Chương 3: Chốn Về
Chiều về, tà dương trĩu nặng cánh, nhạn bay lảo đảo.
Lầu Vọng Tinh vẫn đông khách vào ra. Trong đại sảnh khách ngồi chật ních dưới khán đài, cốt là để xem Hồng Quân vừa múa vừa mời rượu. Nay, khách đến Vọng Tinh phần nhiều là muốn gặp gỡ Hồng Quân. Về phần Lưu Linh, chỉ có ít người vẫn còn mến lấy chút văn chương của nàng mà lui đến.
Con người không phải là loài chung thủy, cũng chẳng phải là loài dễ dàng buông bỏ, nhưng cái gì gặp nhiều thì lâu ngày cũng sinh ra nhàm chán.
Người ta đã chán chê phù dung má đào, mắt hạnh. Giờ đây, ai cũng muốn xén đi vạt áo vì lam nhan bên gối.
Thế mới nói mẹ Loan quả thật có mắt nhìn. Mắt nhìn người, mắt nhìn thời, và mắt nhìn đời.
Đương triều, hôn quân chỉ biết đê mê trong tửu sắc, không phân lam hồng. Lâu dài, triều đại dần thối nát đi, thanh lâu cũng thịnh nam sắc.
Cái gọi là dung mạo nam tử hợp với thanh lâu chính là ánh mắt câu hồn đoạt phách cùng nụ cười làm cho người ta bằng lòng ăn hết trái đào bị cắn dở.
Linh biết người ta đến đây không nghe nàng đàn nữa đồng nghĩa với việc nàng buộc phải rời đi, không được cận kề Quân sớm chiều nữa. Có lẽ mẹ Loan đã sắp xếp một cái giá ổn thoả cho nàng, chỉ chờ người đến chọn.
—
Đương lúc Hồng Quân đang là trăng sáng trong lòng khách phong lưu. Có vương tôn quý tộc mang hằng hà châu báu đến Vọng Tinh, hắn muốn đón Hồng Quân đi.
Hắn cho mẹ Loan tùy ý ra giá, chỉ cần để hắn dẫn Quân đi. Bằng không, sẽ cho lầu cao hoá tro bụi.
Tên kia muốn mang y vào cung, dâng lên cho thiên tử lúc bấy giờ - một tên hôn quân chỉ biết ngửi rượu ăn hoa, mặc cho dân chúng lầm than.
Thiên tử chẳng khác gì một con thú được ban cho quyền sinh quyền sát. Quân mà đi khác gì bước chân vào cửa tử.
Một vùng đất mà kẻ đứng đầu hạ lưu như thế, chẳng trách sao chốn trăng hoa như Lầu Vọng Tinh không bao giờ thiếu khách tới lui.
Mẹ Loan bị ép phải ra một cái giá, bà ta không cam, nhưng rồi cũng bán đứt Quân đi. Quý tộc kia cũng chấp thuận. Hạ nhân khiêng chậu vàng thúng bạc vào lầu, châu sa lấp lánh, hoàng kim chói lọi.
Quân đi, trên người ngọc ngà lung linh, hồng y rực rỡ, đẹp đẽ điêu lòng. Mà tất thảy thứ ấy đều là do Linh cẩn thận điểm tô, đẹp đẽ nhường nào mà cũng chẳng phải cho nàng.
Linh vân vê cánh môi Quân, làm nhoè đi vết son do chính mình vừa tỉ mỉ vẽ, nàng hôn lên làn mi quân. Lần này quân đi, sẽ chẳng thể gặp lại.
—
Mẹ Loan nhíu cặp mắt chuột, lúng túng bảo:
"Giấy bán thân chắc là lạc đâu đó thôi, Hồng Quân sẽ trao cho ngài ngay. Xin chớ có vội."
Hắn là người của triều đình, muốn bắt người đi chẳng cần nói đạo lý cũng được. Nhưng nực cười thay, lũ quý tộc lại muốn tỏ ra mình liêm chính lỗi lạc, luôn giao dịch đầy đủ hình thức để tạo nên cho mình một vẻ ngoài bóng bẩy.
Mẹ Loan bước vào phòng thấy Lưu Linh cầm một xấp giấy dày trên trên tay, tay còn lại đã mồi sẵn lửa.
Bà ta hung hãn lao vào.
Giằng co, nến ngã.
Cháy.
"Cháy rồi!?"
Lầu Vọng Tinh cháy rồi
Cháy to như thế có người mừng rỡ, có người khinh khi.
Mừng rỡ vì cái nơi tanh tưởi này cuối cùng cũng đổ nát, mừng rỡ vì tự do.
Khinh khi vì vốn biết cái nơi tanh tưởi này rồi cũng có ngày đổ nát.
Ven sông người ôm thùng kẻ xách chậu thay nhau dập lửa. Thứ ánh sáng chói lòa rực rỡ kia như được ban cho tự do mà nó hằng ao ước mà mặc sức tung hoành. Lửa cứ cháy mãi, cho đến khi nó cảm thấy đủ, rồi tự nguôi ngoai, để lại tàn dư sắc dục một bãi đổ nát.
Linh cũng chỉ muốn náo loạn một phen, chỉ cần Quân thành công trốn đi, Linh cũng sẽ tự thoát được. Không lường trước được việc bén lửa mà cháy đến độ này.
Quân theo lời Linh nhân lúc loạn mà bỏ vào núi sâu.
Đến nơi hẹn, chẳng thấy Linh đâu. Mãi cho đến khi mặt trời ló dạng, chỉ thấy quan phủ gông cổ lão bà tên Loan, người của nha phủ khiêng đầy xác chết. Là xác của những nữ nhi chết cháy, xác của những khách làng chơi bỏ mạng trong chính miền khoái lạc của chính mình.
Trời cũng trút xuống cơn mưa, lòng người càng loạn.
Có phải nàng cũng không thoát được?
—
Làng Chích.
Trời hè oi ả, ve ca rộn ràng.
"Mặt trời tắt nắng, màn đêm buông.
Lấm tấm, lung linh, chiếu sáng ngời.
Là ai đả động đến chân trời?
Làm cho sao sáng rơi đầy trên sông."
Lũ trẻ con hồn nhiên ngân nga một giai điệu.
Bọn nhỏ đùa vui lắm, hết hát lại chạy đi bắt ve, mệt lả rồi thì ngồi lại cùng nhau kể chuyện. Thấy hai thầy đi ngang liền cao giọng chào.
Mười năm trước Đan Thanh rời Hương Châu, đến làng Chích ở đất Yên, chọn cho mình một cái tên khác, sau đó nói với người làng rằng mình vì mến chữ quý trò mà muốn dạy chữ cho các em. Mà trùng hợp thay lại gặp được người chung một chí hướng.
Ai nấy nghe xong mừng lắm, tiền bạc không có chỉ mang được ra vài quả chín mà tiếp đãi.
Lũ trẻ thấy trong nhà thầy treo một bức tranh vẽ người, đẹp lắm, duyên dáng vô cùng nên cũng có hỏi thầy vẽ ai. Đan Thanh không trả lời, bọn trẻ cũng không hỏi nữa.
Con chữ khó nhớ lại khó dùng, bọn trẻ học cho biết rồi lại đòi thầy dạy mình vẽ. Đan Thanh không nỡ chối từ đừ đành bày ra nào màu nào mực dạy cho chúng.
Làng Chích nghèo lắm, nhưng thấm đượm tình người. Còn hơn là lầu son gác tía mà nhân tâm buốt giá.
Đầu làng, gió lùa qua lá trúc nghe lao xao, trên thân cây đầy xác ve sầu, người đi ngang qua tiện tay bóp một cái, âm thanh vang lên giòn giã, xác ve nát thành vụn, rơi xuống đất.
Trên sông, nắng hè lung linh. Thuyền buôn từ xứ nào đến mà trưng đầy của lạ. Tiếng chuông mời khách cũng vang vọng trong trẻo.
Làng nghèo lắm, làm gì có ai mua nổi những thứ phục trang quý giá kia. Nhưng cứ hễ thuyền buôn đi qua, lại có không ít người đến bên bờ ngắm nhìn những hoa phục đắt giá ấy.
Họ chỉ nhìn thôi, trông cho đến khi thuyền đi xa rồi tự giải tán.
Đan Thanh nghe tiếng chuông mà bồi hồi, âm thanh quen thuộc quá, cảm tưởng như thứ thanh âm ấy đưa mình về lại một miền ký ức xưa cũ.
Thuyền đi rồi nhưng người làng vẫn cứ túm lụm bên bờ sông như có gì sôi nổi lắm. Hỏi ra mới biết rằng vừa có người chết đuối.
Là một kẻ ăn mày, nàng ta lang thang khắp nơi rồi đến làng để kiếm ăn. Chẳng la chẳng quấy, cho gì thì ăn nấy. Chỉ có điều mặt mũi bị bỏng, trông rất doạ người, lại còn mù lòa.
Người làng thấy lạ nhưng không sợ. Sống trong đói nghèo bao năm không sợ chết thì thôi, dăm ba vết sẹo thì sao doạ được họ.
Bọn trẻ trong làng cũng không né tránh nàng, chúng mến nàng lắm, vì nàng dạy cho chúng hát, dạy chúng đan vòng. Mắt nàng không nhìn thấy mà đan khéo lắm, đều tăm tắp, còn nói rằng cái này đeo vào âm thanh phát ra sẽ trong trẻo như chuông. Mấy đứa nhỏ lấy làm lạ, vì cái vòng đan bằng lá thì làm sao mà kêu lên trong trẻo như chuông được kia chứ.
Cẩm Tú chẳng biết mình còn tỉnh táo hay không. Hôm đó lầu cháy, khắp nơi là bể lửa, đến khi thoát ra được thì da thịt cũng nóng rát, hai mắt tươm máu chẳng nhìn thấy gì được nữa.
May sao văn nhân họ Phạm còn xem nàng là tri kỷ, lấy ra chút báu vật ít ỏi mà mang nàng từ nha môn về, cho nàng một chốn nương tựa, ông ta nói coi như là giữ đúng lời hứa hôm nào.
Mấy năm họ Phạm bị bệnh nặng mà mất, Cẩm Tú cũng không còn chỗ nào để đi. Đành phải lang bạt.
Bình thường đối đáp trôi chảy như vậy, nhưng chẳng hiểu vì sao hôm nay nghe tiếng chuông từ thuyền buôn trên sông, nàng như hoá rồ mà chạy loạn, liều mạng đuổi theo thứ thanh âm nàng cho là quen thuộc. Miệng cứ gọi mãi một cái tên.
"Đan Thanh?!"
Cho đến khi nàng lao mình xuống nước.
Người ta không hiểu mục đích của nàng, nên cũng chẳng can. Khi mặt nước dần lặng sóng thì mới hiểu rằng chuyện gì vừa diễn ra.
Đợi đến lúc người ta mang nàng lên thì người không còn thở nữa.
Có người tốt bụng lấy chiếu đắp lên. Đó là tấm chiếu duy nhất trong nhà.
Mà thôi đi, tiếc làm chi.
Đan Thanh nghe được chuyện, bước chân cơ hồ không vững, người chấp niệm với tiếng chuông như vậy chỉ khiến chàng nhớ đến Cẩm Tú.
Đến bên cạnh thi hài, Đan Thanh kéo tấm chiếu xuống.
Nhìn đám thịt da nhăn nheo lồi lõm trên gương mặt, Đan Thanh ôm lấy Cẩm Tú mà nức nở.
Sương lại rơi lã chã. Nhưng đau lòng thay, lần này, lại chẳng có gì đỡ lấy nó.
Mười năm cách trở đến lúc tương phùng lại cách biệt âm dương.
Trước kia Cẩm Tú chưa bao giờ phớt lờ Đan Thanh, nhưng bây giờ chàng gọi nàng lại không trả lời.
Ve kêu rền vang, chẳng biết là khóc hay hát.
—
Canh ba.
Đan Thanh bỏ làng đi, chỉ để lại một bức thư. Trong thư y mong bạn mình tiếp tục duy trì dạy học, dặn đám trẻ chuyên chú học hành, hơn hết là đừng tìm y nữa.
Đêm đầy sao, mặt hồ lấp lánh.
Đan Thanh chỉ mang theo bên mình chút kỷ vật của Cẩm Tú, rồi ngồi bần thần ngắm sao từ mặt hồ trong trẻo.
Mặt hồ soi bóng.
Chàng nhớ Cẩm Tú.
Nhìn sao sáng dưới nước, lại nhớ đến những đêm cùng nhau sướt mướt dưới trăng.
Đan Thanh lấy tất thảy những kỷ vật Cẩm Tú tặng cho mình ra, cẩn thận ngắm nghía từng món. Gió lên như lùa từng đoạn ký ức từ mười năm trước đến trước mắt Đan Thanh.
Chàng nghe tiếng chuông bạc kêu leng keng khi chàng chạm vào nó và cảm nhận được chiếc vòng ngọc quấn dây đỏ chạm vào da thịt hơi lành lạnh.
Lát sau Đan Thanh cẩn thận gói chúng lại trong một tấm vải.
Rồi vứt xuống hồ.
Mặt hồ dao động, trăng vỡ thành ngàn mảnh, trời sao cũng rung rinh.
Phút chốc mặt hồ yên ả trở lại, như một tấm gương lớn phóng chiếu lại ngân hà trên cao.
Đan Thanh vươn tay chạm đến vì tinh tú mà y cho là sáng nhất.
Là Cẩm Tú.
Chàng thấy khó thở lắm, may là Cẩm Tú vươn tay đỡ lấy y.
Trên nền trời xa xăm, ở một góc trời còn u ám xuất hiện một đôi sao lấp lánh. Là một đôi hồn thuần khiết cùng nhau soi sáng khoảng trời u ám kia.
Khuya.
Trăng sáng tròn vành, ngân hà cuồn cuộn.
-Hết-
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top