Nước mắt của Trọng Thuỷ- muôn đời lãng quên...
"Ngựa lướt vầng dương thành sầm tối,
Sừng tê rẽ nước giữa ban ngày.
Móng rùa mưu rễ đem đi mất
Lông ngỗng lòng con ai biết đây?
Sông núi lệ tuôn trai ngọc kết,
Oan khiên khôn lấp giếng xưa đầy.
Phách hồn trinh trắng còn không mất,
Cờ quế đêm mưa gió lắt lay!"
- Con nghe bài thơ ấy từ đâu vậy?
- Con nghe từ mọi người trong làng. Nhưng bài thơ này nói về điều gì vậy thưa mẹ?
- Ôi con trai của ta! Mẹ sẽ kể cho con nghe một câu chuyện. Chỉ một mình con mà thôi! Câu chuyện bí ẩn cuối cùng của vương quốc Âu Lạc.
Năm 257 trước công nguyên, nước Âu Lạc được hình thành và cai trị bởi một vị vua anh minh, tài giỏi tên là An Dương Vương. Vua chăm lo cho dân chúng, nhanh chóng tiến hành xây dựng thành phòng thủ. Nhưng không hiểu vì lý do gì, hễ đắp tới đâu thì đất lại lở ra đến đấy. Vua lo lắng, lập đàn trai giới để cầu xin bách thần. Thấy vua một lòng vì giang sơn xã tắc, sứ Thanh Giang là Rùa Vàng đã dùng phép giúp vua xây thành chỉ trong nửa tháng. Thành ấy có hình xoắn ốc, tên gọi là Quỷ Long thành hay còn gọi là thành Cổ Loa. Trước khi trở về, sứ Thánh Giang tháo vuốt ban cho An Dương Vương để chế tạo vũ khí chống quân xâm lược. Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt làm lẫy. Nỏ thần một lần có thể bắn ra hàng trăm mũi tên, "bách phát bách trúng", nên được gọi là "Linh Quang Kim Quy thần cơ".
Một lần, Triệu Đà- kẻ tham lam và xảo trá- từ phương Bắc cử quân sang xâm lược Âu Lạc. An Dương Vương dùng nỏ thần chiến đấu, quân Triệu Đà thua lớn, rút về núi Trâu Sơn đắp luỹ rồi xin hoà. Không lâu sau, Triệu Đà cho Trọng Thuỷ là con trai mình đến hoà thân với công chúa Mị Châu xứ Âu Lạc. Chỉ nghĩ đến việc xây dựng hoà bình, không suy xét, vua An Dương Vương liền chấp thuận. Trọng Thuỷ là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, tướng mạo thanh cao, trông có vẻ không phải là một người có tâm địa ác độc như cha của chàng. Có lẽ vì thế mà vua An Dương Vương và công chúa tin tưởng, yêu mến Trọng Thuỷ không một chút nghi ngờ. Mị Châu đã dẫn Trọng Thuỷ xem hết các ngõ ngách của loa thành. Trọng Thuỷ ngỏ ý muốn xem nỏ thần, Mị Châu đã lấy nỏ thần cho chồng xem rồi sai người đem cất đi.
Một thời gian sau, Trọng Thuỷ đột ngột xin về thăm cha. Trước đêm khởi hành, Trọng Thuỷ gặp Mị Châu và nói rằng:
- Tình phu thê đến bạc đầu cũng không nỡ chia lìa, nhưng nghĩa mẹ cha là máu chảy trong tim, lại không thể dứt bỏ. Nay ta trở về thăm cha, đường đi xa xôi, hiểm trở ngàn dặm. Nếu lỡ hai nước thất hoà, Bắc Nam cách biệt, ta quyết tìm nàng, lấy gì làm dấu?
- Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khôn xiết. Thiếp có áo gấm lông ngỗng hay mang trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông ngỗng làm dấu, nhất định ta sẽ đoàn tụ!- Mị Châu nghẹn ngào đáp lại.
Trọng Thuỷ cài lên mái tóc của Mị Châu một cây trâm khắc hình đôi uyên ương bằng ngọc thạch. Chàng nhìn Mị Châu bằng đôi mắt tràn ngập tình yêu nhưng phảng phất một nỗi buồn sâu thẳm:
- Đây là cây trâm do chính ta làm tặng nàng. Đôi uyên ương này là minh chứng cho tình yêu giữa hai ta. Hãy tin tưởng ta, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, có được không?
- ...Chàng sẽ phản bội ta và đức vua, có đúng không?- Mị Châu khẽ hỏi với hai dòng nước mắt lăn trên má.
Trọng Thuỷ cố cất giấu sự ngạc nhiên bằng ánh nhìn đầy chân thành. Chàng nhẹ nhàng ôm Mị Châu vào lòng và thầm thì vào tai nàng:
- Không bao giờ!
Công chúa mỉm cười, dựa đầu vào vai Trọng Thuỷ, bàn tay siết chặt đôi vai vững chãi của chàng. Họ thề nguyện một lòng chung thuỷ và rồi chia tay trong nước mắt dưới sự chứng giám của ánh trăng đêm hôm ấy.
Ba tháng sau khi Trọng Thuỷ về phương Bắc, Triệu Đà bất ngờ cầm quân tiến công, xâm chiếm Âu Lạc lần thứ hai. An Dương Vương nghe tin liền cười và nói rằng: " Đà không sợ nỏ thần của ta sao?". Vua vẫn ngồi đánh cờ một cách điềm nhiên. Khi quân của Triệu Đà đã đến sát thành, An Dương Vương bỗng nhận ra nỏ thần đã bị đánh tráo. Không còn đủ bình tĩnh, vua An Dương Vương xô cả chồng sách sử kí vào lò lửa rồi hét lớn:
- Trọng Thuỷ! Chính ngươi đã làm việc này! Ta nguyền rủa ngươi!
Không còn nỏ thần, An Dương Vương cùng Mị Châu leo lên ngựa chạy về phương Nam.Trên đường đi, Mị Châu không quên rắc lông ngỗng chỉ đường cho Trọng Thuỷ. Ngựa chạy đến bờ biển, thấy không còn đường thoát, An Dương Vương cầu cứu sứ Thanh Giang. Sứ Thanh Giang hiện lên, kết tội Mị Châu: "Chính người ngồi sau ngựa mới là giặc!". Mị Châu hoảng hốt, ngã ngựa, sụp lạy dưới chân An Dương Vương nức nở rằng:
- Nếu con có một lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu con có một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối, chết sẽ biến thành ngọc châu để rửa sạch mối nhục thù!
An Dương Vương nhìn con mình bằng ánh mắt ngỡ ngàng rồi đến căm phẫn, nhưng sâu thẳm trong ánh mắt ấy là nỗi đau khổ đến tột cùng. An Dương Vương gào thét trong đau đớn:
- Ta không có đứa con như ngươi!
Nói xong, An Dương Vương rút kiếm lao thẳng đến người Mị Châu. Nhưng mũi kiếm ấy đã dừng lại! Một màu đỏ thẫm bao phủ khắp thanh kiếm, mùi máu tanh chết chóc tản đi khắp không gian mịt mù. Thì ra Trọng Thuỷ đã kịp lấy thân mình đỡ nhát kiếm ấy cho công chúa.
- Ngài nhẫn tâm đến mức giết chết con gái và cả đứa cháu chưa kịp chào đời của mình hay sao?!- Trọng Thuỷ hét vang trời rồi ngã gục xuống đất.
An Dương Vương buông kiếm, khuỵ đầu gối xuống, chưa định thần được chuyện gì đang xảy ra. Mị Châu run rẩy ôm Trọng Thuỷ vào lòng mà nấc nghẹn:
- Tại sao?...Tại sao lại đỡ gươm? Lưỡi gươm ấy phải dành cho ta... là kẻ đã hại đất nước vì quá tin chàng...Chàng đã dối ta!
- Không! Công chúa của ta ơi! Ta chưa một lần lừa dối nàng! Chưa bao giờ!
- Chàng đột ngột trở về phương Bắc. Không lâu sau thì cha chàng kéo quân xâm lược Âu Lạc, nỏ thần cũng bị đánh tráo! Không phải chàng làm hay sao?!
-Ta không làm chuyện đó! Lần này trở về phương Bắc, cốt là để ta thuyết phục cha từ bỏ ý định thâu tóm Âu Lạc. Nhưng không ngờ, cha ta đã phòng tính trước sẽ có ngày ta làm như vậy nên đã sớm cho người trà trộn vào lính canh gác thành Cổ Loa để đánh tráo nỏ thần. Ta không thể ngăn cản, lập tức dẫn quân cứu nàng và đức vua. Thật không ngờ...ta xin lỗi...Mị Châu!- Trọng Thuỷ gắng giải thích với chút sức lực cuối cùng.
Mị Châu đau buồn vì đã hiểu lầm Trọng Thuỷ, quyết cùng chết với chàng, nàng rút cây trâm trên đầu do Trọng Thuỷ tặng toan đâm vào cổ tự tử thì Trọng Thuỷ lấy tay mình ngăn lại. Chàng ứa nước mắt và thì thào rằng:
- Đừng! Ta cầu xin nàng! Nỗi đau lớn nhất cuộc đời ta là không bảo vệ được cho thê tử. Nàng phải sống vì con của chúng ta.- Trọng Thuỷ nhìn lên trời, khuôn mặt chàng trắng bệch không còn sức sống- Hãy đặt tên con là Tự Vĩnh, nghĩa là mãi mãi...ta...yêu...nàng!
Trọng Thuỷ chết nhưng mắt chàng không hề nhắm lại. Cây trâm uyên ương nhuốm máu như chính bi kịch tình yêu của họ. Mị Châu đau đớn hôn lên đôi môi của Trọng Thuỷ. Nước mắt đôi uyên ương hoà quyện vào nhau rửa sạch mọi mùi tanh dơ bẩn của oan ức và thù hận. Trời đổ cơn mưa. Có lẽ ông trời cũng xót xa trước cảnh tượng đau lòng ấy!
Xác Trọng Thuỷ tan vào làn mưa, biến thành cơn gió quấn lấy Mị Châu và An Dương Vương đưa đến núi Tây Sơn.
- Xin hãy tha thứ cho cha!- Vua An Dương Vương buồn rầu nói với Mị Châu.
Vua An Dương Vương đặt tay lên bụng Mị Châu rồi nói với đứa trẻ trong bụng nàng rằng:
- Nhân dân Âu Lạc, ta giao phó cho con!
Nói xong, An Dương Vương hoá rồng, bay lên tận trời cao vĩnh viễn dõi theo dân tộc Lạc Hồng.
Tại làng Hoả Long trên núi Tây Sơn có đồn đại một lời tiên tri rằng:"Nơi đây sẽ có một vị anh hùng được sinh ra và gắn kết nhân dân Đại Việt". Đó là lời tiên tri cuối cùng...Từ đó, không còn ai nghe thấy điều gì nữa...
-Một câu chuyện buồn, mẹ nhỉ? Mẹ đang khóc đó sao?
- Không, chỉ là Gió làm cay mắt của mẹ thôi. Chúng ta cùng về nhà nào, Tự Vĩnh!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top