Chương 3: Sứ giả Chiêm Thành

Chớp mắt đã đến ngày trong cung tổ chức yến tiệc. Đây là lần thứ ba Chiêm Thành cử sứ sang dâng cống vật cho Đại Việt từ khi vua Trần Thánh Tông lên ngôi đến giờ. Chiêm Thành từ lúc nhà Lý suy yếu thường đem thuyền đến cướp bóc dân cư ven biển. Trên dưới ai nấy đều bất bình, bởi Chiêm Thành dù lấy danh nghĩa sang dâng lễ vật nhưng chủ yếu vẫn nhằm mục đích đòi xin lại đất cũ và có ý dòm ngó Đại Việt.

Giờ Tuất buổi yến tiệc mới chính thức bắt đầu, thế nhưng Quỳnh Trân đã được các nữ hầu trang điểm sửa soạn từ sớm. Nàng bị quay tới quay lui như chong chóng, hết rửa mặt vấn tóc rồi lại thay hết y phục này đến y phục khác, mệt lả cả người.

Cẩm Hoa cuối cùng cũng nở nụ cười hài lòng, nàng ta hếch mặt lên trời đầy vẻ tự hào: "Thiên Thụy công chúa, trông người cực kỳ xinh đẹp luôn ấy ạ. Quả không hổ danh là đóa hồng tuyệt sắc nhất cung."

Quỳnh Trân khẽ mím môi, nàng muốn nói Cẩm Hoa thật khoa trương quá, nhưng lại phải sắp xếp từ ngữ trong đầu, mất một lúc sau mới thốt ra được một câu, à không, thật ra chỉ có vài từ lộn xộn.

"Ta không, ta..."

"..." Cẩm Hoa cạn lời. Nàng ta thấy công chúa nhà mình suy nghĩ hồi lâu, cứ tưởng người sẽ nói một câu cảm thán hay gì đấy chứ! Sau chuyện đuối nước ở hồ Dâm Đàm, tính cách Thiên Thụy công chúa liền thay đổi, hoàn toàn khác hẳn lúc trước. Nhớ khi xưa người ấy hoạt bát, quậy phá khắp nơi, nháo đến độ gà bay chó sủa, vậy mà bây giờ người cứ như một chú thỏ con, suốt ngày làm bạn với đèn sách, đến cả các trò tiêu khiển như đánh quay, đá bóng vải cũng không còn hứng thú, say mê như trước.

Hơn thế nữa, mỗi lần công chúa định nói gì thì sẽ suy nghĩ rất lâu, có khi há miệng định nói nhưng cuối cùng lại chẳng thốt ra lời nào. Hoặc có nói thì cũng sẽ ấp úng, câu cú lại lủng củng. Cẩm Hoa nghĩ mãi, cuối cùng chấp nhận giả thuyết rằng công chúa có lẽ vẫn còn chịu sự đả kích từ việc rơi xuống nước nên mới trở nên như vậy.

Nhưng mà đối với việc Thiên Thụy công chúa trầm tính, an tĩnh như hiện tại, tất cả người hầu trong Tĩnh Bắc Lâu đều rất vui mừng. Họ sẽ không hở ra là bị người ấy bày trò quậy phá hay trách phạt vô lý như trước nữa.

Quỳnh Trân thỉnh thoảng chỉ nhờ người hầu ít việc vặt, bởi nàng sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, đến nỗi phải thắt lưng buộc bụng vài tháng mới có đủ tiền để đi Hà Nội với Ngọc Hân. Mười chín năm cuộc đời chỉ quanh quẩn ở thành phố Huế nhỏ bé, vào dịp sinh nhật mười chín của bạn thân nối khố nàng mới hạ quyết tâm đi du lịch xa một lần.

Vì thế nàng không coi mọi người là kẻ hầu người hạ thấp hèn. Chỉ là một nàng công chúa sinh ra trong phú quý giàu sang, có tư cách gì để coi thường và hành hạ những mảnh đời cực nhọc, vất vả hơn mình?

Vậy nên mọi người trong Tĩnh Bắc Lâu ai nấy đều dốc sức hầu hạ nàng. Mặc dù lúc trước họ cũng tận tâm chiều theo mọi ý muốn vô lý của Thiên Thụy công chúa, nhưng trong lòng lại thầm ai oán cùng hoảng sợ. Còn bây giờ họ lại rất thật tâm, hết lòng hầu hạ nàng.

Ngắm nghía hồi lâu trước gương, Quỳnh Trân cũng thầm khen trong lòng. Nàng biết mình có khuôn mặt xinh xắn, bởi khi đi trên đường ở thời hiện đại lúc nào cũng có vô số người ngoái đầu nhìn nàng không rời.

Nhưng người đứng trước gương đồng ngay lúc này, vẫn gương mặt quen thuộc ấy nhưng lại có vài phần non nớt, ngây thơ. Môi đỏ răng trắng, cặp má bầu bĩnh phơn phớt hồng, suối tóc đen nhánh yểu điệu, quả là một giai nhân hiếm thấy.

Không ngờ kỹ thuật trang điểm ở thời này cũng khá tốt, biết cách biến Thiên Thụy công chúa mới chỉ mười lăm tuổi trở nên tuyệt sắc như một đóa hoa kiều diễm. Quỳnh Trân bất ngờ quá đỗi, Cẩm Hoa vấn cho nàng kiểu tóc Phi Vân, không quá khoa trương, nhưng cũng không hề đơn giản một chút nào.

Tối nay Quỳnh Trân vận bộ viên lĩnh khoác ngoài làm từ gấm màu đỏ thượng hạng có thêu chỉ vàng nổi, mặc kép với một áo giao lĩnh lót trong bằng vải đoạn sa hồng phấn. Trên cổ tay áo nàng trang trí các diềm uốn lượn cùng hoa văn các áng mây. Nàng cúi xuống nhìn, đôi giày vải đỏ thắm nhũ vàng càng làm nổi bật lên phần chân trắng muốt của mình.

Đây là bộ y phục mà Cẩm Hoa lựa chọn kỹ lưỡng từ tủ đồ của Thiên Thụy công chúa. Đám nữ hầu rất hào hứng cùng hài lòng nên tấm tắc khen không dứt. Quỳnh Trân mặc chúng lên trông không hề yêu mị tục tằng mà lại rất cao quý, sang trọng, phù hợp với thân phận trưởng công chúa của vua Trần Thánh Tông.

Nàng xoay người, tà váy như vân đạm phong khinh, thập phần dịu dàng, tựa như đóa hồng đỏ thắm đương khoe sắc. Một cái khoát tay, nhấc chân cũng vô cùng trang nhã. Ngày thường mỗi lần ra ngoài Quỳnh Trân chỉ mang theo Cẩm Hoa đi cùng, nhưng hôm nay là yến tiệc quan trọng nên vài nữ hầu khác cũng cung kính theo sau, làm nàng như được tăng thêm một tầng quyền uy cùng khí thế bức người.

"Thiên Thụy hoàng tỷ, chúng muội đợi tỷ nãy giờ." Quỳnh Trân vừa bước xuống tầng lầu thứ hai đã thấy một đám người đứng đó. Nàng nhận ra Bảo Châu công chúa vừa cất tiếng nói, đứng bên cạnh là hai cô nàng nữa, là Chiêu Hoa công chúa và Chiêu Chinh công chúa chăng?

"Hoàng tỷ trông thật xinh đẹp, cứ như cái lồng đèn biết đi ấy." Cô nàng mặc y phục màu tím nhạt che miệng, mặt tỏ vẻ ngạc nhiên.

Quỳnh Trân nhíu mày, đây là đang khen đểu nàng sao? Lồng đèn là có ý gì, không phải đang ám chỉ nàng quá nổi bật à?

"Chiêu Hoa, ngươi nói hoàng tỷ như vậy không thấy thất lễ sao?" Bảo Châu công chúa nghe thấy vậy thì nghiêm mặt, lớn tiếng nói. Nàng ta cùng Chiêu Hoa hoàng muội từ lâu đã không ưa gì nhau, tuy bằng mặt nhưng không bằng lòng. Vậy mà Chiêu Hoa lại dám buông lời bất kính với hoàng tỷ Thiên Thụy, quả thật không trách mắng thì không được.

Thấy Bảo Châu vì mình mà bẻ gãy lời Chiêu Hoa, trong lòng Quỳnh Trân cũng dần thả lỏng. Có vẻ như vị Chiêu Hoa công chúa này mồm miệng nhanh nhảu, cứ như trong người có sẵn lưỡi câu vậy, suốt ngày ăn nói móc họng người khác.

Bảo Châu cùng Chiêu Hoa cự cãi thêm một lúc thì Chiêu Chinh công chúa, người đứng im lặng nãy giờ lên tiếng bảo đã sắp đến giờ Tuất, nếu không đi lúc này thì các nàng sẽ đến điện Bát Giác không kịp.

Chiêu Hoa bị Bảo Châu ăn miếng trả miếng, nói câu nào chua ngoa liền bị nàng chặt đứt ngay lập tức, nàng ta cứng họng, vùng vằng đi trước. Bây giờ Quỳnh Trân mới kéo tay Bảo Châu, cất bước đi thẳng đến điện.

Nhìn từ xa, điện Bát Giác treo cơ man là đèn lồng đủ loại hình dạng kích thước, ánh lập lòe nhiều màu sắc sáng trưng như ban ngày. Xung quanh là người đến dự yến tiệc đổ xô về điện nên có hơi đông đúc náo nhiệt, trong không khí lại phảng phất hương thơm dịu nhẹ của hoa quỳnh, khiến ai nấy đều cảm thấy trong người thư thái, dễ chịu.

Các vị quan lại đại thần cùng nữ quyến đã tập trung đông đủ, khi Quỳnh Trân cùng các hoàng muội ngồi vào ghế thì thấy trong điện chỉ còn hai chỗ trống, không tính đến chỗ ngồi long trọng, nổi bật của vua Trần Thánh Tông, vậy thì một ghế là của hoàng đệ Trần Khâm, nhưng ghế còn lại là của ai nhỉ?

Ngay lập tức, Trần Khâm từ cửa bước vào, bên cạnh là một người đàn ông tràn đầy khí khái nam nhi. Hắn cao hơn Trần Khâm rất nhiều, bởi vị hoàng đệ non nớt này sinh sau nàng bốn năm, nghĩa là hắn chỉ mười một tuổi. Còn người đàn ông cao lớn uy vũ đó, ngoài Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư thì còn ai?

Sự xuất hiện của hắn làm cho khuôn mặt tất cả nữ nhân trong điện như nhuốm một tầng sác hồng, thoáng chốc ai nấy đều ngại ngùng bẽn lẽn, nhìn chằm chằm vào hắn vơi hy vọng đón lấy được một cái liếc mắt của Phiêu kỵ Đại tướng quân nức tiếng.

Khi mọi người đã yên vị trên ghế gỗ, vua Trần Thánh Tông bước vào với khuôn mặt đầy vẻ anh minh lỗi lạc, trên người khoác bộ lễ phục trang nghiêm, hòa nhã nhìn một lượt. Tất cả mọi người có trong điện lập tức cung kính hành lễ, sau đó buổi yến tiệc chính thức bắt đầu.

Một người đàn ông quấn váy tắm, mặc áo cánh ngắn xẻ ngực cài khuy có màu trắng của vải sợi bông bước lên, cung kính hành lễ với vua Trần Thánh Tông. Quỳnh Trân cũng từ y phục mà nhận ra đây là người trong đoàn sứ thần Chiêm Thành.

"Khởi bẩm hoàng đế Đại Việt, thần là sứ giả được Quốc vương Idravaman V cử sang triều cống nhằm thắt chặt tình giao hảo giữa hai nước, mong mối quan hệ của Chiêm Thành và Đại Việt ngày một bền vững hơn. Phần lễ vật lần này gồm có năm mươi vạn thạch lương, mười cỗ voi, một đôi ngọc trắng, một sừng tê giác, năm trăm con đồi mồi, một ngàn con chim trĩ và năm mươi trinh nữ tuyệt sắc..."

Chưa dừng lại ở đó, cống phẩm của sứ đoàn Chiêm Thành còn có vàng, bạc, trang sức, ngà voi cùng hàng loạt các loại hương liệu quý như trầm hương, chỉ phiến, sa nhân, tử giáng hương.

Quỳnh Trân mắt sáng như sao, đây là lần đầu tiên nàng thấy nhiều thứ của ngon vật lạ còn rất quý hiếm như vậy, nhất thời để lộ vẻ mặt ngây ngốc, mắt hạnh không thèm chớp một cái.

Trần Khánh Dư thấy một màn như vậy, hắn khẽ phì cười, đây là lần thứ ba sứ thần Chiêm Thành dâng cống vật từ khi bệ hạ lên ngôi, sao hai lần trước không thấy nàng ta có bộ dạng thất thần say mê lễ vật như vậy đi.

Sứ thần tiếp tục ca một bài về tình giao hảo, đồng thời tỏ lòng thành của nước mình một cách tràn đầy sự biết ơn.

"Sứ giả đa lễ rồi, ngài đi đường xa chắc đã mỏi mệt, chi bằng hãy ở lại đây thưởng thức mỹ tửu cùng trẫm và đại thần. Các ngài nghĩ thế nào?"

Đoàn người cuống quít tạ ơn, nhanh chóng ngồi vào ghế vừa ban, phấn khích ngắm nhìn các vũ nữ xinh đẹp như hoa đang phất váy múa hát ở giữa điện.

Quỳnh Trân dần trở nên chán nản và mỏi mệt, là một người hướng nội dù nàng thoải mái nhận lời tham gia buổi yến tiệc, nhưng năng lượng sẽ bị tiêu hao dần dần, khác hẳn với người hướng ngoại, càng cười đùa giao lưu với người khác, càng như được bơm nước, trở nên phấn khích hơn lúc đầu.

Vì thế trong lúc mọi người đang chăm chú xem các vũ nữ lả lơi múa lượn, Quỳnh Trân liền lén lút lùi người về sau rồi trốn ra ngoài. Sở dĩ nàng lẻn đi trót lọt như vậy là vì cửa phụ ở ngay sau lưng nàng, chỉ cần nhờ Cẩm Hoa cùng các nữ hầu khác che chắn phía trước thì kể cả là người tinh tế cỡ nào cũng rất khó phát hiện chỗ của Thiên Thụy công chúa đã trống từ bao giờ. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top