Nợ trần
Thẩm vừa đi vừa ngoái lại nhìn đằng sau như có vẻ lo âu, hồi hộp điều gì lắm. Mặt trời đã lặn từ 1âu, bóng tối bao trùm xuống làng mạc ruộng vườn. Ở cái vùng quê heo hút này, mới độ bảy giờ tối mà đã im lìm vắng lặng như lúc nửa đêm. Thỉnh thoảng có một vài tiếng chó sủa xa xa, tiếng một đứa bé quấy khóc, tiếng hát ru hời hoặc lời quát mắng của ông cha bà mẹ nào đó vẳng lên rồi lại trả về màn đêm cái vẻ lặng thầm u tịch muôn thuở của nó. Đi tới gần cuối xóm, Thẩm dừng chân trước một ngôi nhà ngói ba gian cũ kỹ có hàng rào bằng cây dâm bụt vây quanh. Tiếng chó sủa rộ lên làm chủ nhà vội vàng bật đèn rồi có tiếng dép lê xềnh xệch ra mở cửa. - Đứa nào đó bây? Có tiếng người đàn ông cất lên hỏi to. Thẩm nói nho nhỏ: - Dạ thưa... con, thằng Thẩm đây! Ông già có vẻ mừng quýnh: - Trời! Mầy đó hả Thẩm? Mầy đi đâu lâu dữ đến giờ mới quay về? Tao với bà nội mày khóc chờ muốn mòn con mắt, muốn đui con mắt... Rồi ông vội vàng mở bung cánh cửa để ngọn đèn dầu hỏa leo lét trong nhà hắt chút ánh sáng ra bên ngoài. Ông gọi to: - Bà ơi! Bà nó ơi! Thằng Thẩm nhà mình về rồi nè! Vừa dứt tiếng ông quay sang Thẩm, giục giã: - Vô, vô đi con! Bà nội mầy thấy mầy về, bả mừng phải biết đó nghen mậy! Thẩm nhanh chân chui tọt vào nhà, ông già cũng đóng cửa lại rồi ríu rít bước theo chân thằng cháu nội. Ngôi nhà này là nhà của vợ chồng ông Tư Bường, tuồi đã ngoài sáu mươi nhưng hiếm hoi đường con cháu. Hai vợ chồng ông chỉ có hai người con, thằng con trai lớn đi lính chết trận, bỏ lại một cô vợ trẻ với cái bào thai bảy tháng trong bụng. Hai tháng sau ngày chồng chết, cô sanh ra một thằng nhỏ kháu khỉnh, giống cha như khuôn đúc, bà nội nó đặt tên là thằng Thẩm. Khi Thẩm lên hai tuổi thì má nó bỏ nhà đi theo một gã lái buôn xuôi ngược ở khắp vùng sông nước. Từ đó Thẩm sống với ông bà nội và một người cô ruột. Cô Hiên, con gái của vợ chồng ông Tư Bường là một cô gái khá xinh nhưng trí não lại có vấn đề. Tuy đã bước vào tuổi thiếu nữ nhưng mọi hành động và suy nghĩ của cô lại rất ngờ nghệch, giống như một đứa trẻ lên năm. Cả thời niên thiếu của mình, Thẩm và cô Hiên chơi với nhau rất vui vẻ. Tuy lớn hơn Thẩm đến mười tuổi nhưng lúc nào cô Hiên cũng bị Thẩm ăn hiếp và tranh giành đồ chơi cũng như quà bánh. Được cái cô Hiên rất hiền, cái gì cũng sẵn lòng nhường cho Thẩm nên ít khi có xung đột xảy ra. Họa hoằn lắm mới nghe cô Hiên òa khóc rồi chạy đi mách mẹ, nhưng khi bà Tư cầm roi tới định quất vài cái lên mông thằng cháu nội ngỗ nghịch thì cô Hiên lại khóc ré lên không đồng ý. Thằng Thẩm được nước, ngày càng lấn lướt người cô ruột không may của nó. Một buổi trưa vắng vẻ, hai cô cháu dẫn nhau đi hái trái bần chua ven sông, thằng Thẩm vì tranh mấy trái lớn đã xô cô nó lọt tõm xuống sông. Nó thì mê mải với đống “chiến lợi phẩm”, trong khi Hiên ngụp lặn chới với dưới nước mà không ai biết. Đến khi sực nhớ lại cô Hiên, thằng Thẩm xanh mặt khi thấy mặt nước đã lặng trang không còn một gợn sóng. Tuy còn nhỏ nhưng nó cũng lờ mờ đoán ra chuyện gì rồi, nớ ù té chạy, vừa chạy vừa gào khóc vang trời: - Cứu… cô Hiên... cô Hiên... lọt sông rồi! Khi người ta vớt được cô Hiên lên thì người cô đã trắng bệch, bụng trương phình đầy nước... Thằng Thẩm sợ hãi nép mình trong khe cửa nhìn mọi người vô ra nhà nó với vẻ khẩn trương kỳ lạ. Rồi chiếc quan tài sơn màu đỏ được mấy người anh bà con xa của nó chở về đặt ngoài hành lang, và rồi người ta đặt cô Hiên vào đó sau khi chất vào đó đủ thứ đồ linh tinh mà nó không tài nào hiểu nổi. Ở vùng quê của thằng Thẩm, những người chết trôi không được mang xác vào nhà, mà phải tẩn liệm và đặt quan tài ngoài hành lang, ngoài sân để tránh tai họa tiếp theo. Nó thấy ông bà nội nó khóc quá nên đâm hoảng. Nhìn cây roi mây vắt trên vách, chỉ nhỏ như ngón tay nhưng mỗi lần ông nội nó vút vào mông là nó đau quắn quíu, thằng Thẩm sợ lắm. Nó biết nó vừa gây ra một tội lỗi tày đình mà không ai có thể tha thứ cho nó, không ai có thể bênh vực nó được! Chắc chắn khi rảnh tay rảnh chân, thế nào ông nội nó cũng lấy cây roi mây ấy để xử tội nó. Sợ hãi, lo âu... thằng Thẩm lặng lẽ chuồn ra khỏi nhà bằng lối cửa sau. Nó một mình lúp xúp chạy dưới nắng chiêu quê vàng ruộm, băng qua cánh đồng lúa mới cắt còn trơ gốc rạ... Nó chạy như vô định, nó không biết trốn vào đâu mới có thể thoát khỏi cây roi mây đáng sợ của ông nó. Nó chỉ biết chạy thật xa, càng xa càng tốt. Và thằng Thẩm cứ thế mà chạy, chạy mải miết, đến lúc nó mệt lả người khuỵu xuống thì đã cảm nhận được làn gió mát rượi thổi từ mặt nước sông lên. Cả người nhớp nháp mồ hôi, cổ họng khô khốc, thằng Thẩm cố gượng dậy lê bước ra bờ sông. Nó gần như nằm nhoài người sát mé bờ, giơ hai cánh tay khẳng khiu ra để vốc từng vốc nước đưa lên miệng uống và ấp bừa lên mặt cho đỡ mệt. Nó lật ngửa người ra nằm thở dốc một hồi rồi mới từ từ ngồi lên rửa tay chân mặt mũi. Mặt trời sắp lặn sau lũy tre bên kia sông, phía chân trời ửng hồng ráng chiều trông thật đẹp mắt, nhưng hôm nay thằng Thẩm thật sự không còn lòng dạ nào để chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên nữa. Nó ngó dáo dác, bất chợt thấy một chiếc ghe đậu sát bên bờ sông. Mừng rỡ, nó nhảy phóc xuống, đút đầu vào khoang, ngó quanh không thấy một bóng người nào, nó đã quá mệt mỏi nên vội vã chui vào rồi ngã người ra nằm nép vào một góc. Chiều tà gió thổi hiu hiu, cộng thêm cái sự rã rời của cơ thể khiến thằng Thẩm nhanh chóng đi vào giấc ngủ từ lúc nào nó cũng không hay. Tối hôm đó vợ chồng ông Tư Bường phát hiện mất thằng cháu nội. Cả xóm túa ra đi tìm. Đèn đuốc sáng rực cả làng trên xóm dưới, tiếng gọi ơi ới, tiếng kêu gào thảm thiết và cả tiếng gọi hồn nữa khiến cả một vùng quê vốn dĩ rất yên tĩnh bỗng chốc náo loạn cả lên. Người ta đi tìm dần ra xa, trên cánh đồng, dọc theo bờ sông đèn đuốc rợp trời nhưng bóng dáng thằng Thẩm vẫn im lìm không đấu vết. Hai vợ chồng ông Tư Bường gần như sụp xuống hẳn khi phải chịu một lúc chồng chất hai nỗi đau: Đám tang cơn gái chưa kịp đem chôn thì tới chuyện thằng cháu nội, giọt máu cuối cùng của gia đình mất tích! Chỉ mới sau một đêm, hai ông bà như già thêm hàng chục tuổi. Tóc cả hai bạc nhiều hơn, mặt mày hốc hác, hai hố mắt trũng sâu... Ai ai trông thấy cũng không khỏi cất tiếng thở dài thương xót. Cả hai vợ chồng ông Tư Bường từ trước tới nay sống hiền hòa chân thật, quanh năm tay lấm chân bùn, chưa hề có điều tiếng gì xảy ra trong làng xã. Mọi người đều yêu mến quí trọng vợ chồng ông. Vậy mà không hiểu sao hai ông bà lại phải hứng chịu liên tiếp những bất hạnh trong đời, để cho lá vàng phải khóc lá xanh, để khi bóng xế hoàng hôn phải vò võ một mình mang nỗi lo âu về thằng cháu trai lưu lạc... Sau đám tang cô Hiên, hai vợ chồng ông Tư đã nhờ nhiều người và chia nhau ra đi đến các vùng lân cận để hỏi thăm tin tức và nhắn tìm thằng Thẩm, nhưng đi tới đâu cũng không nghe được một chút tin gì về nó. Nó như tự nhiên biến mất khỏi thế gian này vậy! Người làng bắt đầu thêu dệt những chuyện ma quái rùng rợn. Rằng ngày còn sống hai cô cháu thằng Thẩm luôn đi đâu cũng có nhau, bây giờ cô nó bị ma da bắt mất, vì nhớ cháu nên đã lén về dẫn nó theo rồi. Người ta đồn thổi rồi thêm thắt cho câu chuyện mỗi lúc một trở nên ly kỳ rùng rợn hơn. Chỉ chưa đầy một tuần lễ sau thì các khu vực lân cận đều nghe kể về một chuyện rùng rợn chưa từng có: Cô gái tên Hiên ở làng đấy, chết trôi khi vẫn còn là trinh nữ. Khi quan tài còn để trước nhà, đêm khuya người làng đi đám đã về bớt, chỉ còn một số ít, kẻ ngồi nhậu lai rai, người ngủ gà ngủ gật. Bất chợt một anh thanh niên trông thấy nắp quan tài từ từ tự động mở ra, từ bên trong một cô gái tóc dài xõa gần kín mặt, cả người mặc bộ quần áo liệm trắng toát và rộng thùng thình nhẹ nhàng bước ra, đến bên chiếc phản nhỏ trong góc nhà nhấc bổng thằng bé đang nằm ngủ mê mệt lên rồi ôm nó chui trở vô quan tài. Khi cô gái đã nằm yên trong đó, nắp quan tài tự đóng lại. Chàng thanh niên sợ quá hóa điên, miệng lúc nào cũng lảm nhảm những điều vô nghĩa... Nhưng những khi tỉnh táo lại thì anh ta kể rất rành mạch chi tiết sự việc, nhưng chẳng mấy ai tin. Một vài người kề tai nhau xầm xì khi thấy vợ chồng ông Tư Bường vẫn chưa thôi tìm kiếm cháu: - Tìm đâu xa chọ mệt! Tui là ổng, tui cho quật mồ con Hiên lên là tìm được thằng Thẩm thôi mà! Có người lại kể, đêm đó cô Hiên bước từ trong quan tài ra, đến bên chiếc phản nhỏ kêu thằng bé dậy rồi hai cô cháu nắm tay nhau dung dăng dung dẻ đi ra hướng bờ sông, tới sát mé nước, cô Hiên vẫn bình thản nắm tay thằng Thẩm bước xuống, và cả hai đã bị chìm nghỉm sau đó không lâu. Bây giờ, cứ độ vào lúc nửa đêm, ai có việc đi qua đoạn bờ sông vắng vẻ ấy thường nghe tiếng cười đùa trửng giỡn của hai cô cháu thằng Thẩm - con Hiên. Họ bảo hai đứa nó giờ làm ma da ở khúc sông này, chờ đến khi nào có người thay thế rồi mới được đi đầu thai. Có người độc miệng lại kể: Đêm đêm, hai cô cháu thằng Thẩm áo quần đầu tóc ướt loi ngoi thường tìm tới những nhà ở ven sông để lục nồi tìm cơm cá. Hai đứa vừa khua chén bát rổn rảng vừa cất tiếng rên hừ hừ làm chủ nhà dù có thức giấc cũng phải trâng mình nằm im ráng chịu, chứ không ai dám ngồi lên đánh động để xua đuổi hai đứa nó. Vợ chồng ông Tư Bường đã đang đau khổ vì mất con mất cháu, giờ lại phải điếc tai vì những lời đồn đại vô căn cứ này nên cả ngày hai ông bà cứ ru rú trong nhà, có việc cần thiết lắm mới phải ra đường vì sợ phía sau lưng người ta xầm xì bàn tán. Gần hai tháng trôi qua, hy vọng tìm được thằng Thẩm đã tiêu tan theo mây khói, mỗi ngày ông Tư không còn đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi dài theo các xóm ven sông để dò hỏi nữa. Bà Tư cũng không thường xuyên chạy lên chạy xuống ủy ban xã để xem thông tin về các xác chết vô thừa nhận xung quanh địa phương. Lưng hai vợ chồng già như còng hơn vì những nỗi đau dập dồn quá chừng to lớn đó! Vậy mà bất chợt chiều nay thằng Thẩm trở về, hỏi sao ông Tư không ngạc nhiên đến vậy? Bà Tư đang lầm rầm đọc kinh, nghe tiếng gọi toáng lên của chồng, bà giật mình khi nghe tới cái tiếng Thẩm quen thuộc mà mấy tháng nay bà quặn lòng thương nhớ nó! Bà Tư đứng bật lên, nhưng hai chân run run suýt ngã nhào trở xuống. Bà lập cập xỏ chân vào dép rồi bước như chạy ra nhà ngoài. - Trời ơi! Thẩm! Thẩm... con về thật đó sao con? Thằng Thẩm cúi mặt, ngó xuống chân mình, lí nhí đáp: - Dạ thưa nội, con mới về! Ông bà nội tha lỗi cho con, đừng đánh con, con sợ lắm... Bà Tư nhào tới ôm chặt thằng bé trong tay, khóc ròng: - Trời ơi, cảm ơn trời phật đã đem con về lại nhà cho nội! Nội mừng còn không hết, nội không đánh con đâu... Rồi chừng như thấy được ánh mắt lấm lét của thằng Thẩm ngó ông Tư, bà Tư quay sang chồng, hỏi: - Không đánh nó phải không ông? Kìa, ông trả lời mau lên đi cho cháu nó yên tâm! Ông xem thằng nhỏ sợ ông đến xanh cả mặt kia kìa... Ông Tư không vồ vập thằng cháu như vợ, nhưng thật ra trong lòng ông cũng chỉ muốn nhào tới ôm chặt lấy nó, để không phải mất nó một lần nữa! - Ôi cháu nội yêu quí của ông, thằng đích tôn thờ phượng ông bà đây mà, giọt máu sau cùng còn lại của gia đình ông đây mà, làm sao ông có thể để nó phải sợ hãi đến vậy. Ông Tư mỉm cười, mắt long lanh nước: - Không đâu con, nội không đánh con đâu, con đừng sợ! Ông bước tới vặn to ngọn đèn để trông cho thật rõ mặt thằng cháu thân yêu. Mới hơn hai tháng xa nhà mà nó chừng như lớn bổng lên, ăn nói cũng đàng hoàng lễ phép hơn trước, duy có nước da của nó cứ xanh tái và mặt mày hốc hác lắm, không còn được cái vẻ hồng hào lúc trước. Bà Tư trông thấy cháu mà xa xót trong lòng. Bà hỏi: - Thời gian vừa rồi con ở đâu vậy Thẩm? Con làm ông bà nội khóc thương khóc nhớ con đến mờ mắt đi rồi nè... Con ở đâu? Chắc vất vả đói khổ lắm hay sao mà con ốm nhom ốm nhách vậy con? Bà Tư hỏi hết câu này tiếp sang câu khác không để cho thằng Thẩm kịp trả lời. Ông Tư nhắc khẽ: - Bà hỏi gì thì từ từ đi, để thằng nhỏ còn tắm rửa nghỉ ngơi nữa chứ! Bà Tư giật mình sực nhớ: - Ừ tôi quên mất chứ! Theo nội vô lấy quần áo nè con! Đồ đạc của con nội còn giữ y nguyên trong tủ cho con nè, không có gì thay đổi hết, vì nội tin sẽ có ngày con trở về mà, dù ai cũng khuyên nội hãy quên con đi, rằng con đã không còn sống nữa. Nhưng với nội, chỉ khi nào tận mắt nội chứng kiến, còn không nội cứ hoang mang... - Bà ơi... Để cho thằng nhỏ tắm rửa, cơm nước đi rồi hãy nói tiếp! Còn nhiều ngày giờ mà...! Bà Tư giật mình khi nghe tiếng chồng: - Tôi lại quên mất! Bà Tư cười giả lả rồi nắm tay thằng Thẩm kéo đi riết vô buồng. - Nè, mặc bộ này được không con? Bà Tư kéo hộc tủ lấy ra bộ đồ mà trước đây thằng Thẩm rất khoái: Cái áo thun ngắn tay có hình con cọp thiệt bự trước ngực với cái quần cụt cùng màu với áo. Thằng Thẩm đưa tay đỡ lấy rồi ngập ngừng, chỉ tay vào hộc tủ: - Nội... nội cho con mặc bộ kia đi!Bộ đồ nó đang chỉ là bộ mà Thấm ghét nhất. Bà Tư có vẻ ngạc nhiên, ngó sững nó một cái rồi cúi xuống lấy bộ đồ theo yêu cầu của nó. Nhìn theo thằng cháu nội đi vào nhà tắm với dáng đi hơi rụt rè, bà Tư lẩm bẩm: - Cái thằng!... Mới đi hơn hai tháng mà trở về coi bộ 1ạ lẫm với nhà này dữ a! Bà ra nhà trước, kéo ghế ngồi cạnh ông Tư: - Ông coi, thằng nhỏ sống khổ sở ra sao hổng biết mà ốm vậy hở trời? Tội nghiệp cho cháu nội tôi quá, ông bà ở nhà thì đầy đủ sung sướng, nó còn bé thế mà đã một mình lưu lạc, khốn khổ làm sao! Vừa than thở, bà Tư vừa sụt sịt khóc. Ông Tư mắng: - Nó đi mất cũng khóc, giờ nó về cũng khóc là sao đây? Bà Tư liếc khẽ ông một cái nhưng cũng kéo tay áo lên chậm hai bên khóe mắt. Chập sau thằng Thẩm tắm xong, nó mặc bộ đồ này tuy coi giản dị nhưng cũng vừa vặn, đẹp mắt lắm, vậy mà hổng biết sao lâu nay không hề thấy thằng Thẩm đụng vô. Nay bỗng dưng nó đổi gu hồi nào cả hai vợ chồng ông Tư cũng không biết được! Vừa thấy thằng Thẩm đi ra, bà Tư lật đật tới bên vuốt ve nó: - Trời ơi, thằng cháu vàng ngọc của tui... Mới đây mà nó ốm chừng này rồi! Rồi bà vội vàng kéo tay nó: - Đi, đi theo nội xuống bếp, nội dọn cơm cho con ăn! Hôm nay có món cá kho măng mà con thích nhất nữa nè! Thằng Thẩm lừng khừng đi theo bà Tư. Ông Tư nhìn theo hơi ngạc nhiên tự hỏi: - Cái thằng thiệt lạ! Nó đi đâu mất một thời gian, giờ trở về nhà sao giống như người xa lạ cứ lơ ngơ làm sao ấy! Trong khi đó ở dưới bếp bà Tư lúi húi nhóm lửa hâm lại thức ăn cho thằng Thẩm. Mùi cá kho mặng tỏa ra ngào ngạt, thằng Thẩm bất giác quay mặt đi lấy tay bịt mũi. Nó và mấy miếng cơm rồi gắp ít cọng rau muống luộc, ngập ngừng một chút rồi cứ thế mà ăn, không chấm vào dĩa nước cá giống như thói quen trước nay của nó. Bà Tư xăng xái dẻ một miếng nạc cá thiệt to bỏ vào chén cho Thẩm, thúc giục: - Ăn đi con! Cá tươi ngon lắm đó, nội mới mua hồi chiều! Con biết không, lần nào ăn món này ông bà nội đều nhớ tới con rồi khóc ròng, có ăn uống gì nổi nữa đâu... Con ăn nhanh lên, ăn cho no vào rồi lên nhà trên kể đầu đuôi sự việc cho ông bà nghe đi! - Dạ! Thằng Thẩm lúng búng trong miệng. Nó ăn không được ngon miệng và nhất định không đụng tới miếng cá nào. Bà Tư rất đỗi ngạc nhiên: - Ủa, sao vậy Thẩm? Sao hôm nay con không ăn cá? Nội làm mặn quá hay sao vậy con? - Dạ không!... Tại... tại lâu quá không ăn món này, giờ ăn lại con thấy tanh tanh... Thẩm nói nhỏ. Bà Tư gật gù: - Ừ cũng đúng! Mà lâu nay con ở đâu vậy Thẩm? Sao con lại mất tích trong ngày hôm đó? Bà Tư mới hỏi được câu đó thì đã nghe tiếng ông Tư: - Nó ăn rồi thì hai bà cháu lên đây mà nói chuyện, ngồi chi dưới bếp? Bà Tư vội vội vàng vàng thu dọn chén bát rồi dắt tay thằng cháu nội đi lên nhà trên. Trước đây, những buổi tối thế này, ông Tư thường ngồi nhâm nhi mấy tách trà, bà Tư với cô Hiên nằm nghe ca nhạc cải lương từ chiếc radio cũ mèm nhưng âm thanh phát ra vẫn còn chất lượng lắm. Thằng Thẩm thì láu táu, khi trèo tót lên rót trà bắt chước ông nội uống từng hớp một, khi nhào xuống nằm chen vào giữa bà nội và cô, bắt bà nội gãi lưng hoặc mằn trứng chí. Mới vắng nhà hơn hai tháng, nhưng hôm nay nó dường như thay đổi hẳn. Nó chững chạc hơn nhiều, không còn láu táu trẻ con như trước nữa. Nó nhắc ghế lùi ra một chút rồi ngồi xuống với vẻ khép nép, e dè. Ông Tư hớp một ngụm trà rồi lên tiếng: - Bây giờ con kể cho ông bà nội nghe đi. Mấy tháng nay con đi đâu? Làm gì? Tại sao con lại để ông bà lo lắng kiếm tìm con vất vả biết bao nhiêu mà kể? Bà Tư ngồi nhích lại gần thằng Thẩm, đặt tay mình lên tay nó như muốn trấn an: - Con cứ kể hết đi, ông nội đã hứa không đánh con roi nào đâu, con đừng sợ! Thẩm nhìn bà Tư trìu mến: - Dạ... con xin kể! Hôm bữa đó... lúc đám tang cô út, con sợ ông nội đánh đòn nên bỏ chạy trốn. Con chạy hoài, chạy hoài, cuối cùng ra tới bờ sông. Mệt quá, con thấy chiếc thuyền ai đậu gần đó nên trèo lên lăn ra nằm ngủ. Chủ thuyền về lúc nào con không hay, mà người do cũng không biết có con trên thuyền. Vậy là ông ta chở con đi luôn. Đến sáng hôm sau con mới thức dậy, thì đã ở một nơi hoàn toàn xa lạ rồi! Con khóc lóc đòi về, ông chủ thuyền chừng đó mới biết đã chở con theo, ông nói ông không thể đưa con trở lại được, vì ông còn công việc phải làm cho kịp. Vì vậy ổng đem con lên gởi vào một ngôi chùa gần ngay đó, dặn với nhà chùa rằng nếu có đò thuyền nào xuôi về bến ấy thì gởi giúp con về. Thế là con ở luôn trong chùa cho tới nay, sư cụ biết có thuyền về nên đem con xuống bến gởi về đây. Ông Tư thở phào nhẹ nhõm. Vì dù sao nó được ở trong chùa ông cũng yên tâm hơn là lâu nay nó lăn lóc ngoài đầu đường xó chợ. Bà Tư mủi lòng sụt sịt khóc: - Tội cho thằng nhỏ, mới tí tuổi đầu mà phải lạc loài nương thân nhờ cửa phật... Nó ăn chay, sức đang tuổi lớn mà ăn uống thiếu chất bổ dưỡng, hèn chi nước da tái mét, xanh chành! Thôi mọi việc đã qua hết rồi con, ngày mai nội mần thịt con gà hầm thuốc Bắc để tẩm bổ cho con, chỉ vài ba ngày con sẽ lấy lại sức khỏe thôi: Ông Tư gật gù: - Ừ, bà lo bồi bổ cho nó. Rồi thư thư công việc thì tui với bà, dắt theo thằng Thẩm tìm tới ngôi chùa đó để đa tạ người ta, dù sao người ta cũng có công nuôi dưỡng và dạy dỗ con cháu mình trong mấy tháng. Bà Tư tán thành: - Ừ ông nói đúng đó! Rồi như chợt nhớ, bà reo lên: - Mà công nhận chùa đó dạy thằng nhỏ hay thiệt hả ông? Từ lúc nó về tới giờ tui thấy nó tề chỉnh y như người lớn vậy đó, đâu còn cái vẻ trẻ con như lúc trước? Họ có cho con học hành kinh kệ gì không con? Mắt Thẩm sáng lên: - Dạ có chứ nội, con thuộc nhiều kinh lắm! Nếu nội thích, tối tối con đọc cho nội nghe! Bà Tư vui mừng: - Ừ, vậy là tốt quá rồi còn gì! Ông Tư hỏi thêm: - Ở chùa đó, ngoài việc học kinh kệ ra, con còn phải làm gì nữa không con? Thẩm đưa mắt nhìn chăm chăm vào ngọn đèn để trên bàn: - Dạ... không, không làm gì nữa ạ! Hai vợ chồng ông Tư mừng còn hơn trúng số độc đắc khi gặp lại thằng cháu nội, nên cả hai thay nhau hỏi nó đủ thứ chuyện đã xảy ra với nó từ ngày xa cách ngôi nhà quen thuộc. Nhưng có lẽ thằng Thẩm mệt nên nó chỉ trả lời nhát gừng, không có vẻ hăng say. Mãi đến khi chiếc đồng hồ to tướng treo trên tường gõ boong boong đúng mười một tiếng, ông Tư vươn vai ngáp dài: - Thôi, hai bà cháu vô ngủ đi, thằng Thẩm coi bộ mệt đừ rồi kìa! Có gì ngày mai nói tiếp. Giờ tui cũng đi ngủ đây! Bà Tư đứng lên, dắt tay Thẩm vào buồng. - Chui vô mùng đi con! Thấy Thẩm đứng lừng khừng giữa nhà, bà Tư giục. Thẩm chậm chạp vén mùng chui vô, rồi chờ bà Tư vô xong, nó bắt đầu lom khom người xổm ém mí mùng xuống chiếu. Nó làm việc chậm chạp và tỉ mỉ khiến bà Tư ngạc nhiên quá đỗi: - Con giỏi từ hồi nào vậy Thẩm? Mới cách đây không lâu, tối tối hễ vô ngủ là nó nhảy phốc lên giường, nhiều khi còn làm đứt phăng cả mấy đầu mùng làm bà Tư cằn nhằn cử nhử. Không ai tấn mùng thì thôi, nó cũng mặc kệ cứ để vậy mà ngủ bừa, có đâu như hôm nay, làm việc đó rất chi là cẩn thận. Thẩm tấn mùng xong nhẹ nhàng nằm xuống bên bà nội. Bà Tư kéo Thẩm sát vào lòng, xuýt xoa: - Coi tay cháu kìa, lạnh ngắt như mới đi ngoài mưa vào vậy đó! Này, ủ trong tay nội cho ấm lên đi con! Thằng Thẩm khẽ rút tay lại: - Dạ… không sao đâu nội, nội ngủ đi! Nói xong, nó nằm dịch ra một chút rồi quay mặt vào tường làm ra vẻ đang buồn ngủ lắm. Bà Tư rất muốn ôm chặt nó vào lòng, nhưng thấy nó tỏ thái độ vậy nên bà đành thôi, nằm im nhìn vào lưng nó. Nỗi vui mừng xúc động của bà Tư đã lắng xuống, và bà bắt đầu nhận ra những dấu hiệu là lạ nơi thằng cháu thân yêu. Bà Tư thắc mắc, không biết thời gian nó sống ở chùa, nó đã được học hành dạy dỗ ra sao mà bây giờ nó trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép nhưng gần như nó không còn là nó nữa. Nhịp thớ của thằng Thẩm bắt đầu trở nên đều đều. Bà Tư biết nó đã ngủ, bà nhẹ nhàng ngồi lên ngắm nhìn khuôn mặt nó. Hai gò má bầu bĩnh bây giờ tuy có hơi gầy đi nhưng vẫn phảng phất vẻ phúng phính trẻ con. Bà Tư muốn đặt lên đó một nụ hôn nhưng bà sợ làm cháu thức giấc. Bà cứ ngồi ngắm nhìn thằng Thẩm say mê, thỉnh thoảng bà lại sờ nhẹ lên đôi tay giá lạnh như băng của nó. Tiếng gà eo óc gáy xa xa khiến bà Tư giật mình. Trời gần sáng rồi, mình phải ngủ một chút chứ. Bà Tư thầm nghĩ thế. Ở phòng kế bên ông Tư cũng đang ngon giấc. Bỗng nhiên ông Tư giật mình vì nghe có tiếng chân rón rén. Ông là người rất nhạy với bất kỳ thứ tiếng động nào trong đêm. Lắng tai nghe, ông cảm thấy dường như bước chân khe khẽ đó đang tiến về chỗ đặt bàn thờ đứa con gái xấu số của ông. Rồi ơng ngửi thấy mùi nhang thơm thơm lan tỏa khắp nhà. Ôi, thật tội nghiệp cho thằng cháu! Từ lúc nó về, hai ông bà cứ hết hỏi han này nọ lại tới ép nó ăn thứ này thứ khác, không ai nhắc nó tới thắp nhang trước bàn thờ cô út nó vì sợ khơi dậy trong nó mặc cảm vì đã làm chết cô Hiên. Cái thằng này lớn thiệt rồi! Nó đã biết nghĩ tới cô nó, đêm hôm khuya khoắt vầy mà không chịu ngủ, còn ra nhang đèn khấn vái gì đây. Ông Tư vừa toan cất tiếng gọi thằng Thẩm vô ngủ thì ông nhận thấy có tiếng khóc ri rỉ phát ra từ chỗ đó. - Chẳng lẽ nó khóc cô nó sao? Ông Tư ngồi dậy, vừa quơ chân xuống đất tìm dép, mà tai vẫn vừa lắng nghe tiếng khóc bên ngoài. Bỗng đâu một giọng hát du dương cất lên làm ông rợn da gà: “Em buồn cắt tóc đi tu Nợ trần chưa dứt phù du tìm về...” Ông Tư thôi không tìm dép nữa, ông nhón chân đi thật khẽ ra ngoài. Trên bàn thờ cô Hiên quả có mấy nén nhang vừa mới thắp nhưng không có một người nào ở đó. Ông Tư quá đỗi ngạc nhiên, rõ ràng vừa nãy ông còn nghe tiếng hát, bây giờ người hát biến đi đâu? Cửa nhà vẫn đóng kín, mà ông đang đứng chắn lối ra duy nhất để xuống nhà sau hoặc vô buồng ngủ của bà Tư. Vậy người đó biến đi đằng nào? Người đó là ai? Chắc chắn không phải thằng Thẩm rồi! Ban đầu khi nghe tiếng chân và nghe mùi khói nhang, ông Tư cứ đinh ninh là thằng Thẩm thức dậy thắp nhang cầu nguyện cô nó, nhưng khi nghe tiếng hát, ông đã khẳng định không phải thằng Thẩm cháu ông! Đó là tiếng hát của một người con gái! Thế người đó là ai? Ông Tư dụi mắt mấy lần liên tiếp rồi đứng ngó dáo dác xung quanh. Khi đã chắc chắn không có ai, ông vội đi tới bàn thờ, vặn cao ngọn đèn lên rồi bưng đi soi khắp nhà. Cửa nẻo vẫn vẹn nguyên đâu có ai mở chốt. Mọi thứ trong nhà đều không có gì khác lạ. Ông cầm đèn đi vô phòng bà Tư. Hai bà cháu đều đang ngủ say, tiếng thở đều đều của thằng bé, tiếng ngáy nhè nhẹ của bà Tư khiến ông vừa an tâm vừa thắc mắc. Đi một vòng quanh nhà, ông Tư trở lên nhà trên lấy bình thủy nước đổ ra pha trà ngồi uống tiếp. Hơn năm giờ sáng, bà Tư giật mình thức dậy, lê dép lệt sệt ra nhà ngoài, nói với ông bằng giọng ngái ngủ: - Sáng rồi hả ông? Ông Tư hờ hững đáp: - Ừ bà lo nấu cái gì đó cho thằng Thẩm ăn đi! - Thằng nhỏ tội lắm ông à, tối ngủ rất say, chắc nó mệt mỏi lắm! Để tui chạy ra chợ mua ít thức ăn... Bà Tư vừa bới lại đầu tóc vừa nói với chồng. Ông Tư nhìn bà, đắn đo: - Bà nè!... - Chi vậy ông? Bà Tư dừng tay lượt, hỏi chồng. - Tối qua bà có nghe gì trong nhà mình không? Bà Tư ngạc nhiên: - Nghe gì là gì hả ông? Tui thức khuya lắm, chừng gà gáy lần thứ nhất tui ngủ một giấc tới sáng luôn, có nghe gì đâu? Mà chuyện gì vậy ông? Ông Tư thở hắt ra: - Mà thôi đi, chắc do tui mớ ngủ! - Mà là chuyện gì mới được chứ? Bà Tư tò mò. Ông Tư hạ giọng: - Tui đang ngủ thì nghe có chân đi nhè nhẹ rồi có mùi khói nhang bay lên, tui cứ ngỡ thằng Thẩm dậy thắp nhang cho cô Út nó. Nhưng một lát sau tôi bỗng nghe có tiếng con gái hát lên mấy câu ai oán lắm. Mặc dù sợ, nhưng tui cũng cố lén ra xem là ai, nhưng hoàn toàn không có bóng người nào, chỉ có mấy cây nhang trên bàn thờ con Hiên là vẫn còn cháy. Bà Tư cười cười: - Ông ngủ mê quá rồi chiêm bao đó thôi! Ai mà đêm hôm khuya khoắt còn hát hò... Ông Tư chau mày: - Tui cũng không biết sao nữa bà ơi! Rõ ràng khi tui ra đây nhang vẫn còn cháy và tui ngồi luôn ở đây từ lúc đó đến giờ! Bà Tư bước tới sát bên bàn thờ, nhìn vào cái lư hương đầy chân nhang, khẽ nói: - Ông ơi, ông mớ ngủ thật rồi đó! Ở đây toàn chân nhang cũ, có thấy cây nào mới đâu? Ông Tư ậm ờ: - Chắc vậy quá! Thôi, bà đi chợ cho sớm đi! Bà Tư liếc chồng: - Sao tự nhiên ông lại mơ nghe thấy tiếng con gái hát vậy ta? Mà nó hát hò những gì ông còn nhớ không? - “Nó hát vầy, tui nhớ rõ lắm: Em buồn cắt tóc đi tu Nợ tình chưa dứt phù du tìm về... Hai câu này tui chưa từng nghe bao giờ trước đó nên mới lấy làm lạ vậy chứ!” Bà Tư nhìn chồng nghi ngại, bà nhủ thầm: - Quái lạ cái ông này, sao tự nhiên lại mơ mộng ba cái chuyện thế được chứ? Ổng đâu còn trẻ trung gì nữa mà tơ vương cô gái nào? Thiệt mình hết biết sao mà nói... - Thôi, bà đi đi!Ông Tư lại giục. Bà Tư quay trở xuống bếp lấy cái giỏ đi chợ rồi quày quả bước ra đường. Còn lại một mình, ông Tư suy nghĩ thật nhiều về chuyện vừa xảy ra cho ông. Ông biết chắc một điều, đó không phải là giấc mơ mà là sự thật, nhưng ông không dám khẳng định vì sợ làm bà Tư hoang mang rồi nghĩ ngợi nọ kia. Người con gái đó là ai? Chắc chắn không phải là Hiên, cô con gái út khờ khạo của ông bà. Vì Hiên không bao giờ biết hát những lời như thế! Trong lòng ông Tư không yên ổn, tuy từ trước tới nay ông không hề biết sợ ma quỉ là gì, nhưng quả thật sự việc xảy ra quá rõ ràng khiến ông nao núng. Ông không phải sợ, nhưng có cái gì đó bất ổn, lo lắng trong lòng. Ông thầm cầu mong cho gia đình được yên ổn sau nhiều sóng gió vừa qua. Đang ngồi suy nghĩ vẩn vơ, ông Tư nghe tiếng thằng Thẩm thức dậy đi xuống bếp súc miệng rửa mặt. Ông nhớ lại ngày trước và mỉm cười, nghĩ tới việc chút nữa thôi, nó lại lên nhà lục tìm bánh trái trong tủ. Cái thằng thật xấu tính đói, ngủ một đêm sáng ra là đói quắn, phải có cái gì đó bỏ liền vô miệng mới vui. Biết tính cháu nội, nên từ khuya tới giờ ông Tư chỉ ngồi uống trà suông, còn mấy cái bánh bà Tư mua về hôm qua ông không dám dụng tới, tính để dành cho thằng nhỏ. Nhưng sao ông chờ hoài không thấy thằng Thẩm lên. Lấy làm lạ, ông Tư bước xuống nhà sau dòm ngó thử. Thật không ngờ, thằng Thẩm đang cầm chổi quét nhà! Cái việc mà từ trước tới nay nó chẳng bao giờ chịu làm.Bà Tư lại cưng cháu nội nên cũng chưa bao giờ sai nó làm những công việc như thế! Vậy mà sáng nay ngủ dậy, nó tự động đi quét dọn nhà cửa. ông Tư định lên tiếng hỏi, nhưng rồi ông không nói gì, để thử xem thằng này tiến bộ đến đâu! Công nhận mới hơn hai tháng lưu lạc mà nó nên người quá! Từ cách ăn nói đến ý tứ, hành động... mọi việc thay đổi thật không thể ngờ được! Ông Tư trở lên nhà trên ngồi rung đùi đắc ý! Ông thầm cảm ơn cái ngôi chùa xa lạ nào đó đã giáo huấn thằng cháu nội cưng của ông được như vậy! Ở nhà dưới, thằng Thẩm quét dọn xong sân nhà thì nó bê nguyên thau đồ ra ngoài cầu ao ngồi giặt giũ. Bà Tư đi chợ về trông thấy xuýt xoa: - Thôi thôi! Con vô nhà ăn sáng với ông nội nè, để đó cho bà nội, mấy việc đó con làm không được đâu! Thẩm cười thật hiền: - Dạ không sao đâu nội, con làm quen rồi! Con chưa đói, tí nữa con vào ăn sau! Bà Tư đứng nhìn thằng cháu bằng ánh mắt trìu mến và sung sướng vô biên... Hôm nay bà Tư đi chợ mua về toàn các thứ bổ dưỡng để phục hồi sức lực cho cháu cưng. Ra tới đầu đường, bà đã khoe ngay cái tin thằng cháu đi lạc nay đã trở về, làm mọi người ai cũng mừng lây, còn những người thêu dệt chuyện Thẩm và cô nó thành ma da thì cúi đầu tránh ánh mắt rạng ngời thách thức của bà Tư đang chiếu rọi. Bà Tư mua về một con gà ác, một gói thuốc Bắc để hầm cho cháu. Bà tỉ mỉ làm cơm trong khi Thẩm luôn quấn quít cạnh bên giúp bà lặt rau, rửa chén. Cả hai vợ chồng ông bà Tư đều cảm thấy thật sự hạnh phúc với đứa cháu ngoan như vậy. Nhưng tới bữa cơm thì hai ông bà lại không được hài lòng, bởi thằng Thẩm không hề đụng đũa tới các món ăn bổ dưỡng mà bà đã cất công làm cho nó. Nó chỉ ăn vài ba cọng rau sống và nước tương qua quít mà thôi. Bà Tư lẫy: - Nội nấu các thứ này là vì con, mà sao con không chịu ăn? Con chê nội làm dở phải không con? Thằng Thẩm bối rối: - Dạ thưa... không phải con chê... - Vậy tại sao con không ăn? - Bà Tư hỏi. Ông Tư nói thêm: - Con ăn đi cho nội vui! Với lại con ốm yếu xanh xao như vậy, phải ăn uống cho nhiều vào mới lấy lại sức được chứ con! Thầm cúi đầu nói nhỏ: - Dạ... Con biết ông bà lo cho con, nhưng... vì ở chùa lâu nay con ăn chay quen rồi, giờ ăn mặn không được. Ông bà cứ để con tập từ từ... mai mốt con sẽ ăn... Bà Tư rất thất vọng khi nghe Thẩm nói thế, nhưng rồi bà thấy nó nói cũng phải. Mấy tháng qua nó ăn toàn tương chao quen rồi, bất ngờ ăn lại thịt cá thì tanh chịu không nổi cũng đúng thôi. Bà đẩy thố gà tiềm thuốc Bắc sang phía ông Tư: - Nó không ăn thì ông ăn giùm tui đi! Ông Tư nghe lời vợ, nhưng cả hai vợ ông đều không còn thấy bữa cơm ngon miệng nữa. Sau khi trở về nhà thằng Thẩm hoàn toàn thay đổi, từ tính tình, sở thích đến tất cả những thứ khác đều không có gì giống với trước kia. Đám trẻ con trong làng nghe tin nó về kéo đến thật đông, vừa vì tò mò, vừa vì mừng bạn hữu quay lại chơi đùa với mình, nhưng thằng Thẩm thờ ơ với tất cả. Nó từ chối mọi lời rủ rê hấp dẫn, nó trả lời nhát gừng những câu hỏi của bạn bè. Suốt ngày nó chỉ quanh quẩn làm chuyện lặt vặt trong nhà, lúc rảnh rang nó thường ngồi thừ người buồn bã khiến ông bà Tư vô cùng thắc mắc. Chiều xuống, khi cơm nước xong xuôi, thằng Thẩm không chạy ra đầu xóm chơi đùa với lũ trẻ, mà nó ngồi một mình bên bờ ao sau nhà với vẻ tư lự lạ lùng. Ông Tư gọi nhỏ: - Bà có thấy thằng Thẩm lạ quá không? Tui nhiều lúc không nhận ra nó nữa bà ạ! Nó như một người khác... Bà Tư lo lắng: - Ừ tui cũng nhận thấy điều đó! Hổng biết nó có gặp chuyện không? Sao nó không kể với mình? Những gì nó kể rất đơn giản, nếu chỉ có vậy thì sao nó trông buồn bã ủ rũ đến thế, phải không ông? Ông Tư trầm ngâm: - Bà nói đúng rồi đó! Chắc phải có chuyện gì mà nó giấu mình. Nhưng chuyện gì mới được chứ? Dù là chuyện gì đi nữa thì với một thằng bé từng ấy tuổi đầu, cũng đâu làm nó buồn sâu sắc đến vậy? Bà coi gặng hỏi nó lần nữa xem sao? - Ừ để tui dỗ dành nó! Bà Tư nói xong đứng lên gọi với ra sau nhà: - Thẩm ơi, tối rồi, vô nhà đi con! Thẩm uể oải đứng lên đi vô nhà với vẻ miễn cưỡng. Nó đi thẳng vô buồng, trèo lên giường mắc màn cẩn thận. Bà Tư hỏi: - Mới giờ này mà ngủ sao con? - Dạ con thấy hơi mệt. Thẩm trả lời. Giăng mùng xong, nó chui vô mùng ngủ, bỏ mặc hai ông bà già ngồi với nhau bên bình trà ấm nóng. Ngồi nán lại với chồng thêm chút nữa rồi bà Tư cũng đứng lên đi vô buồng với cháu. Thằng Thẩm đã ngủ say rồi. Nhưng nó có vẻ không muốn nằm sát vào bà như trước, nó cố thu mình thật sát vào tường, ngăn một cái gối ôm giữa bà và nó. Bà Tư chợt nghe buồn man mác. Nó thay đổi cái gì cũng tốt hơn, chỉ có tình cảm nó đối với ông bà hình như không còn đậm đà tha thiết nữa. Đêm hôm qua bà thức khuya, cả ngày nay lại lăng xăng làm đồ ăn cho nó, lại còn tiếp mấy người chòm xóm đến thăm chơi khi nghe tin thằng Thẩm trở về, nên bà Tư cũng ngủ sớm hơn mọi bữa. Chỉ còn ông Tư là không sao ngủ được. Ông uống hết mấy bình trà, tới thắp nhang cho con gái rồi vặn ngọn đèn trên bàn thờ thật lu xuống trước khi vô phòng ngủ. Ông nằm trăn trở mãi mà mắt vẫn còn tỉnh táo không sao ngủ được. Ông luôn vểnh tai nghe ngóng mỗi khi có tiếng động nho nhỏ nào đó phát ra, lòng ông hồi hộp nửa như van xin nó đừng lặp lại, nửa như muốn nghe lại những âm thanh kỳ bí của đêm hôm qua. Hơn mười hai giờ đêm ông Tư mới bắt đầu thiu thỉu ngủ. Nhưng khi giấc ngủ chưa kịp đè sụp mắt ông thì ông Tư lại nghe văng vẳng lời ca sầu muộn: “Buồn đời cắt tóc đi tu Nợ tình chưa dứt, phù du tìm về... Bao giờ thoát khỏi cơn mê Bao giờ oan nghiệt tứ bề tan nhanh? Lỡ làng từ buổi tóc xanh Dương gian, âm cảnh... nhớ anh em về...” Giọng ca thật não nùng, thống thiết làm ông Tư rùng mình sợ hãi. Rõ ràng tiếng hát đó cất lên từ nhà ông, chỗ bàn thờ con gái ông. Vậy nó là ai? Nó là con Hiên của ông sao? Không, không phải đâu! Hiên vốn dại khờ, trẻ con, nó làm gì biết yêu đương làm gì biết thở than bằng lời ca ai oán như vậy?Ông Tư nhẹ nhàng ngồi dậy, lần này ông không đi ra cửa như hôm qua nữa mà ông nhón gót nhẹ nhàng trèo lên bàn để nhìn ra phía trước. Ông suýt hét to lên khi trước mắt ông, rõ ràng là một cô gái mặc bộ áo quần trắng tinh đang ngồi bên bàn thờ Hiên, vừa hát vừa khóc. Do run rẩy, ông Tư vô tình đụng vào tấm tranh nhỏ treo trên vách khiến nó rơi xuống đất phát ra một tiếng kêu khô khốc. Lập tức bóng người mặc đồ trắng biến mất không để lại bất cứ vết tích nào. Ông Tư lập cập xòe diêm ra đánh để mồi lửa vào đèn. Ông cầm chiếc đèn đi khắp nhà, soi rọi từng ngóc ngách nhưng hoàn toàn không có gì lạ. Khi vào buồng của hai bà cháu, ông vẫn thấy Thẩm nằm xoay mặt vào tường, còn bà Tư nằm ngửa đang thở đều đặn, ngực phập phồng lên xuống. Chuyện gì đang xảy ra trong nhà mình? Tại sao nhà mình lại có chuyện lạ lùng như thế? Nội chuyện của thằng cháu đã làm ông thắc mắc rồi, giờ lại thêm chuyện đáng sợ này nữa thì thật là ông làm sao chịu nổi? Bà Tư mà chứng kiến cảnh này, không biết bả có còn dám ở nhà một mình hay không nữa! Ông Từ vừa định quay người trở ra, bất chợt ông giật mình khi nhìn thấy người nằm cạnh bên bà Tư không phải là Thẩm mà là một cô gái! Ông hốt hoảng, vừa mới đưa tay chưa kịp lay bà Tư dậy thì Thẩm xoay người ra, mở mắt nhìn ông: - Nội, có chuyện gì vậy nội? Ông Tư há hốc miệng, không biết trả lời nó sao nữa. Rõ ràng mới vừa rồi ông trông thấy một cô gái, giờ sao lại là thằng Thẩm? Trời ơi, chắc ông điên lên mất! Chuyện gì xảy ra đây? Chẳng lẽ thần kinh của ông có vấn đề? Thấy Thẩm vẫn nhìn mình chờ đợi, ông Tư ấp úng: - Ông... ông định hỏi nội con... Bà Tư thức giấc, ngạc nhiên: - Hai ông cháu làm gì giờ này vậy? Thẩm không nói gì, nó kéo mền đắp kín tới cổ mắt vẫn nhìn ông. Ông Tư giả lả: - Tui tính vô kiếm cái chìa khóa mở tủ. Bà Tư cằn nhằn: - Đêm hôm mở tủ làm gì? Thôi, ngủ đi ông ơi! - Ừ, ngủ thì ngủ! Chỉ chờ có vậy, ông Tư vội vã đi ra, lòng hoang mang không sao kể xiết. Ông lên giường nằm gác tay lên trán nghĩ ngợi đủ thứ chuyện đã xảy đến với gia đình ông mới hơn hai tháng nay. Hiên chết, Thẩm mất tích. Rồi bất ngờ Thẩm trở về vẫn hình hài đó nhưng quá chừng xa lạ, rồi cũng từ cái đêm đầu tiên Thẩm về, trong nhà lại xuất hiện điều kỳ lạ như thế. Liệu việc Thẩm trở về có liên quan gì tới chuyện đó hay không? Thẩm ở chùa mấy tháng nay, giờ Thẩm về, biết hồn ma vất vưởng nào theo Thẩm về đây không? Sao đêm đêm lại hát ca than thở vậy? Ông Tư lẩm nhẩm lại mấy câu hát vừa mới nghe được mà thấy run lên vì vì sợ hãi. Quả thật những câu đó ông chưa hề nghe qua, nên không thể bảo ông mơ màng được. Phải có người hát thì ông mới biết được chứ! Nhưng ai? Người đó là ai? Ông Tư như muốn nổ tung cả cái đầu ra mà vẫn không sao đoán được một chút nào. Ông mệt mỏi ngồi lên ra thắp thêm nhang trước bàn thờ con gái. - Con sống không khôn nhưng ba tin khi chết đi con sẽ trở về với hồn phách tinh anh của mình. Xin con phù hộ cho ba mẹ, phù hộ cho thằng Thẩm được bình an, Hiên nhé? Ông Tư lầm rầm khấn vái. Những cây nhang ông cắm cứ cháy dần dần xuống phía dưới nhưng tàn của nó không rơi ra mà cứ cong vòng lại. Người ta bảo khi thắp nhang, nếu có hiện tượng đó là lời cầu nguyện của mình đã được chứng giám. ông Tư cảm thấy hơi yên tâm, ông nghiêng bình trà, chắt nốt chút nước còn lại ra ly, bưng lên hớp một hớp rồi khà một cái rõ to. Ông trở về phòng lên giường nằm cố dỗ giấc ngủ. Hai mắt ông từ từ trĩu xuống, bên tai lại nghe văng vẳng tiếng hát thê lương... Trí não ông Tư giục ông đứng lên chạy ra xem ai đang hát, phải bắt cho được cái bóng ma nào đang lẩn khuất trong nhà ông, nhưng mắt ông không sao nhướng lên được, tay chân ông cũng rã rời, ông thấy mình cứ như chìm dần, chìm dần vào một cõi hư vô nào đó... Lúc ông Tư thức dậy thì mặt trời đã lên cao lắm rồi. Nhà vắng hoe. Ông định lên tiếng gọi bà Tư nhưng chợt nhớ ra hôm nay bà đi đám giỗ ở làng bên cạnh. Còn thằng Thẩm, chắc nó lại đang lúi húi dọn dẹp gì đó ở sau nhà. Ông Tư mệt mỏi ngồi dậy và bỗng ông nhớ lại cảm giác kỳ lạ lúc ngủ. Cái gì thế nhỉ? Ông Tư quyết định trưa nay bà Tư về ông sẽ kể hết dể xem ý bà thế nào, đàn bà thường giỏi về lĩnh vực mê tín dị đoan này lắm. Ông biết nói ra, thế nào bà Tư cũng hoặc là không tin, hoặc nếu tin sẽ sợ lắm đây. Nhưng dù sao ông cũng phải nói, chứ ông sắp nổi điên lên vì suy nghĩ căng đầu rồi! Lững thững đi ra nhà sau, tình cờ ông Tư lại nghe tiếng hát nho nhỏ, lời bài ca ông đã thuộc nằm lòng: “Buồn đời cắt tóc đi tu Nợ tình chưa dứt, phù du tìm về... Bao giờ thoát khỏi cơn mê Bao giờ oan nghiệt tứ bề tan nhanh? Lỡ làng từ buổi tóc xanh Dương gian, âm cảnh... nhớ anh em về...” Ông Tư sựng người lại vì tiếng hát đó phát ra từ phía bờ ao, nơi thằng Thẩm đang ngồi giặt thau quần áo. Ông Tư lùi lại, đứng nép vào góc nhà dõi mắt ra nhìn chằm chằm vào nó. Bất giác ông thấy thằng Thẩm giống như sương khói lãng đãng mơ hồ. Có lúc ông thấy rõ ràng là thằng Thẩm của ông, nhưng chỉ sau một cái chớp mắt, ông lại nhìn ra đó là một cô gái mặc áo quần trắng tinh, đầu đội một chiếc mũ len giống như các sư cô trên chùa thường hay đội để che cái đầu trọc bóng láng của mình. Ông Tư thấy có một luồng hơi lạnh đang chạy dọc theo sống lưng mình. - Trời ơi... chẳng lẽ... chẳng lẽ thằng Thẩm chính là con ma đêm đêm ra trước bàn thờ Hiên ngồi hát? Chẳng lẽ thằng Thẩm chết rồi sao? Mà sao mình lại nhìn ra nó là một cô gái, mà không, một cô sư nữ mới đúng! Ông Tư đang bấn loạn không biết tính làm sao thì thấy Thẩm đã giặt xong, đứng lên bê thau áo quần đi vào. Thu hết can đảm, ông Tư giả vờ như không có chuyện gì, ông nện mạnh chân đi ra nhà sau, hỏi Thẩm: - Bà nội đi đám giỗ rồi phải không con? - Dạ, nội đi từ sớm. Bà nội dặn khi nào ông thức con dọn bữa ăn sáng cho ông. Thẩm lễ phép. Ông Tư khoát tay: - Thôi khỏi đi con, con làm gì cứ làm, để ông nội tự ăn được rồi! À, mà con ăn chưa vậy? Thẩm nhỏ nhẹ: - Dạ, con ăn rồi! - Ừ, vậy để nội tự ăn, con khỏi dọn chi cho mắc công. Vừa nói ông Tư vừa cầm ca nước rửa mặt. Thẩm bưng thau đồ đi phơi. Tất cả mọi việc diễn ra thật bình thường, nhưng trong lòng ông Tư đang nổi sóng. Ông đi ra đi vô, nóng lòng chờ đợi bà Tư về. Bây giờ ông lại có thêm điều lo lắng, ông không biết phải nói với bà sao đây? Chẳng lẽ ông lại bảo ông nghi ngờ thằng Thẩm là ma? Bà ấy sẽ giẫy nẫy lên cho mà xem! Đời nào bà tin chuyện dó, không chừng ông còn bị bà mắng một trận nữa chứ chẳng chơi! Nó là cháu vàng cháu ngọc của bả, nói nó là ma thì có khác nào nói bả là ma? - Không được rồi, mình không thể nói ra khi chưa có được bằng chứng cụ thể nào! Mình chỉ có thể nói khéo, còn tự mình phải đi tìm bằng chứng thôi... Ông Tư vừa đau thắt trong lòng khi nhìn thằng Thẩm, vừa lại thấy lo sợ mông lung. Ông cầu trời khấn phật những việc đó chỉ là điều hoang tưởng của ông, đừng bao giờ là sự thật. Ông cam tâm thà đầu óc mình có vấn đề còn hơn là phải đắng cay khi biết cháu nội mình... Mọi việc vẫn chưa mấy rõ ràng, ông Tư không cho phép mình có thể kết luận một cách vội vã được. Ông cố trấn tĩnh, cố dằn lòng để phân tích mọi việc một cách rành mạch hơn. Trưa hôm đó ông Tư cố tình sai thằng Thẩm đi tới nhà ông Tám ở làng bên kia để đem cho ông mấy cành lan ông vừa chiết ở nhà, ông Tư lựa lời hỏi vợ: - Bà thấy từ ngày thằng Thẩm về nhà mình tới nay nó lạ quá phải không bà? Bà Tư gật đầu xác nhận: - Ừ, nó lạ thật! Tính tình nó thay đổi hoàn toàn. Điều này cũng làm tui thắc mắc lắm ông à! Nếu nhà chùa giáo dục thì đổi cái gì thì đổi, sao có thể đổi sở thích, thói quen.... Đổi gần như hoàn toàn chỉ trong một thời gian ngắn? Bây giờ nhiều lúc tui nghĩ, mình nhìn ra nó chỉ là nhờ thân hình nó thôi hà, nó mà đổi luôn cái đó nữa là mình mất cháu! Ông Tư mới tính mở miệng nói ra nghi ngờ của mình, nhưng ông kịp dừng lại: - Tui thấy... mình cần phải lên chùa đó, để trả ơn người ta, đồng thời mình tìm hiểu xem thời gian nó sống ở trên đó ra sao. Bà thấy tui tính vậy được không? - Ừ, được chứ! Bà Tư tán thành. Rồi bà Tư hạ giọng: - Ông à, tui nói chuyện này ông đừng có la tui nghen? Ông Tư ngạc nhiên: - Có chuyện gì thì bà cứ nói ra, hôm nay làm gì mà phải rào trước đón sau vậy? Bà Tư đắn đo một chút rồi nói với chồng: - Tui thấy... nhiều lúc tui ngờ ngợ thấy hình như thằng Thẩm nhà mình bị ma nhập hay sao đó ông ơi! Ông Tư giật nảy mình, hỏi dồn: - Sao? Sao mà bà nói vậy? Bà thấy nó có biểu hiện gì không được bình thường hả? Bà Tư ngó lấm lét xung quanh rồi nói thật nhỏ như sợ có người nghe thấy: - Ông thử sờ vào hai bàn tay của nó xem, cứ lạnh ngăn ngắt mà tui kêu nó hơ lửa nó cũng không chịu, bảo dẫn đi khám bệnh nó cũng bảo là không sao đâu. Đêm đêm, nhiều khi đang ngủ, giật mình dậy, tui thấy... tui thấy kỳ kỳ làm sao ấy, hình như... hình như nằm bên cạnh tui hổng phải là thằng Thẩm mà là một người khác! Có hôm, mắt tui không biết sao mà nhìn nó ra một ni cô nữa ông ơi! Ông Tư nổi gai ốc khắp người. Ông định giấu kín chuyện này không cho bà Tư biết, ai dè đâu bà Tư cũng đã phát hiện ra rồi! Thôi, được vậy cũng tốt, như vậy hai ông bà sẽ cùng nhau tìm cách để giải quyết chuyện này cho êm đẹp. Ông Tư trầm giọng: - Tui cũng đang định nói với bà chuyện đó! Tui thấy thằng Thẩm nó lạ lạ làm sao ấy! Bởi vậy tui muốn mình cùng quan sát nó thật kỹ, nhất là ban đêm, bà ngủ cạnh nó bà phải coi chừng xem nửa đêm nó có đi ra ngoài không, chứ từ hôm nó mới về nhà tới nay, tối nào tui cũng nghe có người khóc than ca hát trước bàn thờ con Hiên hết đó. Mà tui nghi là thằng Thẩm, không, phải nói là vong hồn đang ở trong cái xác của cháu nội mình. Bởi hồi sáng này tôi nghe rõ ràng nó vừa giặt đồ, vừa hát bài hát đó! Bà Tư xanh mặt: - Ông nói thật hả? Trời ơi, vậy là những điều tôi lo sợ cũng giống điều ông đang lo rồi phải không? Mình làm sao bây giờ đây ông ơi? Mình không thể để cháu mình như vậy được ông ơi!... Thấy vợ mếu máo, ông Tư nạt: - Bà bình tĩnh lại đi, tui đang rối ruột mà bà còn khóc thì làm sao còn tính toán gì nữa chứ? Nghe chồng rầy, bà Tư vội nín bặt nhưng mắt bà vẫn nhìn ông với vẻ van lơn, cầu khẩn. Ông Tư đi tới đi lui trong nhà, trán cau lại vì suy nghĩ. Ông lẩm bẩm: - Bây giờ mình phải ráng kiên nhẫn theo dõi nó, để coi những nghi ngờ của mình có đúng không rồi bắt đầu tính tiếp. Bà phải nhớ lời tui dặn, đêm ngủ bà phải ráng khẽ thức giùm tui... Bà Tư kéo áo lau nước mắt: - Ừ, tui sẽ cố gắng! - Bà đừng tỏ thái độ gì làm nó nghi ngờ mà đề phòng đó! Ông Tư căn dặn. - Ừ, biết rồi mà, ông làm như tui là con nít hổng bằng! Bà Tư cáu. Vừa lúc đó Thẩm về nên hai ông bà chuyển sang đề tài khác. Từ ngày Thẩm về lại nhà đến nay, tuy dáng vóc vẫn như xưa nhưng dường như lúc nào nó cũng mang nặng một tâm sự u hoài không phù hợp chút nào với đứa trẻ bảy, tám tuổi ăn chưa no lo chưa tới như nó. Thỉnh thoảng bà Tư vẫn nghe nó thớ dài thườn thượt, và cái nhìn thì xa xăm u uẩn vô cùng! Bây giờ, sau khi đã trao đổi với chồng, bà Tư càng thêm xác quyết chắc chắn có điều gì đó không ổn nơi đứa cháu nội yêu quí của bà. Càng nghĩ càng thêm buồn rầu, vợ chồng bà thuở nay ăn ở đàng hoàng nhân hậu, sao lại phải chịu nhiều điều bất hạnh thế kia? Thằng cháu trở về sau một thời gian mất tích, niềm vui chưa trọn thì lại phát hiện ra chuyện này! Bà lo âu, nghĩ đến chuyện chữa chạy cho nó, nhưng trước khi chữa chạy ông bà cần phải khẳng định lần nữa có đúng là nó có vấn đề thật sự hay không? Tối hôm đó, bà Tư giả đò ngủ thật say sưa nhưng kỳ thực bà đang lắng nghe từng hơi thở đều đều của Thẩm. Nhưng mọi việc diễn ra bình thường, sau khi lên giường một lúc bà Thẩm bắt đầu ngủ. Bà Tư không ngủ được, bà cứ mãi lo nghĩ đến những chuyện mà ông Tư đã nói lúc trưa. Tại sao Thẩm lại hát bài hát có nội dung buồn bã đó? Tại sao lúc nào Thẩm cũng tỏ ra u sầu, lặng lẽ? Bà Tư hé mắt nhìn sang, Thẩm bỗng nhiên từ từ ngồi dậy rồi nhẹ nhàng bước xuống đất, đi ra khỏi buồng ngủ không một tiếng động. Bà Tư muốn bật dậy đi theo, nhưng bà lại lo gây ra tiếng động sẽ làm Thẩm giật mình. Vả lại hai ông bà đã giao hẹn trước, bà chỉ cần quan sát Thẩm trong buồng, còn khi Thẩm ra ngoài, việc theo dõi nó là bổn phận của ông Tư. Không lâu sau, bà Tư nghe có mùi hương trầm tỏa ra, vậy là đúng rồi, đêm nào nó cũng thức dậy thắp nhang cho Hiên như lời ông Tư nói! Một lúc sau nữa, bà Tư lắng nghe rõ ràng có tiếng con gái đang hát khúc ca sầu não đó! Thật lạ lùng! Tại sao lại như vậy? Tại sao mọi việc cứ lặp đi lặp lại mãi như thế? Trong lúc bà Tư đang lo lắng trong buồng, thì ở nhà ngoài ông Tư cũng đã phát hiện có người thắp nhang và nghe tiếng hát. Ông Tư khe khẽ bước ra, lần này ông không cố tình ẩn núp nữa mà thật sự ông muốn nó phải nhìn thấy ông! Bóng người ngồi trước bàn thờ Hiên có vẻ như đang đau khổ cùng cực, nó ngồi co người, úp mặt xuống gối và cất lên lời ca ai oán, hình như nó đang khóc, bởi vì tiếng hát cứ nghe như nghèn nghẹn giữa chừng! Ông Tư nhanh chân bước tới chộp lấy vai Thẩm: - Con làm gì ở đây? Bóng người không giật mình bỏ chạy như ông nghĩ mà trái lại, nó bình thản ngước mặt lên nhìn ông, nói khẽ: - Con không ngủ được! Ông Tư thật sự bất ngờ. Nghe nó trả lời vậy ông không biết phải nói sao nữa? Vừa lúc đó bà Tư trong buồng vội vã đi ra, vì bà nghe tiếng hai người trao đổi. Thẩm vẫn ngồi bó gối. Ông Tư đắn đo một chút rồi hỏi Thẩm: - Có phải đêm đêm con vẫn thường ra đây thắp nhang và cất tiếng hát? Thẩm cúi mặt nhìn xuống đất mất một lúc rồi khẽ gật đầu xác nhận: - Dạ... đúng là con! - Con? Con có thể cho nội biết tại sao con phải làm như vậy được không? Ông Tư nóng ruột trước lời thú thật không ngờ của Thẩm. Thẩm đưa hai tay ôm lấy đầu, vẻ khổ sở: - Con xin nội đừng hỏi gì thêm nữa, một thời gian sau chắc chắn nội sẽ biết rõ mọi việc. Nhưng lúc này... lúc này con xin nội cho con được yên thân, xin nội đừng hỏi gì con thêm nữa... Nói xong câu đó, Thẩm ôm mặt khóc nức nở rồi bỏ chạy về phòng, để lại hai ông bà già đứng giữa nhà ngơ ngác nhìn nhau. - Chuyện gì vậy ông? - Bà Tư tò mò. Ông Tư chán nản: - Chắc tui điên lên mất! Tui có biết chuyện gì đâu? Bà Tư lặng lẽ nắm lấy tay chồng: - Thôi, ông đừng suy nghĩ nhiều quá mà đổ bệnh rồi khổ! Ông vô ngủ đi, để đó cho tui, tui sẽ tìm cách ngọt ngào khuyên nó nói ra tất cả! Ông Tư ngao ngán: - Ừ, giờ thì chỉ còn trông vào cách đó, nếu không được nữa thì tôi... Bà Tư đưa một ngón tay miệng ngăn không cho chồng nói ra cái điều mà hai người đã bàn tính lúc trưa. Bà đi theo ông Tư vào phòng, thấy ông đã ngoan ngoãn lên giường xong xuôi bà Tư mới yên tâm quay về giường ngủ của mình. Thẩm không ngủ. Nó ngồi co ro, lưng dựa vào tường, mặt buồn rũ rượi. Bà Tư hốt hoảng ngồi sát vào cạnh Thẩm, choàng tay qua vai cháu, vỗ về: - Con có chuyện gì mà buồn rầu dữ vậy con? Nói cho nội nghe, nội sẽ giúp con! Thẩm đặt bàn tay giá lạnh của mình vào tay bà Tư: - Con biết nội thương con, nhưng có những việc dù thương con đến mấy nội cũng không giúp được con đâu... Bà Tư siết chặt bàn tay nhỏ nhắn của cháu: - Nhưng... con có thể nói cho nội biết, con là ai không? Thẩm giật mình, rụt vội tay lại, nhìn bà Tư chăm chú: - Nội... sao nội hỏi vậy? Chẳng lẽ... chẳng lẽ nội đã biết hết rồi sao? Bà Tư nghẹn ngào: - Không! Nội hoàn toàn chưa biết gì, nhưng với linh cảm của một người mẹ, người bà, nội nhận ra ngay từ hôm đầu tiên con mới về nhà. Nội biết rằng, con không phải là đứa cháu nội nguyên vẹn của nội, có điều gì đó không ổn, đúng không con? Thẩm nắm chặt hai tay bà Tư: - Nội ơi, nội đã biết... vậy sao nội vẫn thương yêu con như vậy? Nước mắt bà Tư rơi lã chã: - Làm sao nội không thương con cho được chứ? Hình hài này, xác thân này chính tay nội đã bồng bế chăm sóc bao nhiêu năm nay... Nó đã trở thành một phần quan trọng trong đời của nội rồi con ạ! Thẩm quì sụp xuống, vái lấy vái để trước mặt bà Tư: - Con đội ơn nội, con thật sự biết ơn vì nội đã thương con dù biết con không phải là cháu của nội... Bà Tư ôm Thẩm vào lòng, thổn thức: - Nội vẫn luôn thương con, nhưng nếu con thương nội, thì xin con hãy cho nội biết tại sao lại xảy ra chuyện lạ lùng này? Con nói cho nội biết đi, kẻo nội lo âu và thắc mắc đến chết mất mà thôi! Thẩm ngồi dậy, nhìn bà Tư với vẻ biết lỗi: - Con xin lỗi nội, vì chưa được sự chấp thuận của ông bà mà con đã dám mượn xác thân này để nương nhờ dương thế... Nghe Thẩm nói tới đó, bất giác cả người bà Tư run lên bần bật, bà run giọng hỏi: - Con nói... mượn xác... có nghĩa là thằng Thẩm... cái thằng Thẩm đích thực ấy đã... Thẩm gật đầu xác nhận: - “Ngày hôm đó, Thẩm lên ngủ trên ghe của một lái buôn và vô tình người ấy đã chở Thẩm đi suốt đêm, đến mãi hôm sau mới phát hiện được. Ông chủ chiếc ghe đó là người cộc tính, lúc phát hiện ra Thẩm, ông lớn tiếng quát nạt, đòi dẫn về mắng vốn với gia đình, do đó Thẩm sợ quá đã nhảy ùm xuống sông để trốn. Không ngờ khúc sông đó nước xoáy, mặc dù có nhiều người trông thấy Thẩm nhảy xuống sông nhưng vẫn không cứu được. Khi người ta vớt được Thẩm lên bờ thì cậu ấy đã chết rồi. Linh hồn của cậu ấy đã được cô Hiên đón về sum họp gia đình. Người ta để xác Thẩm trước cổng chùa, mọi người xôn xao tìm cách cấp cứu. Lúc đó con là một vong hồn đang vất vưởng trước cổng chùa để nghe kinh kệ, thấy cái xác chết còn nhiều dương khí nên con đã vội vã nhập vào. Thấy Thẩm đột nhiên sống lại, mọi người ai cũng bảo là do phật trời phù hộ nên đã dắt Thẩm vào gởi nương nhờ cửa phật một thời gian.” Bà Tư nghe Thẩm kể đến đâu là khóc nghẹn ngào đến đó. Ở ngoài cửa buồng, ông Tư cũng đang từ từ khuỵu xuống... Thế là hết! Hết thật rồi! Đứa cháu nội của ông, giọt máu cuối cùng của dòng họ nhà ông đã ra đi vĩnh viễn... Trời ơi, vợ chồng tôi đã làm gì nên tội mà ông trời lại đày đọa khổ sở như thế này? Ông Tư quằn quại cả người. Ông không khóc lóc như bà Tư, nhưng nỗi đau trong ông cứ dồn dập trào lên khiến ông như không cờn thở được… Ông Tư lảo đảo, ông không tài nào đứng vững nổi nữa rồi! Hai tay ông chới với, muốn bám vào vách nhà nhưng rồi bàn tay lại chuồi đi khiến ông té đánh phịch xuống nền nhà. Nghe tiếng động, bà Tư và Thẩm lật đật chạy ra thì phát hiện ông Tư đang nằm dài bất tỉnh trước cửa buồng. Biết ông đã nghe được câu chuyện giữa hai bà cháu nên mới bị như vậy, bà Tư gào khóc thảm thiết. Thẩm không nói gì, nó chỉ lặng lẽ đi lấy nước đắp lên trán ông, và nhẹ nhàng xoa xoa hai bên thái dương cho ông. Một lúc sau ông Tư dần dần tỉnh lại. Ông nhìn Thẩm đau đớn: - Con... con cho ta biết... con là ai? Tại sao con lại nương nhờ vào xác thằng Thẩm của ta? Thẩm có vẻ sợ sệt, nó lí nhí trả lời: - Dạ... trước đây con là một cô gái nhà ở huyện bên kia. Con đã yêu và tin vào lời thề thốt của một người con trai. Nhưng người ta đã bỏ con để đi cưới vợ. Con quá thất vọng nên đã xuống tóc qui y, nhưng... vì duyên nghiệp chưa dứt được nên khi người ấy đến tìm con ở chùa, con không giữ được lòng mình mà đã ngã vào vòng tay người ấy... Một lần nữa người ấy lại phụ bỏ con, con bơ vơ... không còn nhà để về, mà chùa cũng không thể trở lại... Quá buồn đau, uất ức con đã tìm tới cái chết. Nhưng số con chưa dứt, nợ trần con vẫn chưa trả hết, hồn phách con không có chỗ náu nương. Từ đó con phải vất vưởng lang thang, ngày ngày con lảng vảng trước cổng chùa để nghe kinh kệ, cầu mong kiếp sau sẽ được sống yên bình hơn. Khi con thấy xác Thẩm trước cổng chùa và biết Thẩm chết khi chưa tới số. Nếu để người ta chôn cái xác đi, thì mãi mãi Thẩm chỉ còn là một con ma vất vưởng giống như con hiện tại. Vì muốn giúp cậu ấy nên con đã nhanh chân nhập hồn vào xác để lưu giữ lại cái thân xác phàm tục này, chờ ngày linh hồn Thẩm có thể quay về... Nghe Thẩm kể, ông bà Tư vừa khóc vừa cười vừa đau thương lại vừa hy vọng. Ông Tư hấp tấp hỏi: - Con nói sao? Có thật là... có thật là... thằng Thẩm sẽ trở về? Thẩm buồn buồn gật đầu: - Dạ, Thẩm sẽ trở về, vì số mệnh cậu ấy vẫn còn dài lắm. Hiện nay cô Hiên không chịu buông rời cậu ấy ra nên cậu không thể về được. Đêm đêm con vẫn thường thắp nhang để khấn vái Hiên buông cháu mình về... Và khi nào Thẩm về, con sẽ trả lại thân xác này cho cậu ấy… Bà Tư rưng rưng nước mắt: - Thật tội nghiệp cho con! Dù con không phải là thằng Thẩm, nhưng nội vẫn yêu thương con. Một ngày nào đó, nếu con không còn tồn tại trong thân xác của cháu nội nữa, thì nội mong con hãy cứ xem đây là nhà mình, xem ông bà đây chính là ông nội bà nội của con, con nhé? Bên cạnh bàn thờ Hiên, ông bà sẽ làm một bàn thờ khác cho con, con nhé? Thẩm xúc động, ôm chầm lấy bà Tư: - Con đội ơn, đội ơn ông bà nhiều lắm! Ông Tư không dằn nỗi cảm xúc, mắt ông cũng rưng rưng nước: - Từ trước tới nay ông vốn không tin vào những chuyện huyễn hoặc như thế này, nhưng bây giờ mới nhận ra một điều, ớ đời không gì là không có thể xảy ra... Nhưng con à, con có biết cách nào để thằng Thẩm sớm trở về không con? Ông Tư vừa hỏi xong, chợt như thấy mình lỡ lời ông bèn nói thêm: - Con đừng buồn ông, vì... vì dù sao ông vẫn rất lo lắng cho thằng Thẩm. Ông sợ hồn vía nó lưu lạc mãi rồi sẽ không thể quay về được với xác thân. Ông nội mong con hiểu mà đừng buồn giận... Thẩm cười: - Dạ không, con biết chứ! Con biết em Thẩm quan trọng như thế nào đối với gia đình của ông bà đây. Trước khi biết ông bà thì con đã muốn giúp em Thẩm rồi, huống chi thời gian mấy ngày qua con được ông bà yêu thương chăm sóc tận tình, con càng cảm cái ơn đó nhiều nhiều nữa, ông bà đâu có làm gì mà con phải buồn giận đâu... Thẩm ngừng một chút rồi nói tiếp: - Thật sự con cũng không biết phải làm cách nào để cô Hiên chịu cho em Thẩm quay về? Có lẽ ông bà là cha mẹ của cô Hiên, ông bà hiểu được tính tình của cô ấy. Ông bà sẽ biết làm nào đó để cô ấy nghe lời... Bà Tư chợt nhớ ra một điều, vội hỏi: - Con nói cho bà biết, con Hiên nhà ông bà chết là do phần số nó đã tới hay là chết oan chết ức vậy con? Thẩm bâng khuâng: - Theo như những gì con nghe được thì cô Hiên đã tới số. Kiếp trước cô ấy gây ra một số việc không phải nên kiếp này cô ấy chịu hậu quả, nhưng vì nghiệp gieo nên cô ấy sau khi chết vẫn phải vất vả một thời gian ngắn nữa mới được đưa về vị trí ổn định. Giờ đây hồn phách cô ấy vẫn còn lảng vảng ở bến sông nơi cô ấy mất. Ông bà có thể nấu mâm cơm mang ra đó cúng vái rồi xin với cô ấy để cho Thẩm về với ông bà... Bà Tư chậm nước mắt quay sang nói với chồng: - Tui làm vậy nghen ông? Tui nấu mâm cơm rồi mình đem ra đó cúng cho con, nghen ông? Ông Tư đắn đo: - Làm vậy tui e mọi người sẽ dị nghị, sẽ đồn đãi lên rằng trong nhà chúng ta đã xảy ra chuyện gì đó khiến mình phải cúng bái con Hiên... Bà Tư xua tay: - Ối, tui không cần, ai nói gì nói, đồn gì đồn, miễn sao tui đem được hồn vía thằng thẩm về là yên chuyện, họ nói gì mặc họ, tui chẳng thèm quan tâm tới làm gì cho mệt! Ông Tư gật đầu: - Ừ bà nói vậy cũng phải! Vậy ngày mai bà làm mâm cơm đi rồi mình mang ra đó! Sáng hôm sau, đúng như dự định, bà Tư làm một mâm cơm thịnh soạncó đủ các thức mà hồi còn sống Hiên vẫn thích ăn. Bà Tư cùng chồng và Thẩm khệ nệ mang xách tất cả đồ đạc ra bờ sông. Một vài người dân làng bắt gặp tỏ vẻ thắc mắc, bà Tư giải thích qua loa: - Sắp tới một trăm ngày mất của con Hiên, vợ chồng tui nấu mâm cơm đem ra cúng để vong hồn nó được siêu thoát... Bà biết, sau hôm nay chắc chắn ngưới ta sẽ đồn thổi thêm nhiều chuyện khác, nhưng có hề gì, điều quan tâm lớn nhất của bà Tư lúc này là làm sao cho vong hồn Thẩm được trở về với xác thân nó mà cô gái kia đang giúp giữ gìn. Thắp nhang xong, cả hai vợ chồng ông bà Tư cùng lầm rầm khấn vái. Nước mắt hai người lã chã rơi theo dòng tâm sự tỉ tê. Thẩm đứng kế bên cũng nghe lòng bùi ngùi chua xót... Vợ chồng ông Tư hoàn toàn không biết, không nghe được cuộc đối thoại của những hồn ma quanh đó. Cô Hiên cười tít mắt, chỉ tay về phía mâm cơm đang còn nghi ngút khói: - Ăn đi, mình ăn đi Thẩm ơi! Thẩm cố rút tay khỏi tay Hiên: - Cô thả con ra rồi con đi ăn với cô! Cô nắm tay con hoài như vầy con đau lắm! Hiên không nghe: - Ư… ư… Cô buông tay ra Thẩm sẽ chạy đi mất, cô buồn, không có ai chơi với cô... Thẩm phát quạu: - Có ông bà nội tới kìa, cô không nghe lời con, con méc ông bà nội, con cũng không thèm chơi với cô nữa... Cô Hiên khóc lóc: - Thẩm đừng như vậy! Thẩm không chơi với cô là cô buồn, cô buồn nhiều lắm... ở đây một mình cô sợ... Thẩm đừng bỏ cô nhé? Thẩm xuống nước: - Kìa... Cô lắng nghe ông bà nội nói gì với cô kìa! Hiên dắt tay Thẩm rón rén tới gần bên ông bà Tư. Lúc đó hai ông bà đang hết lời nỉ non khóc lóc Bà Tư nghẹn ngào: - Hiên ơi, con bỏ ba mẹ con đi, ba mẹ đau buồn lắm nhưng đồng thời ba mẹ cũng mừng cho con được thoát khỏi kiếp đời đau khổ này. Vì thật sự từ lúc con sinh ra tới lớn, con có nếm trải được gì ở cõi đời này đâu? Con ra đi là một mất mát lớn của ba mẹ, nhưng nếu nhờ vậy mà con được giải thoát khỏi số kiếp đọa đày thì ba mẹ cũng cam tâm. Nhưng con ơi, thằng Thẩm cháu con còn chưa tới số. Nó còn nhỏ, con cho nó về với ba mẹ đi, để ba mẹ nuôi dạy, chăm sóc nó, con đừng bắt nó phải ở đây với con. Bởi vì nay mai là con phải đi rồi, mà lúc đó con không thể dắt theo thằng Thẩm được. Khi ấy nó sẽ bơ vơ, người khác sẽ hà hiếp nó... Con thương ba mẹ, con thương cháu của con, con tha nó đi, để nó về với ba mẹ, đi con... Hiên quay lại nhìn Thẩm: - Ba mẹ kêu Thẩm về... - Cô Hiên cho con về đi, thế mới ngoan, thế mới là cô Hiên biết nghe lời... Thẩm ngọt ngào nói. Hiên rưng rưng: - Nhưng Thẩm đi rồi ai chơi với cô? Thẩm nghiêm giọng: - Cô lớn rồi, không được chơi hoài! Cô không nghe bà nội nói sao, mai mốt là cô phải đi xa nữa rồi! Khi cô chưa đi, mỗi ngày con sẽ ra đây chơi với cô, cô chịu không? Hiên lắc đầu: - Không! Không!.. Cô không chịu... Cô muốn có người ở cạnh bên cô, cô không muốn ở đây một mình! Cô muốn có người cùng chơi... Cô không cho Thẩm đi đâu... Thẩm cố gắng cách mấy cũng không rút được tay mình ra khỏi cái bàn tay nắm có vẻ như hờ hững của cô Hiên. Nó gọi to: - Ông nội ơi, bà nội ơi! Mau cứu con với, cô Hiên giữ chặt tay con không cho con đi đâu hết... Nhưng dù nó có gào đứt cả hơi vẫn không làm sao ông bà Tư nghe được. Hai người vẫn thầm thì khấn vái, nước mắt ngắn dài... Thẩm - không, nói đúng ra là thân xác Thẩm - tiến tới chỗ Hiên và Thẩm đang giằng co nhau. Thẩm ngạc nhiên: - Ủa, ai... ai mà giống mình quá vậy? Thân xác Thẩm cười: - Mình đã giúp cậu gìn giữ xác thân này, để khi nào cậu quay về vẫn còn xác thân mà sống. Chứ nếu không, nó đã bị đem đi chôn và bị phân hủy từ lâu rồi! Thẩm nhớ lại và khẽ rùng mình khi tưởng tượng ra cảnh cái xác của mình bị hàng ngàn hàng triệu con dòi loi nhoi đục khoét... Hiên mở to mắt nhìn thân xác Thẩm: - Đây là đây là... Thẩm? Vừa nhìn thân xác Thẩm, Hiên quay lại nhìn vào hồn Thẩm đứng kế bên, vẻ mặt ngơ ngác: - Ai là Thẩm, là cháu của cô? Thân xác Thẩm dịu dàng: - Cô Hiên buông tay Thẩm ra đi, từ hôm nay tôi sẽ là người cùng chơi đùa với cô Hiên, cô Hiên bằng lòng không? Hiên lắc đầu: - Không... Hiên chỉ muốn chơi với Thẩm! Thân xác Thẩm dỗ dành: - Hiên đừng vậy mà! Thẩm dở lắm, Thẩm đâu có biết chơi gì đâu, Thẩm toàn ăn hiếp Hiên thôi, đúng không? Mình chơi với Hiên, mình sẽ không bắt nạt, ăn hiếp gì Hiên cả. Mình sẽ cùng Hiên đi hái hoa dọc bờ sông, sẽ dạy Hiên tết con tôm con bướm bằng lá dừa nước, và mình sẽ dạy Hiên hát nữa nè, Hiên thích không? Hiên sáng mắt lên: - Dạy Hiên hát... biết hát à? Thân xác Thẩm mỉm cười: - Ừ tên mình là Dung. Hiên cứ gọi mình là Dung nhé! Bây giờ Dung hát cho Hiên nghe, nếu Hiên thích thì Hiên chơi với Dung, đừng thèm chơi với Thẩm nữa, Hiên nhé? Hiên gật đầu đồng ý: - Ừ! Dung hát đi! Nếu Dung hát hay, Hiên chơi với Dung, Hiên thích hát lắm! Thằng Thẩm không biết hát gì, nó dở... Thân xác Thẩm mỉm cười, nó từ từ cất lên tiếng hát: “Buồn đời cắt tóc đi tu Nợ tình chưa dứt, phù du tìm về... Bao giờ thoát khỏi cơn mê Bao giờ oan nghiệt tứ bề tan nhanh? Lỡ làng từ buổi tóc xanh Dương gian, âm cảnh... nhớ anh em về...” - Hay! Hay quá! Dung hát hay quá! Dung dạy Hiên hát nhé? Dung vừa dứt tiếng hát, Hiên thích chí buông tay Thẩm ra để vỗ tay khen ngợi. Vừa thoát khỏi tay cô, Thẩm nhào tới thân xác mình... Những cảnh tượng đó ông bà Tư hoàn toàn không chứng kiến được. Hai ông bà đang ngạc nhiên ngơ ngác khi thấy bỗng dưng Thẩm cất tiếng hát giữa buổi chiều tà. Rồi đùng một cái Thẩm ngã lăn quay ra đất. Cả hai ông bà hốt hoảng chạy tới nhưng chưa kịp đỡ lên thì Thẩm đã lồm cồm ngồi dậy, tay phủi đít quần lia lịa: - Về, về nội ơi... Về nhanh lên nội ơi! Con sợ cô Hiên nắm tay con nữa quá! Hai vợ chồng ông Tư ngỡ ngàng nhìn nhau, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Thoảng đâu trong gió, ông bà nghe có tiếng người con gái vọng đến: - Ông bà hãy dẫn Thẩm về đi! Đó chính là cháu nội của ông bà! Con đã hoàn trả xác thân kia về cho Thẩm. Từ hôm nay con sẽ thay thế Thẩm mà ở lại đây làm bạn với cô Hiên đến khi nào cô ấy mãn hạn kỳ... Bà Tư quay lại nhìn Thẩm. Nó đang nép sát vào người ông Tư, vẻ mặt sợ sệt lắm. Hai chân nó hình như không chịu đứng yên, cứ nhấp nha nhốp nhổm muốn chạy đi. Mà cái vẻ đó mới đúng là thằng Thẩm, cháu nội của bà. Bà Tư nói khẽ với chồng: - Vậy là đúng rồi phải không ông? Đúng là thằng Thẩm của mình về rồi? - Ừ là thằng Thẩm thật rồi bà ạ! Ông Tư gật đầu xác nhận. Bà Tư quay nhìn lại hướng bờ sông, ứa nước mắt: - Bà cảm ơn, ông bà xin cảm ơn con đã giúp đỡ ông bà giữ gìn và đưa thằng Thẩm trở lại gia đình. Con hãy nhớ, ông bà luôn coi con là người trong gia đình, và con cũng hãy xem chúng ta là người thân của con, con nhé? Có tiếng cô gái vẳng đến từ xa: - Con cảm ơn ông bà! Xin ông bà yên tâm, đã có con bầu bạn với cô Hiên trong những ngày cô ấy còn phải ở lại nơi này... Bà Tư nghèn nghẹn: - Một lần nữa ông bà đội ơn con... Làn gió chiều nhè nhẹ thổi tới làm mấy cây nhang bỗng lóe sáng lên, văng ra những tia đỏ nhỏ. Ông Tư lom khom phủi mấy vụn tàn nhang vướng lên dĩa thức ăn. Bỗng đâu văng vẳng trong không trung tiếng hai người con gái đang cười đùa và rồi tiếng hát lại vút lên cao, vẫn bài hát cũ nhưng âm điệu lúc này nghe đã không còn quá não nùng như trước nữa: “Buồn đời cắt tóc đi tu Nợ tình chưa dứt, phù du tìm về... Bao giờ thoát khỏi cơn mê Bao giờ oan nghiệt tứ bề tan nhanh? Lỡ làng từ buổi tóc xanh Dương gian, âm cảnh... nhớ anh em về...” Hai ông bà già nhìn nhau, khóe mắt người nào cũng ngân ngấn lệ. Thằng Thẩm cứ níu một bên áo ông Tư không dám buông ra. Ba người cứ ngồi như thế mãi đến lúc mặt trời khuất hẳn mới gom góp đồ đạc dắt nhau về. Thẩm vừa đi vừa chạy nhảy, lí la lí lắc... Ngay trong đêm đó, trên bàn thờ cô Hiên, bên cạnh tấm ảnh bán thân của cô được ông Tư đặt thêm một chiếc bài vị nhỏ do ông tự tay tỉ mỉ khắc lấy. Trên bài vị ghi tên người con gái ấy: Trương Thị Thùy Dung và ghi rõ mối quan hệ với gia đình ông là nghĩa nữ! Nhiều năm sau này, khi ông bà Tư đã lần lượt qui tiên, Thẩm đã lớn, và trước đó Thẩm đã nghe ông bà nội kể lại cặn kẽ câu chuyện người con gái tên Dung đã giữ xác thân giúp Thẩm, nên hàng năm Thẩm vẫn tổ chức cúng giỗ cho cô Hiên và cô Dung như hai người cô ruột thịt của mình. Ngày giỗ của Dung, Thẩm chọn lấy ngày cô đã thay thế Thẩm để ở lại làm bạn với Hiên, giải phóng Thẩm ra khỏi sự kềm kẹp của vong hồn người cô ngây dại...
Xem thêm: Nợ trần | Diễn đàn Cổng Truyện
Copyright ©Diễn đàn Cổng Truyện
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top