Chương 1.

Khi những bông tuyết bắt đầu rơi vào năm 1946, Na Uy đang làm việc ngoài giờ trong phòng sách.

Tiếng ăn mừng tươi vui, rộn rã hoà vang trong từng cơn gió lạnh thổi qua những ô cửa sổ hư hỏng. Vì vậy, Na Uy cuối cùng cũng rời mắt khỏi đống tài liệu đầy ụ và nhìn về phía lá cờ ba màu cùng những dải ruy băng nhỏ bay phấp phới đằng xa. Người dân đang đón chào năm mới đầu tiên sau khi quân Đức rút đi, không có tiếng súng, không có tiếng lòng âm ỉ đau và những tiếng gào khóc thảm thiết. Chỉ có những bông tuyết bình yên rơi xuống từ bầu trời.

Tuyết ở Bắc Âu không có gì lãng mạn cả. Đêm Giao Thừa chỉ có những con phố nhuộm trắng toát, đơn sắc và buồn tẻ.

Na Uy đứng dậy đóng cửa sổ lại, sau đó lại cúi đầu ghi chép các văn bản một cách ngẩn ngơ. Sau giải phóng còn rất nhiều giấy tờ và việc cần giải quyết, nghĩ xem nào, đêm Giao Thừa của anh, ngoài việc ăn vài chiếc bánh quy và kẹo cam thảo gửi từ Đan Mạch thì cũng chẳng khác ngày thường là mấy. Suy cho cùng, với tư cách là hiện thân của một quốc gia, anh đã chứng kiến điều đó cả trong thời chiến lẫn thời bình. Mọi thứ đã quá... quen rồi?

Anh lắc đầu và ra lệnh cho mình ngừng suy nghĩ. Sau đó, anh vo tròn những mảnh giấy gói kẹo rồi ném chúng vào ngọn lửa bập bùng trong lò sưởi, một lần nữa tập trung vào công việc của mình.

Mười một giờ đêm, Na Uy đặt bút xuống, ngả người ra sau ghế và vươn vai. Bỗng dưng nghe được một tiếng động nhỏ phát ra ngoài cửa sổ, anh thở dài và đưa mắt nhìn.

Đó có phải là ảo ảnh không? Anh chớp mắt.

Như để đáp lại anh, tiếng động ngoài cửa sổ ngừng lại một lúc, rồi chuyển thành tiếng nức nở thật khẽ. Na Uy cau mày, đứng dậy đi đến bên cửa sổ. Anh thản nhiên lau sương ướt trên kính, nhưng khi mở cửa và nhoài người nhìn ra, anh chỉ nhìn thấy cây nhựa ruồi cong queo ở sân sau.

Anh chui lại vào nhà trong sự im lặng. Và rồi trong sự im lặng ấy, anh nghe thấy những bài hát Giáng Sinh từ xa vọng lại, hoà dần với ngọn lửa đang cháy trong lò sưởi gạch đỏ. Tiếng củi khô kêu lách tách trong lửa, tiếng tích tắc của kim đồng hồ quay khiến cả căn phòng tràn ngập sự ấm áp có thể ru người ta ngủ bất cứ lúc nào.

Na Uy xoa xoa thái dương, những tưởng mình bị ảo giác do làm việc quá sức. Vì vậy, anh táo bạo mở toang cửa sổ, cố thoát khỏi bầu không khí ấm cúng, êm dịu này mà tìm đến những cơn gió lạnh lẽo. Ngay lập tức, từng luồng khí lạnh vờn rít trên má anh, tê tái và đau buốt như thuỷ tinh vỡ găm vào. Vài bông tuyết bay cả vào miệng anh, thoang thoảng hương vị của đất. Những bài hát mừng Giáng Sinh xa xôi bị gió lạnh thổi bay và biến thành từng cụm từ mơ hồ trong tiếng huýt sáo.

Sau đó, anh từ từ cúi đầu nhìn xuống và bắt gặp một cậu bé đang ngồi co ro dưới bệ cửa sổ, cả người không ngừng run và mặt đỏ bừng lên vì lạnh.

—Tôi xin lỗi. Sau chiến tranh, nguồn cung vẫn còn thiếu. Em có thể sử dụng quần áo của tôi trong một thời gian. Tôi đảm bảo chúng sẽ rất ấm.

—Muộn quá rồi, em có thể ở lại đây một đêm nhé?

—Nhà em ở đâu? Em có thông tin liên lạc với bố mẹ không?

Đáp lại những câu hỏi của anh chỉ có sự im lặng. Đứa trẻ ấy cắn chặt môi không nói gì mà chỉ run rẩy, duy trì sự im lặng như một con thú nhỏ bị thương.

—Em có ổn không?

Đứa trẻ lại tránh ánh mắt của anh, lấy ngón tay quệt chóp mũi một cách mất tự nhiên, rồi giương mắt nhìn ngọn lửa đang cháy trong lò sưởi bên kia.

Toàn bộ cơ thể em được bao bọc trong chiếc áo khoác của Na Uy, mái tóc vàng nhạt rũ rượi xoã xuống vầng trán, che đi đôi mắt đã mờ đi vì quá mệt mỏi. Những ngón tay nhợt nhạt đặt lên mắt cá chân, em vẫn im lặng không nói gì cả, im lặng như một con búp bê bằng sứ. Bộ quần áo dính đầy tuyết của em được Na Uy treo trên dây phơi, tuyết men theo đó mà tan chảy, để lại những vũng nước sẫm màu trên tấm thảm phòng khách mỏng manh. Nhưng chủ nhân của tấm thảm lại chẳng hề quan tâm, anh đang bận lau khô mái tóc mềm mại của em bằng tấm khăn nhỏ một cách dịu dàng.

Trẻ em lang thang bên ngoài vào thời điểm này và không về nhà đón Tết có phải là do gặp rắc rối với gia đình không? Nhưng xét tình hình thực tế, khả năng cao đây là một đứa trẻ mồ côi mất cha mẹ do chiến tranh. Nơi trú ẩn ở Oslo hai ngày trước đã cạn sạch lương thực, một số người vì quá đói khổ buộc phải trèo tường lẻn ra ngoài để ăn trộm thức ăn. Na Uy chợt nghĩ... nếu em ấy cũng như vậy...

Anh gãi gãi đầu một cách không mấy tự nhiên rồi đứng dậy đi vào bếp. Vài phút sau, anh trở về bên chiếc lò sưởi với một dĩa bánh mì sandwich và một chiếc cốc có hình minh hoạ câu chuyện cổ tích chứa đầy sữa sô-cô-la nóng còn đang nghi ngút khói.

Truyện cổ tích và sữa sô-cô-la, đây rõ ràng là một sở thích mang đậm tính thẩm mĩ của người Đan Mạch. Na Uy mơ hồ nhớ ra đây có lẽ là quà Giáng Sinh của anh, nhưng cũng có lẽ là quà Halloween - anh không nhớ rõ nữa. Nhưng thật ra điều đó cũng không quan trọng là mấy, bởi đối với hiện thân của quốc gia - những sinh vật mang sự sống vĩnh hằng thì điều này sẽ chỉ tồn tại trong chốc lát.

Nhưng đối với con người phàm trần, sữa sô-cô-la nóng hổi và những chiếc bánh sandwich được cắt gọn gàng lại chính là bữa tối ấm cúng, no đầy trong ngày đông lạnh giá.

Thế là Na Uy nhẹ nhàng đẩy dĩa bánh về phía cậu bé.

—Ăn đi. —Anh nói.

Cậu bé di chuyển một chút, từ từ nhận lấy dĩa bánh và cốc sữa, bắt đầu ăn từng miếng nhỏ.

Na Uy quan sát những động tác thận trọng nhưng có phần vội vàng của em ấy. Chẳng mấy chốc, bánh và sữa đã hết sạch và em thì vẫn đang nhanh chóng quét sạch vài vụn thức ăn trên dĩa. Không hiểu sao, anh lại vươn tay nhẹ nhàng lau đi vết cặn bám trên khoé miệng em ấy, vỗ nhẹ vào vai em hai cái, kín đáo nhếch môi cười thật nhẹ.

—Em thấy ổn hơn chưa? Tên em là gì?

Anh chậm rãi vuốt mớ tóc mái vàng nhạt đang che đi một phần đôi mắt em ra sau tai, rồi lại ngẩn ngơ trước đôi mắt tím trong vắt như mảnh thuỷ tinh ấy.

—Emil. —Em đáp.

—Chúc mừng năm mới, Emil. Tên tôi là Lukas. —Anh thản nhiên đặt cho mình một cái tên con người. Thành thật mà nói, có quá nhiều người phàm đã tiếp xúc với anh trong suốt lịch sử của Vương quốc Na Uy, và anh đã sử dụng nhiều biệt danh tới mức anh chẳng thể nhớ xuể. Nhưng...

—Lukas Bondevick. —Anh nói thêm, vậy là đã có một cái tên hoàn chỉnh.

Những nốt nhạc cuối cùng của bài hát mừng Giáng Sinh nhạt dần trong nắng trưa. Na Uy đã tận dụng chút thời gian rảnh rỗi ban ngày để dọn tuyết ở sân sau nhà. Tuyết và sương giá mềm mại, tinh khiết đọng trên những cành lá tan dần thành những giọt nước nhỏ dưới ánh nắng mặt trời. Na Uy đưa tay lên lau đi những giọt nước tuyết lạnh buốt chảy đầy trên mặt, sau đó cởi bỏ khăn quàng cổ và phủi sạch những bông tuyết vướng trên đó - đây là quà Đan Mạch tặng cho anh. Mặc dù hình dáng và màu sắc kì lạ và khó diễn tả nhưng khả năng giữ ấm của nó thì chẳng thể chê vào đâu được.

Có ai đó nhẹ nhàng kéo vạt áo khoác của anh. Thế là Na Uy tháo kính trượt tuyết và nhìn xuống. Anh thấy Emil đã thay lại quần áo và đang rụt rè ôm lấy mình.

—Có chuyện gì sao?

—Dạ không có gì.

—Em thấy lạnh?

—...

Na Uy đăm đăm nhìn đứa trẻ ước chừng sáu tuổi, đột nhiên cúi người xuống mà kéo em vào lòng, đem khăn quàng cổ của mình quấn quanh người em ấy.

—Emil, em có thể cho tôi biết em sống ở đâu không? Tôi... tôi quá bận rộn, nếu em cứ ở đây, tôi sẽ không thể chăm sóc đầy đủ cho em được.

Anh cần phải đưa đứa trẻ này đi. Emil chỉ là một đứa trẻ còn quá nhỏ và mỏng manh, rất cần sự yêu thương và chăm sóc; anh lại một kẻ luôn bận rộn với lượng công việc chất thành đống đến mức cả người rệu rã như sắp gãy xương. Hơn nữa, anh là hiện thân của quốc gia, là bất lão bất tử, để tránh phiền phức, tốt nhất không nên tiếp xúc với con người.

Emil mở miệng như muốn nói gì đó. Nhưng rồi lời chưa kịp nói ra đã bị thay thế bằng địa chỉ của nơi trú ẩn với một giọng điệu thoải mái.

—Em có thể tự về. —Emil buông lỏng những ngón tay, kéo chiếc khăn quàng lên, che nửa dưới khuôn mặt rồi nhìn chằm chằm vào mũi giày, tránh ánh mắt của Na Uy. —Em... em sống ở đấy. Có bạn cùng lớp cũng ở gần... ý em là giáo viên của em cũng sống gần đấy, em có thể đến gặp thầy trực tiếp... Thôi, ngài Bondevick, tạm biệt. Cảm ơn vì tấm lòng ấm áp của ngài.

Na Uy trong tiềm thức cho rằng sự quan tâm của mình có thể đã khiến đứa trẻ sợ hãi. Nhưng anh chưa kịp nói gì thì Emil đã cúi chào anh một cách đầy kính trọng rồi quay người chạy đi. Đôi ủng đi tuyết cũ mèm kêu bạch bạch của em để lại những hàng dấu chân trên nền tuyết trắng, nhưng cũng rất nhanh lại bị che phủ như chưa hề bị giẫm đạp bởi những hạt tuyết không ngừng đổ xuống từ bầu trời — tựa như chẳng hề có ai rời đi.

Tuần sau đêm Giao Thừa, tuyết rơi dày đặc đến mức đóng băng mọi thứ. Na Uy nghi ngờ rằng ngay cả mặt trời giữa trưa cũng sẽ bị đóng băng trước cái lạnh khủng khiếp này mất. Nhưng ngay cả như vậy, một chàng trai Đan Mạch nào đó với tính cách ấm áp như mặt trời luôn tìm đủ mọi lí do để mời anh đi ăn tối, uống một tách cà phê và ăn bít tết, sau đó gác lại những lo lắng trong cuộc sống mà trò chuyện với nhau với tư cách hai người bạn lâu năm.

—Vậy sau tất cả những gì đã trải qua, cậu vẫn muốn giúp đỡ những người khốn khổ ấy sao? —Đan Mạch dùng dao cạy mở hộp cá hồi, và chiếc muỗng cà phê anh cầm trên tay còn lại đang kêu lạch cạch khi đang khuấy đều trong chiếc cốc sứ trắng. —Nói gì đó đi, từ lúc cậu mới tỉnh lại tới bây giờ, những người cậu giúp đỡ có thể xếp hàng từ Oslo đến Moscow đấy. À, anh nghe Thuỵ Điển nói, cậu đã chăm sóc cho một đứa trẻ mồ côi phải không?

Na Uy vẫn cúi đầu, nhàn nhã cắt miếng bít tết của mình.

—Ừ, nhưng tôi sẽ không giúp cậu bé ấy nữa.

Miếng thịt bò vừa chín tái được rưới xốt tiêu đen hấp dẫn. Vết cắt có màu hồng rất đẹp, chút mùi tanh của máu còn sót lại trộn với mùi cay nồng của xốt từ từ thấm ra và lan khắp nơi trên đĩa ăn tinh tế. Anh im lặng dùng dao và nĩa đâm vào miếng bít tết, những ngón tay bị gió lạnh làm cho tê cứng khó cử động, con dao kiểu phương Tây uốn cong vô tình làm xước ngón tay anh, nhưng anh không chút do dự mà lau vết thương trên môi, để mùi máu lan khắp khoang miệng. Sau đó, anh thản nhiên cho miếng bít tết vào miệng, mơ hồ nói thêm.

—Tôi... không còn tâm tình để làm điều đó nữa.

Đan Mạch dùng tay kia vỗ nhẹ vai Na Uy rồi thở dài.

Anh hiểu rõ Na Uy, và anh dường như mù quáng tôn trọng những suy nghĩ của người ấy.

Đột nhiên gió nổi lên, gió lạnh trộn lẫn với những hạt tuyết và lá khô hú lên trên chiếc bàn ăn nhỏ ngoài trời, bay tứ tung trước mặt họ. Đan Mạch hét ầm lên, đội mũ và quàng khăn cổ. Nhưng khi thấy sương trong gió từ từ trôi xuống, rơi trên mái tóc sạch sẽ của Na Uy, tinh khiết và trong sáng như những mảnh kim cương tí xíu, anh dường như rơi vào sự im lặng và thờ ơ của người ấy.

Na Uy chẳng phản ứng gì trước sự việc ban nãy. Anh không trách Đan Mạch đã tuỳ tiện chọn địa điểm ăn tối bên ngoài nhà mình, anh chỉ vuốt gọn lại mái tóc có hơi rối của mình và tiếp tục thưởng thức những miếng bít tết được cắt đều đặn một cách máy móc.

Cảm xúc trong lòng anh giống như những bông tuyết rơi ngoài kia — đã lặng lẽ biến mất từ lâu.

Đôi khi Na Uy nghĩ mình là một cỗ máy văn phòng. Đối với anh, những danh sách người tử vong dài thượt, gây sốc đó chỉ là một đống dữ liệu tẻ nhạt cần được sắp xếp, còn đống đổ nát hoang tàn kia chính là một hố đen bào mòn những khoản tiền khổng lồ. Chỉ mất một chút thời gian và mọi vấn đề của ta cũng sẽ trở thành những tập tài liệu trên kệ. Vì điều này, Đan Mạch luôn phàn nàn rằng anh ngày càng giống Thuỵ Điển với "chứng liệt cơ mặt", nhưng Na Uy không phản bác, anh chỉ nhanh chóng ăn hết miếng bít tết còn lại, đặt đĩa vào bồn rửa, rửa sạch rồi quay trở lại. Vào phòng, anh lại tiếp tục nhét danh sách "Nguồn sống" vào túi hồ sơ theo thứ tự bảng chữ cái trong im lặng.

Sau đó, ngón tay của anh đột nhiên cứng đờ, hơi thở chẳng còn nhịp nhàng và ngón tay kia cứ mãi đặt vững trên một cái tên.

Emil Stelson.

Trong trang hồ sơ có đính kèm tấm ảnh của một cậu bé quen thuộc có đôi mắt tím trong vắt như thuỷ tinh.

Mùa đông ở Na Uy có rất ít ngày khô ráo và quang đãng, từ lâu người ta đã quen với việc lao vụt vào gió và tuyết với bộ quần áo dày nhưng sờn rách. Vậy mà khi Na Uy cuối cùng cũng có một buổi chiều rảnh rỗi, bầu trời lại trong xanh một cách đáng suy ngẫm.

Bọn trẻ lặng lẽ chạy ra khỏi nhà, tiến vào sân chơi đã bị bỏ hoang từ lâu, không thèm dọn dẹp những mảnh vụn và tàn tích do chiến tranh để lại mà háo hức được chơi trên những cầu trượt rỉ sét và những chiếc xích đu kêu cọt kẹt. Tiếng cười giòn vang đến từ một nơi xa xăm. Na Uy chớp mắt, chợt nghĩ đến việc đi đến nơi trú ẩn. Rồi gần như cùng lúc đó, anh nhớ ra rằng cậu bé mà anh đã cưu mang trong đêm Giao Thừa kia cũng sống ở nơi đó. Vậy thì cứ đi gặp em ấy thôi. Nếu Emil không có tên trong danh sách tị nạn thì đó tất nhiên là một kết quả tốt. So với sự thật, Na Uy càng sẵn lòng tin rằng đêm tuyết rơi đó chỉ là một trò đùa cỏn con - Emil hiện đang cùng bố mẹ nướng kẹo dẻo trong một ngôi nhà ấm áp, hoặc đang tranh cãi với một nhóm trẻ em về việc ai  sẽ là người chơi cầu trượt tiếp theo.

Nhưng nếu em ấy thật sự sống trong trại tị nạn đó...

Na Uy luôn tự hào là nước giỏi trong việc ghi nhớ nhận thức và kí ức. Ngay trong đêm đông lạnh giá đó, hành vi thận trọng và run rẩy trong tuyết của cậu bé kia dường như đã in sâu vào tâm trí anh, chẳng hề tiêu tan đi mà còn đọng lại sâu thẳm. Anh thắt chặt cổ áo và sải bước về phía trại tị nạn, bước qua lớp tuyết bẩn và băng còn sót lại bên đường.

—Xin chào, tôi có thể giúp gì được cho cậu? —Người bảo vệ của khu tị nạn nói một cách máy móc. Ông ta không cạo râu, khuôn mặt hốc hác, nghiêng ghế, đặt đôi ủng da lên mép bàn, yếu ớt đưa tay nhấc chiếc mũ da tiền rẻ tiền đang che khuất tầm mắt lên, nhìn chằm chằm Na Uy vài giây.

—Cái gì? Cậu muốn tìm đứa trẻ ấy sao?

—Đúng. Có một đứa trẻ tên Emil sống ở đây phải không? —Na Uy thờ ơ trả lời, hầu như không có chút cảm xúc nào trong giọng nói đều đều của anh.

—Ở đây chúng tôi có mười tám, mười chín đứa trẻ, cậu tìm ai, liệu nó có biết cậu tới đây không? —Người bảo vệ gác chân trái, sốt ruột hỏi bằng tiếng Anh. Sau đó, Na Uy chưa kịp trả lời, ông đã cúi người lôi ra một đống giấy nhàu nát và ố vàng từ trên bàn. Ông chẳng thèm nhấc mí mắt lên, tuỳ ý liếm đầu ngón tay, nhúng vào nước bọt của chính mình rồi lật những trang giấy. —Tất cả những cái tên bắt đầu bằng chữ E đều ở đây, cậu cứ chọn bất cứ ai mà cậu muốn gặp.

Cùng lúc đó, đống hoang tàn phía sau người bảo vệ mất thăng bằng và đổ sụp xuống trong chớp mắt. Bụi cay xè bay giữa không trung như tuyết, nhện đang bò lổm ngổm giữa các tờ giấy. Người bảo vệ ho dữ dội vì sặc rồi lại ngã xuống ghế. Ông ném chiếc áo khoác bẩn lên lưng ghế, lảo đảo bước ra khỏi cửa mà không thèm quay đầu lại nhìn.

—Tôi đi vệ sinh, cậu tự tìm trước đi.

Khuôn mặt nhợt nhạt của Na Uy vẫn không biểu lộ tí cảm xúc. Anh chỉ bình tĩnh cầm lấy danh sách rồi đưa mắt nhìn những dòng chữ, rất nhanh, anh đã nhìn thấy dòng chữ mờ mờ được in bằng chữ in hoa, Emil Stelson.

Một dòng số nhỏ ngay sau tên là ngày sinh của em ấy: 1940.6.17.

Những ngón tay của Na Uy co giật trong giây lát. Anh chợt cảm thấy bất an mãnh liệt: Làm thế nào mà đứa trẻ chưa đầy sáu tuổi này, một đứa trẻ vốn được cho là phải vô tư, hồn nhiên, có thể nhai kẹo cam thảo cả ngày trong khi đang lăn lội trên bãi cỏ lại có thể hiểu chuyện và có lòng tự trọng thấp như vậy?

Giây tiếp theo, anh nhận ra có ai đó đang nhẹ nhàng kéo vạt áo của mình.

—Thưa ngài...?

Giọng nói dịu dàng, quen thuộc của đứa trẻ vang lên. Na Uy quay đầu lại và bắt gặp đôi mắt tím trong trẻo lờ mờ ẩn hiện sau làn tóc mái dài và chiếc khăn choàng cổ dày sụ. Trong thoáng chốc, anh như cảm nhận được cái gọi là "niềm vui gặp lại sau thời gian dài xa cách".

—Chào Emil. — Anh mỉm cười, nói. —Em vẫn nhớ tôi chứ?

—Vâng, thưa ngài Bondevick. —Khuôn mặt Emil giấu trong chiếc khăn choàng dày, không thể nhìn rõ biểu cảm, nhưng trong giọng nói của em lại có chút vui mừng không giấu được. — Em chỉ hơi ngạc nhiên, không ngờ ngài thật sự sẽ đến...

Na Uy hơi cúi xuống để có thể nhìn vào đôi mắt của Emil, trên môi vẫn nở một cười nhẹ. Rồi anh nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc mềm mại của em bằng những ngón tay mảnh khảnh, tay còn lại lấy từ trong túi ra một nắm kẹo nhét vào lòng bàn tay em.

—Suỵt, đừng nói cho người khác biết nhé?!

Nụ cười đặc trưng của một đứa trẻ nhanh chóng nở rộ trên môi Emil. Em cầm những thanh kẹo, thận trọng đếm đi đếm lại như tìm được kho báu, trong miệng lẩm bẩm mấy câu trìu mến rồi chạy về phía tủ đồ giấu chúng đi. Lúc đó, trông em giống hệt các bạn cùng trang lứa: vô tư và tận hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top