Chương 118

Chương 118: Đến Nhạc Dương (9)

***

Tạ Lan Sinh siết chặt điện thoại, chỉ thấy mình đang ở trong một vở kịch hoang đường: "Tôi không cần Studio của cậu ấy tham gia, cũng không cần biên kịch hợp tác. Thế này đi, cậu bảo với sếp Văn với sếp Nguyễn nhà cậu dành ra thời gian rảnh, mọi người họp mặt một lần, tôi sẽ nói ra suy nghĩ của mình. Tôi mong rằng cuộc họp lần này sẽ có sự tham gia của cả hai vị lãnh đạo, bên cậu sắp xếp thời gian cụ thể đi rồi gửi Wechat cho tôi."

"Vâng..."

Buông điện thoại xuống, Tạ Lan Sinh bỗng nhớ đến trải nghiệm của Tôn Phượng Mao trong một bộ phim nào đó. Đó là lần đầu anh ta thử sức với phim thương mại, bị người khác chỉ trích, có điều cuối cùng một công ty vẫn quyết định đứng ra sản xuất bộ phim này. Khi ấy Tôn Phượng Mao đã rất biết ơn, nhưng sau khi bộ phim hoàn thành, ông lớn của công ty ấy yêu cầu thêm tên của bồ nhí vào biên kịch. Bởi vì phim đã hoàn thành, bản quyền thuộc về người ta, hơn nữa tính cách của Tôn Phượng Mao lại khác với Tạ Lan Sinh, anh ta chỉ đành cắn răng chịu đựng, để tên bồ nhí làm đồng biên kịch. Tôn Phượng Mao giống với hầu hết những đạo diễn đời thứ sáu, những bộ phim sau năm 2003 đều được các xưởng phim cũ sản xuất, phát hành, ví dụ như xưởng Thượng Hải. Lần đầu thử bước chân vào làm phim thương mại cũng là lần đầu "khom lưng trước đồng tiền". Khi ấy Tôn Phượng Mao đã nói với Tạ Lan Sinh: "Bọn họ không chỉ nhồi nhét diễn viên mà còn nhồi nhét cả ê-kíp sáng tạo chính!"

Tạ Lan Sinh thở dài một tiếng.

Độ dài của phim đã được sửa, nội dung đã rút ngắn rồi, bây giờ còn phải sửa cả đại cương nữa ư?

Anh thực sự không thể chấp nhận nổi điều này.

***

Cuối cùng, cuộc họp giữa Tạ Lan Sinh và Tân Vị được sắp xếp vào thứ tư.

Tạ Lan Sinh dẫn theo nhà sản xuất – Lam Thiên đến tham gia vào cuộc họp thảo luận diễn viên.

Tạ Lan Sinh rất thích Lam Thiên, người bạn học chung đại học với anh, trong "cuộc thi" ở năm hai, hai người bọn họ đã lựa chọn quay đề tài dễ nhận được kinh phí, thầy cô cũng rất ủng hộ, cuối cùng anh thực sự đã được chọn. Nhưng sau đó anh lại quyết định từ bỏ vì cảm thấy bản thân "đánh mất chính mình" "đi sai đường". Thời điểm ấy Lam Thiên cho rằng các đạo diễn cần một người bạn đồng hành, vì thế sau này anh ta đã đến New York, học tập kinh nghiệm làm sản xuất. Bởi vậy, Lam Thiên rất giỏi, đối xử với đạo diễn vô cùng tinh tế.

Trong bộ điện ảnh "Đến Nhạc Dương" lần này, từ đầu đến cuối anh luôn ủng hộ Tạ Lan Sinh, có điều nhà sản xuất tại Trung Quốc không quan trọng như tại Hollywood, Tân Vị rất cố chấp, Lam Thiên cũng bó tay. Công ty Tân Vị không tin vào phán đoán chuyên nghiệp của nhà sản xuất mà tin tưởng vào mình hơn, cũng không sợ phải đắc tội với nhà sản xuất như ở Mỹ bởi vì bọn họ có đạo diễn giỏi và kịch bản hay. Tân Vị cho rằng đối với ngành nghề hiện tại thì tư bản nằm ở trung tâm.

Lần này, bọn họ chuyển sang một gian phòng họp khác, còn ở tầng đỉnh, Văn Viễn, Nguyễn Thành, Ngô Cửu Nhất đều có mặt đông đủ.

– Chào sếp Văn, sếp Nguyễn. – Tạ Lan Sinh nói – Thực sự không thể thêm nhân vật. Bây giờ đã có sáu nhân vật chính trong câu chuyện "Đến Nhạc Dương" rồi. Độ dài của phim chỉ có hai tiếng đồng hồ, nhưng vai diễn cần phải toàn diện, quá nhiều nhân vật sẽ phân tán tình cảm của các khán giả theo dõi điện ảnh, bọn họ sẽ không cùng khóc, cùng cười với điện ảnh nữa. "Đến Nhạc Dương" sẽ được chiếu trên "Rạp chiếu phim trực tuyến" của chúng ta, vậy thì sự chú ý của khán giả nhất định sẽ càng phân tán nhiều hơn. Bọn họ lúc thì chuyện, lúc thì nhắn tin, tăng số lượng nhân vật sẽ khiến khán giả không nhớ nổi ai với ai. Sáu nhân vật của kịch bản hiện tại là giới hạn tối đa mà tôi có thể làm được rồi. Tôi đã vắt nát óc để làm nổi bật rõ sáu nhân vật này, tốn công sức ở rất nhiều phương diện, thêm một nhân vật nữa sẽ không có điểm gợi nhớ. Tôi không thể xóa bớt nội dung để thể hiện các nhân vật khác, bộ phim dài 120 phút, chia bình quân ra thì mỗi nhân vật có 20 phút để thể hiện. Giả thiết nhân vật mới này chỉ xuất hiện mười phút, không thể ít hơn được nữa, thời gian đắp nặn nên những nhân vật khác chỉ còn lại 18 phút, đã giảm 1/10 rồi.

Tạ Lan Sinh ngừng một lát mới nói tiếp:

– Hơn nữa, hiện tại dùng cách thức hài hước sẽ thích hợp để tiếp cận với một bộ phim hơn. Điều này đã được xác nhận trong rất nhiều bộ phim. Nếu áp đặt thêm tấu nói, kẻ xướng người bè, thì hiệu quả sẽ giảm mạnh, rất không nhất quán, cũng phá hủy tính thống nhất.

Thống nhất, là thứ thử thách năng lực chuyên nghiệp của đạo diễn điện ảnh nhất. Một bộ điện ảnh cần phải quay mấy tháng, thậm chí là cả năm, đảm bảo bầu không khí, diễn xuất, ánh sáng, quay phim đều hoàn hảo và thống nhất thì rất khó. Tạ Lan Sinh không mong muốn bị diễn viên tấu nói phá hỏng bầu không khí. Cảnh khi có bọn họ và không có bọn họ xuất hiện sẽ rất khác nhau.

Nhà sản xuất Lam Thiên đứng bên cạnh cũng thể hiện khả năng của mình, cố gắng thuyết phục.

Mấy người Văn Viễn nghiêm túc lắng nghe, sau đó, Văn Viễn đan mười ngón tay vào nhau, khẽ thở dài, trưng ra biểu cảm bất đắc dĩ:

– Đạo diễn Tạ, anh Lam, tôi cũng hiểu ý của hai anh. Nhưng chúng tôi yêu cầu như vậy thì tất nhiên cũng có lý do của mình. Đối tượng khán giả chủ yếu của dòng phim điện ảnh nghệ thuật là fan của những minh tinh nổi tiếng. Thậm chí điện ảnh nghệ thuật còn cần sự tham giả của những minh tinh hơn các bộ phim thương mại khác. Khán giả sẽ chẳng quan tâm cách gây hài của nam chính số 3 là điện ảnh hay tướng thanh, bọn họ không quan tâm cũng không hiểu. Anh là người làm trong nghề, nên có thể anh nghĩ hơi nhiều. Bọn họ không hiểu, còn về tính nhất quán...

Tạ Lan Sinh: ...

Văn Viễn nói tiếp:

– Đạo diễn Tạ, anh thử nhìn lại tổng doanh thu phòng vé của những bộ phim điện ảnh không có minh tinh tham gia mà xem. Có thể nhận thấy khác một trời một vực so với những bộ phim có sự tham gia của những minh tinh nổi tiếng.

– Đúng vậy. – Một cô gái khác phụ họa – Đạo diễn Tạ, tôi nói thật, sẽ hơi khó nghe một chút, mong rằng các anh sẽ không để bụng. Doanh thu phòng vé của mấy bộ phim không được giải của đạo diễn Tạ cũng chỉ tầm mấy chục triệu. Doanh thu cuối cùng của bộ phim "Ngày tháng Tư" công chiếu năm ngoái là 30 triệu tệ, của "Xuân năm nay" công chiếu năm 2010 là mười lăm triệu tệ, còn bộ "Bạch mã" chỉ vẻn vẹn 3 triệu tệ. Ba bộ phim phá vỡ lịch sử doanh thu phòng vé đều có tính đặc thù. Bộ phim "Vùng đất rộng lớn" năm 2006 được giải thưởng Sư Tử Vàng, tác phẩm trở về vào năm 2008 cũng nhận được giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" trong Liên hoan phim Venice. Bộ phim năm 2013 của đạo diễn Tạ chính là bộ phim duy nhất vượt mốc 100 triệu, cũng nhận được giải thưởng lớn. Mang những bộ phim này ra làm ví dụ thì không có sức thuyết phục. Chúng tôi thực sự không muốn bộ phim sắp tới sẽ chìm nghỉm.

Cô còn chưa nói xong, Văn Viễn đã khoát tay với cô, ra hiệu làm vậy đường đột quá, anh ta nói tiếp:

– Tôi mong rằng bộ phim "Đến Nhạc Dương" có thể tạo sức hút cho "Rạp chiếu phim nghệ thuật trực tuyến", cho nên hiệu ứng minh tinh rất cần thiết, không thể bỏ qua được. Chúng tôi cũng có nỗi khổ riêng.

Anh ta nghĩ một lát mới nói tiếp:

– Chúng tôi đã thảo luận rồi, thêm một nhân vật, thêm một vài cảnh quay thì vẫn ổn.

Tạ Lan Sinh nói từng tiếng nặng nề:

– Nhưng Vạn Vạn không thích hợp.

Văn Viễn cười:

– Đạo diễn Tạ, mong anh hãy nghĩ cách, bất kể giá nào. Anh đã từng nói rằng thủ pháp quay phim trong "Đến Nhạc Dương" rất thích hợp để chiếu mạng, không tham gia tranh giải. Chúng tôi biết kỳ thực những thứ này cũng hơi mịt mờ. Có rất nhiều thứ mà khán giả không thực sự quan tâm, bọn họ cũng không hiểu.

Tạ Lan Sinh: ...

Tạ Lan Sinh và Tân Vị không thể thống nhất trong vấn đề liên quan đến Vạn Vạn, chủ đề lại chuyển sang Trương Hữu Hữu, cuộc tranh luận vẫn chưa đi đến hồi kết.

Dường như Văn Viễn cũng cảm thấy Tạ Lan Sinh là một khúc xương cứng, anh ta hơi đau đầu:

– Đạo diễn Tạ, lợi ích của chúng ta như nhau. Tân Vị mong rằng bộ điện ảnh này sẽ đạt được nhiều lượt xem, doanh thu phòng vé cũng cao hơn một chút. Chúng tôi tin anh cũng mong muốn điều đó. Chúng tôi đã đầu tư vào hơn trăm bộ điện ảnh, một vài người nổi tiếng chắc chắn có thể kéo thêm một lượng lớn khán giả theo dõi.

Lần này, cô gái ban nãy tiếp tục phụ họa:

– Đạo diễn Tạ, Tân Vị chúng tôi không muốn phá hỏng bộ phim không có ngôi sao nổi tiếng, hơn nữa còn là một bộ phim nặng nề, kể về ước mơ tan vỡ. Khán giả muốn thỏa mãn, muốn thích thú, không muốn động não, càng không muốn suy nghĩ. Dù sao trong bộ phim của anh cần phải có một điểm khiến khán giả thích thú, minh tinh có thể trở thành điểm này.

– Lý Tiêu. – Văn Viễn lại lớn tiếng bảo cô thôi đi, rồi quay sang nói với Tạ Lan Sinh – Đạo diễn Tạ, chúng tôi đảm bảo sẽ không can dự vào phương diện khác của bộ phim điện ảnh. Chúng tôi chỉ mong rằng trong bộ phim có một hoặc hai minh tinh nổi tiếng, để hỗ trợ bộ phim, đảm bảo điểm giới hạn. Những chuyện khác chúng tôi sẽ không yêu cầu. Thậm chí tôi có thể tăng thêm dự toán cho bộ phim này, anh không cần phải vội hoàn công, muốn quay thế nào thì quay thế ấy, muốn bao nhiêu cảnh thì quay bấy nhiêu cảnh. Tôi biết thêm Trương Hữu Hữu và Vạn Vạn sẽ khiến anh cảm thấy khó xử lý. Vậy thì anh cứ từ từ nghĩ cách, thử thêm vài lần so sánh xem thế nào, đừng lo dự toán điện ảnh, anh có thể quay đến khi nào bản thân vừa lòng thì thôi.

Thông thường thì nói đến đây, đạo diễn nhất định sẽ thỏa hiệp.

Và Tạ Lan Sinh thì không muốn lùi bước.

Anh không khỏi thầm nghĩ trong đắng cay: Anh là một đạo diễn lớn, đối phương làm vậy đã khách sáo lắm rồi. Vậy thì đến 99% đạo diễn còn lại không được lợi ích như vậy đúng không?

Có phải bọn họ sẽ bị chặt một chân, sau đó chặt luôn hai tay, cuối cùng chỉ còn một lọn lóc còn lơ lửng trong không khí?

Anh có thể hiểu được tâm lý lợi nhuận của nhà đầu tư điện ảnh, anh cũng biết tư bản đang thúc đẩy sự phồn vinh của ngành điện ảnh, nhưng anh không cho rằng nhà đầu tư có thể giết gà lấy trứng được. Đầu tư, đáng lẽ phải là nhà nghệ thuật và người ủng hộ song song được lợi chứ không phải chỉ một bên nhận được lợi ích ở mức độ lớn nhất. Mọi người cần phải cùng nhau suy nghĩ về hệ thống sinh thái của cả ngành này, phải đảm bảo rằng cả hình thức có thể phát triển lâu dài.

Tạ Lan Sinh cho rằng, trong lĩnh vực nghệ thuật thực sự cần có nhiều nhà đầu tư ngốc nghếch nhiều tiền.

Ngoài ra, anh cũng cho rằng, chỉ dựa vào tư bản thì chắc chắn sẽ có vấn đề, vấn đề lớn nữa là đằng khác. Tư bản nhất định sẽ trói buộc các đạo diễn phim.

Trung Quốc có một vài quỹ điện ảnh, ví dụ như quỹ điện ảnh của Tạ Lan Sinh. Nhưng những quỹ điện ảnh này chỉ như muối bỏ biển. Các quốc gia Âu Mỹ tương đối có hệ thống, trưởng thành trên phương diện này. Ví dụ như Pháp có quỹ hỗ trợ điện ảnh và truyền hình theo chuyên mục, do Trung tâm Điện ảnh Quốc gia trực thuộc Bộ Văn hóa Pháp chịu trách nhiệm thống nhất quản lý và phân phối. Nguồn kinh phí này trích từ thuế của vé phim điện ảnh, thuế tiêu thụ DVD, thuế doanh nghiệp điện ảnh, truyền hình và các nguồn thuế khác. Một phần số tiền sẽ được trả lại cho nhà làm phim và chuyển vào tài khoản của họ, những đạo diễn có thể sử dụng khoản quỹ này. Một phần số tiền còn lại sẽ được sử dụng như khoản vay, chủ yếu dành cho những nhà làm phim điện ảnh mới. Hơn nữa cuối cùng cũng có một vài cách thức đặc biệt để đảm bảo rằng bộ phim sẽ được chiếu.

Trung Quốc cũng có quỹ tương tự, 5% tiền vé đều được đưa vào "Quỹ chuyên mục điện ảnh". Hiện quy mô doanh thu phòng vé đã đạt tới 30 tỷ RMB, nói cách khác mỗi năm "Quỹ chuyên mục điện ảnh" có thể huy động được 1.5 tỷ RMB. Điều đáng ngạc nhiên là các bộ phận liên quan chưa bao giờ công bố cụ thể khoản tiền này. Cả giới giải trí cũng chưa ai tận mắt nhìn thấy nó. Thậm chí các bộ phận liên quan cũng chưa nói tới điều kiện đăng ký và số tiền tài trợ, chỉ có những dòng miêu tả chung chung mơ hồ, chẳng hạn như "Cải tạo Rạp chiếu phim cơ sở" "Hỗ trợ phim Điện ảnh xuất sắc kết hợp giữa X và nhiệm vụ tuyên truyền Quốc gia", "Hỗ trợ những bộ phim có đề tài xuất sắc khác", và số ít bộ phim có thể tra ra được đều là những bộ phim chính luận. Hiện nay, càng ngày càng có nhiều lời kêu gọi yêu cầu chính phủ hỗ trợ điện ảnh nghệ thuật. Nghe nói "Phim nghệ thuật sáng tạo điện ảnh" cũng sẽ nằm trong phạm vi được hỗ trợ. Song, về mặt tổng thể thì đạo diễn phim điện ảnh khó mà chờ mong gì được vào quỹ này.

Tạ Lan Sinh thở dài một tiếng, cố gắng vùng vẫy lần cuối:

– Sếp Văn, sếp Nguyễn, lẽ nào sự ủng hộ của một đạo diễn, sự nhiệt tình của một đạo diễn không quan trọng với một bộ phim điện ảnh sao?

Dường như Tân Vị rất khinh thường, chỉ lịch sự phụ họa:

– Tất nhiên là quan trọng, nhưng nhà đầu tư luôn tán đồng với đạo diễn cũng không ổn. Điện ảnh không chênh lệch nhiều so với những ngành nghề khác. Học sinh nhiệt tình học tập rất quan trọng, nhân viên nhiệt tình công tác rất quan trọng, nhưng, không thể thiếu thảo luận trên những phương diện khác được.

– Được, tôi hiểu rồi. – Tạ Lan Sinh nới lỏng cổ áo, nở nụ cười ngang tàng. Anh nói – Nếu đôi bên đã không thể thống nhất vậy thì tuyên bố chấm dứt hợp tác ở đây thôi.

Tạ Lan Sinh vừa nói ra lời này, rất rõ ràng mấy người phía đối diện đều sửng sốt.

Mấy người bọn họ luôn cho rằng Tân Vị đã đưa ra đủ nhiều. Tạ Lan Sinh có thể kiếm được khoảng 40 triệu, thậm chí còn nhiều hơn.

40 triệu tệ! Không ai có thể đưa ra được con số này!

Tạ Lan Sinh gập "bốp" tập tài liệu trong tay vào, nói nửa thật nửa giả:

– Tôi đã cho Tân Vị quyền sản xuất "Đến Nhạc Dương", năm năm, nếu trong vòng năm năm tôi không quay thì vẫn sẽ thu hồi được kịch bản này. Coi như tôi bán quyền quay bộ phim này, mấy người mời ai đến mà quay, đúng rồi, tôi không cần ghi danh biên kịch, đừng có ghi tên tôi vào ê-kíp sáng tạo chính.

Ngừng một lát, anh lại nói tiếp:

– Còn về hợp đồng đạo diễn, tôi sẽ mời luật sư đến đây để hủy hợp đồng. "Đến Nhạc Dương" vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị. Tôi không tổn thất gì nhiều.

Trên hợp đồng viết rằng, nếu như đạo diễn rút lui khỏi đoàn làm phim thì phải trả lại Tân Vị khoản thù lao đã chi trả trước, còn phải bồi thường chi phí mà Tân Vị đã bỏ ra. Bây giờ bộ phim còn chưa khai máy, bởi vậy chi phí gần như bằng 0.

Kỳ thực, Tạ Lan Sinh cũng đã chuẩn bị cho tình huống hiện tại, chẳng qua, anh vẫn luôn muốn tranh thủ cơ hội, muốn quảng bá điện ảnh nghệ thuật, không có ý định từ bỏ dễ dàng.

Song, nếu chạm tới giới hạn của anh, bảo anh phải từ bỏ ý định ban đầu là quay những bộ phim mình yêu thích, anh sẽ thôi luôn.

Quảng bá điện ảnh rất quan trọng, nhưng không từ bỏ bản thân thì còn quan trọng hơn.

Anh rất tin tưởng, chỉ cần mình đầu hàng một lần trong quá trình sáng tạo, sau này tất cả các tác phẩm của anh sẽ mang hơi thở của sự phục tùng. Anh sẽ tự hủy bản thân mình.

Thực ra anh cho rằng "độc lập" nằm trên phương diện tinh thần chứ không phải hình thức. Từ sau năm 2003, lần lượt các bộ phim điện ảnh của anh đều được gửi kiểm duyệt, nhưng nếu ý kiến sửa đổi quá nhiều, Tạ Lan Sinh sẽ lựa chọn từ bỏ, bất kể trước khi khai máy hay đã quay xong rồi. May sao, cho đến nay vẫn chưa xảy ra tình trạng quay xong rồi. Trên phương diện tư bản, tất cả các bộ phim của anh đều được công ty của mình và Sân Dã sản xuất. Lần này cũng là lần duy nhất hợp tác với đơn vị khác nhằm mục đích quảng bá điện ảnh nghệ thuật. Tuy nhiên, tinh thần của anh là độc lập, là tự do, anh vẫn sẽ đấu tranh đến cùng.

Nói thì vậy, tuy nhiên anh biết tận sâu trong thâm tâm mình vẫn chờ đợi hai bên hợp tác.

Dùng việc "từ bỏ" để uy hiếp đối phương chính là chiêu cuối cùng, anh đã diễn xuất bằng kỹ thuật mà Sân Dã tung hô "đỉnh hơn bất cứ ai".

Tất nhiên, nếu vô ích thì hai bên thực sự chỉ đành chia tay ở đây.

Nghĩ đi nghĩ lại, Tạ Lan Sinh bật cười, hai tay anh nắm chặt tập tài liệu, nói:

– Sếp Văn, sếp Nguyễn, chắc hẳn hai anh đều biết, tôi không đi trên đường chính quy để được như bây giờ.

Văn Viễn, Nguyễn Thành: ...?

– Năm 1991, vì không muốn xếp hàng để quay phim, cũng vì không muốn bị kiểm duyệt nên tôi đã chọn làm phim một mình, bị Cục Điện ảnh cấm hết năm này qua năm khác. Bộ phim điện ảnh đầu tiên của tôi tên là "Bén rễ", Universal muốn mua bản quyền chiếu ở Bắc Mỹ, nhưng mong tôi sẽ sửa lại kết thúc. Tôi đã từ chối luôn mà chẳng do dự. Kể từ khi quay xong "Yêu từ cái nhìn đầu tiên", hầu hết phim của tôi đều được công ty của chính tôi sản xuất. Để qua kiểm duyệt, tôi có thể giằng co với Cục Điện ảnh về một chi tiết suốt nửa năm trời, cho tới khi thuyết phục được bọn họ, hoặc gần như thuyết phục được bọn họ thì mới dừng. Năm 2012, một ý kiến của Cục Điện ảnh khiến tôi thực sự không chấp nhận nổi, vì thế, tôi rút đơn về. Không quay phim nữa, nửa năm coi như công cốc.

Văn Viễn, Nguyễn Thành: ...

Tạ Lan Sinh đứng dậy, hai tay gõ gõ tập tài liệu, nhìn đối phương từ trên cao xuống, nói:

– Tôi không phét lác gì hết, tôi chỉ muốn nói, tôi đã quay phim hai mươi lăm năm rồi, không ai có thể chỉ trỏ tôi phải làm thế nào với bộ phim của mình.

...

Ánh mắt của Tạ Lan Sinh vô cùng sắc bén:

– Không ai có thể bắt tôi phải quay gì.

Dứt lời, Tạ Lan Sinh cầm tài liệu, cất bước ra khỏi phòng họp. Khi đi ngang qua Lam Thiên, Tạ Lan Sinh đẩy gáy anh ta một cái:

– Lam Thiên, chúng ta đi thôi.

Cuối cùng, anh đút tay vào túi, đi thẳng mà chẳng thèm quay đầu lại.

Hết chương 118

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dammy