Nho-giáo, Đạo-giáo, Phật-giáo cho đến các lễ-nghĩa pháp luật của Trung-quốc, món nào Nhựt-bổn cũng đón rước tiếp thâu về xứ họ. Song họ khéo dung hóa lựa lọc chỗ hay của người cho thành ra chỗ hay riêng của họ, thích hiệp với sự cần dùng của họ, chớ họ không nhắm mắt theo càn, hể văn-hóa người ta thế nào thì cứ rước y về mà thờ, mà dùng thế ấy, không dám thay đổi chút nào ! Bởi vậy cùng là đám học trò văn-hóa Trung-quốc như nhau, mà cậu học trò Nhựt-bổn khéo dung hóa, về sau thành đạt vẻ vang ; còn mấy cậu khác là Việt-nam và Cao-ly thì lại cùng ông thầy học Trung-quốc tới nay đang còn yếu hèn xui xẻo một lũ !
Trên đường lịch-sử mấy ngàn năm xưa, Nhựt-bổn trước đã dung hóa được các dân-tộc đến ở xứ họ, sau lại dung hóa cả học-vấn nghệ-thuật từ đại-lục đem qua nữa.
Coi nội một chỗ họ dùng Hán-tự mà thay đổi và bổ thêm ra thế nào, thì đủ thấy họ có tinh-thần dung hóa ra thế nào ?
Ai cũng đã biết dân-tộc Nhựt-bổn là do mấy giống người Mã-lai, Mông-cổ, Mãn-châu v.v... hỗn hiệp lại mà đẻ ra nhưng thử hỏi tiếng nói của Nhựt có phải là tiếng nói của một giống người nào trong đó chăng ? Không ! Các giống dân ngu cư đã bị dung hóa mà sanh ra dân-tộc Nhựt-bổn rồi đến tiếng nói của họ cũng bị dung hóa mà lập riêng ra thứ tiếng nói Nhựt-bổn nữa. Còn sót lại chăng là ít nhiều tiếng Cao-ly, tiếng Ái-nô, tiếng Thát-đàn (1), có trộn lẫn vào trong tiếng Nhựt, giúp cho văn-học Nhựt được phát-đạt.
Tiếng Nhựt và tiếng Tàu điệu nói khác hẳn nhau. Từ hồi có Hán-tự truyền sang, thì văn-chương bằng chữ Hán liền dùng theo, nhưng rồi sau có chữ âm (音字- onji) phát minh ra, gọi là "giả tự" 假字 - ? (**), chính là chữ riêng của Nhựt bày ra, dùng xen lộn với chữ Tàu chớ họ không dùng đặc Hán-tự mà chỉ đọc khác âm như nước Nam ta xưa nay. Đã vậy mà phép làm văn đặt câu, họ cũng sửa theo cách thức riêng của họ nữa. Ta cầm cuốn sách hay tờ báo Nhựt bây giờ, thấy chữ Tàu có xen lộn lối chữ viết những nét cong co nhấp nháy, ấy là chữ riêng của Nhựt đó.
Chữ riêng đó khắp nước đều hiểu đều dùng, thành ra cuộc thống-nhứt và việc giáo-hóa ở nước Nhựt được dễ dàng lợi tiện quá.
Ta xem họ học chữ của người mà khéo biến cải thành ra một lối chữ riêng của họ như thế, có phải họ có tinh-thần dung-hóa hay lắm giỏi lắm không ?
Bất cứ học-vấn nghệ-thuật gì của các nước ngoài mà họ bắt chước và thâu thập, họ cũng dung-hóa hết thảy. Cuối thế-kỷ 16, có giáo-sĩ Tây-phương qua truyền đạo Cơ-đốc, tướng-quân cầm quyền nước Nhựt bấy giờ là Chức-điền Tín-trường (織田信長 - Oda Nobunaga) cho phép truyền đạo tự do. Không bao lâu mà số người Nhựt chịu phép rửa tội có đến mấy trăm muôn. Hồi ấy những môn học của Tây-phương như võ-khí, dùng binh, làm thuốc, thiên-văn, công nghệ, người Nhựt đã từng học tập ít nhiều. Ví dụ nhiều nơi trong xứ có thành quách giống kiểu Tây, chính là người Nhựt học kiểu xây thành đắp lũy của người Y-pha-nho và người Bồ-đào-nha truyền cho mà xây đắp lên vậy. Coi vậy đủ thấy giống dân Nhựt biết học theo chỗ hay của người ngoài một cách mau chóng chớ không e ngại cố chấp gì cả.
Về sau, người Ý, người Bồ, chung cả người Tây-dương bị Nhựt-bổn "khóa nước" cấm vào, cũng là có một duyên-cớ.
Vì các cố-đạo Thiên-chúa thừa lúc người Nhựt theo đạo hăm hở nô nức quá rồi các ông ỷ sức làm càn, đốt phá hết nhiều miểu thần chùa Phật, để cho những người không phải giáo-đồ sanh lòng tức giận. Phần thì bởi người Tây-phương thấy dân Nhựt theo đạo mau lẹ dễ dàng, bèn có âm mưu muốn chiếm trị Nhựt-bổn. Thấy người ngoài có ý chẳng tốt như thế, cho nên Mạc-phủ nước Nhựt liền ra lệnh khóa nước cấm đạo và sanh lòng ngờ vực ngoại-nhơn. Họ nói bởi ngoại-nhơn háo tàng, họa tâm, tự nhiên buộc họ phải làm cái chánh-sách "đóng cửa" để giữ mình vậy.
Chớ chi ngoại-nhơn có lòng ngay tốt bụng thì Nhựt-bổn đã chẳng khóa nước cấm đạo, mà có lẽ Nhựt-bổn đã sớm duy-tân từ hồi thế-kỷ 17 hay 18 rồi không chừng. Đến giữa thế kỷ 19, phong trào "tỏa quốc, bài dương" (2) đang sôi nổi trong nước, nhưng khi có ông đề-đốc Perry nước Mỹ đem một đoàn tàu binh tới nơi tử-tế, xin Nhựt-bổn mở cửa thông thương, người Nhựt xét ra thật có hảo ý, tức khắc tấm lòng phẩn-khích của dân tiêu tan đi lần lần, và hiểu ngay sự duy-tân tự cường là sự cần dùng cấp bách. Rồi tới vua Minh-trị lên ngôi, hạ lịnh cải cách, kỷ-nguyên mới mẻ của Nhựt-bổn từ đó mở ra. Nếu người Nhựt không có tinh thần dung-hóa sâu xa lâu đời, thì họ không biết người biết mình một cách mạnh bạo như thế.
1) Thát-đàn 韃靼 (**) một giống người Mãn-châu và Mông-cổ hồi xưa. Con cháu Thành-cát Tư-hãn chiếm cứ nước Tàu làm vua, dựng lên nhà Nguyên(元), chính là dòng dõi Thát-đàn. Bởi vậy khi binh Nguyên qua xâm lấn nước ta, hồi vua nhà Trần, ông Trần-quốc-Tuấn (Hưng-đạo-Vương) ra tay quyết đánh, và muốn làm mạnh lòng quân, thề trừ giặc nước, nên chi ông bắt mỗi tên quân, đều thích vào tay hai chữ "sát thát" (殺韃), nghĩa là giết giặc Thát.
(2) 鎖国俳洋, Tỏa quốc bài dương : Khóa cửa biến lại không cho người Tây-phương ra vào lui tới.
3. PHONG-KIẾN MÀI DŨA TÀI-TRÍ CỦA DÂN
Không ai không bảo chế-độ phong-kiến của xã-hội loài người khi xưa là chế-độ độc hại. Nó bóc lột, đè nén, ức hiếp, hành hà người ta đủ cách ; bao nhiêu kẻ làm dân phải tháo mồ hôi, đổ máu mắt ra để cung phụng một giai-cấp ở trên, đến đổi họ làm mọi trọn đời không lúc nào cất đầu yên xác được. Bây giờ người ta nhắc lại chuyện cũ, nhớ tới dấu xưa, ai cũng lắc đầu trề môi, cho là gớm ghiếc.
Xã hội Nhựt-bổn từ thuở có lịch-sử mà đi, chính là một xã-hội phong-kiến, y như Âu-châu cổ thời và nhiều xã-hội khác. Song, ngày nay người Âu-châu hay là ai đâu nhắc lại dấu tích phong-kiến của xã-hội mình ngày xưa thì giận hờn và lên án nọ kia, chớ người Nhựt thì khác hẳn : Họ cảm ơn mến đức của chế-độ phong-kiến ở xứ họ trải mấy ngàn năm mới kỳ !
Thiệt vậy, họ nói :
- Phong-kiến có công mài dũa tài trí của dân-tộc chúng tôi, trau dồi tánh-cách của dân-tộc chúng tôi, trở nên khôn ngoan, mạnh bạo lâu đời, đến khi tiếp xúc với phong trào mới mà chúng tôi lấn lước theo kịp ngay, là nhờ vậy đó.
Thế thì lai lịch phong-kiến của Nhựt-bổn ra sao, ta nên xét qua ; nhứt là xem thử chế độ phong kiến đã nẩy nở, dồi mài cho dân tộc họ có những tài trí và năng lực gì ?
Chế-độ phong-kiến Nhựt-bổn chia ra hai thời đại trước sau nối tiếp :
1* - CỔ PHONG-KIẾN (古封建) , bắt đầu từ lúc có lịch-sử cho đến đời Điểu-vũ (鳥?) thiên-hoàng, nhằm cuối thế-kỷ 12 của Tây-lịch. Thời đại này trải qua một ngàn mấy trăm năm.
2* - TÂN PHONG-KIẾN (新封建) , khởi từ hồi võ tướng Nguyên-Lại-Triều(源頼朝 -Minamoto no Yoritomo), dựng lên Mạc-phủ, xưng chức tướng-quân, nắm trọn đại-quyền nhà nước, lấy tiếng thiên-tử để sai khiến chư hầu. Từ lúc có Mạc-phủ thì Thiên-hoàng chỉ là hư vị thôi, không có quyền hành gì hết. Họ nầy làm tướng-quân ít lâu thất bại, tới họ khác lên kế, mãi đến đời Minh-Trị (明治 - Meiji) Thiên-hoàng thì Mạc-phủ mới dứt. Thời đại nầy có dư 700 năm.
Trải hai thời-đại, cộng lại trên 2000 năm, tức là gần trọn cả lịch-sử Nhựt-bổn, có nhiều cuộc trị loạn hưng vong, có nhiều việc chánh-trị giáo hóa, có khi vương-quyền suy mà chư-hầu thạnh, có khi vương-quyền thạnh mà chư-hầu suy, kể cả lai-lịch thì rất là rắc rối dài dòng, vả lại không phải là chủ-ý của đoạn nầy. Ngó theo đề mục, đoạn nầy chỉ cốt trưng bày ít nhiều cái đặc-sắc do những thời-đại phong-kiến đã sản sanh ra cho dân-tộc Nhựt-bổn thôi.
THỜI-ĐẠI CỔ PHONG-KIẾN. - Địa thế Nhựt-bổn, do nhiều cù-lao góp lại thành nước, tự nhiên có chỗ thích hiệp sẵn sàng cho những cuộc chia xé chiếm cứ nho nhỏ. Nhứt là lúc ban đầu, có những ngoại-tộc mới tới thực-dân và khai-thác. Nền phong-kiến ở Nhựt-bổn xây đắp lên ngay từ đó.
Mỗi miền, mỗi ấp, đều có người làm đầu, xưng là quân-trường (君長 (**) hay tù-trưởng 酋 長 - ?. Hạng trên là dòng dõi của Thần, đàn ông gọi là Ngạn (**) giữ việc cai trị, đàn bà gọi là Viên (媛)làm tế-chủ, lo việc kỉnh thần. Còn hạng dưới là giống người thường, gọi là Khôi Soái 魁 師 - ? ), hay Hộ-Bạn ( 戸畔 - ?), đều rèn tập cung tên gươm giáo, hay ganh đua việc võ-dõng để tranh dành quyền lực với nhau.
Thế là gốc gác dân-tộc từ hồi thượng-cổ, đã có tinh-thần chuộng võ. Tinh thần ấy, do sự dồi mài, tranh-cạnh, về sau càng ngày càng mở mang ham chuộng, cho đến thành ra một cái đạo về việc võ, gọi là võ-sĩ-đạo (武士道 - Bushidou).
Đàn bà cũng có địa-vị tôn-trọng rất sớm ; bởi vậy, trong đời "tiểu phong-kiến" nói đây có chỗ do đàn bà làm quân-trưởng, và cũng ưa việc võ-dõng, mặc dầu giống họ vốn có cái thiên-tánh nhu mì hiền hậu. Đàn bà Nhựt-bổn từ cổ-thời đã vậy, hèn chi về sau ở trong lịch-sử họ, có mấy đời Thiên-hoàng là đàn bà và có tay nữ-anh-hùng như bà Thần-công hoàng-hậu (神功皇后 - Jinguu Kougou) tự đem binh vượt biển, đánh bắc dẹp đông, nghĩ không nên lấy gì làm lạ.
Đời "tiểu phong-kiến", từng huyện nhỏ ấp con, có người xưng hùng làm chúa, lấy võ lực để tranh dành lẫn nhau thì có, nhưng không ai thống thuộc ai. Đến lúc đức Thần-võ là chánh-tông của thần, lãnh ba món thần-khí, lên ngôi Thiên-hoàng, dựng quốc-đô ở đất Đại-nụy (1), nghĩa là lúc Nhựt-bổn lập thành quốc-gia quân-chủ và lịch sử bắt đầu từ đây, thì các ông chúa nhỏ kia đều phải tòng-phục về Thiên-hoàng. Ai không chịu phục thì Thiên-hoàng ra oai đi đánh. Bởi vậy các tù-trưởng phải đem dân mình mà quy-hóa hết thảy, trừ ra có mấy giống dân ở miệt đông-bắc và miệt tây là cứng cỏi chống cự lại. Nhứt là giống người Ái-nô. Thành ra trải mấy thế-kỷ, người Nhựt phải tranh cạnh và chinh-phục mấy giống thổ-dân cứng đầu cho kỳ được mới thôi. Ví dụ đuổi tuốt giống Ái-nô phải dồn mãi về cù-lao ở tận phía bắc, đến nay giống ấy đã lần mòn tiêu diệt, chỉ còn lại có vài muôn người.
Nhờ có các cuộc chinh-phục như thế, mà từ xưa người Nhựt đã dồi mài được cái tinh thần chiến đấu tranh hùng, có thể nói họ là giống người cứng cỏi, hăng hái từ trong trứng đẻ ra.
*
Theo tục từ xưa, dân-tộc Nhựt-bổn chia ra làm ba bực : Một là quý-tộc, hai là sĩ-tộc, ba là bình-dân.
Quý-tộc là con cháu của các vị quân-trưởng đời Thượng-cổ ; dòng dõi của thần cũng là quý-tộc. Mỗi nhà quý tộc đều có họ riêng. Sĩ-tộc là hạng dân có chức-nghiệp, phần nhiều làm nghề nông. Còn hạng lao-công điền-tốt cùng là bọn người làm việc khó nhọc nặng nề, thì đều thuộc về bình-dân.
Tuy có sự chia rẽ giai-cấp như thế, nhưng mà tánh cách dân-tộc và phong-tục xã-hội có chỗ rất tốt, là mấy giai-cấp không khinh khi bức sách lẫn nhau. Trái lại họ nương dựa lấy nhau, một đằng có quyền, một đằng có sức, để lo việc khai thác sanh tồn. Mỗi giai cấp có sự cạnh-tranh thứ nhứt, là cạnh-tranh nhau về danh-dự. Vì danh-dự mà ai nấy đều gắng gổ về mọi việc công-tác kinh-doanh, thành ra sự phân biệt giai cấp đã không hại gì, lại còn có cái sức thúc giục quốc-dân, khiến cho ruộng đất mở mang, chức nghiệp mở mang, và xây dựng lên cái văn-hóa của mỗi giai-cấp, cùng ngày càng phát đạt thêm mãi.
Thì chính vì chỗ cạnh-tranh danh-dự của hạng quý-tộc và sĩ-tộc, đua nhau làm nhà cửa cho sang trọng, bận y phục cho tốt đẹp, bày ra yến hội luôn luôn, thành ra từ văn-nghệ, ca-nhạc, cho đến nghề dệt và nghề kiến-trúc, đều được mở mang, tấn tới.
Sĩ-tộc và bình-dân, ngoài công việc chức nghiệp của họ, lại ganh đua nhau luyện tập võ-nghệ, đến đổi hương thôn nhiều nơi hóa ra trường giảng-võ, và nông phu cũng có lắm người rành giỏi nghề võ, gây nên cái phong-trào thượng-võ, ở khắp xã-hội, rồi có phái mới là phái võ-sĩ nỗi lên.
Lúc này, chế-độ phong-kiến kiểu xưa đã biến đổi rồi, không phải mỗi huyện ấp nhỏ có người làm chủ như trước nữa. Giờ trong xứ đã đông dân, đất nước đã mở rộng, mà quyền nhà vua cũng mạnh lên, trào đình bèn đổi cách xưa tổ chức quốc-huyện (**) ra làm quốc-quận (国郡- ); họp nhiều huyện nhỏ thành một quận lớn, hết thảy đều thống thuộc về trào-đình. Việc sửa đổi này nhằm đời Thiên-Tri Thiên-hoàng (天智 天皇 - Tenji Tennou) , giữa năm 671 của Tây lịch.
Tuy chế độ phong-kiến xưa đã bãi đi, nhưng lại có chế-độ phong-kiến mới bắt đầu nẩy chồi đâm gốc ra.
Tân-phong-kiến dựng lên bởi quý-tộc yếu mà sĩ-tộc mạnh.
THỜI-ĐẠI TÂN PHONG-KIẾN. - Thời đại nầy là thời đại các võ-gia tranh hùng, kế tiếp nhau xưng là tướng quân, mở ra Mạc-phủ, dành hết quyền chánh của thiên-hoàng mà thống-trị mấy trăm chư hầu trong nước. Chư-hầu cũng đều là võ-gia nổi lên, mỗi người chiếm cứ một nơi xưng hầu xưng bá, lắm lúc tranh quyền ỷ mạnh, đánh nhau lung-tung. Có lúc Nhựt-bổn chia ra thành hai chánh-phủ, gọi là Nam-triều, Bắc-triều ; có lúc chư-hầu phân ra làm hai phe đảng, gọi là Đông-quốc, Tây-quốc. Thời đại nầy nước Nhựt có những cuộc binh-tranh nội-loạn luôn luôn, xem y như đời Xuân-thu Chiến-quốc bên Tàu vậy. Chính người Nhựt cũng đặt tên cho cái chặng lịch sử nầy của họ là "Chiến-quốc thời-đại"
Trên kia đã nói bởi quý-tộc yếu, sĩ-tộc mạnh, mà dựng lên chế-độ Tân-phong-kiến.
Quý-tộc yếu là vì dòng dõi họ hay vui chơi yến ẩm, rất mực xa hoa, sau phải mang nghèo, phần nhiều không còn giữ được nghiệp nhà nữa. Trò đời, dòng sang trọng thế mấy, hễ đã mang nghèo thất thế, thì tự nhiên phải suy yếu đi có lạ gì.
Trong khi phần nhiều quý-tộc ham vui xài sướng, thì sĩ-tộc cặm cụi khai phá ruộng đất và chịu khó tìm tòi bươi móc ra đủ mọi nguồn giàu mạch lợi. Họ lại chăm chỉ tập rèn những thuật bắn cung cởi ngựa, đấu kiếm múa dao để cho được ra làm quan ở trào-đình, phục dịch với quý-tộc ; nhơn vậy mà họ xây dựng được nghiệp nhà của họ cũng truyền nối vẻ vang. Họ tự xưng là võ-sĩ, dựng lên gia-nghiệp gọi là võ-gia (武家 - Buke?), đối với dòng dõi quan quyền quý-tộc tức là công-gia (公家 - Kuge?).
Võ-gia ban đầu ở trong xã-hội có phần thấp hèn sánh với công-gia, song về sau công-gia tuy sang trọng mà hơi nghèo, còn võ gia thì giàu có lớn, thành ra võ-gia có thế lực mạnh, tranh hành với công-gia, lấn lướt cả công-gia. Huống chi tinh thần thượng võ trong nước lúc nầy nồng nàn sôi nỗi, ai cũng tập võ, ai cũng kính mến võ sĩ, làm cho võ gia càng được vẻ vang lừng lẫy hơn nữa.
Người Nhựt thuở xưa chuộng võ, mà có sự tin tưởng, sự tu luyện một cách cao xa, coi việc võ gần như nhà tôn-giáo coi Trời Phật, và dựng lên cái đạo gọi là "võ-sĩ-đạo" ((**), Bushido).
Ta nên xét sơ cho biết cái tinh hoa của Võ-sĩ-đạo, vì nó chẳng những là đặc sắc và căn-cơ của thời-đại tân-phong-kiến đang nói chuyện đây mà thôi. Chính nó là hương thơm, là vẻ đẹp thứ nhứt của tinh thần dân-tộc Nhựt-bổn xưa nay. Ta thấy họ hùng cường tấn hóa như bây giờ, và có những cử chỉ yêu nước khác thường, dõng cảm khác thường, ấy là do nơi tinh thần võ-sĩ-đạo từ xưa đã cảm hóa un đúc mà ra vậy.
Cả dân-tộc Nhựt-bổn có cái hồn chung - hồn nước - là Đại-hòa-hồn (大和魂 - Yamato Damashi); hồn ấy, mỗi người làm dân nước Nhựt phải tâm niệm, kỉnh thờ, giữ gìn, thao luyện. Nước Nhựt đời cổ, có một cái danh-hiệu là Đại-hòa ; bởi vậy, lối chữ riêng của Nhựt, ta thấy ở sách vở báo chí của họ xen lộn chữ Hán vào đó, người ta thường gọi là Hòa-văn (和文 - Wabun), Địa-hòa-hồn tức là quốc-túy tinh-thần của dân-tộc Đại-hòa, chính dân Nhựt-bổn. Hồn nầy ở trong tâm não người Nhựt cũng thiêng liêng cao quý như Thượng-đế ở trong tâm não nhà tôn-giáo.
Chỗ tốt đẹp của Đại-hòa-hồn là ở những tánh cách nầy : trung trực, bác ái, chuộng võ, giữ mình trong sạch, có lòng nghĩa-hiệp và biết xỉ-nhục, có khí-tượng rộng-rãi hào-phóng, hăng-hái quả-quyết, ở đời sấn bước đi tới, gặp việc nguy hiểm không từ v.v... Từ xưa, về đạo xử-thế lập thân, người Nhựt lấy Đại-hòa-hồn làm mực thước mà tự tu-tỉnh và khuyên-răn nhau, tức là gìn giữ trao dồi những đức tánh tốt đẹp như thế.
Võ sĩ ở trong xã-hội Nhựt-bổn, chính là hạng "nêu cao gương sáng" của Đại-hòa-hồn hơn hết.
Không phải hễ là kẻ sức mạnh bắn tài, liều mình dám chết thì đủ gọi là võ-sĩ đâu. Võ-sĩ có riêng đạo của võ-sĩ tôn-nghiêm cao-thượng ; trước hết phải trao-dồi đầy đủ những đức tánh của Đại-hòa-hồn, rồi lại có những sự giữ gìn thao luyện riêng nữa mới thiệt là võ-sĩ.
Cần nhứt võ-sĩ phải giữ tròn danh-dự nhiều phía : Danh dự thân mình, danh dự nước mình, danh dự của gia-môn mình bây giờ, danh-dự của con cháu mình mai sau. Mỗi cái cử-chỉ ở đời, võ-sĩ phải suy nghĩ sao bảo-tồn danh-dự trước hết, chớ không nên tiếc gì cái sanh mạng có chừng có hạn, mà để nhơ danh xấu tiếng về muôn đời. Song, sanh-mạng mình chỉ có một, không có hai, bởi vậy phải đắn đo cân nhắc cái chết cho nhằm thời lợi việc thì mới hữu danh ; nếu để mất sanh-mạng mình vào lúc không đáng chết, thì cũng không đủ làm cho rỡ ràng danh-dự được. Thành ra, phàm là võ-sĩ, tất phải giữ gìn tâm-chí mình thẳng ngay sốt sắng luôn luôn, không thể sơ sót chậm trễ được bao giờ.
Sự tranh-cạnh phấn đấu của võ-sĩ, không những là lựa chọn chỗ chết mà thôi, lại phải làm sao cho chết thật trong sạch xứng đáng, có vậy mới làm vẻ vang được tiếng tăm nhà mình.
Võ-sĩ làm việc rất quang-minh chánh-đại ; lúc bình thường đối với kẻ thù, không hề tỏ ra vẻ gì giận hờn ganh ghét ; lúc chiến-đấu thì dõng cảm, đánh ngay trước mặt người ta, chớ không chịu dùng những ngón hèn nhát là đánh ngầm giết lén. Ra chiến-trường bao giờ cũng ung dung vui vẻ ; thắng trận thì bảnh bao hớn hở, nổi tiếng anh-hùng dõng-sĩ đã đành, còn rủi có bị thua mang nhục mà chết, thì cũng chết một cách thái-nhiên, gọi là "chết có vẻ anh-đào" 死有?色 (**), nghĩa là chết mà nét mặt vẫn tươi tắn hồng hào như bông anh-đào khi rụng xuống cũng giữ cái sắc thiên-nhiên của nó vậy.
Người võ-sĩ Nhựt-bổn phải có tinh-thần phong-thể đại-khái như vậy đó.
*
Sự thiệt, võ-sĩ-đạo là tinh-anh luân lý của Nhựt-bổn, chính nó un đúc ra cái nguyên khí quốc-dân. Vận nước nhờ đó mà rỡ ràng, thói dân nhờ đó mà cứng cỏi ; nội những dấu tích gì sáng tỏ vẻ vang ở trong lịch sử Nhựt-bổn, đều do từ gốc nguồn võ-sĩ-đạo mà phát ra tất cả. Bởi vậy sẵn dịp tôi muốn nói qua về lai lịch võ-sĩ-đạo, tưởng không phải là chuyện dư. Phải, chỉ nói qua mà thôi, nếu muốn nói kỹ về vấn đề nầy thì mấy cuốn sách e cũng chưa đủ.
Nói cho đúng, thì gốc tích võ-sĩ-đạo thật là phát nguyên từ "đời thần" (神代 - Kamiyo) (**), nghĩa là đời còn thần làm chủ) mà đi. Nào sùng bái tổ-tiên, nào kính sợ vua chúa, nào võ-dõng, nào thành-tín, nào giản-dị chất phát, ấy đều là tánh riêng của giống người Nhựt ở đời thượng-cổ. Ngay đời đó người ta đã ưa mang gươm dao bên mình và lấy việc võ dõng làm danh-dự.
Xuống đến "đời người" (人代 - Hitoyo), nghĩa là đời do người làm chủ, kể từ Thần-võ Thiên-hoàng (神武天皇 - Jinmu Tennou) là vua khai sáng nước Nhựt)), chủ nghĩa chuộng võ càng thạnh. Trong trào ngoài quận, trên vua dưới dân, ai cũng chuộng võ, cả nước là binh. Đấng thiên-tử làm nguyên soái, các quan đại thần làm phó tướng. Chính Thần-võ thiên-hoàng mới lên làm vua, dựng ra nước Nhựt, đã đem quân đi đánh đông dẹp tây, mở mang bờ cõi, rồi từ đó về sau không mấy trào vua mà không dùng binh chuộng võ, rất đỗi đàn bà là Thần-công hoàng-hậu (神功皇后 - Jinguu Kougou) cũng đem quân vượt biển đánh tới Tam-Hàn (三韓 - ?), làm cho Nhựt thêm rộng bản-đồ, vang danh oai võ. Từ xưa, giống người Nhựt chinh phục được những bộ lạc man di và nổi tiếng tới đại lục, chính là nhờ có cái tinh thần thượng võ vậy.
Lúc Nho giáo truyền sang, càng giúp cho tinh thần thượng võ được phấn chấn thêm, vì nghĩa lý đạo nho cùng với tinh thần thượng võ của người Nhựt rất là thích hiệp.
Lần lần đến đời hai họ Nguyên (Lại triều), Bình (Thanh thịnh) dành nhau cái ngôi bá chủ, lấy võ lực đua tài, dùng binh đao đấu sức ; họ nào cũng có đảng phe, tử đệ, chăm lo rèn tập việc võ, bấy giờ trong xứ mới thành ra có giai cấp gọi là võ-gia (武家 - Buke), có danh hiệu gọi là võ-sĩ (武士 - Bushi). Vẫn biết dân tộc Nhựt-bổn sẵn có tinh-thần tư tưởng chuộng võ từ xưa, nhưng mà thiệt đến đời nầy thì việc võ mới dựng ra có cách giáo dục huấn luyện riêng, có luân lý đạo đức riêng. Nhứt là đời nầy, bọn quan văn hủ-bại đáo để, mà nhà võ-sĩ thì có căn bổn giáo dục gọi là sự đạo đức, cho nên giữa lúc thiên hạ loạn lạc đảo điên, gọi là hạng người trung dõng, nhơn từ, thẳng ngay, lẫm liệt, có thể vãn hồi thế đạo nhơn tâm, chỉ duy có võ-gia mà thôi, võ-sĩ-đạo bởi đó mà dựng lên vậy.
Sau Nguyên-lại-Triều (源頼朝 - Minamoto no Yoritomo) đánh thắng Bình-Thanh-Thịnh (平清盛 - Taira No Kiyomori), mở ra Bá-phủ ở đất Kiêm-xương (Mạc-phủ 幕府 - Bakufu bắt đầu tạo lập ra từ lúc nầy. Nhằm cuối thế-kỷ 12 của Tây lịch), rồi thi hành lối chánh-trị võ gia, bày đặt ra chế-độ riêng của võ-sĩ, bây giờ võ-sĩ-đạo xây dựng lên một cách hoàn thành.
Các đức tốt, là : Trung, dõng, tiết, nghĩa, hiếu hạnh, quả-cảm, liêm-sĩ, cang trực, khoan-nhơn, bác-ái, kiệm-cần, chăm chỉ, ngay thẳng, thật thà v.v..., đều là những đạo đức mà nhà võ phải trau dồi dạy dỗ con cháu từ hồi còn thơ. Chính nhà võ-sĩ, cả đời cũng phải giữ gìn những mỹ đức ấy.
Ta nên biết rằng gọi là võ-sĩ-đạo (武士道 - Bushidou), chữ đạo 道 có nghĩa là một nền giáo-dục, lại cũng có nghĩa là một nền tôn-giáo, một con đường đi nữa.
Do theo họ Nguyên xướng xuất, phàm là con nhà võ thì phải thờ vị thần Bát-phan 八幡神 - Hachiman no Kami hết sức cung-kính. Họ Nguyên dựng đền thờ thần ấy ở tại Kiêm-xương là kinh-đô của mình, để làm vị thần thủ-hộ cho toàn thể võ-gia trong nước. Ngày nay di tích vẫn còn.
Nguyên là trước đó có vị cao-tăng đắc đạo thành Phật, lúc sanh bình ông là người cao khiết, giản-dị, thường dạy người đời đừng thèm sợ chết. Cách tu-tâm dưỡng tánh của vị cao-tăng nầy rất hạp với sở nguyện sở hành của con nhà võ, cho nên họ Nguyên tôn lên làm thần của võ-gia. Giữa đời đó nước Nhựt có chuyện loạn-ly chiến-đấu luôn luôn, nếu như người ta không giác-ngộ về lẽ sống chết cho hẵn hòi, thì không lấy gì làm gốc cho sự can-đảm hùng-cường được. Bởi Bát-phan-thần (八幡神 - ?)(?) khuyên dạy thế-nhơn đừng thèm sợ chết, thật là trúng vào trái tim khối óc của võ-gia, cho nên võ-gia càng hoan-nghinh thờ phượng rất mực. Ngoài đền thờ chánh ở Kiêm-xương, khắp nơi trong nước, nơi nào cũng dựng đền nguy nga đồ sộ để thờ thần ấy. Nhờ vậy mà võ-sĩ-đạo thêm vững gốc nguồn, nâng cao tôn-chỉ.
Về sau, tới hồi nước Nhựt chia hai : Nam-triều, Bắc-triều, có vị anh-hùng là Nam-mộc Chánh-thành (楠木正成 - Kunoki Masashige), trung quân ái quốc một cách tuyệt đối ; người Nhựt cho Nam-mộc chính là người đại biểu rất cao của võ-sĩ-đạo, có chi tiết sự nghiệp ghi chép sử xanh, đến nay ai nhắc tới cũng tỏ lòng cung kính. Sanh thời, Nam-mộc đủ hết mọi đức tánh nhơn-từ dõng-cảm và có gan to chí lớn, thấy trào-đình có kẻ gian-thần hại nước hiếp vua, Nam-mộc không thế nào dương mắt ngồi ngó được, bèn đem cả con cháu họ hàng mình lập thành một đạo quân, thề trừ quốc-tặc cho đến chết mới thôi. Người Nhựt cho Nam-mộc là bực trung dõng nghĩa liệt, chánh-đại quang-minh, trong thiên hạ không ai sánh kịp và chính Nam-mộc treo gương võ dõng đạo-đức cho muôn đời soi chung.
Kế đó, có những người như Tân-điền (新田 - Nitta), Cúc-trì (菊池 - Kikuchi), Danh-hòa (名和 - ?) v.v... đều là hạng liệt-sĩ kế tiếp nhau nổi lên, tỏ ra cái tư cách của nhà võ sĩ chơn chánh, có ảnh hưởng tới dân-tâm sĩ-khí của Nhựt-bổn xưa nay. Hồi Nhựt-Nga chiến tranh (1904-1905), có những kẻ liều mình cự giặc như hạng Quảng-lại Võ-phu (廣頼武夫 - ?), tử trận ở cửa Lữ-thuận (旅順 - Ryojun), hay là hồi Nhựt-Hoa chiến tranh ở Thượng-hải, đạo binh 19 của Tàu chống cự mạnh quá, binh Nhựt không thế nào phá được trận địa của họ ở Miếu-hàng-trấn, lúc ấy có ba tên lính Nhựt liều chết ôm lấy viên đạn cốt-mìn mà xông đại vào, mới bắn phá được trận địa ấy và đuổi được đạo binh 19 phải lui, đại-khái những tay anh hùng vì nước quyên-sanh như thế, người Nhựt bảo là noi dấu võ-sĩ-đạo của hạng Nam-mộc hồi xưa cả đó.
Từ đời Nguyên-lại-triều xướng lập võ-sĩ-đạo cho tới ngày nay trên 800 năm, trong lịch sử Nhựt-bổn có những vị anh hùng lẫm liệt, thương nước bỏ mình, tỏ ra tinh thần võ-sĩ-đạo, nhiều thật là nhiều, không thể kể hết được.
Trên kia đã nói Đại-hòa-hồn (大和魂 - Yamato Damashi) cái hồn thiêng của dân tộc Nhựt-bổn, phàm là người Nhựt đều phải gìn giữ kính thờ. Hồn ấy ký-thác ở Võ-sĩ-đạo, hiển linh ở Võ-sĩ-đạo. Bởi vậy có người cho Đại-hòa-hồn và Võ-sĩ-đạo là một mà thôi.
Đàn bà con gái, cũng là tín đồ Võ-sĩ-đạo vô số. Phụ nữ Nhựt đời Thượng-cổ, chính họ cũng thượng-võ, và khuyến khích yêu mến hạng con trai võ-dõng. Ví dụ như bà Thần-công hoàng-hậu (神功皇后 - Jinguu Kougou) tự đem binh đi đánh giặc, đủ tỏ ra đàn bà có khí phách anh hùng ra làm sao ! Sau có Võ-sĩ-đạo nỗi lên thạnh hành, bọn phụ nữ nhà võ cũng lo trau dồi huấn luyện những đức tánh dõng cảm, kiên trinh, hòa nhã, tiết nghĩa, không thua gì đàn ông. Bởi vậy hạng liệt-phụ hiền-nữ ở trong lịch sử Nhựt-bổn có số nhiều, chẳng thua gì nước nào khác, có lẽ còn nhiều hơn nữa. Rất đỗi vợ con võ-gia đều ganh đua tập võ, đeo gươm giữ mình, và khi con gái xuất giá, lấy con dao thanh kiếm, là đồ cưới quý trọng hơn hết. Tục nầy đến lúc đầu Duy-tân cũng còn.
Ta coi lai lịch và tinh-thần Võ-sĩ-đạo như thế, bảo Võ-sĩ-đạo là nguyên khí của quốc gia, luân lý của dân tộc Nhựt-bổn chính là sự thiệt vậy.
*
Nãy giờ, mê man theo bóng Võ-sĩ-đạo mà chúng ta đi xa đường quá : giờ ta nên quay về mục đích, là câu chuyện tân-phong-kiến.
Dân tộc Nhựt-bổn, ngay từ khi hỗn hiệp thành giống riêng, tạo lập ra một nước, đã có sự sanh-tồn phấn đấu, khiến họ có tinh thần thượng võ tự nhiên rồi. Về sau, cuộc sanh tồn phấn đấu càng ngày càng phải dồn dập cần dùng, thì tinh thần thượng võ lại càng ngày càng mở mang rộng lớn. Đến đời tân-phong-kiến, chính do tay võ-sĩ dựng ra, Võ-sĩ-đạo rất là thạnh hành, đào tạo cho lịch sử Nhựt-bổn có một kỷ nguyên mới, một đặc sắc mới, chẳng những có ảnh hưởng lợi ích ở đương thời mà thôi, lại có ảnh hưởng lợi ích cho cuộc duy-tân tấn hóa về sau nữa. Thiệt vậy, đến đời Minh-trị, từ Đức-xuyên Khánh-Hỉ (徳川慶喜 - Tokugawa Yoshinobu) tự bỏ Mạc-phủ mà đem quốc gia đại quyền dâng trả lại Thiên-hoàng, cho đến những anh hùng hào kiệt, chí sĩ cao nhơn, ai nấy ra sức hô hào thúc giục mà giúp vào cuộc duy-tân mau làm mau xong, nhứt thiết đều có dõng khí và di-phong của Võ-sĩ-đạo khi xưa truyền lại cả.
Tân-phong-kiến là thế nào ?
Tóm tắt chế độ ấy như vầy : Lúc võ-gia nỗi lên chống với công-gia - tức là sĩ-tộc tranh quyền quý-tộc - mà được thắng thế rồi, một người trong đám võ-gia, có binh ròng tướng mạnh sức lớn oai to hơn hết, bèn lấy thế lực ấy mà tự xưng là tướng quân, mở ra Mạc-phủ, đoạt quyền Thiên-hoàng, và sai khiến cai trị tất cả mấy trăm chư hầu lớn nhỏ trong nước. Nói về quyền bính, gần giống như cách "vua Lê chúa Trịnh" ở nước ta thuở xưa ; nói về danh nghĩa, thì không khác gì tình thế của đời Xuân-thu Chiến-quốc nước Tàu ; bọn Tề hoàn, Tấn văn lấy sức mạnh tự xưng là bá chủ, làm bộ nâng đỡ thiên-tử nhà Châu để sai khiến hiếp đáp chư hầu cho dễ.
Thiệt vậy, lúc nước Nhựt có Mạc-phủ dựng lên, chính là lúc Thiên-hoàng mất quyền, chỉ còn ở ngôi vua cho có vị vậy thôi, bao nhiêu quốc-gia đại-chánh đều do ông tướng-quân nắm giữ hết ; chư-hầu tuy vẫn chiếu lệ triều cống Thiên-hoàng, nhưng họ phụ thuộc về Mạc-phủ và kiêng sợ Mạc-phủ hơn.
Đó là chế-độ tân-phong-kiến.
Chế-độ nầy bắt đầu dựng lên hồi cuối thế-kỷ 12 theo Tây-lịch, hai võ-gia thế lực là Nguyên-lại-triều (源頼朝 - Minamoto no Yoritomo) và Bình-Thanh-Thịnh (平清盛 - Ta-ira No Kiyomori) cùng nhau dành giựt Thiên-hoàng, tranh cướp chánh-phủ ; rốt cuộc họ Bình bị bại diệt, họ Nguyên thắng trận rồi mở ra Mạc-phủ ở đất Kiêm-thương, xưng là tướng-quân, thâu trọn quyền binh mã cả nước vào trong tay, và bắt chư-hầu phải tòng phục mình. Mạc-phủ dựng lên từ đó, nhằm giữa năm Tây lịch 1186.
Mỗi vị tướng-quân làm chúa như thế, truyền được ít đời con cháu, rồi có họ võ-gia khác mạnh thế thừa cơ nỗi lên đánh bại họ võ-gia trước mà dành ngôi tướng-quân. Khởi từ họ Nguyên, trải qua mấy họ Bắc-điều (北條 - Houjou) , Túc-lợi (足利 - Ashikaga), Thượng-sam (上杉 - Uesugi), truyền nối mãi cho đến họ Đức-Xuyên (徳川 - Tokugawa), là dòng Mạc-phủ chót hết, nước Nhựt ở trong thời kỳ chế-độ tân-phong-kiến nầy có trên 700 năm. Riêng họ Đức-xuyên làm chúa được lâu bền hơn cả, cha truyền con nối, có dư 250 năm, tới giữa thế kỷ 19 vừa rồi, tướng-quân chót hết của họ Đức-xuyên là Khánh-Hỉ nạp trả đại chánh cho Thiên-hoàng, thế là Mạc-phủ dứt, tức là chế độ tân-phong-kiến dứt. Rồi đó Minh-trị Thiên-hoàng ra tay duy tân cải-cách, đưa nước Nhựt vào cõi văn minh hùng-cường tới ngày nay.
Thời kỳ tân-phong-kiến hơn 700 năm, do sự Mạc-phủ thay quyền đổi họ, tướng-quân mạnh được yếu thua, khiến cho nước Nhựt trải lắm phen nội-loạn lung tung. Có mấy lần trong nước đánh nhau thê-thảm đến hàng đôi ba chục năm mới dứt ; nào là triều-Nam triều-Bắc, nào là nước Đông nước Tây, chia rẽ tranh hành, hiệp rồi tan, tan rồi hiệp, trị kế loạn, loạn kế trị. Có phen rối loạn, tưởng là ngôi Thiên-hoàng đến phải rung rinh, đỗ ngã, nhưng rồi lại khôi-phục tôn-nghiêm như xưa, bởi vậy dân Nhựt càng tin rằng vua là con cháu chánh-tông của Thần, không thể nào suy vi hay thay đổi được.
Dầu sao mặc lòng, thời kỳ nầy dân Nhựt mở mang tấn hóa dữ lắm. Chính nhờ sự tương tranh tương đấu không ngơi, mà dân-tộc họ từ trên xuống dưới, dồi mài được tinh-thần năng lực thêm hay thêm giỏi ra không biết bao nhiêu. Lạ nhứt là khi loạn cứ loạn mà đám bình-dân vẫn yên tâm về mọi việc kinh-doanh khai-thác của họ. Văn-học, nghệ-thuật, công-nghiệp, nông-tang v.v... nhứt thiết đều được tấn-tới thạnh vượng, chớ không vì sư nội loạn mà phải suy sút ngưng trệ gì; đó là nhờ dân họ mạnh chí tấn thủ lắm mới được như vậy.
Các trào Mạc-phủ cũng có công lao khai-hóa với quốc-dân nhiều lắm. Nhứt là trào Đức-xuyên lo sắp đặt giáo-dục, mở-mang văn-hóa, rất dày công-phu. Nhờ họ Đức-xuyên mà cuối thế-kỷ 18, đầu thế-kỷ 19, nước Nhựt đã biết cái lợi giao thiệp buôn bán với Âu-châu, nhứt là với Hòa-lan, và đã biết thâu thái ít nhiều học-thức của Thái-tây, nhứt là y-học. Xem đại-khái như vậy, thì nói rằng chế-độ phong-kiến có cái lợi un đúc tinh-thần, có cái công dồi-mài trí-hóa cho dân-tộc Nhựt-bổn, chẳng phải là đúng với sự thật lắm sao ?
Tóm lại, dân-tộc Nhựt-bổn trước hết nhờ sự tin tưởng mình là Thần-quốc mà được bền bỉ lâu dài, ai nấy có óc tự-tôn, xưa nay không bị ngoại-hoạn ; lại nhờ có địa lý nung nấu cho dân-tộc có nhiều tánh-chất tốt ; sau hết nhờ chế-độ phong kiến đắp đổi đã thao luyện tinh thần trí hóa cho họ ; ấy là ba cái đặc sắc của họ có đã lâu đời, làm-căn bổn sẵn sàng, cho nên đến khi gặp thời-thế, phong-trào mới thúc giục, tự nhiên họ tấn-hóa tự-tân được mau lẹ tốt đẹp vậy.
Chúng ta đã xét biết ba cái nguyên-do lớn nầy rồi, ta phải nghĩ rằng người Nhựt dung ruổi có 30 năm mà theo kịp Âu-Mỹ trên đường văn-minh tân-thời, vẫn biết là họ anh-hùng dõng-cảm đã đành, nhưng cũng là lẽ đương nhiên, không lạ. Thấy một người có gia-phong, có tài-đức, nay được phú-quý hiển vinh mà ta cho là đáng lắm, thì ngó thấy cuộc duy-tân hùng-cường của Nhựt-bổn, ta có thế nào suy nghĩ khác hơn, là vì họ có một cái dĩ-vãng rỡ ràng đặc biệt từ trong trứng nở ra kia mà !
(1) 大倭 - ?, bây giờ tức là thôn Bạch-cương 白? - ?, quận Cao-thị (高市 - ??), xưa gọi là Cương-nguyên ? 原 - ? ). Đời xưa giống người Nhựt có cái tên của Tàu đặt cho, gọi là giống người Nụy ; Bởi vậy sử đời Nguyên nước Tàu chép về Nhựt-bổn, kêu là Nụy-nô-quốc (倭奴国 - ?), nghĩa là nước người lùn thấp, do cái gốc của dân Ái-nô (Ainos(?)) mà ra. Chính người Nhựt tự xưng là Đại-hòa (大和 - Yamato)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top