Nỗi Thương Mình

Tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” – hay còn gọi là “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là một trong số những tác phẩm kinh điển trong lịch sử văn học Việt Nam. Gồm 3254 câu thơ được viết theo thể lục bát, tác giả đã tạo nên một kiệt tác văn học có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người Việt nam. Bên cạnh đó, đoạn trích “Nỗi thương mình” đã thể hiện rõ tài năng nghệ thuật độc đáo, cái nhìn vượt thời đại và đặc biệt là tinh thần nhân đạo mới mẻ của tác gia. Chỉ vỏn vẹn với hai mươi câu, đoạn trích đã cho ta thấy được tâm trạng đau đớn, thương thân trách phận và sự ý thức sâu sắc về thân phận của nàng Kiều ở chốn lầu xanh.

Đoạn trích “Nỗi thương mình” nằm ở vị trí từ câu 1229 đến câu 1248 trong “Truyện Kiều”. Bị bán vào nhà chứa của Tú Bà, Thúy Kiều vô cùng đau đớn. Nàng tự vẫn nhưng không thành. Mụ Tú Bà đưa Kiều vào sống ở lầu Ngưng Bích, hứa sẽ gả chồng cho nàng. Song, chỉ vì mắc lừa Sở Khanh mà Kiều bị Tú Bà đánh đập dã man, ép buộc nàng phải tiếp khách.

10 câu mở đầu đoạn trích đã mở ra cuộc sống ô nhục ở lầu xanh và tâm trạng đau đớn, tủi nhục của Thúy Kiều.

“Biết bao bướm lả ong lơi

Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.

Dập dìu lá gió cành chim,

Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh.”

Để gợi ra một cuộc sống xô bồ, nhơ nhuốc nơi nhà chứa, Nguyễn Du đã có cách kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật độc đáo. Cụm từ “Biết bao” được đặt ở đầu đoạn thơ diễn tả sự thường xuyên của lối sống trác táng ấy: “cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm”. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng nhiều thành ngữ để miêu tả cuộc sống ở chốn lầu xanh. Qua những hình ảnh “bướm lả ong lơi”, “lá gió cành chim” , ta hiểu được thân phận của người con gái làm công việc đón đưa sáng tối, mua vui cho khách làng chơi. Nhục nhã xiết bao khi thể xác bị dày vò, đày đọa. Nhà thơ đã lựa chọn bút pháp ước lệ để miêu tả cuộc sống đục ngầu, nhơ nhuốc ở chốn lầu xanh. Bằng việc sử dụng bút pháp này, một mặt đã làm giảm bớt đi màu sắc thô tục trong ý thơ. Mặt khác, điều đó còn thể hiện sự cảm thương của Nguyễn Du. Ông không nỡ miêu tả một cách trần trụi cuộc sống nhơ nhớp ấy, nơi mà thân phận và thể xác của người phụ nữ bị đem ra bỡn cợt, mua vui.

Sống trong cảnh đọa đày ấy, Thúy Kiều vô cùng đau đớn, xót xa cho chính mình.

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

Khi sao phong gấm rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!”

Trong không gian lầu xanh , khi mà những cuộc vui đã tàn; những cơn say, trận cười mơn trớn giả tạo đã tạm biến mất, con người mới có thể trở về đối diện với chính bản thân mình và sống thực với lòng mình. Cứ mỗi khi tỉnh lại trong hơi rượu, Kiều lại “giật mình” hoàng hốt, ghê sợ ngay cả ở chính thực tại mà mình đang sống. Cùng với cái “giật mình” thảng thốt ấy là nỗi lòng tê tái, xót xa khi mà thể xác của nàng bị đem ra mua vui, bỡn cợt. Trong câu thơ, bên cạnh những từ ngữ dùng để diễn tả tâm trạng, Nguyễn Du còn lặp lại đến ba lần từ “mình”. Sự lặp lại ấy đã diễn tả nỗi cô đơn đến tội nghiệp của Thúy Kiều. Đó là nỗi đau mà chỉ mình nàng hiểu thấu, một nỗi lòng mà nàng chẳng thể san sẻ với ai. Từ nỗi đau về thân phận bị đọa đày, lời thơ bật lên những câu hỏi. Tác giả đã tách và đan xen các thành ngữ một cách sáng tạo để làm nổi bật lên sự đối lập giữa quá khứ và thực tại của Kiều. Nếu trong quá khứ là một cuộc sống yên bình “Êm đềm trướng rủ màn che” thì thực tại của Kiều là một cuộc sống tủi nhục ê chề. Qua hình ảnh “tan tác như hoa giữa đường” , ta hiểu được rằng: cuộc đời nàng, thân phận của nàng cũng giống như một bông hoa rụng trên đường, bị người đời dày xéo, giẫm đạp lên không một chút tiếc thương. Qua việc hồi tưởng quá khứ trong 1 câu thơ, nhưng lại diễn tả thực tại trong những 3 câu đã cho ta liên tưởng: cuộc sống hiện tại phũ phàng đã nhấn chìm những hạnh phúc trong quá khứ. Đặc biệt, Nguyễn Du cũng sử dụng liên tiếp các điệp từ, phép tiểu đối và các câu hỏi tu từ như: “Thân sao, khi sao, giờ sao” tạo nên giọng điệu đay đả, chì chiết, thể hiện nỗi niềm thương thân sâu sắc. Đoạn thơ đã diễn tả cuộc sống tủi cực và nỗi đau thân phận của Kiều. Nỗi đau ấy cũng là biểu hiện của sự ý thức sâu sắc về nhân phẩm con người.

Ở những câu thơ sau, nhà thơ đã cho ta thấy thái độ thờ ơ của Kiều trước cảnh sắc và thú vui ở chốn lầu xanh.

“Mặc người mưa Sở, mây Tần

Những mình nào có biết xuân là gì”

Chỉ qua hai câu thơ này, nỗi niềm cay đắng của nàng Kiều như được phô bày một cách rõ nét. Sống trong cảnh suốt ngày phải đem thân xác mua vui cho kẻ khác mà tự hành hạ bản thân mình, Kiều buồn chán tới mức muốn buông lơi tất cả. Từ “xuân” ở đây mang nghĩa là vui thú, nhưng Kiều làm sao mà có thể vui được khi ở trong tình cảnh này? Khách làng chơi tới lầu xanh để tìm vui thú, còn Kiều là người phải đem thân xác để mua vui nhưng lại chẳng biết đến hạnh phúc là gì. Thật trớ trêu làm sao, khi một nàng Kiều tài sắc vẹn toàn lại phải sống trong cảnh bị người ta đem ra bỡn cợt, dày vò.

“Đòi phen gió tựa hoa kề

Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Đòi phen nét vẽ, câu thơ

Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.

Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai”

Trước mắt ta hiện lên khung cảnh thiên nhiên hữu tình nơi lầu xanh, hội tụ đủ cả: phong-hoa-tuyết-nguyệt. Cảnh đẹp bốn mùa hội tụ lại nơi đây càng khiến cho bức tranh cảnh sắc thêm phong tình: gió xuân nhẹ nhàng thổi, hoa mùa hạ đua nhau khoe sắc, trăng thu sáng vằng vặc cùng những bông tuyết mùa đông phủ trắng cảnh vật. Tất cả những điều ấy như vẽ nên một bức tranh sinh động đủ màu sắc, đồng thời cũng có cả những thú vui tao nhã của con người: cầm, kì, thi, họa. Song, những cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, nên thơ ấy lại như một sự giễu cợt, mỉa mai chua chát. Dẫu có ngụy trang cho khéo đến mấy, thì lầu xanh vẫn là chốn nhơ nhớp, bẩn thỉu của bọn “buôn thịt bán người” như Tú Bà. Tâm trạng thực của con người trong cuộc sống ấy là buồn thường, là vui gượng. Câu thơ mang sắc thái của một câu hỏi tu từ: “Ai tri âm đó mặn mà với ai” lại tô đậm vào nỗi cô đơn của con người, khó có thể kiếm tìm được người tri kỉ giữa nơi nhà chứa xô bồ, trong những mơn trớn giả tạo đến ghê người ấy. Cách nói nửa trực tiếp kết hợp với câu hỏi tu từ đầy xót xa, ngậm ngùi ấy còn cho thấy phẩm chất tốt đẹp của Thúy Kiều: giàu lòng tự trọng, coi trọng phẩm giá con người và mong muốn được sống trong sạch. Bên cạnh đó, đoạn thơ còn cho ta thấy sự đối lập giữa nàng Kiều và cảnh vật. Sống ở lầu xanh, nhưng nàng lại cảm thấy xa lạ và đối lập với nó. Ý thức về sự đối lập ấy cũng là sự ý thức sâu sắc về nhân phẩm của con người ở chính nơi mà con người bị đày đọa, dày vò nặng nề nhất.

Đoạn trích “Nỗi thương mình” là một bi kịch của nhân phẩm bị chà đạp. Tác giả Nguyễn Du đã thể hiện niềm cảm thương sâu sắc với một bi kịch khác của cuộc đời Kiều. Miêu tả con người trong cuộc sống bùn nhơ, nhưng nhà thơ lại ca ngợi phẩm giá cao đẹp của con người. Như vậy, nhân vật của Nguyễn Du đẹp ngay cả trong lúc nguy khốn nhất. Đó là một tư tưởng nhân văn cao đẹp mà ông đã truyền tải vào trong tác phẩm của mình. Đồng thời, đoạn trích cũng thể hiện những điểm nổi bật về nghệ thuật: sử dụng ngôn ngữ nửa trực tiếp, cùng với cách sử dụng các biện pháp tu từ, thành ngữ vô cùng sáng tạo. Nguyễn Du quả thật xứng với danh “đại thi hào” của dân tộc Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #minhtrang