đề
ĐỀ 1
Phần I: Đọc hiểu (2 điểm)
Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 3:
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)
Câu 1: Đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2: Đoạn văn trên nói về điều gì?
Câu 3: Phân tích đặc điểm về các phương tiện diễn đạt trong đoạn văn trên?
Phần II. Làm văn (8 điểm)
Câu 1: Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói của một nhà văn Nga: "Nơi lạnh nhất không phải Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương?" (3 điểm)
Câu 2: Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh. (5 điểm).
Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11
PHẦN I: Đọc - hiểu (2 điểm)
Câu 1: Đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận (0.5 điểm)
Câu 2: Đoạn văn thể hiện rõ lập trường chính trị của người viết: Khẳng định truyền thống yêu nước của dân ta và sức mạnh của lòng yêu nước. (0.5 điểm)
Câu 3: Về các phương tiện diễn đạt. (1 điểm)
Đoạn văn dùng nhiều từ ngữ chính trị: dân ta, yêu nước, truyền thống, Tổ quốc, xâm lăng, tinh thần, lũ bán nước, lũ cướp nước, quý báu,...Các câu văn đều được cấu tạo mạch lạc, chặt chẽ: hai câu đầu là câu đơn có đủ thành phần chính, câu thứ ba là câu ghép có trạng ngữ và bốn vế đẳng lập.Đoạn văn dùng các biện pháp tu từ để tăng cường tính hấp dẫn và biểu cảm: lập luận chặt chẽ, những hình ảnh so sánh, ẩn dụ...
PHẦN II: Làm văn (8 điểm)
Câu 1: Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói của một nhà văn Nga: "Nơi lạnh nhất không phải Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương?"(3 điểm)
HS có thể làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau:Giới thiệu vấn đề cần nghị luậnTình cảm giữa con người với con người là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quýGiải thích câu nói: so sánh cái lạnh của đất trời và cái lạnh của lòng người để khẳng định tầm quan trọng của tình thương đối với con ngườiTại sao nói thiếu tình thương là nơi lạnh nhất?Con người không ai có thể sống một mìnhThiếu tình thương con người không được chia sẻ khó khăn, cô đơn, bơ vơThiếu tình thương, sự ủng hộ con người không có động lực để sống, không bù đắp được những thiếu sót do thiếu tình thương gây raCon người cần yêu thương quan tâm chia sẻ với nhau ngay từ những điều nhỏ nhất
Câu 2: Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh (5 điểm)
Học sinh có thể làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những kiến thức sau đây:
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Chiều tối: Hai câu đầu đã tái hiện thời gian và không gian của buổi chiều tối ở chốn núi rừng nơi đất khách quê người. Lúc ấy, người tù bất chợt nhìn lên bầu trời, Người thấy cánh chim đang mải miết bay về tổ. Chòm mây đang chầm chậm trôi. Cánh chim bay về tổ có ý nghĩa báo hiệu thời gian của buổi chiều tối.
Hình ảnh cánh chim nhỏ trên bầu trời vào buổi chiều tối đã xuất hiện rất nhiều trong văn thơ. Trong ca dao, tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, Bài Tràng Giang của Huy Cận.
Cánh chim trong bài, không phải là cánh chim bay trong trạng thái bình thường, mà bay mệt mỏi, bay mải miết cho kịp về tổ khi màn đêm buông xuống. Qua hình ảnh cánh chim mỏi mệt, người đi đường còn tìm thấy sự tương đồng hòa hợp với cảnh ngộ và tâm trạng của mình. Vào lúc chiều tối, Người vẫn đang bị dẫn đi từ nhà lao Tĩnh Tây mà không biết đâu là chặng nghỉ cuối cùng của một ngày. Câu thứ hai tiếp tục phát họa không gian, thời gian. "Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không". Chòm mây cô đơn, lẻ loi và lặng lẽ, lững lờ trôi giữa không gian rộng lớn của trời chiều.
Bức tranh đời sống sinh hoạt của con người: hình ảnh người thiếu nữ xay ngô lúc chiều tối, hai câu thơ cuối không gian thu hẹp lại, tầm quan sát của tác giả gần hơn. Tác giả quan sát "cô em xóm núi" đang"xay ngô" đến câu cuối tác giả quan sát cảnh vật theo sự vận động không ngừng của thời gian: "Xay hết lò than đã rực hồng". Khi ngô xay xong thì lúc trời đã tối, lò than đã rực hồng. Bức tranh cảnh trời mây đã nhường chỗ cho bức tranh sinh hoạt ấm áp trên mặt đất. Hiện lên trong hai câu thơ là hình ảnh một thiếu nữ nơi xóm núi với công việc lao động bên bếp lửa gia đình
Giữa bức tranh thiên nhiên, hình ảnh người thiếu nữ lao động hiện lên thật trẻ trung, khỏe mạnh và sống động. Chính cuộc sống lao động bình dị đó càng trở nên đẹp và đáng quý vào lúc chiều tối ở chốn núi rừng.
Tâm trạng của tác giả:
Hai câu thơ đầu là bức tranh chiều buồn nơi đất khách quê người. Điều đó khẳng định: dù trong hoàn cảnh chuyển lao mệt mỏi, cô đơn nhưng tâm hồn thi nhân vẫ rung động trước thiên nhiên, cảnh vât. Người vẫn luôn có sự quan sát tinh tế và nhận ra được những nét riêng của thiên nhiên lúc chiều tối. Phải có tâm hồn phóng khoáng, có phong thái ung dung. Người mới có thể phác họa được bức tranh về cảnh vật bằng thơ sinh động và hấp dẫn đến như vậy
Hai câu thơ cuối cho ta thấy thi nhân đã tìm thấy sức sống và niềm vui từ một mái ấm gia đình nới đất khách quê người: hình ảnh cô thiếu nữ xay ngô và hình ảnh lò han đã rực hồng gợi lên một mái ấm gia đình. Bác không hề cảm thấy bị lẻ loi, bị tách biệt khỏi cuộc sống. Hai câu thơ cho ta thấy được niềm lạc quan, tin tưởng của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh tù đày.
ĐỀ 2
Phần I. Đọc hiểu (4,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 3:
Thời gian đã lùi xa, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Đó là bài học về tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa chống giặc ngoại xâm, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù cho chúng có mạnh tới đâu.
Bài học về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Bài học về phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường và sáng tạo, tìm tòi, xác định đúng đường lối cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Bài học về xây dựng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân – nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
(Trích: Diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại lễ Mít tinh, diễu binh,
diễn hành kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 – 7/5/2014)
Câu 1. Chỉ ra phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên? (0,5 điểm)
Câu 2. Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích? (0,5 điểm)
Câu 3. Anh/chị hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng Chiến thắng Điện Biên Phủ "mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử"? (1,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 4 đến Câu 6:
...Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
"Cục...cục tác cục ta"
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ...
(Trích: Tiếng gà trưa – Xuân Quỳnh)
Câu 4. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên? (0,5 điểm)
Câu 5. Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là ai? Nêu nội dung chính của đoạn thơ? (0,5 điểm)
Câu 6. Cảm nhận của anh/chị về ba dòng thơ cuối? Trả lời trong khoảng 5 - 7 dòng. (1,0 điểm)
Phần II. Làm văn (6,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hai đoạn thơ sau:
Sóng gơn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
(Trích: Tràng giang – Huy Cận,
Ngữ văn 11B, tập 2, NXB Giáo dục, Tr29)
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Trích: Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử,
Ngữ văn 11B, tập 2, NXB Giáo dục, Tr39).
Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11
Phần 1:
1. PCNN: chính luận
2. Câu chủ đề: Thời gian đã lùi xa, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
3. Nói: chiến thắng ĐBP là "mốc son chói lọi trong lịch sử", vì:
Thể hiện tầm quan trọng của chiến thắng ĐBP.Đất nước bước sang thời kì mới, thời kì độc lập, tự chủ, xây dựng XHVN. Đảng và nhân dân xây dựng, củng cố vững chắc quân đội, hậu phương để tiến hành đấu tranh giải phóng miền Nam.
4. PTBĐ chính: biểu cảm
5. Nhân vật trữ tình: người chiến sĩ
ND chính: tâm trạng của người chiến sĩ trên chặng đường hành quân.
6 Cảm nhận:
Về NT: điệp từ ; ẩn dụ (ẩn dụ chuyển đổi cảm giác)
Về ND:
Tiếng gà trưa được tác giả cảm nhận bằng cảm xúc.Xua tan những mệt mỏi trên chặng đường hành quân xa.Gợi nhắc về những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ.
Phần 2:
MB. HS biết dẫn dắt vào đề và giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
* Vài nét về tác giả, tác phẩm, đối tượng nghị luận:
Huy Cận là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới và thơ sau CMT8. Hồn thơ đậm chất cổ điển và giàu suy tư triết lý, nổi bật là cảm hứng thiên nhiên tạo vật. Tràng giang là một bài thơ xuất sắc thể hiện nỗi buồn sầu trước tạo vật mênh mông, hoang vắng, đồng thời bày tỏ lòng yêu nước kín đáo. Đoạn trích thuộc khổ thơ đầu tiên trong bài thơ.Hàn Mặc Tử: là nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới, cuộc đời bi thương, hồn thơ phong phú, kì lạ, sức sáng tạo mạnh mẽ, luôn bộc lộ một tình yêu đau đớn hướng về trần thế. ĐTVD là thi phẩm xuất sắc thể hiện thể hiện tấm lòng thiết tha đến khắc khoải của nhà thơ với thiên nhiên và cuộc sống. Đoạn trích thuộc khổ 2 của văn bản.
TB.
*Cảm nhận vẻ đẹp ND, NT của 2 đoạn thơ:
Đoạn thơ 1: Tràng giang (Huy Cận):
ND:
Cảnh sông Hồng và tâm trạng của thi nhân.3 câu đầu mang đậm màu sắc cổ điển, vẽ lên hình ảnh con thuyền nhỏ nhoi lênh đênh, trôi dạt trên sông rộng lớn, mênh mong gợi cảm giác buồn, cô đơn, xa vắng, chia lìa...Câu thơ 4 mang nét hiện đại với hình ảnh rất đời thường: cành củi khô trôi nổi gợi cảm nhận về những thân phận, kiếp người nhỏ bé, bơ vơ giữa dòng đời.Đằng sau bức tranh thiên nhiên là tâm trạng của cái tôi bơ vơ, lạc lõng trước vũ trụ; là niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời.
NT: Bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, tả cảnh ngụ tình, ẩn dụ, thể thơ, nhịp điệu... vừa mang tính cổ điển vừa hiện đại....
Đoạn thơ 2: Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử):
ND: cảnh hoàng hôn thôn Vĩ và niềm đau cô lẻ, chia lìa.
2 câu đầu: bao quát toàn cảnh với hình ảnh gió, mây, chia lìa đôi ngả; "dòng nước buồn thiu" gợi nỗi buồn hiu hắt.2 câu sau: tả dòng sông Hương trong đêm trăng lung linh, huyền ảo, vừa thực vừa mộng.Đằng sau cảnh vật là tâm trạng vừa đau đớn, khắc khoải vừa khao khát cháy bỏng của thi nhân.
NT: Hình ảnh thơ vừa thực vừa ảo, có tính tượng trưng, giàu sức gợi. Phối hợp tả cảnh ngụ tình với trực tiếp biểu cảm; dùng cấu trúc đối lập, phép nhân hóa, câu hỏi tu từ...
*So sánh 2 đoạn thơ:
Vẻ đẹp chung:
2 đoạn thơ tiêu biểu cho Thơ mới, đều là những bức tranh tâm cảnh.Hình ảnh ngôn ngữ giản dị, gần gũi; mượn cảnh sông, nước, con thuyền ...để gợi sự chia lìa, cô đơn.Tâm trạng thi nhân: buồn, cô đơn, bế tắc trước cuộc sống...nhưng thiết tha yêu đời, yêu người.
Vẻ đẹp riêng:
Hoàn cảnh sáng tác:
Tràng giang: cảm xúc trước sông Hồng mênh mông, ngậm ngùi về thân phận nhỏ bé của mình trước trời đất vô cùng.ĐTVD: gợi cảm hứng từ 1 mối tình, khi nhà thơ mắc bệnh sắp lìa cõi đời.
Thời gian, không gian NT:
TG: buổi chiều, sông HồngĐTVD: đêm trăng, sông Hương
Vẻ đẹp cái tôi trữ tình:
TG: nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người, tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà tha thiết.ĐTVD: đoạn thơ bộc lộ thế giới nội tâm đầy uẩn khúc, khát khao mãnh liệt tình yêu nhưng vô vọng, mơ tưởng tình người, tình đời; nỗi niềm lo âu cho hạnh phúc, khát khao được sống...
Về nghệ thuật: mỗi nhà thơ có cách biểu đạt riêng.
KB. Khái quát vấn đề nghị luận
ĐỀ 4
Câu 1: (4 điểm)
"Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn."
Anh/chị có suy nghĩ gì về lời nhắn gửi với tuổi trẻ ngày nay?
Câu 2: (6 điểm) Học sinh chọn một trong hai câu để làm.
Câu 2A: Ban Cơ bản
"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;"
(Vội vàng – Xuân Diệu)
Hãy phân tích đoạn thơ trên để thấy được khát vọng sống mãnh liệt của nhà thơ khi đón nhận cuộc sống tươi đẹp.
Câu 2B: Ban Nâng cao
Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ "Từ ấy".
Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11
Câu 1 (4 điểm): Nghị luận xã hội:
Giải thích:Sống chậm lại: là để cảm nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống, để nghĩ về cuộc sống và những người xung quanh nhiều hơn, để đừng lướt qua nhau một cách vội vã; để lấy lại cân bằng trong cuộc sống, cho ta khoảng lặng để rút ra kinh nghiệm từ những thất bại và hy vọng cho tương lai, giúp tâm hồn người trẻ tuổi trở nên thâm trầm, sâu sắc, chính chắn và trưởng thành hơn.Suy nghĩ khác đi: là biết nhìn nhận đánh giá, lựa chọn những lối đi riêng, có thể hiểu là những lối suy nghĩ tích cực, vượt lên hoàn cảnh khó khăn để không rơi vào chán nản, tuyệt vọng, biết lắng nghe lòng mình.Yêu thương nhiều hơn: biết nghĩ, biết quan tâm, chăm sóc và hướng tới người khác nhiều hơn, biết sống vị tha, bao dung, sẻ chia và làm cuộc sống tốt đẹp.Bàn bạc:Sống chậm không có nghĩa là chậm chạp, lạc hậu mà sống một cách kỹ lưỡng, tránh những ồn ào, hỗn tạp, tránh sống gấp, sống ẩu, sống vì mục đích tầm thường.Sống suy nghĩ khác không phải là những cách suy nghĩ, cách nhìn lập dị, mà phải suy nghĩ đem lại sự sống cho bản thân có sắc thái tích cực và có ích, đem lại những điều ý nghĩa, lớn lao cho cuộc sống xã hội.Yêu thương nhiều hơn, cho đi nhiều hơn thì ta lại được nhận về nhiều hơn.Phê phán lối sống thực dụng, cá nhân, cơ hội, sống gấp, thờ ơ, vô cảm... trong một bộ phận tuổi trẻ hiện nay.Rút ra những bài học – hành động cho bản thân:Biểu điểm:Điểm 4: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên.Lập luận chặt chẽ, diễn đạt tốt, không sai ngữ pháp chính tả.Điểm 3: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên. Lập luận khá tốt, mắc một vài lỗi diễn đạt, dùng từ...Điểm 2: Đáp ứng ½ yêu cầu trên. Lập luận chưa chặt chẽ, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ...Điểm 1: Diễn đạt lúng túng, mắc khá nhiều lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả...Điểm 0: Lạc đề.
(Ghi chú: Nếu viết một đoạn văn NL điểm tối đa: 1đ)
Câu 2 (6 điểm): Chọn một trong hai đề sau:
- Yêu cầu về kỹ năng: Nắm vững kỹ năng làm văn nghị luận văn học. Hiểu đúng yêu cầu đề.Thể hiện sự cám nhận sâu sắc, tinh tế. Trình bày bố cục chặt chẽ, văn mạch lạc, có cảm xúc...
2a: Cảm nhận về đoạn thơ trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu....
- Yêu cầu về kiến thức:
Cảm nhận về đoạn thơ:Đoạn thơ mở đầu bằng 4 câu ngũ ngôn chứa đựng những khát vọng mãnh liệt và táo bạo của thi nhân. Điệp ngữ "Ta muốn" kết hợp động từ mạnh "tắt, buộc" → làm nổi bật khát vọng của nhà thơ.Vẻ đẹp của thiên nhiên:Gần gũi, thân quen (nắng gió, hoa lá, ánh sáng, âm thanh); tươi đẹp, tràn đầy sức sống, niềm vui (đồng nội xanh rì, cánh tơ phơ phất, thần vui gõ cửa...); tình tứ, quyến rũ (ong bướm, tuần tháng mật, ngon như một cặp môi gần...)Thiên nhiên được diễn đạt bằng những hình ảnh mới lạ; ngôn từ gợi cảm, tinh tế với nhiều biện pháp tu từ đặc sắc (nhân hóa, so sánh, điệp ngữ...)Cái tôi trữ tình:Cái tôi ý thức cá nhân mạnh mẽ đầy lòng tham muốn: cách nhìn đời trẻ trung qua lăng kính tình yêu. Vẻ đẹp của con người được nhà thơ lấy làm chuẩn mực cho cái đẹp của tự nhiên; tình cảm thiết tha, rạo rực, đắm say vừa vội vàng quyến luyến do cảm nhận được bước đi của thời gian.Cái tôi trữ tình được thể hiện bằng giọng điệu say mê; nhịp điệu gấp gáp, từ ngữ táo bạo.Đánh giáThiên nhiên tràn đầy sức sống và xuân tình; lối thể hiện rất hiện đại.Cái tôi thiết tha gắn bó với trần thế và khát khao thụ hưởng những hương sắc trần gian; biểu hiện một quan niệm sống tích cực.
2b: Cảm nhận về tâm trạng của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ "Từ ấy"
- Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở những hiểu biết về nhà thơ Tố Hữu và bài thơ "Từ ấy", HS có thể trình bày theo nhiều cách song cần hợp lý chặt chẽ, thuyết phục...
Khổ 1: Niềm vui sướng, say mê mãnh liệt của tác giả trong buổi đầu gặp gỡ lý tưởng cộng sản.Khổ 2: cảm nhận và quyết tâm dấn bước thực hiện quan niệm mới về lẽ sống. Đó là lẽ sống gắn bó, chan hòa với mọi người.Khổ 3: Niềm xúc động chân thành khi cảm nhận tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ, những kiếp phôi pha, những con người không có áo cơm cù bất cù bơ.
Đánh giá:
Qua nghệ thuật diễn tả tâm trạng với những hình ảnh tươi sáng, giọng thơ sảng khoái, nhịp thơ dồn dập sôi nổi, các biện pháp tu từ: ẩn dụ, so sánh, điệp từ, bài thơ Từ ấy là bài ca tâm trạng vui sướng, say mê, cảm động và quyết tâm gắn bó với quần chúng nhân dân lao khổ, bị đọa đày của một thanh niên trong buổi đầu giác ngộ CM.
- Biểu điểm:
Điểm 6: Đáp ứng các yêu cầu trên. Bài viết mạch lạc, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp chính tả.Điểm 4,5: Đáp ứng 2/3 yêu cầu trên. Còn mắc một số lỗi diễn đạt.Điểm 3: Đáp ứng được ½ yêu cầu trên. Còn mắc một số lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.Điểm 2: Bài viết sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, ngữ pháp.Điểm 1: Phân tích quá sơ sài, diễn đạt còn yếu.Điểm 0: Lạc đề hoặc bỏ giấy trắng
Tản Đà tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu. Quê: Làng Khê, Thượng, Bất Bạt, Sơn Tây (nay là Ba Vì - Hà Nội) (0,5đ)
Dấu ấn " người của hai thế kỉ: (2,5đ)
Sinh 1889 ( Thế kỉ XIX) mất 1939 (thế kỉ XX)Sinh ra khi Hán học đã tàn nhưng lớn lên khi Tây học mới bắt đầuXuất thân trong gia đình quan lại phong kiến, từng theo học chữ Hán và con đường khoa cử nhưng viết văn bằng chữ quốc ngữ và sinh sống bằng nghề văn.Là nhà nho, nhưng lại có lối sống phóng khoáng, không chịu ép mình trong khuôn khổ, chơi ngông với cuộc đời.Sáng tác chủ yếu theo các thể loại cũ nhưng lại là người cho ra đời những bài thơ tự do và đem đến cho thơ ca một nguồn cảm xúc mới mẻ của cái tôi cá nhân.
ĐỀ 5
Đề bài: "Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ". Anh (chị) suy nghĩ thế nào về ý kiến đó.Dàn ý suy nghĩ về câu nói "Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ"
- Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận:
Ý kiến trên đề cập đến ba yếu tố góp phần làm hỏng một con người. "Hỏng" ở đây không chỉ hư hại về thể xác mà còn làm tổn hại đến tâm hồn, đạo đức con người. Thứ làm hỏng con người đầu tiên là rượu. Rượu gây nhiều tác hại cho con người về nhiều mặt, cả thể xác lẫn tinh thần. Nhưng nếu rượu gây hại nhiều hơn ở phương diện thể chất thì tính kiêu ngạo và sự giận dữ lại phá hủy mạnh mẽ nhân tính con người. Những tổn hại do chúng gây ra thật nghiêm trọng không kém rượu.Tính kiêu ngạo và sự giận dữ nếu tồn tại trong một con người thì nó sẽ là kẻ thù nguy hiểm của cuộc sống yên bình, hạnh phúc, thậm chí còn gây những bi kịch thương tâm.Quả đúng là: có ba thứ làm hỏng một con người: đó là rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ.
- Phân tích những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề bàn luận.
Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn, không phải ngẫu nhiên mà người ta nói đến ba yếu tố làm hỏng một con người là rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ.Ai cũng biết rằng rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ khi cùng tồn tại trong một con người thì chúng có thể hủy hoại hoàn toàn con người và gây tai họa cho người xung quanh. Chúng làm cho con người tê liệt, kiệt quệ về thể xác sau đó phá hủy trí tuệ, sự sáng suốt vốn có ở con người, làm cho cuộc sống và các mối quan hệ của con người ngày càng xấu đi.Có thể kể thêm những thứ làm hỏng con người như cờ bạc, ma túy, mại dâm ... Nếu con người không có nhận thức đúng đắn thì dù chỉ một trong số các thứ đó cũng sẽ gây hại con người. Vậy nên tất cả các thói xấu ấy đều bị lên án.
- Nêu ý nghĩa của vấn đề:
Mỗi người phải có nhận thức đầy đủ và hãy nói "không" với rượu, với tính kiêu ngạo, với sự tức giận và cả những thói xấu trong cuộc sống. Bản thân phải có bản lĩnh vững vàng. Hãy cùng cộng đồng xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục bằng mọi hình thức để loại trừ, tiêu diệt tận gốc những thứ làm "hỏng" con người nhằm góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp, văn minh.
ĐỀ 6
Dàn ý nghị luận xã hội: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình
1. Mở bài:
Con người ai cũng trải qua việc học, nhưng không phải ai cũng có ý thức xác định mục đích và mục đích đúng đắn của việc học.Mỗi thời đại, con người có mục đích học tập không giống nhau. Tổ chức UNESCO đã đề xướng... nhằm xác định mục đích học tập có tính toàn cầu.
2. Thân bài:
a. Giải thích và làm rõ từng nội dung trong đề xướng của UNESCO:
Học để biết:Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, trường học, từ thực tế cuộc sống "trường đời"."Học để biết" là mục đích đầu tiên của việc học. "Biết" là tiếp thu, mở mang, có thêm kiến thức về đời sống, tự nhiên, xã hội và con người. Con người từ chỗ chưa biết đến biết, biết ít đến biết nhiều, biết sơ sài đến biết sâu sắc, biết một lĩnh vực đến hiểu biết về nhiều lĩnh vực đời sống...Nhờ học, con người có những hiểu biết phong phú, tự làm giàu kho tri thức khoa học của mình, tạo được vốn sống sâu sắc...Quan trọng hơn, qua những tri thức đó, con người có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức bản thân, "biết người", "biết mình", biết giao tiếp, ứng xử với nhau sao cho "Đắc nhân tâm"...Học để làm:"Học để làm" là mục đích tiếp theo của việc học. "Làm" là vận dụng kiến thức có được vào thực tế cuộc sống. Đây là mục đích thiết thực nhất của việc học – "Học đi đôi với hành".Làm để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phục vụ nhu cầu cuộc sống của bản thân và góp phần tạo nên của cải cho xã hộiVí dụ: Người nông dân, kĩ sư, bác sĩ... đều mang kiến thức đã học được áp dụng vào thực tế, để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.Học mà không làm thì kiến thức có được không có ích, không bền vững, không được sàng lọc.Học để chung sống:Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học. "Chung sống" là khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử... để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ phức tạp của con người trong quá trình sống để không bị tụt hậu, lạc lõng. Đây là hệ quả tất yếu của việc "biết", "làm".Bởi lẽ, "con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội". Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.Học để tự khẳng định mình:Là mục đích sau cùng của việc học. "Tự khẳng định mình" là tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong cuộc đời. Mỗi con người chỉ có thể khẳng định mình khi có hiểu biết, có năng lực hành động, có khả năng chung sống.Từ việc học, mỗi người có cơ hội khẳng định tri thức mình tích lũy được; khẳng định khả năng lao động, sáng tạo; khẳng định nhân cách, phẩm chất...
b. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:
Nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO thật sự đúng đắn, đầy đủ, toàn diện.Mục đích học tập này thực sự đáp ứng, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu giáo dục, đào tạo con người trong thời đại ngày nay. Mục đích này không chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên mà còn dành cho tất cả những ai là người học. Vì thế, có thể coi đây là mục đích học tập chung, có tính chất toàn cầu.Từ mục đích học tập đúng đắn này, mỗi người học thấy rõ những sai lầm nhận thức về việc học: học không có mục đích; coi việc học là thực hiện nghĩa vụ với người khác; học vì bằng cấp; học vì thành tích; học mà không có khả năng làm, không biết chung sống, không thể khẳng định mình. Ví dụ: Học sinh không biết viết đơn xin nghỉ học đúng quy cách; kĩ sư giỏi, được đào tạo bài bản mà không chế tạo được những công cụ trong sản xuất nông nghiệp; có học vị, bằng cấp nhưng cách ứng xử thì vụng về, lối sống lại thiếu văn hóa...
c. Bài học về nhận thức và hành động của bản thân:
Mục đích học tập giúp con người, xã hội điều chỉnh được nhận thức về thời gian học: không chỉ học ở một giai đoạn mà phải học suốt đời; không chỉ học trong nhà trường mà cần phải học ngoài xã hội; người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy "làm người"...Mục đích học tập này giúp người học:Xác định rõ mục đích, động cơ và thái độ học tập.Ra sức học tập và rèn luyện, trang bị kiến thức về mọi mặt để có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng hội nhập quốc tế.Học phải đi đôi với hành để khẳng định mình. Sống có ích cho cuộc đời và cho gia đình, xã hội.
3. Kết bài:
Khẳng định vai trò của học tập: học để không bị ngu dốt, nghèo nàn và lạc hậu. Học để khẳng định sự thành đạt của cá nhân và sự tiến bộ của nhân loại.Liên hệ bản thân: Đã xác định được mục đích đúng đắn cho việc học của mình chưa? Cần phải làm gì để đạt được mục tiêu ấy?
ĐỀ 8
Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương
Một trong những thử thách khó khăn nhất của loài người kể từ khi xuất hiện chính là thiên nhiên. Và kể từ lúc ấy, con người luôn khao khát làm chủ được vạn vật. Tới ngày nay, từ đỉnh núi Everest cao nhất thế giới đến khe nứt Maria sâu thẳm dưới lòng Thái Bình Dương, từ sa mạc Shahara với biên độ nhiệt lên tới hơn 60oC trong ngày đến Bắc Cực không bao giờ biết tới mùa hè..., tất cả đều đã có dấu chân con người. Làm chủ thiên nhiên thật khó, nhưng không phải là không thể. Tuy nhiên, có những khó khăn gây ra bởi chính con người thì thật sự không dễ dàng. Ý thức được điều đó, M.Go-rơ-ki đã nói "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương".
Bắc Cực không phải là một lục địa, vị trí bao trọn từ 60o đến 90o vĩ Bắc mang lại cho nó cái giá lạnh ngăn cản và thách thức bất cứ ai muốn đặt chân đến nơi đây. Nhiệt độ trung bình năm luôn dưới 0oC, băng tuyết dày vĩnh cửu đông cứng và những trận bão tuyết trên 200km/h luôn sẵn sàng ập tới nơi đây bất cứ lúc nào. Nhưng đó vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất. Nhắc tới Bắc Cực, người ta run lên bởi cái lạnh của nó, một cái lạnh được gợi tới như những nhát dao vô hình. Mạnh mẽ và ầm ĩ, cái lạnh cắt da cắt thịt cứ xâm chiếm làm nhiều người phải gục ngã, khiếp sợ...
Nhưng đó đã là nơi lạnh lẽo nhất chưa? Chưa! Thật may mắn vì kỉ băng hà đã qua và trước khi nó quay lại trong vài tỉ năm nữa, chúng ta không tội gì phải đến Bắc Cực nếm thử cái lạnh cùng cực kia. Hãy cứ ở trong nhà cùng lò sưởi và một ly cà phê ấm nóng nếu mùa đông có gõ cửa. Tuy nhiên điều đó cũng không giúp bạn tránh khỏi một cái lạnh còn hơn cả Bắc Cực, nhất là khi cái lạnh đó xuất phát từ con tim.
Như tác giả V.Huy-gô trong tác phẩm kinh điển "Những người khốn khổ" đã từng viết "Trên đời này chỉ có một việc duy nhất, đó là yêu thương nhau, thế thôi". Đó là việc duy nhất! Thế nhưng có rất nhiều người bất hạnh lại phải sống mà thiếu vắng tình thương yêu ấy. Nếu như những cơn gió cắt vào da thịt người ta ở Bắc Cực, thì ở nơi thiếu vắng tình thương, nỗi cô đơn tha hồ vùng vẫy, gặm nhấm trái tim người ta. Và nỗi đau đó, thực sự là vượt quá sức chịu đựng của bất kì ai. Và nếu ta không kịp thời quan tâm tới họ, thật khó để cứu họ thoát khỏi nơi lạnh lẽo đó. Nỗi buồn cô đơn lạnh lẽo vì thiếu tình thương sẽ còn dai dẳng đeo bám họ. Quả thực không có cái lạnh nào có thể so sánh với cái lạnh ở nơi không có tình yêu thương.
Cô bé bán diêm với hình ảnh đáng thương, đi chân đất, mặc quần áo mỏng manh đi trong đêm Nô-en băng giá chính là minh chứng rõ nhất cho nỗi đau thiếu yêu thương. Những tưởng việc phải đi bán diêm trong đêm lạnh đã là quá sức đối với bất cứ ai, nhưng với em thì không. Em không sợ phải đi trong đêm lạnh ấy, mà em sợ về nhà. Kể từ khi mẹ và bà qua đời, em đã mất đi hơi ấm của tình yêu thương. Người bố vô tâm đã làm đóng băng trái tim bé nhỏ ấy. Nỗi đau thiếu yêu thương như những rễ cây nhỏ li ti, xuyên ngang và làm rạn nứt tâm hồn em. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau này? Đêm Nô-en đã trở thành ác mộng. Que diêm cuối cùng được quẹt lên, không phải để sưởi ấm đôi bàn tay đã đóng băng, mà là để sưởi ấm trái tim sắp tắt. Con người ta quả thực không thể sống mà thiếu tình yêu thương!
Ngày nay, vì nhiều lí do khác nhau mà có quá nhiều người phải sống ở nơi thiếu vắng tình yêu thương, họ cần nhận được sự giúp đỡ của xã hội cả về vật chất và tinh thần. Và mỗi chúng ta, hãy quan tâm và yêu thương những người xung quanh nhiều hơn. Vì ai cũng có sẵn yêu thương và ai cũng cần điều đó. Biết đâu, ai đó hàng ngày vẫn tươi cười mà hàng ngày lại đang phải chịu đựng nỗi đau đơn độc? Chỉ có yêu thương mới cứu vớt được những trái tim cô đơn!
M.Go-rơ-ki đã thật tài tình khi thức tỉnh những người dân Nga về tầm quan trọng của tình yêu thương dưới thời bạo hành của Nga hoàng. Đó mãi mãi là câu nói bất hủ của mọi thời đại cho mọi dân tộc trên thế giới. Tôi cần, bạn cần, tất cả mọi người đều cần tình yêu thương, bởi đơn giản một điều "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương".
ĐỀ 9
Dàn ý nghị luận xã hội: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động
1. Giải thích:
Đức hạnh là đạo đức và tính nết tốt của con người.Đức hạnh được thể hiện qua lời nói và những việc làm cụ thể, qua mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, xã hội... Hành động là thước đo phẩm giá của mỗi con người.
2. Phân tích, chứng minh:
Ý 1: Đức hạnh con người thể hiện ở hành động vì con người, vì sự sống:
Từ xưa, nhân dân ta đã ca ngợi và đề cao những hành động thiết thực mang lại lợi ích cho con người:Chàng Thạch Sanh: thật thà, dũng cảm, giàu lòng thương người, sẵn sàng cứu giúp kẻ bất hạnh (chém chằn cứu dân lành, giết đại bàng tinh cứu công chúa...)Lục Vân Tiên: Vẻ đẹp con người vị nghĩa qua hành động đánh tan bọn cướp cứu Kiều Nguyệt Nga.Có những câu tục ngữ khẳng định ý nghĩa quan trọng của hành động: "Nói hay không bằng cày giỏi". Nhân dân cũng phê phán, chê cười những kẻ: "Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa"; "Ăn thì ăn những miếng ngon/ Làm thì chọn việc cỏn con mà làm".
Ý 2: Phẩm chất cao quý của con người thể hiện ở hành động vì nước, vì dân:
Trong văn chương cũng như trong thực tế lịch sử có rất nhiều gương sáng hành động vì lợi ích của đất nước, nhân dân.Nguyễn Trãi: thực thi lời cha dạy, tìm minh chủ đánh đuổi giặc Minh cứu giang san (tìm về dưới cờ Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách làm cuộc kháng chiến chống giặc Minh, lập nên chiến thắng oanh liệt ngàn năm).Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ: đánh tan hai hơn hai mươi vạn quân Thanh đem lại cuộc sống thanh bình cho dân. Chiến thắng Đống Đa, Hà Hồi, Ngọc Hồi đã biến ý chí của vua Quang Trung thành hiện thực bằng hành động: "Đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen, đánh cho chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ"Chủ tịch Hồ Chí Minh: ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ, giành độc lập tự do, thành lập nên nước VNDCCH.Những tấm gương anh hùng liệt sĩ: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Trừ Văn Thố đem thân mình bít lỗ châu mai vô hiệu hóa hỏa lực đối phương, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn cứu pháo... là hành động dũng cảm, vì nước quên mình.
3. Đánh giá – mở rộng:
Ý kiến có ý nghĩa như kim chỉ nam cho mỗi con người trong cuộc sống, hướng con người sống trung thực và tích cực.Phê phán những lối sống, những hành động biểu hiện không xứng đáng là một con người đức hạnh: sống vị kỉ, chỉ nghĩ cho riêng mình, sống vô bổ, đua đòi, giả dối...
4. Bài học
Nhận thức: Hành động còn là dám nhìn thẳng vào những khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục để vươn lên, có tinh thần cầu tiến để thể hiện phẩm chất và đức hạnh của bản thân.Hành động: Hành động thiết thực của tuổi trẻ ngày nay là không ngừng học tập, tu dưỡng và rèn luyện để nâng cao trình độ hiểu biết để đáp ứng yêu cầu của xã hội, xứng đáng là người vừa có tài vừa có đức.
ĐỀ 10
Bài văn mẫu nghị luận xã hội về nghị lực sống của con người
Trong cuộc sống của chúng ta, có biết bao khó khăn mà ta cần phải vượt qua. Những khó khăn đó như một định luật tự nhiên để ta có thể phát triển và thăng tiến. Nhưng để có thể vượt qua được những khó khăn đó đòi hỏi chúng ta phải có sự kiên trì, bền bỉ. Và Nguyễn Bá Học đã có câu châm ngôn: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." Vậy bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu câu nói này của ông!
Đường đi ở đây có nghĩa là con đường mà chúng ta phải đi, phải vượt qua để tiến về phía trước. Trên đường đi của chúng ta chắc chắn sẽ phải có nhiều những con sông, những ngọn núi làm cho chúng ta khó có thể vượt qua. Nhưng con đường đó dù có bao nhiêu sông, bao nhiêu núi, nếu chúng ta không; ngại ngùng, lo âu, sợ hãi hay chán nản, chùn bước, buông xuôi thì ta vẫn có thể vượt qua được nó một cách dễ dàng. Nhìn chung, qua câu nói này, Nguyễn Bá Học muốn ngụ ý cho chúng ta rằng con đường đi cho dù khó mấy thì ta cũng vẫn có thể vượt qua, điều quan trọng là tâm ý của ta có kiên định để vượt qua những khó khăn mà con đường đó mang tới cho ta hay không? Nói sâu hơn thì con đường mà Nguyễn Bá Học muốn nói tới đó là đường đời, chúng ta phải dùng chính sức của mình để vượt qua nó, nếu chỉ biết dựa dẫm, nhờ vả mà không nỗ lực thì sẽ không tài nào vượt qua được.
Khó khăn như là một câu thách đố đòi hỏi chúng ta phải biết vượt qua chính mình bằng cách chỉnh đốn lại nội tâm và làm chủ bản thân. Chỉ có lòng kiên định và ý chí kiên trì bền bỉ mới có thể giúp ta vượt qua được những trở ngại của cuộc sống. Đó là một nền tảng mà bất cứ người nào cũng cần nên có. Chẳng hạn như chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, suốt một đời lo cho nước, cho dân, đi nhiều noi và làm đủ mọi việc. Con đường Người phải đi thật gian lao, vất vả nhưng với ý chí, quyết tâm, nghị lực phi thường. Người đã mang đến cho dân tộc ta ánh sáng của độc lập tự do, một cuộc đời ấm no, hạnh phúc.
Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều người không biết dùng sức mình để vượt qua khó khăn, họ chỉ biết dựa dẫm vào người khác. Những người đó là những người không biết vượt qua nhiệm vụ mà cuộc sống đã thử thách chúng ta, thật đáng bị xã hội phê phán. Không nói đâu xa, chỉ cần nói trong học sinh chúng ta. Khi làm bài kiểm tra, những bạn biết tự dùng sức mình để làm bài vẫn hơn những bạn không học mà quay cóp hay mở tập. Dù có thể điểm số khi phát ra của những bạn đó không cao bằng những bạn quay cóp nhưng những bạn đó có thể tự hào vì mình đã không làm những chuyện làm cho lương tâm mình ray rứt. Vì vậy, cho dù khó khăn có thế nào đi nữa thi chúng ta đừng nên nản lòng, hãy vững tâm bước tiếp, có như vậy ta mới có được những bài học sáng suốt để có thể vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Chúng ta không thể biết con đường này, hay nói cách khác là đường đời sẽ dẫn ta đến đâu nếu ta chưa thực sự đi qua nó. Có rất nhiều khả năng mà ta Không thể kiểm soát được. Điều duy nhất có thể làm là ta phải biết làm chủ mình, đưa ra quyết định thật đúng đắn và quyết tâm kiên trì theo đuổi đến cùng. Như vậy không sớm thì muộn ta cũng có thể vượt qua được nó. Cũng như chủ tịch Hổ Chí Minh đã dạy: " Không có việc gì khó - Chi sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên."
Chỉ cần có ý chí là chúng ta có thể vượt qua được mọi trở ngại cho dù trở ngại đó có lớn đến mức nào. Khó khăn càng lớn khi ước vọng càng cao, khó khăn càng không thể vượt qua khi khả năng làm chủ bản thân càng thiếu. Vậy tại sao chúng ta không thử quyết tâm, kiên trì theo đuổi một điều gì đó đến cùng để rồi ta có thể nhận được một thành quả lớn như ta đã mơ ước?
Cuộc sống luôn là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, còn biết bao nhiêu điều đang chờ đợi ta phía trước. Vì thế hãy dám nghĩ, dám quyết định và lựa chọn con đường đi cho chính bản thân mình, đừng nên chần chừ và do dự. Kiến thức, niềm tin, lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm kiên trì vượt khó sẽ là những người bạn đồng hành không thể thiếu của mỗi người chúng ta trên con đường đời ấy.
Văn mẫu về ý chỉ của con người
Có người đã từng nói: "Giữa lớp sỏi đá khô cằn cây hoa dại vẫn tốt lên và nở những chùm hoa thật đẹp". Vậy điều gì đã khiến cho cây hoa dại giữa một vùng sỏi đá khô cằn thiếu nước, thiếu chất dinh dưỡng ấy vẫn xanh tốt và hiến dâng cho đời những chùm hoa tuyệt đẹp? Đó chính là nhờ vào nghị lực sống, nó như một điểm tựa vững chắc giúp mỗi người chúng ta vượt qua khó khăn để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Vậy nghị lực sống là gì? Đó là những cố gắng quyết tâm vượt qua thử thách cho dù những thử thách đó có khó khăn, gian khổ đến đâu. Cuộc sống là như vậy, có ai thành công mà không phải nếm trải sự cay đắng, khổ cực, có ai bước đến đỉnh vinh quang mà không phải bước chân trên con đường đầy chông gai, nguy hiểm. Con đường nào cũng có những tảng đá dù lớn hay nhỏ cản trở những bước chân của chúng ta, con đường đi ấy chính là con đường đời của mỗi người còn tảng đá chính là những thử thách mà ta gặp phải trên con đường ấy, tảng đá nhỏ tượng trưng cho những sóng gió nhỏ mà ta có thể dễ dàng vượt qua, còn những tảng đá lớn là những thử thách khó mà đòi hỏi ta phải cố gắng, kiên trì mới có thể vượt qua được. Những lúc gặp khó khăn ấy, bạn sẽ làm gì? Kiên quyết cố gắng hay đi giật lùi những bước chân để về vạch xuất phát. Một số người họ sẽ dồn hết ý chí, nghị lực để vượt qua khó khăn ấy vì họ cho rằng sự thành công nào cũng phải trả giá bằng sức lực và ý chí. Như chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta đã nói:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Hay như Nguyễn Bá Học cũng từng khẳng định: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông". Anonymous cũng nêu lên quan điểm của mình về giá trị của ý chí và nghị lực như sau:
Khi của cải mất, chẳng cái gì mất cả
Khi sức khỏe mất, chỉ mất một vài thứ
Khi ý chí mất, chẳng còn gì nữa
Từ những câu nói bất hủ được coi là chân lí trên chúng ta có thể khẳng định được tầm quan trọng của nghị lực trong cuộc sống mỗi con người. Như đã nói ở trên, nó như một điểm tựa vững chắc để ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Trong thực tế cuộc sống, đã có rất nhiều tấm gương sáng mà nhờ có ý chí nghị lực và niềm tin vào cuộc sống mà họ đã thành công. Tiêu biểu đó là tấm gương của anh Nguyễn Ngọc Ký, mặc dù bị liệt cả hai tay nhưng điều đó không có nghĩa là anh chấp nhận đầu hàng số phận. Anh vẫn thích đi học nhưng vì tay bị liệt nên điều này rất khó khăn, thế rồi anh tập viết bằng chân. Điều này tưởng như không tưởng nhưng lại trở thành hiện thực với anh.
Những ngày đầu tập viết bằng chân của anh vô cùng khó khăn, những nét chữ nó không theo ý muốn của anh cứ nguệch ngoạc không thành chữ. Nhưng rồi với sự kiên trì cùng với ý chí nghị lực của mình anh đã thành công. Năm học nào anh cũng đạt thành tích cao trong học tập, các bạn bè trong lớp trước đây từ thái độ xem thường, miệt thị anh bao nhiêu thì giờ đây lại khâm phục anh bấy nhiêu. Để rồi sau này anh trở thành một thầy giáo giỏi tâm huyết với sự nghiệp trồng người của mình. Hay như thi sĩ Hàn Mặc Tử, mặc dù bị bệnh tật giày vò nhưng thi sĩ vẫn đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp văn thơ nước nhà những tác phẩm tuyệt tác. Vươn ra khỏi Việt Nam chúng ta đến với nước Úc với tấm gương sáng ngời về nghị lực sống, đó chính là Nick Vuijicic. Đó là một số phận bất hạnh khi sinh ra đã không có tay, chân như người bình thường mà chỉ có hai chân rất nhỏ. Anh đã từng rất tuyệt vọng với số phận nghiệt ngã của mình nhưng rồi với nghị lực và niềm tin vào cuộc sống vô bờ bến anh đã cho mọi người thấy sự thành công bằng chính khả năng của mình. Hiện tại anh đã có một công việc ổn định, là chủ tịch của một tổ chức quốc tế nổi tiếng và một gia đình hạnh phúc cùng vợ và con trai. Đặc biệt anh là một diễn giả nổi tiếng khắp thế giới về động lực cuộc sống, những bài diễn thuyết của anh đã làm lay động hàng triệu trái tim độc giả trên thế giới, chúng đã mang tới cho các bạn trẻ niềm hi vọng vào cuộc sống và nghị lực vươn qua nghịch cảnh khó khăn. Năm 1990, anh vinh dự được nhận giải thưởng "Công dân trẻ nước Úc" cho những nỗ lực của mình. Đây chính là những tấm gương sáng để cho chúng ta học tập và noi theo.
Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó, có những người khi gặp khó khăn thử thách họ chỉ biết chạy trốn thay vì là tìm cách vượt qua, đây là những người không có nghị lực sống, điều này tương đương với việc họ đã tự đánh mất đi chiếc chìa khóa quan trọng có thể mở mọi cánh cửa trong cuộc đời họ – chiếc chìa khóa mà do chính họ nắm giữ.
Trong cuộc sống còn nhiều gian nan, thử thách thì nghị lực sống là rất quan trọng, có nghị lực, có niềm tin thì ta có thể vượt qua mọi khó khăn để đưa những bước chân gần hơn với thành công và hạnh phúc. Chúng ta nên nhớ rằng đừng bao giờ từ bỏ khi bạn vẫn còn ước mơ, và nghị lực sẽ giúp bạn thực hiện ước mơ đó.
Theo Ngọ Thị Quỳnh
Văn mẫu nghị luận xã hội về ý chí, nghị lực sống của con người
Sống trong đời, mỗi người có một hoàn cảnh. Tuy nhiên, chẳng mấy ai may mắn được hoàn cảnh trải cho tấm nhung để đi đến thành công. Hoàn cảnh luôn tác động lớn đến mỗi người. Nếu ai đó sinh ra chẳng may gặp điều rủi ro, bất hạnh họ thường so bì với kẻ khác và cảm thấy bất công. Khi gặp thất bại, họ gục ngã và đổ tội cho số phận. Thật ra, chỉ có nghị lực của mỗi người mới là nhân tố cốt lõi quyết định người đó có thành công hay không ...
Nghị lực là một năng lực tinh thần. Nghị lực tác động đến suy nghĩ cách làm việc của mỗi người. Thành công là kết quả làm việc. Kết quả đó có được là nhờ dùng phương tiện lương thiện để đạt mục đính. Trong cuộc sống, ai cũng phải có mục đích của riêng mình, dù lớn nhỏ miễn sao không ti tiện. Để đạt được mục đích, con nguời phải có nghi lực để thực hiện chứ không thể trông chờ vào may mắn, hay phụ thuộc vào hoàn cảnh.
Hiển nhiên ta thừa nhận có những kẻ thành công dựa vào hoàn cảnh may mắn. Đó là những kẻ từ khi sinh ra đã được cha me chăm lo đầy đủ, có sự giáo dục hoàn hảo. Họ được tạo mọi điều kiện để học hành, rèn luyện nên có tri thức, sức khỏe cần thiết. Lớn lên học có thể đỗ vào các trường đại học rồi ra trường được cha mẹ cho vốn để làm ăn, mở công ty, xưởng sản xuất,.... từ đó mà phát triển và làm ra của cải giàu có. Những người thành công như vậy vẻ vang gì đâu? Bất kì ai nằm trong hoàn cảnh đó mà chẳng thành công được. Chỉ có những người từ nghịch cảnh vươn lên để tạo dựng sự nghiệp mới thật là đáng nể. Cuộc đời vẫn thường chất chứa bao nhiêu sóng gió, nhiều người gặp những hoàn cảnh rủi ro, đầy gian truân, trở ngại. Thế những họ vẫn vươn lên và đạt những thành công rực rỡ, có những người được cả thế giới biết đến. Macxim Goroki là một ví dụ. Tuổi thơ ông cũng chẳng êm đềm như bao đứa trẻ khác. Chẳng được học hành đến nơi đến chốn, lại phải bương chải kiếm sống, đối chọi với một nghị lực mạnh mẽ vượt qua mọi trở ngại để cuối cùng trở thành một nhà văn Nga vĩ đại, mọi người ngưỡng mộ. Ngoài ra còn rất nhiều tấm gương điển hình như như thế. Bà Helen Keller hồi hai mươi tuổi bị bệnh rồi hóa mù, điếc. Vậy mà bà vẫn vượt lên số phận, học rộng hiểu sâu. Bà viết được bảy quyển sách, đi diễn thuyết khắp Châu Âu và Châu Mĩ, được cả thế giới biết đến. Hay hầu hết những ông vua thép, vua dầu lửa, vua xe ơi... những thành công của họ thì bất kì ai trong chúng ta cũng phải nghiêng mình kính nể. Đó là những con người có nghị lực phi thường. Nhờ đó mà họ mới thành công như vậy.
Người có nghị lực luôn có thể chuyển rủi thành may, chuyển họa thành phúc. Chẳng khi nào họ chịu khuất phục số phận và đổ lỗi thất bại của mình cho cái "số xấu" như nhiều kẻ vẫn làm. Họ luôn biến nghịch cảnh thành sức mạnh và động lực mạnh mẽ để đẩy họ đến thành công lớn. Nếu như không bị mù thì Milton chắc gì trở thành một thi hào muôn thuở, nếu Beethoven không bị điếc thì tài nghệ của ông chưa chắt đạt đến mức tuyệt đỉnh. Ông Ben Fortson bị tai nạn xe hơi, cụt hai chân nhưng không cho đó là nghịch cảnh. Ông 'tận dụng' điều đó để dành thời gian nằm một chỗ đọc sách. Ông đọc rất nhiều sách về kinh tế, chính trị, xã hội và trở thành một nhà bác học có tài hùng biện rồi được bầu làm thống đốc một tiểu bang của Mĩ. Như vậy, rõ ràng nhờ có nghị lực họ có thể vượt qua tất cả để đến thành công họ mong muốn.
Nghị lực của con người không phải trời sinh ra mà có, nó xuất phát và được rèn luyện từ gian khổ của cuộc sống. Người xưa nói: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời" là vậy. Khi người ta bị hiếp đáp nghèo khó, tủi nhục người ta sinh ra nghị lực và tận lực quyết tâm vượt qua số phận để cải thiện đời sống. Những người sống trong nhung lụa, giàu sang cần gì chẳng có, nên họ chẳng phải lao tâm vào việc gì mà cần nghị lực. Nghị lực của họ yếu dần và có thể mất đi. Khi gặp thất bại khó khăn họ thường sụp đổ nhanh chóng và bỏ cuộc sớm. Vậy nên muốn có nghị lực ta phải rèn luyện, đi từ gian khó mà lên. Trời không lấy hết đi của ai thứ gì, nghị lực là tài sản lớn nhất và vô giá mà cuộc sống ban tặng cho người bị cuộc sống lấy đi những may mắn.
Để rèn luyện nghị lực, ta phải rèn ở ba phương diện năng lực, đó là: suy nghĩ, quyết định và hành động. Để được gọi là người có nghị lực ta phải đạt mức: suy nghĩ thông sâu, sáng kiến; tinh thần quyết đoán và hành động bền bỉ, tự chủ. Những đức tính này phải trung hòa, nếu thái quá sẽ có hại cho nghị lực. Có nhiều yếu tố tác động đến nghị lực. Chẳng hạn, sự hiểu rộng, biết nhiều giúp ta suy nghĩ chín chắn, thông sâu; tình cảm nồng nhiệt giúp ta quyết định mau và bền chí hành động; hoàn cảnh xã hội - lời khen chê của người khác làm tăng giảm nghị lực,.... Ta phải dựa vào những điều đó để điều tiết việc làm và rèn nghị lực sống. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như thay đổi những thói quen xấu mà lâu nay ta vẫn chưa làm được đến những việc lớn hơn.
Khi đã có nghị lực con người đối chọi với khó khăn một cách dễ dàng hơn, có thể vượt qua được mọi thử thách của cuộc sống một cách đơn giản hơn. Người có nghị lực lớn được xem là người ''bị định mệnh thử thách'', họ luôn tỏ ra xuất chúng khi vượt qua trở ngại, thậm chí còn thích đương đầu với nó. Thành công của họ là từ chính họ làm nên vì vậy nó không phụ thuộc và bất kì hoàn cảnh nào. Những thành công đó thật vẻ vang và đáng tự hào.
Vậy nên muốn thành công thì không thể thiếu nghị lực. Đừng sợ trở ngại, vì chính nó là thứ để ta rèn nghị lực sống của mình. Phải đương đầu với thử thách và thất bại thì mới đủ nghị lực để đạt đến thành công trong cuộc sống......
Theo Bùi Thị Bích
Bài văn mẫu nghị luận xã hội hay
Cuộc sống của chúng ta luôn là một chuỗi khó khăn và thử thách. Nếu hèn nhát và yếu đuối chắc chắn ta sẽ thất bại và gục ngã. Những nếu có ý chí nghị lực chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua để vươn tới thành công. Như vậy trong cuộc sống, ý chí nghị lực luôn là người bạn đồng hành cùng con người.
Trước hết ta cần hiểu "ý chí nghị lực" là gì? Ý chí nghị lực là sự dũng cảm, là nghị lực phi thường, là bản lĩnh của con người vượt qua mọi khó khăn và thử thách để vươn tới thành công. Biểu hiện của ý chí nghị lực đó là những tấm gương dám sống, dám thành công như chàng trai không tay, không chân Nick Jivucic, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, chàng trai Nguyễn Sơn Lâm... Từ giải thích và những tấm gương tiêu biểu trên, ta thấy ý chí nghj lực có vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.
Thứ nhất, ý chí nghị lực tạo cho ta bản lĩnh và lòng dũng cảm. Người có ý chí và nghị lực là người luôn đương đầu với mọi khó khăn thử thách, là người dám nghĩ, dám làm, dám sống. Chàng trai Nguyễn Sơn Lâm, chỉ cao chưa đầy một mét, đi phải chống nạng nhưng lại gỏi ba thứ tiếng, từng thi Việt Nam Idol 2010, năm 2011, anh là người đã chinh phục đỉnh Phanxipăng và trở thành người khuyết tật Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi này mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.
Thứ hai, ý chí nghị lực giúp chúng ta khắc phục những khó khăn và thử thách, rèn cho ta niềm tin và thúc đẩy chúng ta luôn hướng về phía trước, vững tin vào tương lai. Đúng như người phương tây từng nói "hãy hướng về ánh sáng, mọi bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn", Nick Jivucic từng nói "Không có mục tiêu nào quá lớn, không có ước mơ nào quá xa vời", chị Đặng Thùy Trâm từng nói "Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố"... tất cả đều chứa đựng trong đó những thông điệp lớn lao về ý chí và nghị lực.
Thứ ba, ý chí nghị lực giúp con người ta luôn tự tin về bản thân, tự tin với công việc mình làm. Dù thất bại vẫn vui vẻ và khắc phục lại chứ không hề nản chí. Có lẽ đó là câu chuyện về Bill Gate, bỏ dở ĐH, lập công ty phần mềm nhưng liên tiếp thất bại. Khắc phục những thất bại đó ông vươn lên thành tỷ phú bậc nhất của nhân loại. Chung Zu Zung, chủ tịch tập đoàn Huyndai Hàn Quốc từng là nông dân, công nhân đến ông chủ tập đoàn Huyn đai là cả một quá trình "gian nan rèn luyện mới thành công".
Ngày nay, xã hội càng phát triển, nhiều cơ hội được mở ra nhưng ta vẫn thấy có những biểu hiện trái ngược. Bên cạnh những con người thành công, ta thấy rất nhiều bạn trẻ bây giờ thấy khó khăn thì nản chí. Thấy thất bại thì hủy hoại chính mình. Sống thiếu niềm tin, thiếu ý chí, sống hèn nhát và gục ngã. Đây là vấn đề cần lên án.
Từ việc phân tích ở trên tra cần rút ra cho mình bài học nhận thức và hành động.Về nhận thức, ta thấy ý chí nghị lực là động lực, niềm tin của con người. Là kim chỉ nam của con người.Về hành động ta cần: rèn luyện cho mình ý chí và nghị lực; phê phán những kẻ yếu đuối, thiếu tự tin. Họctập những tấm gương về ý chí và nghị lực. Từ đó ta dám sống và dám đi đến thành công.
Tóm lại, ý chí nghị lực là thước đo phẩm giá của con người. Mỗi chúng ta hãy rèn luyện để có ý chí và nghị lực sống. Sống không hèn nhát và yếu đuối. Muốn vậy ngay từ bây giờ bạn hãy là chính bạn với những ước mơ và khát vọng và rèn luyện để vươn tới thành công nhé
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top