Chương 134

Chương 134: Kết thúc (1)

***

Trên thực tế, "Một ngày" thuộc dòng phim tài liệu, công tác hậu kỳ không nhiều lắm, cũng vì không có nội dung nhạy cảm cho nên thuận lợi nhận được logo rồng.

Cuối cùng, dưới sự yêu cầu của Tạ Lan Sinh, "Một ngày" sẽ được công chiếu trong Liên đoàn Nghệ thuật Quốc gia vào ngày Tết Nguyên tiêu năm 2016, tức 22 tháng 2 dương lịch. Đây là bộ điện ảnh chỉ được chiếu trong chuỗi rạp liêm minh, do Liên đoàn Nghệ thuật phát hành độc quyền.

Bắt đầu từ đêm giao thừa, "Một ngày" đã được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông lớn. Chẳng hạn như:

[Web XX: Ngày 8 tháng 2, phóng viên Vương Thập Tứ đưa tin. Có thông tin cho rằng tác phẩm mới "Một ngày" của Tạ Lan Sinh sắp được chiếu trên chuỗi rạp thuộc Liên đoàn Nghệ thuật. "Một ngày" cũng chính là bộ điện ảnh quốc nội đầu tiên được công chiếu trên chuỗi rạp của Liên đoàn Nghệ thuật.

"Một ngày" có thời lượng hai tiếng đồng hồ, ghi lại "một ngày" mà tám nhân vật chính không muốn quên đi. Tạ Lan Sinh đã nói trên Web XX rằng, anh ấy đã rơi nước mắt mấy lần trong quá trình thu thập tài liệu...

Khi nghe câu hỏi tại sao lại lựa chọn phát hành ở chuỗi rạp Liên đoàn Nghệ thuật Quốc gia, Tạ Lan Sinh bày tỏ mong muốn thông qua "Một ngày" để tuyên truyền cho Liên đoàn Nghệ thuật, như vậy những đạo diễn phim nghệ thuật không được công chiếu sẽ có cơ hội xuất hiện trước mắt mọi người, nhận được doanh thu phòng vé cao hơn, thu hồi chi phí, hoàn thành giấc mộng điện ảnh.

Liên đoàn Nghệ thuật Quốc gia đã thành lập vào năm ngoái với sự tham gia của 31 tỉnh thành, đã có 100 rạp chiếu phim đăng ký tham gia. Mỗi rạp sẽ có một phòng chiếu, dành ít nhất 3 suất chiếu mỗi này và 10 suất chiếu mỗi tuần cho phim điện ảnh nghệ thuật... Lãnh đạo ban đầu của Liên minh là Cục Lưu trữ Điện ảnh Trung Quốc, nhưng cơ cấu này đã hợp tác với Trung tâm Điện ảnh Broadway, Công ty Phát hành Điện ảnh Hoa Hạ, chuỗi rạp lớn nhất của Tập đoàn Điện ảnh Thanh Thần, cùng với cả Công ty Viên Mãn, cùng tham gia vào hạng mục này, Công ty Điện ảnh Viên Mãn chính là công ty của Tạ Lan Sinh, anh ấy đã đóng góp rất nhiều cho Liên đoàn Nghệ thuật...]

Nhờ có sức nóng từ "Đến Nhạc Dương", tác phẩm "Một ngày" cũng nhận được sự chú ý, và không ít khán giả đã lần đầu chú ý đến "Liên đoàn Nghệ thuật".

Trên thực tế, Liên đoàn Nghệ thuật đã được Trương Cửu Xuyên công bố thành lập vào một năm trước, nhưng không được nhiều người biết đến, tổng doanh thu phòng vé mà sáu bộ phim của Liên đoàn công chiếu cũng vô cùng thê thảm, bởi vậy sự ủng hộ của các đạo diễn lớn là rất cần thiết.

Tạ Lan Sinh chính là đạo diễn lớn này. Nhờ vào quảng bá "Một ngày", Liên đoàn Nghệ thuật cũng được biết đến.

Trong lòng Tạ Lan Sinh vô cùng chờ đợi vào hiệu quả cuối cùng.

Bởi vì Liên đoàn Nghệ thuật Quốc gia chỉ có tổng cộng 100 phòng chiếu, Tạ Lan Sinh biết rõ doanh thu phòng vé cao nhất mỗi ngày chỉ có 10.8 triệu. Giả thiết mỗi ngày chiếu ba suất, giá bình quân là 36 tệ một vé, còn chưa chắc đã kín phòng. Nhưng Liên đoàn Nghệ thuật đi trên con đường chiếu lâu dài, mỗi bộ điện ảnh chiếu bốn tháng, doanh thu phòng vé cuối cùng của "Một ngày" chưa chắc đã thảm hại.

Nếu "Một ngày" đạt kết quả không tệ, vậy thì chứng minh có thể tiếp tục thực hiện biện pháp chiếu lâu dài, tương lai sau này các đạo diễn nghệ thuật lại có thêm một sự lựa chọn, có thể công chiếu toàn quốc, cũng có thể dựa vào Liên đoàn phát hành. Đối với những bộ phim văn nghệ chỉ có 0.5% suất chiếu và thời gian chiếu trong vòng một tuần thì Liên đoàn Nghệ thuật chưa chắc đã là một sự lựa chọn tệ, càng không phải nhắc đến việc đến 80% phim điện ảnh nghệ thuật không thể được chiếu ở rạp phim.

***

Ngày công chiếu đầu tiên sắp đến.

Hôm nay là ngày 21 tháng 2, ngày đầu tiên "Một ngày" được công chiếu.

Nhưng Tạ Lan Sinh không bận rộn về buổi chiếu đầu tiên của "Một ngày". Sáng sớm, anh gặp mặt người phụ trách tổ chức Liên hoan phim Bắc Kinh vào tháng 4 tới đây. Anh đã dùng thân phận hai Gấu Vàng, một Sư Tử Vàng và một Sư Tử Bạc của mình để nói về cách vận hành của những liên hoan phim lớn, đồng thời cho đối phương một vài kiến nghị. Cuộc gặp mặt này cũng là do người phụ trách đề nghị.

– Ừm. – Trong phòng riêng của một phòng trà, Tạ Lan Sinh tự rót cho mình một chén, nói – Tôi cho rằng chúng ta nhất định phải nhớ mục đích ban đầu của liên hoan phim, không thể coi thu hút sự chú ý là mục đích lớn nhất của liên hoan phim được. Liên hoan phim là một bữa tiệc cho những người đam mê điện ảnh. Một liên hoan phim trải thảm đỏ, mời toàn người nổi tiếng thì sức ảnh hưởng cũng sẽ không lớn.

– Ý của đạo diễn Tạ là...?

– Nếu Liên hoan phim Bắc Kinh muốn cạnh tranh với Liên hoan phim Tokyo, Busan... thì phải đặt trọng tâm những đạo diễn trẻ từ khắp nơi trên thế giới mà liên hoan phát hiện, đồng thời giới thiệu bọn họ cho thế giới biết, thậm chí cũng có thể xây dựng quỹ hỗ trợ, để các nhà làm phim từ nơi xa xôi đến Trung Quốc. Nó giúp cho những nhà làm phim giao lưu, trao đổi với nhau. Hiện tại Liên hoan phim Bắc Kinh thậm chí còn không có môi trường để các đạo diễn tập trung, giao lưu với nhau. Còn nữa, tôi đã nhận được rất nhiều phiếu ăn trong ngày đầu tiên tham gia Liên hoan phim Torino vào năm 1991, nó giúp cho tôi tìm hiểu về địa phương và yêu thích địa phương ấy hơn. Thông qua những điều này, đạo diễn của những quốc gia khác có thể bước vào tầm nhìn của khán giả Trung Quốc, sau này Điện ảnh Trung Quốc cũng có thể được quảng bá đến khắp nơi thông qua "giá trị tiềm năng".

– Vâng vâng... – Đối phương lấy điện thoại ra ghi lại.

– Còn nữa. – Tạ Lan Sinh nói tiếp – Liên hoan phim điện ảnh cũng chính là cơ hội tốt để giáo dục khán giả theo dõi điện ảnh bản địa. Mọi người không chỉ có thể xem những ngôi sao tên tuổi mà còn có thể xem điện ảnh. Ở Pháp, một liên hoan phim nhỏ thôi cũng sẽ tổ chức hoạt động cho học sinh cấp hai và cấp ba tham gia, giúp các học sinh có cơ hội phỏng vấn đạo diễn, khiến mọi người yêu thích điện ảnh hơn, thậm chí tương lai còn theo ngành điện ảnh.

– Vâng... vâng...

– Còn nữa, nếu đã mang danh "Liên hoan phim Quốc tế" thì phải có tầm nhìn quốc tế hóa. Chúng ta phải có định vị rõ ràng, nên học theo Berlin, học theo Cannes, học theo Venice hay là học theo Toronto? Tập trung chủ yếu quảng bá thể loại điện ảnh gì? Không thể chỉ có mỗi người nổi tiếng và người nổi tiếng, cũng không thể trộn lẫn cả phim thương mại và phim nghệ thuật với nhau. Kỳ thực Liên hoan phim ở Bắc Kinh và Thượng Hải có thể tách riêng.

– Ngoài ra, Liên hoan phim chỉ dừng ở điện ảnh. Phóng viên thường hỏi các đạo diễn và diễn viên nổi tiếng rằng "thích ăn món nào của Trung Quốc"... nghe hơi gượng gạo, tôi còn từng thấy phóng viên rời khỏi vị trí của mình để đi xin chữ ký, không chuyên nghiệp chút nào.

– Vâng, vâng...

Tạ Lan Sinh nói tiếp:

– Tóm lại, xét về chức năng của liên hoan phim là giao lưu điện ảnh giữa Trung Quốc và nước ngoài; giáo dục, bồi dưỡng khán giả; giới thiệu và quảng bá đạo diễn và những thứ về mặt bản chất khác thì Liên hoan phim Điện ảnh Quốc tế Bắc Kinh, Liên hoan phim Điện ảnh Quốc tế Thượng Hải đều có không gian thay đổi rất lớn, không giải quyết được những thế này sẽ không bao giờ mang đến sức ảnh hưởng.

Người phụ trách nghe xong thì thở dài thườn thượt:

– Đạo diễn Tạ, tôi đã từng gặp rất nhiều đạo diễn, nhưng những điều anh nói vẫn là nòng cốt nhất.

– Ha ha, giúp được là tốt rồi.

– Anh thật là...

– Hả?

– Không có gì.

Người phụ trách sực nhớ tới tin đồn trong ngành: Mọi người đều yêu quý đạo diễn Tạ, những người từng gặp mặt anh đều bị anh thuyết phục. Mặc dù trong cộng đồng khán giả vẫn còn nhiều tranh cãi về anh, có người nói phim của anh hay cũng có người nói phim của anh dở. Có người nói anh mang tới năng lượng tích cực cũng có người nói anh chỉ mang tới năng lượng tiêu cực.

Sau đó, Tạ Lan Sinh lại hỏi thăm đối phương một số vấn đề.

Kỳ thực Tạ Lan Sinh cũng muốn xây dựng nên một liên hoan điện ảnh độc lập, với danh nghĩa là liên hoan phim cho giới trẻ. Hiện tại, chỉ có liên hoan phim ở Tây Ninh là sôi nổi và ngày càng phát triển hơn. Nhưng Tạ Lan Sinh muốn xây dựng một liên hoan phim với chức năng khác. Bởi vì vào năm 2014, Triển lãm Điện ảnh Bắc Kinh bị dừng tổ chức, những người biểu tình trước cổng Cục Cảnh sát đều bị bắt giữ. Lần này, anh đã đi tham quan ở mấy tỉnh xa xôi, hỏi thăm, trong đó có mấy người rất ủng hộ anh, nhưng bọn họ đều nói rõ muốn tổ chức liên hoan phim thì phải qua kiểm duyệt, còn cho biết tỉnh có thể hợp tác xét duyệt phim nhanh chóng trước khi liên hoan phim được tổ chức, để liên hoan phim được tiến hành đúng thời gian, Tạ Lan Sinh rất bất đắc dĩ.

Anh vẫn cảm thấy tiêu chuẩn kiểm duyệt quá khắt khe.

***

Sau khi tạm biệt người phụ trách tổ chức Liên hoan phim Điện ảnh Quốc tế Bắc Kinh, Tạ Lan Sinh đến gặp mặt "Phó Cục trưởng Xuyên" của Cục Điện ảnh.

Anh lại một lần nữa bày tỏ đề nghị của mình về vấn đề kiểm duyệt với Phó Cục trưởng Xuyên: Mong rằng Ủy ban kiểm duyệt giảm bớt số thành viên quản lý, tăng số thành viên theo ngành, bao gồm đạo diễn, nhà sản xuất, nhà phê bình, nhà sách lược, phóng viên, cũng bao gồm những học giả Văn hóa – Xã hội, chuyên gia giáo dục vị thành niên, thậm chí có thể tham khảo Âu Mỹ, thêm thành viên người bình thường, nhất là những người đang chăm con. Nói cách khác, giảm bớt thành phần quản lý nhà nước, tăng thêm thành phần tự trị và ngành nghề, đồng thời thúc tiến trẻ hóa, "vô tội hóa" ủy viên của Ủy ban kiểm duyệt, không nên suốt ngày ghi thù như hiện tại, "Ai cho qua thì đồng nghĩa với người đó sai lầm, đồng nghĩa với người đó không giác ngộ cao". Dưới cơ chế này, những người trong ngành sẽ giải thích bộ phim từ góc độ chuyên môn để thuyết phục những người khác, và phấn đấu giành quyền tự chủ trong ngành chứ không phải sự quản lý của nhà nước.

Anh vẫn cảm thấy tiêu chuẩn kiểm duyệt hiện tại quá khắt khe. Lấy một ví dụ, "hiện tượng tiêu cực" trong phim thương mại nhất định phải được giải quyết và không còn tồn đọng, không được nhìn thẳng vào "vấn đề hiện tại". Đạo diễn thứ hai từng nhận được giải thưởng lớn của "một trong ba liên hoan phim lớn nhất châu Âu" đã từng kêu gọi phân cấp, nhưng Cục Điện ảnh lại trả lời anh ấy rằng "Toàn bộ điện ảnh đại diện cho Trung Quốc", song vấn đề ở đây là, Trung Quốc phức tạp như vậy, chính vì phức tạp cho nên mới lập thể, mới thu hút được mọi người.

Thường xuyên có người nói rằng đạo diễn bọn họ "Quay những bộ phim dở còn than phiền kiểm duyệt" "Tại sao XX có thể quay được bộ phim hay mà mấy người lại không thể?" Tạ Lan Sinh rất cạn lời. Trong tình huống thông thường, có một số người muốn quay hoặc am hiểu đề tài này, có một số người muốn quay hoặc am hiểu đề tài kia, muôn hình muôn vẻ. "A giỏi quay đề tài này, vậy thì BCDE đều phải giỏi quay đề tài này ư, nếu bọn họ không thể quay được thì là đạo diễn tệ sao?" Logic kiểu quái quỷ gì vậy.

***

Đến trưa, Tạ Lan Sinh nói chuyện với một lãnh đạo của Học viện Điện ảnh cùng với một Giáo sư nghiên cứu luật giải trí tại Đại học California.

Tạ Lan Sinh muốn nói, nếu như kiểm duyệt nhất định phải tồn tại, vậy thì phương hướng phát triển của nó nên là giảm bớt "nhân trị" và tăng cao "pháp trị", nhưng Luật Giải trí Trung Quốc, và Luật Điện ảnh đều đang trống. Người giỏi, tài liệu dạy học đều không có, quy định tương quan rối ren, quy mô thị trường ngành giải trí và xây dựng pháp luật không phù hợp với nhau. Hoạt động nghiên cứu Luật Giải trí và Luật Điện ảnh ở Mỹ diễn ra rất sôi động, chuyên ngành Pháp luật của Đại học California cũng bao gồm những khóa học liên quan, và cấp bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, vì thế Tạ Lan Sinh đã nói chuyện với lãnh đạo lớn của Học viện Điện ảnh, đưa ra ý kiến phải chăng Đại học Chính pháp và Học viện Điện ảnh có thể mở chương trình học, bồi dưỡng nhân tài, dùng con đường pháp chế để thúc đẩy cải tiến kiểm duyệt điện ảnh, ví dụ như sửa đổi lưu trình tố tụng đối với các công ty điện ảnh.

Từ năm 2004, Trung Quốc đã bắt đầu soạn thảo "Luật Xúc tiến Công nghiệp Điện ảnh", cũng chính là "Luật đầu tiên cho ngành Văn hóa" "Bước đầu tiên pháp trị Văn hóa". Nhưng nghe nói tiến triển không thuận lợi chút nào, có rất nhiều vấn đề bỏ ngỏ chưa được giải quyết, đến hiện tại vẫn chưa được công bố.

Mấy người bọn họ thảo luận hăng say, có thể nhận thấy rằng lãnh đạo của Học viện Điện ảnh cũng cảm thấy thú vị về việc bổ sung thêm môn Luật. Hiện tại, đầu tư vào sản phẩm điện ảnh và bảo vệ bản quyền đều cần có luật sư.

Lúc ra ngoài, Tạ Lan Sinh và Giáo sư vẫn tiếp tục bàn bạc một cách vô cùng tự nhiên.

– Trước mắt thì chuyện phân cấp không khả thi, công tác chuẩn bị quá nhiều. – Giáo sư nói – Trước tiên, nếu tiến hành phân cấp điện ảnh, các rạp chiếu phim phải đảm bảo thiếu niên, nhi đồng không thể vào kiểu gì? Có thể làm chặt chẽ được không? Trước nay "Luật Bảo vệ Vị thành niên" chấp hành rất lỏng lẻo. Mảng này mà không phát triển thì không thể tiến hành phân cấp điện ảnh được. Thứ hai, nạn vi phạm bản quyền vẫn đang tràn lan ở Trung Quốc, vấn đề này không giải quyết triệt để thì càng không thể thực hiện được phân cấp, thứ ba...

– Vâng, đúng rồi, còn cả thị trường cùng với khán giả nữa. – Tạ Lan Sinh nói – Trong tương lai xa, có thể cả việc kiểm duyệt và phân cấp đều có thể tiến hành đồng thời. Kiểm duyệt nắm bắt sát sao một vài nhân tố, phân cấp phụ trách các nhân tố khác, ví dụ như bạo lực. Một bên là kiểm soát nhà nước, một bên kiểm soát nhân dân, vậy thì có không ít nội dung sẽ được công chiếu. Có điều, điện ảnh Trung Quốc không có cơ chế trưởng thành mấy chục năm như Hollywood, những nhà sản xuất phim lớn ở Hollywood có thể đảm bảo sản xuất 10 bộ lãi cả 10, còn chúng ta... với nền tảng cơ chế kiểm duyệt hiện tại mà còn thêm phân cấp, thị trường của mỗi bộ điện ảnh sẽ nhỏ hơn, công ty điện ảnh muốn kiếm lợi nhuận cũng có. Công tác chuẩn bị cũng bao gồm những thứ này...

– Vâng...

Kỳ thực Tạ Lan Sinh không cho rằng điện ảnh có thể được tự do thực sự mà ngược lại, anh rất tỉnh táo và ý thức được sự thật bi quan: Ngay từ đầu điện ảnh đã nằm bên trong chính trị, không thể thoát ra, khó mà tự sống sót.

Anh, Mỹ... không có chế độ kiểm duyệt, tuy nhiên mọi người sẽ nhận ra rằng, mặc dù bọn họ không có kiểm duyệt bên ngoài nhưng vẫn có kiểm duyệt nội bộ, kiểm duyệt thị trường hoặc tự kiểm duyệt.

Lấy ví dụ như Mỹ. Vào những năm 1900, "nickel theater" của Mỹ thường xuyên chiếu những bộ điện ảnh dung tục, nhằm vào đối tượng khán giả thuộc tầng lớp thấp. Vì thế nào dịp Giáng sinh năm 1908, Thị trưởng New York đã cho đóng cửa những rạp kiểu này. Sau đó, bộ phim "Sự ra đời của một quốc gia" bị nửa Bang yêu cầu cấm chiếu, vào thời điểm ấy tiêu chuẩn thống nhất cho toàn Bang đã được đưa vào kế hoạch. Đồng thời, những bộ điện ảnh dung tục lan tràn khắp thị trường, các lực lượng phản đối điện ảnh ở Mỹ lan rộng và vô cùng mạnh mẽ, và các xưởng sản xuất phim cấp thiết cần có một cuộc hòa giải. Trong bối cảnh ấy, Will Hayes một người rất giỏi luật đã thành lập nên "Văn phòng Hayes", ông đã giúp các xưởng phim đấu tranh hết mình với chính phủ để phim được chiếu, rồi cho xuất bản "Từ điển luật Hayes", nội dung quy định về những điều có thể quay và không thể quay. Dùng nó để lấy lòng phái phản điện ảnh. Tám xưởng sản xuất phim lớn của Hollywood đã bắt tay liên minh ủng hộ "Từ điển luật Hayes", hơn nữa tám xưởng sản xuất phim lớn này đã lũng loạn rạp chiếu phim cho nên các xưởng sản xuất nhỏ đành phải tuân theo. Nói cách khác "Kỷ luật trong ngành" là cưỡng chế và các tiêu chuẩn của nó là kết quả cân bằng giữa các bên. Đến năm 1948, vụ Paramount đã phá vỡ thế độc quyền, và tám xưởng sản xuất lớn rút vốn khỏi các rạp chiếu phim, hình thành nên khả năng chống đối "Từ điển luật Hayes". Sau đó, vào năm 1953, bộ phim "Phép màu" thắng kiện. Năm 1960, phim truyền hình tấn công vào ngành điện ảnh, để tồn tại, hệ thống công nghiệp của Hollywood đã bùng phát năng lượng, đưa những "giá trị mới" vào trong điện ảnh, không còn tuân theo "Từ điển luật Hayes" nữa, thành công tự cứu lấy ngành điện ảnh. Đến năm 1968, "Chế độ phân cấp tài nguyên điện ảnh" chính thức được thực hiện. Từ sau đó trở đi, tám xưởng sản xuất phim lớn tiếp tục ôm đồn những bộ phim bom tấn của Hollywood. Các "giá trị mới" được quy ước như chủ nghĩa tự do và giấc mơ Mỹ vẫn được kéo dài cho đến ngày hôm nay và được thị trường và ngành điện ảnh mặc nhận, khán giả của "phim nổi loạn" rất ít. Vậy nên, Tạ Lan Sinh cũng không rõ đây có được coi là tự do sáng tác không nữa.

Tóm lại, hiện tại xem ra phương pháp tương đối hiện thực chỉ có: Một là chiếm được nhiều ghế hơn trong Ủy ban Kiểm duyệt, đạt được nhiều quyền tự trị hơn trong ngành. Hai là chuẩn hóa toàn bộ quy trình trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhiều biện pháp quản lý pháp trị. Ba là chuẩn bị cho chế độ quản lý song song kiểm duyệt và phân cấp. Cuối cùng, đợi thời cơ đến sẽ thúc đẩy kiểm duyệt thành phân cấp, mặc dù chuyện này rất xa vời.

Trước lúc tạm biệt, Tạ Lan Sinh nói với Giáo sư về vấn đề tư bản can dự vào điện ảnh.

Cả hai đều cho rằng nhất định phải có một cơ chế hoàn thiện. Những cơ chế ở Hollywood như "dự toán điện ảnh phải bằng ba lần số tiền bán trước", "ngân hàng đầu tư hàng loạt chứ không đầu tư nhỏ lẻ, ăn theo thị trường chứ không ăn theo hạng mục, bởi vì cuối cùng thể nào cũng sẽ kiếm được 20%", "bảo hiểm sẽ chi trả phần vượt quá dự toán" không khả thi tại Trung Quốc, bởi vì đó là Hollywood, nơi độc chiếm 80% doanh thu phòng vé toàn cầu. Có điều, những thứ như "thỏa thuận đặt cược" "đảm bảo phát hành" khiến những công ty điện ảnh Trung Quốc nóng ruột như có lửa đốt, chỉ nghĩ đến doanh thu phòng vé chứ không nghĩ đến điện ảnh. Còn nữa, vấn đề địa vị của biên kịch quá thấp, đến cả diễn viên cũng chỉ huy được cũng rất nan giải.

Lúc bọn họ tạm biệt nhau thì đã là sáu giờ.

Tạ Lan Sinh nhận cuộc gọi của Sân Dã, giọng nói quyến rũ của đối phương vang lên từ điện thoại: "Còn chưa về à? Chiều mai 'Một ngày' công chiếu rồi."

"Về đây, về đây." Tạ Lan Sinh cười, "Anh về ngay đây."

Ngày hôm nay, nói chuyện với người phụ trách liên hoan phim, nói chuyện với Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, nói chuyện với lãnh đạo lớn Học viện Điện ảnh, nói chuyện với Giáo sư pháp luật điện ảnh, vậy mà Tạ Lan Sinh chẳng thấy mệt chút nào.

Chẳng hiểu sao, anh lại nhớ đến câu nói cuối cùng trong cuốn "Bá tước Monte Cristo"

[Toàn bộ trí tuệ của nhân loại gói gọn trong bốn từ: "Chờ đợi" và "Hy vọng".]

Hết chương 134

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dammy