+Công thức số 6: Thịt kho dừa
(Này, sẽ phải làm gì đây?)
Tôi thật sự rất sợ mỗi khi cuộc gọi đến báo trong điện thoại là mẹ.
Không phải vì những lý do nào khác ngoài những câu chuyện mẹ nói đến, mẹ thường gọi tôi sau mỗi giờ đi làm về và câu đầu tiên bao giờ cũng là "Đã ăn tối chưa?", lần nào cũng thế, rồi sau đó bắt đầu kể hết tất thảy những truyện mẹ nhặt nhạnh được từ đầu xóm đến cuối xóm, từ đầu chợ về đến nhà, từ trên tivi đến bà hàng xóm, tất tần tật được mẹ kể, giống như mẹ đang thu gọn lại thông tin cho đứa con xa xôi của mình được cập nhật tin tức. Nhưng điều làm tôi cảm thấy sợ nhất là mẹ kể về những người đồng trang lứa với tôi ở đấy.
"Thằng hàng xóm nhà mình nó lấy vợ rồi đấy, nhìn vợ nó cũng xinh lắm!"
"Mấy chú nhà nội cũng sắp cưới vợ rồi đó, nhìn như thế mà cũng có đứa nó chịu cưới rồi."
"Con bé hồi trước hay chơi thân với con hôm trước có qua nhà đưa thiệp mời, chẳng biết chồng nó thế nào, mà hình như là có chửa được mấy tháng rồi!"
"Ơ thế con bạn thân của con chưa cưới à? ừ hình như cuối năm nay là cưới rồi, có phải là cái thằng vẫn thi thoảng đến chơi nhà mình không?"
"Khiếp cái con bé hồi đại học con bảo hay ngồi cạnh nó có con được gần một năm rồi đấy, nay mẹ đi chợ thì tình cờ gặp nó nói chuyện."
Những câu chuyện thực lòng tôi không hề muốn nghe. Mẹ lúc nào cũng giục "Con cũng kiếm lấy cô vợ mà lấy đi, yên bề gia thất rồi bố mẹ vào với con, chứ giờ từng này tuổi đầu rồi, bố mẹ cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu, mau mau còn có cháu cho ông bà bế, ông bà chăm cho, chứ không là mẹ không đợi được đâu."
Những câu nói đau lòng, đau đến đáy lòng, ai không xót được cho cam, nhưng thanh xuân con người thì chỉ có một khoảng thời gian nhất định, và quan trọng hơn là nó ngắn, ngắn đến vô cùng ngắn. Tôi chẳng muốn lãng phí cái thời thanh xuân của mình để vùi đầu vào hai chữ "GIA ĐÌNH", một khi lập bề gia thất thì cuộc đời coi như là chết một nửa, mãi mãi đến cuối đời sống trong một sự giam cầm vô hình chẳng chừa một lối thoát. Không phải tôi là người độc đoán cực đoan trong việc kết đôi gia đình, nhưng tôi muốn mình tận hưởng cuộc sống này trước khi không còn sức để hưởng thụ. Điều tôi muốn chỉ là cố gắng sống cho ý nghĩa và thật đẹp cho những trang giấy mang tên "thanh xuân" nhuốm màu xanh da trời, những trang tiếp theo sau khi sẵn sàng sẽ là một người đàn ông gia đình mẫu mực và đặt hết lòng mình vào đấy. Mẹ không hiểu, mẹ cũng chẳng chịu hiểu, còn tôi thì hiểu mẹ là người của thế hệ trước nên chẳng dễ dàng gì để chấp nhận những thực tại thực tế, tôi luôn ậm ừ cho qua những câu chuyện mẹ mách ý trong đó, những lời trách móc khéo léo gài vào ý ép buộc cho tôi.
Đến một ngày sự chịu đựng đến một giới hạn không thể kìm giữ tôi đã nói ra hết tất cả mọi suy nghĩ, một thằng bé chưa chịu lớn, một thân một mình lặn lội với cuộc sống độc thân, không gia sản, không mái nhà, không có một chút gì ổn định thì làm sao có thể yên bề gia thất? làm sao có thể có một cô gái nào dám trao gửi thân mình cho đây? Mẹ vẫn chẳng hiểu, mẹ luôn chẳng hiểu.
Có lần nói chuyện điện thoại với mẹ chưa xong tôi để ngang đấy bỏ ra ngoài, Tuấn chạm mặt ở hành lang và giật điếu thuốc trong tay tôi bóp vụn chúng, anh không cho tôi hút thuốc dù là bất kỳ lý do gì, trong hoàn cảnh nào. Tôi cũng chẳng ham hố thứ độc hại ấy, chẳng là vì bản thân nóng nảy và không bao giờ kiểm soát được những cơn cãi vã với mẹ. Tuấn kéo tôi lên sân thượng, trời đêm luôn lộng gió, nhìn ra bên ngoài thế giới dù chẳng thế thấy nổi những vì sao trên trời bởi vô số tòa nhà chọc trời bao quanh, Tuấn lôi điếu thuốc ra châm, anh biết tôi có thể sẽ trả thù vì hành động ban nãy nhưng tôi không nhỏ nhen đến vậy, là bởi vì tôi thực sự buồn chẳng thèm quan tâm đến bất kỳ thứ gì trên đời.
- Mẹ anh cũng thế, bà lúc nào cũng giục cưới đi, sinh con đi, ba mày thương mày nhất nhà, ai cũng mong có vậy tại sao không làm, anh thì nhất quyết không vì thấy cuộc sống vốn dĩ quá khổ rồi, kéo thêm một người nữa chịu chung những tháng ngày cùng cực cho đến cuối đời chẳng phải là ác lắm sao.
Làn khói trắng vừa nhả ra đã bị cơn gió từ đâu ập tới dập tan tành.
- Nhà anh có mấy người?
- Bốn!
- Nhà em có ba
- Anh còn một đứa em gái nữa.
Chí ít tôi còn cảm thấy anh may mắn hơn tôi rất nhiều.
Chúng tôi cười xòa cho một câu chuyện cùng gặp phải, vì có lẽ chẳng thể nào giải quyết ổn thỏa được với phụ huynh hoặc có lẽ vì bản thân vẫn cứ mãi ngang bướng không chịu nghe lời bố mẹ chỉ nghĩ cho chính mình.
Ngày hôm sau tôi gặp Trúc ở nơi làm việc, thấy tôi bước vào là đã khuya chân múa tay loạn xạ cho tôi nhìn thấy, ra là chị được mời đến phỏng vấn. Nhìn mặt Trúc có vẻ khá vui nên tôi đoán ngầm rằng cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp.
Quả đúng như tôi suy nghĩ, Trúc vượt qua bài phỏng vấn với nhân sự và quản lý dễ dàng, một phần là trước đó vài ngày tôi cũng đã dặn dò kĩ lưỡng những gì mà trước đây mình đã từng được phỏng vấn, điều mấu chốt ăn điểm nhất chính là sự thật thà của bản thân và luôn coi trọng tình cảm là được. Người quản lý của tôi cũng là người Bắc nên chị ta sống khá tình cảm và biết cách làm người lãnh đạo vừa lòng tất cả mọi người, còn nhớ hồi mới được nhận vào làm chỉ vì vài tin nhắn của người yêu cũ mà khiến tôi chẳng thể tập trung vào công việc ngày hôm đó, giữa buổi hôm sau chị nhắn tin liền cần họp gấp hai chị em, ban đầu cứ tưởng chuyện gì mình mắc lỗi nghiêm trọng hay bị đuổi việc, ai ngờ đâu là chị quản lý muốn tâm tư chuyện tâm sinh lý tình cảm, khuyên ngăn đủ đường về thế nào là một người đàn ông xứng đáng cho những người khác theo đuổi, sự nghiệp quan trọng thế nào, tương lai sẽ quyết định ra sao, hãy làm người đàn ông chỉ cần ngồi yên một chỗ và người ta sẽ đến tìm em chứ đừng đi tìm tình yêu rồi trong tay em chẳng có gì. Có một người sếp tâm lý đã là một thuận lợi cực kỳ lớn trong công việc rồi, thế nên tôi mới dám chắc là Trúc sẽ được nhận thôi. Trúc nhắn tin đợi tôi đến giờ nghỉ trưa rồi cùng đi ăn, tôi đồng ý vì sáng nay đi làm cũng vội quá chưa kịp mua đồ gì cho bữa trưa.
- Này chị thấy sếp em có vẻ dễ chịu lắm, chị ấy toàn hỏi về cá nhân nhiều hơn là công việc, rồi còn cho chị lời khuyên nữa, cứ bảo là vào làm rồi sẽ quen chứ không bắt ép có chuyên môn hay kinh nghiệp trước, tự dưng chị thấy mình bớt vô dụng hẳn.
Biết ngay mà, tôi đã nói là tôi thừa hiểu tính sếp, hai đứa cụng một lon bia nhỏ rồi bắt đầu bữa ăn trưa tại tiệm ăn gần công ty, tôi thực ra rất ít khi uống bia vì không bao giờ thích đồ uống có bọt hoặc gas, chẳng hiểu vì sao nhưng cảm giác rất khó chịu, nhưng thôi vì người chị hàng xóm đã thành công xin được việc vào cùng công ty nên sẽ uống một chút. Chúng tôi gọi hai phần cơm văn phòng, thực tình nếu được lựa chọn thì tôi vẫn muốn mình tự tay nấu bữa cơm trưa rồi đem đến công ty, đến giờ thì cho vào lò vi sóng quay lên cho nóng rồi đánh chén ngon lành. Thật, vì cơm ngoài tiệm vừa chán lại vừa mắc, nghĩ sao một phần cơm chưa đầy một chén nhỏ, một nhúm rau luộc với vài ba miếng thịt kho và một chén canh thêm không có lấy một cọng rau trong đó mà ba mươi lăm ngàn, trong khi nếu cùng số tiền ấy tôi có thể chế biến ra một phần cơm đầy đủ hơn, nhiều hơn, và quan trọng nhất vẫn là ngon hơn gấp vài lần.
Hai chị em vừa ăn vừa tào lao nói chuyện rồi buột miệng tôi kể chị nghe về những cuộc điện thoại của mẹ, tiện thể hỏi chị một câu.
- Chị thì bao giờ cưới?
- Chị ấy hả? cũng chẳng biết nữa, yêu nhau được năm năm rồi, nhưng mỗi lần nhắc đến cưới cả hai bọn chị đều chỉ biết nhìn nhau cười, không phải vì hai đứa không tính xác định thật sự nhưng mà vì chưa muốn ràng buộc sớm thôi, hồi lâu ông ấy nói giờ hai đứa chơi bời ít thôi để dành tiền còn làm đám cưới, tự dưng chị nghe xong câu đấy lại thấy buồn buồn, cuộc sống của mình đang còn vui như thế, rồi về sống chung với nhau không biết liệu còn được thế này hay không, mà khoảng cách từ người yêu đến vợ chồng nó thay đổi nhiều lắm, mình dù có yêu người ta đến cả chục năm thì khi làm chồng làm vợ vẫn chưa chắc là người sẽ hiểu nhau nhất. Rồi có lần chị vô tình cầm điện thoại của ông ấy lên thấy ông ấy đang nhắn tin với bạn, tình cờ thôi, chị đọc được người bạn kia hỏi còn quen chị không, ổng trả lời còn, nhưng mà xác định lâu dài để cưới thì chưa chắc, tự dưng đọc xong chị buồn mấy ngày. Mà chị nhận ra cũng đúng thôi, một đứa con gái suốt ngày chỉ biết nhậu nhẹt rượu bia, tối ngày cắm mặt ở bar pub, công việc thì không ổn định, lại chẳng muốn có con thì làm gì có thằng đàn ông nào muốn nghiêm túc để cưới làm vợ, càng nghĩ chị lại càng thấy sai, bản thân mình sai, cuộc đời mình sai luôn.
Mẹ tôi cũng hay kể như thế, khi yêu nhau thì bố ngọt ngào nhẹ nhàng lắm, mà đến khi cưới về nhà rồi mới hay ra toàn là mấy lời đường mật chết ruồi thôi. Hồi còn ở với chú út một thời gian tôi cũng hay nghe vợ chú kể chuyện "Ngày ấy tao còn ngây thơ lắm có biết cái gì đâu, thấy chú mày làm trong quân đội thì nghĩ là ngon nghẻ lắm, rồi tao đồng ý cưới cái rụp trong khi tao chưa một lần gặp gia đình thông gia, đến ngày cưới tao mới biết bố chồng là ai, mẹ chồng là ai, ông ấy hứa hẹn nhiều lắm mà rồi khi về làm dâu mới biết mình bị lừa hết, đám đàn ông con trai từ khi yêu nhau đến lúc cưới được về làm vợ là một sự lột xác vĩ đại."
Tự nhiên tôi bật cười, không phải cười vì câu chuyện buồn của Trúc mà là bật cười cho cái sự đàn ông của mấy người phụ nữ, ai cũng yếu đuối cả tin trước một người đàn ông họ nói có thể che chở bảo bọc cuộc đời họ. Tôi vẫn còn nhớ như in mẹ giận cá chém thớt mắng tôi "Bố mày đã như thế rồi, vụng trộm mèo mả gà đồng rồi đến lượt mày nữa, cũng giống bố mày mà thôi!"
Nghĩ thì thấy ghét, nhưng ngẫm lại thì thấy thương, thương mẹ phải chịu cảnh biết chồng mình ngoại tình với người phụ nữ khác, mà điều đau đớn nhất thì “con hồ ly” đấy lại là bạn chơi thân của mình. Nỗi đau mà phụ nữ lừa dối nhau để tranh một người đàn ông quả không đáng, không hề đáng chút nào. Tôi mãi vẫn chỉ là một đứa trẻ mẹ không cho phép làm bất cứ hành động nào trái phép tắc, nhưng cứ ấm ức mãi trong lòng vì không thể rửa oan cho một số loại đàn ông trong sạch còn lại. Nhưng dù gì thì phụ nữ vẫn là người thiệt, đàn ông họ vẫn nhởn nhơ vui sống mặc kệ có ai đau khổ vì mình, đàn bà ghen đánh đàn bà, đàn bà sai vẫn là người chịu đàn bà đánh. Chỉ duy có kẻ phạm tội vẫn hiên ngang cười mà chẳng chịu sự kết án nào. Thế nên tôi vẫn luôn ghét bố, ghét đến vô cùng!
Hết giờ nghỉ chúng tôi chia tay nhau, trước lúc về Trúc có nói vài điều mà khiến cả hai đều chẳng thấy vui.
"Trên đời này chẳng có điều gì xuôi lòng người, vấn đề là bản thân mình thấy ra sao, mình sống cho ai, vì ai, vì điều gì, còn lại tất thảy mọi chuyện khác chẳng phải là thứ bận lòng. Trên đời này người quan trọng nhất là người mà bản thân cảm thấy an toàn nhất, hi hữu lại là người chẳng máu mù ruột thịt, đời người ngắn lắm, chẳng toan tính lo liệu được gì đã nằm xuống dưới kia. Bản chất người ta sinh ra là để kiếm tìm và mua được hạnh phúc."
Suốt cả buổi làm hôm ấy tôi cứ nghĩ mãi, mình đang sống vì điều gì, sống vì ai, sống cho lý tưởng nào. Bỗng dưng sờ lên mạn sườn trái, nơi ấy tôi có xăm một dòng chữ nhỏ, nhớ lần đầu tiên đi xăm cảm giác vừa sợ vừa hồi hộp, chẳng còn nhớ vì lý do gì mà tôi lại quyết định xăm mình, bố mẹ đều là người gia giáo phép tắc, dòng họ cũng có gia củ gia quy, nhất mình lại là một người học sư phạm, thế rồi cũng dám tự lao mình đến tiệm xăm nhất quyết đòi xăm sống không dùng gây tê để có bằng được dòng chữ ấy.
"Sống là tận hưởng"
Dòng chữ viết bằng hệ chữ mà ít người hiểu và đọc được, có thể tôi vẫn là đứa chỉ muốn tự mình hiểu tự mình biết, nhưng chỉ cần lấy đó làm động lực cho bản thân thì vậy là đủ. Ừ, thì ra từ rất nhiều năm về trước tôi đã tự mình nhắn nhủ cho tôi như thế, thế mà cuối cùng tôi cứ quên lãng đi chính cái nghĩa gốc lý tưởng của bản thân mình, quên luôn cả định hướng tương lai, cứ mãi mò mẫn trong một góc tối chết dần chết mòn. Nếu như mảy may tôi chẳng gặp được những người hàng xóm này thì có lẽ cuộc đời tôi nên xóa đi dòng chữ xăm năm đó đi mất rồi.
Mà chẳng biết sau ngần ấy năm bố mẹ có phát hiện ra tôi giấu hình xăm đó không nữa, giống như bố hay bảo cuộc đời con người ai cũng có những vết thẹo không thể lành lại, dù chúng xấu xí thì chúng vẫn là một cột mốc đánh dấu bản thân con người. Tôi cũng coi hình xăm đó là một cộc mốc đánh dấu bản thân mình, thức tỉnh mình trước những ruồng rẫy của cuộc đời ngoài kia. Mà thật ra thì cuộc sống không thể nào theo được ý mong muốn của mình dù bằng cách này hay cách khác, có hàng trăm ngã rẽ đến đến một cái đích duy nhất là đống đất xanh cỏ yên bình, nhưng mà thôi, cứ nghĩ mãi về những thứ như thế thì sẽ lại luẩn quẩn trong đống tuyệt vọng vì không tìm ra lối thoát, tôi tìm điện thoại nhắn tin vào nhóm "Những người hàng xóm" rằng tối nay có muốn ăn cơm nhà không? Cơm tôi nấu, cơm hương vị của gia đình.
Bảy giờ tối mọi người đều đã có mặt ở nhà tôi dù giờ đó vừa mới đi làm về, còn chưa kịp tắm rửa dọn dẹp nhà cửa, chẳng thể gọi đây là hàng xóm mà gọi bằng từ gì đấy thật thân mới đúng, như thường lệ Tuấn góp vài lon bia, nhà anh thì chắc ngoại trừ những món đồ mẹ anh nấu thì còn lại chỉ toàn bia là bia. Trúc thì mua vài ba thứ quả để ăn tráng miệng, còn Như ngồi thừ một góc chẳng động đến điện thoại như mọi khi, có lẽ lại giận nhau với người yêu rồi cũng nên.
Tôi có ghé qua chợ tìm mỏi mắt không có ai bán cùi dừa tươi đành phải mua hẳn một trái dừa về, nói Tuấn phụ giúp lột vỏ trút nước rồi lấy được miếng cùi dừa bên trong, ai cũng thắc mắc tính làm cơm nấu dừa hay món gì là lạ như thế. Ngày xưa thôi chứ bây giờ chẳng còn ai làm cho ăn món này nữa rồi, mà có đi đâu đi chăng nữa cũng chẳng còn ai làm món này bán mà ăn, thịt kho dừa, đơn giản lắm mà cũng ngon lắm. Tuấn đúng là dân nhà nghề cầm dao bổ vài nhát là trái dừa xụi lơ còn cái sọ, tôi tranh phần lấy nước cắm cái đũa vào hai lỗ dốc nghiêng cho nó chảy ra ly để phần nước đó lát mới dùng đến, giờ mới là công đoạn khó khăn, phải gõ quanh cái sọ dừa làm sao cho phần cùi bên trong tách ra hết để đến khi đập vỡ cái sọ rồi thì cùi dừa trắng thơm cũng ra theo, cắt miếng cùi dừa thành từng miếng vừa ăn, dày dày một xíu vì kiểu gì nó cũng bị teo lại, rồi thịt thăn heo rửa sạch thái miếng cũng vừa ăn có tẩm ướp thêm chút hạt nêm cho thấm, giờ thì bắc chảo lên cho nóng rồi xào qua thịt cho săn thật săn… À mà quên mất một điều cực kỳ quan trọng, đấy là nước màu cho món ăn ngoài bắc còn gọi là "kẹo đắng" vì đúng là nó đắng thật và nó cũng không dùng để ăn trực tiếp, chắc bởi vì nó được làm từ đường và cũng nhỏ xinh từng miếng như kẹo nên người ta mới gọi vậy, tìm thứ đấy quả là khó như lên trời nên tôi đành làm theo cách thủ công, lấy một muỗng đường rồi hơ lên bếp trực tiếp cho đến khi đường chảy ra thành một thứ chất lỏng màu nâu ưng ý nhất thì nhấc ra cho thứ đó vào đảo đều với thịt, thịt ngấm màu nâu cánh gián trông hấp dẫn tăng lên tám, chín phần. Cuối cùng là trút dừa miếng vào đảo chung và thêm hai thìa nước mắm nữa, thịt khi nào kẹo lại miếng dừa cũng ngả màu hơi vàng và khô hết nước thì khi ấy rắc thêm nửa thìa bột ngọt nữa là xong.
Mãi từ khi hết giờ làm đến lúc chạy ra chợ tôi vẫn chưa nghĩ ra món gì để làm bữa tối thì đột nhiên đi qua một hàng bà lão bán kem lắc – thứ đồ sa sỉ của gần hai mươi năm về trước ùa về trước mặt, kèm theo là hình ảnh của một bà lão già với cái bụng to ơi là to – đấy là bà già hàng xóm chuyên đi bán kem lắc ở đầu đường, hồi ấy thi thoảng lắm bố đón đi học về rồi chở ra chỗ mẹ bán hàng đợi mẹ về cùng thì bà cũng bán ở gần đấy, nhìn cái đồ lắc kem to ơi là to, bên trong thì đủ loại màu xanh đỏ vàng hồng thích ơi là thích, bố mua cho một cây kem mát lạnh mùi chanh thơm lừng, bà không lấy tiền vì chỗ hàng xóm với nhau bà cũng quý tôi lắm, thế rồi có một ngày mẹ bị ốm không đi chợ được nên nhờ bà mua dùm một lạng dừa về làm thịt kho, đến khi bà đem lại thì lại là một túi dừa khô chẳng hiểu cơ sự thế nào bà với mẹ to tiếng rồi bà vứt huỵch cái đống dừa ấy xuống cống nước lầm bầm bỏ về. Cả xóm ai cũng biết bà tốt tính nhưng lại được tính hay cọc cằn thô lỗ nên mất lòng nhiều người lắm. Ngày hôm ấy cả nhà không được ăn thịt kho dừa mà phải ăn thịt luộc chấm mắm, tự dưng nhớ ra đến đấy thì thèm ơi là thèm món thịt kho dừa của mẹ.
Ngửi được thứ mùi thơm quyến rũ của đồ ăn khiến Như có vẻ tỉnh táo lại chạy đến coi tôi nấu, thấy vậy tôi liền nói đùa.
- Rồi em chừng nào thì lấy chồng, học nữ công gia chánh đi thôi không về nhà lại dẫn nhau đi ăn tiệm hết.
Như nhìn tôi rồi cười với một điệu miễn cưỡng lắm.
- Em ấy hả, em cũng luôn muốn cưới đại một người nào đó đi cho rồi, sống một cuộc sống an phận mà thấy cũng khó khăn lắm, em vừa mới khóa Facebook kìa, chẳng biết thế nào chứ chắc chẳng ai chịu nổi tính em mà cưới, riết rồi em lên núi đi tu rồi lập đạo thánh cô FA là hợp nhất.
Cả nhà cũng lăn ra cười, ừ thì cuộc sống đương nhiên không thể đều màu hồng cho mỗi người, nhưng mà dù sao biết chấp nhận nó hoặc sửa đổi nó thì mình chắc chắn sẽ không còn phải bước đi đơn độc trên một con đường dài nữa, giả dụ như tôi nếu cứ mãi một mình không mở lòng giao tiếp với những con người này thì đoạn đường tôi đi sẽ không thể nào đông vui và nhiều tiếng cười như bây giờ được, Như còn trẻ, có lẽ còn phải suy nghĩ nhiều để rút ra bài học cuộc sống, cứ mãi bướng bỉnh biết mình sai nhưng không chịu sửa mà mải mê đợi một cái chìa khóa thật vừa vặn với mình để mở được trái tim, tại sao không tự mình làm một chiếc chìa khóa đi mở những cánh cửa khác? Như vậy sẽ thấy được ánh sáng nhiều hơn.
Mới gần tám giờ tối, thật ra theo lệ của người Bắc thì bữa cơm luôn luôn giữ một vai trò quan trọng nhất trong gia đình, nó không chỉ là thời khắc gắn kết tất cả các thành viên lại với nhau mà còn là nơi duy trì nề nếp gia phong có ăn có uống, có răn dạy có nghe lời, có thưởng có phạt. Khi mới vào Sài Gòn tôi bị lạ lẫm giữa cái giờ ăn uống kỳ quặc của người Sài Gòn, họ cứ nấu bữa ăn để đó ai muốn ăn sẽ tự khắc đến lấy mà ăn. Mỗi người một tô cơm đầy mang đi đâu đó ngồi rồi tự ăn – một mình. Tôi vẫn nhớ lần đầu đến nhà bạn đồng nghiệp chơi vào tầm giờ chiều, bước vào nhà thấy bà cụ già ngồi thu lu trên cái ghế xếp cũ nhai bỏm bẻm miếng cơm, đôi mắt mờ nhìn đâu đó xa xôi qua cánh cửa vừa mở, bạn tôi chỉ nói chào bà rồi kéo lên phòng nói chuyện. Tôi sốc, tại sao lại để cho bà cụ ăn một mình như thế? Những người trong gia đình sao không cùng ăn cơm? Giờ giấc bữa cơm là như thế nào?
Mãi đến sau này người Sài Gòn mới giải thích biện hộ rằng họ bận rộn lắm, Sài Gòn có bao giờ ngưng nghỉ một phút một giây cho họ để cùng nhau ăn một bữa cơm gia đình, cùng ngồi xúm tụm chỉ để nấu một bữa cơm, chờ nhau đúng giờ chỉ để ăn một mâm cơm đầy. Tôi chẳng trách người cũng chẳng trách Sài Gòn, chỉ là con người ta được ăn được học không phải để biện minh cho những gì vẫn đang tiếp diễn quanh họ, đáng lý ra một lời biện hộ chỉ luôn dùng lấp đầy khiếm khuyết.
Tôi nhớ bữa cơm gia đình mình chờ đúng mười hai giờ trưa bố bấm còi mở cổng chạy xe vào nhà, mẹ giục sắp mâm cơm nhanh nhanh không bố mày đói bố mày lại càu nhàu, thèm câu hỏi han vô thưởng vô phạt của bố mỗi khi bố cầm chén rượu đưa cơm, mẹ ngồi nói chuyện chính trị chuyện đầu chợ cuối xóm, con ngồi thưa bố thưa mẹ ăn cơm, xới từng muỗng bưng bát cơm đầy lại.
Thời gian ở đất khách quê người tôi vẫn cứ thói quen cũ mà tự cầm chén cơm tự mời chính mình ăn cơm, lùa nhanh đồ ăn rồi lại thở dài thu dọn chén đũa. Ở nhà quen tay nấu cho cả nhà, giờ cứ nấu ít ít đủ một người ăn không được thành ra lần nào tự nấu cũng thừa bao nhiêu là đồ ăn thức uống, nhìn vừa thấy có lỗi vừa thấy buồn cười.
Thế nên tự dưng giờ đây được ngồi chung nhau một bữa cơm còn do chính tay mình nấu tôi lại thấy cảm giác ngày xưa ào về chiếm trọn những dòng ký ức, nụ cười này là thật, niềm hạnh phúc này là thật. Dù họ chẳng phải là bố là mẹ, chẳng phải là thứ ruột rà máu mủ, chẳng hề chung họ chung dòng, nhưng mọi thứ đều là vô nghĩa nếu chính bản thân mình tạo nên định nghĩa "gia đình". Tôi đang có cho mình một gia đình nhỏ nữa đầy ấm áp và yêu thương, có thể rồi sau này đây mỗi người sẽ lại một nơi chẳng ai còn là hàng xóm nữa, nhưng mà giây phút này thì xin cứ tận hưởng đi, chẳng đoán được còn bao lâu nhưng cứ trân trọng từng giây từng phút.
Tuấn hôm nay có mang thêm ít đồ nhắm anh mua ở cửa hàng tiện lợi gần nhà, anh bảo rằng thứ anh ghét nhất trên đời là dừa và chuối, chẳng hiểu sao nhưng mùi vị thật không thể nuốt nổi. Tôi phì cười đấm vào lưng anh nói tại sao không nói trước để tôi đổi món khác hay làm đồ ăn khác cho anh thì nhận lại được một cái cười hề hề "chẳng sao cả". Có thể là vì chúng tôi lâu lắm rồi mới có một buổi đoàn tụ như thế, hoặc cũng có thể là vì chúng tôi đang tạo nên một không khí gia đình lạ như thế.
Tôi tính chạy ra ngoài mua thêm đồ ăn cho Tuấn thì anh ngăn lại kéo vào nhà rồi tiện tay anh bốc luôn một miếng dừa trên đĩa nhai ngon lành.
- Anh nói ghét chứ không nói là không ăn được, với lại anh cũng chưa từng ăn món này bao giờ cả nên em đâu chắc là anh không ăn được, anh vừa ăn thử nè, vị ngon lắm, có lẽ là do dừa được xào chung với thịt với mắm muối nên vị dừa ngấm lắm ăn không còn mùi như xà bông nữa, dừa còn giòn sật sật nghe cũng thú vị cho một món ăn mặn thế này, không cần phải ra ngoài mua gì thêm đâu vì cơm gia đình thì không thể chờ lâu và luôn phải đúng giờ chứ.
Tuấn mang nốt đĩa thịt kho dừa xuống bàn rồi đẩy tôi ngồi xuống, cởi bỏ tạp dề vứt tạm qua một bên, chúng tôi cùng ngồi lại với nhau quanh một chiếc bàn với đầy ắp đồ ăn bên trên. Tuổi trẻ luôn tràn đầy sinh khí và sức lực, nhưng những tháng năm cống hiến cả thanh xuân ấy sẽ phải đổi lại nhiều hơn là những khoảnh khắc đã cũ, giờ đây thì tôi và họ lại vừa tự cho mình một lần dừng chân trên con đường tuổi trẻ để ngồi lại tận hưởng với nhau một không khí gia đình. Nghe thật là thích!
Trúc cười hà hà chụp lại bữa cơm bằng điện thoại lia lịa rồi up Facebook khoe, Như cũng chụp lại nhưng rồi để đấy vì tự biết mình mới khóa tài khoản mạng, hai người rồi cũng gắp lấy gắp để những miếng dừa non, những miếng thịt ngọt. Tôi thì có lẽ chỉ cần nhìn cách họ ăn, ánh mắt họ nhìn cũng thấy mình no nê bụng dạ. Chẳng bao giờ ở nhà nấu cơm được mẹ khen một tiếng dù món ấy ngon hay không, cũng chẳng bao giờ bố bỏ một công đứng bếp mà chỉ cho con một lần nấu nướng dù bố luôn là người đàn ông nội trợ đứng đầu trong gia đình. Ấy vậy mà ở đây có người khen tôi, khen những món ăn tôi làm, họ vừa mang cho tôi một không khí gia đình lại vừa nâng tôi lên một tầng mây chín thước mới.
Tự dưng lại nghĩ nếu cứ tiếp tục thế này có phải là hay hơn một gia đình thật sự hay là không?
Gia đình thật sự - một người cha, một người mẹ và vài đứa con.
Tôi sẽ chọn cái ý nghĩa nào cho câu hỏi "gia đình" của chính mình bây giờ?
Nhìn những con người xa lạ kia cười đùa, ánh mắt họ phản chiếu lại một màu sắc gì đó mà tôi dám chắc mình sẽ có thể đặt cả niềm tin của mình vào đấy. Thôi thì cuộc sống vẫn cứ là cuộc sống, và tôi thì vẫn cứ phải tiếp tục những ngày tháng sau này dù vẫn chưa nghĩ được cách để mình tiếp tục.
Ừ thì cứ mặc kệ hết đi để tận hưởng, thà là không bỏ sót một phút giây nào tận hưởng cuộc sống này còn hơn là cứ mải miết toan tính cho tương lai rồi đến khi tương lai ở trước mắt lại chẳng còn chút thảnh thơi mà tận hưởng. Có thể tôi không giống tính của bố của mẹ, biết lo nghĩ quá nhiều cho tương lai, tôi chỉ muốn nghĩ đến một tương lai gần, thật gần, mình làm chủ được nó thì mới làm chủ được những điều xa xôi hơn. Thôi thì nào chúng tôi đang cùng ăn với nhau trong một bầu không khí gia đình, thôi thì nào những hoài niệm về bố mẹ về gia đình thật sự vẫn vẩn vơ quanh đây, mọi thứ đều đang hoàn hảo hà cứ gì lại phải đập tan nó đi.
Tôi sẽ vẫn sống cho chính bản thân mình và cho một định nghĩa gia đình tôi sẽ và đang vun đắp.
Cười lên một cái coi nào, cười để thấy cuộc đời này đáng để tận hưởng.
CÔNG THỨC
THỊT KHO DỪA
Nguyên liệu:
- Thịt nạc tầm 500 gr
- Dừa 1 trái có cả nước
- Mắm muối, gia vị, dầu ăn, đường hoặc kẹo đắng, nước hàng.
Cách chế biến:
- Thịt nạc rửa sạch, thái miếng nhỏ rồi ướp với hạt nêm, tiêu, bột ngọt.
- Dừa thái miếng con thoi, hơi dày chút để không mất vị, nước dừa để riêng.
- Xào thịt trên chảo nóng có dầu ăn cho đến khi thịt săn lại thì thêm 1 thìa đường đã nấu hơi cháy hoặc kẹo đắng hoặc nước hàng để lên màu, sau đó thêm dừa miếng vào đảo đều, thêm chút nước dừa cho dậy mùi.
- Thêm mắm cho vừa khẩu vị rồi xào cho đến khi nào chảo ráo nước là được.
Chúc các bạn ngon miệng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top