NNC-LOA
Luật Hấp Dẫn (law of attraction)
Chào các bạn,
Từ ngàn xưa con người đã khám phá ra “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa,” “nồi nào vung nấy,” “lòng tin bằng hạt cải dời được núi non,” và những câu “thần chú” ngắn gọn lập đi lập lại với lòng thành sẽ làm cho sự việc xảy ra theo ý mình muốn. Ngày nay cả thể giới phương tây đang nói đến các điều này, nhưng với một từ mới hơn—Luật Hấp Dẫn (law of attraction).
Một cách vắn tắt, luật hấp dẫn nói rằng bất cứ tư tưởng gì ta có cũng đều hấp dẫn các năng lực tương tự trong vũ trụ để tạo nên sự việc theo tư tưởng đó. Ví dụ: “Tôi sẽ có tiền,” nếu cứ nghĩ và tin như thế tự dưng ta sẽ có tiền. “Tôi sẽ đẹp,” cứ nghĩ như thế thì ta sẽ thành đẹp ra.
•Dĩ nhiên nói đến “lòng tin” hay “thần chú,” thì vấn đề có một nền tảng rất khoa học. Nếu ta cứ tin là ta có tiền thì ra sẽ rất hăng hái lao vào các việc làm tiền. Càng làm, càng nhiều kinh nghiệm, càng giỏi, càng thành lớn. Đây chỉ là chuyện hiển nhiên. Hoặc, chàng nào tin là mình đẹp trai thì thường hay để ý đến cách ăn mặc hơn và tự tin hơn với các cô. Mà các cô thì thích đàn ông ăn mặc tử tế và tự tin. Rốt cuộc số lượng các cô bạn chàng có là chứng minh hùng hồn nhất là chàng đẹp trai. Lòng tin làm cho mình có tự tin và tập trung tư tưởng, do đó đưa đến thành công. Vấn đề rất giản dị.
•Tuy nhiên luật hấp dẫn còn có khía cạnh “siêu nhiên” của nó. Đó là, sức mạnh của tư tưởng hấp dẫn các năng lực trong vũ trụ để thực hiện ý muốn của tư tưởng. Tương tự như nhà Phật nói, một tiếng khẩy móng tay có thể mang âm ba rung động đến vô lượng thế giới. Như vậy nghĩa là sao? Năng lực gì trong vũ trụ lại cộng hưởng với năng lực của tư tưởng của ta đến mức đó?
Chúng ta sẽ không đi vào lãnh vực tâm lý ngoại cảm mà ta không đủ sức chứng minh, tức là “vô lượng thế giới.” Thay vì vậy, ta sẽ chỉ khảo sát luật hấp dẫn trong thế giới cá nhân của mỗi người chúng ta, để thấy được tính cách khoa học của nó, và để sử dụng nó một cách hiệu quả. Thế giới cá nhân của mỗi người chúng ta là chính mình, gia đình, bạn bè, những người làm cùng sở, những người mình giao tiếp hằng ngày, những người mình không giao tiếp nhưng họ có tiếp xúc với tư tưởng của mình—như những người đọc điều gì mình viết trên Internet.
Hấp dẫn nhau cực độ
•Danh từ đầu tiên ta phải giải thích là “tư tưởng.” Từ “tư tưởng” (idea) trong luật hấp dẫn có thể làm cho rất nhiều người hiểu lầm rằng đó là một hoạt động của ý thức, như “suy nghĩ” hay “suy tư.” Nhưng trong luật hấp dẫn, “tư tưởng” có nghĩa là một hoạt động của tâm thức—gồm ý thức, tiềm thức và cả các cảm giác như vui buồn yêu ghét. Nói chung, tư tưởng là tất cả những gì xảy ra trong tâm ta. Mà nói đến tâm, là chúng ta đều biết tiềm thức lớn lao và mạnh mẽ hơn ý thức ngàn lần, cho nên khi hiểu từ “tư tưởng” trong luật hấp dẫn như là một hành động suy nghĩ của ý thức mà thôi, là ta đã làm mất sức mạnh của luật hấp dẫn đi cả trăm, cả nghìn lần. Ví dụ: Nếu miệng ta lẩm bẩm “tôi sẽ có tiền” (tức là ý thức), nhưng trong thâm tâm ta không tin là điều này sẽ thành sự thực (tức là tiềm thức). Mà tiềm thức thì mạnh hơn ý thức cả nghìn lần, cho nên đương nhiên là ta sẽ sống theo hướng “tôi sẽ không có tiền,” và vì vậy mất tự tin trong việc kiếm tiền. Thế thì luật hấp dẫn vẫn đúng, nhưng “thần chú” của ta thì sai.
•Vì tiềm thức rất khó cho ta “thấy,” ta cần phải tìm cách “thấy” tiềm thức qua những cái khác—lòng tin, và cảm giác. Lòng tin điều khiển một phần rất lớn sự “suy nghĩ” của tiềm thức, và cảm giác thường là hậu quả của tiềm thức, cho nên ta quản lý tiềm thức bằng quản lý lòng tin và cảm giác—lòng tin phải thật mạnh mẽ, cho đến nỗi ta luôn luôn cảm thấy rất là hăng hái, chắc ăn. Khi ta nói “tôi sẽ có tiền” với một lòng tin mạnh mẽ và một cảm giác hăng hái, chắc ăn, thì lúc đó “tư tưởng” của ta mới tạm gọi là chân thật và mạnh mẽ. Vì vậy, thay vì nói “ý thức” và “tiềm thức,” rất mơ hồ và khó hiểu, chúng ta chỉ cần quan tâm đến 3 điều: (1) sự suy nghĩ, (2) lòng tin, và (3) cảm giác. Suy nghĩ đến điều gì, như “tôi sẽ xuống cân,” thì suy nghĩ với một lòng tin vững chải và một cảm giác hăng hái. Lúc đó tư tưởng mới thực sự có sức mạnh chuyển hóa đời sống ta và thế giới của ta.
Nói đến đây có lẽ chúng ta đã mường tượng được luật hấp dẫn hoạt động như thế nào: Nếu ta cứ nói “tôi có tiền” với một lòng tin mạnh mẽ và một thái độ hăng hái, thì tiềm thức “tôi sẽ có tiền” sẽ bắt đầy chỉ huy tác phong và cách sống của ta. Tự nhiên là ta sẽ bắt đầu hăng say nghiên cứu việc kiếm tiền, nói chuyện kiếm tiền với bạn bè, siêng năng đi tìm việc làm, hễ việc gì có thể kiếm ra tiền ta đều hăng hái làm. Những người như vậy, đi xin việc ở đâu, các ông chủ đều mê. Người nào muốn làm thương mại gì cũng muốn tìm partner như vậy. Không giàu sao được?
•Như vậy ta thấy tư tưởng của ta đã chuyển hóa được đời ta, và ít nhất là đời sống của những người làm việc chung. Và nếu có bạn bè thân nhân nào đó, nghe ta nói và tin vào cách sống của ta, họ làm theo và thành công, đó cũng là do tư tưởng của ta đã phần nào chuyển hóa cuộc đời họ. Và nếu một tờ báo nào đó nhờ ta viết một bài về kinh nghiệm của mình, những độc giả nào nhờ đó mà chuyển hóa đời sống của họ, một phần cũng là do tư tưởng của ta. Đó chính là tư tưởng của ta có năng lực chuyển hóa thế giới của ta. Và nếu uy tín của bạn càng cao trong xã hội, thì thế giới của bạn càng lớn, ảnh hưởng chuyển hóa của bạn trên hành tinh này càng nhiều. Rất thực tiễn và khoa học.
•Luật hấp dẫn là luật tự nhiên, như là trọng lực, rất trung tính. Luật hấp dẫn đúng với tất cả mọi người, không cần biết nam nữ, lớn bé, giàu nghèo, và quan trọng nhất là, không cần biết tốt xấu. Người lương thiện tin chắc chắn là mình sẽ giàu, sẽ giàu nhờ làm ăn lương thiện. Người có máu ăn cướp, tin một cách sắt đá là mình sẽ giàu, thì sẽ giàu nhờ ăn cướp. Vì vậy, chúng ta thấy trong xã hội, bất kỳ ai, tốt hay xấu, cũng có thể “thành công.”
Vẫn hấp dẫn nhau được
Thế thì có gì khác biệt giữa người xấu và người tốt ở đây? Thưa, có luật nhân quả (law of causation). Chữ này nghe như xuất thân từ Phật giáo, nhưng thực ra cả thế giới đã dùng nó cả triệu năm nay, vì đánh người thì sẽ có hậu quả là bị người đánh lại, ai cũng phải thấy. Nếu làm ăn lương thiện thì có nhiều bạn và không có kẻ thù, cho nên có xác suất rất cao là thành công sẽ ở với mình rất lâu. May ra thì có thể hưởng được tuổi già hạnh phúc. Nếu đi ăn cướp, thì có nhiều kẻ thù quá, lại được các bác công an chiếu cố đặc biệt, nên xác suất hưởng được “thành công” lâu ngày chắc là chỉ hơn zero một nấc nhỏ, và xác suất được đứng dựa cột thì suýt soát 100%. Sự khác biệt giữa tốt và xấu là ở chỗ đó—một bên thì nhiều bạn nên sống lâu, một bên thì nhiều thù nên chết yểu.
•Luật hấp dẫn là luật của tư tưởng, mà ngôn ngữ là một phần rất lớn của tư tưởng, cho nên ngôn ngữ rất quan trọng trong luật hấp dẫn. Chúng ta đã nói qua điều này trong bài “Sức mạnh của tư tưởng.” Trong ngôn ngữ của con người, thể phủ định có ảnh hưởng rất yếu trong tâm thức. Ví dụ: “Tôi không yêu ai” thì nhạt như nước ốc. Nó chẳng có nghĩa lý gì hết, nó chỉ có nghĩa là tôi không yêu ai, và không chắc là tôi có ghét ai không. Nghe chán phèo. Hay “tôi không chống anh,” chẳng nghĩa lý gì cả, vậy anh có ủng hộ tôi không?
Vì vậy khi ta nói một câu phủ định “tôi không muốn béo,” tiềm thức của ta không “thấm” cái yếu ớt của chữ “không” phủ định, mà lại thấm cái mạnh mẽ của chữ “béo” xác định. Cho nên tiềm thức cứ hướng ta sống theo hướng “béo.” Vì vậy, các chuyên gia về tư duy tích cực (cũng như các luật sư chuyên về tranh tụng trước tòa) luôn luôn dạy người ta nói và viết ở thể xác định: “Tôi muốn gầy” (không phải là “tôi không muốn béo”), hay “tôi muốn giàu” (không phải là “tôi không muốn nghèo”).
•Một số các chuyên gia còn có cách trình bày thế này: Luật hấp dẫn không biết văn phạm , chỉ biết các từ mà thôi. Nếu câu bạn nói mà có chữ “yêu,” không cần biết đó là phủ định hay xác định, thì luật hấp dẫn cứ dẫn ta đi theo hướng “yêu.” Các bạn có nghe các phụ nữ lớn tuổi kể chuyện đời của họ không: “Hồi đó tui ghét ổng gần chết, thấy mặt là wẹo đường khác. Nhất định là không thèm thương. Rốt cuộc cũng lấy ổng.” Tóm lại “tôi yêu anh Tín” hay “tôi không yêu anh Tín,” đối với luật hấp dẫn thì như nhau, và cả hai chỉ có nghĩa là “yêu” và “anh Tín.” Tương tự như vậy, “tôi không thích béo” và “tôi thich béo” đều chỉ có nghĩa là “tôi” và “béo.” Vì vậy, ta luôn luôn phải suy nghĩ (và nói chuyện cũng như viết lách) theo thể xác định. Và dĩ nhiên là chỉ nên dùng các từ tích cực. (Từ tích cực là từ nói đến cái ta muốn, ta thích. Nếu bạn thích gầy, thì “gầy” là từ tích cực và “béo” là từ tiêu cực. Ngược lại nếu bạn thích béo, thì “gầy” lại là tử tiêu cực và “béo” là từ tích cực).
•Dĩ nhiên là ai trong chúng ta cũng biết ảnh hưởng của luật lập đi lập lại (law of repetition). Các giáo chức đều rất giỏi luật này. Dạy một điều nhưng cứ lập đi lập lại hằng trăm lần, bằng hằng trăm cách khác nhau (biết rồi, khổ lắm, nói mãi!), như vậy thì học trò mới nhập tâm được. Cho nên, theo luật hấp dẫn, nếu bạn muốn điều gì thì soạn một câu thần chú ngắn, như “tôi sẽ có tiền,” rồi cứ thầm lập đi lại câu đó trong đầu, thì luật hấp dẫn sẽ có tác dụng mạnh mẽ. (Nhắc thầm thôi, lảm nhảm ngoài miệng chắc là sẽ bị người nhà cho nhập viện ).
•Và một quy luật ngôn ngữ khác nữa là hiện tại thì luôn luôn luôn mạnh hơn tương lai. Hãy so sánh “anh yêu em” và “anh sẽ yêu em” xem câu nào mạnh hơn. Nhưng điều ta ước muốn đương nhiên là thuộc về tương lai, ví dụ “tôi muốn có tiền.” Thế thì ta giải quyết cái yếu của tương lai thế nào? Thưa, có 2 phương cách. Thứ nhất, nếu việc gì có thể biến nó thành hiện tại, thì phải suy nghĩ theo cách hiện tại. Ví dụ: Thay vì “tôi sẽ có tự tin” thì ta phải nói “Tôi có tự tin,” vì chẳng lý do gì ta không thể nói “tôi có tự tin ngay bây giờ” mà phải đợi đến sang năm.
Thứ hai, đôi khi ta cảm thấy nhất định không thể nói thì hiện tại một cách đầy tin tưởng được, ví dụ, nếu trong túi không có một đồng xu, thì nói “tôi sẽ có tiền” dễ tin hơn là “tôi có tiền.” Trong trường hợp đó cứ nói “tôi sẽ …” nhưng phải buộc tương lai vào hiện tại, ngay trong lúc này, ngay ở đây. Tức là, hiện thời tôi đang ngồi đây nói chuyện với bạn của tôi, tôi biết là tôi muốn có tiển và “tôi sẽ có tiền,” nhưng cái “sẽ” đó có thật được hay không cũng là do tôi sống trong hiện tại có thật hay không—tương lai chỉ là một chuỗi những ngày của hiện tại. Hiện tại tôi đang nói chuyện với bạn tôi, tôi sẽ nói chuyện rất thực, tôi sẽ lắng nghe rất kỹ, sẽ mở rộng đầu óc và con tim để nghe, tôi sẽ chia sẻ thật tình, tôi sẽ dùng mỗi giây đồng hồ một cách tận tình. Sống ngay phút này, ngay tại đây, một cách tận tình, dù là mình đang làm bất kỳ việc gì, thì đó là cách để nối hiện tại có thật vào một tương lai sẽ đến thật.
•Cuối cùng, có bạn hỏi luật hấp dẫn này từ đâu tới? Dĩ nhiên là nghe qua ta cũng thấy luật hấp dẫn là qui luật tâm lý tự nhiên. Con người hấp dẫn nhau vì sức mạnh bên trong của mình. Và các chuyên gia về tâm lý và truyền thông (communication) đã nói đến nhiều thập kỹ (nếu không nói là hàng nghìn năm nay). (Chỉ có phần tâm lý ngoại cảm–năng lượng của tâm thức làm chuyển động năng lượng của vũ trụ–thì mình xin được phép miễn bàn, vì chưa nắm chắc). Gần đây một vài cuốn sách bán chạy đã đẩy danh từ “luật hấp dẫn” thành rất phổ thông. Theo mình nghĩ, luật hấp dẫn được diễn giảng ngày nay chính là “tư duy tích cực” phát xuất từ các giảng sư thiên chúa giáo khi xưa—lòng tin bằng hạt cải dời được núi non–trình bày lại một cách khoa học hơn bằng các khái niệm Phật giáo đang rất thịnh hành trong giới trí thức Âu Mỹ ngày nay.
Chúc các bạn một ngày vui!
Có lẽ điều thú vị nhất mà tôi khám phá ra trong những ngày đầu năm mới 2012 chính là sự trải nghiệm quá đỗi kì bí của việc áp dụng Luật hấp dẫn.
Tôi luôn tự nhận xét chính mình là: hơi láu cá. Bởi vậy, những người thân cận của tôi thì biết tính tôi đa nghi như Tào Tháo. Đó là bản tính trời sinh thôi chứ tôi cũng chẳng hiểu sao lại đa nghi lắm thế! Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện rộng, tôi rất trân trọng tính cách này của mình, bởi nó luôn luôn bắt tôi phải chuẩn bị các phương án cho những gì không chắc chắn.
Khi tiếp cận với Luật hấp dẫn, với tính đa nghi và kiêu ngạo bẩm sinh, tôi nắm bắt rất hời hợt về nguyên tắc này nhưng lại tự cho rằng mình thấu hiểu nó. Đã hơn 2 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên tôi cầm trong tay quyển “Người nam châm”, nếu không có một số trục trặc lớn trong cuộc sống nội tâm và tâm linh, có lẽ tôi sẽ không bao giờ có thể hiểu rõ sự tinh túy của qui luật màu nhiệm này. Có thể nói, giữa biết và ứng dụng đúng là cả một quá trình, ứng dụng đúng và cho kết quả đúng lại là thêm một quá trình dài nữa. Ứng dụng đúng và lặp đi lặp lại, rồi biến nó thành phong cách sống, thành sức mạnh bản thể lại cần thêm một quá trình nữa.
Tuy nhiên, điều đầu tiên là phải có sự tiếp cận đúng đắn. Những bí quyết luôn hiển hiện ra trước mắt mỗi chúng ta, thế mà không phải ai cũng có thể biến nó thành cái của mình. Tôi rất may mắn vì thời gian gần đây bắt đầu hiểu ra sự giản đơn của quy luật đang thống trị vũ trụ này. Khi hiểu Luật hấp dẫn không phải bằng lý trí mà bằng sự thấu hiểu của những trải nghiệm và cảm nhận, tôi mới hiểu tại sao đạt được một cuộc sống hạnh phúc lại quá khó khăn với nhiều người đến như thế!
Nhiều bạn bắt đầu ứng dụng Luật hấp dẫn, và không ít người đã than phiền với tôi về kết quả của nó. Chính tôi cũng vậy! Tôi bắt đầu đọc và ứng dụng Luật hấp dẫn đã hơn 2 năm, trong 2 năm đầu tiên tôi vô cùng thất vọng vì chẳng có gì xảy ra cả. Tôi cũng vẽ ra bức tranh tương lai mà mình mơ ước, tôi cũng viết ra những trạng thái tinh thần mà mình mong muốn đạt tới…Thậm chí trong hình nền điện thoại, hình nền Laptop, trong ví, trong cặp, trên bàn làm việc… đều có hình ảnh của những gì tôi muốn có. Nhưng 2 năm trôi qua, chẳng có mơ ước nào trở thành sự thật cả.
Mặc dù làm việc nhiều và có nỗ lực, tôi không hề hài lòng với những gì mà mình đạt được khi ứng dụng Luật hấp dẫn vào cuộc sống.
Có gì sai chăng?
Tôi có viết một bài viết về đại gia và chân dài. Khi đại gia bỏ tiền ra và nhận lại thứ mình cần, anh ta có đạt được hạnh phúc thật sự không? Trong 100% trường hợp, tôi cam đoan rằng không hề! Anh ta đã nhầm lẫn tai hại, cái anh ta thật sự mong muốn không phải là cái mà anh ta đang nhận lấy! Điều anh ta thật sự cần là tình yêu, thế mà anh ta lại bỏ tiền ra để cố đạt được mong muốn bề nổi của mình: thân xác!
Khi ứng dụng Luật hấp dẫn và không đạt được kết quả mong muốn, tôi thấy tôi chẳng khác gì hình ảnh bên trên. Tôi bỏ ra một số hành động, tôi đòi hỏi kết quả theo đúng ý của tôi! Sao tôi lại bị lập trình sai lệch như thế chứ? Tôi muốn có biệt thự trên bờ biển đẹp như mơ, tôi muốn một bộ sưu tập xe hơi đắt tiền, tôi muốn có thời gian tận hưởng cuộc sống, tôi muốn có một gia đình kiểu mẫu…Tôi đang cố làm mọi thứ để điều đó xảy ra! Áp lực quá mọi người nhỉ?
Nó hoàn toàn đúng theo “chỉ dẫn” trong Luật hấp dẫn mà! Sao lại sai cơ chứ.
Cái sai là tôi đang đi theo những gì tôi không thật sự mong muốn. Điều mà tôi mong muốn thật sự chính là trạng thái hạnh phúc, thăng hoa khi đạt được những điều mơ ước chứ không phải cụ thể là những mơ ước ngoài thân kia. Điều gì xảy ra nếu trạng thái hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài?
Tôi bắt đầu học lại, tôi chú ý đến tên của tựa sách “Người nam châm” và suy ngẫm, bỗng nhiên tôi giật mình kinh hãi vì biết rằng mình đã ứng dụng một cách quá hời hợt bí mật quyền năng nhất lịch sử! Nam châm bản thân nó có sẵn lực hút, vậy “Người nam châm” cũng phải là người có sẵn lực hấp dẫn của mình. Ai trong chúng ta có thể tự tin nói rằng: tôi vốn đã có sẵn lực hấp dẫn trong chính bản thân mình?
Bí mật chính là ở đây.
Tôi phải tự mình thay đổi chính mình, chứ không phải đòi hỏi những yếu tố bên ngoài sẽ tạo nên sự thay đổi cho tôi. Tôi hạnh phúc ngay bây giờ vì đang trên con đường chinh phục ngôi nhà mơ ước chứ không phải chờ đến khi có nó tôi mới hạnh phúc. Tôi hạnh phúc ngay bây giờ vì đang trên con đường chinh phục bộ sưu tập của mình chứ không phải chờ đến khi có nó. Tôi hạnh phúc ngay bây giờ…
Thay vì tìm kiếm những cái bên ngoài để thỏa mãn cơn khát, tôi quay về bên trong chính mình và thay đổi gốc rễ của mình.
Đóng vai một người quan sát chính mình, tôi thấy hình ảnh của mình thật buồn cười và giống như một con rối không hơn không kém. Con rối đó bị chi phối bởi vật chất, bị chi phối bởi các quan niệm xã hội, bị chi phối bởi người khác, bị chi phối bởi dục vọng, bị chi phối bởi quá nhiều thứ bên ngoài. Tôi là tôi, tại sao lại để cho mình bị chi phối nhiều đến mức như vậy chứ?
Có nhà đẹp, ta cảm thấy hãnh diện. Không có nhà đẹp, ta cảm thấy mình thua kém.
Đi xe đẹp, ta cảm thấy kiêu hãnh, tự tin. Đi xe không đẹp, ta cảm thấy kém tự tin đi hẳn.
Người yêu đối xử tốt với ta, ta cảm thấy vui và hạnh phúc. Ngược lại, người yêu phản bội ta, ta đau khổ.
Để ý một chút, tôi thấy hầu như tôi bị chi phối hoàn toàn bởi các yếu tố bên ngoài, những cái vốn chẳng quá quan trọng đến như thế.
Tôi là “Người nam châm”, tôi điều khiển cuộc chơi. Khi hiểu ra điều đó, tôi cảm thấy nguồn hạnh phúc vô tận đang tuôn chảy tự trong huyết mạch của mình. Hạnh phúc vốn đã có sẵn bên trong tôi rồi, tôi có cần phải vật lộn để đi tìm nữa hay không! Hoàn toàn không, giờ đây tôi chỉ cần thuận theo quyền năng của tự nhiên, của vũ trụ và tận hưởng cuộc sống quý giá mà tôi đã được ban tặng.
Mọi thứ tôi đã đạt được, đang có và sẽ đạt được đều có ý nghĩa riêng của nó, nhưng chúng không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc của tôi trong cuộc sống này.
Tôi vẫn luôn hành động với sự nỗ lực cao nhất, nhưng đó là hành động với sự hiến dâng hết mình chứ không phải vì mong cầu đạt được cái này cái kia từ những hành động đó.
Khi làm việc, yêu thương, đối đãi với người khác, rèn luyện bản thân…luôn có một nguồn năng lượng từ sâu thẳm tuôn chảy không ngừng giúp cho tôi có thể hành động với nội tâm yên bình sâu sắc và tràn đầy quyền năng.
Khi đã được dẫn dắt bởi hạnh phúc từ bên trong, mọi hành động của bạn và tôi đều sẽ đi đúng đường, đi đúng theo quy luật tối cao của vũ trụ. Kết quả từ những hành động của bạn và tôi sẽ là điều hiển nhiên, chúng ta sẽ nhận đúng 100% những gì mà chúng ta đang hấp dẫn.
Hạnh phúc và yên bình trong tâm hồn, đó chính là lực hấp dẫn to lớn nhất giúp bạn và tôi trở thành “Người nam châm” thật sự.
Cảm ơn những người xuất chúng đã khám phá ra quy luật này
Cảm ơn những người xuất chúng đã mang bí mật này công bố cho thế giới, trong đó có tôi.
Sau khi đi sâu nghiên cứu về các truyền thống tâm linh, đặc biệt là đạo Phật, cùng những trải nghiệm tự thân, tôi mới khám phá ra rằng luật hấp dẫn là có thật. Nhưng nó chỉ là hệ quả phái sinh từ một quy luật lớn lao hơn nhiều. Đó chính là nhân quả, quy luật bao trùm, chi phối mọi hoạt động xảy ra trong vũ trụ này. Quy luật này có nghĩa là mọi suy nghĩ, lời nói và hàng động của một người sẽ trở thành nguyên nhân tạo nên hoàn cảnh và những gì người đó được thọ hưởng trong tương lai. Càng tìm hiểu về luật nhân quả, tôi càng nhận ra rằng bạn sẽ không thể thành tựu với luật hấp dẫn mà không hiểu luật nhân quả. Vì thế, trong bài viết này, tôi sẽ trình bày luật hấp dẫn trong mối tương quan với luật nhân quả. Ngoài ra, tôi cũng đưa ra một cách tiếp cận khác, một cách diễn đạt khác cũng như cố gắng phân tích những yếu tố then chốt của quy luật này nhưng ít được nhắc đến.
Trước hết, tôi sẽ bắt đầu bằng việc trích dẫn bài giảng từ hai trong số các tôn giáo lớn nhất hiện nay: Phật giáo và Ki-tô giáo.
Hoà thượng Nhất Hạnh, vị thiền sư rất có uy tín trong Phật giáo thế giới hiện nay, trong một bài pháp thoại đã khai thị cho các Phật tử:
“Trong mỗi người của chúng ta có cả Bụt lẫn Ma. Ma nói rằng Trời ơi đi thiền hành như vậy làm sao đi được, đi thiền hành mệt quá bây giờ mình muốn về mình nằm trên cái giường mình cho khỏe. Mình trốn đi thiền hành, cái đó là Ma ở trong mình. Có Ma nhưng cũng có Bụt, vì khi đi thiền hành Bụt đi rất hay, rất hạnh phúc, đầy năng lượng…
“Nó hay vậy đó, có phần làm biếng trong mình và có phần siêng năng trong mình. Phần siêng năng ôm lấy phần làm biếng đi theo và phần làm biếng được thừa hưởng. Quý vị cứ thực tập rồi biết. Khi nào thấy khó khăn, chán nản, thấy làm biếng thì mình nói: Bụt ơi, Bụt làm dùm con đi. Tức thì Bụt chấp nhận làm liền. Bụt làm rất hay. Nên nhớ để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi, nó đã lắm. Mình đâu có cần làm gì đâu, Bụt làm hết…” [1]
Khổng Nhuận, một con chiên của Thiên Chúa, đã chia sẻ cách để các anh em đồng đạo có thể nên một với Chúa, sống trong Thần Khí của Chúa như sau:
“Noi gương bắt chước Đức Giêsu và Phaolô, chúng ta có thể rút ra một TÂM NIỆM THỰC HÀNH: Không phải tôi… Chính Chúa… Thí dụ: Không phải tôi rửa mặt…Chính Chúa rửa mặt…. Không phải tôi tập thể dục… Chính Chúa tập thể dục…
Tất nhiên đây không phải là một câu thần chú nói ra ngoài miệng rồi quên ngay lâp tức. Nhưng đây là những lời TÂM NIỆM tức là NIỆM BẰNG TÂM mục đích để cho lòng mình lắng xuống và cảm nhận Chính Chúa đang hành động qua con người thân xác của mình.” [2]
Chắc bạn cũng nhận ra ngay sự tương đồng giữa hai lời hướng dẫn thực tập ở trên đây. Họ đã chỉ cho các Phật tử, con chiên một cái mẹo rất hay để thực hành tâm linh. Đầu tiên, bạn cần biết rằng có tính chất Phật, tính chất Chúa trong mình. Sau đó, bạn phải coi như mình đã là Phật, là Chúa và sống như các vị đó đang sống qua thân thể mình vậy. Rồi bạn sẽ trở nên giống, hay chí ít cũng được một phần như các vị ấy.
Các nhà nghiên cứu phương Tây gọi là tự thôi miên (self-hypnosis), còn tôi gọi đây là quy tắc giả (vờ) thành thật.
Những điều này nghe có vẻ rất hay, nhưng nó có ích gì cho bạn đây nếu bạn không phải là Phật tử hay con chiên? Nếu bạn không muốn thành Phật hay thành Chúa?
Nó có ích đấy bạn ạ! Rất có ích là khác. Bạn có thể áp dụng quy tắc giả (vờ) thành thật này vào trong những việc nhỏ nhặt đến những mong muốn lớn lao hay ước mơ hão huyền của mình. Thí dụ như bạn chợt quên mình đã để chìa khoá xe ở đâu, trong khi lại rất vội vì đã đến giờ đi làm. Bạn hãy áp dụng quy tắc giả (vờ) thành thật vào tình huống này bằng cách hãy tưởng tượng/coi như rằng bạn đã tìm thấy chìa khoá. Bí quyết để giả vờ như thật là bạn hãy nghĩ xem mình sẽ cảm thấy vui mừng thế nào khi tìm thấy chìa khoá và hãy hình dung cảm giác ấy dâng lên trong bạn. Nhưng nếu bạn chỉ hồi hình dung như vậy thì sẽ không tìm được chìa khoá đâu. Như một câu ngạn ngữ châu Phi: “Khi cầu nguyện, bạn hãy di chuyển cả đôi chân” [3], sau khi cảm nhận đã tìm thấy chìa khoá ấy, bạn hãy bắt đầu đi tìm nó. Lúc ấy hắc chắn bạn sẽ tìm thấy.
Chỉ qua ví dụ này thôi chắc bạn cũng đã hiểu cách để áp dụng quy tắc giả (vờ) thành thật vào các tình huống trong cuộc sống của mình. Điều cốt yếu là hãy coi như bạn đã có/làm được điều đó. Nhưng làm sao để sự giả vờ của bạn giống như thật? Như đã đề cập ở trên, bạn hãy để cảm giác vui sướng, hân hoan khi thành tựu điều đó dâng lên trong trái tim bạn. Chính cảm xúc đó khiến cho tâm bạn lôi kéo sự vật/việc tương ứng với cảm xúc đó đến với bạn. Do đó, cảm xúc như thật chính là bí quyết của quy tắc giả vờ thành thật.
Đọc đến đây hẳn bạn đọc có tinh thần “nghi ngờ khoa học” sẽ thắc mắc về cơ sở của quy tắc nghe có vẻ hão huyền này. Thế nên, tôi sẽ giải thích cho bạn quy tắc này bằng khoa học hiện đại. Theo vật lý lượng tử thì tất cả sự vật đều là những lượng tử rung động với các tần số khác nhau. Nếu biết thay đổi tần số rung động của lượng tử thì có thể thay đổi được vật chất. Tâm lại là thứ đặc biệt nhất thế gian, bời vì nó có khả năng thay đổi sự rung động. [4] Tức là tâm có khả năng tạo nên/thay đổi vật chất. [5] Đó là lý do vì sao đôi lúc ta thấy một số người khi thành tâm cầu nguyện lại thấy ứng nghiệm. Đó cũng là nguyên lý để giả (vờ) lại có thể biến thành thật. Tâm chính là ông thần đèn nếu bạn biết cách khai thác nó bằng quy tắc này.
Còn cảm xúc như thật là điều quan trọng là bởi lẽ cảm xúc chính là năng lượng đang chuyển động. Khi luân chuyển năng lượng, con người tạo ra hiệu ứng. Nếu di chuyển đủ số năng lượng, người ta có thể tạo ra vật chất. Vật chất là năng lượng được kết tụ. Được chuyển động vòng quanh. Được ép lại với nhau. Nếu vận động năng lượng đủ lâu theo một cách thức nhất định, người ta sẽ thu được vật chất. Đó là thuật giả kim của vũ trụ mà từ đó hình thành quy tắc giả vờ thành thật. [6]
Bạn có thể hỏi: “Mọi sự không thể nào lại dễ dàng như vậy, bởi nếu không có điều kiện gì thì tôi sẽ thoả mãn được hết mọi mong muốn của mình sao?” Tất nhiên là không rồi! Rất nhiều người đã bỏ ra cả giờ mỗi ngày để hình dung, tưởng tượng về những gì mình mong muốn, nhưng họ đã chẳng bao giờ đạt được nó. Họ đã hoàn toàn thất bại. Điều đó khiến họ không tin vào thuật giả kim của tâm nữa. Đáng tiếc là không ai nói cho họ biết rằng để phép lạ xảy ra cũng cần có những điều kiện của nó.
Ở đây, thuật giả kim của tâm sẽ thành tựu nếu sự vật/việc người ta muốn biến thành hiện thực vượt qua ít nhất đạt được một trong hai tiêu chuẩn sau
1. Tiêu chuẩn đầu tiên là chúng không phải là những mong muốn quá vị kỷ, chỉ để thoả mãn cho cá nhân. Trong tác phẩm kinh điển Nhà giả kim, Paulo Coelho viết rằng: “Khi anh quyết chí muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để bạn đạt được điều ấy.” Nhưng nếu điều bạn quyết chí chỉ để thoả mãn cái tôi của bạn, thì vũ trụ sẽ giúp bạn rất ít. Ngược lại, điều bạn muốn càng không chỉ vì mình, càng vì người khác bao nhiêu, thì vũ trụ sẽ chung sức với bạn bấy nhiêu. Bởi vì càng hướng về cái tôi bé nhỏ bao nhiêu, tâm của bạn càng mất khả năng hoà điệu với vũ trụ để đón nhận sự chung sức tạo nên phép lạ bấy nhiêu bây nhiêu. Hướng về bản ngã luôn làm tâm bị chao đảo bởi lo lắng, sợ hãi, buồn vui, ham muốn… Trong khi chỉ có tâm an tĩnh, chuyên chú vào một mục tiêu mới có thể tạo nên điều nhiệm màu. Để kiểm tra mục tiêu của mình trong mỗi tình huống có đạt tiêu chuẩn đầu tiên hay không, bạn có thể tự hỏi trái tim mình: “Phải chăng mình mong muốn điều này chỉ vì riêng mình?” Bạn hãy chú ý rằng đây là câu hỏi dành cho trái tim chứ không phải tâm trí, bởi tâm trí bạn rất giảo hoạt và giỏi nguỵ biện. Còn trái tim thì luôn trả lời thành thật. Nếu câu trả lời là “Đúng” thì bạn không thể áp dụng quy tắc giả (vờ) thành thật được. Nếu là “Sai” thì bạn đã vượt qua tiêu chuẩn đầu tiên.
Bạn đọc có thể phản bác tôi ở tiêu chuẩn đầu tiên này. Bởi ngay ví dụ về mong muốn tìm lại chìa khoá của tôi cũng không vượt qua được tiêu chuẩn đầu tiên. Quá đúng! Không ai có thể nói tôi muốn tìm thấy chìa khoá vì… người khác được. Nhưng cái gì cũng tương đối thôi bạn ạ, tiêu chuẩn đầu tiên cũng chỉ đúng với đa số các trường hợp chứ không phải là tiêu chuẩn bắt buộc dành cho mọi trường hợp. Bởi theo luật nhân quả, người ta có được điều gì còn phụ thuộc vào cả phúc đức (kết quả hun đúc từ những việc tốt đã làm trong quá khứ) của người đó. Thế nên, bạn hãy chịu khó “di chuyển cả đôi chân” để làm những việc tốt đẹp, vị tha nhằm hỗ trợ, rút ngắn thời gian cho quá trình giả (vờ) thành thật của mình.
Bạn đọc khác lại có thể chán nản vì tiêu chuẩn vị tha này. Bởi nếu mong muốn vì người khác thì mong muốn để làm gì, nó có ích lợi gì cho tôi đâu! Thực ra không phải vậy, theo luật nhân quả: tâm mong muốn cho người khác càng lớn lao, chân thành bao nhiêu, thì những mong muốn cho bản thân bạn sẽ càng dễ dàng đạt được bấy nhiêu. Vậy nên, bạn đừng chỉ mong muốn cho riêng mình, mà hãy quan tâm, mong muốn cho cả người khác. Điều này cũng có tác dụng hỗ trợ, rút ngắn thời gian cho quá trình giả (vờ) thành thật.
2. Tiêu chuẩn thứ hai là bạn sẽ không có được điều gì mà ở sâu thẳm trong trái tim bạn, bạn biết rằng bạn không có nó. Hay nói cách khác, bạn không thấy nó trong thực tại của bạn. Bạn không thể có được điều mà trái tim bạn biết là nó không thuộc về bạn. Bởi vì với cái biết đó bạn không thể giả vờ được. Bạn cũng không thể có được thứ mà đầu óc bạn trở nên bị ám ảnh vì ham muốn nó. Bởi sự ám ảnh đó chứng tỏ một sự thật: bạn luôn cảm thấy thiếu nó. Và chính cái sự “cảm thấy thiếu” đó khiến tâm hợp sức cùng vũ trụ đưa đến thực tại: bạn không có nó. Thế nên, câu hỏi để bạn tự kiểm tra cho tiêu chuẩn số hai là: “Đây có phải là sự vật/việc mà trái tim mình thực sự mong muốn?” Hoặc: “Điều này có nằm trong thực tại của trái tim mình hay không?” Nếu câu trả lời là “Có”, thì chắc chắn quy tắc giả (vờ) thành thật được áp dụng vào đây sẽ vô cùng hiệu quả. Còn nếu là “Không”, rất khó để áp dụng thành công. Có lẽ đó chỉ là một mong muốn nhất thời của bản ngã, nên nếu có/đạt được nó, thì bạn cũng sẽ thấy không mấy ý nghĩa và qua mau.
Điều cuối cùng, tuy không phải là một tiêu chuẩn, nhưng lại là điều kiện đủ để bạn có thể áp dụng quy tắc giả (vờ) thành thật hiệu quả. Đó là hãy học cách giữ nội tâm an tĩnh và có khả năng tập trung, đặc biệt là vào thời điểm thực hành quy tắc này. Nếu tâm trí bạn cũng sản sinh 60 nghìn ý nghĩ mỗi ngày (theo ước tính của các nhà nghiên cứu) như những người khác thì rất khó cho bạn. Bởi điều đó cho thấy bạn không có chủ quyền gì với tâm mình cả, vậy làm sao bạn có thể khiến nó “nghe lời” mình như thần đèn được. Để làm được điều này, tôi đề nghị bạn hãy thực tập theo hai phương pháp sau đây:
a) Phương pháp đầu tiên là để giảm bớt suy nghĩ. Đó là hãy cố gắng ý thức được những gì đang diễn ra nơi suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn trong hiện tại. Ví dụ: khi đi biết chân nào cũng bạn đang bước, khi ăn biết mình đang ăn chứ không phải mắt nhìn TV còn tai thì đang nghe nhạc từ headphones. Tức là đưa sự chú ý của bạn về với thực tại bạn đang sống, khi đó tâm bạn sẽ ít có cơ hội sẽ suy nghĩ lung tung và bình an hơn. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng điều khiển tâm theo ý mình khi giả vờ. Bình an nội tâm – như đã nói – sẽ khiến cho vũ trụ dễ dàng chung sức với bạn hơn. [7]
b) Phương pháp thứ hai là để tăng cường sự tập trung. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, hay nếu có thể vào một thời điểm nhất định trong ngày, hãy cố gắng dành ra từ 30 – 60 phút để ngồi trong im lặng, không bị ai quầy rầy, để điện thoại ở chế độ “trên máy bay” và thực tập quan sát hơi thở. Cụ thể, khi bạn thấy mình đang hít vào, hãy niệm thầm: “Híttttt…” Khi thấy mình đang thở ra, bạn hãy niệm thầm: “Thơơơơở…” Bạn hãy chú ý niệm hai chữ “hít” và “thở” kéo dài theo mỗi hơi thở vào ra. Đây chính là cách để “buộc” sự chú ý của bạn vào hơi thở. Nếu các suy nghĩ chợt đến và bạn chạy theo nó, thì cũng đừng khó chịu. Đó là điều rất tự nhiên! Khi nhận ra điều này bạn hãy nhẹ nhàng trở về với việc quan sát và niệm thầm theo hơi thở. [8] Khả năng tập trung tốt sẽ giúp bạn nhanh chóng thành tựu hơn.
Đến đây thì tôi đã chia sẻ với bạn tất cả những hiểu biết của tôi về quy tắc giả (vờ) thành thật. Bạn hãy kiên trì thực hành điều kiện cần, nắm rõ bí quyết giả vờ như thật và kiểm tra mong muốn của mình xem nó có ít nhất đạt một trong hai tiêu chuẩn. Sau đó, hãy thử bước vào thực hành xem sao.
Chúc bạn thành tựu mọi ước mơ của mình!
[1] HT. Thích Nhất Hạnh, Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh
[2] Khổng Nhuận, Cốt tuỷ Kitô giáo
"Các nhà bác học,các nhà chính trị lỗi lạc,các ca sĩ diễn viên nổi tiếng...đạt được thành tựu là nhờ họ nắm rõ hai quy luật : luật tập trung và luật hấp dẫn."
Luật tập trung
Luật tập trung phát biểu rằng những gì bạn lặp đi lặp lại đều sẽ phát triển. Bạn càng nghĩ về điều gì đó thì nó càng có khả năng trở thành hiện thực.
Luật này lý giải về thành công và thất bại. Nó là sự diễn giải của luật nhân quả. Theo đó, bạn không thể nghĩ một đằng mà lại đạt kết quả một nẻo.Hãy nhìn vào bức tranh.Bạn muốn mũi tên tới đích và trúng hồng tâm.Vậy ít nhất bạn phải nhắm một mắt,để tập trung vào hồng tâm
Những người thành công và hạnh phúc luôn phát triển được khả năng tập trung hoàn toàn vào một việc và duy trì nó cho đến khi hoàn tất. Họ tự rèn luyện bản thân chỉ suy nghĩ và nói vê những gì muốn và loại bỏ suy nghĩ về những gì mình không muốn ra khỏi đầu.
Khi muốn phát triển năng lực cá nhân, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc đọc. Tôi phân bổ sức lực ở mọi nơi. Tôi phân tán sự tập trung. Tôi bận rộn, tận tụy và quá tích cực. Tôi trở nên chủ động và thích thú với nhiều khả năng và cũng trở nên tiêu cực và chỉ trích những khả năng khác. Tôi giống như một chiếc ô tô, lảo đảo từ bên này đường sang bên kia dường và thường kết thúc bằng việc đâm xuống rãnh.
Cuối cùng tôi nhận ra “nhiều hơn chính là ít hơn”. Tôi nhận ra luật tập trung có sức mạnh rất lớn và không thể làm nhiều việc cùng một lúc mà lại đạt kết quả tốt.
Bởi vậy, tôi đã giảm bớt. Tôi ngừng mọi hoạt động, trừ một hay hai hoạt động quan trọng nhất. Tôi chỉ tập trung và nói đến những gì thật sự mong muốn.
Đây là bài kiểm tra dành cho bạn: Trong một ngày hãy thử xem bạn có thể chỉ nghĩ và nói về những thứ mà bạn muốn. Hãy quyết tâm giữ cho cuộc trò chuyện của bạn không dính líu đến sự tiêu cực, nghi hoặc, sợ hãi hay phê phán. Hãy rèn luyện bản thân để có thể nói những câu chuyện vui vẻ và lạc quan về mọi người và mọi việc xung quanh.
Điều này không dễ dàng chút nào. Thậm chí, lúc đầu bạn có thể không thực hiện được. Nhưng bài tập này sẽ chỉ cho bạn thấy cần tiêu tốn bao nhiêu thòi gian và công sức để nghĩ và nói về những điều mình không thực sự mong muốn.
Luật hấp dẫn
Xin chỉ nói về trong cuộc sống và mối quan hệ thôi,còn luật hấp dẫn bao quát thì cực kỳ rộng lớn
Rất ít người trong số chúng ta nhận ra được sức mạnh tiềm tàng từ bên trong của mình. Họ mò mẫm bước đi trong cuộc sống, đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài như nợ nần; các mối quan hệ tiêu cực; thiếu cơ hội… và không hề ý thức được sức mạnh mà họ đang sở hữu – một thứ sức mạnh có thể xoay chuyển tình hình hiện tại.
Một vị thánh đầy tôn kính của Ấn Độ - Vivekananda cách đây hơn 100 năm về trước đã giải thích rất hay về luận điểm này …
Bạn SIÊU PHÀM. Đó là thông điệp chính của thánh Vivekananda.
Câu hỏi lớn là:
Làm thế nào để chúng ta bắt đầu đưa bản thân ra khỏi tình cảnh hiện tại và chinh phục điều mà ta đang theo đuổi?
Luật hấp dẫn
Dưới đây là lập luận của Bob Proctor về Luật hấp dẫn:
Tất cả chúng ta đều làm việc với một sức mạnh vô tận. Chúng ta chỉ đạo bản thân thông qua các quy luật giống nhau. Các quy luật tự nhiên của vũ trụ có độ chính xác cao. Vì thế, chúng ta không gặp khó khăn khi chế tạo ra tàu vũ trụ; gửi người lên mặt trăng; tính toán thời điểm hạ cánh chính xác đến từng giây…
Bất cứ nơi nào bạn ở - Ấn Độ, Australia, New Zealand, Stockhom, London, Montreal, hay New York – chúng ta đều làm việc với một sức mạnh. Một quy luật. Đó là luật hấp dẫn!
Bí mật là luật hấp dẫn!
Tất cả mọi thứ đến với cuộc sống của bạn là do bạn hấp dẫn chúng. Chúng bị hấp dẫn bằng những hình ảnh bạn lưu giữ trong đầu. Đó là cái những điều bạn đang nghĩ. Bạn sẽ hấp dẫn bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu.
Để giúp bạn hiểu về luật hấp dẫn, trước hết hãy cùng chúng tôi nghiên cứu một quy luật tương tự – Luật chuyển động. Đối tượng chịu ảnh hưởng của luật chuyển động là BẤT CỨ THỨ GÌ chuyển động. Tất cả mọi thứ, từ nhỏ nhất như nguyên tử, phân tử tới những khu nhà chọc trời, cũng đều có sự chuyển động năng lượng không ngừng. Nhìn những tòa nhà kia có thể rất vững chãi, không hề lay động. Nhưng thực chất, kính và thép là năng lượng trong trạng thái chuyển động không ngừng.
Chúng ta sống trong một đại dương của sự chuyển động!
Cái chúng ta học được từ bài học này là: trong mỗi con người có một nguồn sức mạnh quyền năng, lớn hơn bất cứ trường hợp, tình huống nào xung quanh bạn – bạn có quyền tự do suy nghĩ. Và suy nghĩ ấy có vai trò định hướng, điều động sức mạnh đưa bạn tới những điều bạn chọn trong cuộc đời.
Tuy nhiên, đây là điều bạn cần phải hiểu …
Hấp dẫn vô thức và hấp dẫn tự giác
Bất cứ thứ gì bạn nghĩ đến – dù tốt hay xấu – bạn cũng sẽ hấp dẫn nó vào trong cuộc sống.
Hấp dẫn vô thức là điều xảy ra khi chúng ta để cho những suy nghĩ thiếu kiểm soát của mình tự do hoạt động.
Lo lắng về việc thoát khỏi nợ nần – và đó cũng là cái bạn hấp dẫn – nợ nhiều hơn
Lo lắng về tuổi tác – và bạn sẽ bắt đầu cảm nhận rõ rệt dấu hiệu của tuổi già.
Lo lắng liệu anh ấy/cô ấy có yêu bạn – bạn đang làm mối quan hệ của mình trở nên xấu đi.
Tất cả những lo lắng sẽ chỉ khiến những điều bạn không muốn tiến lại gần với bạn.
Lo lắng và rồi bạn sẽ phải hối tiếc.
Và điều này nghe có vẻ sợ hãi… mọi suy nghĩ vô thức sẽ hấp dẫn những điều bạn nghĩ vào trong cuộc sống của bạn.
Thế nhưng, đừng lo lắng, bởi một quá trình ngược lại vẫn luôn tồn tại.
Moi suy nghĩ tích cực, vui vẻ, lạc quan đều giúp bạn hấp dẫn những điều tốt đẹp mà bạn nghĩ vào cuộc sống.
Dưới đây là công thức mà chúng tôi muốn các bạn hiểu
Ý nghĩa của công thức này là, suy nghĩ song hành với yếu tố cảm xúc sẽ tạo ra lực hấp dẫn.
Cảm xúc có sức mạnh lớn lao. Nghĩ về một mục tiêu mà bạn chỉ thấy… thinh thích sẽ không thể giúp bạn nhanh chóng về đích. Nhưng, khi nghĩ về một mục tiêu, bạn vô cùng quyết tâm, hăm hở, bạn sẽ phăng phăng về đích với những niềm vui chào đón. Bây giờ, hãy bổ sung sức mạnh cho những suy nghĩ của bạn, và vận dụng bài bản luật hấp dẫn.
Nếu suy nghĩ là cỗ xe đưa bạn về đích, thì cảm xúc chính là nhiên liệu giúp duy trì hoạt động của động cơ.
Một tin vui là, những suy nghĩ tích cực thường có quyền năng hơn nhiều so với những suy nghĩ tiêu cực.
Vì thế, hấp dẫn những điều tốt đẹp cũng thường dễ hơn là hấp dẫn những điều tồi tệ.
Hãy nhận trách nhiệm với cuộc sống hiện tại của mình, nếu không, bạn sẽ không thể thay đổi!
Nếu luật hấp dẫn đơn giản như vậy, vậy tại sao lại không có nhiều người giàu, tại sao bao người mãi cứ bằng lòng với những gì mình đang có?
Hầu hết mọi người đều không có ý thức chịu trách nhiệm với kết quả hiện tại. Họ thực tâm tin rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng hiện nay của họ là vì những yếu tố bên ngoài, khách quan mà họ không có khả năng khống chế, kiểm soát.
Hầu hết mọi người đều không ý thức về các quy luật. Bạn hấp dẫn vào trong cuộc sống tất cả những gì nằm trong suy nghĩ và cảm xúc của bạn.
Biện pháp chìa khóa để vận dụng đúng đắn luật hấp dẫn chính là hiểu rằng, bạn phải chịu trách nhiệm 100% về tất cả mọi thứ đã và đang diễn ra cuộc sống của bạn. Ở mức độ nào đó – vô thức hay tự giác, bạn cũng đã hấp dẫn mọi thứ từ con người, nghề nghiệp, ý tưởng, bệnh tật, niềm vui, đau đớn vào cuộc sống của mình.
Điều này đưa tới một số câu hỏi thú vị … những người là nạn nhân của hành vi tội phạm hay chiến tranh cũng hấp dẫn những thứ như vậy vào cuộc sống của mình? Khi bạn nhận ra rằng, bạn là người làm nên cuộc sống của chính bạn, bạn sẽ thấy, bạn có sức mạnh để thay đổi cuộc sống ấy theo hướng mà bạn muốn.
Thông thường chúng ta cứ để thế giới bên ngoài điều khiển thế giới bên trong của mình.
Chúng ta phải đảo chiều lại. Suy nghĩ quy định cái chúng ta hấp dẫn!
Chúng ta phải để thế giới bên trong chỉ đạo thế giới bên ngoài!
Làm thế nào để vận dụng luật hấp dẫn phù hợp với lợi ích của bạn?
Hãy nhìn nhận và đánh giá khách quan những kết quả bạn đã đạt được trong cuộc sống và tự trả lời những câu hỏi sau trong đầu:
Những mối quan hệ của bạn ra sao?
Bạn đang yêu?
Bạn bè của bạn thế nào?
Cách bạn nói chuyện với các thành viên trong gia đình?
Thu nhập của bạn?
Sự nghiệp của bạn?
Sức khỏe của bạn?
Bạn NGHĨ sao về hình thể của mình?
Nếu bạn không thích những kết quả hiện tại của mình, bạn cần phải thay đổi suy nghĩ. Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn nói với bạn về luật hấp dẫn.
Vũ trụ vô cùng kỷ luật. Không có cái gì xảy ra một cách ngẫu nhiên. Những hình ảnh bạn lưu giữ trong đầu ngay lập tức sẽ tạo thành lực hấp dẫn để điều chỉnh những kết quả của bạn trong cuộc sống.
Bạn là một cục nam châm biết thở và biết suy nghĩ. Khi bạn đọc bài viết này, sự vật, điều kiện, các tình huống và con người mà bạn biết, thậm chí những người bạn chưa biết – như một binh đoàn đang “tiến” về phía bạn, giúp bạn hiện thực hóa những hình ảnh trong đầu. Bạn có muốn những binh đoàn này giúp đỡ bạn không?
Là một phật tử thực dụng, tôi cảm thấy hoài nghi khi đối diện với dịnh luật vạn vật hấp dẫn (Law of attraction -LOA) . Rất nhiều thứ tôi thấy đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều . Nhưng càng nghĩ về nó, tôi càng muốn biết về nó hơn . Tôi không dám đi quá xa để nói rằng đức Phật chính là một thành phần của luật hấp dẫn, tôi nghĩ rằng giữa phật giáo và định luật hấp dẫn có nhiều mối tương đồng với nhau .
Chúng ta tạo ra thế giới của mình thông qua suy nghĩ
Theo định luật hấp dẫn, chúng ta tạo ra thế giới của riêng mình thông qua suy nghĩ của mình .Đây không phải chỉ là suy nghĩ có nhận thức mà còn bao gồm cả suy nghĩ không nhận thức, những niềm tin, thái độ, tình cảm . Ví dụ như chúng ta không có tiền và có một cái nhìn thê lương với những gì chúng ta có . Trong thế giới phương tây, chúng ta có mẫu hình của Ebenezer Scrooge. Trong thế giới phật giáo, chúng ta gọi là "ma đói." Cả hai nhận định đều có chung nhận thức rằng chúng ta không bao giờ cảm thấy đầy đủ và thỏa mãn . Và có hàng ngàn cách mà họ tác động với thế giới của mình thông qua những hành vi, phương pháp vô cùng tinh tế . Những người phản ứng một cách tử tế sẽ giúp họ cũng cố niềm tin rằng sự tử tế đó vẫn không đủ với những gì cần làm .
Định luật hấp dẫn cũng cho rằng sự đảo nghịch là đúng . Nếu chúng ta đi xung quanh và mĩm cười, cảm giác rằng cuộc sống là giàu đẹp và chúng ta phải biết ơn về điều này, chúng ta sẽ hành động trong một tinh thần cởi mở, hào phóng và họ sẽ cố gắng phản ứng như vậy . Điều này không hề nghi ngờ gì với sự quán xét mà đức Phật đã dạy trong bài mở đầu kinh Pháp Cú :
"Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm làm chủ, ý tạo;
Nếu với tâm ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo."
Làm cách nào để có hạnh phúc?
Mọi người đều đang tìm cầu hạnh phúc và tìm kiếm những lời khuyên để cảm thấy tốt lành . Bộ phim nổi tiếng "Bí Mật" đã đi quá xa khi nói rằng mọi thứ làm chúng ta hạnh phúc là một trò chơi công bằng - một triệu đô la, một ngôi nhà mơ ước, một chiếc xe thể thao khêu gợi màu đỏ . Nó không ẩn ý chỉ ra rằng mỗi người chúng ta có một năng lực siêu nhiên mà mình có thể điều khiển được thế giới và mỗi chúng ta là trung tâm của vũ trụ . Nó cũng ngụ ý nói rằng sự lớn mạnh của tâm linh tất cả đều là niềm vui, nhẹ nhàng, thoải mái cứ như chúng ta nhảy từ cảm giác khoái cảm này đến cái tiếp theo .
Lời khuyên của Đức Phật
Vậy làm cách nào chúng ta có thể có hạnh phúc ? Ngài khuyên chúng ta nhìn nhận mọi vật không dính mắc, vọng tưởng, giảm bớt những giá trị vật chất, sống thanh đạm, hài lòng, tĩnh lặng và yêu thương mọi vật .
Không luyến ái và vọng tưởng :Cảm xúc và tham ái không làm chúng ta hạnh phúc . Chúng ta không phải là trung tâm của vũ trụ và nếu chúng ta sống với sự nhận xét đúng sai, tốt xấu, sống thỏa mãn với bản ngã của mình, chúng ta sẽ không thể có được hạnh phúc .
Giảm những nhu cầu vật chất và sống thanh đạm : Liệu tiền bạc và những thứ vật phẩm xa xỉ có làm chúng ta hạnh phúc không? Nếu vậy thì bạn hãy nghĩ lại đi . Hãy biết rằng mọi nguồn vui đều sẽ qua đi theo quy luật vô thường.
Hài lòng và sống tĩnh lặng : Hãy biết rằng mọi vật bên ngoài chúng ta không phải là nguồn hạnh phúc thật sự . Chúng ta phải tìm kiếm sự can đảm và thanh thản bên trong con người mình . Khi chúng ta an trú trong hiện tại sẽ giúp chúng ta có được năng lượng dồi dào nhất . Hãy xả bỏ mọi tham muốn, sợ hãi mà đòi hỏi mà hãy nhận biết cởi mởi những gì đang xảy ra và suy nghĩ về nó . Đó là con đường duy nhất giúp chúng ta tiến lên phía trước .
Năng lượng và hài lòng : Hãy nhìn về phía trước, nếu chúng ta đặt năng lượng và chú tâm vào những việc làm tốt, chúng ta sẽ có một năng lượng tốt lành trở lại với bản thân của mình . Chúng ta biết rằng mình đã đi đúng đường bởi vì hạnh phúc của mình lớn mạnh .
Kinh nghiệm đen tối
Hãy nhớ rằng không phải rộng mở, an trú trong hiện tại luôn luôn vui vẻ và dễ chịu .Chúng ta đều phải trải qua những thời khắc khi có những rắc rối xảy ra trong các mối quan hệ, bệnh tật mãn tính, mất mát lớn lao . Nội tâm của chúng ta cũng khó chịu với lo lắng, trầm cảm tương tự vậy .
Kinh nghiệm bản thân tôi chân thành nói rằng thỉnh thoảng con đường tốt nhất để vươn tới hạnh phúc là sống chung với bóng tối khổ đau . Thỉnh thoảng, khó khăn lớn nhất là nằm trong chúng ta, giới hạn mà chúng ta đặt ra có thể chịu đựng, kiểm soát và cảm thấy an toàn . Có một sức mạnh rất lớn khi chúng ta học cách sống với khổ đau, khó khăn và để nó trôi đi và nó sẽ thay đổi . Nhưng hơn thế nữa, khi chúng ta can đảm bước qua nó, chúng ta sẽ thấy điều mình muốn thấy . Chúng ta sẽ thay đổi sự sợ hải, tầm nhìn hạn chế để vương đến một điểm khác cao hơn, khôn ngoan hơn . Chúng ta có một con đường riêng biệt để bước qua và không lớn, trưởng thành và đó là một phần quan trọng, cần thiết của cuộc sống .
Hãy nhớ rằng không phải chỉ riêng chúng ta hành động, suy nghĩ như vậy mà chúng ta là một phần trong mạng lưới liên kết cuộc sống và con người với nhau . Mọi thứ chúng ta biết và trải qua sẽ dạy cho chúng ta những điều bổ ích để trưởng thành . Bằng cách tiếp tục phấn đấu cho những ảnh hưởng tích cực với thế giới, chúng ta sẽ tạo ra một nơi tốt đẹp hơn không chỉ cho chúng ta mà cho cả mọi người xung quanh chúng ta .
Ánh Thái Dương dịch
Đã muốn liễu sanh tử ngay trong đời này thì phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thật sự vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật.(Ấn Quang Đại Sư)
Phát Lòng Bồ Đề Một Hướng Chuyên Niệm
Nhiếp Cả Sáu Căn Tịnh Niệm Tương Tục
http://tinhkhongphapngu.net/
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top