Ngân Quang Lệ (Chương 1)
Đêm khuya rét buốt.
Vừa qua canh ba, bên bờ Đại Giang đã tỏa ra một lớp sương trắng xóa mờ ảo.
Màn sương dầy chậm rãi tràn qua bờ sông, trườn lên từng con thuyền nhẹ và thuyền lớn, trờ lên mái ngói cong cong, rồi thổi lan vào thành rong chơi trong thinh lặng.
Chẳng mấy chốc, sương mù đã che khuất cánh bườm, mây giấu đi trăng sáng, cả trong lẫn ngoài thành Dương Châu đều bị sương mù phủ lấp, làm người ta chẳng thấy được bàn tay, chỉ có tiếng nước chảy róc rách văng vẳng xa gần.
Trên con đường chính, trừ người phu canh làm nhiệm vụ tuần đêm ra thì chẳng nhìn thấy dù chỉ là một con mèo nhỏ.
Cốc cốc cốc —– cheng —–
Lão phu canh thít chặt y phục, gõ lên trúc bản và thanh la nhỏ trong tay với nhịp điệu một nhanh hai chậm, chân bước trên con đường đá ẩm, kêu vang lời nhắc nhở hằng đêm.
"Trời hanh —- Vật khô —– Cẩn thận củi lửa —-"
Tuy lão không thấy trong cái thời tiết lạnh lẽo ướt át này có gì dễ cháy, nhưng công việc thì vẫn là công việc, cứ cho là cả tòa thành này đều ngủ say đến chổng mông lên trời, thì lão kêu vẫn phải kêu, tuần vẫn phải tuần.
Chẳng qua, trận sương đêm nay quả là lớn, nếu không phải con đường này lão đã đi tuần bao nhiêu lần thì có khi đã lạc mất trong trận sương dầy này rồi cũng nên.
Lão phu canh xách chiếc đèn lồng cùng cái thanh la nhỏ bước đi trong màn sương mịt mùng, vừa báo canh, vừa thận trọng đi qua bờ sông, băng qua đường phố.
Thứ thời tiết kỳ lạ này, quả là làm người ta phải sợ hãi trong lòng.
Mặc dù gan không nhỏ, làm nghề gõ mõ cầm canh cũng được hai ba chục năm, song khi gặp phải trận sương hiếm thấy này lão phu canh vẫn bất giác rảo nhanh bước chân, muốn trở về phòng thủ canh nhanh nhanh, làm một ly trà nóng, ăn một cái bánh nướng, rồi đánh một giấc thật ngon, đỡ phải ở đây suy nghĩ linh tinh.
Ngay lúc lão đang nghĩ tới bánh nướng và trà nóng ở phố Vũ Hầu, thì đột nhiên một tiếng thét thất thanh bỗng vang lên từ con ngõ cách đó không xa.
Lão sợ tới nỗi tim thiếu điều nhảy ra khỏi cuống họng, nhưng dựa vào bản năng của một phu canh, lão vẫn bước nhanh qua màn sương dầy, chạy hộc tốc tới, nhưng vừa mới qua chỗ ngoặt, lão đã bị đụng ngã lăn ra đất, chổng bốn vó lên trời ngay trong màn sương.
Va phải lão là một con dã thú có thân hình còn đồ sộ hơn cả một người trưởng thành, toàn thân bốc mùi tanh hôi lợm giọng, đôi mắt đỏ tươi màu máu to như chuông đồng, đáng sợ hơn là cái mồm rộng của nó đầy răng nanh sắc bén, còn ngoặm một cái tay người đã đứt lìa.
"Á Á —–"
Lão sợ tới nỗi tê cứng da đầu, tè cả ra quần, biết rõ mình nên đứng dậy bỏ chạy nhưng chẳng tài nào cựa quậy được, chỉ có thể trơ mắt nhìn cái thứ kia trừng mình lom lom, ngoác mồm ra, nhai rau ráu cái tay người rồi nuốt ực, sau đó nhào về hướng lão —-
Lão phu canh thấy vậy, bản năng sống còn trỗi dậy giúp đầu óc tỉnh táo lại, lão lập tức ném phăng chiếc đèn lồng đang cầm trong tay lên người con dã thú theo phản xạ, sau đó dùng cả tay lẫn chân bò dậy, vừa chạy vừa gân cổ hét váng lên.
"Có ai không, cứu mạng với —– giết người —- có yêu quái —–"
Đến tận lúc này lão mới phát hiện, vào lúc căng thẳng thì dù muốn hét cũng chẳng hét nổi ra lời, trong khi lão còn chưa hét hết câu thì con dã thú kia đã đuổi theo sau lưng, vồ lão ngã vật xuống đất, lão cố vùng vẫy quay đầu, đèn lồng đã cháy, ánh lửa rọi vào cái miệng đầy răng nanh tanh tưởi, cái mồm há ra rất to, nhanh chóng tấn công về phía đầu lão.
Thôi rồi!
Lão hoảng sợ nhủ thầm, sau đó chẳng thể suy nghĩ thêm được nữa.
Đêm khuya, vắng vẻ, tối đen.
Chiếc đèn lồng rơi lăng lóc trên đất đã cháy trụi, chỉ còn lại tàn lửa lập lòe, sau cùng cũng tắt ngấm.
Con đường dài mười dặm ở cửa Đông vẫn bị màn sương nặng trĩu bao phủ.
Trên con đường lát đá vẫn ẩm ướt như cũ, khác chăng là bị sương mù và máu tươi thịt sống làm đẫm ướt.
Nhưng chợ đã vãn từ lâu, bốn bề vắng vẻ tiêu điều chẳng có lấy nửa bóng người nào, căn nhà dân gần nhất cũng cách đây rất xa. Chưa có ai nghe thấy tiếng kêu cứu cũng như tiếng gào thét lạc giọng của người phu canh đó. Ở nơi đây vẫn chìm trong bóng đêm đen ngòm, chẳng ai mở cửa ló đầu ra kiểm tra, cho dù nghe thấy thì cũng ngỡ là mơ.
Cách đó không xa, nước sông vẫn trôi lửng lờ.
Hàng vạn cánh bườm vẫn bình thản qua lại, tới lui trong sương mù.
Mà khi đó ở cửa Tây, một phu canh khác cũng đang gõ trúc bản, đánh thanh la.
Cốc cốc cốc —- cheng —–
"Trời hanh vật khô —- cẩn thận củi lửa!"
Cốc cốc cốc —- cheng —-
Mặt trời dần mọc ở phương Đông.
Ánh ban mai vừa ló dạng đã chiếu ánh lên mặt sông rộng, tỏa ra màu lấp lánh.
Sương mù dầy đặc đêm qua, sau cơn mưa sớm đã tan đi như mây khói.
Trong đường phố và bến thuyền tấp nập người qua lại, tiếng người huyến náo khắp nơi, các thương lữ đến từ khắp miền nam bắc mang theo những khẩu âm khác nhau, bận bịu giao dịch mua bán, khuân hàng dỡ hàng, tiếng rao bán, tiếng la hét nổi lên rồi lắng xuống khắp bốn bề.
Có vài con thuyền căng buồm muốn rời bến, có vài cỗ xe ngựa thồ hàng mới lộc cộc vào thành.
Đây là thương thành nổi danh thiên hạ, Nghiễm Lăng Dương Châu.
Ở phía Đông có thuyền lớn thông tới nước ngoài, phía Bắc có kênh đào nối với thượng nguồn sông Hoài của Lạc Dương Trường An, phía Tây có Trường giang chảy xuôi tới Ích Châu, phía Nam có đường bộ thông xuống Lưỡng Quảng, vì vị trí địa lý rất lý tưởng, cho nên hàng hóa bốn phương nam bắc đều đổ cả về đây.
Mà chỉ cần là người tới Dương chân hành thương mua bán, bất kể là đi đường bộ hoặc đường thủy thì cũng sẽ không bỏ qua tòa lâu hiển hách nhất trong thành Dương Châu —- tức Phượng Hoàng lâu.
Phượng Hoàng lâu, là tòa lâu đệ nhất thiên hạ.
Tòa lâu ấy lấy gỗ lim dựng xà, lấy gạch ốp tường, dùng lưu ly làm ngói, dùng tơ lụa làm cửa sổ, lầu cao có tới sáu tầng, tạo thành hình bát giác, đứng ngất ngưỡng ở bên bờ Trường giang.
Vô số thương lữ tới chốn này hành thương giao dịch dù chỉ đứng ở rất xa đã có thể trông thấy tòa lầu cao chọc trời ở bên bờ sông, nó cao hơn toàn bộ kiến trúc trong thành, thậm chí còn cao hơn cả chùa miếu, có người còn bảo, ngay cả hoàng thành lâu vũ trong kinh thành Trường An cũng chưa cao bằng nó.
Khắp cả Đại Đường đều biết, Phượng Hoàng lâu phú khả địch quốc(*), Phượng Hoàng lâu thứ chi không có, chỉ riêng tiền là nhiều khôn kể.
(*) Giàu nứt đố đổ vách.
Người đương thời đều kháo nhau rằng Dương Châu giàu có và sung túc nhất thiên hạ, phú thương cự cổ trong thiên hạ này phần lớn đều sinh ra ở Dương Châu, và trong trăm vạn thương nhân ở Dương Châu đó, thương hành(*) biết kiếm tiền nhất, chính là Phượng Hoàng lâu.
(*) Thương nghiệp lớn.
Phượng Hoàng lâu, lâu chủ họ Phong, Phong lão gia quanh năm suốt tháng đều đeo nửa chiếc mặt nạ bạc trên mặt, ông nói rằng mặt mình có tật, song chưa ai từng nhìn thấy diện mạo thật của ông.
Nghe đâu, ông chẳng những có tài Phạm Lãi(*), mà còn có võ công tuyệt thế. Rồi nghe đâu, ông thật ra là hoàng thân quốc thích, có thể tự do ra vào hoàng cung, ấy cho nên Phượng Hoàng lâu mới có thể dựng lên tòa lâu chọc trời, làm ăn mới phát đạt là vậy. Còn có người đồn rằng, ông từng là tử tù thiên lao, đạo khấu bất lương ở phương Bắc, chuyện gian trá nào cũng từng làm qua, tiền của ông mười phần hết chính đều do cướp được —-
(*) Tài kinh thương.
Nói tóm lại, truyền thuyết về Phong lão gia chỉ cần ra phố hỏi bừa vài câu là có thể đào ra được một trăm tám mươi câu chuyện có thừa.
Nhưng trong số đó có hơn nửa là tin vịt chưa được chứng thực, thứ rõ ràng và chắc chắn duy nhất chính là tòa Phượng Hoàng lâu là đại thương hạng nhất nhì ở phương Nam, hơn nữa còn có tương lai đầy hứa hẹn, bởi vì Phượng Hoàng lâu không chỉ có mình Phong lão gia thủ đoạn phi thường, mà con trai của lâu chủ, Phong Tri Tĩnh cũng chẳng phải là nhân vật đơn giản gì cho cam.
Phong Tri Tĩnh thông minh từ bé, khi còn nhỏ đã theo Phong lão gia kinh thương tập võ, tuổi còn trẻ mà đã đi khắp đại giang nam bắc, tiếp nhận hơn nửa công việc buôn bán của Phượng Hoàng lâu, hắn chăm chỉ tiết chế, còn vô cùng đảm lược, những người từng tiếp xúc với hắn đều bảo rằng hắn có một cái đầu đúc vàng, tất cả thương hành lớn nhỏ trong thiên hạ, chẳng có ai là không biết, chẳng có ai là không hiểu.
Truyền thuyết về thiếu gia Phong gia cũng nhiều ngang ngửa với Phong lão gia, mấy năm lại đây thì càng nhiều hơn chứ không kém.
Hắn cao ráo cường tráng, thông minh gan dạ, hắn từng một mình một ngựa đánh lui hàng trăm tên thảo khấu tới cướp thương hàng, chưa kể vào trận đại hạn mấy năm trước còn thuyết phục thương gia nam bắc mở kho chẩn lương, cũng từng vào kinh bái kiến đương kim Thánh Thượng, yêu cầu trị nạn hồng thủy, rồi nào là hắn lên núi đánh cọp, xuống biển tàn sát giao long —-
"Vị gia này, chắc ngài mới đến thành này hôm nay chứ gì? Không nói thì chắc ngài không biết đâu, thiếu gia Phong gia của chúng tôi ấy à, nói thật chỉ thiếu mỗi không biết bay thôi, cơ mà trên thực tế, nói lén cho ngài nghe thôi đấy nhé, trước đây vài đêm có người còn nhìn thấy thiếu gia Phong gia cứ như đang bay trên không trung kia kìa. Gì hả? Nhìn thấy bằng cách nào á? Nghĩ xem ai mà nửa đêm không ngủ nào? Hì hì hì, hơn nửa đêm thì ai không ngủ? Dĩ nhiên là các cô nương trong hoa lâu rồi. Ầy, ngài không biết đó thôi, thiếu gia Phong gia chẳng những bề ngoài dũng mãnh, thân thủ nhanh nhẹn, mà thể lực với lực eo cũng làm cho người ta phải bật ngón cái, khiến các công tử ganh tị đỏ mắt, còn các cô nương thì đỏ mặt —–"
Vào xế trưa, người vào chợ qua lại dập dìu, xe như nước chảy ngựa như rồng.
Trên con phố náo nhiệt người qua kẻ lại, có một thiếu niên mặc thanh y đứng trên cái rương gỗ đặt trên bậc thang trước hàng lương thực, khua tay múa chân với một thương lữ, nói tới nỗi nước miếng tung bay.
Thiếu niên vừa thốt ra lời, các thương lữ vây lại ngày một đông chung quanh bèn bật cười, một vị trong số đó cất giọng nói.
"Có lợi hại như vậy thật không đó? Tiểu huynh đệ à, cậu đừng có thổi phổng quá lên thế?"
"Thổi phồng? Chậc, vị gia này, nếu ngài không tin thì cứ tìm đại một người trong thành này hỏi thử xem, bảo đảm ai nấy cũng đều nói với ngài, thiếu gia Phong gia chẳng những lúc làm ăn một lời hứa ra đáng giá ngàn vàng, mà thể lực cũng tuyệt hảo, đã gặp một lần là khó quên, chắc ăn là sức chịu đựng bền bỉ, hì hì hì —-"
Biểu cảm của thiếu niên sinh động, câu nào câu nấy cũng khen thiếu gia Phong gia hết lời, nhưng vì lời lẽ quá xa thực tế nên chọc cho mọi người cười to thích ý, tiếng cười lại kéo đám đông tụ tập ngày một nhiều hơn.
"Nói vậy, thiếu gia Phong gia có lẽ là lợi hại thật nhỉ." Một vị thương gia đứng khoanh tay, phụ họa thêm cho cuộc vui.
"Chính xác chính xác, không sai, cho nên các ngài muốn làm ăn thì cứ tới tìm thiếu gia Phong gia của chúng tôi là đúng chỗ." Thiếu niên vỗ ngực đảm bảo: "Phượng Hoàng lâu của chúng tôi cái gì cũng dám nói, chỉ có danh dự của thiếu gia là không dám đem ra làm trò đùa thôi, Trần đại chưởng quỹ, ngài nói xem có đúng không?" Nói đoạn, thiếu niên quay đầu hỏi với về hướng chưởng quỹ nhà mình.
Trong thoáng chốc, đám đông lập tức quay đầu ngó về hướng lão đại thúc của hàng lương thực.
Lão chưởng quỹ hàng lương thực bị chỉ mặt đặt tên chợt lúng túng ra mặt, lần này chả biết là nên gật hay lắc, nên chối bay hay là thừa nhận đại.
Thấy mọi người cứ trợn mắt nhìn mình lom lom, chờ mình trả lời, lão bèn ho nhẹ một cái, quét nhìn qua chúng thương lữ, rồi bình tĩnh nói: "Khụ, ờ, thiếu gia đúng là rất có uy tín —- Khụ khụ —-"
Còn chưa nói xong, lão đã suýt bị câu này của mình làm sặc, chỉ vì lão trông thấy một bóng dáng cao ráo đi vào trong đám đông trước hàng lương thực từ lúc nào chẳng hay, đang đưa mắt nhìn cảnh tượng hừng hực khí thế trước mắt với vẻ lãnh đạm.
"Ơ? Chưởng quỹ, ngài có khỏe không? Chẳng lẽ bị sặc nước miếng?" Nhìn lão ho tới nỗi mặt đỏ tía tai, thiếu niên liền nhảy phốc khỏi cái rương gỗ, sải bước dài tới gần, nhanh tay rót một chén nước trà cho lão chưởng quỹ, miệng còn không quên quan tâm săn sóc: "Nào nào nào, uống một chén trà đi, đừng để mắc nghẹn."
Gương mặt già nua của lão chưởng quỹ đỏ lên, mắt đầy hoảng hốt: "Không, không —-"
"Ầy ầy, chưởng quỹ, ngài đừng khách sáo, mau uống chút nước trà làm trơn cổ họng đi, không thì người ta còn tưởng ta khoác lác lung tung, hay thế này nhé, ta nói một câu, ngài gật đầu một cái, vậy là được rồi."
Thiếu niên cười ngọt lịm, ra sức dúi nước trà vào tay lão chưởng quỹ, còn không quên quay người lại thét to với đám đông sau lưng: "Các vị lão bản, hôm nay cổ họng của Trần đại chưởng quỹ khó chịu, mọi người hãy thứ lỗi nhiều hơn nhé. Thế này đi, ai cũng bảo tu mười năm mới ngồi chung thuyền, gặp nhau đây tất có duyên, hôm nay các vị đã có duyên ghé ngang đây thì nhất định phải nghe ta giới thiệu tí chút, hàng hóa trong hàng lương thực Phượng Hoàng này đều được thiếu gia Phong gia dũng mãnh trung thực của chúng tôi đích thân kiểm nghiệm, bảo đảm không lừa gạt ông già và trẻ nhỏ —-"
Lão chưởng quỹ nghe mà quýnh tới độ cái mặt già nua lúc trắng lúc đỏ, lật đật thò tay kéo thiếu niên lại, thấp giọng nói: "Tiểu, tiểu tổ tông ơi —"
"Ấy, ngài yên tâm, không có chuyện gì đâu!" Thiếu niên vỗ vỗ vai lão, nhìn mọi người cười tươi rói, cất cao giọng nói tiếp: "Trong Phượng Hoàng lâu của chúng tôi, từ trên xuống dưới, từ già tới trẻ đều ăn những loại gạo chất lượng thượng đẳng, là loại gạo mới thu vào năm nay! A Hưng! Tiểu Trương! Mau bưng thùng cơm mới nấu lên đây!"
Thiếu niên vỗ tay đánh bốp, hét với vào trong cửa.
Cậu vừa mới lên tiếng, bên trong cửa lập tức có hai người bê cái thùng gỗ bự chảng đựng cơm trắng nóng hổi bước ra.
"Lại đây lại đây, các vị gia, mau tới ăn thử nào, những loại gạo mới này đều được sản xuất ở hai bên bờ sông Hoài, chất lượng được bình phẩm là thượng hạng! Các vị lão bản mời tới nếm thử nào!" Vừa nói thiếu niên vừa cầm cái muôi cơm lên, xới ra một cái chén nhỏ, còn để lên đó một viên mơ muối, phân phát cho mấy vị đại lão bản ở đầu hàng, rồi cười hì hì nói: "Nào nào, dù ta không thể đảm bảo ai ăn vào cũng kim thương không ngã như Phong lão gia nhà chúng ta, nhưng dù thế nào cũng sẽ không kém cạnh thiếu gia Phong gia —–"
Trong lúc cậu đang bận nói bậy nói bạ, thì bóng người cao ráo nọ đã chen qua đám đông, bước tới trước cửa lớn.
Lão chưởng quỹ nhìn thấy mà tim đập bình bịch, liên tục kéo lôi ống tay áo của thiếu niên, nói: "Tiểu tổ tông ơi, ngài đừng —- đừng nói nữa —-"
"Chậc, lão Trần, ngài đừng căng thẳng, tất cả đều có ta đây rồi." Thiếu niên lanh tay lẹ chân xới thêm cơm: "Tới nào tới nào, các đại lão bản mau ăn thử chút nào, ăn ngon thì tay chân cũng nhanh nhẹn hơn, hôm nay quan gia thông báo giá gạo hảo hạng là một đấu năm mươi hai văn tiền, nhưng hữu duyên thiên lý mới gặp nhau, chỉ cần nằm trong năm mươi vị mua đầu tiên ngày hôm nay, thì một đấu đều làm chẵn, năm mươi văn tiền là đủ!"
"Không —- không phải —-" Trần đại chưởng quỹ toát mồ hôi hột, mới há mồm định nói, thiếu niên đã thò tay nhét một chén cơm cho lão, nhỏ giọng giao phó: "Lão Trần, mau đưa cho mấy vị lão bản ở chỗ đó giúp ta với!"
Lão chưởng quỹ nhận chén cơm, hối hả quay lại đưa cho người sau lưng, sau đó mới thấy không đúng, lão phải cảnh báo cậu mới phải, nhưng hễ lão ngoảnh đầu qua là một chén cơm khác lại dúi tới, lão bận tới mồ hôi ướt đầu, trong khi người người đều đang chờ, ai ai cũng gọi lão í ới —-
"Ở đây ở đây, cho ta một chén!"
"Ta cũng lấy một chén, cho ta nếm thử!"
Tiếng kêu la xô tới dồn dập, lão không thể làm gì hơn là cuống cuồng bê cơm.
"Lúc nãy tiểu huynh đệ nói thật chứ?" Một vị đại gia để râu bờm xờm cất giọng hỏi.
"Dĩ nhiên là thật!" Thiếu niên bàn giao cái muôi cơm cho lão chưởng quỹ đang há mồm muốn nói, bảo lão mau mau thêm cơm, trong khi nhóc con lóc chóc này lại leo lên cái rương gỗ trên bậc cửa, giơ tay lên vỗ vỗ rồi hét vang: "Các vị lão bản đại gia, tới trước tới sau đều được, khi nào đủ chỉ tiêu mới ngừng!"
Lão chưởng quỹ ruột gan rối bời, nhưng vẫn không thể không tất bật thêm cơm.
"Tiểu huynh đệ, chỉ có gạo thôi sao? Một đấu tiểu mạch cũng giảm hai văn tiền được chứ?"
"Gì cơ? Một đấu giảm hai văn?" Thiếu niên chớp mắt tỏ vẻ khó khăn, đoạn cắn răng nói: "Được rồi! Nếu ngài đã nói thế thì ta cũng coi như chịu lỗ vậy."
Một hán tử khác giơ tay lên, hô: "Tiểu huynh đệ đúng là khí phách. Hãng Đại Kỳ của chúng tôi mua. Lấy trước năm hộc(*) gạo mới, tiểu mạch lấy hai hộc!"
(*) Dụng cụ đo dung tích thời xưa, dung lượng bằng 10 đấu, sau đổi thành 5 đấu.
"Ta cũng muốn mua, gạo mới ba hộc! Táo tàu ba đấu lớn! Hãng Tân Thăng Tuyên Châu!"
"Tiểu tử! Hãng Đông Lăng Lạc Dương của ta cũng muốn mua, gạo mới, tiểu mễ mỗi loại mười hộc! Nho khô có được giá ưu đãi không?"
"Ưu đãi? Xong ngay! Các đại gia mời vào trong nói chuyện." Thiếu niên quay người lại, mặt mày tươi cười gọi vọng vào trong: "Các huynh đệ, lấy sổ sách, châm trà, mở hàng! Đừng làm trễ nãi chư vị đại lão bản!"
Trong thoáng chốc, đám đông thương lữ vốn tụ lại trước cửa nghe bát quái bỗng dưng người sau đạp lên người trước, chen vào cánh cửa mở rộng của hàng lương thực Phượng Hoàng, những người có thâm niên trong nghề quen cửa quen nẻo, dĩ nhiên biết hàng hóa của Phượng Hoàng lâu chất lượng, còn các thương lữ từ xa đến thì cũng được nghe kể ít nhiều, dựa vào danh tiếng của Phượng Hoàng lâu thì hàng này nhất định chất lượng, huống chi trước đó họ còn được ăn thử món cơm nóng hổi, mùi cơm trắng thơm phức xộc vào mũi, vị cơm vừa thơm vừa ngọt, đích thị là hảo hạng trong hảo hạng!
Thế là, người người chen vào trong cửa, sợ lấn chậm một bước thì không giành được chỗ ngon, mất luôn ưu đãi, khổ nỗi, trận xô đẩy này lại khiến cho thiếu niên vóc người nhỏ gầy đang đứng trên rương gỗ rao hàng mất thăng bằng.
"Á! Cẩn thận! Đừng xô, đừng xô —-"
Cậu la hét, nhưng chẳng tài nào chặn được biển người đang ập tới ồ ạt, cũng chẳng biết người nào trong lúc chen vào cửa đã huých cậu một cái, rồi ai đó vô tình đá cho cái rương một cú, một giây trước cái rương gỗ dưới chân còn đứng nguyên tại chỗ, nhưng một giây sau nó đã bắt đầu nghiêng, sau đó ngã chúi xuống bậc thang.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top