Nhung vde chung ve Luat thue
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LUẬT THUẾ
1. Khái niệm về thuế
1.1. Lược sử sự hình thành và phát triển của thuế
Thuế là một khỏan thu bắt buộc. Thuế có thể do chính quyền trung ương trực tiếp thu hay ủy nhiệm cho các cơ quan địa phương thu. Thông thường thì tiền thuế thu được phải được chi xài cho các mục tiêu công cộng và mục tiêu của thuế không chỉ là thu tiền cho ngân sách nhà nước mà nó cũng nhằm thực hiện công bằng xã hội hoặc khuyến khích phát triển kinh tế1.
Mọi chính phủ đều cần có ngân sách để họat động. Mặc dù có thể có những sự lựa chọn khác nhưng thuế là công cụ hữu hiệu nhất để tạo nguồn thu ngân sách. Một chính phủ có thể vay mượn tiền từ công dân hoặc từ nước ngoài nhưng nợ thì phải trả. Nhà nước có thể “bán” các dịch vụ công cộng cho công dân của mình hoặc cho những người nước ngoài đang cư trú trong phạm vi lãnh thổ mình quản lý nhưng số tiền thu được không đảm bảo sẽ đủ để trang trải. Mặt khác, không phải dân chúng ai cũng có khả năng mua các dịch vụ công và nhà nước không thể không cung cấp các dịch vụ đó cho người dân. Nhà nước cũng cố gắng tránh mắc nợ nước ngoàibởi vì một khi đã mắc nợ thì không chỉ bị phụ thuộc về kinh tế mà có thể bị phụ thuộc cả về chính trị. Bất cứ nhà nước nào đều chiếm hữu cho mình một số tài sản nhất định và nhà nước có thể đầu tư, kinh doanh số tài sản đó nhưng nhà nước với nhiều chức năng riêng của mình không quán xuyến việc kinh doanh như những chủ thể khác trong xã hội. Thông thường nhà nước chỉ kinh doanh những ngành phục vụ cho lợi ích công cộng, an ninh quốc gia và những ngành này thông thường không sinh lợi hoặc chi phí đầu tư ban đầu quá lớn. Một nhà nước cũng có thể yêu cầu sự tự nguyện đóng góp của người dân bởi vì có rất nhiều họat động của nhà nước nhằm phục cho cho lợi ích của người dân. Tuy nhiên, đây không phải là cách thức tốt nhất bởi vì nhà nước luôn cần một ngân sách nhất định hàng năm và họ không thể ngồi chờ sự tự nguyện của người dân. Nhà nước với quyền lực chính trị sẵn có, sẽ thu một bộ phận thu nhập của cả xã hội để đảm bảo nhu cầu chi tiêu của mình. Vì thế mà, mục tiêu cơ bản của thuế luôn luôn đảm bảo nguồn thu cho chi phí của nhà nước2. Một vấn đề đặt ra là nếu số của cải vật chất do người dân sản xuất ra chỉ đủ nuôi sống bản thân họ thì làm gì có phần đóng góp để nuôi bộ máy nhà nước. Theo Marx, quá trình tái sản xuất giản đơn, tái sản xuất mở rộng là hai vấn đề quan trọng của làm nền tảng cho những lý luận cơ bản về thuế. Lao động với tư cách là một lọai hàng hóa đặc biệt, qua họat động lao động tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của nó. Phần mới sáng tạo đó gọi là thu nhập. Thu nhập chính là cơ sở để tái sản xuất mở rộng và là nguồn cho sự động viên vào ngân sách nhà nước3.
Thuế có một lịch sử rất dài, Thuronyi cho rằng trong lịch sử, có những khoản thu như thuế nhưng không phải lúc nào nó cũng được gọi tên là thuế, nhưng việc sử dụng những tên gọi khác không có nghĩa là có sự khác biệt về mặt pháp lý4. Theo Burg, thuế là một phần của lịch sử nhân loại ở cả phương Đông và phương Tây từ ít nhất 2500 năm và cũng có thể là
1 Chris White House, Revenue Law Principles and Practice, 21st Edition, Lexis Nexis TM UK, 2003, tr.5,6
2 Chris White House, Revenue Law Principles and Practice, 21st Edition, Lexis Nexis TM UK, 2003,tr.6
3 Quách Đức Pháp, Thuế-Công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế, Nxb Xây Dựng, Hà Nội 1999, tr. 10
4 Victor Thuronyi, Comparative Tax Law, Kluwer Law International, 2003, tr. 53
7
4500 năm5. Burg cũng tìm ra rằng hình thức sớm nhất của thuế được gọi là corvée, một hình thức lao động bắt buộc (và từ “lao động” trong tiếng Ai Cập cổ cũng đồng nghĩa với từ “thuế”). Với quan điểm tương tự, Giáo trình Luật thuế Việt Nam của trường Đại học Luật Hà Nội năm 2007 cũng viết rằng “thu thuế được thực hiện từ hình thức thu bằng hiện vật chuyển dần sang thu với hình thức giá trị. Điều đó cũng có nghĩa là, thuế xuất hiện ban đầu có hình thức biểu hiện rất đơn giản. Quan hệ phu phen, cống nạp là những lọai thuế thể hiện dưới hình thức hiện vật dần có sự phức tạp hơn – hình thức sưu, thuế được cắt đặt một cách thống nhất trong phạm vi lãnh thổ. Đến khi tiền tệ ra đời, hình thức thuế thu bằng tiền làm giảm nhẹ đi sự nghiệt ngã của các hình thức cống nộp”6. Khi nghiên cứu về lịch sử của thuế ở Anh, Sabine cho rằng ban đầu thuế có những điểm chung với các khoản đóng góp của người dân cho các nhà tu để họ sử dụng trong việc giải thích các nỗi sợ hãi và những bí mật của tự nhiên, chăm lo đời sống tâm linh của người dân và những biện pháp để thu các khoản đóng góp này cũng không khác với những cách thức thu thuế là mấy 7.
Ở phương Tây, hình thức thuế xuất hiện sớm nhất là ở Ai Cập cổ đại dưới dạng thuế ruộng đất. Theo đó, chính quyền lấy sông Nile làm cơ sở để đánh thuế. Những mảnh đất nào gần lưu vực sông thì sẽ phải đóng thuế cao hơn những mảnh đất nằm sâu trong sa mạc. Các Pharaoh thu thuế trên nhiều lĩnh vực kể cả dầu ăn8. Ở Trung Quốc, hình thức thuế sớm nhất là “cống” thời nhà Hạ. Thuật ngữ “thuế” xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 594 trước công nguyên9. Chính quyền Hy lạp cổ đại cũng cố gắng tận thu tất cả các khoản để trang trải cho các chi phí chiến tranh. Trong khi đó, Caesar Augustus được xem là một trong những nhà chiến lược về thuế vì ông đã ban hành thuế thừa kế để lấy tiền chi trả cho các quân nhân giải ngũ10. Tuy nhiên, cũng vì những chính sách thuế tận thu, hà khắc mà nhiều vị vua của Trung quốc cổ đại bị mất ngôi11. Trong quá trình tồn tại của các nhà nước, thuế luôn luôn là vấn đề quan trọng. Trong các cuộc bầu cử (nhất là ở các nước Tư bản) dự thảo về chính sách thuế của các ứng cử viên luôn luôn được cử tri quan tâm và để được lòng dân, nhiều ứng cử viên đã cố gắng giới thiệu các chính sách cắt giảm thuế hoặc tăng chi cho các khoản phúc lợi xã hội.
Cùng với sự phát triển của văn minh nhân lọai, những lọai thuế và hình thức thuế phức tạp hơn được hình thành. Những chính sách thuế tận thu và hà khắc dần dần được thay thế. Nhà nước chú tâm nhiều hơn đến việc “hòan trả” các khỏan thuế mà dân đóng góp thông qua việc cung cấp các hàng hóa công cộng, phúc lợi xã hội, vv…Ngay cả các cơ quan thu thuế cũng cố gắng thay đổi diện mạo của mình, vừa nhân danh nhà nước thu thuế nhưng cũng vừa là người trung gian giúp cho người dân thực hiện chính xác các nghĩa vụ thuế của mình với nhà nước.
5 David F. Burg, A World History of Tax Rebellions, Routledge, Oxford UK 2004, tr. xi
6 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2007, tr.8,9
7 B.E.V.Sabine, A Short History of Taxation, Butterworths London 1980, p.I
8 http://www.uic.edu/depts/lib/documents/resources/tax99/taxhistory.shtml
9 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2007, tr.8
10 http://www.taxworld.org/History/taxHistory.htm
11 Han Liang Huang, the Land Tax in China, Columbia University, New York 1918
8
1.2. Khái niệm, đặc điểm và vai trò của thuế
1.2.1. Khái niệm, đặc điểm của thuế
Có nhiều quan niệm khác nhau về thuế, tùy thuộc vào các lĩnh vực, góc độ nghiên cứu khác nhau. Marx viết “thuế là cơ sở kinh tế của bộ máy nhà nước, là thủ đọan đơn giản để kho bạc thu được tiền của người dân để dùng vào việc chi tiêu của nhà nước”12. Theo các tác giả Giáo trình Luật thuế, Đại học Luật Hà Nội thì “thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức và cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ các điều kiện nhất định”13. Cụ thể hơn, Giáo trình Quản lý Tài chính công của học viện tài chính quan niệm rằng “thuế là một hình thức động viên bắt buộc của nhà nước theo luật định, thuộc phạm trù phân phối, nhằm tập trung một bộ phận thu nhập của các thể nhân và pháp nhân vào ngân sách nhà nước để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của nhà nước và phục vụ lợi ích công cộng”14.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ các khái niệm trên đều thống nhất: thuế là khoản nộp bắt buộc vào ngân sách nhà nước để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của nhà nước.
1.2.2. Đặc điểm của thuế
- Thuế là khoản thu mang tính bắt buộc. Tính bắt buộc xuất phát từ việc nhà nước là người cung ứng phần lớn hàng hóa công cộng cho xã hội. Đặc tính của hàng hóa công cộng là có thể sử dụng chung và khó có thể loại trừ. Ít có người dân nào tự nguyện trả tiền cho việc thụ hưởng hàng hóa công cộng do nhà nước đầu tư cung cấp như quốc phòng, môi trường, pháp luật, vệ sinh phòng dịch, vv…Vì vậy, để đảm bảo nhu cầu chi tiêu công cộng ấy, nhà nước phải sử dụng quyền lực của mình để nhân dân phải nộp thuế cho nhà nước. Tính bắt buộc của thuế thể hiện nghĩa vụ đóng góp của mọi công dân đối với lợi ích công cộng của toàn xã hội. Tính bắt buộc này thường được ghi nhận trong hiến pháp của các quốc gia. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định ở điều 80 rằng “công dân có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo quy định của pháp luật”. Các luật thuế sẽ do các cơ quan quyền lực nhà nước ấn định, ban hành tránh việc thu thuế tuỳ tiện. Ví dụ như khoản 4 điều 84 của Hiến pháp Việt nam 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) có qui định rằng chỉ có Quốc Hội mới có quyền qui định, sửa đổi, bãi bỏ các thứ thuế.
- Thuế là khoản thu của ngân sách nhà nước mang tính không hòan trả trực tiếp và không đối giá. Số tiền thuế phải nộp không gắn trực tiếp với lợi ích cụ thể mà người nộp thuế được hưởng từ hàng hóa công cộng do nhà nước cung cấp. Các cá nhân, tổ chức thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước không có quyền đòi hỏi nhà nước phải cung cấp trực tiếp cho họ một lượng hàng hóa dịch vụ cụ thể nào đó. Tuy nhiên, cá nhân và tổ chức có quyền nêu ý kiến của mình nếu như những gì mà họ nhận được từ sự đầu tư của nhà nước là quá thấp trong khi số thuế họ phải nộp quá cao hoặc họ cũng có thể kiểm tra việc chi tiêu của ngân sách nhà nước thông qua đại biểu của họ ở các cơ quan đại diện (như Quốc hội, Hội đồng nhân dân) và thông qua các báo cáo thường niên của các cơ quan này. Đặc điểm này của thuế nhằm phân biệt giữa thuế với phí và lệ phí. Phí và lệ phí cũng là các khoản thu mang
12 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2007, tr.10, phần khái niệm của Marx được các tác giả trích ra từ Các Mác, Ăng Ghen Tuyển tập, Nxb Sự Thật Hà Nội năm 1961
13 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2007, tr.10
14 Học viện Tài chính, Giáo trình Quản lý tài chính công, Nxb Tài chính năm 2005, tr. 106. Tuy nhiên, theo người viết, có thể thay đổi cụm từ “pháp nhân và thể nhân” thành “cá nhân và tổ chức” để bao quát hơn.
9
tính bắt buộc nhưng tính bắt buộc của phí và lệ phí gắn trực tiếp với việc khai thác và hưởng thụ lợi ích từ những dịch vụ công cộng nhất định do nhà nước cung cấp mà theo quy định của pháp luật có thu phí hoặc lệ phí.
1.2.3. Vai trò của thuế
- Thuế là công cụ chủ yếu trong việc tập trung các nguồn lực tài chính nhằm đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Để thực hiện tốt chức năng này, thuế phải bao quát hết các nguồn thu trong xã hội. Suy cho cùng, người làm luật thuế phải biết được “túi tiền” của người dân đang nằm ở đâu, làm cách nào để động viên cho hợp lý, phải suy tính khoản tiền nào thì nhà nước cần động viên, khoản nào thì để lại cho người dân.
- Thực hiện điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế. Tùy thuộc vào thực trạng kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, nhà nước hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh chính sách thuế nhằm thực hiện mục tiêu điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế quốc dân. Điều tiết vĩ mô nền kinh tế có nghĩa là nhà nước không can thiệp trực tiếp vào họat động kinh tế, xã hội bằng các mệnh lệnh hành chính mà nhà nước chỉ đưa ra những chuẩn mực mang tính định hướng lớn trên diện rộng và bằng các công cụ đòn bẩy để hướng các họat động kinh tế, xã hội đi theo, nhằm đạt được mục tiêu kinh tế đề ra, tạo hành lang pháp lý cho các họat động kinh tế - xã hội thực hiện trong khuôn khổ pháp luật15. Thuế được sử dụng như là một công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế thể hiện ở các điểm sau:
+ Nhà nước ban hành một hệ thống pháp luật về thuế áp dụng chung cho các cơ sở kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, tạo sự bình đẳng trong cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển16.
+ Nhà nước qui định số lượng các lọai thuế khác nhau, mức thuế khác nhau tùy theo từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, từng loại hàng hóa cụ thể thể hiện mức độ khuyến khích hay không khuyến khích, ưu đãi hay không ưu đãi, bảo hộ hay không bảo hộ, vv...Thông qua đó, nhà nước hướng dẫn các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh những ngành nghề, mặt hàng theo định hướng phát triển kinh tế của nhà nước. Hơn nữa, sự lựa chọn để quyết định áp dụng một loại thuế này hay thuế khác cũng góp phần điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế17.
+ Nhà nước có thể sử dụng tiền thuế thu được để tài trợ, trợ cấp cho một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh những ngành nghề, mặt hàng cần khuyến khích phát triển hoặc cần cung cấp đến các vùng sâu, vùng xa ở miền núi, hải đảo. Nhà nước cũng có thể đầu tư trực tiếp cho các công trình trọng điểm của cả nước hoặc của từng vùng, đầu tư vào những việc mà tư nhân không muốn làm hoặc không có khả năng làm.
+ Nhà nước thu thuế nhưng đồng thời cũng chi ngân sách cho phúc lợi xã hội, thúc đẩy công bằng xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân trong xã hội phát triển.
+ Nhà nước ký kết các hiệp ước về thuế với các nước trên thế giới nhằm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, giao lưu kinh tế, giảm tình trạng thu thuế chồng lắp.
15 Quách Đức Pháp, Thuế-Công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế, Nxb Xây Dựng, Hà Nội 1999, tr. 40
16 Quách Đức Pháp, Thuế-Công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế, Nxb Xây Dựng, Hà Nội 1999, tr. 44
17 Quách Đức Pháp, Thuế-Công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế, Nxb Xây Dựng, Hà Nội 1999, tr.44-47
10
2. Phân loại thuế
Có nhiều tiêu chí để phân lọai thuế. Tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu.
2.1. Phân loại thuế dựa trên mục đích điều tiết
Cách phân lọai này nhằm chỉ ra ai thực sự là người sẽ nộp thuế và ai sẽ là người chịu gáng nặng về thuế. Từ đó, giúp nhà làm luật đưa ra cách thức thu thuế phù hợp. Theo phân chia này, thuế được phân lọai thành thuế trực thu và thuế gián thu.
Thuế trực thu là lọai thuế mà khi xây dựng luật, mục tiêu của nhà nước là làm sao người nộp thuế cũng là người chịu gánh nặng của thuế và họ không thể chuyển gánh nặng này sang cho người khác được. Thuế trực thu thường đánh trên thu nhập, lợi nhuận và tài sản. Thuế trực thu có ưu điểm là đảm bảo sự công bằng trong việc điều tiết thu nhập của người nộp thuế, điều chỉnh khoảng cách giàu nghèo của các cá nhân trong xã hội nhưng hay gây ra sự phản ứng của người chịu thuế vì họ “trực tiếp” thấy được sự “mất mát” thu nhập, tài sản của họ khi nộp thuế. Cảm nhận này sẽ mạnh hơn khi nhà nước sử dụng tiền thuế mà người dân đã đóng không đúng mục đích, nạn tham nhũng quá nhiều và những phúc lợi xã hội mà người đóng thuế nhận được là quá ít. Thông thường vì phản ứng tâm lý này mà thuế trực thu thường khó thu, cơ chế quản lý phức tạp, tốn kém và người đóng thuế thường tìm cách tránh hoặc trốn thuế.
Thuế gián thu bao gồm các lọai thuế đánh trên hàng hóa dịch vụ. Thuế gián thu là lọai thuế mà người nộp thuế thường không gánh chịu gánh nặng về thuế. So với thuế trực thu, thuế gián thu ít gặp sự phản ứng từ người chịu thuế và người nộp thuế, nhưng lại ít công bằng. Ví dụ như A có thu nhập là 5.000.000 đ và B có thu nhập là 10.000.000 đ. Nếu A và B cùng chi tiêu cho thực phẩm là 2000.000đ tháng, nhà nước đánh thuế 10% lên thực phẩm. Như vậy cả A và B phải đóng thuế 200.000đ. Như vậy gánh nặng về thuế trên thu nhập của A (200.000đ/5000.000đ) là nhiều hơn B (200.000đ/10.000.000đ).
Tuy nhiên, Tự điển về thuế của IBFD (International Bureau of Fiscal Documentation) khẳng định rằng không có một sự phân định rạch ròi nào giữa thuế trực thu và thuế gián thu18. Ví dụ như thuế TNDN là thuế trực thu nhưng nếu doanh nghiệp là công ty cổ phần thì người nộp thuế là công ty nhưng người chịu thuế lại là các cổ đông góp vốn vì cổ đông chỉ được chia lợi nhuận sau khi côngty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.
2.2. Phân loại thuế dựa trên đối tượng tính thuế
Căn cứ vào đối tượng tính thuế, thuế được phân chia thành thuế đánh vào thu nhập, thuế đánh vào tài sản và thuế đánh lên tiêu dùng. Theo giáo trình của Trường Đại học Luật Hà Nội thì19:
18 International Bureau of Fiscal Documentation, International Tax Glossary, 3rd Edition, Amsterdam 1996, tr. 93
19 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2007, tr.16
11
- Thuế đánh vào tài sản là lọai thuế đánh vào bản thân tài sản chứ không phải đánh vào phần thu nhập phát sinh từ tài sản đó. Các lọai thuế như thuế nhà đất, thuế vốn, thuế chuyển nhượng tài sản, vv...
- Thuế đánh vào thu nhập chỉ thực hiện đối với những đối tượng có giá trị thặng dư phát sinh từ tài sản, sức lao động.
- Thuế tiêu dùng phần lớn là các lọai thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Đặc điểm của các lọai thuế trong nhóm này là đối tượng tính thuế chính là phần thu nhập của người chịu thuế được mang vào tiêu dùng vào thời điểm chịu thuế.
3. Các nguyên tắc xây dựng luật thuế
3.1. Nguyên tắc công bằng
Công bằng là một yêu cầu rất quan trọng trong việc xây dựng luật thuế. Tính công bằng của luật thuế thể hiện ở hai mặt pháp lý và kinh tế.
Theo các nhà kinh tế, tính công bằng của thuế được xem xét ở hai giác độ, công bằng theo chiều ngang và công bằng theo chiều dọc. Công bằng theo chiều ngang là các đối tượng có tình trạng và khả năng nộp thuế ngang nhau thì phải được đối xử về thuế như nhau. Công bằng theo chiều dọc là sự đối xử về thuế khác nhau đối với các đối tượng có tình trạng và khả năng đóng thuế khác nhau. Tính công bằng về thuế còn được các nhà kinh tế xem xét ở khía cạnh khả năng đóng thuế, lợi ích của người nộp thuế. Theo quan niệm này, công dân chỉ đóng thuế theo tỉ lệ tương ứng với những lợi ích mà họ nhận được từ nhà nước và họ chỉ đóng thuế theo khả năng của họ. Xét ở khía cạnh lý luận, những quan điểm này rất hợp lý và thể hiện quan điểm nhân văn cũng như dân chủ của chính sách thuế, tránh được tình trạng tận thu thuế, cũng như đòi hỏi nhà nước phải chú ý đến việc cung cấp các lợi ích công cộng tương ứng với sự đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên trên thực tế, có một số khó khăn khi vận dụng các quan điểm này. Xuất phát từ sự hoàn trả không trực tiếp của thuế, rất khó để cân đong đo đếm xem một người có nhận được những lợi ích công cộng tương đương với sự đóng góp của họ hay không. Ở những trường hợp mà mục tiêu của thuế là nhằm điều tiết thu nhập, rút ngắn khoảng cách giữa người giàu và người nghèo thì việc xác định mức độ tương thích giữa sự đóng góp và lợi ích nhận được này còn phải được phân tích kỹ lưỡng hơn vì một số lợi ích công cộng mà người giàu nhận được từ nhà nước sẽ khác so với một số lợi ích mà người nghèo được hưởng. Hoặc có một số lợi ích giống nhau nhưng người giàu sẽ có điều kiện để hưởng nhiều hơn và ngược lại. Áp dụng việc đánh thuế dựa trên khả năng đóng thuế của người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn đối với các quốc gia mà ở đó nhà nước không thể quản lý được tất cả các khoản thu nhập (chính thức, không chính thức) của người dân.
Về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam luôn luôn hướng đến sự công bằng, bình đẳng. Nguyên tắc này cũng được công nhận trong Hiếp pháp Việt Nam. Theo đó, mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử. Nguyên tắc công bằng này được đảm bảo bằng việc gắn chặt chính sách thuế với chế độ dân chủ và nhà nước pháp quyền.
12
3.2. Nguyên tắc khả thi
Nguyên tắc khả thi rất quan trọng trong việc xây dựng bất kỳ một đạo luật nào. Đối với luật thuế, nguyên tắc khả thi thể hiện ở những điểm sau:
- Nguyên tắc khả thi đòi hỏi luật thuế phải tính đến khả năng đóng thuế của người dân từ đó đưa ra cách thức điều chỉnh thích hợp. Nhà nước không thể bắt người dân đóng thuế khi họ không có khả năng đóng góp. Khả năng đóng góp của người dân thể hiện ở chỗ người dân chỉ phải đóng thuế khi mà thu nhập chịu thuế của họ là khoản thu nhập còn dư ra sau khi chi cho những nhu cầu cần thiết. Thông thường các quốc gia tính toán và đưa ra những định mức chi tiêu cần thiết áp dụng chung cho mọi người dân. Nếu thu nhập của họ không vượt quá định mức này, họ không phải đóng thuế. Khả năng đóng thuế của người dân còn thể hiện ở chỗ người dân có tiền để đóng thuế hay không mặc dù xét về sự giàu có về tài sản, họ có thể rất giàu. Lúc này nhà nước phải xem xét có đánh thuế hay không, nếu đánh thuế thì những người này sẽ làm gì để không phải đóng thuế hoặc phải làm gì để có tiền đóng thuế và từ đó đưa ra qui định phù hợp với ý chí của nhà nước (trong thời điểm đó).
- Nguyên tắc khả thi cũng thể hiện ở việc thi hành luật thuế. Cơ quan thuế phải có khả năng xác định đúng đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế, số thuế phải thu. Ngòai ra, cơ quan thuế cũng phải có khả năng phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp trốn thuế, tránh thuế.
3.3. Nguyên tắc rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu
Đóng thuế là nghĩa vụ của người dân vì vậy người dân có quyền được “hiểu” pháp luật thuế của nhà nước. Việc người dân hiểu được luật sẽ khuyến khích họ chấp hành luật và giảm tình trạng không công bằng. Thông thường, người dân cần được biết những vấn đề sau:
- Họ có phải là đối tượng nộp thuế/chịu thuế không?
- Nếu có, họ phái nộp thuế/chịu thuế bao nhiêu?
- Khi nào thì họ phải nộp thuế/chịu thuế
- Chuyện gì sẽ xảy ra khi họ không đóng thuế?
Nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu phải được thể hiện ở cả khía cạnh kinh tế lẫn pháp lý. Thông thường cơ quan thuế quan tâm nhiều đến số tiền thuế thu được cho ngân sách, nhưng người chịu thuế luôn muốn biết xem ngòai thuế, họ còn phải chịu thêm chí phí liên quan nào nữa hay không ví dự như chi phí thuê khai thuế, chi phí xin giấy phép ưu đãi đầu tư, thời gian mà họ phải bỏ ra để hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, vv...Giảm bớt các chi phí liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế rất quan trọng trong việc cải cách thuế. Hầu hết các quốc gia đều mong muốn luật thuế của mình đơn giản và dễ hiểu. Ví dụ như trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2004-2008, cả Kerry và Bush đều hứa là sẽ đơn giản hóa luật thuế. Điều này rất được người dân Mỹ hoan nghênh vì luật thuế liên bang của Mỹ đã gần 60.000 trang20. Sự phức tạp của luật thuế do nhiều yếu tố như sự phát triển của các lọai hình kinh tế, sự phát triển của các nguồn thu nhập, qui trình làm luật, vv...
20 Maurphy Cait, What the economy needs is simplier taxes, Fortune, Volume 150, Tháng 11 năm 2004
13
Tuy nhiên, nếu một luật thuế quá đơn giản cũng không phải luôn luôn là một điểm tích cực. Thuronyi đã chỉ ra rằng ở những nước đang phát triển có luật thuế rất đơn giản và với luật thuế như thế, các nước này không thể điều chỉnh những giao dịch phức tạp21. Cơ quan quản lý thuế không thể đưa ra được hướng dẫn thích hợp cho người nộp thuế, người chịu thuế hoặc cơ quan quản lý thuế không có khả năng kiểm tra những giao dịch đó dẫn đến tình trạng trốn, tránh thuế và thất thu ngân sách.
3.4. Nguyên tắc ổn định
Nguyên tắc ổn định được hiểu là luật thuế phải được ban hành và thực thi trong thực tiễn trong một khoảng thời gian thích hợp, hạn chế việc sửa đổi bổ sung thường xuyên và khi thay đổi phải có kế họach và thời hạn để các đối tượng có liên quan chuẩn bị. Sự ổn định của pháp luật thuế là một đòi hỏi chính đáng của người thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Theo Giáo trình quản lý tài chính công, Học viện Tài chính thì sự ổn định của hệ thống thuế là điều kiện quan trọng để ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo điều kiện để các thể nhân và pháp nhân lựa chọn kinh doanh và quyết định hình thức đầu tư22. Nếu nhà đầu tư không chắc chắn về nghĩa vụ thuế của họ đối với nhà nước, họ sẽ không thể tính toán chính xác lợi nhuận của họ. Tính ổn định cần được bảo đảm trong việc xác định đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, thuế suất, thời gian nộp thuế, chế tài khi vi phạm nghĩa vụ về thuế, vv...
Tuy nhiên, sự không ổn định cũng có điểm tích cực trong việc ngăn ngừa trốn thuế và tránh thuế. Một số người vì biết rõ những chế tài mà họ sẽ bị áp dụng khi trốn thuế lại trốn thuế vì có thể chế tài quá nhẹ và họ cũng biết rằng khả năng phát hiện hành vi trốn thuế của cơ quan quản lý thuế là không nhiều. Ngược lại, sự không ổn định của chế tài tại có thể làm cho người ta sợ mà không trốn thuế.
3.5. Nguyên tắc hiệu quả
Nguyên tắc này đòi hỏi sự kiểm tra của cơ quan lập pháp xem mục tiêu ban hành luật thuế có được đảm bảo không. Việc kiểm tra phải được tiến hành xuyên suốt trong quá trình áo dụng luật thuế . Nếu mục tiêu của việc ban hành luật thuế là nhằm mục tiêu tăng thu cho ngân sách nhà nước thì quốc hội phải kiểm tra xem số tiền thuế thu được có nhiều hơn chi phí mà nhà nước phải bỏ ra để thu thuế hay không23. Chi phí tổ chức quản lý thu thuế càng thấp và số thuế tập trung vào ngân sách càng lớn thì hiệu quả của hệ thống thuế càng cao24.
4. Những yếu tố cơ bản của luật thuế
4.1. Người nộp thuế, người chịu thuế
Theo cách hiểu thông thường, người chịu thuế là cá nhân, tổ chức mà theo ý chí của các nhà lập pháp họ thực sự phải chịu gánh nặng tài chính về một hoặc một số loại thuế nào đó. Còn
21 Victor Thuronyi, Comparative Tax Law, Kluwer Law International, 2003, tr.17,18
22 Học viện Tài chính, Giáo trình Quản lý tài chính công, Nxb Tài chính năm 2005, tr.112
23 Một số nhà nghiên cứu còn có quan điểm cho rằng khi tính toán chi phí, quốc hội cần xem xét chi phí của cả xã hội để bàn hành và thực hiện một luật thuế nào đó chứ không chỉ chú ý đến chi phí mà nhà nước bỏ ra để thu thuế.
24 Học viện Tài chính, Giáo trình Quản lý tài chính công, Nxb Tài chính năm 2005, tr.111
14
người nộp thuế là các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm nộp thuế cho nhà nước. Theo đó, người nộp thuế sẽ là cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng phải chịu một hoặc một số thuế nào đó theo quy định của pháp luật thuế và các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm khấu trừ, làm thủ tục thuế và nộp thuế thay cho đối tượng chịu thuế. Xác định được người chịu thuế có ý nghĩa về mặt nghiên cứu, xây dựng luật25. Trong khi đó quy định rõ các chủ thể là người nộp thuế rất có ý nghĩa trong việc quản lý, thu thuế. Trong các luật thuế Việt Nam, khái niệm người chịu thuế không được đề cập nhưng xác định rất rõ về các chủ thể nộp thuế.
Theo điều 6, Luật quản lý Thuế, người nộp thuế có các quyền như quyền được hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; được cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế; quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; quyền được giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật; được hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; được ký hợp đồng thuê các tổ chức kinh doanh dịch vụ thay mình làm thủ tục về thuế; được quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình. Ngoài ra, khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra thuế với mình, người nộp thuế được nhận văn bản kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế của cơ quan quản lý thuế đồng thời có thể yêu cầu giải thích nội dung kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế và được quyền bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế. Người nộp thuế được quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, được quyền tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của công chức quản lý thuế và tổ chức, cá nhân khác và được bồi thường những thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, người nộp thuế có các nghĩa vụ sau26:
- Đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.
- Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.
- Nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm.
- Chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
- Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế.
- Lập và giao hoá đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
25 Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện vì có loại thuế thì người nộp thuế cũng là người chịu thuế, có loại thuế người chịu thuế và người nộp thuế là hai đối tượng khác nhau. Thậm chí, trong cùng một loại thuế nhưng ở từng hoàn cảnh khác nhau, người nộp thuế có khi là người chịu thuế nhưng có khi không phải là người chịu thuế
26 Điều 7, Luật Quản lý thuế ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007
15
- Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
- Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.
4.2. Căn cứ tính thuế
Căn cứ tính thuế là những tiêu chí, số lượng cụ thể để xác định số thuế phải nộp. Căn cứ tính thuế thường được xác định dựa trên đối tượng chịu thuế và và mức thuế suất áp dụng cho từng đối tượng chịu thuế
4.2.1. Đối tượng chịu thuế
Đối tượng chịu thuế, theo giáo trình của Đại học Luật Hà Nội, là đối tượng khách quan phải thu thuế theo quy định của một đạo luật thuế, là vật chuẩn mà dựa vào đó nhà nước thu được một số tiền thuế nhất định27. Việc lựa chọn đối tượng chịu thuế phản ánh ý chí của nhà nước đối với kết quả họat động kinh tế xã hội và cũng là cơ sở phân biệt luật thuế này với luật thuế khác. Trong thực tế, đối tượng chịu thuế có thể là thu nhập, có thể là kết quả họat động kinh doanh hoặc có thể là tài sản28. Mặc dù đối tượng chịu thuế là cơ sở để phân biệt lọai thuế này với lọai thuế khác, nhưng điều đó không có nghĩa là đối tượng chịu thuế theo quy định của luật thuế này không phải là đối tượng chịu thuế của luật thuế khác. Tuy nhiên, sự đánh thuế nhiều lần lên một lọai đối tượng thường xảy ra trong những hòan cảnh đặc biệt và theo những mục tiêu điều chỉnh cụ thể của nhà nước. Ví dụ như một số hàng hóa có thể là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu; hoặc thuế đánh lên hành vi tiêu dùng thực chất là thuế đánh vào thu nhập vv...
4.2.2. Thuế suất
Thông thường thuế suất chỉ cho chúng ta biết là nhà nước sẽ thu được bao nhiêu thuế từ các đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, thuế suất được qui định trong luật đôi khi không phải là thuế suất thực tế mà các đối tượng phải nộp cho nhà nước. Thuế suất thực tế thường bị chi phối bởi các chế độ kế toán, tỉ giá hối đoái, ưu đãi về thuế, vv...Để xem xét, đánh giá một luật thuế, thông thường người ta sử dụng thuế suất thực tế. Tuy nhiên, việc xác định thuế suất thực tế rất khó khăn và các quốc gia có nhiều cách khác nhau để tính thuế suất thực tế.
Thông thường, thuế suất trong luật thuế được qui định theo các hình thức sau:
- Thuế suất luỹ tiến: là lọai thuế suất mà nó sẽ tăng lên dần dần cùng nhịp tăng tiến của đối tượng chịu thuế. Thuế suất này thường áp dụng khi xây dựng thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, khi thu nhập chịu thuế tăng thì thuế suất cũng tăng. Vì vậy nó có ưu điểm là điều tiết mạnh thu nhập từ người giàu. Thu được nhiều cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để thiết
27 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2007, tr.47
28 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2005, tr.47, 48
16
kế biểu thuế lũy tiến thì tốn nhiều công sức và biểu thuế này khá phức tạp. Có một số ý kiến cho rằng loại thuế suất này không khuyến khích người dân làm giàu.
- Thuế suất lũy thoái: trái với thuế suất lũy tiến, thuế suất sẽ giảm khi đối tượng chịu thuế càng tăng. Loại thuế suất này thường được sử dụng để khuyến khích tạo thêm đối tượng chịu thuế (nếu đối tượng chịu thuế là thu nhập, tài sản) hoặc khuyến khích tăng việc tiêu dùng một lọai hàng hóa, dịch vụ nào đó. Nhưng lọai thuế suất này thường được xem là ít công bằng và cũng rất phức tạp khi xây dựng và áp dụng.
- Thuế suất cố định: Thuế suất được cố định theo tỉ lệ phần trăm hoặc cố định bằng một số tiền. Thuế suất cố định thường đơn giản và khi thiết kế biểu thuế suất cũng ít phức tạp. Tuy nhiên, thuế suất cố định bằng một số tiền thường ít được áp dụng ở những quốc gia mà ở đó tỉ lệ lạm phát cao. Trong thực tế, đối với một số đối tượng, để tránh thất thu thuế cơ quan thuế có thể ấn định mức thuế cho tổ chức, cá nhân. Việc ấn định thuế thường dựa trên các tiêu chí như tài liệu kê khai của cá nhân, tổ chức, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, tham khảo ý kiến của các cơ quan có liên quan và phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Bản chất của mức thuế được ấn định khác với thuế suất cố định29.
Một đạo luật thuế có thể quy định một mức thuế suất duy nhất hoặc nhiều mức thuế suất khác nhau tùy thuộc vào thái độ của nhà nước. Việc quy định một mức thuế suất duy nhất sẽ tạo điều kiện dễ dàng trong việc áp dụng cho cả đối tượng nộp thuế và các cơ quan thu thuế, thể hiện sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế30. Trong thực tế, việc xác định các đối tượng chịu thuế cho từng mức thuế là rất phức tạp, ví dụ như có những hàng hóa mà tính năng sử dụng của nó vừa có thể được xếp vào nhóm thuế suất này hoặc có thể xếp vào nhóm thuế suất khác, hoặc do sự phát triển, giao lưu kinh tế quốc tế, các nguồn thu nhập của các cá nhân, tổ chức trong xã hội ngày càng phong phú, đa dạng vì vậy mà công tác phân loại trở nên phức tạp và khó khăn hơn.
Tuy nhiên, theo các tác giả của giáo trình Luật thuế, Đại học Luật Hà Nội thì mức thuế suất duy nhất lại không thể hiện được sự thu hút hay hạn chế hay hạn chế đối với lĩnh vực, ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ khác nhau31.
Ngoài ra, một số luật thuế còn quy định phương pháp tính thuế ví dụ như luật thuế giá trị gia tăng. Phương thức tính thuế được hiểu là những cách thức được pháp luật quy định cụ thể cho từng lọai thuế để có được một số tiền nhất định dựa trên những căn cứ tính thuế đã quy định trước32.
29 Xem điều 36, 37, 38, 39, 40, 41 của Luật Quản lý thuế ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007
30 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2007, tr. 49
31 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2007, tr. 49
32 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2007, tr.49, 50
17
5. Vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về thuế
5.1. Khái niệm
Theo giáo trình luật thuế của trường đại học Luật Hà Nội thì vi phạm pháp luật về thuế là hành vi làm trái các quy định pháp luật về thuế do tổ chức, cá nhân thực hiện một các cố ý hoặc vô ý, gây thiệt hại đến trật tự công cộng và phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi đó của mình33.
Theo lý luận chung về nhà nước và pháp luật thì hành vi vi phạm pháp luật được cấu thành bởi các yếu tố là mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể của hành vi vi phạm34. Như vậy, hành vi vi phạm pháp luật về thuế có các dấu hiệu cơ bản như sau:
- Chủ thể của hành vi vi phạm pháp luật về thuế là các tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến họat động thu thuế như người nộp thuế, cơ quan thuế hoặc công chức ngành thuế và các cá nhân khác. Những chủ thể này thường được trao các thẩm quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định khi tham gia vào quá trình thu thuế.
- Khách thể vi phạm pháp luật thuế là những quan hệ xã hội được pháp luật thuế bảo vệ, nhưng bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại.
- Hành vi vi phạm pháp luật thuế là hành vi trái pháp luật. Tính trái pháp luật của hành vi thể hiện qua việc làm trái những gì mà pháp luật thuế đòi hỏi chủ thể pháp luật phải tuân thủ khi họ tham gia vào quá trình hành thu thuế.
- Về phương diện chủ quan, vi phạm pháp luật về thuế bao giờ cũng phản ánh mức độ lỗi của người thực hiện.
Theo Luật quản lý thuế, hành vi vi phạm pháp luật về thuế bao gồm các hành vi sau đây35:
- Vi phạm các thủ tục quản lý thuế
- Chậm nộp tiền thuế
- Khai sai làm thiếu nghĩa vụ thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn
- Trốn thuế, gian lận thuế
Trong pháp luật thuế Việt Nam, vấn đề tránh thuế không được đề cập. Tránh thuế theo Tự điển Thuế của IBFD là thuật ngữ để chỉ việc người nộp thuế sắp xếp một cách hợp pháp những vấn đề có liên quan về thuế của mình để làm giảm nghĩa vụ thuế. Rất nhiều các quốc gia phân chia hành vi tránh thuế thành hành vi tránh thuế có thể chấp nhận được và hành vi tránh thuế không thể chấp nhận được. Hành vi tránh thuế có thể chấp nhận được ví dụ như việc di chuyển địa điểm kinh doanh, làm việc đến nơi có ưu đãi thuế hoặc thuế suất thấp, vv...Hành vi tránh thuế không thể chấp nhận được là các hành vi kinh doanh hợp bề ngoài là hợp pháp nhưng bản chất lại nhằm mục tiêu là tránh thuế. Những hành vi đó đã gián tiếp vi phạm pháp luật về thuế. Trong quá trình hội nhập, việc các công ty thuê mướn những chuyên gia tư vấn cho họ về thuế là điều không thể tránh khỏi và một điều chắc chắn là luật
33 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2007, tr. 308
34 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp năm 2006, tr. 501
35 Xem điều 103 của Luật Quản lý thuế ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007
18
sư càng giỏi thì kỹ thuật tránh thuế của họ cũng cao. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế cũng phải có những bước chuẩn bị để tránh bị thất thu về thuế.
5.2. Xử lý vi phạm pháp luật về thuế
5.2.1. Nguyên tắc
Việc xử lý vi phạm về thuế phải đảm bảo các nguyên tắc, thủ tục sau đây:
i) Mọi hành vi vi phạm pháp luật về thuế được phát hiện phải được xử lý kịp thời, công minh, triệt để. Mọi hậu quả do vi phạm pháp luật về thuế gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
ii) Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt hành chính thuế khi có hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
iii) Việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế phải do người có thẩm quyền thực hiện.
iv) Một hành vi vi phạm pháp luật về thuế chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật về thuế thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật về thuế thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
v) Việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định mức xử phạt thích hợp.
vi) Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ.
vii) Trường hợp vi phạm pháp luật về thuế đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thực hiện theo pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự.
5.2.2. Hình thức xử lý
Vi phạm pháp luật về thuế có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự
- Xử phạt vi phạm hành chính về thuế là việc áp dụng các biện pháp chế tài hành chính để xử lý các vi phạm về thuế mà chưa đến mức phải xử lý hình sự. Vì vậy, để áp dụng các chế tài các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi đó như thế nào. Các biện pháp chế tài hành chính bao gồm cảnh cáo, phạt tiền,vv...
Trong Luật quản lý thuế các hành vi vi phạm pháp luật về thuế được xếp theo nhóm và tương ứng với mỗi nhóm vi phạm có các hình thức chế tài. Ngòai ra, Luật còn quy định riêng hình thức xử lý đối với các vi phạm của công chức ngành thuế, cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, người bảo lãnh nộp thuế và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan36.
- Nếu vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải xử lý hình sự thì cơ quan Tòa án, căn cứ vào pháp luật hình sự để xét xử. Ngoài tội trốn thuế được quy định ở điều 161 của Bộ luật Hình
36 Xem Luật Quản lý thuế, Nghị định số 13/2009/NĐ-CP ban hành ngày 13 tháng 2 năm 2009 và Nghị định số 98/ 2009/NĐ-CP ban hành ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
19
sự, vi phạm hình sự có liên quan đến thuế còn có thể bị xử lý ở các điều khoản khác như điều 278 về tham ô tài sản, 279 về tội nhận hối lộ, vv....
6. Nguồn của luật thuế
- Nguồn quan trọng nhất của luật thuế là Hiến pháp. Hiến pháp quy định rõ nghĩa vụ của người dân là phải nộp thuế cho nhà nước. Hiến pháp cũng qui định chỉ có Quốc hội mới có quyền ban hành luật thuế;
- Các Luật do Quốc Hội ban hành, sửa đổi, bổ sung như Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế xuất nhập khẩu, Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất, Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, thuế cũng được qui định ở các văn bản luật khác như Luật dầu khí quy định về thuế tài nguyên của tổ chức khai thác dầu, khí trên lãnh thổ Việt Nam;
- Pháp lệnh do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, sửa đổi, bổ sung như Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, Pháp lệnh thuế tài nguyên, Pháp lệnh thuế nhà đất;
- Các văn bản dưới luật do Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng các bộ quản lý ngành quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh thuế dưới dạng nghị định, thông tư. Ngòai ra, các công văn của Tổng cục thuế cũng có ý nghĩa hướng dẫn cho các cục thuế địa phương áp dụng cụ thể một số qui định pháp luật thuế mà các cục thuế địa phương gặp khó khăn trong quá trình thực hiện;
- Các điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc cam kết thực hiện như OECD 1997 về “Hiệp định mẫu về tránh đánh thuế hai lần đối với các lọai thuế đánh vào tài sản và thu nhập” của tổ chức các nước kinh tế phát triển hay UN -1980 của Liên Hiệp Quốc về “Hiệp định mẫu của Liên Hiệp quốc về tránh đánh thuế hai lần giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển”, Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) vv...;
- Các điều ước quốc tế song phương mà Việt Nam ký kết. Việt Nam đã ký kết hơn 40 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia. Các quốc gia đó là: Algeria, Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Bangladesh, Belarus, Bỉ, Bulgaria, Canada, Cuba, Đài Loan, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hungary, Iceland, Ý, Lào, Luxemburg, Mông Cổ, Malaysia, Myanmar, Na Uy, Nga, Nhật, Pakistan, Pháp, Phần Lan, the Philippines, Romania, Czech, Singapore, Thái Lan, Thụy Điển., Thụy Sỹ, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Úc, Ukraine, Uzbekistan37
37 Nguồn: website của Tổng cuc thuế www.gdt.gov.vn
20
Câu hỏi
1. Phân biệt thuế với phí, lệ phí
2. Tại sao nói dù mang tên gọi khác nhau nhưng các loại thuế đều nhằm vào thu nhập của dân cư?
3. Hãy tìm bất kỳ một điều luật nào để chứng minh rằng đôi khi để đảm bảo nguyên tắc khả thi, nguyên tắc công bằng không được chú trọng?
4. Tạo sao chúng ta cần phải ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ?
5. Ưu và nhược điểm của từng loại thuế suất (lũy tiến, lũy thoái, cố định)?
6. Làm thế nào để giảm các vi phạm pháp luật về thuế?
Danh mục tài liệu tham khảo
B.E.V.Sabine, A Short History of Taxation, Butterworths London 1980
Chris White House, Revenue Law Principles and Practice, 21st Edition, Lexis Nexis TM UK, 2003
David F. Burg, A World History of Tax Rebellions, Routledge, Oxford UK 2004
Han Liang Huang, the Land Tax in China, Columbia University, New York 1918
Học viện Tài chính, Giáo trình Quản lý tài chính công, Nxb Tài chính năm 2005
http://www.gdt.gov.vn
http://www.taxworld.org/History/taxHistory.htm
International Bureau of Fiscal Documentation, International Tax Glossary, 3rd Edition, Amsterdam 1996
Maurphy Cait, What the economy needs is simplier taxes, Fortune, Volume 150, Tháng 11 năm 2004
Quách Đức Pháp, Thuế-Công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế, Nxb Xây Dựng, Hà Nội 1999
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thuế Việt Nam, NXB Tư pháp năm 2007
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp năm 2006
Victor Thuronyi, Comparative Tax Law, Kluwer Law International, 2003
Luật Quản lý thuế
Nghị định số 13/2009/NĐ-CP ban hành ngày 13 tháng 2 năm 2009 và Nghị định số 98/ 2009/NĐ-CP ban hành ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
21
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top