Giữ
Tôi chạy, chạy, chạy mãi. Dường như không có ý định về nhà.
"Biến đi những bóng ma u ám. Bọn ta là những người đại diện cho chính nghĩa!"
Tôi đi qua công viên, tiếng trẻ con la hét trong chiều muộn cứ văng vẳng bên tai. Nếu những bóng ma mà chúng nói biến đi được, cuộc sống của tôi đã không đi đến nước cờ này.
Chiếu tướng!
Tôi giảm tốc độ. Con đường thị trấn vẫn như thường ngày, gió vẫn thổi, hoa vẫn múa, mặt trời vẫn sừng sững ở chân trời chực lặn. Đã qua giờ cao điểm nhưng xe cộ vẫn nườm nượp, chỉ mình tôi đi bộ.
Trên cái con đường này, cách đây hơn hai năm chứ mấy, ông ngoại vẫn cùng tôi cuốc bộ đến trường. Ông lái xe rất cừ nhưng đó là khi còn trẻ thôi. Từ tận ngoài quê đến nhà tôi chơi một thời gian cơ, cái hồi tôi còn học cấp một, ông giao lại mọi chuyện ở quê cho bà và các bác. Ông lên vì nhớ cháu thôi chứ chẳng vì mục đích gì, còn cười bảo "Lên đây cứ có cháu ta là ta vui". Thế mà đâu có được như thế. Ngoài nớ, ông có một mảnh vườn nên cứ luôn tay luôn chân, còn lên thị trấn thì làm gì được như vậy. Thế là cái hôm đó, ông cười khà khà, kéo tôi ra sân nhà rồi chỉ vào con xe bố hay đi.
"Cháu leo lên, ông chở đến trường."
Tôi nhớ chứ nghe xong da gà cứ nổi hết cả lên. Lèo nhèo mãi ông mới chịu buông tha, miệng còn lèm bèm "Mi coi thường ta hả cái thằng cháu trời đánh!". Biết tính ông, thế là từ đó, ngày nào người thị trấn cũng thấy hai ông cháu nhà tôi dung dăng dung dẻ tung tăng tới trường. Suốt một thời gian dài như vậy. Sự góp mặt của ông không chỉ làm cho tôi - đứa cháu thân yêu của ông - vui vẻ mà còn làm cho đám trẻ hàng xóm vui sướng: ông rất có tài ăn nói. Mỗi tối chủ nhật, ông lại ngồi trên bờ hè trước những cặp mắt háo hức của chúng tôi rồi kể bao nhiêu là chuyện. Thời còn chiến tranh ra sao, hồi đất nước chưa có điện thế nào, rồi chuyện về ông cố, bà cố tôi nữa... rất nhiều. Mỗi câu chuyện ông mang đến là một bài học, là một món ăn tinh thần đầy dinh dưỡng cứ làm cho chúng tôi cười "no" cả mắt. Ông dễ gần, thân với đám nhóc tụi tôi như bạn bè lâu năm, một người bạn tâm lí, phúc hậu, dễ mến mà trưởng thành...
Bỗng, chính xác là thời điểm hai năm trước, người làng bắn tin dữ lên: bà tôi ngã bệnh. Thế là ngay hôm sau, ông liền thu xếp đồ đạc về luôn. Trước khi đi còn vội vã dúi vào túi áo tôi một cái khăn tay.
"Hễ thấy nó thì nhớ đến ông mi nhé!"
Mới đó mà sao nhanh quá, đã chừng ấy năm tôi chưa gặp lại người thần tượng thuở bé. Tôi nhớ dáng đi khập khiễng nhưng chưa bao giờ ngã của ông, tôi nhớ điệu cười vô tư của ông, nhớ bàn tay nhăn nheo mà ấm áp đã dắt tôi đi qua bao khu phố, nhớ mái tóc không cần nhuộm mà vẫn âm thầm đổi thành màu mây của ông. Tôi nhớ lắm, nhớ tất! Nếu chọn mẹ, phải chăng tôi sẽ được quấn quýt lấy ông như thuở ấy, phải chăng tôi sẽ được đắm mình vào những mẩu chuyện cười đầy muối của ông? Mới nghĩ đến thôi, mắt tôi đã sáng hơn sao trời.
Dường như còn vướng vào một sợi dây vô hình nào đó, tôi lại lơ đãng nhìn vẩn vơ lên trên. Cứ ngỡ sẽ thấy nền trời hoàng hôn tuyệt đẹp nhưng không, thứ tôi thấy và vô tình húc phải là tán cây xoài xum xuê nhà cô Hoài. Đến khổ, cái cây này lại làm tôi nhớ đến một nhân vật nữa bên họ nội.
Thật nực cười, bình thường bạn bè hay trêu tôi, mỗi lần tả về tôi lại nghĩ đến loài cá vàng, nói trước quên sau, nói sau quên trước. Có năm, tôi bận học quá mà còn quên cả sinh nhật mình cơ. Chẳng nhẽ cho đến khi chìm vào sự rối rắm, sự đau buồn, não con người ta mới hoạt động hết năng suất; hay, phải chăng là những kí ức cũng muốn ghẹo tôi, đã đợi tôi rơi vào ngay đúng hoàn cảnh này rồi mới chịu ùa về, mới làm tôi suy nghĩ đến điên đầu như vậy?
Sợi dây thứ hai tôi muốn nói đến là cô Giáo - em ruột bố tôi. Chẳng biết ông bà nội nghĩ thế nào mà đặt cái tên này chứ nó nói rõ ra hết thân phận của một người: cô Giáo là một giáo viên. Cô, sau khi tốt nghiệp đại học, đã cùng gia đình tôi đến thị trấn này làm việc. Cô có nhà riêng, cách nhà tôi không xa nên cứ qua suốt. Chính vì thế mà từ khi có thể nhớ được tên mình, tôi đã có một người cô nghiêm khắc. Trước, cô là giáo viên cấp ba nhưng ngay khi tôi tốt nghiệp cấp một thì trùng hợp thay, cô lại chuyển công tác đến ngôi trường cấp hai tôi theo học. Và bao nhiêu là chuyện xảy ra từ đó.
Do biết là có quan hệ họ hàng nên nhà trường không phân cho cô đứng lớp tôi, nhưng thỉnh thoảng cô vẫn có thể sờ gáy thằng cháu trong những tiết dạy thay. Lúc bình thường cô đã rất cộc tính, đúng thế, tôi luôn mong và cứ ngỡ khi đi dạy cô sẽ dễ chịu một chút, nhất là mỗi lần gặp nhau trên hành lang, cô luôn chào và cười với tôi (tất nhiên là tôi chào trước chứ không thì tôi chẳng thể tưởng tượng nổi chuyện đáng sợ gì sẽ xảy ra). Nhưng sai bét cả! Tôi nhớ như in cái hôm đầu tiên cô dạy thay cho lớp tôi trong tiết Lý. Lúc nhác thấy dáng đi khoan thai của cô, tôi đã rất bất ngờ. Bất ngờ vì sự xuất hiện của cô cũng có nhưng vẫn ít hơn một cái bất ngờ nữa: như được báo trước thì tiết này lớp tôi có một bài kiểm tra bốn mươi lăm phút. Vừa đặt sổ sách xuống bàn, cô đã nhìn thẳng vào tôi - cứ như từ lúc bước vào lớp cô liếc quanh chỉ để tìm tôi vậy, rồi lên tiếng:
"Em! Lên phát đề cho cả lớp."
Tôi lại được dịp sởn cả gai ốc, y như cái lần ông ngoại đòi chở tôi vậy. Luôn miệng "dạ dạ, vâng vâng", tôi lật đật chạy lên bàn giáo viên. Mới vào mà đã làm tôi suýt tắc thở, "Cô ơi, đừng dọa cháu nữa mà!".
Trong lúc tôi loay hoay phát giấy, cô đập thước lên bàn cái "rầm", ý cảnh cáo rồi gằn giọng, rõ từng câu từng chữ:
"Cô ghét nhất là những hành vi gian lận. Các em liệu mà cư xử cho đúng chuẩn mực đạo đức của nhà trường!"
Đám lớp tôi nghe thế tuy có bị kích động đôi chút nhưng vẫn chưa cảm thấy sợ chi. Chắc bọn nó tưởng cô Giáo sẽ giống các cô giáo khác, hù chơi thôi. Nhưng chỉ mấy phút sau, hai chữ "hối hận" đã hiện rõ trên mặt từng đứa: cô đi lên đi xuống, đi ngang đi dọc, mà đi rất nhanh nhé. Cô ngó lên ngó xuống, nhìn ngang nhìn dọc. Tất cả tài liệu của những đứa học trò không "cư xử cho đúng chuẩn mực đạo đức của nhà trường" bị cô "khui" ra hết. Cả lớp im phăng phắc, tới nỗi nghe rõ được cả những tiếng sột soạt của đầu bút lả lướt trên giấy. Mắt đứa nào đứa nấy trợn tròn, một cảnh tượng chưa bao giờ xảy ra tại cái lớp quậy nhất nhì khối. Từ hôm đó, bọn bạn tôi sợ cô như sợ cọp. Nhiều khi các giáo viên khác còn lấy cô ra làm "bà kẹ" để răn đe. Thật khâm phục sự uy nghiêm của cô hết mức!
Đó chỉ là bề ngoài thôi chứ tôi biết, dù nghiêm nghị nhưng cô Giáo yêu nghề, yêu người lắm. Có cái dạo trước ngày thi cuối kì, cô sẵn sàng đến nhà kèm tôi cùng vài đứa học kém, bỏ hẳn cả bữa trưa mà trời thì nóng như thiêu đốt. Gia đình tôi đã thế còn không lắp điều hòa. Cô trò vừa học vừa quẹt mồ hôi mà mặt ai nấy đều hơn hớn. Vui vì giải được bài toán khó, một công thức phức tạp. Riêng tôi vui không nhất cũng nhì: tôi có một người cô ruột là một giáo viên cần mẫn.
Thế nhưng, y đúc ông ngoại, cô tôi cũng chạy cái vèo ra khỏi đầu óc non nớt của thằng cháu ruột mà không một lời từ giã đàng hoàng. Tính ra cũng gần nửa thập kỉ rồi. Tôi nghe phong thanh rằng cô xuống dưới quê dạy học miễn phí cho trường nghèo, kiếm thu nhập riêng bằng việc bán tạp hóa.
"Em không chồng con thì thế này cũng thoải mái chán. Quan trọng là được tiếp thêm kiến thức và hi vọng cho những trẻ cơ nhỡ. Các cháu chăm học lắm, anh à!" - Có hôm tôi nghe rõ mồn một giọng nói nhẹ nhàng mà không kém phần cương quyết của cô tôi trên điện thoại bố. Chả là quyết định của cô làm cho họ hàng bên nội tôi sửng sốt. Cả bà nội lẫn bố tôi đều đã khuyên ngăn cô rất nhiều lần, họ nghĩ cô có bị cái chi không mà cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp sư phạm danh giá rồi đi dạy từ thiện, nhất là phải kiếm tiền từ một thứ việc quá nỗi bình thường là bán hàng. Cô gấp rút đi luôn mà không tạm biệt ai cũng do đây cả. Nhưng với tôi, mọi quyết định của cô đều vô cùng đáng nể. Cô liều lĩnh và kiên cường, như một cái cây vững chãi, hiên ngang đương đầu với bão lớn, hy sinh thân mình để cứu giúp mọi người. Đúng thế, hình ảnh của cô Giáo luôn đẹp như vậy mỗi khi xuất hiện trong đầu tôi.
Trước khi về quê vài ngày, cô vẫn cư xử bình thường khiến tôi chẳng bao giờ nghĩ đến việc cô sẽ đi. Hôm đó, tôi và đám bạn đang đi chơi thì gặp cô. Nhưng cái "chơi" của chúng tôi lại không được tốt đẹp mấy: bọn tôi đang trèo cây hái trộm xoài. Cảm giác bất an xâm chiếm lấy tâm trí tôi rồi bùng lên như muốn thoát ra ngoài. Tôi là đứa không trực tiếp leo cây nhưng cô đứng sau cứ làm tôi run bần bật, miệng câm như hến. Tôi rất muốn hét lên, hoặc báo hiệu gì đó cho đám bạn trên cây rằng "Dừng lại đi! Cô Giáo kìa!" nhưng cái miệng ngu ngốc lại phản bội chính tôi. Thằng Trí, thằng Phúc, thằng An đang vắt vẻo trên đấy. Một tay bám cây, một tay cầm trái xoài vàng ươm mà do sự thèm thuồng của chúng nó nên hổng mất mấy phần. Thằng An hồn nhiên hét lên, đầu không nhìn tôi, vẫn chưa biết mối nguy nào đang chờ mình:
"Mày lên đây đi Quy! Xoài ngọt lắm!"
Không biết xoài ngọt không chứ miệng tôi đắng ngắt. Giật mình liếc ra sau, tôi thấy cô ngước đầu lên, miệng cười trông nguy hiểm hết biết. Lại lo lắng nhìn đám bạn mà tôi muốn xỉu. Thằng Trí chơi với tôi từ bé, nhanh ý phát hiện ra sự im ắng bất thường của đứa bạn, nó quay xuống định buông lời trêu chọc thì ôi thôi! Trái xoài gặm dở trên tay nó tự do rơi xuống, khẽ sượt qua tóc tôi.
"Các em đã được sự cho phép của cô Hoài chưa mà dám hái nhiều như vậy?"
Bốn đứa ái ngại nhìn nhau, mồ hôi ướt đẫm áo. Trước sau gì chỉ có cô giũa bọn tôi tơi tả.
"Đã lỡ hái rồi, mau theo cô vào xin phép đi!"
Đội ơn trời! Cô Hoài đã gật đầu cho phép sau một hồi tám chuyện trời ơi đất hỡi với cô Giáo. Ra đến cổng, cô nhìn chúng tôi, trách:
"Lần sau không được thế này. Ăn trộm là rất xấu, đã thế leo cây còn vô cùng nguy hiểm. Biết không các em?"
Chúng tôi vẫn còn ngượng, không trả lời mà chỉ lẽn bẽn gật gật: lần đầu tiên trong đời đi ăn cắp mà bị bắt gặp. Hai trái xoài được thằng An đưa từ lâu nhưng tôi chần chừ cầm mãi, thật khác với bản tính háu ăn thường ngày của tôi. Thoáng thấy cô xách giỏ chuẩn bị đi, tôi chạy lại dúi vào tay cô một quả rồi gật đầu tạm biệt.
Kể từ hôm ấy, tôi không bao giờ dám động tới cây xoài nhà cô Hoài nữa.
Đã lâu rồi tôi không nghe tin cô. Nhưng tôi luôn chắc rằng cô vẫn toàn tâm toàn ý, dốc sức giúp đỡ các bạn học sinh nghèo. Đó là hình ảnh một người giáo viên dịu hiền dắt tay đám học sinh mắt long lanh, miệng cười vui vẻ. Mới chỉ nghĩ đến cũng đủ để khiến lòng tôi nao nao. Nếu chọn bố, tôi sẽ nằng nặc đòi ông cho tôi đến gặp cô. Rồi, tôi sẽ được ngồi học bên cô như thuở bé, sẽ gật đầu lia lịa khi nghe tới câu hỏi "Cháu đã hiểu chưa?" quen thuộc.
Ông ngoại và cô luôn ở trên trang sách đẹp nhất trong cuốn tự truyện của tôi. Hai người ấy đã lớn lên cùng tôi, ôm lấy tuổi thơ tôi, tạo nên tôi của hôm nay. Và dù cho đang trong bất kì hoàn cảnh nào của cuộc sống đầy phong ba này, chỉ cần nghĩ đến ông và cô, lòng tôi lại yên bình đến lạ.
Tại sao? Tại sao lại không cho tôi chọn cả hai? Tôi đã gây ra lỗi lầm gì cơ chứ? Ai đó hãy trả lời tôi đi, trả lời cho thật to, thật rõ vào hộ tôi với! Đừng mà... thà rằng đừng cho tôi níu kéo ai còn hơn chỉ được cầm lấy tay một người trong hai mà bước tiếp. Tôi nhớ ông tôi. Tôi nhớ cô tôi.
Chiếu bí!
Tôi nghĩ và nghĩ, băn khoăn và băn khoăn. Rồi chợt nhận ra mình lo xa quá.
Hiện tại tôi còn chưa biết được mình nên về nhà hay đi tiếp.
Lê Sa
Kiên Giang, 31/07/2021
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top