3. Con của biển
Mạnh Dũng không thể thường xuyên đến lớp, tất nhiên anh khác với lũ trẻ, anh là trụ cột trong gia đình. Mọi chi tiêu trong nhà, từ tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền thuốc men của mẹ, tiền học của mấy đứa em đều dựa vào những đồng lương lao động bèo bọt của anh. Những hộ nghèo như nhà anh, chẳng đủ điều kiện để có tàu cá cho riêng mình, chỉ có thể nhận làm thuê cho người khác. Ai thuê làm gì anh cũng nhận, từ sửa tàu, bốc vác đến cả theo tàu đi biển. Có những chuyến gần bờ, chỉ mất một ngày một buổi, nhưng cũng có những chuyến đi xa, phải mất tới 6-7 ngày.
Những ngày vắng anh, cũng là những ngày dài nhất từ khi em tới đảo. Thời gian của em cứ như bị buộc vào hòn đá tảng, từng giờ từng phút lê thê chậm chạp trôi qua. Không có ai bày trò chơi đùa với lũ trẻ, không có ai kiếm cớ hỏi bài để nán lại thật lâu, không gian trở nên tĩnh lặng một cách ngột ngạt, những bài giảng cũng từ đó mà thành khô khan. Mấy đứa nhỏ rất nhớ anh, chúng luôn hỏi em rằng bao giờ anh Dũng về. Câu hỏi này Tuấn Tài chẳng thể trả lời được vì chính em cũng đã tự hỏi mình, không biết bao giờ anh sẽ về? Có đôi lần em muốn hỏi anh về điều đó nhưng rồi em lại nghĩ, có phải mình đã quan tâm thái quá đến việc của anh rồi hay không? Em không chắc rằng mình đã đủ thân thiết, để có quyền theo dõi hay kiểm soát lịch trình của anh. Nên em chọn cách chờ đợi, mỗi lần đưa mắt nhìn xuống cuối lớp, mỗi lần vô thức dạo qua bãi đậu tàu, em đều nhen nhóm những kì vọng rồi lại hụt hẫng khi không tìm thấy bóng hình thân thuộc mà em hằng mong ngóng. Thứ cảm xúc bồn chồn trống trải ấy cứ bủa vây lấy em, ăn mòn sự kiên nhẫn của em, có những khi em buồn bực vô cớ, lại có lúc tự nhiên cảm thấy tủi thân. Em ngốc nghếch chẳng nhận ra rằng, em đã nhớ anh, nhớ anh đến nhường nào.
Vì anh đi không dặn trước ngày về, nên mỗi lần anh bất ngờ xuất hiện đều mang lại cho em niềm hạnh phúc khó diễn tả. Em như người trên sa mạc tìm được nguồn nước, như kẻ mất hồn tìm lại được niềm hân hoan. Những ngày như thế, anh sẽ thường xuyên lui tới phòng em để được kèm thêm cho kịp bài trên lớp, em tự coi đó là sự an ủi cho tâm hồn mình, sự bù đắp cho những ngày phải xa anh. Em chối từ những cuộc hẹn kém quan trọng, đôi khi còn thức đêm để cố gắng hoàn thành những công việc còn dở dang, chỉ vì muốn có nhiều thời gian nhất dành cho anh. Em biết nếu không trân trọng từng giây từng phút, chuỗi ngày thiếu anh sẽ lại tới rất nhanh. Nhiều lần em trộm nghĩ, mình đúng là hâm rồi, tại sao lại dày vò bản thân vì anh như thế, tại sao phải cố gắng làm việc quá với sức của mình. Nhớ những ngày lên lớp với đôi mắt thâm quầng, những trận bóng đá chỉ dám xin về bắt gôn chứ không thể chạy nổi. Ấy vậy mà chỉ cần nhìn thấy nụ cười của anh, em lại như tiếp thêm 200% năng lượng, cứ như vậy mà vui vẻ tự hào.
.
Màn đêm buông xuống trả lại cho đảo nhỏ vẻ yên bình tĩnh lặng, những con sóng nối đuôi nhau xô bờ lao xao xen với tiếng gió lướt qua rặng dừa xào xạc. Khu nhà ở của giáo viên là dãy nhà cấp 4 nhỏ ngay sau dãy phòng học, giờ đây cũng chỉ còn duy nhất một ánh đèn le lói. Dưới ánh sáng vàng của bóng đèn dây tóc, tiếng giảng bài, tiếng trang sách lật mở, tiếng phấn ghì trên bảng vẫn đều đều vang lên. Hai con người sôi nổi bàn luận về những phép toán, như đắm chìm vào thế giới riêng của mình, quên tất thảy sự vận động của không gian thời gian
"Anh Dũng này, vì sao hồi đó anh không đi học?"
Tuấn Tài đẩy quyển vở bài tập mới chấm sang cho Mạnh Dũng, không có điều gì khác lạ khi lại là điểm tuyệt đối. Xét trên phương diện một người làm sư phạm, em cảm thấy thực sự tiếc cho Dũng. Anh là một "học trò" rất thông minh, tư duy tốt, tiếp thu nhanh lại chăm chỉ, có những bài toán anh giải bằng những cách rất khác lạ khiến cho người làm thầy như em có đôi phần bối rối. Nếu như Dũng được sinh ra trong một hoàn cảnh khác, sống trong một điều kiện khác, chắc hẳn trình độ và địa vị của anh sẽ còn tốt hơn rất nhiều so với việc giải toán lớp 5 như hiện nay.
"Làm gì có ai muốn thất học đâu em. Em biết đấy, ở cái đảo hoang sơ này, ngoài làm nghề đánh cá, người ta đâu còn nghĩ ra được kế mưu sinh nào khác. 7-8 tuổi anh đã theo mẹ đi gánh hàng thuê, 12 tuổi theo cha đi biển. Ngày ấy cũng có thầy cô đến nhà nói chuyện, nhưng cha mẹ nào có nghĩ được gì xa xôi, bữa sau có gì bỏ bụng còn chưa chắc, thì tâm trí đâu mà nghĩ đến việc học hành. Mà khi đó muốn đi học thì phải vào đảo lớn ăn ở, cuối tuần mới có tàu đón về. Cha mẹ anh còn chưa bao giờ ra khỏi đảo này, phía trước chỉ biết biển với trời thì nào có dám để con cái đến một nơi xa lạ. Vả lại anh đi rồi, nhà mất đi một lao động, kiếm cơm đã khó, cha mẹ anh thực sự kham không nổi"
Dũng nở một nụ cười chua xót, cố giấu đi niềm tiếc nuối. Cả tuổi thơ cơ cực của anh gắn liền với những thúng cá thúng tôm, với những manh lưới cước. Anh cũng thèm được như các bạn ở đảo lớn, được cầm những quyển sách nhiều màu sắc trong tay, được đọc to những con chữ trên các bảng hiệu. Ngày anh núp sau bức vách nghe thầy cô tới nói chuyện với cha mẹ, anh đã kỳ vọng biết bao, đã mơ mộng thật nhiều để rồi thất vọng khi thấy mình không được điền tên vào danh sách nhập học. Ngày mấy đứa trẻ khác trên đảo được lên tàu ra đảo lớn, anh chỉ biết thẫn thờ đứng nhìn theo, trong tay chẳng có cặp sách bút vở, chỉ có gánh hải sản mẹ mới nhận chuyển thuê
"Nhưng thôi, dù sao bây giờ cũng tốt rồi, chính quyền mở điểm trường tiểu học trên đảo, bọn trẻ cũng đã được đi học nhiều hơn. Mấy đứa em nhà anh, anh nhất định sẽ không để chúng nó khổ như cha mẹ, khổ như anh nữa. Học hết cấp 1 sẽ học lên cấp 2, rồi giỏi nữa thì sẽ lên cấp 3, dù là khó khăn dù phải đi đến đảo lớn hay vào tận đất liền đi chăng nữa, anh vẫn muốn cố cho chúng nó học đến cùng, để thoát ra khỏi cái đảo nghèo này, để không còn phải quanh quẩn bán sức cho biển nữa"
Em nhìn thật lâu vào đôi mắt rạng ngời ấy, đôi mắt sáng bừng cả không gian tĩnh mịch của màn đêm. Đôi mắt anh ánh lên những hi vọng, những quyết tâm, như cổ vũ em rằng những điều em đang làm, những hi sinh của em là xứng đáng. Rời xa thành phố đầy cơ hội với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, em đã chọn tham gia tình nguyện dạy học ở điểm trường xa xôi này, bất chấp gia đình cấm cản, bạn bè khuyên ngăn. Lúc đó em chỉ nghĩ một điều đơn giản, mình còn trẻ, mình muốn làm nhiều điều tốt đẹp cho xã hội này, nhưng thực tế không hề đơn giản như em tưởng tượng. Một đứa trẻ trưởng thành trong sự bao bọc của bố mẹ, chẳng dễ dàng gì để thích nghi với điều kiện sống quá đỗi thiếu thốn trên đảo. Có những ngày em nản lòng đến cùng cực, nhớ nhà đến bật khóc nhưng cũng không dám gọi điện về kêu than nửa lời, em sợ bố mẹ lo lắng, và cũng vì trước khi ra đi, em đã ngỗ ngược mà nói với bố mẹ rằng sướng khổ ra sao em cũng tự chịu, bố mẹ càng cấm cản lại càng thôi thúc em muốn làm. Con đường này là do em chọn, em không có quyền hối hận, chỉ có thể tự xốc mình dậy mà bước tiếp.
Nhưng cũng thật may, khi ở đây có bọn trẻ, và có anh. Anh luôn ở bên mỗi khi em cảm bất lực nhất, giúp đỡ em hoà nhập với cuộc sống ở nơi đất khách quê người. Em nhớ những lần điểm trường bị mất nước, anh chẳng ngại nắng gánh nước ngọt từ giếng trong làng đến cho em, những ngày bão về gió dật cây nghiêng ngả, cũng chính anh phụ em gia cố lại lớp học xiêu vẹo, căn phòng em ở cứ mưa là dột tầm tã anh chẳng hề gì đội mưa bắc thang lên lợp lại mái nhà giúp em. Sự quan tâm của anh dù chỉ là nhỏ nhất, cũng khiến em cảm động rồi rung động. Dẫu lý trí luôn nhắc nhở em rằng sự nhiệt tình của anh luôn sẵn có và sẵn sàng trao đi dù đối phương có là ai. Anh là người từ trước khi gặp mặt, em đã được nghe kể rất nhiều về sự tốt bụng, nhân ái, đặc biệt trong những công việc liên quan đến trường lớp của lũ trẻ. Dù vậy em vẫn muốn được ích kỷ, được tham lam để tận hưởng sự ân cần ấy, để cảm thấy những quan tâm ấy thật đặc biệt mà chẳng nhận ra bản thân mình đã ỷ lại vào anh tự lúc nào
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top