Cứ thế, Tùng Dương bắt đầu những ngày tháng gần như đoạn tuyệt với trần thế. Cuộc sống trên núi rất thanh tĩnh, sáu rưỡi sáng dậy ăn sáng, trưa đục vỡ chiều gọt tỉa, tới tối thì cãi nhau với Nguyễn Lập Dị vì bất đồng quan điểm trong các phương diện.
Cả thím Quế cũng cười nói từ khi cậu đến chim sẻ trong rừng ít hẳn đi.
Hai thầy trò đều cứng đầu, độ tôn sư trọng đạo của Tùng Dương khi trên trời lúc dưới đất, biên độ của đồ thị hình sin thường xuyên khiến Nguyễn Đức An tức xì khói.
Mà người thầy cũng không ra dáng thầy mấy, ngoài chạm khắc gỗ ra thì không được điểm nào, ông còn có một thói quen xấu là mê rượu. Trước đây uống một mình, từ lúc Tùng Dương đến thì kéo cậu uống chung.
"Thầy à." Tùng Dương ngồi khoanh chân trên chiếc đệm cạnh cửa sổ, trên chiếc bàn thấp có hai bình rượu gạo thím Quế vừa hâm nóng, cậu tự bước tới rót cho Nguyễn Đức An một ly đẩy qua rồi nói: "Thầy uống ít thôi."
"Con thử thêm chút nữa không?" Ông lão cầm ly, hỏi cậu bằng ánh mắt lấp lóe.
Môi Tùng Dương giật giật, "Thầy thôi đi ạ, con mới bao lớn, vậy mà thầy cũng làm được."
"Không có chí tiến thủ gì cả." Nguyễn Lập Dị nói: "Lúc thầy lớn bằng con đã bắt đầu uống trộm rượu nhà giấu trong hầm rồi, nếu không vì sau đó có lần sơ ý ngủ quên trong hầm thì chắc chắn không ai phát hiện ra được đâu."
"Chuyện đó có gì đáng tự hào đâu?" Tùng Dương cạn lời.
Kiếp trước Tùng Dương từng uống rượu hỏng cả bao tử nên gần như có sự bài xích sinh lý đối với thứ này. Nhưng thi thoảng cậu cũng sẽ ngồi cùng Nguyễn Đức An. Trên núi nhiều mưa, cũng như hiện tại khi hai người đang ngồi đối diện nhau trước cửa sổ.
Một độc ẩm, một ngẩn người.
"Thầy rất thích oắt con con." Nguyễn Đức An bắt đầu thấm rượu nói với Tùng Dương, "Con giống người nhà họ Nguyễn, nhưng cũng rất khác."
Tùng Dương hỏi: "Người nhà họ Nguyễn thế nào ạ?"
Dường như Nguyễn Lập Dị đã chìm vào hồi ức, nhìn ra cửa sổ thẫn thờ một lúc lâu.
Cuối cùng tổng kết lại là: "Mỗi một đời của nhà họ Nguyễn khởi nguồn từ lớp trên, cho tới khi về với cát bụi luôn chú trọng truyền thừa liền mạch. Sự liền mạch ấy chính là gốc rễ, nếu hư hỏng bắt đầu từ gốc rễ thì vận số cũng đến điểm cuối. Trên người con có thứ những người khác không có."
Ánh mắt Tùng Dương nghiêm túc hơn hẳn ban đầu, "Là gì ạ?"
"Chấp niệm."
Tùng Dương sửng sốt.
Nguyễn Lập Dị: "Đến một cảnh giới nào đó thứ một người thợ thủ công theo đuổi không còn là hình ảnh bên ngoài nữa, không biết bao nhiêu người sống đến cuối đời cũng không đạt được điều mình mong cầu trong lòng. Những kẻ điên đại không phải thiểu số đâu." Ông lão nốc cạn rượu trong tay, cười cười với Tùng Dương rồi nói: "Oắt con, thầy đã gặp không ít người trong nghề này rồi, có đầy kẻ tài năng cao hơn con, kỹ thuật giỏi hơn con gấp trăm lần, nhưng chỉ độc một thứ, sức dai, là rất nhiều người trưởng thành đều không bằng một phần mười của con. Nhưng, chấp niệm thành tâm ma, có thể giúp con cũng có thể hại con, con có hiểu không?"
Đây là lần đầu tiên Nguyễn Lập Dị nhắc đến chuyện này với cậu từ khi cậu đến đây.
Tùng Dương không đáp lại ngay, cậu ném trả vấn đề cho ông, "Thầy cũng có chấp niệm sao?"
"Có chứ, sao lại không có được." Ông lão hơi say rồi, trông có vẻ bần thần, tự rót cho mình một ly nữa rồi mới nói tiếp: "Cái chí thời còn trẻ cảm thấy trên thế gian không có con đường nào mình không thể san bằng, không có điểm cuối nào không thể đặt chân đến. Nhưng chỉ kịp chớp mắt mà khí thế nghiêng trời đã thành không còn sức vãn hồi. Thầy cũng có điều hối hận."
Mấy chữ cuối cùng hòa trong rượu trôi xuống cổ họng.
Không biết tại sao, cổ Tùng Dương như nghẹn cứng, khàn giọng không thể nói được tiếng nào.
Tùng Dương nhìn ông lão thiếu đứng đắn đã say đến bắt đầu hơi mất trí, nhớ lại vận mệnh của nhánh họ Nguyễn tách ra từ nhiều năm trước này. Ai cũng nói cả đời Nguyễn Lập Dị ngông cuồng hành xử chẳng ra sao, đến cuối cùng vẫn có sự chua xót và trầm lặng không đáng nói cho người ngoài biết.
"Thầy say rồi." Tùng Dương đứng lên nói, "Để con dìu thầy về nghỉ."
"Vậy con đã nhớ lời thầy nói chưa?"
"Nhớ rồi ạ." Tùng Dương đáp.
Nguyễn Lập Dị nhìn người cực chuẩn, nhưng Tùng Dương biết ông không cách nào nghĩ ra chuyện cậu là một người trưởng thành trong thân xác trẻ con.
Quả thật Tùng Dương đang bị chấp niệm trong lòng trói buộc, nhưng đồng thời cậu cũng rất tỉnh táo.
So với Nguyễn Đức An cô đơn lúc tuổi già, Tùng Dương vốn là người từng bị lửa đỏ thiêu đốt trong đường cùng, chỉ có thể nói cậu may mắn hơn, được mở mắt quay đầu, dù kiếp này phải mang xiềng xích nhưng vẫn có thể đi lại con đường đời mình thêm lần nữa.
Trên con đường lát đá trong sân, một già một trẻ dìu nhau, lần đầu tiên cảm thấy gần gũi nhau đến thế.
Nguyễn Đức An bỗng dưng dừng chân, "Đúng rồi, tuần trước con nói lần sau anh con lên là mai hả?"
"Hình như vậy ạ." Tùng Dương đáp.
"Nguy rồi nguy rồi." Ông lão cuống quýt quay đầu trở lại, nói: "Không thể để anh con phát hiện thấy hai bình rượu thầy mới nhờ người ta xuống núi mang lên được. Lần trước nó tới xong khuân hết của để dành của thầy mang đi. Nó vơ vét kinh lắm, đúng là không phải con người."
Tùng Dương thầm nghĩ rõ ràng người xui xẻo là con, cậu chỉ bị ông lão ép uống một tí, rồi lại xui rủi bị Anh Ninh bắt quả tang. Làm anh cậu sầm mặt với cậu cả một ngày trời.
Thật ra Anh Ninh không có nhiều thời gian, trên cơ bản chưa bắt gặp chuyện vui gì, tình huống thường gặp nhất là thấy hai thầy trò mặt mũi lấm lem bước ra khỏi phòng làm việc sau cả ngày vùi đầu trong đó.
Mà Tùng Dương thì không phải lúc nào cũng ở trên núi. Nguyễn Đức An không phải người luôn nghiêm khắc giữ gìn nền nếp gia phong như Nguyễn Bách Tòng, ông quen biết với rất nhiều người bên ngoài, cách ít lâu sẽ ra ngoài đi một vòng.
Sưu tầm vật liệu quý, tìm cảm hứng cho tác phẩm, giao lưu kinh nghiệm với các thợ khắc mộc từ hệ phái khác.
Khi kỳ nghỉ của Tùng Dương gần kết thúc, cậu theo Nguyễn Lập Dị đi xa một chuyến. Xuất phát từ Kiến Kinh, vòng xuống Tô Giang, rồi đánh một vòng quanh các thành thị cuối phía nam.
Cậu không báo cho gia đình biết về chuyến đi này. Còn chuyện người nhà có biết tin từ chỗ Nguyễn Đức An không thì Tùng Dương không cố ý hỏi thăm.
Trong chuyến đi này Tùng Dương ngồi chung xe với nhà cung cấp gỗ, nghe người khắc đồ chơi bên đường kể chuyện vu vơ, theo Nguyễn Đức An tìm gặp một người thợ thủ công lão làng trong chốn rừng thiêng nước độc đúng nghĩa.
Hiện tại, Tùng Dương ở tuổi này đã đi được một quãng đường rất dài. Dài đến nỗi khi cậu quay đầu nhìn lại, Kiến Kinh đã vào thu.
Hôm ấy, vừa xế trưa.
Trạm xe lửa đâu đâu cũng nghịt người, Tùng Dương vừa kéo Nguyễn Đức An bước ra khỏi cửa trạm là thấy những người đang đứng chờ cạnh con đường. Nguyễn Thước, Nguyễn Hạo với cô út và cả Anh Ninh đều có mặt.
"Sao mọi người đến đây?" Tùng Dương chạy đến ngạc nhiên hỏi.
Cô út cười bảo: "Thì đến đón con chứ sao nữa, con không nói tiếng nào đã chạy xa như vậy, trong nhà ai cũng lo."
Nguyễn Thước đứng cạnh anh cả Anh Ninh, nghe vậy thì làm bộ nôn ọe.
May mà mấy năm nay Nguyễn Hạo không học theo thói ăn nói cay nghiệt của Nguyễn Thước, cậu chàng đi tới cạnh Tùng Dương đo thử, "Sao anh thấy em cao lên nhiều rồi nhỉ, cũng đâu phải lâu lắm rồi không gặp nhau."
"Vậy hả?" Tùng Dương đáp lại rồi bước tới cạnh Anh Ninh.
Cậu so vai với anh mình, ngón tay làm dấu cự ly trán mình cao hơn vai anh rồi ngước lên hỏi: "Em có cao lên không?"
"Ừm." Anh Ninh nhìn thoáng qua khuôn mặt phơi nắng hơn nửa tháng cũng không đen đi của cậu, lên tiếng: "Cao hơn một chút."
Tùng Dương nghe vậy thì vui hẳn lên.
Kiếp trước chiều cao khi trưởng thành của cậu cũng chỉ một mét bảy tám, mà bây giờ anh cậu và Nguyễn Thước đều đã vượt mức tiêu chuẩn đó, Nguyễn Hạo thì thấp hơn một tí, nhưng cũng trông to cao hơn Tùng Dương vừa mới trổ mã tuổi thiếu niên nhiều.
Nhà họ Nguyễn không ai thấp cả, mẹ cậu Dương Hoài Ngọc cũng cao tầm đó, Tùng Dương thật sự không biết sao mình lại kéo chân cả nhà.
Nhưng cậu vẫn còn không gian để phát huy, Tùng Dương tự thuyết phục mình như thế.
Nguyễn Mạn Xu ngắt lời bọn trẻ tâm sự, vỗ tay bảo: "Được rồi, về nhà thôi, chắc ở nhà đã nấu nướng xong cả rồi đang chờ vào tiệc đấy."
Tất cả mọi người cùng mời Nguyễn Đức An đến nhà họ Nguyễn. Người nhà lâu rồi không gặp Tùng Dương, ai cũng nói cậu khác rất nhiều.
Bản thân Tùng Dương thì lại chẳng có cảm giác gì.
Bầu không khí trên bàn ăn rất vui vẻ, Nguyễn Bách Tòng đặc biệt khui một chai rượu quý chiêu đãi Nguyễn Đức An, nói thằng oắt con Tùng Dương làm phiền chú nhiều quá. Tùng Dương nhìn cảnh ấy, trong lòng thầm nghĩ tuy sau lưng thầy mình chê bai bố mình đủ điều, nhưng trước mặt vẫn lịch sự nhận uống ly rượu ấy nhỉ.
Hai người nhắc chuyện quá khứ, nhưng rất ăn ý không làm ai nao lòng.
Tùng Dương thì tập trung chiến đấu với đồ ăn trong chén.
Rồi cậu phát hiện mẹ và bà nội cứ nhìn mình mãi.
"Chuyện gì vậy ạ?" Tùng Dương hoang mang.
Bà nội cậu: "Đen rồi."
Mẹ cậu: "Gầy rồi."
Rồi lại bổ sung: "Nhưng mà em bé vẫn dễ thương lắm."
Tùng Dương sống bên ngoài lâu như vậy, lại theo Nguyễn Lập Dị ăn gió nằm sương trên đường, xa nhà thời gian dài làm kỹ năng nhõng nhẽo tụt giảm theo chiều hướng nhảy vực, nhất thời không chống đỡ nổi trước thể chế cưng chiều trẻ ba tuổi này.
Vai cậu giật giật, liền cầm chén cọ vào vai anh cậu.
Anh Ninh nghiêng đầu cầm đũa gõ trán cậu, "Không ăn uống tử tế mà làm gì đó?"
"Em vẫn quen với việc anh mắng em hơn." Tùng Dương ngẩng đầu nói rất chân thành.
Anh Ninh nhướng mày: "Ra ngoài gây chuyện gì rồi à?"
Tùng Dương lập tức ngồi thẳng thớm lại.
"Không có ạ." Cậu nói.
Mọi sự đều sóng yên biển lặng, cậu có thể lặng lẽ trưởng thành ở nơi mà gia đình không nhìn thấy.
Nhà họ Nguyễn cũng không thay đổi quá nhiều vì cậu xa nhà. Những điều cậu lo lắng trước đây đều không xảy ra.
Tùng Dương còn biết được tên nữ sinh đi cùng anh cậu khi hai người tình cờ gặp nhau trên đường lần trước, cũng biết anh mình không yêu sớm thật.
Người yêu sớm là Nguyễn Thước, với một em gái lớp 9, trong kì nghỉ hè phụ huynh người ta đến nhà làm ầm lên, suýt nữa chú hai đánh cậu chàng tàn phế.
Sau mùa hè này, cùng lúc tác phẩm đầu tiên của Tùng Dương được tiến cử đi dự thi thuận lợi qua vòng sơ tuyển rồi được trưng bày trên bục triển lãm, tin tức nhà họ Thịnh gặp chuyện truyền ra.
Cả sự kiện không hề có điềm báo nào, nhưng gần như trực tiếp bị phán án tử. Hơn nữa còn sớm hơn thời điểm trong kiếp trước khoảng một tháng.
Vì chuyện này mà khi đó Tùng Dương bị đánh một trận thê thảm, rồi bị đưa đến chỗ thầy Nguyễn Đức An.
Bây giờ nhà họ Nguyễn thoát thân an toàn không tổn hại nửa phần khỏi dòng nước lũ đó, gần như khiến trái tim của mỗi một người trong nhà lăn một vòng trên lưỡi dao sắc, rồi lại bình an về lại chỗ cũ. Ánh mắt mọi người nhìn Tùng Dương cứ như đang quyết tâm muốn tìm cho ra chứng cứ cậu bị linh hồn nào khác nhập vào.
Tùng Dương nói: "Là vô tình thật mà, mọi người hỏi bao nhiêu lần cũng thế thôi. Con ở trong nhà suốt ngày làm sao biết được gì, nếu biết thật thì có để bị bố già đánh cho một trận không."
"Có lẽ ý trời là thế." Bà cụ ôm Tùng Dương cảm thán, rồi lại cười nói: "Đây là cứu tinh của nhà họ Nguyễn đây, phải cung phụng cho tử tế."
"Bà nội, vậy con sẽ tổn thọ đó." Tùng Dương nói.
"Phỉ phui cái mồm." Bà cụ quở, "Ăn nói vớ vẩn."
Thật ra cảm giác bứt rứt căng thẳng chưa từng dừng lại lấy một giây trong Tùng Dương có liên quan mật thiết đến việc kiếp trước cậu chết vào năm hai mươi sáu tuổi.
Giống như một cột mốc không giờ phút nào thôi nhắc nhở cậu có một từ gọi là vận mệnh.
Cậu đang sống như cuộc đời này chỉ dài hai mươi sáu năm, trừ đi năm năm trước khi quay lại thì chỉ còn chưa đến hai mươi mốt năm.
Trước mắt vào năm nay, cuối cùng nhà họ Nguyễn cũng vươn mình ra khỏi ngọn nguồn căn bản của xu thế tụt dốc thời gian trước. Tuy Nguyễn Thước Nguyễn Hạo vẫn chưa thể xem là thành thục, nhưng trong lớp người trẻ cũng được tính là xuất sắc nổi trội.
Còn bản thân cậu.
Tác phẩm được đưa đi dự thi cuối cùng lấy hạng nhất.
Đó là một bức khắc hình ông lão ăn xin, cạnh ông có một đứa bé, áo quần lam lũ nhưng cụ cười lại hồn nhiên thuần khiết. Sự cách biệt lớn về tuổi tác và cảm xúc hoàn toàn khác nhau của ánh mắt khiến tác phẩm này mang đầy tính tự sự.
Có người nhận xét, đây là một tác phẩm có hơi ấm.
Thứ chỉ thuộc về riêng mình cái tên Tùng Dương, phong cách cá nhân nổi bật của cậu đã ghi dấu ấn lên thời đại bây giờ, kết thúc thời kỳ ẩn mình lắng đọng, chân chính chiếm cứ một vị trí trong giới.
Không phải thợ cả bé nhà họ Nguyễn, không phải con trai của Nguyễn Bách Tòng.
Là Nguyễn Tùng Dương.
___
Lịch ra chương mới: Chương 16 - 9h00 tối nay lên ạ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top