1. Cái Chết Của Kiều


Sau trận mưa đêm qua, cả làng Thừa Thủy lại đắm chìm trong biển nước. Là một vùng trũng của Đồng Bằng Sông Cửu Long lại hay hứng chịu những đợt mưa nhiều khiến cho người dân nơi đây thường xuyên chịu cảnh sống chung với nước lũ. Nước dâng lên ngập các ao hồ, nhấn chìm đồng ruộng và len lỏi vào nhà dân. Thay vì trồng lúa như lúc trước bà con dần chuyển sang trồng xoài, phần vì đỡ chịu cảnh lội bùn ngập nước, phần vì thu nhập cũng khá hơn.

Sáng hôm nọ, cậu Năm ra đồng khi sương sớm vẫn còn đọng trên tán lá. Đang loay hoay tỉa mấy nhánh xoài, ngâm ba câu hò than oán trời đất thì cô Sáu đi phía bên kia vườn nói vọng qua:

"Nước ngập như vo gạo hé anh Năm!"

Cậu Năm dừng tay lại, quay qua nhìn cô Sáu và đáp:

"Ừ. Tui cũng đang rầu đây! Ngập lênh láng kiểu này sợ hỏng hết vườn tược."

Cô Sáu tậc lưỡi nói:

"Chậc, lo gì. Thong thả vài bữa nữa là nước rút chứ gì."

"Cũng mong là vậy. Đang đợi nước rút xuống để còn kêu mấy đứa nhỏ hái xoài đi bán."

"Chà chà... Vô mánh nữa rồi ngen!", cô Sáu cười giòn giã rồi đi khuất vào thửa vườn phía bên cạnh.

Vườn cô Sáu nằm cách vườn cậu Năm một cái mương nhỏ, rau muống trổ lềnh bềnh và kéo dài ra tận ngoài đồng. Giáp vườn cậu Năm là vườn ông Lý, nhà ông Lý tuy nằm tận bên kia sông nhưng lúc trước ông mua đất vườn phía bên này. Hồi ông Lý còn sống cậu Năm và ông Lý rất thân nhau và thường hay chia sẻ kinh nghiệm làm vườn. Đến khi ông Lý mất, mảnh vườn được để lại cho chị Kiều tức cô con gái duy nhất của ông. Chị Kiều vốn thân con gái không thích quản việc đồng ruộng, chỉ nhận rau về bán ở chợ mỗi sáng sớm, nên mảnh vườn lâu ngày dần trở nên hoang phế không ai chăm sóc. Đến đầu năm 2000, thầy Thành ở trường tỉnh được lệnh chuyển về đây dạy học, hai người gặp nhau và nảy sinh tình cảm, mảnh vườn từ đó trở thành nơi hẹn hò yêu đương.

Chị Kiều tuy dân nhà vườn nhưng thân hình trắng trẻo xinh đẹp, lại được nết hiền hậu nhu mì. Trước giờ nhiều trai làng mải mê theo đuổi nhưng chị chẳng gật đầu chịu ai. Nhưng từ khi thầy Thành chuyển đến chị như gạo gặp phải nồi, liền nảy sinh lòng yêu mến và cũng được thầy Thành đáp lại. Thầy Thành học hay dạy giỏi, nói chuyện luôn biết kính trên nhường dưới nên rất được lòng bà con trong làng, ai cũng đồng lòng tác hợp cho cặp trai tài gái sắc sớm ngày đến với hôn ước.

Trong vườn ông Lý có một cái ao nhỏ, cá thì ít mà rong rêu thì nhiều, hai người thường ra bờ ao ngồi để tâm sự chuyện tình cảm. Một ngày, cậu Năm ra vườn và thấy đôi trai gái đang hẹn hò bên phần ao gần vườn mình, cậu Năm cố tình nói vọng qua:

"Chà. Cỡ rày trong vườn đông vui hẳn ngen."

Chị Kiều ngữa cổ qua nhìn, chị cười hiền hậu đáp:

"Cậu Năm cứ trêu. Người ta nghe được chắc con trốn xuống ao mất."

"Ôi dời. Bây còn ngại ngùng gì nữa! Coi sớm ngày cưới nhau đi để cả làng còn có tiệc mừng."

Chị Kiều thẹn thùng đỏ cả hai má, khẽ thúc nhẹ vào hong thầy Thành. Thầy Thành hiểu ý quay sang đáp:

"Còn sớm lắm chú ơi. Khi nào gạo tự nở thành cơm thì lúc đó chúng con cưới."

Chị Kiều ngắt vai thầy Thành làm vẻ hờn dỗi:

"Cái anh này..."

Thầy Thành cũng giả vờ đau đớn quay qua cầu cứu cậu Năm. Cậu Năm thấy thế cười khề khà đáp:

"Cái thằng..."

Rồi cậu quay lưng đi vào nhà, trả lại sự riêng tư cho hai đứa.

Mọi chuyện cứ ngỡ như vậy là thuận trời hợp đất, tình yêu thắm thiết của đôi trai tài gái sắc sẽ có kết cuộc viên mãn là một tiệc mừng cho cả làng. Ai ngờ trời xanh nào có toại lòng người! Độ ba tháng sau thì cả làng nhận được tin dữ. Vào một buổi tối trời mưa phùn rả rít, cậu Năm đang ngồi trong nhà nhâm nhi chén trà mà mợ Năm vừa mới pha, chợt nghe ngoài sân có tiếng cãi vả ồn ào của nhiều người lẫn với tiếng khóc của một người phụ nữ. Cậu Năm hớt hở chạy ra xem, thấy bà Lan tức mẹ chị Kiều cùng mấy người dân trong xóm ai cũng áo quần xộc xệch, tay cầm đèn pin chia nhau lùng sục mọi ngõ ngách trong làng. Bà Lan được kè bởi hai người đàn ông, vừa đi vừa gọi lớn:

"Kiều ơi... Kiều... Con đang ở đâu vậy Kiều?"

Cậu Năm thấy vậy liền chạy ra hỏi:

"Có chuyện gì vậy chị Lan?"

Bà Lan mếu máu khóc:

"Ôi cậu Năm ơi... Kiều con tôi nó mất tích rồi... Tôi và các cậu nó đi tìm chiều giờ khắp các đường ngõ mà vẫn chưa thấy... Khổ quá cậu ơi..."

"Trời ơi... mất tích lúc nào? Mà sao chị chắc là nó mất tích? Nhỡ nó đi chơi đâu đó thì sao?"

"Ôi cậu ơi... Nó mất tích từ chiều rồi. Hồi chiều nó đang ở nhà với tôi, lúc tôi dọn cơm ra chuẩn bị gọi nó ăn thì không thấy nó đâu nữa. Nếu nó đi chơi thì giờ tự khắc đã về hay thông báo với tôi một tiếng rồi. Đằng này... đằng này...", bà Lan chưa nói dứt câu thì lại òa lên khóc.

Cậu Năm cũng trở nên rối trí không biết phải tính sao, cậu cố trấn an bà Lan:

"Thôi. Chị và mọi người chia nhau tìm tiếp đi. Để tui vô nhà thay đồ rồi cũng đi tìm phụ luôn cho. Khổ. Trời mưa thế này rồi nó còn đi đâu được cơ chứ!"

Nói rồi cậu Năm chạy đùng vô nhà khoác vội chiếc áo mưa, mợ Năm thấy vậy liền hỏi:

"Có chuyện gì vậy ông?"

"Con Kiều mất tích rồi, giờ tui phải phụ mọi người đi tìm nó. Nếu đến khuya vẫn chưa thấy tui về thì cứ đóng cửa ngủ trước."

Nói rồi cậu Năm cầm đèn pin chạy ào ra đường cùng mọi người tìm kiếm. Nhưng chợt cậu đứng sựng lại vì nhớ ra một chuyện quan trọng: Chị Kiều trước giờ chỉ quanh quẩn trong nhà và ra ngoài chợ, ngoài hai chỗ đó ra thì những địa điểm khác trong làng chị Kiều ít khi lui tới. Bỗng cậu Năm nhớ đến khu vườn nơi thầy Thành và chị Kiều hay hẹn hò, có lẽ không ai nghĩ đến chỗ đó vì dạo gần đây chị Kiều cũng ít khi đặt chân ra vườn, cậu Năm quyết định một mình trở ra đó tìm kiếm.

Băng qua khu vườn nhà mình là đến khu vườn của ông Lý, cậu Năm vừa soi đèn vừa gọi lớn:

"Kiều ơi... Con có đó không?... Kiều ơi..."

Nhưng ngoài tiếng ếch nhái ra không thấy ai trả lời cả. Lúc chạy qua cái ao trong vườn, nước lúc này đã ngập tràn qua khỏi ao, cậu Năm cầm đèn rọi một vòng xuống nước thì thấy ở phía xa có một thứ đang lềnh bềnh trôi nổi. Dự có chuyện chẳng lành cậu rọi đèn vào đó xem thử, đoạn nhìn thấy một thân xác đang nổi phình trên mặt nước, cậu Năm hốt hoảng quay vào nhà gọi lớn:

"Bà con ơi... có người chết đuối nè... mau ra đây đi..."

Thằng Tí tức con cậu Năm, cùng mẹ nó và những người gần đó nghe thấy tiếng gọi thất thần của cậu Năm thì ùa nhau kéo cả ra vườn. Ai cũng tỏ vẻ bàng hoàng khi thấy xác chết nằm dưới ao đang mặc trên người chiếc áo bà ba trắng quen thuộc. Cậu Năm cùng bác ba Trai lấy cây kéo xác chết vào bờ, cái xác nằm úp mặt xuống nước và mái tóc xõa ra đen ngòm như một đám lục bình chổi ngược. Tuy chưa nhìn thấy mặt nhưng mọi người đều lờ mờ đoán được là ai. Ai cũng ngại ngần lật mặt xác chết lại, không biết vì sợ hay vì không dám chấp nhận một sự thật đau lòng.

Lúc này, bà Lan và mấy người em trong nhà vẫn đang tìm kiếm vô vọng ở cuối xóm. Đột nhiên thằng Tí từ đâu hớt hãi chạy lại báo tin:

"Dì Lan... mau về nhà đi... chị Kiều..."

Thấy thằng Tí cứ mãi ấp úng, bà Lan sợ Kiều bị tai nạn gì đó nên bà nhào tới nắm sầm lấy tay nó và hỏi:

"Kiều sao rồi con... nó về nhà rồi hả..."

Thằng Tí mím chặt môi, tỏ vẻ đau thương tột độ khi phải nói ra một sự thật đau lòng:

"Không. Dì Lan... chị Kiều... chết rồi!"

"Cái gì?... Kiều... Chết... rồi..."

Bà Lan hai mắt trợn ngược rồi xỉu luôn ra đường, mấy cậu em trong nhà liền lao tới ôm bà lại.

Ngày hôm sau, tiếng kèn tiếng trống vang lên ở một góc làng khiến ai cũng đau buồn não ruột. Tang lễ của chị Kiều diễn ra trong sự bỡ ngỡ cùng cực của những người dân trong làng. Mới ngày trước thôi mọi người vẫn còn đinh ninh ngóng chờ một đám cưới đẹp như tranh vẽ, thế mà hôm nay rạp đỏ cờ trắng treo rũ rượi cùng những giai điệu đau thương não lòng. Tiếng khóc, tiếng rên của bà Lan như cắt từng đoạn ruột của những người có mặt trong đám:

"Ôi... Kiều ơi... ba con bỏ mẹ mà đi rồi... giờ con cũng bỏ mẹ mà đi nữa... mẹ biết sống làm sao đây con ơi... Ôi... Kiều ơi... sao con dại dột thế con ơi..."

Một người dự đám tang nghe thế liền quay qua khẽ hỏi người bên cạnh:

"Bà Lan nói con Kiều dại dột là sao? Không lẽ con Kiều nó tự tử à?"

Người kia đáp:

"Ừ. Nghe đâu đêm qua công an cũng có mặt ở đó. Họ có đi xem một vòng khu vườn nhưng thấy không có dấu vết gì khả nghi nên cũng kết luận con Kiều tự tử."

"Nhưng sao đang yên đang lành lại đi tự tử chết?"

Bà Lan thoáng nghe thấy những lời đó, bà vừa khóc vừa kể:

"Mấy hôm trước tôi thấy nó có vẻ buồn, tôi mới lại hỏi thăm. Ban đầu nó định giấu, nhưng tôi gặng hỏi mãi nó cũng chịu nói. Nó có thai ba tháng nay rồi, mà bên phía cậu Thành cứ hẹn lần hẹn lượt không chịu cưới. Nó sợ sau này bụng lớn mà chưa có chồng hàng xóm sẽ chê cười cả họ nhà tôi. Tôi cố khuyên nó chuyện không có sao cả, nếu không có chồng thì để mẹ nuôi phụ. Thấy nó lúc đấy cũng không còn buồn gì, nhưng không ngờ hôm nay nó lại chọn cách này..."

Bà Lan nói xong thì lại òa lên khóc, mấy bà trong xóm phải ngồi lại trấn an.

Thằng Tí chột miệng nói:

"Nếu chỉ có vậy thì làm gì đến nỗi phải tự tử."

Bác ba Trai đang hút thuốc cũng ngừng lại, bác nhả khói và nói:

"Tại mày còn nhỏ nên chưa biết. Ông bà mình vẫn còn nặng chuyện lễ giáo, con gái chưa chồng vẫn phải giữ vẹn trinh tiết dù cho hai đứa có thân mật đến cỡ nào. Giả dụ như hồi ông ngoại bây còn sống, mấy dì của bây chưa cưới mà dám lén phén ở ngoài là ông đập cho một trận nhừ tử rồi tống cổ ra khỏi nhà."

Cô Sáu cũng tiếp lời:

"Tội. Chắc nó sợ hàng xóm dị nghị về cái thai trong bụng nên mới tự tử để giữ mặt mũi cho mẹ nó đây mà."

"Vậy còn anh Thành thì sao hả dì? Sao giờ này anh ấy vẫn chưa đến viếng chị Kiều vậy dì?", thằng Tí lại hỏi.

Bà Lan rươm rướm nước mắt nói:

"Nào thấy mặt mũi cậu ta đâu. Tôi còn chưa đổ tại cậu ấy mà con tôi thành ra thế này mà cậu ấy đã trốn đâu biệt tích."

Một bà khác than:

"Hừ. Lúc yêu thì nói toàn lời đường mật, chết rồi thì chẳng thèm nhìn mặt nhau lần cuối. Người gì đâu mà vô tình..."

Tối hôm đó, cậu Năm ra về mà lòng dạ vô cùng bồn chồn. Cậu cứ đi ra đi vào không tài nào ngồi yên được. Nhà cậu nằm cách nhà chị Kiều nhánh sông, cứ mỗi lần cậu Năm bước ra cửa là lại thấy di ảnh mặc áo trắng, tóc xõa dài của chị Kiều đặt trong tang lễ đập vào mắt, cậu lại thoáng thấy rùng mình. Nhớ lại lúc vớt xác chị Kiều lên, cậu kể:

"Lúc lật ngửa xác nó dậy, tui thấy hai mắt nó vẫn còn mở trừng trừng bà ạ. Khổ. Có lẽ nó chết mà không được nhắm mắt."

Mợ năm rót cho chồng chén trà, tha thiết nói:

"Ông không có gì phải lo lắng. Ông là người phát hiện và vớt xác nó lên, sau này nó thiêng nó phù hộ lại cho ông."

"Không phải tui sợ gì mà tui chỉ thấy tội cho nó thôi bà ạ."

"Tui biết. Tội thì tội nhưng cũng có thay đổi được gì nữa. Chỉ mong cho nó được về với ba của nó ở thế giời bên kia."

Cậu Năm hớp một ngụm trà, trà tuy nóng nhưng giai điệu thê lương của đám tang bên kia sông làm cho lòng cậu cảm thấy vô cùng lạnh lẽo.

Sáng hôm sau, cậu Năm đang ở ngoài vườn tỉa xoài thì thầy Thành từ đâu chạy tới, điệu bộ thấp tha thấp thỏm nói:

"Cậu Năm... Giúp con với!"

"Ơ kìa... Thành. Mày làm gì mà lén la lén lút thế?"

"Con đang đi tìm cậu Năm đây. Cậu Năm giúp con chuyện này được không?"

Cậu Năm dè dặt nhìn Thành một hồi rồi hỏi:

"Có việc gì mà mày định đến đây nhờ tao giúp?"

"Cậu cũng biết rồi đấy, từ lúc Kiều mất mọi người đều nghĩ rằng con là nguyên nhân dẫn tới cái chết của Kiều. Nhưng con nào có muốn như vậy! Ai cũng biết con mới chuyển về đây, tiền ăn tiền ở phải tự lo đủ thứ, đã vậy mỗi tháng còn phải gửi về cho gia đình chút đỉnh, mà lương giáo viên thì lại chẳng thấm vào đâu. Con chưa đủ tiền cưới vợ nên mới bảo Kiều gáng đợi thêm một thời gian nữa. Nào ngờ... nào ngờ..."

Nghe Thành kể lể mà khóe mắt trực trào, cậu Năm cũng thấy tội nghiệp:

"Thôi. Tao hiểu rồi. Chuyện đã lỡ rồi đâu ai muốn như vậy. Mày định nhờ tao giúp chuyện gì thì nói đi."

"Giờ con đi đâu cũng bị người khác lườm lườm oán trách. Bây giờ bên dòng họ nhà Kiều còn nhìn con như kẻ thù, muốn đến nhà thắp cho nàng ấy một cây nhang cũng là việc khó khăn. Nên con định chiều nay mua chút quà mọn, nhờ cậu Năm qua đó viếng thay cho con được không? Nói hộ với dì Lan giúp con là con rất đau xót và cảm thấy ân hận. Khi nào mộ của Kiều xây xong con sẽ tự mình qua đó và dập đầu xin lỗi."

Cậu Năm thở dài nói:

"Làm sao được! Lòng là của mày sao tao lại đi viếng thay được?"

"Giúp con đi mà cậu Năm. Giờ con qua đó chẳng những dì Lan không cho con bước vào nhà, mà người thân của Kiều không biết chừng còn nổi giận đánh chết con nữa. Con sợ quá cậu Năm ơi. Cậu phải giúp con mới được."

Thấy thầy Thành nài nỉ mà rươm rướm nước mắt, cậu Năm thấy vậy cũng động lòng. Cậu ậm ừ một hồi rồi gật đầu nói:

"Thôi được rồi. Mày cứ về nhà đi. Để chiều nay tao đi qua đó một chuyến nữa. Rõ khổ."

Thầy Thành mừng rỡ cảm ơn cậu Năm rối rít, rồi vội vã chạy về nhà để chuẩn bị quà bánh gởi cho cậu Năm sang nhà Kiều. Cậu Năm nhìn theo mà lắc đầu tiếc nuối, đôi trai tài gái sắc ngày nào giờ đã thành ra một người đang sống trong lo sợ còn một người thì vĩnh viễn vùi mình trong đất.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top